Kinh doanh cần biết: Mua tiệm phải gánh luôn nợ

Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng

H vốn chơi thân với N chớp được cơ hội, mua lại, vừa để giúp bạn, vừa hy vọng hưởng tiếp lộc bạn vẫn đang độ sang xuân.

Cuộc mua bán giữa người nhà với nhau diễn ra mau lẹ, giản đơn: H trả N 90.000 Euro. Tiệm được giao lại cho H trong lúc vẫn hoạt động bình thường như không hề biết đến chủ mới, vẫn khách hàng cũ tấp nập vào ra, vẫn những hãng cấp thực phẩm đều đặn như xưa, vẫn những thợ nấu đã thành thục tự động làm việc như khoán, cuối ngày H chỉ việc đến mở „Kasse“ kiểm tra bông và „đếm tiền“. Ai cũng tỵ H số hên, lộc trời tự nhiên mang đến.

Bức thư nhầm tên người nhận

Trong lúc đang rung đùi hưởng lộc, thì 2 năm sau, ngày 30.01, H nhận được một giấy nhắc nhở Mahnung, đóng dấu Sở Tài chính Finanzamt gửi tới:

Thưa qúy ngài !

Số tiền quý ngài phải đóng dưới đây, đến tận bây giờ vẫn chưa thấy chuyển cho Sở Tài chính. Nếu số tiền đó, thực sự ngài đã thanh toán, xin mời ngài đến ngay kho bạc Sở Tài chính làm rõ. Bằng không trong vòng một tuần lễ, kể từ ngày ngài nhận được giấy nhắc nhở này, ngài phải thanh toán số tiền đó cộng cả tiền phạt nộp trễ. Trong trường hợp không thực hiện, ngài phải tính đến khả năng, Sở Tài chính sẽ áp dụng biện pháp xiết nợ không cần thông báo trước, và ngài còn phải trả thêm cả phí tổn xiết nợ.

Thuế giá trị gia tăng USt., thuế môn bài GewSt., thuế lương LohnSt. năm 2003 và 2004 là:

Tổng nợ: 31.920,- Euro. Phạt nộp trễ: 422,- Euro. Tổng cộng: 32.342,- Euro

Lướt đoạn cuối, thấy tổng số nợ trên ba chục nghìn, H toát mồ hôi. Nhưng khi thấy dòng chỉ thời gian đòi thuế của 2 năm trước khi mua cửa hàng, thì H thở phào, lầu bầu: Thư gửi nhầm tên, té ra nội dung thư là của thằng N.

Sở Tài chính không phải là máy tính

Tuy vậy, để yên tâm, H mang bức thư đến phiên dịch tuyên thệ C, từng thông dịch bao nhiêu vụ xét xử thuế má, nhờ giải thích. Liếc qua, C phán: „Đừng lo. Sở Tài chính không phải là máy tính, nhầm là chuyện vặt hàng ngày. Mình đăng ký tiệm tháng 11 từ 2 năm trước, thì theo luật, thuế chỉ được quyền tính cho mỗi 2 tháng 11 và 12 của năm đo. Phần còn lại về trước chưa trả là trách nhiệm của N chủ cũ“. C viết giùm cho H một đơn khiếu nại Wiederspruch chống lại giấy nhắc nhở của Sở Tài chính, với phần nêu lý do:

Tôi nhận lại tiệm tháng 11, các khoản thuế tính cho 2 tháng của năm đó, dựa trên hồ sơ khai thuế tôi đã nộp cho Sở Tài chính, chỉ hết 366,-Euro.

H sau khi gửi đơn khiếu nại đến Sở Tài chính xong, coi như thế là kết thúc, lầm bầm chửi đổng Sở Tài chính báo hại anh suýt mất ăn mất ngủ.

Cái sẩy nảy cái ung đầu tiên

Sáu tuần sau, H chột dạ khi nhận được tờ phúc đáp của Sở Tài chính giải thích: H là con nợ trách nhiệm Haftungsschuldner phải chịu cả phần thuế cuả ông N của 2 năm (trước đó và năm bàn giao) theo Điều §75 AO. Hai khái niệm Harftungsschuldner và §75 AO, H không thể hiểu, chỉ ngờ ngợ rằng, hình như họ đòi mình trả thay cho chủ cũ còn mắc nợ họ. Bức thư lại được mang đến nhờ cậy thông dịch C giải thích. Với bề dày kinh nghiệm dịch thuật, chưa lần nào vấp, bất biết tình huống cụ thể xảy ra lần này khác các trường hợp đã biết, C vẫn cứ lập luận cũ, lướt đọc ngắt quãng, rồi phẩy tay: „Yên tâm, Sở Tài chính sẽ tự phát hiện được. Không lý gì người khác nợ, mình trả. Cứ chờ sẽ biết, không có đến bức thư thứ ba“. Đúng là không có đến bức thư thứ ba thật. Mấy tuần tiếp theo vẫn thấy yên ắng, H yên tâm, lẩm bẩm rủa tiếp Sở Tài chính, rồi quên bẵng luôn.

Ngày 11.4, H nhận được giấy Mahnung của chủ cho thuê cửa hàng nhắc nhở anh chưa trả tiền nhà 2 tháng, và ra điều kiện sẽ hủy ngang hợp đồng, nếu trong vòng 14 ngày tới họ không nhận được tiền. H bực mình, cảm giác họa vô đơn chí, vụ thuế chưa qua lại vụ chủ nhà tự dưng tới, bởi tiền nhà từ trước vẫn được ngân hàng tự động trích từ tài khoản của anh trả vào tài khoản chủ nhà không hề trục trặc. Tới ngân hàng kiểm tra, H mới ngớ người, tài khoản của anh đã bị Sở Tài chính phong tỏa. Cả H lẫn C đều tức điên vì nghĩ Sở Tài chính qúa vô lý, nhất quyết cậy luật sư kiện lại.

Xả bực tức

Không như dến các Văn phòng Luật sư Đức, ở đó thân chủ chỉ ký giấy ủy quyền và trình bày yêu cầu lẫn nội dung sự việc trong khoảng thời gian có giới hạn, đến Văn phòng luật sư Việt, hai người xả hết mọi bức tức như người nhà, nhờ giải thích mọi sự cho ra nhẽ, với hàng loạt câu hỏi, người khác kinh doanh sao tôi phải trả thuế ? Chủ cũ nợ sao bắt chủ mới trả ? Người mua đâu biết người bán mắc nợ ? Văn phòng Luật sư trở thành buổi tọa đàm, xê mi na không chính thức. Luật sư Việt phải bắt đầu giảng giải từ Điều 75, Luật nộp thuế, ban hành năm 1977 nói về Trách nhiệm pháp lý của người tiếp nhận doanh nghiệp (AO 1977 § 75 Haftung des Betriebsübernehmers). Điều luật không phải ai cũng biết này, nhất là người Việt, đòi chủ mới phải chịu trách nhiệm trong thời hạn tới 1 năm sau khi mua bán, đối với thuế của chủ cũ nảy sinh trong cả 2 năm (trước và trong năm mua bán). Điều luật trên đưa ra nhằm ngăn chặn những thủ đoạn sau khi kinh doanh vài năm cố tình nợ thuế, tìm cách bán cho người khác, rồi báo phá sản để xù nợ, đồng thời xuất phát từ thực tế chủ mới trước khi mua, buộc phải rà soát sổ sách công ty, liên hệ với Sở Tài chính để biết nợ nần, kiểm tra thực tế kinh doanh, xem có lãi mới mua và như vậy chắc chắn chủ mới sẽ đủ khả năng trả nợ. Đó là cách nắm người có tóc.

Còn nước còn tát

Thất vọng, nhưng với tâm lý còn nước còn tát, A cố đặt câu hỏi cuối cùng, liệu còn cách nào nữa không ? – Luật sư Việt đáp: „Vấn đề chỉ còn trông đợi vào hợp đồng mua bán. Nếu trong hợp đồng mua bán, bên bán có dấu hiệu lừa đảo thì có thể kiện họ đòi lại số tiền mình phải trả !“. - „Chỉ có biên lai nhận tiền và biên bản bàn giao cửa hàng thôi“, A trả lời nhẹ nhàng như mua bán mớ rau con cá và nhận ngay ra rằng, thế là hết nước. Rồi anh chép miệng kết thúc buổi tọa đàm: „Thôi, có kiện được cũng vô ích, tiền bán tiệm hắn cũng nướng sạch vào sòng bạc rồi!“, A đành ngậm ngùi, vớt vát cái cuối cùng, nhờ luật sư đệ đơn, xin trả dần !

Lời khuyên

Cần phân biệt mua bán cửa hàng với mua bán tài sản và thuê lại cửa hàng. Mua bán cửa hàng phải chịu sự điều chỉnh của điều luật §75. Còn mua bán tài sản và thuê lại cửa hàng không chịu chi phối bởi điều luật trên. Nếu người mua không thể tiên liệu được nợ nần của người bán (thuế và các khoản cho vay đầu tư khác), thì tốt nhất chỉ nên mua từng tài sản riêng lẻ và làm việc với chủ nhà để thuê lại cửa hàng. Trong trường hợp đó, về thủ tục, chỉ cần trong giấy đăng ký cửa hàng, người mua khai: thành lập mới, không tiếp nhận cơ sở cũ. Trong giấy báo cắt cửa hàng, người bán khai: không chuyển giao doanh nghiệp cho ai cả. Với cách làm trên, sẽ không thể vận dụng được điều §75, tránh được mọi hậu họa về sau. Trong trường hợp chọn phương án mua bán cửa hàng, thì hai bên mua bán nên lập biên bản ký nhận trị giá tài sản chuyển giao (übernomme Vermögen). Nếu sau này phát hiện nợ của chủ cũ vượt qúa tổng gía trị tài sản chuyển giao, thì theo đoạn 2 Luật AO 1977 § 75 Haftung des Betriebsübernehmers nói trên, chủ mới không phải trả phần vượt qúa đó. Trong trường hợp H, luật sư đã không viện dẫn được đoạn 2 để chống lại số tiền thuế lớn như vậy, vì cả hai không lập danh mục trị giá tài sản khi mua bán tiệm. Mặt khác, khi nhận được quyết định Festsetzung của Sở Tài chính về số tiền thuế phải trả, H đã bỏ qua thời hạn chống lại. Chỉ đến khi có giấy nhắc nhở Mahnung mới bắt đầu “chạy“, thì đã qúa trễ. Âu cũng là một bài học quý giá dành cho người khác rút được kinh nghiệm, còn mình thì phải trả học phí !

Đức Việt Online

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Đọc nhiều nhất

Lên đầu trang