Khai thuế thu nhập, bắt buộc hay tự nguyện? Lợi khi nào?

Câu hỏi:

Trước đây tôi làm phụ bếp cho một nhà hàng, hàng tháng nhận tiền lương cầm tay từ chủ, không quan tâm đến đóng thuế hay nộp bảo hiểm như thế nào, bao nhiêu. Năm kia và năm qua tôi phải chuyển chỗ làm việc 3 lần. Công việc và lương không thay đổi mấy. Không hiểu sao Sở Tài chính lại gửi công văn đòi nộp bản khai thuế thu nhập, còn nhắc nhở nếu quá hạn sẽ phải nộp tiền khai thuế muộn. Tôi hỏi mọi người làm cùng, chẳng ai bị cả. Họ bảo khai hay không tùy mình, thuế chủ đã tự khấu trừ nộp rồi? Vậy xin hỏi có đúng không? Nên như thế nào? (Một độc giả).

Trả lời:

Trách nhiệm người hưởng lương phải nộp bản khai báo thuế hay tự nguyện được quy định tại Điều §46 Luật thuế thu nhập EStG.

1- Phải nộp bản khai báo thuế gồm những người:

- Nhận thêm các khoản bổ sung tiền lương (Zusatzzahlungen): Ngoài lương chính, nếu người lao động còn nhận thêm các khoản tiền thay lương, như tiền thất nghiệp, tiền nghỉ việc do thiếu công việc, tiền cha mẹ, tiền nằm viện... nếu các khoản tiền đó vượt quá 450 Euro/ năm.

- Làm việc và nhận lương nhiều chỗ: Với điều kiện trong cùng thời gian và thuế lương tính theo bậc IV, hoặc lương đó chưa khấu trừ thuế sẵn.

- Bậc thuế: Vợ chồng có thể bị yêu cầu khai thuế, chẳng hạn một người đi làm, đóng thuế bậc V, hoặc cả hai đều có việc làm và đóng thuế bậc IV hay III/V có tính hệ số điều chỉnh (Faktor), hay trường hợp người phối ngẫu xin tách khai thuế riêng rẽ (Einzelveranlagung).

- Xin khấu trừ các khoản miễn thuế vào thu nhập: Chẳng hạn thay vì hưởng tiền con thì đệ đơn xin khấu trừ một phần tiền lương trước khi áp biểu thuế để được lợi hơn là lĩnh tiền con. Cách này thường được người có lương cao phải đóng thuế nhiều áp dụng.

- Tính chất thu nhập và cách khai thuế: Nhận những khoản thù lao ngoài lương chưa khấu trừ thuế. Hoặc thay đổi chủ lao động nhưng chủ mới không khấu trừ thuế vào lương đúng như chủ cũ. Đây có thể là trường hợp của Qúy độc giả KT.

- Tình trạng hôn nhân: Ly dị hoặc khi vợ/chồng mất kết hôn người khác cùng năm.

- Trong thẻ lương: Có ghi vợ/chồng sống ở các nước khác thuộc khối EU.

- Sống ở nước ngoài: Nhưng đệ đơn xin khai thuế thu nhập ở Đức chứ không phải ở nước ngoài.

- Hưu trí: Từ 2005 lương hưu được đánh thuế mới. Qua đó nhiều người nghỉ hưu phải đóng thuế. Quy tắc tính đơn giản: càng về hưu trễ, khoản lương hưu phải chịu thuế càng cao. Ai hiện đang lãnh lương hưu nên lưu ý: mỗi lần tăng lương hưu có thể rơi vào nhóm phải đóng thuế vì mức thuế được tính trên lương hưu Brutto, thường là nhóm nhận trên 1.500 € mỗi tháng và chưa hề nộp tờ khai thuế.

- Lợi tức (Kapitaleinkünfte): Ai không nộp đơn miễn thuế lợi tức và năm trước chưa đóng (Abgeltunssteuer) thì phải khai thuế bằng cách điền lợi tức vào tờ phụ lục khai thuế mang tên “Anlage Kap”.

- Đăng ký các khoản thu nhập miễn thuế: Tất cả mọi đối tượng đóng thuế có đăng ký khoản được miễn thuế (Freibetrag) chứ không phải để thuế vụ tự khấu trừ đổ đồng (Pauschal), chẳng hạn tiền con, cũng phải khai thuế nếu năm trước thu nhập lương cao hơn mức Freibetrag (nhà nước ấn định cho từng năm).

- Bị lỗ: Nếu người lao động ngoài hưởng lương còn có thêm thu nhập từ kinh doanh, bắt buộc phải khai thuế lương, khi Sở Tài chính phát hiện đã khai lỗ kinh doanh năm trước đó. Một trường hợp nữa, đi làm với lương toàn phần thấp và đang theo đuổi chương trình đào tạo nghề thứ hai với chi phí cao, có thể xin khấu trừ chi phí này vào những năm kế tiếp. Trong trường hợp này phải khai thuế thu nhập.

- Khai thuế khi không hưởng lương: Không hưởng lương nhưng có thu nhập vượt quá mức miễn thuế ấn định từng năm, đều phải khai thuế, thường áp dụng cho những người hành nghề tự do, như viết sách, báo, biểu diễn nghệ thuật, thậm chí làm từ thiện hưởng thù lao.

- Bị sở tài chính yêu cầu: Theo Điều 149 Abs. 1 S. 2 Nghị định Abgabenordnung, sở tài chính có quyền đòi bất cứ ai có thu nhập phải khai thuế mặc dù không thuộc các đối tượng trên. Nếu thấy mình không thuộc diện nào nêu trên thì có thể hiểu thuộc dạng bị sở tài chính yêu cầu.

2- Khai thuế tự nguyện

Nghiã là bất cứ ai có thu nhập đã được khấu trừ thuế sẵn, nếu không thuộc diện sở tài chính đòi khai thuế, đều có quyền tự khai thuế. Giới chuyên gia khuyên người lao động nên làm, do các khoản chi phí được phép khấu trừ vào thu nhập sở tài chính tính theo định mức đổ đồng, trong khi thực tế cao hơn hoặc có những khoản phải tự khai báo.

Thường nên khai thuế khi:

- Các chi phí phục vụ cho làm việc cao hơn định mức.

- Có những chi phí đột xuất như hiếu hỷ, ly dị, tai nạn...

- Phải chi cho công việc gia đình như thuê người trông trẻ, sửa chữa nhà cửa...

Đức Việt Online

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá
Lên đầu trang