Khách mua hoa đâu rồi; 'Săn' giúp việc mùa Tết; Vụ 'lò' dạy môi giới; 'Vỡ òa' vì có giao dịch BĐS vào 'phút chót'

KHÁCH MUA HOA ĐÂU RỒI?

(Ảnh minh hoạ).

Những ngày cuối năm, hoa xuân đã tràn ngập tại các công viên lớn và trung tâm mua bán cây hoa kiểng. Nhưng người bán thì nhiều, người mua lại vắng.

Bông giấy đổi màu, cúc cam lửa tại Bình Điền

Ngày 17.1, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) tổ chức lễ khai mạc chợ hoa xuân Bình Điền 2023. Sau một năm gián đoạn vì khó khăn chung, chợ hoa xuân Bình Điền 2023 tại Khu thương mại Bình Điền (đại lộ Nguyễn Văn Linh, P.7, Q.8, TP.HCM) được chuẩn bị từ nhiều tháng trước với các biên bản ghi nhớ được ký bởi Công ty Quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền, với các nhà vườn đến từ Bến Tre, Đồng Tháp… Chợ hoa xuân Bình Điền 2023 sẽ “họp chợ” từ ngày 13.1.2023 (22 tháng chạp) đến hết ngày 21.1.2023 (30 tháng chạp Nhâm Dần).

Với chủ trương khuyến khích bà con nhà vườn tham gia kinh doanh, trưng bày hoa tết, Công ty chợ Bình Điền tiếp tục miễn phí tiền thuê lô bán hàng, đồng thời tạo điều kiện cho các nhà vườn có thể gửi lại hàng hóa (tự bảo quản) và chỉ cần trả mặt bằng trước ngày 27.1.2023 (mùng 6 tết).

Diện tích chợ hoa xuân Bình Điền gần 12.000m² được chia thành 282 lô, trung bình cho mỗi lô 24 - 30m², được chia thành 5 cụm cho các hội nhà vườn TP.HCM (8 lô). Gồm hội nhà vườn thành phố Sa Đéc - Đồng Tháp (12 lô), hội nhà vườn huyện Chợ Lách - Bến Tre (197 lô), huyện Mỏ Cày Bắc - Bến Tre (44 lô), hội nông dân huyện Bình Chánh (8 lô)...

Anh Nguyễn Văn Rua, nhà vườn trồng hoa tại Bến Tre cho biết, gia đình anh đã mang lên phục vụ người dân TP.HCM chơi xuân nhiều loại hoa mới, trong đó có các loại bông giấy đổi màu giống Ấn Độ, đặc điểm là bông to, thời gian giữ tươi kéo dài, thú vị hơn là chúng có thể đổi màu (xanh, vàng, tím…) theo ánh nắng mặt trời. Ngoài ra, các nhà vườn còn có nhiều loại bông giấy giống nhập từ Thái Lan, Indonesia, Pháp...

Anh Đinh Văn Mười, nhà ở Sa Đéc (Đồng Tháp), khoe sẽ trình làng giống cúc cam lửa mà anh và một số ít hộ nông dân khu vực này đã mang giống trồng từ Đà Lạt về miền Tây để sản xuất. Giống cúc này tuy không đạt chiều cao (thường là 1 mét) so với khi trồng ở nơi gió lạnh nhưng cây cho ra hoa to và đẹp không kém. Các nhà vườn thuộc làng hoa Sa Đéc năm nay tiếp tục mang đến chợ hoa xuân Bình Điền nhiều loại hoa nở chất lượng cao như cúc mâm xôi, mai, cúc Đài Loan, hồng tỉ muội, hồng nhung, hướng dương, tử địa lan, cúc đồng tiền, hoa dạ yến thảo…

“Dù thời tiết không thuận lợi, mưa nắng bất chợt, nhất là những cơn mưa đêm khiến cho nhiệt độ xuống thấp đã làm cho hoa bị sâu bệnh tấn công, dẫn đến chi phí trồng hoa của nhà vườn tăng cao do phải tăng cường chăm sóc. Trong khi sản lượng thu hoạch hoa không đạt như kỳ vọng, nhưng hàng loạt chậu cúc, vạn thọ, tắc, mai... của các nhà vườn tại nơi này đang phát triển tốt, dáng đẹp, đã bắt đầu chớm nụ dưới bàn tay chăm sóc chu đáo của các hộ nông dân” - anh Tư Lợt, nhà ở huyện Chợ Lách (Bến Tre) cho biết.

Nhiều chợ hoa vắng khách

Mặc dù chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, tuy nhiên không khí mua bán cây hoa kiểng tại các địa điểm tập trung vẫn khá vắng vẻ. Ghi nhận tại cung đường Phạm Văn Đồng, chuyên bán cây cảnh, nhiều loại hoa, cây cảnh đã được trưng bày đa dạng, phong phú, bắt mắt. Nhưng tình cảnh mua bán khá ế ẩm, nhiều người ngồi bán mệt mỏi còn tranh thủ… ngủ ngồi trên ghế. Một chủ vườn lan trên đường này cho biết: “So với tết năm trước, khi vừa hết dịch bệnh, tình hình mua bán cây kiểng còn nhộn nhịp hơn, năm nay đã qua 25 âm lịch mà người mua chưa thấy đâu. Nhà vườn vẫn phải kinh doanh theo mùa vụ, vẫn chuẩn bị đầy đủ các loại hoa tết như mọi năm, dù nhận định sẽ rất khó khăn nhưng đã là nghề truyền thống thì cứ phải chuẩn bị, trưng bày kinh doanh chứ đâu có giảm bớt hay tạm nghỉ được”.

Tại các chợ hoa tết ở công viên Gia Định, công viên 23.9, khách đến xem hoa đã đông hơn những ngày đầu nhưng chủ yếu tham quan, chụp ảnh check-in và… hỏi giá, chứ người mua thực sự vẫn chưa nhiều. Theo ghi nhận của PV, chợ hoa năm nay có khá nhiều chủng loại mới, giá lại rất mềm như nhiều loại tắc (quất) với giá từ 4 - 5 triệu đồng/cặp. Tại khu vực bán hoa kiểng ở khu Thảo Điền, quận 2, có bán hoa thiên phúc (pháo bông), cây dạ ngọc minh châu có hoa chuỗi thu hút người xem. Các loại hoa này có giá từ 1 - 1,5 triệu đồng/chậu. Các loại bưởi da xanh được tạo khuôn trái thành thỏi vàng và được khắc chữ chúc tết chỉ có 600.000 đồng/chậu. Hay có loại mai đỏ khá lạ mắt, giá bán 900.000 đồng/chậu.

Tại công viên Lê Văn Tám, có nhiều sản phẩm bắt mắt từ cây, quả được những nghệ nhân ở Chợ Lách, Bến Tre tạo ra như cây dâu tằm chi chít trái và hoa, chậu nhỏ từ 200.000 - 300.000 đồng/chậu, chậu lớn 5 triệu đồng. Hoặc cải hồng phát với sắc màu bắt mắt được trồng trên chậu, mỗi chậu có từ 1 đến 3 trái, mỗi trái có giá bán 100.000 đồng.

Hoa nhiều, giá cả hợp lý và người bán cũng hết sức chiều lòng khách. Chỉ còn chờ người mua tìm đến trong những ngày cuối cùng của năm Nhâm Dần.

(Nguồn: Thanh Niên)

CHI TIỀN TRIỆU MỖI NGÀY VẪN KHÓ TÌM NGƯỜI GIÚP VIỆC NGÀY TẾT

Dịp Tết, nhu cầu tìm giúp việc theo giờ, giúp việc thời vụ tăng cao, nhiều gia đình sẵn sàng chi tiền triệu mỗi ngày để người giúp việc ở lại dịp Tết nhưng vẫn khó tìm.

Tết là thời gian mọi người đều mong muốn được trở về sum họp bên gia đình, nhiều người giúp việc đi làm xa quê những ngày này cũng xin nghỉ Tết sớm để trở về đoàn viên đón Tết.

Bởi vậy, không ít gia đình lao đao khi ngày Tết thiếu người giúp việc. Nhiều gia đình sẵn sàng chi tiền triệu đồng mỗi ngày để thuê giúp việc thời vụ, giúp việc theo giờ dọn nhà nhưng vẫn khó khăn.

Lao đao khi giúp việc về quê ngày Tết

Gia đình chị Nguyễn Thùy Linh (Long Biên, Hà Nội) đã đăng tin tìm giúp việc ngày Tết hơn 1 tuần nay nhưng vẫn chưa tìm được người ưng ý.

Cả 2 vợ chồng chị Linh đều làm công việc kinh doanh, cuối năm là thời điểm bận rộn hơn bao giờ hết, có năm đến tận chiều 30 Tết vợ chồng chị mới có mặt ở nhà. Do vậy, việc dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con cái đều cần đến người giúp việc.

“Gia đình tôi ngày thường cũng có một cô giúp việc, nhưng Tết thì cô muốn về quê cùng gia đình từ 28 âm lịch, nên phải tìm giúp việc Tết từ ngày 28 tháng Chạp đến mùng 10 tháng Giêng.

Công việc chính là dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn và trông một cháu bé 4 tuổi, mức thù lao có thể trả từ 700-1 triệu đồng/ngày kèm theo tiền mừng tuổi đầu năm. Dù đã nhờ nhiều người quen tìm giúp cũng như đăng tin trên mạng xã hội, nhưng đến nay vẫn chưa tìm được người ưng ý”, chị Linh cho biết.

Không phải cứ trả lương cao là có thể tìm được giúp việc ngày Tết là chia sẻ của anh Nguyễn Văn Tiến (Thanh Xuân, Hà Nội). Anh Tiến cho biết, giúp việc gia đình anh xin về quê từ 25 tháng Chạp đến mùng 10 tháng Giêng mới trở lại Hà Nội. Vợ chồng anh đều bận rộn công việc, con nhỏ, nên việc chăm sóc mẹ già đang ốm phần lớn phụ thuộc vào người giúp việc.

“Cô giúp việc gắn bó với gia đình tôi cũng đã hơn 3 năm, vì biết nhà neo người, nên 2 năm trước cô đều ở lại dịp Tết, thi thoảng về quê vào các dịp lễ khác trong năm. Thế nhưng năm nay con cái ở xa về quê ăn Tết, cô cũng muốn được về đoàn tụ cùng gia đình.

Chỉ còn vài ngày nữa, nhưng đến giờ gia đình tôi vẫn chưa tìm được người giúp việc thời vụ cho mấy ngày Tết. Với mức lương hơn 1 triệu đồng/ ngày, công việc chính là chăm sóc người cao tuổi ốm yếu và phụ thêm vợ tôi việc nhà, bếp núc, nhưng nhiều người ngần ngại vì sợ vất vả. Đến giờ vợ chồng tôi cũng chưa biết phải sắp xếp thế nào”, anh Tiến cho biết.

Thời điểm cuối năm vợ chồng chị Vũ Thu Hiền (Hà Đông) bận gần như kín tuần từ thứ 2 đến chủ nhật, thời gian ở nhà duy nhất trong ngày là từ 7h tối trở đi. Cũng vì công việc bận rộn, chị Hiền mong muốn tìm giúp việc theo giờ vào khung thời gian từ 19h-22h tối nhưng sau nhiều ngày đăng bài trên các nhóm tìm giúp việc theo giờ vẫn chưa có người nhận.

“Có lẽ vì thời gian buổi tối nên nhiều người ngại nhận việc. Tìm giúp việc từ trước 23 tháng Chạp nhưng không được, nên mỗi tối vợ chồng tôi đều tranh thủ thời gian mỗi ngày dọn một chút để đến Tết nhà cửa được tinh tươm sạch sẽ”, chị Hiền chia sẻ.

Giúp việc ngày Tết kiếm tiền triệu mỗi ngày

Những ngày giáp Tết, bà Trịnh Thị Hoa (quê Nam Định) làm giúp việc theo giờ tại Hà Nội chia sẻ, từ sau ngày rằm tháng Chạp âm lịch đến tận sát Tết là thời điểm bận rộn nhất, hầu như ngày nào cũng trong tình trạng làm quá trưa, quá tối, vẫn chưa hết việc.

Những ngày cao điểm, bà Hoa tranh thủ làm từ 6h sáng cho đến 21-22h đêm mới nghỉ.

“Trước khi đi làm, tôi thường ăn sáng no, hoặc mang theo cơm hộp để sẵn sàng tinh thần làm thông trưa nếu gia chủ quá nhiều việc. Cuối năm ai cũng muốn nhà cửa được gọn gàng sạch sẽ đón Tết, nên rất nhiều người tìm đến dịch vụ dọn nhà theo giờ, nhiều người đặt cả lịch đến ngày 29, 30 Tết, nhưng vì quê xa, nên tôi chỉ nhận làm đến hết ngày 28 Tết”, cô Hoa nói.

Theo bà Hoa, ngày Tết, số lượng công việc tăng gấp đôi ngày thường, hầu hết vẫn là khách quen hàng năm, nên cô vẫn giữ mức giá dịch vụ ổn định như ngày thường, hoặc tăng nhẹ với những công việc vất vả hơn. Những ngày này, trung bình thu nhập của cô Hoa đều hơn 1 triệu đồng/ngày, có những ngày cao điểm có thể lên đến gần 2 triệu đồng/ngày.

“Tôi vẫn giữ mức giá ổn định như mọi năm khoảng 60.000 đồng/giờ. Nhiều gia chủ thấy làm vất vả thì lại cho thêm một khoản nho nhỏ động viên”, bà Hoa nói.

Còn theo bà Trần Thị Đức (quê Thái Bình) chuyên làm giúp việc theo giờ tại Hà Nội, mùa dọn nhà thời vụ bắt đầu từ khoảng 20 tháng Chạp đến tận 30 Tết. Công việc chủ yếu là dọn dẹp, lau rửa mọi ngóc ngách, đồ vật trong nhà. Có nhà chỉ cần làm 1 ngày là xong, nhưng cũng có những ngôi nhà lớn, lại nhiều đồ đạc, thì có thể phải dọn từ 2-3 ngày.

“Nhiều năm đi làm giúp việc theo giờ, nên hầu hết khách gọi cho tôi đều là khách quen, hoặc được người quen giới thiệu. Mọi người đặt lịch từ khá sớm, có những năm ngay từ đầu tháng Chạp âm lịch tôi đã nhận kín lịch đến tận 29, 30 Tết.

Ngày Tết nhiều việc, nên mức thu nhập làm tháng Tết có khi gấp 2, 3 lần ngày thường, nhưng vì có tuổi, nên nhiều khi cũng không đủ sức để làm cố. Nhiều chỗ không nhận được, tôi vẫn giới thiệu cho bạn bè thân thiết cùng làm”, bà Đức chia sẻ.

(Nguồn: Soha)

KIẾN NGHỊ CỦA VARS SAU PHẢN ÁNH VỀ "LÒ" DẠY MÔI GIỚI Ở TUẤN 123

(Ảnh minh hoạ).

Chủ tịch VARS cho biết, Luật Kinh doanh bất động sản còn nhiều lỗ hổng khiến nhà đầu tư không được bảo vệ đầy đủ, cần có giải pháp để cải thiện chất lượng nghề này.

Luật còn nhiều lỗ hổng

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, từ khi Luật Kinh doanh bất động sản ra đời năm 2006, luật pháp và xã hội chủ yếu quan tâm đến hoạt động môi giới của các dự án sơ cấp, cụ thể là các dự án hình thành trong tương lai, mở bán lần đầu. Còn lại hoạt động của môi giới bất động sản ở thị trường thứ cấp (nhà phố, nhà ở các khu dân cư...) gần như bị bỏ ngỏ. Điều này dẫn đến việc quản lý hoạt động của các tổ chức, cá nhân môi giới bất động sản thổ cư còn nhiều lỗ hổng.

Theo ông, quy định hiện hành khó kiểm soát các hoạt động môi giới bất động sản ở phân khúc thổ cư, đất nền dự án và cả đất nông nghiệp. Điều này dẫn đến các hệ lụy, từ câu chuyện tại "lò" dạy môi giới Bất động sản Tuấn 123 mà Dân trí vừa phản ánh đến câu chuyện sốt đất tại nhiều tỉnh thành thời gian qua.

Nhà nước và Chính phủ nhận thấy vẫn còn nhiều khoảng trống của luật, còn nhiều bất cập. Nguyên tắc bảo vệ thị trường, bảo vệ nhà đầu tư bất động sản chưa được chú trọng dẫn đến việc khách hàng bị lừa rất phổ biến, lừa từ việc bán dự án đến bán nhà đất, bán nhà phố và cả đất nông nghiệp như Alibaba.

Chủ tịch VARS tiết lộ, đã có những đề xuất được đưa ra chuẩn bị trình Quốc hội cho việc sửa luật sắp tới là cần quy định rõ ràng việc quản lý chất lượng và đặc biệt là trách nhiệm của các sàn giao dịch bất động sản và các nhà môi giới. Tuy nhiên, đề xuất này đang vấp phải sự phản ứng dữ dội từ các chủ đầu tư - những người quan tâm đến quyền lợi của họ nhiều hơn lợi ích của thị trường. Điều đó, theo ông, khiến lợi ích của nhà đầu tư bị xâm phạm rất nghiêm trọng, đã xảy ra nhiều tranh chấp kiện tụng trên thị trường trong suốt thời gian dài.

Ông nói thêm, mặc dù luật có quy định về khung đào tạo nhưng hiện các sàn giao dịch mỗi sàn lại dạy một kiểu, dựa trên kinh nghiệm và sự hiểu biết dẫn đến không có sự đồng bộ, thống nhất và chuẩn mực.

"Điều này dẫn đến nhiều bất cập và chất lượng môi giới hiện nay rất kém. Nghề môi giới bất động sản đang thiếu một hệ thống giáo trình chuẩn, đồng bộ và khoa học trên cả nước. Điều quan trọng là chưa có cơ chế kiểm soát công tác đào tạo môi giới", Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam trăn trở.

Theo ông Đính, đã là sàn giao dịch thì bất kỳ là loại gì, bán dự án hay bán nhà phố, đất nền đều phải tuân thủ đúng quy trình thành lập, đăng ký hoạt động và phải thực hiện đúng Luật Kinh doanh bất động sản. Nếu một công ty môi giới dạy nhân viên cách dựng chuyện, đóng giả thầy phong thủy... là vi phạm luật kinh doanh bất động sản và vi phạm bộ quy tắc ứng xử của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam.

Ông Đính chỉ ra rằng, trong luật đang thiếu các quy định ứng xử về đạo đức, văn hóa và phía Hội Môi giới nhìn thấy điều đó nên đã sớm ban hành. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, hiện những quy tắc ứng xử do Hội đề ra đã bắt đầu lạc hậu và đang được sửa để cập nhật với tình hình mới. "Mặc dù có những lỗ hổng và lạc hậu nhưng luật vẫn khẳng định, làm môi giới phải trung thực, phản ánh đầy đủ và minh bạch thông tin", ông Đính nhấn mạnh.

Kiến nghị sớm sửa luật

Chủ tịch VARS kiến nghị Bộ Xây dựng sớm sửa luật để đưa vào ban hành nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động môi giới bất động sản.

Ông Đính cho rằng, để bảo vệ cho khách hàng mua bất động sản, phải có một tổ chức đứng ra chịu trách nhiệm kiểm duyệt, kiểm soát các thông tin do các công ty môi giới đưa ra.

Theo ông, khách hàng không thể có đủ thông tin và cơ chế để kiểm tra hết mọi thông tin của môi giới. Do đó, các công ty môi giới bất động sản cần được đưa vào một sàn, cần được thẩm định kỹ về pháp lý, thông tin liên quan trước khi được công bố công khai, minh bạch. Mọi người đều có thể xem những thông tin này và sẽ tự ra quyết định. Khi ấy thì người mua nhà, đất hoàn toàn yên tâm rằng những thông tin họ xem đã được kiểm chứng và có đơn vị đứng ra chịu trách nhiệm về tính trung thực của thông tin.

"Nếu thông tin không chuẩn dẫn đến khách hàng bị thiệt hại thì đơn vị công bố và niêm yết thông tin phải đền khách hàng. Như vậy, rủi ro khách hàng bị lừa, che giấu thông tin sẽ giảm rất nhiều", Chủ tịch VARS nói.

Về vấn đề đào tạo môi giới, ông Đính cho rằng, việc này phải được nâng cấp bằng những quy định đào tạo cụ thể, phải có bộ giáo trình chuẩn quốc gia làm cơ sở cho các tổ chức, doanh nghiệp môi giới lấy giáo trình này đào tạo môi giới, không được đào tạo ngoài nội dung giáo trình. Ngoài ra, việc tổ chức sát hạch cũng phải được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ để đảm bảo chất lượng đầu ra.

Chuyên gia này cho biết hội sẽ đẩy mạnh hoạt động giám sát, hỗ trợ thị trường như ra các bộ chỉ số đánh giá về năng lực của sàn giao dịch, năng lực của nhà môi giới để công bố công khai cho khách hàng nắm. Sàn nào nằm ở top nào, môi giới nào ở hạng nào đều được công khai để người mua bất động sản có sự lựa chọn.

(Nguồn: Dân Trí)

MÔI GIỚI BẤT ĐỘNG SẢN “VỠ ÒA” KHI CÓ GIAO DỊCH VÀO “PHÚT CHÓT”

Sau một thời gian dài không có giao dịch, nhiều môi giới tỏ ra chán nản với nghề, song, cảm xúc “vỡ òa” khi vào “phút chót” lại bán được hàng

Từ nửa cuối năm 2022, thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng và kéo dài tới tận nay. Theo đó, thanh khoản trên thị trường liên tục sụt giảm, khiến nhiều môi giới bất động sản phải bỏ nghề, những người cố gắng bám trụ cũng rất chật vật để tìm kiếm giao dịch.

Trải qua thời gian dài xoay sở tìm kiếm khách hàng, thời điểm cận Tết Nguyên đán một số môi giới bất động sản “vỡ òa” khi bất ngờ có giao dịch. Anh Vũ Hồng, môi giới bất động sản tại Hà Nội chia sẻ, thị trường năm 2022 với những diễn biến khó lường, người mua cũng có sự e ngại khi xuống tiền nên các môi giới hầu như đều ít có giao dịch.

“Năm vừa qua là một năm buồn chung của toàn bộ các môi giới bất động sản. Đầu năm, thị trường có diễn biến sôi động nhưng thực tế, môi giới không có nhiều giao dịch. Bởi, nhà đầu tư tự có thể mua bán dễ dàng không mất quá nhiều thời gian tìm khách mua”, anh Hồng nói.

Đến giữa năm 2022, thị trường đột ngột rơi vào trầm lắng, tình trạng người bán nhiều hơn người mua bắt đầu xuất hiện. Môi giới từ khi đó đến nay gần như chỉ “ngồi chơi xơi nước”. Theo đó, suốt một thời gian kéo dài 4 tháng anh Hồng không có giao dịch.

“Đến mới đây tôi có thêm một giao dịch căn nhà phố với giá trị hơn 15 tỷ đồng. Để bán được căn nhà này tôi phải chăm sóc khách liên tục 3 tháng. Bên cạnh đó, tôi cũng thuyết phục chủ nhà giảm giá để người mua xuống tiền. May là vớt vát được giao dịch này, tôi lấy tiền về còn lo sắm sửa ngày Tết”, anh Hồng chia sẻ.

Cùng hoàn cảnh, anh Nguyễn Phương, môi giới bất động tại Hà Nội chia sẻ, mới đây, anh giao dịch thành công 2 căn hộ chung cư với tổng giá trị 5 tỷ đồng, sau một thời gian dài 3 tháng không có giao dịch.

“Nhiều môi giới bất động sản phải bỏ nghề vì thị trường gặp khó. Tôi vẫn cố bám trụ lại, cũng vui mừng vì có thêm giao dịch ngày cận Tết Nguyên đán. Ở phân khúc nhà ở phục vụ nhu cầu thực còn có giao dịch, các phân khúc đầu tư gần như vắng bóng người mua”, anh Phương nói.

Theo anh Thành Trung, chủ một sàn giao dịch bất động sản tại Hà Nội, thông thường thời điểm cận Tết Nguyên đán là lúc môi giới làm ăn tốt, song ở năm nay lại khác. Những chính sách tiền tệ và trái phiếu có sự thắt chặt thời điểm đầu năm khiến thị trường gặp khó, do vậy đến cuối năm thanh khoản vẫn trầm lắng.

“Thời điểm này nếu bán được cũng chỉ là những căn nhà phục vụ nhu cầu thực. Tuy nhiên, giao dịch trên thị trường bất động sản vẫn chưa có nhiều. Người mua đang chờ đợi sự điều chỉnh về giá từ người bán và các động thái tháo gỡ cho thị trường từ Chính phủ. Tôi cho rằng, năm 2023, sản phẩm bất động sản phục vụ nhu cầu thực sẽ là điểm sáng để “cứu” thanh khoản của thị trường”, anh Trung nhận định.

Ở góc nhìn chuyên gia, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, lực cầu thực là điểm sáng duy nhất của thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, ông Đính tin tưởng từ những động thái tháo gỡ của Chính phủ khi thành lập tổ công tác đặc biệt, thị trường sẽ có những giải pháp cụ thể trong thời gian tới và bắt đầu hồi phục từ nửa cuối năm 2023.

“Hiện nay, một số chủ đầu tư đang có sự điều chỉnh về mức giá bán, tăng chiết khấu. Đến khi có mức giá hấp dẫn, phù hợp với túi tiền của người mua nhà chắc chắn họ sẽ xuống tiền. Bởi, những người đang có nhu cầu sở hữu nhà hiện nay họ cũng đã chuẩn bị một số tiền nhất định, vấn đề chỉ là có mức giá hấp dẫn”, vị chuyên gia nhận định.

(Nguồn: CafeF)

(Xem thêm:

=> Khổ sở tìm shipper cận Tết; Trái cây ngoại đổ bộ; Trái chiều thị trường căn hộ 3 miền; Làn sóng bán cắt lỗ nhà đất ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang