Khủng hoảng dãy Alps; Sức hút dầu rẻ Nga; Cách mạng hàng không; Ukraine trừng phạt công ty Nga; Điểm nóng thế giới 2023

KHỦNG HOẢNG CỦA NHỮNG NGÔI LÀNG THIẾU TUYẾT TRÊN DÃY ALPS

(Ảnh minh hoạ).

Mùa đông ấm bất thường đã khiến nhiều khu trượt tuyết và sự kiện thể thao tại một số khu vực của dãy Alps ở Thụy Sĩ phải đối diện với một tương lai không chắc chắn.

Khi bước vào nhà khách trên dãy Alps của Thụy Sĩ vào một ngày của tháng 1, Simon Bissig, Giám đốc khu trượt tuyết Sattel-Hochstuckli, đã muốn chứng kiến nơi đây chật ních khách.

Tuy nhiên, thay vào đó, căn nhà nghỉ bằng gỗ này lại hoàn toàn vắng vẻ. Tại nơi khách hàng lẽ ra đang dùng bữa, một phiên họp khó có thể xảy ra đã được tổ chức.

Trong cuộc họp, các cố vấn marketing bàn luận, cố gắng tìm lời giải cho câu hỏi dai dẳng: Họ có thể làm gì với khu nghỉ dưỡng trượt tuyết nếu không có đủ tuyết.

Tại châu Âu, khi các sông băng rút đi và tuyết trở nên khan hiếm hơn, biến đổi khí hậu có nguy cơ ảnh hưởng nặng nề đến ngành trượt tuyết. Ngay gần đây, một số khu vực đã chứng kiến nhiệt độ mùa đông ấm kỷ lục, đến mức nhiều khu nghỉ dưỡng trượt tuyết thậm chí không có tuyết.

Michelle Furrer, người quản lý nhà khách khác nằm cùng con dốc, cho biết: “Tôi nghĩ chúng tôi phải thấy rằng có thứ gì đó đang chết dần. Chúng tôi phải chấp nhận điều đó, và sau đó mới có thể cố xây dựng một thứ khác”.

New York Times đánh giá rằng thật khó để các nhân viên tại khu nghỉ mát và nhiều dân làng ở thị trấn Sattel thừa nhận rằng những ngày trượt tuyết ở đó có thể không còn kéo dài được lâu nữa.

Mối đe dọa với bản sắc dân tộc

Đối với Thụy Sĩ, nơi có sông băng và băng tuyết tạo thành kho dự trữ quan trọng cho nguồn cung cấp nước cho châu Âu, hậu quả đặc biệt đáng báo động.

Đất nước này đang nóng lên với tốc độ gấp đôi tốc độ trung bình toàn cầu, và các sông băng của nước này đã mất 6% thể tích chỉ trong năm ngoái, nhiều nguồn tin cho biết.

Những thay đổi này gây rủi ro cho một số bộ phận của ngành công nghiệp trượt tuyết Thụy Sĩ, vốn ước tính tạo ra khoảng 5,5 tỷ USD mỗi năm.

Tuy nhiên, ở một đất nước mà gần như mọi người đều trượt tuyết, việc mất tuyết không chỉ là mối nguy hiểm về kinh tế hoặc môi trường. Đó là mối đe dọa cho bản sắc dân tộc.

Mạng xã hội tràn ngập video quay cảnh đám đông du khách trượt xuống những dải tuyết nhân tạo hẹp trên sườn núi Alpine xanh tươi.

Tại Sattel-Hochstuckli, ông Bissig đã mở các máng trượt băng mùa hè cho mùa du lịch Giáng sinh. Ở những nơi khác trong Sattel, cư dân đang phát triển các chiến lược du lịch kéo dài hàng năm.

Trong nhiều thập kỷ, Herrenboden, một nhà nghỉ nằm nép mình giữa các sườn núi, từng chỉ phục vụ trong mùa đông. Tuy nhiên, hai người điều hành Silvan và Julia Betschart đã biến khách sạn và nhà hàng này thành điểm đến quanh năm.

Ông Betschart không để mùa đông ấm áp làm bản thân sợ hãi và vẫn nghi ngờ nguyên nhân chính là do biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, các nhà khoa học khí hậu nhận định rõ ràng có sự suy giảm về lượng tuyết. Sabine Rumpf, giáo sư khoa học môi trường tại Đại học Basel, nhận định càng ngày “chúng ta càng chứng kiến ít tuyết hơn”.

“Thụy Sĩ vào mùa đông nên có tuyết. Điều đó không chỉ liên quan đến việc trượt tuyết. Toàn bộ chuỗi đa dạng sinh học sẽ thay đổi. Cây cối tưởng rằng mùa xuân đã bắt đầu”, Gail Whiteman, giáo sư về tính bền vững tại Đại học Dexter ở Anh, cho biết, Bloomberg đưa tin.

Không những vậy, việc các nhà quản lý khu nghỉ dưỡng Thụy Sĩ sử dụng tuyết giả đã vấp phải sự chỉ trích, khi những nỗ lực này đôi khi liên quan đến việc sử dụng nhiều năng lượng để đối phó với tình trạng thiếu tuyết.

Gstaad, một địa điểm trượt tuyết nổi tiếng giữa Geneva và Bern, đã hứng chỉ trích sau khi sử dụng trực thăng để vận chuyển tuyết và phủ lại một đường trượt bị mưa cuốn trôi.

Thay đổi để thích ứng

Tuy nhiên, Matthias In-Albon, Giám đốc điều hành của Gstaad, cho biết vấn đề lớn hơn là kỳ vọng của khách hàng trong kỷ nguyên du lịch đại chúng hiện đại.

“Mọi người từng quen với việc thỉnh thoảng tìm thấy đá trên đường trượt hoặc tất cả đường trượt đều không mở cửa vào dịp Giáng sinh. Ngày nay, khách hàng mong đợi tất cả con dốc sẽ mở cửa vào dịp Giáng sinh. Nếu bạn không làm điều đó, thì khách hàng sẽ đặt chỗ ở nơi khác”, ông nói.

Ở dãy Alps, các cộng đồng miền núi đã trở nên phụ thuộc vào hoạt động kinh doanh đó, ông nói thêm. Tác động kinh tế đã được thể hiện ra tại Sattel-Hochstuckli, nơi theo ông Bissig có thể mất một nửa lợi nhuận trong năm nay nếu không có đủ tuyết rơi.

Trong khi đó, bà Furrer đã cho phép khách hủy đặt phòng. Hầu hết phòng ở đây đều trống, và bà sợ những cuộc điện thoại buổi sáng cho nhân viên của mình.

“Tôi phải gọi cho họ và nói: Đừng đến, chúng ta không có đủ khách. Điều đó khiến trái tim tôi tan vỡ", bà nói.

Như cơ quan thời tiết Thụy Sĩ MeteoSuisse nói đùa trên trang web của mình, “bước sang năm mới này gần như có thể khiến bạn quên rằng giờ là đỉnh điểm của mùa đông”.

Các sự kiện thể thao cũng bị ảnh hưởng. Tại dãy núi Alps của Đức, mùa giải trượt tuyết Alpine World Cup đã hủy bỏ một số sự kiện vì mưa trái mùa trong mùa đông đã làm hỏng các đường trượt.

Cũng như ông Thomas Schmid ở Sattel, một số người đã thay đổi lĩnh vực kinh doanh để đón nhận sự thay đổi sắp tới.

Ông Schmid, một nhà quản lý tài sản chuyên nghiệp, đã bán đàn gia súc Alpine truyền thống của cha mình và mua dê, khiến một số người hàng xóm của ông bị sốc.

Theo ông, dê ít gây hại hơn cho thảm thực vật vùng Alpine hơn, khi khu vực này thiếu tuyết phủ vào mùa đông. Ngoài ra, dê có thể chống lại sự thay đổi nhiệt độ tốt hơn so với bò.

Ông và các chị gái hiện đã mở một nhà hàng và cửa hàng, đồng thời đang thử nghiệm sản xuất kem và chocolate sữa dê. Họ mời con của khách du lịch đến chơi với dê và những người đi bộ đường dài thưởng thức lẩu phô mai dê.

“Tôi sinh ra ở đây. Tôi cũng rất đau lòng khi nghĩ rằng chúng ta không thể trượt tuyết ở đây nữa. Tuy nhiên, mọi người đang bắt đầu chấp nhận điều này. Khí hậu đang thay đổi. Do đó, chúng ta cũng phải làm vậy”, ông nói.

(Nguồn: Zing News)

SỨC HÚT CỦA DẦU GIÁ RẺ NGA: MỘT QUỐC GIA ĐÔNG NAM Á THẤT VỌNG VÌ KHÔNG MUA ĐƯỢC DÙ BỘ TRƯỞNG ĐÃ ĐÍCH THÂN ĐẾN NGA

Sau 5 tháng chờ đợi, nước này vẫn chưa thấy triển vọng mới trong việc mua dầu thô Nga. Đặc biệt, các chế phẩm của dầu Nga sắp tới có nguy cơ bị áp giá trần sẽ gây khó khăn hơn cho việc mua bán.

Bộ trưởng điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư của Indonesia, Luhut Binsar Pandjaitan, bày tỏ sự thất vọng khi nước ông chưa thể mua dầu của Nga.

Theo Bộ trưởng, được cổng thông tin địa phương Detik trích dẫn, Pandjaitan thậm chí đã đến Nga để thảo luận về vấn đề này, "tuy nhiên, sau 5 tháng chờ đợi, triển vọng mua dầu thô ở Nga đã không xuất hiện".

Pandjaitan phát biểu tại một diễn đàn đầu tư ở Jakarta: "Bây giờ giá dầu đã giảm, bạn không thể đề nghị bán cho chúng tôi sao? Chúng tôi đang chờ đợi, hãy nhanh lên".

Tổng thống Indonesia Joko Widodo cuối năm ngoái đã xem xét mua dầu Nga trước áp lực chi phí năng lượng tăng cao.

Công ty dầu mỏ nhà nước PT Pertamina của Indonesia cách đây ít lâu cho biết vẫn đang xem xét kế hoạch mua dầu thô từ Nga. Vào tháng 11 năm 2022, giám đốc Pertamina, Nicke Widyawati, cho biết việc đánh giá khả năng mua dầu từ Nga có tính đến nhiều yếu tố, bao gồm cả yếu tố chính trị và kinh tế.

Vào tháng 12, Đại sứ Indonesia tại Moskva Jose Tavares nói với Sputnik cho hay Indonesia sẽ tìm kiếm giá dầu tốt nhất, bao gồm thông qua đàm phán với các nhà cung cấp trên thị trường thế giới, bao gồm cả Nga.

Chế phẩm dầu Nga có nguy cơ bị áp giá trần

Các nguồn tin cho biết Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang tìm cách thiết kế hai mức giá trần để áp dụng cho nhóm chế phẩm dầu có giá trị cao như dầu diesel và nhóm chế phẩm có giá trị thấp như dầu đốt lò (fuel oil). Tháng trước, họ cũng áp đặt mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu Urals của Nga.

Các quan chức phương Tây đang nỗ lực hạn chế nguồn doanh thu khổng lồ của Điện Kremlin, mà một phần lớn được sử dụng để tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraine. Nhưng họ vẫn muốn bảo đảm dầu của Nga có sẵn trên thị trường để ổn định giá toàn cầu.

Hôm 27/1, Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của EU đã đề xuất với các nước thành viên về mức trần 100 USD/thùng đối với các sản phẩm như dầu diesel và 45 USD/thùng đối với các sản phẩm như dầu đốt lò. Các nguồn tin cho biết các bên vẫn chưa đạt thỏa thuận cuối cùng về các mức giá trần này, và các nhà ngoại giao của phương Tây ​​sẽ tiếp tục đàm phán vào ngày 31/1 tới.

Cơ chế giới hạn giá dầu Nga của phương Tây vận hành bằng cách cấm các công ty bảo hiểm, ngân hàng và hãng vận tải biển của phương Tây, vốn là nền tảng cho phần lớn thương mại hàng hải toàn cầu, xử lý dầu của Nga trừ khi nó được bán dưới giá quy định.

Kế hoạch áp trần giá đối với các chế phẩm dầu mỏ của Nga vào ngày 5/2 trùng với thời điểm EU cấm nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ tinh chế của Nga. Đây là hai đòn trừng phạt mà một số nhà quan sát thị trường cảnh báo có thể gây bất ổn giá dầu diesel toàn cầu.

Để lựa chọn giá trần cho các chế phẩm dầu mỏ của Nga đòi hỏi có sự nhất trí của nhóm cường quốc G7, EU và Úc. Các quan chức phương Tây nhận định việc tìm được tiếng nói chung giữa 27 nước thành viên EU sẽ là nhiệm vụ ngoại giao phức tạp nhất đối với thỏa thuận áp giá trần đối với các chế phẩm dầu mỏ của Nga.

(Nguồn: Soha)

CUỘC CÁCH MẠNG HÀNG KHÔNG: MÁY BAY ĐIỆN ĐÃ SẴN SÀNG CẤT CÁNH TRÊN BẦU TRỜI HAY CHƯA?

(Ảnh minh hoạ).

Máy bay chở khách chạy bằng điện có thể là cuộc cách mạng lớn nhất trong ngành hàng không kể từ khi phát minh ra động cơ phản lực, nhưng vẫn còn nhiều trở ngại trước khi nó có thể chính thức cất cánh trên bầu trời.

Theo kênh DW (Đức), những gì mà Concorde đạt được trong số các loại máy bay ngốn nhiên liệu, cụ thể là trở thành chiếc máy bay đẹp nhất mọi thời đại, có thể được sao chép bởi chiếc máy bay điện có tên Alice trong thời đại máy bay dùng pin. Chiếc máy bay chở khách chạy điện này đã hoàn thành chuyến bay đầu tiên vào ngày 27/9/2022 tại sân bay Moses Lake ở bang Washington của Mỹ.

Tính đến nay, Alice là máy bay chở khách dùng pin duy nhất được phát triển từ đầu. Nó được tạo ra bởi Eviation - một công ty được thành lập ở Israel và hiện có trụ sở tại vùng tây bắc Thái Bình Dương của Mỹ.

Máy bay 9 chỗ này có vẻ ngoài rất hấp dẫn. Tuy nhiên, thiết kế thẩm mỹ của Alice hoàn toàn nhằm mục đích tối ưu hóa các đặc tính bay. Nó không còn có hình ống với cánh và đuôi gắn liền thường thấy, mà trông giống như một con cá voi gầy với chiếc mũi nhọn, dẹt và thân máy bay thuôn nhọn về phía sau.

Bản thân hình dạng của khung máy bay đã tạo thêm lực nâng để giúp di chuyển trọng lượng cực lớn của pin lên khỏi mặt đất. Ở phần đuôi hình chữ T lắp đặt hai động cơ điện Magni650, cung cấp 644 kilowatt/chiếc, cho phép đạt tốc độ 407 km/h.

Đã có nhiều đơn đặt hàng

Gregory Davis - Giám đốc điều hành của Eviation - cho biết, đợt giao hàng đầu tiên của Alice cho khách hàng được lên kế hoạch vào đầu năm 2027 nếu "công nghệ pin phát triển theo cách chúng tôi mong đợi". Ông Davis nói thêm rằng, việc cấp giấy chứng nhận cho máy bay cũng cần phải theo kế hoạch.

Hiện đã có một loạt đối tác đặt hàng sớm: Cape Air từ vùng đông bắc Mỹ, là khách hàng đầu tiên, đã cam kết mua 75 máy bay Alice. Công ty cho thuê máy bay GlobalX Airlines muốn có 50 chiếc. Deutsche Post đã công bố đơn đặt hàng 12 chiếc phiên bản chở hàng của Alice cho công ty con DHL.

Ngoài ra còn có một hãng hàng không chở khách của Đức trong danh sách đặt hàng. Evia Aero — một công ty khởi nghiệp và là "Hãng hàng không khu vực bền vững" từ Bremen — đã gửi một bức thư bày tỏ ý định mua 25 máy bay. Vào cuối năm 2022, Air New Zealand - khách hàng hàng không chở khách lớn đầu tiên của Eviation - đã ký hợp đồng mua 23 máy bay điện.

Cuộc cách mạng hàng không đang hình thành?

Theo kênh DW, trong một động cơ máy bay điện, chỉ có 18 bộ phận chuyển động, thể hiện mức độ tối giản đến khó tin so với những "con quái vật" phức tạp của động cơ máy bay đốt trong, bao gồm khoảng 18.000 bộ phận chuyển động.

Công cuộc tìm kiếm một chiếc máy bay dùng pin bền vững đã có những tiến bộ, nhưng các mẫu máy bay điện hiện tại vẫn còn lâu mới có khả năng xử lý các hoạt động bay hàng ngày. Không giống như trong ngành công nghiệp xe hơi, vẫn chưa thể cung cấp năng lượng xanh cho máy bay để đạt được mục tiêu đầy tham vọng của ngành hàng không là bay thân thiện với môi trường hơn vào năm 2035.

Björn Nagel - Giám đốc Viện Kiến trúc Hệ thống Hàng không (DLR) ở Hamburg - nói với phóng viên kênh DW: “Chúng tôi rất bi quan về máy bay chở khách chạy bằng điện.”

Tuy nhiên, tại Rolls-Royce, các kỹ sư lạc quan hơn. Họ hy vọng, từ năm 2026 sẽ cung cấp hai động cơ điện RRP200D của mình cho hãng vận tải khu vực Wideroe của Na Uy. Hãng này đang có kế hoạch vận hành một chiếc máy bay cánh quạt 9 chỗ do Ý chế tạo có tên Tecnam P-Volt trên các chuyến bay theo lịch trình.

Stefan Breunig - Trưởng bộ phận chiến lược của Rolls-Royce Electrical - nói: “Nếu thành công, động cơ sẽ chỉ phát ra tiếng kêu nhẹ” , đồng thời cho biết thêm rằng, các nhà nghiên cứu hiện đang thử nghiệm một máy phát điện 2,5 megawatt sẽ cung cấp năng lượng cho các máy bay có thể bay trong khu vực rộng lớn hơn và có tới 50 chỗ ngồi.

Các vấn đề dai dẳng về pin

Tuy nhiên, máy bay điện loại nhẹ P-Volt của Tecnam hiện không thể bay hơn 150 km với pin được sạc đầy, bao gồm cả năng lượng dự trữ bắt buộc trong 30 phút, nên có thể phục vụ một số đường bay ngắn nhất định ở Na Uy, nhưng sẽ ít được sử dụng ở những nơi khác.

Và vấn đề lớn nhất của máy bay điện cũng tiếp tục cản trở Alice: pin quá cồng kềnh và quá nặng, không cung cấp đủ năng lượng để di chuyển hiệu quả với hành trình dài. Sau chuyến bay đầu tiên thành công — hành trình không quá 8 phút — công ty Eviation đã giảm đáng kể phạm vi di chuyển dự kiến của Alice từ 815 km xuống còn 445 km.

Lars Enghardt - Giám đốc Viện Động cơ Hàng không Điện khí hóa của DLR ở Cottbus - nói với phóng viên kênh DW rằng: “Tôi nghi ngờ về các chuyến bay điện vì những hạn chế về phạm vi hoạt động” và DLR không dự tính được "các loại pin có mật độ năng lượng tăng lên đáng kể trong tương lai gần" .

Ông Enghardt cho biết, những hạn chế về phạm vi của động cơ đẩy hoàn toàn bằng điện sẽ mang lại cơ hội hạn chế ở các thị trường ngách như Na Uy. Tuy nhiên, trên các đường bay dài hơn với máy bay lớn hơn, các khái niệm hybrid xăng - điện có thể là giải pháp.

Tuy nhiên, hoài nghi của ông Enghardt đối với triển vọng của máy bay điện không cản trở quyết tâm của Grazia Vittadini - Giám đốc công nghệ của Rolls-Royce, người đã nói với phóng viên kênh DW rằng, nhà sản xuất động cơ phản lực này "nghiêm túc" về các chuyến bay điện.

Bà Vittadini – người từng làm việc cho Airbus - cho biết: “Chúng tôi sẽ từng bước tìm ra những ứng dụng hữu ích cho nó.”

Bà Vittadini cũng nhìn thấy trước những cơ hội tuyệt vời vào năm 2030: “Chúng ta sẽ thấy những chiếc máy bay chạy hoàn toàn bằng điện có tới 30 chỗ ngồi bay trên bầu trời. Đối với chúng tôi, Na Uy sẽ là quốc gia dẫn đầu tuyệt đối ở châu Âu."

(Nguồn: CafeF)

UKRAINE ÁP ĐẶT LỆNH TRỪNG PHẠT ĐỐI VỚI 182 CÔNG TY NGA VÀ BELARUS

Ukraine đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 182 công ty Nga và Belarus, cùng ba cá nhân, trong một loạt các bước đi mới nhất của Tổng thống Volodymyr Zelenskyy nhằm ngăn chặn các liên hệ của Moscow và Minsk với đất nước của ông.

"Tài sản của họ ở Ukraine bị phong tỏa, tài sản của họ sẽ được sử dụng để bảo vệ chúng tôi", ông Zelenskyy nói trong một bài phát biểu qua video.

Theo danh sách do Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine công bố, các công ty bị trừng phạt chủ yếu tham gia vận chuyển hàng hóa, cho thuê phương tiện và sản xuất hóa chất.
Danh sách này bao gồm nhà sản xuất và xuất khẩu phân kali của Nga Uralkali, nhà sản xuất kali thuộc sở hữu nhà nước của Belarus là Belaruskali, công ty Đường sắt Belarus, cũng như VTB-Leasing và Gazprombank Leasing của Nga, vốn đều kinh doanh cho thuê vận tải.
Ukraine đã trừng phạt hàng trăm cá nhân và công ty Nga và Belarus kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine vào tháng 2 năm ngoái.

(Nguồn: VOA)

5 ĐIỂM NÓNG TIỀM ẨN NGUY CƠ BÙNG NỔ CĂNG THẲNG TRONG NĂM 2023

(Ảnh minh hoạ).

Khu vực Nga - Ukraine, bán đảo Triều Tiên hay eo biển Đài Loan được xem là những "điểm nóng" có nguy cơ leo thang căng thẳng, tác động mạnh mẽ tới tình hình thế giới trong năm 2023.

Xung đột Nga - Ukraine

Cuộc xung đột Nga - Ukraine vẫn là điểm nóng tiềm ẩn nhiều nguy cơ leo thang căng thẳng nhất hiện nay, không chỉ ở khu vực châu Âu mà còn lan ra toàn cầu. Sau gần một năm giao tranh, cục diện chiến sự vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và các bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung cho một giải pháp hòa bình.

Việc Mỹ và châu Âu bác bỏ lời kêu gọi ngừng bắn tạm thời của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong dịp lễ Giáng sinh của người Chính thống giáo đã cho thấy lập trường của phương Tây, đồng thời là tín hiệu cho thấy Ukraine vẫn chưa chịu áp lực phải tham gia vào các cuộc đàm phán. Giới chức phương Tây cho rằng Nga có thể lợi dụng lệnh ngừng bắn tạm thời để có thêm thời gian tập hợp lại lực lượng cho các cuộc tấn công tiếp theo, đồng thời thắt chặt sự kiểm soát của Moscow đối với các vùng lãnh thổ mà Nga đã kiểm soát.

Theo chuyên gia Ben Hodges, cựu chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Âu, Ukraine bước vào năm 2023 với khởi đầu thuận lợi khi Mỹ và các đồng minh châu Âu tiếp tục viện trợ quân sự, đồng thời cam kết ủng hộ Kiev trong cuộc chiến với Nga.

Việc Mỹ, Pháp, Đức đồng loạt thông báo lần đầu cung cấp xe chiến đấu bộ binh cho Ukraine được xem là sự tăng cường đáng kể cho khả năng tấn công của Ukraine. Ngay cả thời tiết dường như cũng ủng hộ Ukraine, khi mùa đông ấm áp ở châu Âu giúp giảm giá năng lượng và giúp người dân tránh khỏi những khó khăn mà nhiều nhà phân tích đã dự đoán sẽ làm suy giảm sự ủng hộ của châu Âu dành cho Ukraine.

Chuyên gia Hodges tin rằng với sự hỗ trợ mạnh mẽ của phương Tây, trong năm 2023, Ukraine có thể giành lại tất cả hoặc hầu hết khu vực mà Nga đã kiểm soát, bao gồm cả bán đảo Crimea mà Nga đã sáp nhập vào năm 2014.

Các tuyến đường tiếp tế từ lục địa Nga tới bán đảo Crimea có thể trở thành mục tiêu tấn công của Ukraine bằng vũ khí chính xác cao như hệ thống pháo phản lực phóng loạt HIMARS do Mỹ cung cấp. Chuyên gia Hodges nhận định Ukraine có thể buộc Nga phải rút khỏi Crimea ngay cả trước khi giành lại toàn bộ vùng Donbass ở miền Đông - nơi đang diễn ra các cuộc giao tranh khốc liệt.

Tuy nhiên, Ukraine cũng sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn trong cuộc chiến với Nga vào năm 2023. Chuyên gia Rob Lee, cựu lính thủy đánh bộ Mỹ hiện làm việc tại Viện nghiên cứu chính sách đối ngoại, cho biết mục tiêu hiện tại của Ukraine là tiếp tục tiến công, nhưng điều này còn khó khăn hơn việc phòng thủ lãnh thổ.

Giới phân tích nhận định, cục diện chiến trường trong thời gian tới sẽ được quyết định bởi việc bên nào cạn kiệt đạn pháo và vũ khí trước. Giới chức phương Tây dự đoán Nga có nguy cơ cạn kiệt đạn pháo vì nguồn cung của Nga đang ở mức thấp.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh tại Mỹ, tình trạng cạn kiệt vũ khí, đặc biệt là đạn pháo, có thể khiến Nga gặp khó khăn trong việc thực hiện bất kỳ cuộc tấn công nào trong thời gian tới, bất chấp dự đoán của quân đội Ukraine rằng Moscow đang chuẩn bị một cuộc tấn công lớn.

Trong khi đó, chuyên gia Dmitri Alperovitch, chủ tịch tổ chức tư vấn Silverado Policy Accelerator có trụ sở tại Washington, cho biết việc phương Tây có thể đáp ứng kịp nhu cầu đạn dược của Ukraine hay không cho đến nay vẫn chưa rõ ràng, nhất là khi các hoạt động tấn công đòi hỏi số lượng đạn pháo rất lớn.

Cơ hội chiến thắng của Ukraine sẽ ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào những biến số nằm ngoài tầm kiểm soát của nước này, như quyết tâm cũng như khả năng viện trợ quân sự của phương Tây và các động thái của Nga.

Chuyên gia Alperovitch dự đoán Ukraine có thể giành lại một số vùng lãnh thổ trong năm nay, nhưng không đủ để đảm bảo một chiến thắng quyết định trước Nga. Mặc dù Nga hiện chưa thể đảm bảo một chiến thắng chắc chắn trước Ukraine, nhưng việc bổ sung quân nhân mới được huy động sẽ củng cố khả năng của Moscow trong việc kìm hãm đà tiến của Ukraine.

"2023 là năm thực sự quan trọng. Nếu xung đột không kết thúc vào năm 2023, Nga sẽ có ưu thế rất lớn. Tổng thống (Ukraine) Zelensky hiện tại vẫn có cơ hội vì vẫn nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ. Tuy nhiên sau đó, kết quả rất khó đoán", chuyên gia Elizabeth Shackelford, thành viên Hội đồng Các vấn đề toàn cầu Chicago, nhận định.

Bán đảo Triều Tiên

Phát biểu tại lễ thăng chức cho hàng chục sĩ quan quân đội tham gia vào vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) vào tháng 11/2022, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un nói rằng, xây dựng lực lượng hạt nhân để bảo vệ sự tự tôn, cũng như chủ quyền đất nước và người dân một cách đáng tin cậy. Ông cũng nhấn mạnh, mục tiêu cuối cùng là "sở hữu lực lượng chiến lược mạnh nhất thế giới, lực lượng chưa từng có trong thế kỷ này".

Tuyên bố trên được đưa ra không lâu sau khi Triều Tiên xác nhận phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-17. Ông Kim Jong-un đã trực tiếp giám sát vụ phóng, ca ngợi các nhà khoa học Triều Tiên đã đạt được bước tiến kinh ngạc trong phát triển công nghệ gắn đầu đạn hạt nhân lên tên lửa đạn đạo. Ông Kim Jong-un gọi Hwasong-17 là "vũ khí chiến lược mạnh nhất thế giới", thể hiện quyết tâm và năng lực của Triều Tiên trong việc xây dựng quân đội mạnh bậc nhất thế giới.

Theo KCNA, tên lửa Hwasong-17 giúp Triều Tiên chứng minh với cả thế giới rằng nước này là một cường quốc hạt nhân có khả năng chống lại ưu thế hạt nhân của Mỹ và thể hiện đầy đủ sức mạnh với tư cách quốc gia sở hữu ICBM mạnh nhất.

Vụ phóng tên lửa Hwasong-17 được coi là động thái leo thang căng thẳng mới và nghiêm trọng nhất trên bán đảo Triều Tiên kể từ 2017, vì vũ khí này được cho là có tầm bắn lên tới 15.000km, đủ để vươn đến bất cứ đâu trên đất liền Mỹ. Không chỉ sở hữu tầm bắn khiến Mỹ lo ngại, tên lửa này còn có khả năng mang theo nhiều đầu đạn, đồng nghĩa với việc đe dọa nhiều mục tiêu.

Vụ phóng Hwasong-17 là một trong hàng loạt vụ phóng tên lửa của Triều Tiên trong năm 2022. Từ tháng 1 đến đầu tháng 11, Triều Tiên đã phóng số lượng tên lửa nhiều chưa từng thấy, với hơn 70 tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo, trong đó một số tên lửa đã bay qua lãnh thổ Nhật Bản. Ngày 2/11, Triều Tiên khai hỏa ít nhất 23 tên lửa đạn đạo các loại, đạt quy mô chưa từng có, bằng tổng số tên lửa mà nước này phóng trong cả năm 2017 khi căng thẳng Mỹ - Triều leo thang nghiêm trọng.

Đầu tháng 9/2022, Triều Tiên đã thông qua luật mới cho phép nước này có quyền tấn công phủ đầu để tự bảo vệ trong kịch bản Bình Nhưỡng đối diện với mối đe dọa bên ngoài. Luật mới cũng quy định tình trạng hạt nhân của Triều Tiên là không thể đảo ngược, đồng thời cấm các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa trong tương lai. Triều Tiên tuyên bố là "một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân có trách nhiệm" và nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ có toàn quyền quyết định liên quan tới vũ khí hạt nhân.

Theo chuyên gia Oh Joon tại Đại học Kyung Hee (Hàn Quốc), luật mới của Triều Tiên dường như là thông điệp đáp trả động thái của chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol nhằm củng cố chiến lược "Chuỗi tiêu diệt" (Kill Chain). "Chuỗi tiêu diệt" là khái niệm ám chỉ việc Hàn Quốc có thể thực hiện các cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào cơ sở hạ tầng hạt nhân và hệ thống chỉ huy của đối thủ nếu Seoul nghi ngờ rằng có một cuộc tấn công đang sắp xảy ra.

Chuyên gia Oh cho rằng, Triều Tiên có thể không theo kịp Hàn Quốc và Mỹ trong việc chế tạo vũ khí thông thường do nhiều yếu tố, vì vậy, việc thông qua luật mới về tấn công hạt nhân phủ đầu "là cách duy nhất để Bình Nhưỡng đảm bảo họ có năng lực răn đe" trước các đối thủ. Ngoài ra, luật mới cũng thể hiện tầm ảnh hưởng của Chủ tịch Kim Jong-un với nền chính trị Triều Tiên khi ông đã được trao toàn quyền ra quyết định về việc triển khai vũ khí hạt nhân của nước này.

Các chuyên gia nhận định, việc Triều Tiên phóng thử tên lửa với số lượng lớn chưa từng thấy trong năm nay là một phần trong nỗ lực nhằm chứng tỏ Bình Nhưỡng đã đạt được những bước tiến lớn về năng lực tên lửa. Đặc biệt, chuyên gia Ankit Panda tại tổ chức nghiên cứu Carnegie Endowment for International Peace cho rằng, việc Triều Tiên phóng thử tên lửa Hwasong-17 nhiều khả năng là bước đệm nhằm tạo tiền đề cho nước này thử nghiệm các công nghệ nâng cao tải trọng của tên lửa, từ đó triển khai vũ khi sử dụng nhiều đầu đạn.

Theo Kim Jong-dae, cựu quan chức quốc phòng Hàn Quốc và là chuyên gia Viện Yonsei về Nghiên cứu Triều Tiên, việc Bình Nhưỡng thử tên lửa ở mức độ chưa từng thấy trước đây và phóng từ mọi khu vực trên khắp lãnh thổ cho thấy khả năng cơ động cao và triển khai tác chiến đồng loạt của quân đội Triều Tiên. Đây cũng là thông điệp cứng rắn mà Triều Tiên muốn gửi tới Mỹ và đồng minh rằng, các nước này sẽ phải đối mặt với thách thức lớn trong việc đối phó với tên lửa Triều Tiên. Ngoài ra, việc phóng tên lửa gần lãnh thổ Hàn Quốc và Nhật Bản được xem là chiến lược nhằm phủ đầu các lực lượng phối hợp của Mỹ và đồng minh trong việc áp sát Triều Tiên.

Giới quan sát cho rằng, các cuộc tập trận quy mô lớn giữa Mỹ và các đồng minh, bao gồm Hàn Quốc và Nhật Bản, là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến phản ứng mạnh bất thường của Triều Tiên. Thông điệp của Bình Nhưỡng phía sau các vụ phóng tên lửa nhằm củng cố đoàn kết nội bộ, cũng như thuyết phục cộng đồng quốc tế rằng những hành động của Mỹ và đồng minh khiến Triều Tiên không còn lựa chọn nào khác. Ngoài ra, theo một số nhà phân tích, động thái phô diễn sức mạnh tên lửa của Triều Tiên dường như còn nhằm tăng cường sức ép lên Mỹ, buộc chính quyền Mỹ phải chấp nhận Triều Tiên bước vào bàn đàm phán với vị thế của quốc gia hạt nhân, thậm chí Washington phải nhượng bộ và từ bỏ điều kiện phi hạt nhân hóa trong đàm phán với Bình Nhưỡng.

Eo biển Đài Loan

Trong năm 2022, tình hình eo biển Đài Loan vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ leo thang căng thẳng, thể hiện qua các động thái của Đài Bắc, Trung Quốc và Mỹ.

Trong mối quan hệ với Đài Loan, chính quyền Tổng thống Joe Biden thực hiện cách tiếp cận tương tự chính quyền tiền nhiệm khi tiếp tục bán vũ khí cho hòn đảo và khẳng định quyết tâm của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump trong việc cho phép các quan chức Mỹ gặp gỡ tự do hơn với các quan chức Đài Loan. Dưới thời ông Biden, Mỹ cũng tham gia huấn luyện quân sự và đối thoại với Đài Loan, thường xuyên đưa tàu qua eo biển Đài Loan nhằm tăng cường hiện diện quân sự của Washington trong khu vực, đồng thời khuyến khích Đài Loan tăng ngân sách cho phòng vệ.

Ông Biden là ông chủ Nhà Trắng đầu tiên mời đại diện Đài Loan dự lễ nhậm chức tổng thống. Vào tháng 9/2022, ông Biden tuyên bố lực lượng Mỹ sẽ được huy động để bảo vệ Đài Loan nếu hòn đảo đối mặt với một "cuộc tấn công chưa từng có tiền lệ". Phát ngôn của nhà lãnh đạo Mỹ ngay lập tức vấp phải sự phản đối của Bắc Kinh khi Trung Quốc luôn coi Đài Loan là vùng lãnh thổ không thể tách rời, phải được thống nhất bằng mọi giá, kể cả dùng vũ lực.

Đài Loan cũng nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng tại Quốc hội Mỹ trong thời gian qua, với việc các nhà lập pháp đề xuất và thông qua luật nhằm thúc đẩy quan hệ Mỹ - Đài Loan, củng cố khả năng phòng vệ của hòn đảo và khuyến khích Đài Loan tham gia vào các tổ chức quốc tế. Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã thông qua Đạo luật Chính sách Đài Loan năm 2022, trong đó chỉ định Đài Loan là một đồng minh lớn không thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cam kết hỗ trợ an ninh và khuyến khích sự tham gia của hòn đảo vào các tổ chức quốc tế.

Tháng 8/2022, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã đến thăm Đài Loan và gặp nhà lãnh đạo Thái Anh Văn. Bà Pelosi là quan chức cấp cao nhất của Mỹ tới thăm hòn đảo trong 25 năm. Bắc Kinh lên án mạnh mẽ chuyến thăm và đáp trả bằng đợt tập trận quân sự chưa từng có ở vùng biển xung quanh Đài Loan, đưa máy bay chiến đấu vượt qua đường trung tuyến, ranh giới được ngầm hiểu là đường phân định eo biển Đài Loan, đồng thời cấm nhập khẩu một số loại trái cây và cá từ Đài Loan, cùng các biện pháp cứng rắn khác. Franz-Stefan Gady, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cho biết: "Những hoạt động như vậy có lẽ là một phần trong chiến thuật vùng xám của Trung Quốc nhằm làm suy yếu lực lượng phòng vệ Đài Loan".

Bắc Kinh coi chuyến thăm của bà Pelosi tới Đài Loan là "hành động khiêu khích mạnh mẽ", đồng thời cảnh báo Mỹ sẽ phải gánh chịu hậu quả. Ngoài chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện, các nghị sĩ Mỹ cũng có các chuyến thăm tới Đài Loan trong những tháng qua, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc. Mặc dù cam kết ủng hộ nguyên tắc Một Trung Quốc, song Mỹ vẫn tiếp tục duy trì quan hệ với Đài Loan và cung cấp cho hòn đảo các loại khí tài hiện đại. Bộ Ngoại giao Mỹ hồi tháng 9/2022 đã duyệt bán gói vũ khí và thiết bị quân sự trị giá 1,1 tỷ USD cho Đài Loan, bao gồm hàng trăm tên lửa và radar giám sát, tuy nhiên Trung Quốc yêu cầu Mỹ thu hồi ngay lập tức thương vụ vũ khí này. Chính phủ Mỹ cũng đang xem xét việc hợp tác sản xuất vũ khí với Đài Loan như một phương án đẩy nhanh tiến độ chuyển giao vũ khí.

Mối lo ngại hàng đầu của giới quan sát hiện nay là năng lực quân sự ngày càng mạnh và sự quyết đoán có xu hướng gia tăng của Trung Quốc, cũng như sự xấu đi trong quan hệ giữa hai bờ eo biển, có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột. Một cuộc xung đột như vậy có khả năng dẫn đến một cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc, bởi Bắc Kinh không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để đạt được "sự thống nhất" với Đài Loan và Washington cũng không loại trừ khả năng bảo vệ Đài Loan trong trường hợp xung đột nổ ra.

Báo cáo năm 2021 của Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định quân đội Trung Quốc "có khả năng đang chuẩn bị cho một tình huống bất ngờ nhằm thống nhất Đài Loan bằng vũ lực, đồng thời ngăn chặn, trì hoãn hoặc phản đối bất kỳ sự can thiệp nào của bên thứ ba, chẳng hạn Mỹ". Tuy nhiên, các chuyên gia hiện vẫn tranh cãi về thời điểm cũng như khả năng xảy ra kịch bản thống nhất Đài Loan. Giáo sư Howard W French tại Đại học Columbia, Mỹ nhận định vấn đề cấp thiết hiện nay là tìm cách ngăn chặn xung đột bùng phát từ những sự cố bất ngờ, trong bối cảnh căng thẳng không có dấu hiệu hạ nhiệt ở hai bờ eo biển Đài Loan.

Biên giới Trung Quốc - Ấn Độ

Căng thẳng Trung Quốc - Ấn Độ nóng lên từ giữa năm 2020 sau vụ đụng độ chết người ở tại khu vực Himalaya - nơi 2 bên đều tuyên bố chủ quyền. Ít nhất 24 người ở 2 bên đã thiệt mạng trong vụ đụng độ. Đây được xem là lần đầu tiên trong hơn 40 năm, một vụ đụng độ ở khu vực tranh chấp chủ quyền giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ gây chết người.

Kể từ cuộc giao tranh, căng thẳng giữa 2 nước liên tục leo thang khi các bên đều triển khai quân nhân và vũ khí dồn dập tới các điểm nóng. Hai nước sau đó đã thống nhất xuống thang căng thẳng và cũng bắt đầu rút bớt quân, xe tăng, khí tài quân sự khỏi khu vực tranh chấp, nhưng các cuộc giao tranh lẻ tẻ vẫn tiếp diễn.

Mặc dù lợi ích thực sự của việc kiểm soát những vùng lãnh thổ nhỏ ở khu vực đồi núi gần như không thể ở được vẫn còn là câu hỏi để ngỏ, song cả Trung Quốc và Ấn Độ đều không có dấu hiệu nhượng bộ.

Tuy quy mô tranh chấp hiện vẫn ở mức khá hạn chế, nhưng đây vẫn là điểm nóng tiềm ẩn nguy cơ xung đột, nhất là khi Trung Quốc và Ấn Độ đều đẩy mạnh phát triển quy mô quân đội.

Giới phân tích dự đoán, đến một thời điểm nào đó, Ấn Độ hoặc Trung Quốc có thể tìm cách giải quyết vấn đề tranh chấp biên giới thông qua leo thang căng thẳng, một bước đi có thể mang lại hiệu quả như hai bên mong muốn, hoặc có thể mở ra cánh cửa cho một cuộc xung đột quy mô lớn hơn với sức tàn phá khủng khiếp hơn.

Tư lệnh quân đội Ấn Độ Manoj Pande ngày 13/1 nhận định tình hình biên giới với Trung Quốc vẫn "ổn định và trong tầm kiểm soát", nhưng không thể đoán trước. Ông Pande cho biết Ấn Độ và Trung Quốc đang tiếp tục đối thoại thông qua kênh ngoại giao và quân sự về vấn đề này.

"Chúng tôi có đủ lực lượng. Chúng tôi có đủ dự trữ trong từng lĩnh vực để có thể đối phó hiệu quả với mọi kịch bản hoặc tình huống bất ngờ", tướng Pande nói.

Tranh chấp Hy Lạp - Thổ Nhĩ Kỳ

Trong năm qua, căng thẳng giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đã gia tăng đáng kể, phần lớn bắt nguồn từ sự thay đổi chính sách đối ngoại theo hướng quyết đoán của Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các vấn đề nội bộ của chính quyền Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan.

Tranh chấp giữa Athens và Ankara về thăm dò năng lượng ở Aegean đã dẫn đến căng thẳng hiện nay, mặc dù sự bất đồng về lãnh thổ đã tồn tại trong nhiều thập niên.

Mặc dù khó xảy ra kịch bản một thành viên NATO công khai tấn công một thành viên NATO khác, nhưng các cuộc xung đột trong quá khứ đã đưa hai nước đến bờ vực xung đột, bất chấp các cam kết liên minh của hai bên.

Bất kỳ cuộc chiến nào giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp sẽ ngay lập tức kéo NATO vào cuộc và gần như chắc chắn sẽ dẫn đến sự can thiệp từ bên ngoài.

(Nguồn: Dân Trí)

(Xem thêm:

=> Mặt tối dịch vụ máy bay riêng; Taliban cấm nữ sinh thi ĐH; Xả súng ở Jerusalem; Ngành chip TQ gặp khó; Nga sắp cạn tên lửa ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang