Khi diễn viên nhẵn mặt trên phim; Cuộc cạnh tranh của ca sĩ; Góc khuất cò ngư dân đi biển

KHI DIỄN VIÊN NHẴN MẶT TRÊN PHIM TRUYỀN HÌNH VIỆT

(Ảnh minh hoạ).

Dù xuất hiện không nhiều, những “tân binh” trẻ tuổi lại gây ấn tượng với diễn xuất tự nhiên và ngoại hình sáng. Những gương mặt này được kỳ vọng thổi làn gió mới cho “vũ trụ VTV” nói riêng và phim truyền hình Việt nói chung.

Trao cờ cho người trẻ

Dòng phim truyền hình dài tập vốn đòi hỏi sự an toàn về diễn xuất cũng như tên tuổi nghệ sĩ để đảm bảo sức hút với khán giả. Vì thế, giao vai diễn cho gương mặt mới hay những diễn viên quen thuộc có tên tuổi và nhiều kinh nghiệm đóng phim luôn là bài toán khó với mỗi đạo diễn, mỗi bộ phim.

Thực tế, các đạo diễn luôn mong muốn tìm được những gương mặt mới. Bởi ngoài ý thức phát hiện và đào tạo bổ sung cho đội ngũ diễn viên thì còn để giảm bớt sự nhàm chán cho khán giả, khi nhiều diễn viên quá “nhẵn mặt” trên màn ảnh.

Trước đây, mở phim truyền hình Việt chỉ thấy những gương mặt quen thuộc như Hồng Diễm , Phương Oanh, Thu Quỳnh, Mạnh Trường, Thanh Sơn, Việt Anh… nhưng vài năm gần đây, màn ảnh nhỏ đã xuất hiện thêm nhiều nhân tố mới.

Ở Hương Vị Tình Thân, đó là Bích Ngọc, Sỹ Hưng, Ánh Tuyết. Phim 11 Tháng 5 Ngày có Khả Ngân, Lương Thanh. Ở Thương Ngày Nắng Về là Ngọc Huyền vai cô em gái út nhí nhảnh. Phố Trong Làng góp mặt Ngọc Anh, Trần Vân. Hay những bộ phim mới gần đây như Anh Có Phải Đàn Ông Không. với sự tham gia của Anh Phương. Lối Về Miền Hoa ghi dấu ấn của diễn viên trẻ Anh Đào, Lâm Đức Anh. Gara Hạnh Phúc có nữ diễn viên Ngọc Huyền. Lối nhỏ vào đời có Long Hoàng. Hành Trình Công Lý có Thái Vũ…

Ở phía Nam, có Minh Trang trong Cây Táo Nở Hoa, PT Ngọc Diệp trong Sui Gia Hay Xui Gia, Trình Mỹ Duyên trong Anh Yêu Em Được Bao Lâu?…

Đặc biệt, các diễn viên trẻ như Anh Đào, Ngọc Anh, Ngọc Huyền, Long Hoàng dù là những gương mặt còn khá xa lạ với khán giả, vẫn được đạo diễn tin tưởng giao cho vai chính hoặc thứ chính. Nhiều diễn viên lâu nay vốn quen với vai phụ như Duy Hưng, Trọng Lân cũng được giao cho đảm đương vai chính.

Có thể so với các đàn anh đàn chị đi trước, dấu ấn của dàn diễn viên trẻ chưa thực sự nổi bật nhưng với nỗ lực của mình, ít nhất họ đã mang đến sự mới mẻ cho màn ảnh Việt thời gian qua.

Nỗ lực khẳng định mình

Họ đều lần đầu chạm ngõ phim truyền hình, có được những vai diễn ấn tượng đầu tiên, được đóng chung với dàn diễn viên gạo cội và tạo sức hút nhất định. Các gương mặt mới chưa có kinh nghiệm diễn xuất thường gây khó khăn cho đoàn phim, ảnh hưởng đến tiến độ quay của bộ phim. Do đó, khi được tin tưởng, trao cơ hội, các tân binh luôn nỗ lực gấp nhiều lần để đáp ứng được yêu cầu và kỳ vọng.

Lối Nhỏ Vào Đời mới lên sóng gần đây là bộ phim truyền hình đầu tiên trong sự nghiệp của Long Hoàng. Thực ra, Long Hoàng không phải gương mặt mới với khán giả, trước đây anh đã nổi tiếng như một hiện tượng mạng.

Vào vai nam chính, một cậu học sinh cấp 3 gặp những vấn đề trong cuộc sống, bị cô đơn trong chính ngôi nhà của mình, thực sự là vai khó với “tân binh” sinh năm 1997 này. Để hoàn thành vai diễn, Long Hoàng cho biết anh luôn đọc kịch bản kỹ trước mỗi cảnh quay và giành nhiều thời gian trò chuyện với NSND Bùi Bài Bình, MC Phan Anh để có thêm kinh nghiệm.

Với nỗ lực của mình, không chỉ thu hút nhờ vẻ điển trai, Long Hoàng còn được khán giả nhận xét diễn tự nhiên, trong sáng, đúng lứa tuổi nhân vật.

Nam diễn viên trẻ Thái Vũ, người đảm nhận vai Khang, con trai của Hoàng (Việt Anh) và Phương (Hồng Diễm) trong phim Hành Trình Công Lý cũng đang là một gương mặt sáng. Sinh năm 2000, anh chàng này là cựu học sinh lớp chuyên của trường THPT Chu Văn An, Hà Nội và vừa tốt nghiệp bằng giỏi khoa Luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội.

Vũ cho biết những ngày đầu đi quay anh thấy áp lực, khó khăn từ cách lấy cảm xúc, phân tích kịch bản tới sự tương tác, hòa nhịp với các diễn viên chuyên nghiệp. Tuy nhiên, đạo diễn Mai Hiền luôn biết cách khai thác và gợi mở cho diễn viên về tâm lý của nhân vật, các tiền bối diễn viên chuyên nghiệp luôn sẵn sàng chỉ dạy và truyền lửa cho đàn em đã tạo động lực để Vũ tự tin hoàn thành vai diễn. Vai Khang nhận được nhiều phản hồi của khán giả, có khen có chê và nam diễn viên trẻ đón nhận tất cả với thái độ cầu thị.

Một gương mặt mới nữa đảm nhận vai điều tra viên - thượng úy Đặng Hồng Phúc trong phim Hành Trình Công Lý cũng gây ấn tượng không kém. Nam diễn viên Trung Tuấn là diễn viên mới của màn ảnh Việt và đây cũng là lần đầu anh chạm ngõ phim truyền hình.

Sinh năm 1997, tốt nghiệp khoa diễn viên kịch - điện ảnh truyền hình, Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TPHCM, Trung Tuấn đã xuất sắc giành được Huy chương nạc tại cuộc thi “Tài năng trẻ diễn viên kịch nói toàn quốc”.

Trong Hành Trình Công Lý, được giao một nhân vật khá cứng, nhưng Trung Tuấn đã thể hiện rất tốt và chứng minh được tư duy nghệ thuật của mình. Giọng nói đanh thép, cương quyết, thái độ nghiêm nghị, sắc bén của một điều tra viên đã được anh thể hiện rõ ràng. Dù chưa có nhiều đất diễn, nhưng đây là bước đệm để anh có kinh nghiệm, hoàn thiện những vai diễn tiếp theo được tròn trịa và hấp dẫn hơn.

Hiện tại, anh theo học hệ đào tạo Thạc sĩ ngành Nghệ thuật sân khấu tại Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Tuấn cho biết anh muốn tiếp tục nâng cao khả năng chuyên môn, nghiêm túc theo đuổi ước mơ, đam mê của mình bằng việc trau dồi học tập bên cạnh việc đi đóng phim.

Vốn hay đóng các vai nhí nhảnh, vui tươi, nhưng tham gia Gara Hạnh Phúc, Ngọc Huyền lại phải vào vai Vân - cô gái gặp chấn thương tâm lý, từng trải qua nhiều đau khổ trong quá khứ, hay buồn và dễ khóc. “Mọi cử chỉ của Vân từ cách đi đứng, nói chuyện, biểu cảm... đều khác 100% bản thân Huyền ở bên ngoài.

Nhưng điều khó khăn nhất khi nhập vai chính là nội tâm của Vân, rất khó để thâm nhập được vào nội tâm vai diễn này, vì quá khứ của Vân nhiều đau khổ. Huyền phải dành rất nhiều thời gian để cảm nhận về nhân vật Vân, tìm hiểu tư liệu, phim ảnh về căn bệnh của Vân để học hỏi và bắt chước theo”, Ngọc Huyền bày tỏ về sự khó khăn khi vào vai Vân.

Dù vẫn còn những ý kiến khen chê trong diễn xuất, không thể phủ nhận sự xuất hiện của các “tân binh” đã mang đến hơi thở mới mẻ cho màn ảnh Việt. Trên các diễn đàn phim, nhiều bình luận sôi nổi về các gương mặt mới, góp phần tạo nên sức nóng cho các bộ phim.

(Nguồn: Soha)

CUỘC CẠNH TRANH GAY GẮT CỦA CA SĨ VIỆT

(Ảnh minh hoạ).

Nhiều ca sĩ chọn dịp cuối năm để tung sản phẩm mới khiến thị trường nhạc Việt trở nên sôi động, có nhiều chuyển biến tích cực.

Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là năm 2022 sẽ kết thúc. Thế nhưng, các ca sĩ vẫn đang tận dụng khoảng thời gian này để giới thiệu sản phẩm đến khán giả. Vài tuần trở lại đây, nhiều tên tuổi liên tục tổ chức họp báo ra mắt MV, công bố dự án mới.

Không chỉ chú trọng vào hình thức đĩa đơn (single) hay MV như thông thường, các ca sĩ còn đầu tư thực hiện EP (đĩa mở rộng) hay ra mắt album, giúp thị trường nhạc Việt trở nên sôi động. Điều đó cũng góp phần tạo điều kiện để khán giả có thêm nhiều lựa chọn giải trí.

Loạt sản phẩm đa dạng

Dịp cuối năm nay, Tóc Tiên và Phùng Khánh Linh là hai cái tên gây được sự chú ý vì cùng ra mắt album. Dù lựa chọn màu sắc âm nhạc khác nhau, cả hai đều đầu tư mạnh cho sản phẩm. Họ hướng đến hình ảnh những phụ nữ thời thượng, vượt qua định kiến lẫn chuẩn mực xã hội.

Trong đó, Cong là album được Tóc Tiên ấp ủ từ lâu. Giọng ca Ngày mai kết hợp với ông xã Touliver và nhạc sĩ Mew Amazing – người đứng sau loạt ca khúc nổi tiếng như Sáng mắt chưa , Thật bất ngờ (Trúc Nhân), Lần đầu (Bảo Anh), I am diva (Thu Minh)… Cô lựa chọn dòng EDM (nhạc điện tử) theo đuổi suốt sự nghiệp, kết hợp hip hop và rap để làm mới.

Với Citopia , Phùng Khánh Linh lại muốn thay đổi bản thân với city pop – dòng nhạc phổ biến tại Nhật Bản thập niên 1970, 1980. Đây là hướng đi khác lạ và táo bạo, bởi trước nay gần như chưa có ai thử nghiệm ra mắt album city pop ở Việt Nam.

Nhạc Việt cuối năm 2022 cũng đánh dấu sự trở lại của nhiều tên tuổi lớn như Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà, Thu Minh, Đàm Vĩnh Hưng… Họ có nhiều nỗ lực thay đổi để làm mới, hướng đến các đối tượng khán giả trẻ. Đơn cử, Hồ Ngọc Hà chủ động liên lạc với Tăng Duy Tân từ khi anh chưa nổi tiếng với bài Bên trên tầng lầu. Bộ đôi có sự kết hợp ăn ý trong MV Cô đơn trên sofa , tạo được hiệu ứng khá tốt trên mạng xã hội.

Trong khi đó, Thu Minh lại chinh phục người nghe qua loạt ca khúc remix (làm mới) và cover (hát lại). Cô nhận được nhiều lời khen khi “lột xác” hoàn toàn bản hit Hẹn ước từ hư vô của Mỹ Tâm. Gần nhất, Thu Minh vừa tung MV Dưới ánh đèn sân khấu - ca khúc do Hứa Kim Tuyền sáng tác, Orange thể hiện từng gây được chú ý trong chương trình Ca sĩ mặt nạ .

Cuộc cạnh tranh gay gắt

Có một khoảng thời gian nhạc Việt khá im ắng vì thiếu vắng sản phẩm. Trái lại, các ca sĩ rất siêng ra MV trong hai tháng cuối năm 2022. Thậm chí có người một tháng ra liên tục 2 MV (như Trúc Nhân, Ngọc Mai), có người lại ra nhiều MV để quảng bá một ca khúc (như Hoàng Yến Chibi).

Đặc biệt, ngày 10/11 chứng kiến sự cạnh tranh trực tiếp giữa hai vợ chồng Trấn Thành – Hari Won. Họ cùng phát hành sản phẩm với hai phong cách hoàn toàn khác biệt. Trấn Thành chọn màu sắc cổ trang với MV Chưa đủ để giữ em, Hari Won lại theo đuổi hình ảnh trẻ trung với MV Như anh đã mong chờ . Cô cũng mạnh dạn hát tiếng mẹ đẻ, phát hành MV tại quê nhà để chinh phục thị trường Kpop.

Bên cạnh đó, các ca sĩ trẻ đua nhau ra mắt sản phẩm để khẳng định vị trí trong lòng khán giả. Đó có thể là những cái tên quen thuộc như Đức Phúc, Ngô Kiến Huy, Phương Mỹ Chi… hay loạt người đẹp hát như Thúy Vân, Hoàng Thùy…

Gần nhất, Kay Trần vừa giới thiệu MV U mê em đánh dấu sự trở lại sau khi rời công ty quản lý của Sơn Tùng M-TP. Thùy Chi cũng ra mắt MV Hơn em chỗ nào kết hợp Viruss. Đây là sản phẩm chính thức của giọng ca Xe đạp sau khi gỡ bỏ mascot Tí Nâu trong chương trình Ca sĩ mặt nạ .

Các ca sĩ thuộc thế hệ Gen Z (sinh sau năm 1996) không hề kém cạnh các đàn anh, đàn chị. Nổi bật có Mỹ Anh – con gái ca sĩ Mỹ Linh. Ca sĩ sinh năm 2002 mạnh dạn giới thiệu MV Mỗi khi anh nhìn em được đầu tư chỉn chu, bài bản, làm rõ nét chất nhạc R&B/ soul mà cô quyết tâm theo đuổi suốt sự nghiệp.

Giọng ca sinh năm 2000 Grey-D cũng giới thiệu MV Dự báo thời tiết hôm nay mưa. Cựu thành viên nhóm Monstar thể hiện sự trưởng thành khi tự sáng tác, trình bày và đồng sản xuất ca khúc.

Bên cạnh đó, nhiều ca sĩ cũng tận dụng mạng xã hội như một công cụ để quảng bá sản phẩm. Điển hình là Hoàng Yến Chibi với ca khúc Ừ, em xin lỗi! (Khắc Hưng sáng tác). Không chỉ đầu tư MV hoành tráng, ca sĩ còn mời hàng loạt đồng nghiệp tham gia với tư cách khách mời, tạo ra những clip nhảy trên Tik Tok để tạo trào lưu, quảng bá sản phẩm. Tương tự, Ngô Kiến Huy cũng chọn hình thức này để tăng độ phủ sóng của MV Tất cả đứng im .

Trước đây, thị trường nhạc Việt thường bị đánh giá thấp vì pop ballad xuất hiện quá nhiều, khiến nhiều khán giả chán nản. Nhưng chỉ trong hai tháng cuối năm 2022, bức tranh nhạc Việt lại trở nên đa dạng, nhiều màu sắc.

Khán giả được thưởng thức đủ phong cách, thể loại từ pop dance trẻ trung, R&B thời thượng cho đến hip hop/rap… Tất cả như một cái kết đẹp, khép lại cả năm và tạo nhiều động lực để thị trường càng phát triển hơn vào năm sau.

(Nguồn: Soha)

HÉ LỘ GÓC KHUẤT CÒ NGƯ DÂN ĐI BIỂN: NGÁO ĐÁ ĐI BIỂN DÀI NGÀY

“Ngư dân nhảy xuống biển mất tích”, đây là những tin tức thường được báo chí đăng tải gần đây, nhưng lý do thì hầu như chưa được hé lộ. Vụ việc 2 ngư dân bị hành hạ dã man trên vùng biển Cà Mau là một phần của câu chuyện đó.

Chủ sợ… bạn tàu

Sáng 15/10/2022, tại tọa độ 09 độ, 20 phút N-107 độ, 40 E, thuyền trưởng Bùi Đức Động khởi động máy, cài số tới, nhưng dưới hầm tàu cá BV 93279 TS phát ra âm thanh lạ như có người đang cầm bánh lái giữ lại. Anh Động gạt lại cần số và gọi 2 ngư dân đi bạn ngư phủ, thủy thủ trên tàu là Nguyễn Văn Bé Hai, quê ở tỉnh Đồng Tháp và ngư dân Nguyễn Văn Cơ, quê ở An Giang vào ca bin và hỏi kiểu “vấn đề cơ mật”.

Khi máy tàu bị sự cố, thuyền trưởng Động phát hiện hộp số xì nhớt và vương vãi giẻ rách. Mất một ngày rưỡi mở tung hộp số giữa biển, anh Động bắt được bệnh lạ là vì ai đó nhét nửa ống quần, cộng với giẻ rách vào khe hộp số. Biết gặp phải ngư dân “thứ dữ”, anh Động hạ mình, nói bóng gió với 3 “ngư dân đối tượng” rằng, cố gắng đi cho đủ tháng rồi trả vô bờ.

Trên tàu có 6 ngư dân, Cơ và Hai được thuyền trưởng xem như “phe mình”, còn 3 ngư dân mới vừa xuống tàu đi bạn, quê ở tỉnh Bạc Liêu đang bị cả nhóm xem như là “đối tượng”. Khi tàu xuất bến Phước Tỉnh vào sáng ngày 1/10, sát giờ đi biển thì ông H, người môi giới lao động (cò) mới dẫn xuống tàu 3 người lạ mặt theo hợp đồng miệng “cung cấp nhân lực đi biển”.

Thuyền trưởng Động không rời mắt khỏi 3 ngư dân mới và lo lắng nhất là 2 người tên Cảnh và Linh (Đoàn Văn Cảnh, SN 1993 và Nguyễn Vũ Linh, SN 1990, ở huyện Đông Hải, thị xã Bạc Liêu), cả hai đều ngáp vặt, chân đi loạng choạng giống người say rượu. Các ngư dân này luôn miệng nói tục, bóng gió chuyện “giờ tao muốn về nhà chơi thôi tụi bây!”.

Tuy nhiên, các ngư dân “ngáo đá” kia vẫn liên tục buông lời rủ rê tổ chức đánh nhau. Đến 7 giờ 30 phút ngày 23/10, máy tàu tiếp tục bị phá lần thứ 2, máy tàu bị nhồi cát, đổ nước. Con tàu chết máy trôi ở tọa độ 09 độ 50 phút N-107 độ 45 phút E và phải gọi cứu hộ.

Cho máy ăn… đường

Nhờ một người địa phương dẫn đường, cuối cùng chúng tôi tiếp cận được cò ngư dân tên H, ở ấp Phước Hương, xã Phước Tỉnh. Nhấp điếu thuốc và phà khói thật nhanh để giấu cảm xúc tức giận, H, lặng nhìn vào 2 nhân lực (ngư dân đi bạn) đã được đưa về nhà và chờ chủ tàu a lô là đưa xuống đi biển và nói “tụi này khi cần là tự xuống ghe chứ không cần phải dẫn dắt”.

“Ngư dân tự đi và dẫn dắt” là hai giá trị hoàn toàn khác nhau ở các làng chài phương Nam hiện nay. Nếu người do cò và người nhà đi kèm thì thường là tuyển trúng thanh niên dân chơi, nhận tiền xong định bỏ trốn, hoặc là những thanh niên bị dụ dỗ đi “lượm cá, việc nhẹ, lương cao”... Đây phần nhiều là ngư dân bị cò ở các tỉnh bán sang tay lòng vòng.

Câu chuyện ngư dân cò đi bạn phá banh máy giữa biển bằng cách đổ nước, nhồi cát vào bồn nhớt được báo chí đăng tải không làm làng chài Phước Tỉnh xôn xao. Trong quán cà phê ven biển lúc 4 giờ sáng, các ngư dân nhân vụ việc đó bắt đầu thống kê lại hàng loạt vụ bạn chài phá tàu. Chiêu tàn độc nhất là ngư dân lấy đường đổ vô bồn nhớt để phá máy nên ít để lại dấu vết.

Một vụ phá máy tàu rùng rợn và công khai nhất là vụ xảy ra trên tàu cá BV 8191 TS của Bà Rịa-Vũng Tàu, vào ngày 12/7/2022 tại tọa độ 07 độ 21 phút N-109 độ 05 phút E. Ngư dân Nguyễn Văn Triệu, 40 tuổi, quê ở huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang chui xuống hầm tàu cắt ống bơm nước, đổ đường vào hộp số. Khi bị phát hiện, Triệu cố thủ, thách thức tất cả mọi người. Khi thuyền trưởng Nguyễn Văn Long (quê ở tỉnh An Giang) xông vào khống chế thì bị tên Triệu sử dụng dao đâm vào đùi và ngực.

Mỗi tháng đi biển, ngư dân được trả tiền công 12-15 triệu đồng; mỗi phiên biển trên tàu giã cào kéo dài 3-4 tháng, thu nhập từ nghề đi lưới giã cào không còn huy hoàng như thời trước nên không còn viễn cảnh bạn chài từ miền Trung vào xin được xuống tàu đi biển. Các chủ tàu không thể kiếm được bạn chài nên hoàn toàn lệ thuộc vào cò.

Ngày 24/10/2022, Đồn Biên phòng Phước Tỉnh có thông báo số 04/TP-TBTP gửi Viện Kiểm sát nhân dân huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, thông báo về việc tiếp nhận tin báo, tố giác của ngư dân Bùi Đức Động, thuyền trưởng tàu cá BV 93279 TS tố cáo việc ngư dân đi bạn tổ chức phá máy tàu. Bộ đội biên phòng đã lấy lời khai và xác định 2 ngư dân đi bạn tổ chức bỏ cát, đổ nước vào máy chính, nhét giẻ vào hộp số vì muốn chủ tàu phải chạy vào bờ sau 23 ngày đi biển, mặc dù trước đó 2 bên đã giao kèo đi biển 3 tháng.

Ngư dân khù khờ

Mờ sáng ở làng chài Phước Tỉnh, 2 ngư dân xách túi du lịch hỏi đường ra nơi đón xe khách và cho biết, quê ở tỉnh Tây Ninh và được xe ôm đưa xuống Phước Tỉnh để làm nghề “nhặt cá”. Theo người môi giới, mọi người làm việc nhẹ, lương cao ở bến, lương từ 15-20 triệu đồng. Nhưng khi xuống tới nơi mới hay biết là phải theo tàu đi đánh cá 3 tháng mới vô bờ, các ngư dân sợ quá trèo tường trốn khỏi nhà cò.

Trong một ngôi nhà ở giữa làng chài, ngư dân tên L, sinh năm 1990, quê ở tỉnh Bạc Liêu, dáng người gầy, miệng hơi móm đang nằm trong tay cò. Tôi đoán người này hoàn toàn không có ý thức trốn hay ở lại. Khi phóng viên hỏi “mỗi tháng đi biển cò trả bao nhiêu tiền? Có gởi về nhà hay không, vợ tên là gì?”. L, lắc đầu ấm ớ, “không nhớ họ, chỉ biết tên”. Một ngư dân khác cùng quê và đi bạn với L, khi hỏi gì cũng gục, lắc, mỉm cười, hỏi họ tên thì trả lời có lúc họ Nguyễn, có khi họ Trần…

Phải mất nhiều ngày, tôi mới nghiệm ra rằng, cò cung cấp ngư dân đi bạn cho 1.414 tàu cá làm nghề lưới kéo (giã cào) ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nếu tuyển được ngư dân khù khờ thì có khi là món hời. Các chủ tàu luôn nói khẽ vì sợ mất lòng cò. Ngư dân tên Hòa cho biết, “nếu cò muốn giữ chân đám ngư dân khù khờ này thì mỗi khi vô bờ là cho hát karaoke, có tí em út, ăn uống thoải mái, sau đó ghi nợ vào sổ… cứ vậy mà dính lại đây mãi”.

Về phía các chủ tàu, khi nhận trúng ngư dân khù khờ thì dễ sai bảo, có khi đá đít thì cũng không có việc gì, nhưng nếu xui xẻo tuyển trúng con nghiện thì con tàu bị phá tanh bành.

(Nguồn: Kenh14)

(Xem thêm:

=> Cứu 7 ngư dân trên tàu cá; Vụ xe ô tô tông liên hoàn; Cảnh đánh ghen gây tranh luận ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang