Khắp thế giới tuần hành; Nghề kiếm bộn tiền ở TQ; Giết người hàng loạt ở Thái; Nga tập kích lớn; Lịch sử hỗn loạn của Sudan

Tuần hành kêu gọi tăng lương diễn ra trên khắp thế giới

(Ảnh minh họa).

Nhiều công nhân và các nhà hoạt động trên khắp thế giới đã đánh dấu Ngày Quốc tế Lao động bằng các cuộc tuần hành kêu gọi tăng lương, giảm giờ làm và điều kiện làm việc tốt hơn.

Theo Al Jazeera, ngày Quốc tế Lao động 1/5 được coi là ngày tôn vinh quyền lợi của người lao động ở nhiều quốc gia. Các sự kiện năm nay thu hút nhiều người tham dự hơn các năm trước do các hạn chế liên quan tới dịch Covid-19 được nới lỏng đáng kể.

Các nhà hoạt động ở nhiều nước cho rằng các chính phủ nên làm nhiều hơn để cải thiện cuộc sống của người lao động.

Tại Hàn Quốc, hàng chục nghìn người đã tham gia các cuộc tuần hành khác nhau được tổ chức vào ngày 1/5. Một nhà hoạt động ở thủ đô Seoul tuyên bố trên bục phát biểu: "Giá cả mọi thứ đã tăng, trừ lương của chúng tôi. Tăng mức lương tối thiểu cho chúng tôi. Giảm giờ làm cho chúng tôi".

Ở Nhật, hàng nghìn thành viên liên đoàn lao động, các nghị sĩ đối lập và các học giả đã tập trung tại công viên Yoyogi, đòi tăng lương để bù đắp cho những tác động của chi phí gia tăng khi cuộc sống của họ vẫn đang phục hồi kể từ khi đại dịch xảy ra.

Tại Indonesia, những người tuần hành yêu cầu chính phủ hủy bỏ một luật tạo việc làm mà họ cho rằng sẽ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp nhưng gây thiệt hại cho người lao động và môi trường.

Tại Pháp, hơn 290 người bị bắt, ít nhất 100 cảnh sát bị thương sau khi các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình nổ ra. Các cuộc biểu tình do công đoàn chủ trì đã diễn ra tại Paris như một phần của các cuộc tuần hành vào Ngày Quốc tế Lao động trên khắp châu Âu.

Ở Pakistan, nhà chức trách cấm tổ chức tuần hành ở một số thành phố vì những lo ngại an ninh.

(Nguồn: Vietnamnet)

Trung Quốc bùng nổ nghề kiếm tiền cực "khủng": Doanh số suýt soát GDP 1 láng giềng của Việt Nam, chỉ cần có điện thoại

Ở Trung Quốc, bất cứ ai cũng có thể tham gia lĩnh vực này, từ nông dân, công nhân nhà máy cho đến người về hưu.

Ngành công nghiệp livestream bùng nổ ở Trung Quốc

Một chiếc lều tròn nằm dưới nền trời trong xanh, trên thảo nguyên bao la vô tận ở miền bắc Trung Quốc. Âm nhạc dân gian vang vọng. Cách đó không xa, một đàn cừu đang gặm cỏ.

Đột nhiên, đoạn phát trực tiếp đang chiếu khung cảnh bình yên này chuyển sang hình ảnh một người đàn ông khoảng 30 tuổi, đội chiếc mũ Mông Cổ có chóp nhọn vàng.

“ Xin chào các anh chị em! Tín hiệu thế nào? Tôi đã lắp Wi-Fi trong lều của mình ", anh này vừa nói giơ một túi thịt bò khô, có in hình hoạt của mình. " Nếu là lần đầu tiên bạn đến đây, tôi là Taiping, tôi làm thịt bò khô ".

Theo The New York Times (Mỹ), đó là một ngày làm việc bình thường của Taiping, một streamer (người phát sóng trực tiếp) chuyên bán hàng người Trung Quốc. Dưới ánh sáng phòng thu được bố trí cẩn thận, Taiping nói chuyện với hai chiếc iPhone được gắn trên bàn, giới thiệu sản phẩm cho hàng nghìn khán giả đang truy cập vào kênh của anh.

Anh lấy ra một miếng thịt bò khô và khoe nó trước ống kính, giải thích về kỹ thuật làm khô thịt bò truyền thống của người Mông Cổ. Anh xé thịt bò thành sợi nhỏ để lộ ra phần thịt mềm.

Trong suốt bốn giờ phát sóng trực tiếp, anh thậm chí rất ít khi uống nước, cuối cùng, anh đã nhận được hơn 650 đơn đặt hàng, trị giá khoảng 100.000 NDT.

Taiping là một trong vô số người Trung Quốc đang tận dụng làn sóng livestream (phát sóng trực tiếp) bùng nổ đang thay đổi cách mua bán hàng truyền thống.

Chỉ riêng năm 2022, ước tính có khoảng 500 tỷ USD hàng hóa được bán thông qua các buổi livestream trên các ứng dụng như Douyin, phiên bản tiếng Trung của TikTok hoặc Kuaishou, một nền tảng video ngắn khác - tăng gấp tám lần so với năm 2019 và tương đương với GDP của Thái Lan năm 2021 (505,9 tỷ USD, theo số liệu của World Bank).

Trong số đó, nổi tiếng nhất là các streamer như Lý Gia Kỳ hay Vi Á. Kim Kardashian từng xuất hiện trên một buổi buổi livestream của Vi Á để quảng cáo cho dòng nước hoa của mình và cô đã bán được 15.000 chai trong vòng vài phút.

Hình thức bán hàng này đã có từ nhiều năm nay ở Trung Quốc và trở nên phổ biến trong thời kỳ đại dịch. Gần một nửa trong số 1 tỷ người dùng internet của Trung Quốc ngày nay đã sử dụng các dịch vụ như vậy.

Đối với khán giả, sự hấp dẫn của dịch vụ không chỉ nằm ở sự thuận tiện mà còn ở cảm giác được chào đón.

Các nhà hàng, thẩm mỹ viện và thậm chí cả đại lý ô tô, nhà phát triển bất động sản hiện đang thu hút khách hàng thông qua livestream.

Các thương hiệu quốc tế từ Ikea đến Louis Vuitton đã trả tiền cho những người có ảnh hưởng ở Trung Quốc để quảng bá trực tuyến sản phẩm của họ.

Nhưng ở Trung Quốc, bất cứ ai cũng có thể tham gia lĩnh vực này như nông dân, công nhân nhà máy và người về hưu.

Taiping, từng là nông dân chăn gia súc, hiện đang điều hành nhà máy sản xuất thịt bò khô của riêng mình và có hơn 1 triệu người theo dõi.

Tuy nhiên, với tốc độ phát triển nhanh chóng của thị trường, những thách thức mới cũng kéo theo. Sự cạnh tranh khốc liệt đã khiến nhiều streamer phải ra đi. Suy thoái kinh tế trên diện rộng đã khiến các công ty đứng sau nền tảng phát trực tuyến phải sa thải nhân viên.

Trung Quốc lo ngại rằng ngành công nghiệp này đang phát triển quá lớn, quá nhanh.

Cơ hội mới trong thời đại công nghệ

Trước đây, Taiping khó có thể tưởng tượng rằng mình có thể kiếm bộn tiền bằng bất cứ cách nào chứ đừng nói đến việc chỉ "nói chuyện" trước chiếc điện thoại di động.

Anh sinh ra ở thảo nguyên Nội Mông, một vùng ở phía bắc Trung Quốc, nơi nhiệt độ có thể xuống tới âm 20 độ. Anh học hết lớp 5 và làm qua nhiều công việc như chăn gia súc, bảo vệ và lái xe tải.

Vào năm 2015, Taiping, khi ấy 30 tuổi, nhận thấy những đồng cỏ tuyệt đẹp nơi mình ở đang thu hút khách du lịch nên quyết định vay 105.000 NDT để tự làm và bán món thịt bò khô nhưng còn vài tuần nữa là hết mùa du lịch.

May mắn, nhờ một người bạn giới thiệu, anh nhanh chóng nhìn thấy tiềm năng kinh doanh trên Kuaishou. Anh đăng một video quay sẵn giới thiệu thịt bò khô lên đó, sau đó gửi hàng cho những người nhắn tin mua.

Sau đó, anh nhận được sự giúp đỡ của nền tảng này để mở rộng kinh doanh thông qua hình thức livestream.

Năm 2018, anh bán thịt bò khô trị giá 4,5 triệu NDT, gấp 30 lần số tiền anh kiếm được hai năm trước.

Hoạt động kinh doanh của Taiping cũng lên như diều gặp gió. Anh hiện quản lý 10 nhân viên. Đôi khi anh đến chiếc lều trên đồng cỏ của mình để livestream nhưng một chiếc lều khác cũng được dụng trong phòng thu. Trên màn hình, anh mặc quần áo truyền thống vì khách hàng thích sự chân thực nhưng sau khi tan làm, anh lại thích mặc bộ đồ thể thao Fila.

"Trước đây tôi đâu có biết thương hiệu nào ", anh nói. " Giờ tôi có sẵn cho mình 3 thương hiệu".

Cơ hội và rủi ro

Cách thảo nguyên của Taiping hơn 1.600 km về phía nam, thành phố Nghĩa Ô là minh chứng sống động cho sự phổ biến của hình thức bán hàng qua livestream.

Nghĩa Ô, một trung tâm sản xuất ở phía nam Thượng Hải, có học viện thương mại điện tử livestream đầu tiên của Trung Quốc cũng như một số trường đào tạo cung cấp các khóa học trong vài ngày hoặc một tuần.

Mỗi ngày, Nghĩa Ô thu hút những người có tham vọng như Wang Tiebiao, 55 tuổi, đến từ một thành phố nhỏ ở phía đông tỉnh Sơn Đông, cách đó hơn 1.100 km.

Trước đây, Wang Tiebiao kinh doanh vận chuyển hàng hóa và bán đồ nấu ăn bằng thép không gỉ giá rẻ nhưng thường hay tồn kho.

Sau đó, anh xem một video tuyển dụng nhân viên bán đồ gia dụng cho một nhà máy ở Nghĩa Ô, hứa hẹn sẽ được đào tạo miễn phí.

" Để đầu tư vào một cửa hàng truyền thống, bạn phải thuê nhà và mua hàng, vậy bạn cần bao nhiêu tiền ," Wang Tiebiao nói. " Với hình thức livestream thì chỉ cần người là đủ rồi, sau đó thêm cái điện thoại di động nữa là được ".

Sự mở rộng nhanh chóng của lĩnh vực này đã tạo ra nhiều cơ hội hơn cho bất kỳ ai tham gia nhưng cũng khiến việc gắn bó với nó trở nên khó khăn hơn. Nếu Taiping là hiện thân của tiềm năng làm giàu từ livestream, thì Nghĩa Ô càng gần với hiện thực của vô số người.

Theo thỏa thuận giữa Wang Tiebiao và nhà máy, anh có thể chọn bất kỳ sản phẩm nào từ nhà máy để quảng cáo trên tài khoản cá nhân. Bất kỳ giao dịch bán hàng nào cũng mang lại một khoản hoa hồng. Không bán hàng thì không có doanh thu.

Tuy nhiên, để bán được thứ gì đó, anh phải nổi bật hơn những streamer khác.

Trong nhiều ngày, Wang Tiebiao lang thang trong phòng trưng bày của nhà máy, nhìn vào những hàng bát và thìa nhựa, cố gắng tìm ra thứ gì sẽ bán chạy.

Một buổi sáng, anh bị thu hút bởi một chiếc đồng hồ cát trang trí hình viên ngọc nên đã thử các thủ thuật mà anh đã học được để thu hút khán giả. Tuy nhiên, người xem của anh vẫn ở mức một con số.

Vài ngày sau khi đến Nghĩa Ô, một số bạn thực tập của Wang Tiebiao đã chuyển sang những công việc truyền thống hơn. Tuy nhiên, Wang Tiebiao, người đã có khoảng 1.000 người theo dõi, vẫn muốn thử lại lần nữa.

(Nguồn: Soha)

Vụ giết người hàng loạt bằng xyanua gây rúng động Thái Lan

(Ảnh minh họa).

Giới chức tiết lộ thêm chi tiết của vụ giết người hàng loạt bằng xyanua của nghi phạm Sararat Rangsiwuthaporn, trong khi mẹ của người được cho là nạn nhân thứ 15 đã gặp cảnh sát.

Giới chức cơ quan điều tra Thái Lan đã tìm được bằng chứng cho thấy sự liên quan của một sĩ quan cảnh sát trong vụ giết người hàng loạt bằng chất độc xyanua liên quan tới nghi phạm đã bị bắt giữ Sararat "Aem" Rangsiwuthaporn.

Sắp phát lệnh bắt giữ một sĩ quan cảnh sát cấp cao

Phó giám đốc Cảnh sát quốc gia Thái Lan Surachate Hakparn ngày 2/5 cho biết lệnh bắt giữ của tòa án đối với sĩ quan (chưa được công bố danh tính) sẽ được đưa ra trong vài ngày tới.

Một nguồn thạo tin tiết lộ các điều tra viên của Cảnh sát tỉnh Khu vực 7 dự kiến áp lệnh truy nã đối với một trung tá công an, được cho là chồng cũ của nghi phạm chính trong vụ án.

Nguồn tin tiết lộ thêm rằng các điều tra viên đã phát hiện hàng triệu baht được chuyển từ tài khoản ngân hàng của nghi phạm chính (Sararat "Aem" Rangsiwuthaporn) sang tài khoản ngân hàng của sĩ quan cảnh sát nói trên. Giới chức điều tra vẫn đang xem xét và tổng hợp các bằng chứng để hỗ trợ cho đơn xin lệnh bắt của tòa án, nguồn tin cho biết.

Vào sáng 2/5, để tìm thêm bằng chứng của vụ án, cảnh sát cũng đã khám xét cơ sở của một công ty ở Lat Krabang được cho là nơi nghi phạm mua xyanua.

Cảnh sát khám xét hai tòa nhà bốn tầng đặt trụ sở của công ty, nơi bán hóa chất và thiết bị dùng trong phòng thí nghiệm. Kết quả khám xét chưa được công bố, theo Bangkok Post.

Học giả Weerachai Phutdhawong, phó giáo sư hóa học tại Đại học Kasetsart, hôm 2/5 cho hay cảnh sát đã gửi gần 400 vật chứng trong vụ án tới phòng thí nghiệm để kiểm tra. Công tác kiểm tra được dự kiến hoàn thành vào ngày 5/5.

Những kết quả ban đầu cho thấy dấu vết của xyanua trong một số mặt hàng. Ông Phutdhawong nói rằng kết quả kiểm tra chi tiết sẽ được cảnh sát công bố sau.

15 nạn nhân

Tướng cảnh sát Surachate cùng ngày cho hay cuộc điều tra vụ án giết người hàng loạt đang có những tiến triển đáng ghi nhận. Hiện có 14 nạn nhân được cho là đã chết và một người sống sót trong vụ án.

Ông Surachate xác nhận các điều tra viên cho đến nay đã phát lệnh bắt giữ bà Sararat liên quan tới 10 nạn nhân.

Phó giám đốc cảnh sát quốc gia Thái Lan cũng khẳng định ông đã triệu tập cuộc họp với các đội điều tra từ Cảnh sát tỉnh Khu vực 7, Cảnh sát tỉnh Khu vực 4, Phòng trấn áp tội phạm (CSD), các quan chức pháp y và các cơ quan khác để thu thập tất cả bằng chứng.

Nghi phạm Sararat, 36 tuổi, mang biệt danh "Aem Cyanide'', là vợ cũ của một sĩ quan cảnh sát cấp cao ở Ratchaburi. Bà bị bắt giữ vào ngày 25/4 tại khu phức hợp chính phủ trên đường Chaeng Watthana ở Bangkok theo lệnh của Tòa án Hình sự. Cảnh sát cho biết Sararat bị bắt giữ cùng một chai xyanua. Nghi phạm của vụ án chấn động Thái Lan này hiện bị giam giữ.

Vụ bắt giữ diễn ra sau đơn khiếu nại của mẹ và chị gái của một phụ nữ 32 tuổi đã chết tên là Siriporn “Koy” Khanwong.

Siriporn gục xuống và tử vong bên bờ sông Mae Klong ở quận Ban Pong, tỉnh Ratchaburi, nơi cô đã cùng Sararat đi thả cá phóng sinh vào ngày 14/4. Chất xyanua được tìm thấy trong thi thể của Siriporn.

Các điều tra viên tin rằng Sararat đã trộn xyanua vào thức ăn của Siriporn, khiến nạn nhân tử vong.

Khám nghiệm tử thi cho thấy Siriporn chết vì suy tim, với dấu vết của xyanua trong máu.

Mẹ của Siriporn đã báo cảnh sát sau khi phát hiện tiền và đồ trang sức của con gái mình đã bị mất. Người mẹ nghi ngờ bà Sararat có dính líu với sự việc vì gần đây người phụ nữ này đã kết bạn với cô con gái giàu có của bà.

Luật sư của Sararat cho biết bà phủ nhận tất cả cáo buộc.

Cảnh sát cho biết họ cho rằng bà Sararat giết các nạn nhân vì vấn đề tài chính. Nghi phạm nợ tiền một số nạn nhân, một số nạn nhân khác bị lấy trang sức và đồ vật có giá trị sau khi chết, giới chức trách cho hay.

Nhiều nạn nhân trong số đó đã chuyển số tiền lớn cho bà Sararat trước khi chết, cảnh sát công bố.

“Tất cả là vì tiền. Tiền là nguyên nhân chính”, ông Surachate cho biết tại cuộc họp báo hôm 27/4, đồng thời cho biết thêm rằng bà Sararat đã vay khoảng 1.500-7.300 USD từ một số nạn nhân.

Cảnh sát nhận định bà Sararat đã đầu độc những người này sau khi kết bạn với họ, chiếm được lòng tin và mời họ đi chùa hoặc dùng bữa hoặc uống cà phê.

Giết người hàng loạt

Truyền thông địa phương đưa tin bà Sararat trước đó từng được chẩn đoán có vấn đề về tâm thần. Nhưng ông Surachate nói rằng nghi phạm “không bị bệnh đến mức hành động vô thức. Bà ấy làm mọi thứ có ý thức, thậm chí còn lên kế hoạch trước”.

“Đây giống như một vụ giết người hàng loạt, và thủ phạm hành động thường xuyên, lặp đi lặp lại”, ông nói thêm.

Theo cảnh sát, 14 vụ giết người mà bà Sararat bị cáo buộc có liên quan bao gồm những nạn nhân từ 33 đến 45 tuổi. Các ca tử vong bắt đầu từ năm 2020 và xảy ra ở một số tỉnh, chủ yếu ở phía tây Thái Lan.

Tướng cảnh sát Surachate cho biết các điều tra viên đang xem xét bằng chứng liên quan đến một người gần gũi với nghi phạm và người này dường như đã thông đồng trong các hành vi phạm tội bị cáo buộc. Ông Surachate tiết lộ người đó là một "sĩ quan cảnh sát", trước đó từng được triệu tập để đưa ra lời khai với cảnh sát. Ông không nêu tên của sĩ quan này.

Phó cảnh sát trưởng cũng công bố rằng các điều tra viên đã tìm ra nguồn gốc của chất xyanua được cho là do nghi phạm mua. Đó là ở Bangkok.

Trước đó, truyền thông địa phương đưa tin cảnh sát đang xem xét hồ sơ các vụ án cũ, khám nghiệm tử thi và thẩm vấn các nhân chứng để thu thập thêm bằng chứng. Họ đang điều tra chị gái của nghi phạm, người sở hữu một hiệu thuốc và bị cảnh sát nghi ngờ cung cấp xyanua cho bà Sararat.

Giới chức điều tra sẽ nộp đơn xin lệnh khám xét của tòa án và làm việc với Bộ Công nghiệp và Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm để kiểm tra việc nhập khẩu chất gây chết người của công ty và mục tiêu của công ty khi nhập khẩu chất này.

“Nếu công ty này được xác định có dính líu, chúng tôi sẽ có hành động pháp lý. Cảnh sát cũng sẽ thu thập bằng chứng để hỗ trợ cho đơn xin lệnh bắt giữ của tòa án trong một hoặc hai ngày tới. Tôi đảm bảo rằng cảnh sát có bằng chứng để truy tố 'Aem' trong mọi trường hợp. Có cả bằng chứng gián tiếp và kết quả khám nghiệm tử thi", ông Surachate nhấn mạnh.

Hôm 27/4, chồng của nghi phạm - vốn là cựu cảnh sát - đã gặp các điều tra viên để đưa ra lời khai.

Vào thời điểm đó, ông Surachate cho biết người đàn ông này nói với các điều tra viên rằng anh ta tiếp tục sống với Sararat sau khi cặp đôi ly hôn. Bà Sararat đã yêu cầu chồng cũ quay lại chung sống.

Bà Sararat đang mang thai bốn tháng. Bà đang bị giam giữ tại Viện Cải huấn Phụ nữ Trung ương.

Tướng Surachate khẳng định các nhà chức trách cũng có thông tin về những người khác tiếp xúc với nghi phạm và sau đó đã chết. Cảnh sát đang điều tra xem họ có phải là nạn nhân hay không.

Ông kêu gọi thân nhân của những người đã chết sau khi gặp và dùng bữa với nghi phạm, liên hệ với ông tại Câu lạc bộ Thể thao Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan trên đường Vibhavadi Rangsit.

Phó cảnh sát trưởng tuyên bố phải khám nghiệm tử thi đối với những thi thể đó.

Cảnh sát trưởng quốc gia Thái Lan Damrongsak Kittiprapas sẽ gặp các đội điều tra ngày 3/5, ông Surachate nói thêm.

Hôm 1/5, mẹ của một phụ nữ đã chết ở Bangkok 7 năm trước và thuộc diện tình nghi là nạn nhân thứ 15 bị nghi phạm Sararat hạ độc bằng xyanua đã gặp các điều tra viên của Phòng trấn áp tội phạm (CSD).

Bà Ladda, 64 tuổi, đến từ tỉnh Kamphaeng Phet, đã trình báo với các điều viên dưới quyền của tướng Surachate Hakparn tại Câu lạc bộ Thể thao Cảnh sát Hoàng gia.

Người mẹ này chia sẻ con gái bà - Montathip - thường được gọi là Sai, 37 tuổi, đã qua đời ở Bangkok cách đây 7 năm. Bà Ladda nói với cảnh sát bà cho rằng rằng chính Sararat đã gây ra cái chết của Sai, mặc dù bà không có bằng chứng.

(Nguồn: Zing News)

Nga tập kích quy mô lớn, Ukraine hứng chịu tổn thất nặng nề

Quân đội Nga đã tiến hành một trận tập kích dữ dội bằng tên lửa hành trình và UAV cảm tử nhắm vào nhiều khu vực tại Ukraine trong đêm qua.

Vào đêm ngày 2, rạng sáng ngày 3/5, quân đội Nga đã tiến hành một vụ tập kích quy mô lớn bằng tên lửa hành trình và máy bay không người lái (UAV) cảm tử nhằm vào khu vực thủ đô Kiev cùng nhiều vùng lãnh thổ khác của Ukraine.

Đây là vụ tập kích thứ 3 chỉ trong vòng 6 ngày mà quân đội Nga tiến hành tại Ukraine. Theo chính quyền quân quản vùng thủ đô Kiev, toàn bộ các UAV của Nga tham gia tấn công thành phố này đã bị bắn hạ. Tuy nhiên, thiệt hại nặng nề về cơ sở vật chất vẫn được ghi nhận tại nhiều khu vực khác tại Ukraine.

Theo kênh truyền thông nhà nước Ukraine Suspilne, lực lượng phòng không Ukraine đã bắn hạ 21 UAV cảm tử của Nga tại các khu vực phía Nam và phía Đông nước này. Tuy nhiên, tại khu vực Kropyvnytskyi, UAV Nga đã đánh trúng một kho chứa nhiên liệu phục vụ cho mục đích quân sự và dân sự của Ukraine.

Ở Dnipro, một tòa nhà của chính quyền địa phương đã bị hư hỏng nặng. Tại khu vực Mykolaiv, nhiều nhà dân tại khu vực Kutsurubsk đã bị phá hủy hoàn toàn. Các vụ tấn công này không để lại hậu quả về người.

Suspilne cũng thông tin, nhiều ngôi nhà, cơ sở vật chất cùng một tòa nhà 5 tầng đã bị phá hủy tại khu định cư Kostyantynivka ở Donetsk sau màn tập kích của Nga vào đêm qua.

Cùng ngày, người đứng đầu chính quyền quân quản vùng Zaporizhia ở miền Nam Ukraine Yuri Malashko cáo buộc Nga đã tiến hành tập kích tên lửa vào khu vực tiền tuyến này.

"Những ngôi nhà của người dân tiếp tục trở thành mục tiêu tấn công của tên lửa Nga. Sau vụ tấn công, một ngôi nhà đã bị phá hủy, 2 căn khác bị hư hỏng nặng. Cửa sổ và mái của 40 căn nhà khác cũng bị hư hỏng. Thật may mắn khi vụ tấn công này không để lại hậu quả về người", ông Malashko viết.

Theo ông Malashko, chỉ trong vòng 24 giờ qua, quân đội Nga đã tiến hành 82 vụ tấn công, trong đó có 2 vụ tập kích tên lửa, 3 vụ không kích, 4 vụ tập kích UAV cảm tử cùng 69 vụ pháo kích nhằm vào Zaporizhia.

Zaporizhia là một trong 4 tỉnh của Ukraine được Nga tuyên bố sáp nhập hồi tháng 10 năm ngoái. Tuy nhiên, quân đội Nga chưa kiểm soát được toàn bộ lãnh thổ của tỉnh này, đặc biệt là tại thành phố thủ phủ Zaporizhia cùng khu vực xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia.

Thời gian gần đây, quân đội Ukraine đã điều động một lực lượng binh sĩ và trang thiết bị quân sự về khu vực này nhằm sẵn sàng cho các cuộc phản công giành lại lãnh thổ. Quân đội Nga vì vậy đang khẩn trương gia cố phòng tuyến tại khu vực này.

(Nguồn: Dân Trí)

Lịch sử chìm trong hỗn loạn của Sudan

(Ảnh minh họa).

Những cuộc xung đột liên quan tôn giáo và tranh đấu quyền lực suốt chiều dài lịch sử Sudan đã đẩy quốc gia châu Phi vào cảnh hỗn loạn.

Bạo lực giữa lực lượng vũ trang Sudan (SAF) và nhóm bán quân sự Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF) đã bùng phát từ hôm 15/4, khiến hơn 500 người thiệt mạng, hàng nghìn người bị thương. Khoảng 50.000 - 70.000 người đã chạy trốn khỏi đất nước trong khi 5 triệu người di tản trong nước. Giao tranh vẫn tiếp tục dù hai phe đã thống nhất về lệnh ngừng bắn.

Sudan, quốc gia 48 triệu dân nằm ở đông bắc châu Phi, giáp với Biển Đỏ, vốn bị bạo lực tàn phá trong nhiều thập kỷ. Đất nước trải qua nhiều cuộc nội chiến và xung đột kể từ khi giành được độc lập từ Anh và Ai Cập vào năm 1956.

Nội chiến thứ nhất

Cuộc nội chiến đầu tiên ở Sudan nổ ra vài tháng trước khi giành được độc lập vào ngày 1/1/1956 và kéo dài đến năm 1972.

Chính phủ ở bắc Sudan, nơi cộng đồng người Arab và Hồi giáo chiếm đa số, chiến đấu chống lại nhiều lực lượng nổi dậy ở nam Sudan, nơi người dân chủ yếu theo đạo Cơ đốc.

Cuộc xung đột kéo dài 17 năm kết thúc bằng một hiệp ước được ký kết ở nước láng giềng Ethiopia, theo đó tổng thống trao quyền tự trị cho nam Sudan. Ước tính 500.000 người đã chết trong cuộc xung đột này.

Sau 11 năm tương đối hòa bình, thỏa thuận sụp đổ vào năm 1983 khi Tổng thống Jaafar Nimeiri quyết định thu hồi quy chế tự trị của nam Sudan, đẩy mạnh chính sách "Hồi hóa" bằng cách yêu cầu thi hành luật Hồi giáo Sharia trên toàn quốc, dẫn đến cuộc nội chiến thứ hai.

Nội chiến thứ hai

Năm 1983, Phong trào Quân đội Giải phóng Nhân dân Sudan (SPLM/A), do John Garang lãnh đạo, nổi dậy đòi độc lập cho nam Sudan. Tháng 9/1984, Tổng thống Nimeiry tuyên bố sẽ miễn áp dụng Sharia cho những ai không theo đạo Hồi nhưng nhóm SPLM/A không giải giáp.

Chính phủ Sudan sau đó tiến hành một số nỗ lực để đạt hòa bình với phiến quân nhưng đều lâm vào bế tắc. Năm 1989, Omar al-Bashir, tướng quân đội theo đạo Hồi, lên nắm quyền nhờ đảo chính và ra lệnh mạnh tay càn quét phiến quân ở nam Sudan. Tình hình thêm rối loạn khi quân SPLM/A bất đồng nội bộ và phân hóa thành vài nhóm.

Dù vậy, các cuộc hòa đàm sau đó dần có tiến triển. Cuộc chiến kết thúc vào tháng 1/2005, khi Garang ký hiệp ước hòa bình với chính quyền Bashir. Theo hiệp ước, luật Hồi giáo Sharia không được áp dụng ở nam Sudan và nam Sudan được trao cho 6 năm tự trị trước khi tổ chức trưng cầu dân ý để quyết định tiếp tục là một phần của Sudan hay ly khai.

Cuối cùng, Nam Sudan tuyên bố độc lập vào ngày 9/7/2011. Đây là vùng giàu dầu mỏ và quyết định này đã khiến Sudan mất đi nguồn thu khổng lồ vốn chiếm hơn 95% giá trị xuất khẩu. Cú sốc đó đã gây ra lạm phát phi mã, kết hợp với giá nhiên liệu tăng, châm ngòi cho làn sóng biểu tình bạo lực sau này.

Ước tính hai triệu người đã thiệt mạng và 4 triệu người phải di tản trong cuộc nội chiến kéo dài 22 năm

Xung đột Darfur

Chiến sự bùng phát ở vùng Darfur rộng lớn ở miền tây Sudan năm 2003, khi các phiến quân nổi dậy chống lại chính phủ ở Khartoum, cáo buộc họ phân biệt đối xử với cộng đồng không phải người Arab ở đây.

Khartoum đáp trả bằng cách triển khai Janjaweed, lực lượng dân binh vũ trang Arab đã tấn công các ngôi làng ở Darfur bên cạnh quân đội chính quy.

Theo Liên Hợp Quốc, trong 5 năm đầu tiên, cuộc xung đột đã cướp đi sinh mạng của 300.000 người do giao tranh trực tiếp cũng như bệnh tật và suy dinh dưỡng. Khoảng 2,5 triệu người đã phải di tản.

Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ở The Hague năm 2009 và 2010 đã ra lệnh bắt Tổng thống Bashir với cáo buộc tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người và tội diệt chủng ở Darfur. ICC cho rằng al-Bashir đã ra lệnh cho binh sĩ và Janjaweed thực hiện các hành động giết người hàng loạt, cưỡng hiếp, cướp bóc dân thường ở Dafur. Tuy nhiên, lệnh bắt chưa bao giờ được thi hành.

Al-Bashir bị lật đổ trong cuộc đảo chính của quân đội năm 2019, chấm dứt 30 năm cầm quyền. Cuộc chiến kết thúc năm 2020, sau khi chính quyền Sudan và các phiến quân ký hiệp ước hòa bình.

Giao tranh giữa quân đội Sudan và RSF

Xung đột Darfur rất quan trọng bởi hai phe chủ chốt trong cuộc khủng hoảng hiện tại đều từng đóng vai trò lớn trong cuộc chiến ở khu vực này.

Tướng Abdel Fattah al-Burhan, nhà cầm quyền hiện tại ở Sudan, đã là chỉ huy quân đội tại khu vực Darfur vào năm 2008. Khi cuộc đảo chính lật đổ Bashir diễn ra vào tháng 4/2019, Burhan là tổng thanh tra quân đội và tướng cao cấp thứ ba của Sudan.

Quân đội Sudan thành lập Hội đồng Quân sự Chuyển đổi (TMC) để lãnh đạo đất nước. Vì người biểu tình phản đối bộ trưởng quốc phòng thời Bashir lãnh đạo TMC, Burhan đã trở thành người đứng đầu chính quyền quân sự.

Vài tháng sau, áp lực quốc tế khiến quân đội Sudan phải chấp nhận chia sẻ quyền lực với lực lượng dân sự, dẫn tới việc thành lập Hội đồng Chủ quyền (SC) thay thế TMC, với thủ tướng tạm quyền là Abdalla Hamdok.

Tuy nhiên, thỏa thuận đổ vỡ nhanh chóng. Tướng al-Burhan đã dẫn đầu cuộc đảo chính, phế truất chính quyền Hamdok vào tháng 10/2021. Từ đó, ông trở thành người quyền lực nhất nước, đứng đầu chính quyền quân sự. Ông củng cố mối quan hệ chặt chẽ hơn với Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Arab Saudi và Ai Cập, những nước đã khuyến khích al-Burhan loại bỏ al-Bashir.

RSF, phe còn lại trong chiến sự ở Sudan hiện tại, có tiền thân là lực lượng Janjaweed đã tham chiến ở Darfur. Tướng Mohamed Hamdan Dagalo, lãnh đạo RSF, vốn là đồng minh thân thiết của al-Burhan, từng là phó chủ tịch TMC và đã hỗ trợ ông al-Burhan trong cuộc đảo chính năm 2019 và năm 2021.

Vào tháng 12/2022, quân đội Sudan và RSF đạt được thỏa thuận hứa hẹn về một chính phủ dân sự và cam kết tổ chức các cuộc bầu cử trong hai năm, với hy vọng hồi sinh nền kinh tế gặp khó khăn của Sudan thông qua viện trợ nước ngoài và giảm nợ.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai tướng rạn nứt vì kế hoạch sáp nhập RSF vào quân đội Sudan. Dagalo, người ngần ngại chuyển giao quyền chỉ huy lực lượng bán quân sự hùng mạnh, đã yêu cầu quá trình sáp nhập RSF vào SAF kéo dài một thập kỷ, nhưng tướng Burhan chỉ muốn hai năm.

Mâu thuẫn đã leo thang thành đụng độ từ giữa tháng này, khi cả hai bên đều muốn giành quyền kiểm soát đất nước. Dagalo cho biết lực lượng của ông sẽ "không ngừng chiến đấu" cho đến khi "hoàn toàn kiểm soát" tất cả các địa điểm quân sự.

Cuộc xung đột có nguy cơ kéo dài khi Dagalo có sự hậu thuẫn của lãnh chúa Libya Khalifa Haftar. Ông là chỉ huy lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) trung thành với Hạ viện Libya, kiểm soát vùng Tobruk ở miền đông đất nước.

Hafta được mô tả là "lãnh chúa mạnh nhất Libya" và đã chiến đấu "ủng hộ hoặc chống lại gần như mọi phe phái" trong xung đột ở quốc gia này. Các nguồn tin cho biết lãnh chúa Haftar cung cấp các thông tin tình báo quan trọng, hỗ trợ nhiên liệu và có thể đã huấn luyện một biệt đội hàng trăm lính RSF trong khoảng từ tháng 2 tới giữa tháng 4.

Alex De Waal, chuyên gia về Sudan tại Đại học Tufts ở Mỹ, đánh giá cuộc đụng độ hiện tại giữa RSF và quân đội Sudan" là vòng đầu tiên của một cuộc nội chiến".

"Trừ khi nó nhanh chóng kết thúc, xung đột sẽ trở thành cuộc chiến nhiều cấp khi các bên trong khu vực và quốc tế can thiệp vào để theo đuổi lợi ích, bằng cách bơm tiền, vũ khí cho hai phe, thậm chí triển khai quân đội hoặc lực lượng ủy nhiệm", ông cho biết.

(Nguồn: Vnexpress)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang