Khủng hoảng ở Haiti; Venezuela dừng XK dầu; Thủ tướng New Zealand từ chức; Domino hỗ trợ vũ khí; Nhật & cuộc đua Mỹ-TQ

NĂM MỚI ĐẾN NHƯNG HAITI VẪN GẶP HÀNG LOẠT KHỦNG HOẢNG CŨ

(Ảnh minh hoạ).

Người dân Haiti đang phải đối mặt với hàng loạt cuộc khủng hoảng như nạn đói, dịch tả và bạo lực băng đảng, trong khi chính phủ dường như không có khả năng kiểm soát tình hình.

Vào tháng này, 10 thượng nghị sĩ cuối cùng trong Quốc hội Haiti đã chính thức rời nhiệm sở. Quốc gia Caribe này không còn một quan chức chính phủ dân bầu nào khi phải đối mặt với hàng loạt thảm họa đan xen: Nạn đói, dịch tả, bạo lực băng đảng, thiếu nhiên liệu và suy sụp kinh tế.

“Tình hình chưa từng có trong lịch sử Haiti”, giáo sư Matthew Smith, một nhà sử học về Haiti tại trường ​​University College London cho biết. “Bạn có thể thấy lịch sử của Haiti là một chuỗi khủng hoảng, chỉ có những khoảng thời gian hòa bình và hy vọng ngắn ngủi, nhưng chưa từng có bất cứ điều gì giống như thế này”.

Nguyên nhân khủng hoảng

Đất nước đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ vụ ám sát cựu Tổng thống Jovenel Moise vào năm 2021, nhưng nguyên nhân của cuộc khủng hoảng trước mắt có thể đã xuất phát từ lâu, theo Guardian.

Haiti đã không tổ chức được các cuộc bầu cử đem lại kết quả khả quan kể từ năm 2019, và chính quyền nước này đã ở trong tình trạng mong manh kể từ sau trận động đất năm 2010 khiến 300.000 người thiệt mạng.

Nhưng cái chết của ông Moise vào tháng 7/2021, cùng trận động đất mới ngay tháng sau đó, khiến tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát.

Ông Ariel Henry được bổ nhiệm làm thủ tướng theo một sắc lệnh do cố Tổng thống Moise ký 2 ngày trước khi bị ám sát, song ông chưa kịp tuyên thệ nhậm chức. Vì vậy, việc ông tiếp nhận vai trò lãnh đạo đất nước bị nhiều người coi là bất hợp pháp.

Vào tháng 9/2022, liên minh các băng nhóm có tên “G9” đã phong tỏa cảng chính và kho trung chuyển dầu quan trọng, sau khi ông Henry tuyên bố cắt trợ cấp xăng dầu và khiến giá nhiên liệu tăng gấp đôi.

Động thái của ông Henry dẫn đến tình trạng thiếu xăng và dầu diesel, khiến phần lớn hoạt động vận tải phải tạm dừng. Điều này làm thiếu hụt hàng hóa cơ bản, bao gồm cả nước sạch, theo Reuters.

Haiti cũng phải trải qua nạn đói tồi tệ nhất chưa từng có, với 4,7 triệu người đối mặt với nạn đói cấp tính.

Tình hình hiện tại của đất nước được cho là bị ảnh hưởng một phần bởi lịch sử đen tối từ những can thiệp quốc tế.

“Những can thiệp đó đã định hình Haiti”, ông Smith nói.

Hậu quả của khoảng trống quyền lực

Trong bối cảnh nhà nước tê liệt, các băng đảng đã lấp đầy khoảng trống quyền lực.

Port-au-Prince được cho là trung tâm của tình trạng bạo lực. Nơi đây đã xảy ra nhiều vụ bắt cóc, cưỡng hiếp tập thể và thậm chí ghi nhận nhiều dân thường thiệt mạng, theo báo cáo của Liên Hợp Quốc.

Trên thực tế, băng đảng có vai trò lâu đời trong đời sống chính trị và hoạt động song song với các tác nhân chính trị ở Haiti từ những năm 1950 để đe dọa đối thủ, kéo về phiếu bầu.

Ông Smith cho biết có những phỏng đoán về mối quan hệ giữa các nhà tài phiệt với băng đảng ở Haiti, cùng việc buôn bán ma túy giật dây.

“Việc buôn bán ma túy quốc tế là một phần rất quan trọng, nhưng đó mới chỉ là khởi đầu”, ông chia sẻ. “Bây giờ, các băng nhóm đã bảo đảm quyền lực tại địa phương, dường như không có nhân tố mạnh hơn nào có thể kiểm soát chúng. Tình hình đã tiến triển theo hướng không thể hiểu được”.

Tác động

Theo Guardian, có gần 100 băng đảng ở Port-au-Prince. Các băng đảng kiểm soát các con đường chính và thu lợi từ hải quan, cùng việc phân phối điện nước, thậm chí cả dịch vụ xe buýt.

Việc được kết nạp vào băng đảng đã trở thành điều gì đó “đáng mơ ước” đối với một số thanh niên. Một vài băng đảng hiện có cả danh sách xếp hàng chờ kết nạp.

Sau nhiều năm can thiệp vào chính trị, quân đội Haiti bị giải tán vào năm 1995. Quân đội nước này đã được tái lập nhưng chỉ có 500 binh sĩ. Cảnh sát cũng tỏ ra bất lực.

Tình trạng bạo lực buộc các bệnh viện phải đóng cửa và được cho là một phần nguyên nhân khiến dịch tả bùng phát trở lại. Nó cũng dẫn đến tình trạng thiếu nhiên liệu làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng.

Tháng 1, Liên Hợp Quốc ước tính 155.000 người dân đã rời bỏ nhà cửa, tương đương gần 1/6 dân số của thành phố Port-au-Prince.

Làm thế nào để Haiti thoát khỏi khủng hoảng?

Hai bước quan trọng nhất để lập lại trật tự ở Haiti là chấm dứt quyền lực của các băng đảng và tổ chức cuộc bầu cử mới. Thế nhưng, cả hai dường như là viễn cảnh xa vời.

Một gợi ý khác là triển khai lực lượng quốc tế - ý tưởng được Thủ tướng Henry ủng hộ.

MỹCanada đã và đang có các cuộc đàm phán khẩn cấp, thảo luận về triển vọng thành lập lực lượng do Canada lãnh đạo tại hội nghị thượng đỉnh vào ngày 10/1.

Trước đó, hai quốc gia này đã gửi các phương tiện thiết giáp tới Haiti để giúp lực lượng nước này tăng cường năng lực, AP cho biết.

Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho hay giải pháp đang được đưa ra bàn luận có giới hạn, khi đây là “phái bộ không thuộc Liên Hợp Quốc, do một quốc gia đối tác dẫn đầu, cần có kinh nghiệm” để xử lý tình hình hiệu quả.

Nhiều ý kiến lo ngại việc can thiệp có thể khiến các quốc gia gửi quân bị cuốn vào cuộc chiến kéo dài, không có lối thoát rõ ràng. Các nhà hoạt động xã hội Haiti cũng cảnh báo điều này có thể làm trầm trọng hơn bạo lực mà không đưa ra giải pháp lâu dài.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo phe đối lập vẫn tỏ ra không quan tâm đến việc thống nhất thời gian biểu cho cuộc bầu cử mới, chừng nào mà quyền lực của ông Henry vẫn chưa bị kiềm chế.

Tuy nhiên, với một nhà lãnh đạo không khoan nhượng và khi sự can thiệp của nước ngoài vẫn là vấn đề nhức nhối, thật khó để thấy Haiti sớm thoát khỏi khủng hoảng.

(Nguồn: Zing News)

VENEZUELA BỖNG DỪNG XUẤT KHẨU DẦU

PDVSA – công ty nhà nước hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu dầu của Venezuela – vừa tạm dừng hầu hết hoạt động xuất khẩu dầu để đánh giá lại các điều khoản trong hợp đồng sau khi công ty này có lãnh đạo mới.

Hoạt động đánh giá này nhằm đảm bảo không có sự vướng mắc nào trong việc thanh toán, theo Reuters. Kể từ khi nhận lệnh trừng phạt từ Mỹ, PDVSA đã phải nhờ đến trung gian để xuất khẩu dầu, từ đó việc thanh toán cũng trở nên phức tạp.

Thương mại dầu mỏ của Venezuela bắt đầu bị Mỹ áp lệnh trừng phạt từ năm 2019 dưới thời ông Donald Trump. Sau này chính quyền ông Biden quyết định nới lỏng một số biện pháp trừng phạt đó sau khi các cuộc đàm phán được nối lại giữa chính phủ của ông Nicolas Maduro và phe đối lập.

Hoạt động dừng xuất khẩu diễn ra chỉ vài tuần sau khi PDVSA bắt đầu xuất khẩu dầu trở lại Mỹ. Dù bị trừng phạt, xuất khẩu dầu vẫn là một trong những nguồn thu chủ đạo của Venezuela. Caracas cho hay xuất khẩu dầu chiếm đến 65% ngân sách nhà nước của Venezuela trong năm nay.

Cụ thể, Venezuela đặt mục tiêu thu về ngân sách 14,7 tỷ USD trong năm nay, trong đó 9,34 tỷ USD là đến từ PDVSA – tăng 14% so với năm 2022.

Điều này đồng nghĩa PDVSA sẽ phải tăng sản lượng hoặc cầu mong một đợt tăng giá dầu mạnh trong năm nay. Năm ngoái, lượng dầu xuất khẩu của quốc gia này đạt 600.000-700.000 thùng/ngày, thấp hơn nhiều so với mức 1 triệu thùng/ngày mà Tổng thống Nicolas Maduro mong muốn.

(Nguồn: Soha)

THỦ TƯỚNG NEW ZEALAND ĐỘT NGỘT TỪ CHỨC

(Ảnh minh hoạ).

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã tuyên bố từ chức trong một thông báo gây sốc, theo The Guardian.

Tại cuộc họp thường xuyên của đảng lãnh đạo hôm 19/1, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết bà “không còn đủ can đảm” để thực hiện công việc.

“Tôi sẽ đi, bởi vì một vai trò đặc quyền như vậy đi kèm với trách nhiệm. Trách nhiệm phải biết khi nào bạn là người phù hợp để lãnh đạo và cả khi nào bạn không còn phù hợp nữa. Tôi biết công việc này đòi hỏi những gì. Và tôi biết rằng tôi không còn đủ năng lực để thực hiện điều đó một cách công bằng. Đơn giản là như vậy”, bà nói.

Nhiệm kỳ thủ tướng của bà sẽ kết thúc muộn nhất là vào ngày 7/2.

“Tôi là con người, các chính trị gia cũng là con người. Chúng tôi cung cấp tất cả những gì chúng tôi có thể. Sau đó là vấn đề thời gian. Đối với tôi, đã đến lúc”, bà nói. Thủ tướng Ardern cho biết bà đã suy nghĩ trong suốt kỳ nghỉ hè về việc có đủ năng lượng để tiếp tục đảm nhận vai trò này hay không và kết luận là không.

Ardern trở thành nữ nguyên thủ quốc gia trẻ nhất thế giới khi được bầu làm thủ tướng năm 2017 ở tuổi 37. Bà đã lãnh đạo New Zealand vượt qua đại dịch COVID-19 và các thảm họa lớn bao gồm vụ tấn công khủng bố vào hai nhà thờ Hồi giáo ở Christchurch và vụ phun trào núi lửa ở White Island.

Khi được hỏi bà muốn người dân New Zealand nhớ đến vai trò lãnh đạo của mình như thế nào, Ardern nói “với tư cách là một người luôn cố gắng tử tế".

“Tôi hy vọng có thể để lại trong người New Zealand niềm tin rằng các bạn có thể vừa tử tế vừa mạnh mẽ, đồng cảm nhưng quyết đoán, lạc quan nhưng tập trung. Và rằng bạn có thể trở thành kiểu lãnh đạo của chính mình – một người biết khi nào thì đến lúc phải ra đi", bà nói.

(Nguồn: CafeF)

HIỆU ỨNG DOMINO TRONG HỖ TRỢ VŨ KHÍ CHO UKRAINE SẼ BẮT ĐẦU?

Cuộc xung đột ở Ukraine đã rơi vào bế tắc nhưng cục diện xung đột có thể sẽ dịch chuyển sau khi Anh thông báo cung cấp cho Kiev xe tăng hạng nặng.

Hiệu ứng domino trong hỗ trợ vũ khí cho Ukraine

Việc cung cấp xe chiến đấu bộ binh Bradley của Mỹ cùng với xe chiến đấu bộ binh Marder của Đức và xe tăng hạng nhẹ AMX-10 do Pháp sản xuất đã đánh dấu sự dịch chuyển quan trọng của phương Tây so với thái độ thận trọng trong những ngày đầu xung đột. Mới đây, Anh cũng thông báo sẽ vận chuyển 14 xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2 cho Ukraine.

Ông Matthew Sussex, một học giả cấp cao tại Trung tâm Quốc phòng thuộc Đại học Quốc gia Australia nhận định với ABC rằng sau các động thái trên, có thể sẽ có nhiều quốc gia NATO sẽ bất chấp rủi ro và có bước đi tương tự về loại vũ khí họ sẵn sàng cung cấp.

Đức cũng được dự báo là sẽ nhượng bộ trước sức ép về việc đồng ý xuất khẩu xe tăng Leopard 2 - được cho là một trong những xe tăng tốt nhất của phương Tây.

"Vẫn có nhiều sự e ngại ở các nước Tây Âu về việc cung cấp xe tăng cho Ukraine. Nhưng quyết định của Anh có lẽ là khởi đầu cho điều mà Kiev gọi là hiệu ứng domino”, Giáo sư Sussex đánh giá. Theo ông, có những dấu hiệu cho thấy châu Âu sẽ sớm tăng cường ủng hộ mạnh mẽ cho Kiev.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhận định với truyền thông Đức ngày 15/1 rằng cuộc xung đột đang ở giai đoạn quyết định và việc cung cấp cho Ukraine các vũ khí cần thiết đóng vai trò quan trọng để quyết định thành công. Bình luận trên được đưa ra giữa bối cảnh Nga tấn công dồn dập UAV và tên lửa nhằm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine.

Trong những tháng gần đây, phạm vi vũ khí được cung cấp cho Ukraine ngày càng mở rộng.

Đặc biệt, phương Tây đã hỗ trợ Kiev tăng cường khả năng phòng không khi cung cấp các hệ thống tiên tiến như NASAMS và IRIS-T. Tháng 12/2022 đã ghi nhận một dấu mốc quan trọng mới khi Mỹ nhất trí cung cấp hệ thống phòng không hiện đại nhất của mình là Patriot cho Ukraine.

Giáo sư Sussex bình luận: "Cuộc xung đột đã phần nào chững lại và nếu Ukraine có bất kỳ cơ hội nào để đẩy lùi các lực lượng của Nga khỏi lãnh thổ thì nước này cần nhận được nhiều vũ khí tấn công hơn".

"Xe tăng khá quan trọng để thực hiện điều đó", chuyên gia này cho hay.

Các nước châu Âu đã cung cấp cho Ukraine hơn 300 xe tăng Liên Xô được hiện đại hóa kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự vào tháng 2/2022. Mặc dù đầu tháng này, Pháp, Đức và Mỹ đã lần lượt cam kết hỗ trợ Ukraine xe tăng hạng nhẹ AMX-10 RC, 40 xe chiến đấu bộ binh Marder và 50 xe chiến đấu bộ binh Bradley, nhưng điều khiến các xe tăng chiến đấu chủ lực như Challenger 2 khác biệt là chúng sở hữu các khẩu pháo lớn hơn và đạn pháo xuyên giáp hiệu quả hơn.

"Nếu sở hữu đủ những vũ khí này, quân đội có thể tạo ra lỗ hổng đáng kể trong phòng tuyến của đối phương", ông Sussex nói.

Vasyl Myroshnychenko - Đại sứ Ukraine tại Australia nhận định với ABC rằng các xe tăng sẽ cung cấp cho Ukraine khả năng chiến đấu và sự bảo vệ cần thiết để giành chiến thắng.

"Để giành chiến thắng cuộc xung đột này, chúng tôi cần những vũ khí phù hợp để đẩy lùi quân đội Nga khỏi Ukraine", ông cho biết.

Dù vậy, các quốc gia như Đức cho rằng việc cung cấp các phương tiện như xe tăng, được trang bị các vũ khí tấn công, có nguy cơ kéo phương Tây vào xung đột. Ngoài ra, các nước này cũng lo ngại những động thái trên có thể bị coi là hành vi leo thang căng thẳng.

Cam kết của Anh cuối tuần trước về việc cung cấp xe tăng hạng nặng cho Ukraine đã khiến Moscow phải lên tiếng khi cảnh báo rằng điều này chỉ "làm gia tăng" xung đột.

"Đưa xe tăng tới khu vực xung đột sẽ chỉ làm gia tăng các cuộc giao tranh, gây ra nhiều thương vong hơn, trong đó có thương vong cho dân thường", Đại sứ quán Nga tại Anh cho hay.

Thời gian không đứng về phía Ukraine

Có thể thấy trong những tháng gần đây, những lo ngại của phương Tây về việc căng thẳng leo thang dường như đã giảm bớt. Dù vây, một số nhà phân tích an ninh cho rằng sự thay đổi lập trường của phương Tây dường như vẫn khá khiêm tốn so với những gì Ukraine cần để duy trì các thành quả quân sự, đặc biệt trong bối cảnh Tổng thống Putin dường như cho thấy rằng thời gian đang đứng về phía Nga.

Mỹ và các đồng minh NATO "đã bắt đầu từ lập trường vô cùng thận trọng" nhưng họ đã dần thay đổi điều đó trong thời gian qua, Matthew Schmidt, nhà khoa học chính trị chuyên nghiên cứu về Nga và Ukraine tại Đại học New Haven ở Connecticut đánh giá.

Một số nhà quan sát cho rằng sự sẵn sàng của phương Tây nhằm cung cấp các vũ khí mạnh hơn cho thấy Mỹ và châu Âu ngày càng tin tưởng vào khả năng chiến đấu của Ukraine nếu được cung cấp vũ khí phù hợp.

"Đây là thời điểm phù hợp cho Ukraine để tận dụng khả năng của mình nhằm thay đổi cục diện chiến trường", Laura Cooper, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng nhận định tuần trước tại Lầu Năm Góc. Thông báo về gói hỗ trợ quân sự mới trị giá hơn 3 tỷ USD, trong đó có 50 xe Bradley, bà cho biết: "Chúng tôi đánh giá Ukraine có thể tiến công và giành lại lãnh thổ".

Tuy nhiên, cùng với những đánh giá lạc quan của phương Tây về khả năng quân sự của Ukraine và triển vọng chiến thắng nếu được cung cấp vũ khí phù hợp đi kèm một cảnh báo: Đó là việc hỗ trợ cho Ukraine trong thời điểm hiện tại là điều cần thiết bởi thời gian đang không đứng về phía Kiev.

Giới quan sát nhận định, cuộc xung đột đang chững lại và việc nó kéo dài nhiều năm sẽ không có lợi cho Ukraine. Bên cạnh đó, Nga đang tăng cường nỗ lực tiến công ở phía Đông với các cuộc giao tranh ác liệt và đã giành được thị trấn Soledar có tầm quan trọng chiến lược gần Bakhmut.

"Việc Ukraine giành chiến thắng hoàn toàn là điều khó có thể xảy ra và càng trở nên bất khả thi hơn nếu xung đột kéo dài. Trên thực tế, một cuộc xung đột xung đột tiêu hao kéo dài có thể sẽ khiến tình hình ngày càng tồi tệ hơn", Sven Biscop, chuyên gia thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Hoàng gia tại Brussels đánh giá.

(Nguồn: VOV)

NHẬT BẢN VÀ BÀI TOÁN MANG TÊN MỸ - TRUNG TRONG CUỘC ĐUA CÔNG NGHỆ

(Ảnh minh hoạ).

Nhật Bản cho biết sẽ tăng cường phối hợp với Hoa Kỳ nhằm hạn chế xuất khẩu công nghệ cao sang Trung Quốc…

Xung đột căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc kéo dài trong nhiều năm, dẫn đến hệ quả Mỹ đã tập hợp các đồng minh để ngăn chặn Trung Quốc phá vỡ chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu. Tuy nhiên, dự án thí điểm "Liên minh Chip" với sự tham gia của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đã liên tục đối mặt với nhiều rào cản kể từ khi ý tưởng này được đưa ra lần đầu tiên vào năm ngoái, theo Tech Wire Asia.

Cục diện có thể thay đổi trong năm nay, khi một quan chức thương mại cấp cao của Nhật Bản gần đây đã chia sẻ ý định thúc đẩy hơn nữa hợp tác với Hoa Kỳ nhằm hạn chế xuất khẩu công nghệ cao sang Trung Quốc của nước này. Trong chuyến thăm tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yasutoshi Nishimura cho biết: "Chúng tôi bắt buộc phải tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kiểm soát xuất khẩu".

Bộ trưởng Nishimura cho rằng động thái này rất quan trọng, đặc biệt là "để giải quyết việc lạm dụng các công nghệ tiên tiến mới nổi từ các tác nhân độc hại và chuyển giao công nghệ không phù hợp". Đề xuất “Liên minh Chip” bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan vì những quốc gia này vượt trội trong một số phân khúc nhất định của ngành công nghiệp bán dẫn và nếu kết hợp sức mạnh của mỗi thành viên tham gia sẽ tạo ra một chuỗi cung ứng chất bán dẫn hoàn chỉnh từ khâu thiết kế đến sản xuất.

Đối với Hoa Kỳ, bằng cách tập hợp các nguồn lực lại với nhau, liên minh trở thành một nền tảng thúc đẩy đột phá công nghệ và chống lại sự gián đoạn nguồn cung xuất phát từ xung đột thương mại hoặc căng thẳng địa chính trị. Ông Nishimura cũng cho biết Tokyo muốn hợp tác chặt chẽ hơn với Washington để cùng phát triển các công nghệ lưỡng dụng, vì những thách thức quân sự gia tăng từ Bắc Kinh gây căng thẳng trên eo biển Đài Loan sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ khi đó là bà Nancy Pelosi đến thăm vào tháng 8/2022.

"Chúng tôi sẽ thực hiện kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt dựa trên hợp tác quốc tế đồng thời tham gia chặt chẽ vào việc trao đổi quan điểm với Mỹ và các quốc gia liên quan khác", ông Nishimura nói. Phát biểu của vị Bộ trưởng này chỉ đơn giản là đưa ra tín hiệu mới nhất rằng Nhật Bản có khả năng tham gia - nếu không muốn nói là hoàn toàn chắc chắn - lệnh cấm chip của Mỹ đối với Trung Quốc trong bối cảnh cuộc chiến bán dẫn khốc liệt giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Khi chính quyền Biden liên tục đưa ra các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chống lại Trung Quốc vào tháng 10/2022, điều này đã làm tê liệt khả năng của Bắc Kinh trong việc mua lại công nghệ và thiết bị chip cao cấp đến từ Mỹ. Động thái này, được coi là tồi tệ nhất nhưng cũng hiệu quả nhất, góp phần ngăn cản công dân Hoa Kỳ làm việc cho một số công ty nhất định. Tuy nhiên, các chuyên gia lập luận rằng sự thành công của việc kiểm soát xuất khẩu đó phụ thuộc phần lớn vào lập trường thống nhất từ các đồng minh chủ chốt, bao gồm các nhà sản xuất công cụ chip tiên tiến như Nhật Bản và Hà Lan.

Vào đầu tháng 12 năm ngoái, một số báo cáo cho thấy Nhật Bản và Hà Lan đã đồng ý về nguyên tắc tham gia cùng Mỹ trong việc thắt chặt kiểm soát việc xuất khẩu máy móc sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc. Mặc dù vậy, không có thông cáo chính thức nào đến từ cả hai quốc gia được đưa ra.

Xét cho cùng, đối với Nhật Bản, "chúng ta không được quá phụ thuộc vào các quốc gia khác, đặc biệt là chỉ vào một quốc gia cụ thể, về hàng hóa và công nghệ không thể thiếu cho các ngành công nghiệp và cuộc sống hàng ngày", ông Nishimura khẳng định. Ông tin rằng cả Nhật Bản và Mỹ nên hợp lực để thúc đẩy đổi mới toàn cầu đối với chất bán dẫn, công nghệ sinh học và các công nghệ mới nổi quan trọng khác. "Để làm được điều này, chúng ta phải đầu tư táo bạo ở quy mô chưa từng thấy trước đây".

LIÊN MINH MỸ - NHẬT

Vào tháng 6 năm ngoái, Mỹ và Nhật Bản đã phát động một cuộc đối thoại kinh tế cấp cao nhằm đẩy lùi Trung Quốc và chống lại sự gián đoạn do trận chiến căng thẳng giữa Nga - Ukraine. Hai đồng minh lâu năm đã đồng ý thành lập một trung tâm nghiên cứu chung mới cho chất bán dẫn thế hệ tiếp theo trong cuộc họp tại Washington.

Sau đó, vào tháng 12, IBM có trụ sở tại Mỹ và nhà sản xuất chip Rapidus do chính phủ Nhật Bản hậu thuẫn đã hình thành quan hệ đối tác để chế tạo chip 2 nanomet, một động thái được coi là "biểu tượng của hợp tác bán dẫn Nhật Bản - Hoa Kỳ", ông Nishimura tuyên bố. Cùng với đó, ông cho rằng cả Mỹ và Nhật Bản cần phải mở rộng hợp tác công nghệ cao song phương trong các lĩnh vực khoa học công nghệ lượng tử và trí tuệ nhân tạo.

Rõ ràng, nội các Nhật Bản đã sửa đổi các tài liệu chiến lược an ninh quốc gia vào tháng 12 năm ngoái và nâng cấp Trung Quốc lên "một thách thức chiến lược chưa từng có". Các tài liệu mới được xây dựng cho thấy Nhật Bản "hoàn toàn không thể dung thứ cho những nỗ lực đơn phương đối với hiện trạng bằng vũ lực" ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Hiện tại, những động thái của Nhật Bản tham gia nỗ lực của Washington nhằm ngăn chặn dòng chip và công nghệ tiên tiến sang Trung Quốc vẫn chưa quá rõ ràng. Nhưng một điều chắc chắn là khi nước này chọn Mỹ thay vì Trung Quốc, điều đó sẽ không chỉ làm tổn hại đến lợi ích của các doanh nghiệp bán dẫn hiện đang kinh doanh tại đây mà còn làm suy yếu sức hấp dẫn của ngành đối với các nhà đầu tư toàn cầu.

(Nguồn: VnEconomy)

(Xem thêm:

=> Siêu giàu xin bị đánh thuế; 'Đại xuân vận' ở TQ; Dân số TQ giảm; Kinh tế TQ gặp khó; Putin hủy 21 thỏa thuận với EU ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang