Khai mạc phiên họp UBTVQH; Dự án công được 'giải phóng'; Lùi tiến độ sân bay Long Thành; 35 năm trận Gạc Ma

Hôm nay, khai mạc phiên họp 21 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(Ảnh minh họa).

Phiên họp thứ 21 khai mạc sáng nay 15/3 và dự kiến diễn ra trong 4 ngày làm việc. Một trong những nội dung đáng chú ý là việc tổ chức phiên chất vấn về lĩnh vực tòa án và kiểm sát.

Về công tác xây dựng pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá (sửa đổi), dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Bên cạnh đó cho ý kiến về các dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Nhà ở (sửa đổi) và cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 đối với 2 dự án: Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); cho ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân (đồng thời xem xét, quyết định việc bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023).

Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Xem xét, ban hành Kế hoạch về công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ được quy hoạch đại biểu Quốc hội chuyên trách và các chức danh ở Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 2/2023.

Liên quan công tác nhân sự, Thủ tướng Chính phủ sẽ có tờ trình đề nghị về việc bổ nhiệm và miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Chất vấn 2 trưởng ngành

Đáng chú ý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về một số nội dung thuộc hai lĩnh vực.

Cụ thể, nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực tòa án: Giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ án, nhất là vụ án hành chính, vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng; việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

Công tác cán bộ của ngành Tòa án; giải pháp nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh, trách nhiệm của Thẩm phán và các công chức ngành Tòa án; việc phòng ngừa và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành Tòa án.

Công tác tổng kết thực tiễn xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ. Việc triển khai thi hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến, nhất là việc chuẩn bị các điều kiện bảo đảm cho xét xử trực tuyến.

Trách nhiệm trả lời chính: Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng các Bộ: Công an, Tư pháp; Tổng Thanh tra Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực kiểm sát: Giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giải quyết các vụ án hình sự, nhất là các vụ án về kinh tế, tham nhũng; không để xảy ra việc bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội; tăng cường chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa.

Giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự; kiểm sát thi hành án hình sự, dân sự, hành chính; việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

Công tác cán bộ của ngành Kiểm sát; giải pháp nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh, trách nhiệm của Kiểm sát viên và các công chức của Viện Kiểm sát; việc phòng ngừa và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành Kiểm sát.

Giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, nhất là nâng cao tỷ lệ phát hiện tội phạm; tăng cường rà soát để kịp thời giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền.

Trách nhiệm trả lời chính: Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Bộ trưởng các Bộ: Công an, Tư pháp; Tổng Thanh tra Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

(Nguồn: Soha)

Hệ số K tăng mạnh, dự án công sẽ được 'giải phóng'

Hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) để lập phương án bồi thường năm 2023 mà TP.HCM vừa ban hành tăng mạnh được cho là sẽ giúp cho việc giải phóng mặt bằng các dự án công nhanh chóng, dễ dàng hơn.

Đã sát giá thị trường

Ông Võ Văn Thuyên, phó tổng giám đốc một tập đoàn bất động sản lớn ở TP.HCM, cho biết mười mấy năm qua ông phụ trách việc bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) cho công ty và thấy rằng đây là một khâu rất "khó nhằn". Đối với các dự án do tư nhân đầu tư còn dễ vì có thể tự thương lượng với người dân mà không cần phải theo một khung giá hay quy định nào. Còn đối với các dự án đầu tư công, việc thương lượng vô cùng khó khăn khi phải bám theo khung giá. Có những trường hợp thương lượng đến "cùng đường" vẫn không xong. Trong trường hợp khung giá và hệ số K quá thấp người dân sẽ không chịu di dời và như vậy dự án sẽ kéo dài, dẫn đến đội giá.

"Hệ số K với đất ở gấp 25 lần giá nhà nước, còn đất nông nghiệp gấp 38 lần mà TP vừa ban hành thì việc bồi thường chắc chắn sẽ trở nên dễ dàng hơn", ông Thuyên nhận xét và lấy ví dụ giá đất ở đường Trần Não (TP.Thủ Đức) hiện khoảng 200 - 250 triệu đồng/m2. Hiện bảng giá đất nhà nước khu vực này khoảng 22 triệu đồng/m2. Vì thế khi điều chỉnh và áp hệ số K 25 lần, giá bồi thường còn cao hơn giá thị trường, tất nhiên người dân trong vùng giải tỏa sẽ chấp nhận. Hay đất mặt tiền đường Trần Não, đoạn từ xa lộ Hà Nội đến Lương Định Của (TP.Thủ Đức) sẽ được xây dựng giá bồi thường ở mức 132 - 550 triệu đồng/m2, sát giá thị trường nên "rất công bằng".

Từng vất vả trong việc giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn H.Nhà Bè, một lãnh đạo huyện này cũng cho rằng hệ số K đưa ra để xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư lần này đã sát với giá thị trường, từ đó giúp cho việc thương lượng đền bù với người dân được dễ dàng hơn. "Thực tế hiện nay có nhiều dự án không thể thương lượng, bồi thường được vì khung giá đưa ra quá thấp, địa phương không thể tự quyết định nâng giá bồi thường vượt khung. Điều này khiến nhiều dự án chậm tiến độ, kéo theo điều chỉnh mức đầu tư gấp nhiều lần so với mức đầu tư ban đầu, gây thiệt hại rất lớn cho ngân sách nhà nước. Nhưng với hệ số K mới gần như sát với giá thị trường mà TP vừa ban hành sẽ giúp quá trình lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho một dự án dễ dàng hơn rất nhiều", vị này thở phào.

Cầm trên tay quyết định hệ số K của TP năm nay, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, đánh giá so với năm 2022, hệ số K năm nay cao hơn và được ban hành sớm hơn 5 tháng. Hệ số K năm 2022 đối với đất ở cao từ 3 - 15 lần giá đất trong bảng giá do UBND TP ban hành và từ 7 - 35 lần đối với đất nông nghiệp.

"Trong những năm gần đây, khi ban hành hệ số K, TP ngày càng nắm bắt tốt hơn tâm tư, nguyện vọng của người dân. Tuy nhiên, đây chỉ là khung, khi đưa ra phương án bồi thường nhà nước còn phải bàn bạc với người dân để có phương án tốt nhất, công bằng nhất. Đây là cách làm dân chủ, coi trọng ý kiến người dân có đất bị thu hồi", ông Châu nói. Ngoài việc tính tiền bồi thường, theo ông Lê Hoàng Châu vấn đề quan trọng nữa để một dự án thành công là tái định cư cho người dân. Làm sao để người dân có nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ và nhà nước cũng phải giúp chuyển đổi nghề nghiệp, lo học hành cho con cái người bị thu hồi đất tốt hơn để làm sao người dân an cư lạc nghiệp, hạnh phúc tại nơi ở mới.

Tháo nút thắt hạ tầng

Trong suốt 2 thập kỷ qua, bồi thường GPMB được nhận định là nút thắt lớn nhất cản trở tiến độ các dự án giao thông của TP.HCM. Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP), ước tính có tới hơn 80% các dự án, công trình ì ạch, chậm trễ do vướng mặt bằng. Nhiều dự án phải chờ đến gần 20 năm trên giấy, trong khi có những công trình thời gian thi công rất ngắn, chỉ khoảng 6 tháng nhưng chờ công tác đền bù đến 1 - 2 năm.

Đây là những tồn tại có từ trước và không dễ để tìm ra cách giải quyết. Các dự án hạ tầng chậm tiến độ không chỉ cản trở sự phát triển của TP mà còn khiến chi phí GPMB tiếp tục đội lên rất nhiều, kéo theo điệp khúc đội vốn do trượt giá, biến động tỷ giá, tăng chi phí dự phòng... Tắc nghẽn GPMB kéo theo tắc nghẽn các dự án là nguyên nhân chính khiến TP không thể giải ngân vốn đầu tư công. Năm 2022, chiếm số lượng khoảng 1/3 trong danh sách những dự án có tỷ lệ giải ngân cực thấp tại TP.HCM là những công trình giao thông trọng điểm vướng mặt bằng.

"Năm 2022, UBND TP.HCM ban hành hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) cao hơn hẳn trước đây, gấp 35 lần bảng giá đất đã lập tức tạo tác động thuận lợi lớn cho công tác tái định cư, GPMB tại các dự án giao thông. Dự án thành phần 1A - giai đoạn 1 thuộc Vành đai 3 TP.HCM, đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa… một số công trình trọng điểm đã nhanh chóng được bàn giao mặt bằng để khởi công. Với mức hệ số K mới ban hành còn cao hơn, gấp 38 lần bảng giá đất và tiệm cận hơn với giá thị trường, chắc chắn công tác GPMB thời gian tới sẽ thuận lợi hơn, các dự án giao thông sẽ chạy nhanh hơn", ông Lương Minh Phúc nhận định.

Theo kế hoạch, trong năm 2023, TCIP sẽ nhận mặt bằng "sạch" từ các quận, huyện để triển khai loạt dự án trọng điểm như Vành đai 3 TP.HCM, cầu Nam Lý, cầu Tăng Long, đường Lương Định Của, cầu Ông Nhiêu, cầu Rạch Đĩa, đường Tên Lửa, cầu Bà Hom…

Kiến trúc sư Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM, cũng đánh giá chính sách định giá đất thỏa đáng, đảm bảo quyền lợi của người dân là "chìa khóa" để TP.HCM giải quyết triệt để tận gốc nút thắt GPMB cho các dự án giao thông. Lâu nay việc đền bù GPMB đối với các dự án tại TP luôn gặp khó khăn do pháp lý chưa thật rõ ràng, quan điểm giữa người dân và nhà nước còn khác nhau. Quan trọng nhất là định giá đất cho người dân chưa phù hợp với bối cảnh kinh tế thị trường khiến người dân luôn cảm thấy mình là người chịu thiệt. Không nhận được sự đồng thuận từ người dân, công tác GPMB vì thế không chỉ khó khăn, kéo dài mà còn thường xuyên xảy ra kiện tụng dai dẳng.

"Không chỉ các dự án mới mà với hàng trăm dự án tồn đọng, nếu có chính sách giá bồi thường hợp lý, cùng cách làm mới, quyết tâm chính trị xử lý nhanh chóng thì sẽ trở thành giải pháp đột phá của ngành giao thông TP, thúc đẩy kinh tế cho TP.HCM hiện nay cũng như trong tương lai", kiến trúc sư Võ Kim Cương kỳ vọng.

(Nguồn: Thanh Niên)

Siêu dự án sân bay Long Thành: Lại xin lùi tiến độ

(Ảnh minh họa).

Để đúng quy trình, dù dự án đang chậm tiến độ so với yêu cầu, nhưng việc đấu thầu tìm nhà thầu thi công nhà ga hành khách sân bay Long Thành (Đồng Nai) vẫn phải thực hiện với thời gian dự kiến kéo dài nửa năm. Chủ đầu tư vừa chính thức phải xin lùi tiến độ hoàn thành từ năm 2025 sang năm 2026.

Mục tiêu và thực tế

Khi phê duyệt dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành), Quốc hội và Chính phủ đặt mục tiêu đưa dự án vào khai thác cuối năm 2025. Nhưng hiện gói thầu chính và lớn nhất dự án là nhà ga hành khách (hơn 35.000 tỷ đồng) vẫn chưa chọn được nhà thầu.

Gói thầu trên được Tổng công ty Cảng hàng không (ACV - chủ đầu tư) mời thầu quốc tế lần đầu từ tháng 9/2022, hiện trong thời gian mời thầu lần 2, dự kiến đóng thầu cuối tháng 3 này. Riêng 2 lần mời thầu đã mất 6 tháng, nhưng chưa tìm được nhà thầu do điều kiện chào thầu lần 2 vẫn cơ bản được giữ như lần 1 (thời gian thực hiện 33 tháng, đơn giá, thanh tra, kiểm toán…).

Trong kiến nghị gửi ACV mới đây, Tập đoàn Xây dựng DELTA tính toán, với tiến độ thực hiện gói thầu thi công nhà ga 33 tháng theo hồ sơ mời thầu là không khả thi. Nhà thầu đề xuất chủ đầu tư tăng thời gian thực hiện gói thầu lên 40 tháng. Nhà thầu cho rằng, gói thầu gồm cả thiết kế kỹ thuật, thi công, lắp đặt thiết bị, vận hành thử, trong khi khu vực thi công dự án có mưa nhiều (mùa mưa thường kéo dài 5-6 tháng/năm), làm ảnh hưởng đến tiến độ gói thầu. Các kiến nghị tương tự cũng được một số nhà thầu trong và ngoài nước gửi tới ACV.

Dự án xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư trên 100.000 tỷ đồng, mục tiêu khai thác cuối năm 2025. Dự án được chia thành 4 dự án thành phần, trong đó ACV làm chủ đầu tư Dự án thành phần 3 (các công trình thiết yếu), tổng mức đầu tư hơn 98.500 tỷ đồng, ACV tự thu xếp vốn. Gói thầu thi công nhà ga hành khách thuộc Dự án thành phần 3, tổng giá trị hơn 35.200 tỷ đồng, dự kiến ngày 28/3 sẽ chấm thầu lần 2.

Sau khi ghi nhận ý kiến của các nhà thầu, đơn vị tư vấn, ACV đã có văn bản kiến nghị cấp thẩm quyền lùi thời gian hoàn thành Dự án sân bay Long Thành từ năm 2025 sang năm 2026. Đây là cơ sở để ACV điều chỉnh thời gian thực hiện gói thầu thi công nhà ga từ 33 lên 39 tháng, đảm bảo tính khả thi (trong đó có 36 tháng thi công và 3 tháng vận hành thử).

Yêu cầu làm rõ cơ sở khoa học

Sau kiến nghị lùi thời gian thực hiện Dự án thành phần 3 sân bay Long Thành sang năm 2026 của ACV, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng đã chủ trì họp với các bên liên quan. Kết luận cuộc họp, ông Thắng đánh giá, công tác đấu thầu chọn nhà thầu thi công nhà ga hành khách tới nay chậm tiến độ, ảnh hưởng quyết định tới thời điểm đưa sân bay vào khai thác (dự kiến năm 2025).

Trên cơ sở kiến nghị của ACV tăng thời gian thực hiện gói thầu thi công nhà ga hành khách sân bay Long Thành từ 33 tháng lên 39 tháng, lãnh đạo Bộ GTVT nhận định: “Để đảm bảo chất lượng công trình, an toàn thi công, đề xuất của ACV kéo dài thời gian thực hiện gói thầu trên là cần thiết”. Để kịp thời báo cáo Thủ tướng, Bộ GTVT yêu cầu ACV khẩn trương hoàn thiện báo cáo, làm rõ nguyên nhân, bổ sung cơ sở khoa học, đảm bảo khả thi.

Ông Thắng cũng yêu cầu ACV tăng cường năng lực quản lý của Ban quản lý dự án; thuê tư vấn nước ngoài hỗ trợ quản lý dự án; chủ động xây dựng các cơ chế đặc thù (nếu cần thiết) để kịp thời kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét chấp thuận.

Trong văn bản vừa gửi Bộ GTVT và ACV, Bộ KH&ĐT cũng cho rằng, việc lùi tiến độ hoàn thành dự án sân bay Long Thành sang năm 2026 là phù hợp. Bộ này đề nghị ACV rà soát, phân tích nguyên nhân, trách nhiệm các bên liên quan dẫn tới kéo dài dự án, báo cáo cấp có thẩm quyền để trình Chính phủ, Quốc hội xem xét.

Ngày 10/3, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về triển khai đấu thầu thi công nhà ga hành khách sân bay Long Thành. Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước phối hợp các cơ quan liên quan xem xét báo cáo của ACV về đấu thầu tìm nhà thầu thi công nhà ga hành khách; tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền về tiến độ khi tổng thể dự án đã chậm. Phó Thủ tướng cũng cho rằng, thời gian thực hiện gói thầu thi công nhà ga tăng lên 39 tháng được nhà thầu, đơn vị tư vấn có ý kiến là có cơ sở, phù hợp với quy mô và tính chất kỹ thuật của công trình, tiến độ các dự án thành phần khác. Bộ GTVT cũng được giao đánh giá việc cho phép gói thầu thi công nhà ga trong thời gian 39 tháng, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, điều kiện để các nhà thầu quốc tế tham gia, báo cáo Thủ tướng.

(Nguồn: CafeF)

35 năm trận Gạc Ma và di sản nhức nhối của ‘cuộc thảm sát’

Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm gọi sự kiện Gạc Ma ngày 14/03/1988 là cuộc thảm sát do Hải quân Trung Quốc thực hiện và nói rằng Việt Nam luôn nhớ điều đó nhưng cũng cần khéo léo trong quan hệ với cường quốc láng giềng.

Trong cuộc phỏng vấn với BBC News Tiếng Việt, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân thuộc Bộ Tư lệnh Hải Quân Việt Nam đã thuật lại nhiều diễn biến quan trọng xoay quanh sự kiện mà ông gọi là "vụ thảm sát Gạc Ma" .

Sự kiện ấy xảy ra ngày 14/3/1988, lực lượng Việt Nam bao gồm chủ yếu là lính công binh đang triển khai việc đóng giữ các bãi cạn Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao thuộc cụm Sinh Tồn trong quần đảo Trường Sa thì tàu của Hải quân Trung Quốc kéo đến.

Các video được công bố về sau cho thấy tàu Trung Quốc đã xả súng nhằm vào một nhóm quân nhân Hải Quân Việt Nam vừa đổ bộ lên bãi cạn Gạc Ma. Có tổng cộng 64 người đã thiệt mạng trong vụ xả súng tại Gạc Ma cũng như các vụ nổ súng tại các khu vực lân cận.

Đã 35 năm trôi qua, xác hai con tàu cùng hài cốt của các quân nhân Việt Nam vẫn chưa được trục vớt do sự cấm cản từ phía Trung Quốc. Trong khi đó, bãi cạn Gạc Ma năm xưa đã được Trung Quốc bồi đắp thành một đảo nhân tạo lớn và trở thành một căn cứ quân sự.

Mất bãi Chữ Thập

Là tham mưu phó phụ trách tác chiến của hải quân, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm nắm khá rõ những diễn biến ở Trường Sa trong thời điểm cùng xảy ra với sự kiện Gạc Ma 1988.

Ông Lâm nói với BBC News Tiếng Việt rằng, trong kế hoạch tác chiến bảo vệ Trường Sa và việc đóng thêm các bãi đá ở Trường Sa thì không có Gạc Ma, chỉ có bốn bãi: Chữ Thập, Châu Viên, Đá Tây, Tiên Nữ.

“Cuối năm 1987, chúng tôi đóng được Đá Tây, triển khai đóng đá Chữ Thập nhưng tàu thuyền hỏng hóc và đây được coi là vị trí chiến lược vì ở bờ mà ra vùng Nam Yết thì Đảo Chữ Thập là nằm giữa Biển Đông nên mình phải đóng được nơi này."

"Nhưng đợt thứ nhất ra thì nhóm tàu bị sự cố nên không ra được, mãi đến đầu Tết năm 1988 mình ra thì Trung Quốc đã đóng rồi. Tàu Hải Quân Việt Nam cố tiến vào nhưng tàu Trung Quốc kiên quyết ngăn cản. Trước tình hình đó, Tư lệnh Hải Quân Việt Nam lệnh rút về, không vào Chữ Thập nữa. Và thế là mình mất Chữ Thập,” tướng Lâm thuật lại.

Hiện nay, bãi đá Chữ Thập đã được Trung Quốc biến thành một đảo nhân tạo lớn, với nhiều cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động quân sự, có giá trị như một căn cứ hải quân quan trọng cách đảo Hải Nam Trung Quốc hơn 1000km.

Trở lại với tình hình Biển Đông cuối 1987 đầu 1988, lúc bấy giờ đang rất căng thẳng, Bộ Tư lệnh Hải quân giao cho cơ quan ông Lâm nhiệm vụ lên kế hoạch tác chiến bảo vệ Trường Sa.

Kế hoạch đó được đích thân Tư lệnh Giáp Văn Cương báo cáo cho Trung ương vào tháng 8 năm 1987.

Tháng 9 năm 1987, kế hoạch được triển khai. Thời điểm này, Tư lệnh Giáp Văn Cương đã điều sở chỉ huy các cơ quan hải quân từ Hải Phòng vào Cam Ranh (Khánh Hòa).

"Tôi là người viết điện cho Tư lệnh Giáp Văn Cương ký để đóng các điểm: 1/Chữ Thập, 2/ Đá Tây, 3/ Châu Viên, 4/ Tiên Nữ. Mỗi điểm sẽ có 3 – 4 tàu ra đóng giữ. Trong kế hoạch của tôi khi đó cũng như phòng tác chiến Bộ Tham mưu hải quân vạch ra không có kế hoạch đóng Gạc Ma cũng như không có kế hoạch đánh nhau với Trung Quốc.”

Tướng Lâm nói rằng lúc đó suy nghĩ chung là quan hệ giữa hai nước chưa quá căng thẳng. Tuy nhiên, vào khoảng cuối năm 1987, Tư lệnh Giáp Văn Cương đã cảnh báo không nên chủ quan, Trung Quốc không đánh trên đất liền sẽ đánh trên biển, theo lời ông Lâm thuật lại.

"Sau này tôi mới biết đồng chí Lê Đức Anh, lúc đó là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, hạ lệnh đóng Gạc Ma," Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm thuật lại.

Ở Gạc Ma, vào đêm 13/03/1988, Việt Nam cho một bộ phận công binh E83 và một bộ phận của lữ đoàn 146 lên một góc đảo để bảo vệ.

Rạng sáng, Trung Quốc thấy cờ Việt Nam cắm ở trên đảo đã cho người tới nhổ cờ. Lúc này hai bên xảy ra đụng độ.

Quân Trung Quốc dùng dao găm đâm vào thiếu úy Trần Văn Phương và chiến sĩ Nguyễn Văn Lanh, hai người cắm và giữ cờ khi ấy.

Hai chiến sĩ Việt Nam đã phản kháng lại. Sau đó, lính Trung Quốc và tàu chiến Trung Quốc đã xả súng vào những người lính Việt Nam đang ở giữa vùng biển cạn. Theo ông Lê Kế Lâm, đó là cuộc thảm sát vì phía Việt Nam chưa hề bắn một viên đạn nào vào Trung Quốc, theo lời kể của những người trực tiếp chứng kiến sự việc ấy.

"Chủ yếu bên Việt Nam chỉ có cuốc xẻng, xà beng, cũng có ít súng trường mang theo nhưng bộ phận Hải Quân lên đảo chưa phản ứng gì. Gạc Ma là cuộc thảm sát thực sự vì Việt Nam không có tàu chiến và lực lượng chiến đấu tương xứng đối đầu với Trung Quốc, chỉ có hai tàu vận tải cỡ nhỏ đã cũ không súng ống, đạn dược.”

"Trung Quốc đã bắn chìm hai tàu 604, 605 và còn bắn cháy tàu 505 của Việt Nam ở Cô Lin. Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ báo cáo về tàu bị cháy, và được lệnh cho tàu gác cạn trên bãi Cô Lin và giữ được Cô Lin," ông Lâm nhớ lại.

Chuyện 'không được nổ súng'

Một phần dư luận Việt Nam, kể cả trong giới cựu chiến binh, nhiều năm gần đây cho rằng đã có một mệnh lệnh từ cấp cao, mà có người cho là từ lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam, ra lệnh các chiến sĩ không nổ súng kháng cự.

Làm rõ cho BBC về điểm này, tướng Lê Kế Lâm nói:

"Chủ trương Nghị quyết Đảng ủy Hải quân mà tôi nhớ rõ ràng là: Đối xử ở trên biển phải hết sức kiềm chế, tự vệ là chính, tuyệt đối không chủ động nổ súng trước, tránh sự khiêu khích của Trung Quốc.”

"Tôi có nghe một tin như thế này, nhưng là được thuật lại từ một người có mặt trong cuộc họp của Bộ Chính trị lúc ấy. Đó là sau vụ Gạc Ma xảy ra và 64 chiến sỹ hy sinh, 9 người bị bắt về Trung Quốc thì Bộ Chính trị có họp. Đồng chí Nguyễn Cơ Thạch có hỏi rằng có tin anh em chiến sĩ nói không được nổ súng, vậy thì ai ra lệnh không được bắn, thì đồng chí Lê Đức Anh nói rằng ông ấy là người ra lệnh," Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm chia sẻ vì ông chưa bao giờ được dự một cuộc họp cấp cao như vậy.

Theo ông Lâm, tin tức này lọt ra ngoài dẫn đến tranh cãi. Một số người quy trách nhiệm cho cựu Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Một tướng lĩnh cho rằng không có chuyện như vậy vì trong chiến tranh thì không thể có lệnh cấm nổ súng, dù ở bất cứ mặt trận nào.

Về sự việc này, khi được hỏi lại liệu Tướng Lê Đức Anh có ra lệnh cho bộ đội Việt Nam ở Gạc Ma không được nổ súng đáp trả khi bị các lực lượng Trung Quốc uy hiếp như dư luận đặt vấn đề hay không, Đại tá Phạm Hữu Thắng nói với BBC vào năm 2019:

"Tôi cho là không có lệnh đó".

Khi được hỏi tiếp về căn cứ của nhận định này, nhà nghiên cứu từ Viện Lịch sử Quân sự, Bộ Quốc phòng Việt Nam nói:

"Tôi cũng nghiên cứu lịch sử hải quân và trong toàn bộ phần lịch sử không nói chuyện là không cho nổ súng."

Thế kẹt của Việt Nam

Nằm sát sườn bên cạnh một quốc gia có tham vọng trên cả lục địa lẫn đại dương như Trung Quốc, Việt Nam phải khéo léo vận dụng “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”: một mặt phải bảo vệ chủ quyền, ghi nhớ những sự kiện lịch sử như Chiến tranh biên giới 1979 hay Gạc Ma 1988 nhưng mặt khác là không “gây hận thù với Trung Quốc”, làm “ảnh hưởng tới sự phát triển của Việt Nam”.

Hà Nội lâu nay vẫn rất thận trọng trong các vấn quan hệ và đối thoại với Trung Quốc.

Trong bối cảnh sau chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc hồi cuối tháng 10, đầu tháng 11 năm 2022, Việt Nam lại trở nên cẩn trọng hơn.

Tháng 3/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ Gạc Ma tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma ở Cam Lâm, Khánh Hòa.

Thế nhưng năm nay, tròn 35 năm sự kiện Gạc Ma, theo truyền thống của Việt Nam là các sự kiện vào “năm chẵn” thường được tổ chức lớn. Vậy mà đến nay vẫn chưa có các hoạt động của giới lãnh đạo cấp cao Việt Nam, đặc biệt là các nhân vật trong “tứ trụ”, được truyền thông rộng rãi.

Trong vụ Gạc Ma, một số thi thể đã được đưa về trên đảo Sinh Tồn nhưng vẫn còn 56 người chưa được tìm thấy hài cốt.

Tàu HQ 604 và HQ 605 bị chìm cũng mang theo thi thể của thủy thủ đoàn, đa phần là công binh.

20 năm sau, tàu HQ 604 được phát hiện dưới lòng biển tại vùng biển cách Gạc Ma khoảng một hải lý. Các phần hài cốt không đầy đủ của 8 liệt sĩ được các thợ lặn đưa về nhưng khi ấy, tàu Trung Quốc ngăn cản quyết liệt và vẫn còn nhiều hài cốt đang nằm trong xác tàu HQ 604.

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 8/7/2009, Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định đã có các công hàm và nhiều lần giao thiệp với phía Trung Quốc ở các cấp khác nhau đề nghị tạo điều kiện cho phía Việt Nam tiến hành công việc tìm kiếm, thu gom hài cốt 56 liệt sĩ hy sinh tại Trường Sa năm 1988.

Tuy vậy, đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội đã có công hàm chính thức trả lời rằng Trung Quốc đã nghiên cứu nghiêm túc đề xuất của phía Việt Nam về việc thu gom hài cốt liệt sĩ nhưng họ chưa thể đáp ứng đề xuất này.

Ông Lâm diễn giải lý do Trung Quốc từ chối phía Việt Nam:

"Về việc thực hiện cho đúng luật pháp quốc tế về nhân đạo trong chiến tranh cũng như đối xử với tù binh thì mỗi nước họ chấp hành mỗi khác. Những nước nào tuân thủ những luật của Liên Hợp Quốc thì chấp hành tốt.”

"Thứ hai, đứng về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc thì hàng ngàn năm lịch sử, Trung Quốc luôn muốn Việt Nam lệ thuộc, làm nước đệm của họ - giống như Nga xem Ukraine."

Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm cho rằng, nếu quan hệ giữa hai nước tốt như hiện nay thì Trung Quốc nên để Việt Nam trục hai xác tàu nói trên.

Thế nhưng, nhiều nhà quan sát cho rằng với việc bồi đắp đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã thực hiện, có thể việc trục vớt hài cốt không còn khả thi nữa.

Tướng Lâm cũng nói về sự nhạy cảm trong mối quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc đòi hỏi phía Việt Nam phải cẩn trọng.

"Chúng ta bức xúc và căm thù hành động dã man của một bộ phận hải quân Trung Quốc nhưng không thù dai. Đối với việc làm phi nghĩa của một bộ phận hải quân Trung Quốc, Việt Nam phải lên án. Còn quan hệ tốt với Trung Quốc trên đại cục vẫn giữ, nhưng trên từng sự việc một, họ làm sai phải lên tiếng, phải nói một cách rõ ràng chứ không lập lờ. Ở gần một nước lớn mà nước đó luôn luôn có tư tưởng làm bá chủ thiên hạ thì Việt Nam bao giờ cũng vất vả, phải giữ quan hệ để không xảy ra mâu thuẫn."

"Bảo vệ chủ quyền biển đảo sắp tới đây là một nhiệm vụ hết sức nặng nề. Chủ trương của Trung Quốc độc chiếm biển Đông là không bao giờ thay đổi. Họ không chịu yên vị là cường quốc lục địa thôi mà họ muốn trở thành cường quốc trên đại dương." ông Lâm kết luận.

(Nguồn: BBC)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang