Khủng hoảng ngân hàng; 'USD dầu mỏ'; Bang giao TQ-Honduras; Nga đặt vũ khí hạt nhân ở Belarus, kiểm soát Bakhmut

Ngành ngân hàng toàn cầu khủng hoảng: Chuyên gia nói Trung Quốc nổi bật là "nơi trú ẩn an toàn"

(Ảnh minh họa).

"Từ lâu, chúng tôi đã thảo luận về quan điểm rằng Trung Quốc có thể là một hàng rào tăng trưởng lớn trong năm nay. Và những biến động trong ngành ngân hàng toàn cầu gần đây đã củng cố cho luận điểm này."

CNBC đưa tin, các nhà kinh tế tại Citi cho biết trong một báo cáo hôm 23/3 chỉ ra, những bất ổn gần đây xoay quanh lĩnh vực ngân hàng ở Mỹ và châu Âu đã làm nổi bật một thực tế rằng Trung Quốc là "nơi trú ẩn tương đối an toàn" trong năm nay.

"Nơi trú ẩn an toàn"

Tâm lý các nhà đầu tư đối với Trung Quốc đã bị ảnh hưởng vào năm ngoái bởi các biện pháp chống dịch Covid-19 tại quốc gia này. Hiện tại, những quy định phòng chống dịch Covid-19 đã không còn và các nhà hoạch định chính sách của Bắc Kinh cũng gửi tới các nhà đầu tư những tín hiệu tích cực hơn.

Các nhà kinh tế học cho rằng, Trung Quốc có thể là một ngoại lệ trong số những quốc gia phát triển nhanh chóng. Điều này mang lại cho Bắc Kinh một "hàng rào" bảo vệ cho sự tăng trưởng trong khi các nền kinh tế ở Mỹ và châu Âu ngày càng phải đối mặt với nguy cơ gián đoạn về tài chính.

"Từ lâu, chúng tôi đã thảo luận về quan điểm rằng Trung Quốc có thể là một hàng rào tăng trưởng lớn trong năm nay. Và những biến động trong ngành ngân hàng trên toàn cầu thời gian gần đây đã củng cố cho luận điểm này của chúng tôi," Xiangrong Yu, người dẫn đầu nhóm các nhà kinh tế về Trung Quốc tại Citi cho biết.

Cổ phiếu ngân hàng Mỹ tiếp tục biến động mạnh trong tuần này. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng vừa có bình luận mới nhất, nói rằng các quan chức Mỹ sẵn sàng thực hiện “các hành động bổ sung nếu cần” để ổn định các ngân hàng.

Tình trạng này xảy ra sau sự sụp đổ đột ngột của 3 ngân hàng khu vực ở các bang của Mỹ cũng như sau chấn động trong ngành ngân hàng Thụy Sĩ khi ngân hàng UBS tiếp quản Credit Suisse vào tuần trước.

Chính sách hỗ trợ

Các chuyên gia kinh tế của Citi cho biết: "Ít nhất Trung Quốc có thể là một nơi trú ẩn tương đối an toàn nhờ mức tăng trưởng cao, tình hình tài chính lành mạnh, những quy định về chính sách và chu kỳ kinh tế chính trị mới."

Các chuyên gia chỉ ra rằng, những hành động mới nhất là quyết định cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho thấy “sự đảm bảo về hỗ trợ chính sách trong bối cảnh biến động toàn cầu”.

Các nhà kinh tế viết: "Năm nay, Bắc Kinh quyết tâm ngăn chặn rủi ro nợ của chính quyền địa phương, điều mà chúng tôi tin rằng họ có khả năng thực hiện."

Củng cố sức mạnh của đồng Nhân dân tệ

Vì GDP của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng trưởng tương đối nổi bật trong năm nay, các nhà kinh tế cũng nhận thấy xu hướng tăng giá của đồng Nhân dân tệ.

Họ viết: “Với những tác động ngoài ý muốn và không mong muốn từ việc tăng lãi suất mạnh đang diễn ra ở nước ngoài, dòng vốn sẽ tiếp tục chảy vào Trung Quốc sau khi nước này mở cửa trở lại. Chúng tôi kỳ vọng tỷ giá USD/CNY sẽ ở mức 6,6 trong vòng 6-12 tháng tới”.

Kỳ vọng này càng được củng cố bởi hiện thực rằng giá trị của "đồng bạc xanh" đang giảm: Chủ tịch Fed Jerome Powell hôm 22/3 chỉ ra rằng lộ trình tăng lãi suất sắp kết thúc. Chỉ sau một đêm, đồng đô la Mỹ giảm sâu.

Môi trường pháp lý tích cực

Giám đốc tài chính Lawrence Lok của công ty quản lý tài sản Hywin nói với CNBC rằng, bối cảnh ở Trung Quốc rất khác so với ở Mỹ và các quốc gia khác.

Ông Lawrence Lok khẳng định, ông nhận thấy những nỗ lực rất rõ ràng của Bắc Kinh nhằm tăng cường khả năng tham gia của các tổ chức tài chính nước ngoài vào thị trường địa phương.

"Có thể [môi trường pháp lý] sẽ khó khăn hơn đối với một số lĩnh vực như công nghệ cao, nhưng đối với lĩnh vực tài chính, môi trường này là khá thân thiện," ông cho biết.

(Nguồn: CafeBiz)

Khủng hoảng Credit Suisse hé lộ quyền lực của 'USD dầu mỏ'

Các nước như Saudi Arabia, Qatar đang vung tiền xâm nhập thị trường châu Âu, cuộc khủng hoảng tại Credit Suisse hé lộ phần nào quy mô và tầm ảnh hưởng của các khoản đầu tư này.

Khủng hoảng tại Credit Suisse nhanh chóng xấu đi sau khi Ngân hàng Quốc gia Saudi (SNB), một trong các cổ đông lớn nhất của Credit Suisse, từ chối mở hầu bao để giải cứu ngân hàng Thụy Sĩ.

Hôm 15/3, khi các khách hàng bắt đầu ồ ạt rút tiền khỏi Credit Suisse, Chủ tịch SNB Ammar Al Khudairy tuyên bố ngân hàng Saudi sẽ không cung cấp thêm tiền để hỗ trợ Credit Suisse, theo Nikkei Asia.

Xâm nhập châu Âu

Ngay sau thông tin SNB từ chối ra tay hỗ trợ, cổ phiếu của ngân hàng Thụy Sĩ lao dốc không phanh, làm trầm trọng thêm cơn hỗn loạn tại Credit Suisse.

Nhìn vào danh sách cổ đông của Credit Suisse, có thể thấy tầm quan trọng của các nhà đầu tư đến từ Trung Đông.

Ngoài SNB của Saudi sở hữu 9,9% cổ phần, Quỹ Đầu tư Quốc gia Qatar (QIA) và Tập đoàn Olayan cũng của Saudi lần lượt nắm 6,9% và 4,9% cổ phần tại Credit Suisse. Như vậy, 3 nhà đầu tư Trung Đông nắm giữ hơn 20% cổ phần tại ngân hàng Thụy Sĩ.

Sau khi ngân hàng UBS đồng ý tiếp quản Credit Suisse với tổng giá trị 3,2 tỷ USD, SNB mất 1,2 tỷ USD, tương đương 80% vốn đầu tư tại ngân hàng Thụy Sĩ.

Bên cạnh thua lỗ từ cổ phiếu nắm giữ, Quỹ Đầu tư Quốc gia Qatar mất trắng số trái phiếu AT1. Trước khi Credit Suisse lâm vào khủng hoảng, Quỹ Đầu tư Quốc gia Qatar ước tính nắm giữ số trái phiếu AT1 lên đến 4,5 tỷ USD.

Mô hình quỹ đầu tư quốc gia nằm ở trung tâm nỗ lực đa dạng hóa thành phần nền kinh tế của chính phủ các nước Trung Đông. Bên cạnh phát triển công nghệ thông tin và giải trí, củng cố ngành công nghiệp tài chính cũng là một trong các ưu tiên của khu vực vùng Vịnh.

Những nước sản xuất dầu lửa, khí đốt như Saudi hay Qatar coi đầu tư vào các ngân hàng ở Thụy Sĩ là chìa khóa xâm nhập thị trường tài chính nước ngoài và củng cố khu vực tài chính trong nước.

Thông thường, các nước Trung Đông dựa vào các những ngân hàng đầu tư của Mỹ để quản lý tài sản của họ. Nhưng vài năm qua, Trung Đông tăng cường đầu tư vào các ngân hàng châu Âu bởi dễ tiếp cận hơn và phục vụ tốt hơn cho nhu cầu phát triển khu vực tài chính nội địa.

Trước khi lâm vào khủng hoảng, Credit Suisse từng nhận hỗ trợ từ QIA thông qua đầu tư bổ sung và tiền mua trái phiếu AT1. QIA cũng nắm cổ phần tại ngân hàng Barclays của Anh.

Hoài nghi quanh các quỹ đầu tư nhà nước

Quỹ Đầu tư Công Saudi Arabia (PIF) là một trong những nhà đầu tư hăng hái nhất xâm nhập thị trường quốc tế. PIF hiện là cổ đông lớn nhất tại ngân hàng SNB.

Tuy nhiên, việc tiến hành đầu tư thiếu minh bạch, thiếu giám sát từ bên ngoài của PIF cũng gây những quan ngại.

Thái tử Saudi Mohammad bin Salman thường xuyên can thiệp vào danh mục đầu tư của PIF và yêu cầu lợi nhuận cao hơn mức trung bình của thị trường, một nguồn tin cho biết.

Thời gian đầu đại dịch Covid-19, PIF đầu tư vào một số công ty dễ bị tổn thương bởi dịch bệnh như Walt Disney hay Carnival. Các khoản đầu tư này đi ngược lại chiến lược đầu tư rủi ro thấp mà các quỹ đầu tư công vẫn tuân thủ.

Thái tử Mohammad cũng được cho là đã hối thúc SNB rót tiền đầu tư vào Credit Suisse nhằm tăng cường hình ảnh quốc tế của SNB cũng như chính phủ Saudi ở châu Âu. Michael Klein, một trong các giám đốc của Credit Suisse, là trung gian thúc đẩy thương vụ này.

Cuộc khủng hoảng tại Credit Suisse gây ảnh hưởng nặng nề nhất tới các nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu AT1. Thông thường, khi một công ty bên bờ phá sản, vốn chủ sở hữu - tức cổ phiếu - sẽ mất giá trị trước khi tới trái phiếu AT1.

Nhưng kế hoạch giải cứu Credit Suisse của chính phủ Thụy Sĩ xóa sổ toàn bộ giá trị cổ phiếu AT1 đầu tiên, trong khi trả lại một phần nhỏ tiền cho các nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu của ngân hàng.

Một số nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu của Credit Suisse coi kế hoạch giải cứu có động cơ chính trị nhằm bồi thường phần nào cho các cổ đông lớn đến từ Trung Đông và đang chuẩn bị khởi kiện.

Giới tài chính bảo thủ châu Âu đang ngày càng cảnh giác trước sự trỗi dậy của Saudi Arabia. Trước đó, Saudi đã mua lại câu lạc bộ bóng đá Newcastle tại Anh, đồng thời rót tiền tổ chức giải golf LIV danh tiếng.

Thái tử Mohammad có tham vọng biến PIF trở thành quỹ đầu tư lớn nhất thế giới, một phần thông qua việc bán bớt cổ phiếu tại tập đoàn dầu mỏ nhà nước Saudi Aramco. Mục tiêu của Riyadh là tăng giá trị tài sản mà PIF quản lý từ 600 tỷ USD hiện nay lên 800 tỷ USD.

Tuy vậy, bởi PIF hoạt động thiếu minh bạch và không được giám sát, các chuyên gia lo sợ quy mô khổng lồ của quỹ này có thể là quả bom nổ chậm cho thị trường toàn cầu trong tương lai.

(Nguồn: Zing News)

Trung Quốc - Honduras chính thức thiết lập bang giao

(Ảnh minh họa).

Bộ Ngoại Giao Trung Quốc hôm nay 26/03/2023 thông báo thiết lập bang giao với Honduras, vài ngày sau khi quốc gia Trung Mỹ này đoạn tuyệt với Đài Loan. Thông báo được đưa ra vào lúc tổng thống Thái Anh Văn chuẩn bị công du Trung Mỹ vào tuần tới. Đài Bắc chỉ trích Honduras ngả theo Trung Quốc « vì đồng tiền ». Giới quan sát nói đến một thắng lợi ngoại giao của Bắc Kinh.

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh trên Twitter loan báo ngắn gọn « chính quyền hai nước công nhận lẫn nhau và quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao ». Tại Bắc Kinh sáng nay, ngoại trưởng Honduras, Enrique Reina và đồng cấp Trung Quốc Tần Cương ký kết một văn bản chính thức đánh dấu sự kiện này. Lãnh đạo Ngoại Giao Trung Quốc tuyên bố nóng lòng được đón tiếp tổng thống Honduras Xiomara Castro tại Bắc Kinh. Đây sẽ là một mối bang giao « có lợi cho nhân dân hai nước ».

Với nguyên tắc « một nước Trung Hoa duy nhất », Bắc Kinh không chấp nhận thiết lập bang giao với bất kỳ một quốc gia nào có liên hệ ngoại giao với Đài Loan. Sau việc Honduras thông báo đoạn tuyệt với Đài Bắc, chỉ còn có 13 quốc gia trên thế giới duy trì liên hệ ngoại giao với Đài Loan.

Vào lúc Trung Quốc - Honduras thiết lập bang giao, ngoại trưởng Đài Loan Ngô Chiêu Nhiếp cảnh báo Honduras chớ « ảo tưởng về những hứa hẹn của Bắc Kinh » về trợ giúp kinh tế, về một mối hợp tác « có lợi cho cả hai dân tộc ».

Hôm 15/03, để giải thích cho việc cắt đứt bang giao với Đài Loan, chính quyền Honduras viện cớ quốc gia này đang đứng trước những « nhu cầu vô cùng to lớn » về kinh tế nhưng Đài Bắc đã từ chối tăng viện trợ cho chính quyền của tổng thống Castro. Đài Bắc lấy làm tiếc là Honduras vì « lợi ích kinh tế » mà ngả theo Trung Quốc. Thông cáo của phủ tổng thống Đài Loan thì ghi nhận Honduras đoạn tuyệt với Đài Bắc do bị Bắc Kinh « uy hiếp và hù dọa (…). Trung Quốc từ lâu nay thu hẹp vị trí của Đài Loan trên trường quốc tế, đơn phương đe dọa hòa bình và ổn định khu vực ».

Ngày 29/03, tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn công du Trung Mỹ trong 10 ngày. Trên đường sang châu Mỹ, bà sẽ quá cảnh tại Hoa Kỳ. Trên nguyên tắc, tổng thống Đài Loan sẽ có một buổi làm việc với chủ tịch Hạ Viện Mỹ Kevin McCarthy tại Los Angeles.

(Nguồn: RFI)

Putin nói Moscow sẽ đặt vũ khí hạt nhân ở Belarus, lần đầu tiên kể từ những năm 1990

Tổng thống Vladimir Putin ngày thứ Bảy cho biết Nga sẽ bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật ở nước láng giềng Belarus, đánh dấu lần đầu tiên kể từ giữa những năm 1990 Moscow sẽ đặt những vũ khí như vậy bên ngoài lãnh thổ của mình.

Ông Putin đưa ra thông báo vào thời điểm căng thẳng gia tăng với phương Tây về cuộc chiến ở Ukraine và khi một số nhà bình luận người Nga bàn luận về các cuộc tấn công hạt nhân khả dĩ.

Vũ khí hạt nhân "chiến thuật" đề cập đến những vũ khí được sử dụng cho những lợi ích cụ thể trên chiến trường hơn là những vũ khí có khả năng xóa sổ các thành phố. Không rõ Nga có bao nhiêu loại vũ khí như vậy, vì đây vẫn là lĩnh vực được giữ bí mật như thời Chiến tranh Lạnh.

Các chuyên gia nói với Reuters rằng diễn biến này là quan trọng, vì cho đến nay Nga vẫn tự hào rằng không như Mỹ, họ không triển khai vũ khí hạt nhân bên ngoài biên giới của mình.

Belarus có biên giới với ba nước thành viên NATO là Ba Lan, Lithuania và Latvia.

“Đây là một phần trong chiêu trò của Putin nhằm tìm cách đe dọa NATO… bởi vì không có lợi ích quân sự nào khi làm điều này ở Belarus vì Nga có rất nhiều vũ khí và lực lượng này bên trong nước Nga,” Hans Kristensen, giám đốc dự án thông tin hạt nhân tại Liên đoàn Các Nhà khoa học Mỹ, nói.

Ông Putin nói với truyền hình nhà nước rằng Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko từ lâu đã nêu vấn đề triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở nước ông.

"Không có gì bất thường ở đây cả: thứ nhất, Mỹ đã làm điều này trong nhiều thập niên. Họ từ lâu đã triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ của các nước đồng minh," ông nói.

"Chúng tôi nhất trí rằng chúng tôi sẽ làm y như vậy - không vi phạm các nghĩa vụ của mình, tôi nhấn mạnh, không vi phạm các nghĩa vụ quốc tế của chúng ta về việc không phổ biến vũ khí hạt nhân."

Ông Putin không nói rõ khi nào những vũ khí này sẽ được chuyển tới Belarus.

Nga sẽ hoàn thành việc xây dựng một cơ sở lưu trữ vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus trước ngày 1 tháng 7.

"Chúng tôi không bàn giao (vũ khí). Và Mỹ không bàn giao (chúng) cho các đồng minh của mình. Về cơ bản, chúng tôi đang làm điều tương tự mà họ đã làm trong một thập niên qua," ông Putin nói.

"Họ có đồng minh ở một số quốc gia và họ huấn luyện... đội ngũ nhân viên của họ. Chúng tôi cũng sẽ làm điều tương tự."

Bộ Ngoại giao Mỹ và Lầu Năm Góc không trả lời ngay lập tức các tin nhắn yêu cầu bình luận.

Nga đã triển khai 10 máy bay ở Belarus có khả năng chở vũ khí hạt nhân chiến thuật, ông Putin cho biết, nói thêm rằng Moscow đã giao cho Belarus một số hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander có thể phóng vũ khí hạt nhân.

“Đó là một bước đi rất đáng kể,” Nikolai Sokol, một nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Giải trừ quân bị và Không phổ biến vũ khí hạt nhân, nói. “Nga luôn tự hào rằng họ không có vũ khí hạt nhân bên ngoài lãnh thổ của mình. Vì vậy, bây giờ, họ đang thay đổi điều đó và đó là một thay đổi lớn.”

Khi Liên bang Soviet sụp đổ vào năm 1991, vũ khí hạt nhân đã được triển khai ở bốn quốc gia mới độc lập là Nga, Ukraine, Belarus và Kazakhstan.

Vào tháng 5 năm 1992, bốn quốc gia nhất trí rằng tất cả vũ khí phải được đặt tại Nga và việc chuyển giao đầu đạn từ Ukraine, Belarus và Kazakhstan đã hoàn thành vào năm 1996.

(Nguồn: VOA)

Nga kiểm soát pháo đài chiến lược dưới lòng đất ở Bakhmut

(Ảnh minh họa).

Truyền thông nhà nước Nga nói rằng nước này đã kiểm soát hoàn toàn nhà máy luyện kim AZOM, nơi Ukraine trước đó nỗ lực biến thành pháo đài ở phía bắc chảo lửa Bakhmut.

Hãng tin Nga RIA Novosti cho hay, lực lượng quân sự tư nhân Wagner đã kiểm soát toàn bộ nhà máy AZOM.

"Wagner đã có toàn quyền kiểm soát AZOM, nhà máy chế biến kim loại màu Artemivsk ở Bakhmut", một phóng viên của RIA Novosti cho biết trong một video ghi lại cảnh các thành viên Wagner di chuyển khắp nhà máy.

Ukraine chưa lên tiếng về thông tin này.

Trong nhiều tuần, Ukraine và Nga đã giao tranh quyết liệt xung quanh khu vực nhà máy AZOM.

Hồi đầu tháng, tình báo phương Tây cho hay, các binh sĩ Ukraine nỗ lực củng cố vị trí phòng thủ tại AZOM, trong đó có những khu vực nằm sâu dưới lòng đất 350m nhằm kéo lực lượng Wagner vào đây để kéo dài cuộc chiến làm tiêu hao nguồn lực và vũ khí đối thủ.

AZOM, một trong những nhà máy kim loại màu lớn nhất của Liên Xô cũ, được xây dựng kiên cố để chống lại các cuộc tấn công từ bên ngoài.

"Nhà máy AZOM được cho là có thể tồn tại ngay cả trong một cuộc xung đột hạt nhân. Có một hệ thống thông tin liên lạc ngầm và nó có nguồn nước và máy phát điện riêng", Ukrrudprom, một trang web tin tức về kim loại của Ukraine, đưa tin.

Khi đó, dù đánh giá việc giành được quyền kiểm soát hoàn toàn khu vực ngầm này sẽ không dễ nhưng Nga không bỏ qua mục tiêu này. AZOM có hệ thống mạng lưới liên kết với các khu vực khác của Bakhmut. Vì vậy, chừng nào Ukraine còn kiểm soát nhà máy, họ sẽ có khả năng phản công bất ngờ vào vị trí mà Nga đang nắm giữ.

Hồi giữa tháng, báo Rossiskaya Gazyeta (RG) cho biết, ít nhất 300 binh sĩ Ukraine đang ở trong mạng lưới đường hầm bên dưới AZOM.

Chuyên trang quân sự Avia Pro dẫn thông tin từ thành viên Wagner cho biết, hiện thời không còn bất cứ binh sĩ Ukraine nào ở dưới khu vực dưới lòng đất AZOM - nơi được dùng làm hầm tránh bom. Các binh sĩ Nga đã hiện diện và kiểm soát các khu vực ở AZOM.

Cũng theo nguồn tin của Avia Pro, Wagner dường như hiện còn cách trung tâm của Bakhmut khoảng 500m. Trước đó, Wagner đã vượt qua sông Bakhmutka để tiến về khu vực do Ukraine kiểm soát. Nga kiểm soát hỏa lực hầu hết các tuyến đường dẫn tới Bakhmut, gây khó cho Ukraine luân chuyển nhân sự, đạn dược nên các nhóm quân Kiev bắt đầu rút về phía tây Bakhmut, theo chuyên trang quân sự.

Bakhmut hiện là mặt trận giao tranh khốc liệt nhất tại Ukraine. Cả Nga và Ukraine đều tổn thất nghiêm trọng vì huy động nguồn lực để giằng co nhau từng mét đất ở chảo lửa này.

Mặc dù Nga đã bắt đầu khép vòng vây Bakhmut từ các hướng và Wagner tuyên bố kiểm soát phần phía đông của thành phố, Ukraine vẫn thể hiện quyết tâm không rút quân khỏi Bakhmut và đẩy mạnh tiếp viện cho lực lượng trên tiền tuyến. Ukraine kỳ vọng rằng, Bakhmut sẽ đóng vai trò như khu vực nhằm làm tiêu hao sinh lực của những đơn vị tốt nhất của Nga. Mặc dù vậy, giới chuyên gia cảnh báo, Ukraine có thể bị ảnh hưởng tới kế hoạch phản công trong thời gian tới khi đang dồn quá nhiều nguồn lực và binh sĩ tinh nhuệ tới Bakhmut.

(Nguồn: Dân Trí)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang