Iran thiếu dầu mỏ; Pakistan mất điện toàn quốc; BĐS TQ 'xả hàng'; Cuộc đua vũ trang ở châu Á; Vấn đề gửi xe tăng cho Ukraine

NGHỊCH LÝ ĐANG XẢY RA: QUỐC GIA CÓ TRỮ LƯỢNG KHÍ ĐỐT LỚN THỨ HAI THẾ GIỚI PHẢI ĐỐI MẶT VỚI TÌNH TRẠNG THIẾU HỤT NGUỒN CUNG

(Ảnh minh hoạ).

Theo hãng thông tấn DW (Đức), do nguồn cung cấp khí đốt không đủ, các trường học và cơ quan nhà nước tại Iran đã phải đóng cửa vào mùa đông năm nay. Mặc dù vậy, quốc gia này có trữ lượng khí đốt lớn thứ hai thế giới và đang có nguyện vọng xuất khẩu sang châu Âu.

Đầu tháng 9/2022, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Javad Owji đã cảnh báo về một mùa đông lạnh giá và khả năng thiếu khí đốt. Nhưng ông đang nói đến vấn đề của người châu Âu chứ không phải của người dân Iran. Theo ông Owji, các hoạt động sản xuất công nghiệp và các hộ gia đình ở châu Âu sẽ bị ảnh hưởng bởi tình trạng giảm nguồn cung khí đốt từ Nga do các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.

Vào thời điểm đó, Iran tự cung cấp nguồn khí đốt tự nhiên và nhận thấy vị thế của mình được củng cố trong các cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani vào đầu tháng 9/2022 cho biết: "Chúng tôi có trữ lượng khí đốt lớn thứ hai thế giới và có thể cung cấp cho châu Âu", nhưng trước khi điều đó có thể xảy ra, các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ đối với Iran sẽ phải được dỡ bỏ.

Tuy nhiên, Iran sau đó đã không đáp ứng yêu cầu của các nhà đàm phán về việc hợp tác chặt chẽ hơn với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), và kế hoạch của Tehran đã thất bại. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu hiện đã lắng dịu. Các nhà chức trách Đức nói rằng nguồn cung hiện ổn định, mặc dù Đức là quốc gia phụ thuộc đặc biệt vào khí đốt của Nga trước khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra.

Ngoài ra, khoảng 3 tháng sau, một vấn đề quen thuộc đã lại xảy ở Iran: tình trạng thiếu khí đốt do cơ sở hạ tầng xuống cấp.

‘Hãy mặc ấm hơn khi ở nhà'

Bộ Dầu khí Iran đã xác nhận nước này đang gặp sự cố kỹ thuật với việc sản xuất khí đốt. Đầu tuần trước, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Javad Owji đã cảnh báo người dân cần tiết kiệm nguồn cung.

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Shana chuyên đưa tin về ngành công nghiệp, ông Owji khuyên người dân nên "mặc ấm hơn khi ở nhà và giảm mức tiêu thụ... những người sử dụng quá nhiều khí đốt có thể sẽ bị cắt nguồn cung".

Ngày 12/1, chính quyền ở một tỉnh phía đông bắc Iran đã đóng cửa tất cả các văn phòng cho đến ngày 14/1 để tiết kiệm điện và khí đốt.

Kể từ giữa tháng 12 năm ngoái, các cơ quan nhà nước và trường học ở nhiều tỉnh trên khắp đất nước 84 triệu dân này đã phải đóng cửa hàng tuần liền để tiết kiệm khí đốt. Tuy nhiên, việc mặc ấm hơn ở nhà là một điều không bình thường đối với những người dân vốn đã quen với việc sưởi ấm nhà bằng khí đốt rẻ tiền.

Theo DW, Iran có thể có trữ lượng năng lượng rất lớn, nhưng nước này có xu hướng sử dụng chúng không hiệu quả.

Iran cũng phải vật lộn với mức tiêu thụ năng lượng cao trong hầu hết các ngành công nghiệp, đặc biệt là ngành sắt, thép và xi măng. Theo Viện Khoa học Địa chất và Tài nguyên Liên bang Đức, Iran đứng thứ 4 trong danh sách các quốc gia tiêu thụ khí đốt cao nhất thế giới năm 2020, chỉ sau Mỹ, Nga và Trung Quốc.

Cạnh tranh hay hợp tác với Nga?

Tehran và Mátxcơva có kế hoạch hợp tác chặt chẽ hơn để đáp trả các lệnh trừng phạt của Mỹ mà cả hai nước đều phải đối mặt. Tháng 7/2022, công ty năng lượng Nga Gazprom đã ký thỏa thuận hợp tác trị giá 40 tỷ USD với công ty dầu mỏ NIOC của Iran để giúp công ty này phát triển 2 mỏ khí đốt và 6 mỏ dầu.

Trên thực tế, Nga đã cung cấp dầu và khí đốt với mức chiết khấu đáng kể cho các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ - tất cả các khách hàng truyền thống của Iran. Ví dụ, Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đã nhập khẩu khí đốt từ Iran, nhưng hiện đang đàm phán giảm giá 25% đối với khí đốt từ Nga.

(Nguồn: CafeF)

PAKISTAN MẤT ĐIỆN TOÀN QUỐC

Sự cố mất điện từ sáng vẫn chưa được khắc phục, ảnh hưởng tới gần 220 triệu dân khắp đất nước Pakistan.

Mất điện xảy ra lúc 7h30 (5h30 giờ Hà Nội) ngày 23/1 do lỗi lưới điện quốc gia, khiến phần lớn đất nước lâm vào cảnh mất điện. Theo giới chuyên gia, mạng lưới điện ở Pakistan rất phức tạp và yếu, vì thế dễ tạo ra sự cố liên hoàn.

"Chúng tôi hy vọng điện sẽ khôi phục trên toàn quốc vào tối nay", Bộ trưởng Năng lượng Khurram Dastagir Khan nói.

Điện bị cắt do thay đổi tần số trên lưới điện quốc gia khi các tổ máy phát điện bật vào sáng sớm. Trước đó, ông Khan cho hay các tổ máy tạm thời tắt vào ban đêm để tiết kiệm nhiên liệu.

Cắt điện cục bộ diễn ra phổ biến ở Pakistan. Bệnh viện, nhà máy và cơ quan chính phủ thường vận hành bằng máy phát điện tư nhân khi sự cố xảy ra. Tuy nhiên, người dân và các doanh nghiệp nhỏ không đủ khả năng sử dụng loại máy này.

Ở vùng núi phía bắc Pakistan, nhiệt độ có thể giảm xuống dưới mức 0 độ C vào đêm 23/1 trong khi nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên, phương pháp sưởi ấm phổ biến nhất, cũng không ổn định do thường xuyên bị cắt.

Những vấn đề khó khăn của nền kinh tế Pakistan như lạm phát, đồng rupee giảm giá trị và thâm hụt dự trữ ngoại hối, cùng việc cắt điện, đang gây thêm áp lực lên các doanh nghiệp nhỏ.

Tại Rawalpindi, thành phố lớn thứ 4 Pakistan, nhà kinh doanh đồ gia dụng Muhammad Iftikhar Sheikh, 71 tuổi, cho hay không thể bán hàng vì mất điện.

"Khách không bao giờ mua mà không kiểm tra", ông nói. "Tất cả chúng tôi đang ngồi không".

Trường học chủ yếu duy trì lớp học trong bóng tối hoặc dùng đèn pin thắp sáng. Chủ một cửa hàng ở Karachi, thành phố cảng phía nam đất nước, nơi nhiệt độ cao hơn phía bắc, e ngại sữa trong kho sẽ hỏng vì không được bảo quản lạnh.

Khurrum Khan, thợ in 39 tuổi, cho biết đơn đặt hàng đang chồng chất vì mất điện. "Điện không ổn định là 'lời nguyền vĩnh cửu' mà các đời chính phủ không thể vượt qua", anh phàn nàn.

Một sự cố tương tự từng xảy ra hồi tháng 1/2021 đã ảnh hưởng toàn bộ đất nước. Lưới điện ở miền nam Pakistan khi đó gặp sự cố, làm gián đoạn hệ thống truyền tải quốc gia.

(Nguồn: Vnexpress)

DOANH NGHIỆP BẤT ĐỘNG SẢN TRUNG QUỐC TÌM CÁCH ‘XẢ HÀNG’

(Ảnh minh hoạ).

Thị trường nguội lạnh, sức mua yếu đã buộc các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc giảm lượng hàng tồn đọng bằng cách giảm giá sâu hay tặng xe sang và các tiện ích khác. Chính phủ đang nới lỏng các hạn chế cho vay đối với các nhà phát triển bất động sản. Bắc Kinh cũng cho phép chính quyền một số thành phố tiếp tục duy trì mức lãi suất tiền nhà ở mức thấp trong năm 2023 sau khi chính sách này hết hạn vào cuối năm 2022.

Khoảng 1,88 triệu người mua nhà trên ít nhất 2.600 dự án phát triển trên toàn quốc đã đặt cọc hoặc đang trả tiền thế chấp cho bất động sản hình thành trong tương lai. Chính phủ muốn đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án bị đình trệ để khôi phục niềm tin của người tiêu dùng và phục hồi doanh số bán căn hộ.

Chịu lời thấp để khơi dòng tiền

Cuối tháng 12 vừa qua, Country Garden, nhà phát triển bất động sản tư nhân lớn nhất Trung Quốc tính theo giá trị bất động sản trong sáu năm qua, đã tìm cách bán các căn hộ đã hoàn thành ở Quảng Châu nhưng không có khách mua. Họ đã giảm giá hơn 20% từ mức giá ban đầu 13.000 nhân dân tệ (1.920 đô la Mỹ) mỗi mét vuông. Mức giá này chỉ áp dụng khi khách ký hợp đồng ngay trong năm 2022. Tuy vậy, Country Garden chỉ mới bán được một nửa trong số 10 căn hộ.

Cũng trong tháng rồi, hãng bất động sản này đã tung ra mức giảm tới 25% cho các căn hộ đã hoàn thiện. Mức giảm sâu khiến nhiều đối thủ và cả nhân viên Country Garden cũng ngạc nhiên. “Chưa đến mức là họ tặng không, nhưng đó là mức giảm chưa từng có”, một nhân viên kinh doanh đã chuyển nghề nói.

Country Garden đã cùng với nhiều hãng bất động sản khác thoi thóp gần ba năm qua khi chính quyền siết chặt kiểm soát tài chính đầu vào của ngành này trong năm 2020. Làn sóng vỡ nợ và đình trệ trong các dự án xây dựng đã làm giảm niềm tin của khách hàng, giảm nhu cầu nhà ở. Lợi nhuận ròng của Country Garden giảm 96% trong nửa đầu năm 2022 xuống còn 600 triệu nhân dân tệ, trong bối cảnh thu nhập của các hãng lớn cùng ngành cũng giảm mạnh.

Dữ liệu của chính phủ cho thấy diện tích nhà ở mới chưa được bán hoặc cho thuê đã tăng 18% trong năm, lên khoảng 270 triệu mét vuông vào cuối năm 2022. Khó tìm được vốn vay, các nhà phát triển đang giảm giá những căn hộ chưa bán được. Họ sẵn sàng hy sinh tỷ suất lợi nhuận để khơi thông dòng tiền.

Một số doanh nghiệp sử dụng mọi cách để chiêu dụ khách. Tập đoàn Central China có trụ sở tại tỉnh Hà Nam vào mùa thu năm ngoái đã tặng xe BMW cho người mua một vài dự án nhất định. Một công ty ở thành phố Nam Ninh cũng đã tặng vé đi tàu điện ngầm miễn phí trong 10 năm khi khách mua nhà của họ trong mùa đông này.

China Real Estate Information Corp. (CRIC) nhận thấy rằng doanh số bán hàng tháng 12 hoặc tăng trong năm hoặc giảm mạnh hơn so với cả năm tại 9 trên 10 công ty bất động sản lớn.

Doanh nghiệp tư giảm thị phần

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đang hạn chế việc mua quyền sử dụng đất từ chính quyền địa phương để phát triển các dự án mới. Xu hướng này rõ rệt hơn ở các hãng tư nhân so với các doanh nghiệp nhà nước.

Các thương vụ của Country Garden chỉ đạt giá trị 6,1 tỉ nhân dân tệ vào năm ngoái, bằng 5% tổng số tiền của năm 2021, theo tổ chức tư vấn chiến lược China Index Academy. Sunac, đã vỡ nợ vào năm ngoái, cũng chỉ thực hiện các giao dịch mua đất tối thiểu.

Trong khi đó, những nơi được nhà nước hậu thuẫn như China Poly Group và China Resources Land lại thoải mái hơn nhờ tài lực vững chắc và điều kiện huy động vốn được nới lỏng hơn.

Một khi thị trường hồi phục, các doanh nghiệp “cánh hẩu” với nhà nước sẽ có vị thế mạnh hơn bởi họ vẫn có thể tăng trưởng trong giai đoạn thị trường xuống sắc. Trong khi đó, các hãng tư nhân lại gặp khó khăn. Mô hình liên kết này đang gây lo ngại trong mọi ngóc ngách của nền kinh tế.

BOC International China dự đoán rằng tỷ lệ doanh thu của các nhà phát triển bất động sản tư nhân cuối cùng sẽ teo lại còn khoảng 10-20% so với mức 70% hiện nay. Một số buộc phải rút khỏi ngành, số còn lại chuyển sang ký hợp đồng phụ hoặc tìm kiếm quan hệ đối tác với các công ty nhà nước.

Thị trường vẫn nguội lạnh

Sự suy thoái của ngành bất động sản, vốn đóng góp đến 30% GDP, đang khiến chính phủ đau đầu. Chính phủ đã đưa ra nhiều sáng kiến trong năm 2022 để khởi động trở lại các dự án bị đình trệ hay đang đắp chiếu. Nguồn vốn khổng lồ đã được bơm, tuy nhiên tỷ lệ hồi sinh vẫn khá khiêm tốn.

Tuần rồi, hãng tư vấn CRIC đã công bố kết quả cuộc khảo sát ở 290 dự án địa ốc. CRIC cho biết chỉ có 62 dự án (21%) đã khởi động lại toàn bộ các hoạt động xây cất vào cuối tháng 12, 102 dự án khôi phục một phần và 126 dự án vẫn án binh bất động.

Các con số này báo hiệu cuộc khủng hoảng tín dụng cách đây hai năm vẫn sẽ kéo dài, tiếp tục là thách thức của các nhà phát triển bất động sản và các chính quyền địa phương đang nợ chồng chất.

Trong khi đó, người tiêu dùng vẫn chần chừ, không dám quyết định mua. Khảo sát của Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBoC) hồi quí 4-2022 cho thấy chỉ có 16% dự định sẽ tăng chi tiêu cho nhà ở, giảm 5 điểm phần trăm so với ba năm trước đó.

Theo dữ liệu của chính phủ công bố tuần rồi, giá bán nhà mới trong tháng 12-2022 tại 55 trên 70 thành phố khắp Trung Quốc đã giảm so với tháng 11 trước đó. Mức trung bình tổng thể của các thành phố được theo dõi đã giảm 0,25%, tiếp tục chuỗi giảm liền lạc trong 16 tháng, dài nhất trong dữ liệu kể từ năm 2011. Doanh số bán nhà mới đã giảm hơn 30% trong năm trong tháng 12. Các khoản cho vay trung và dài hạn mới dành cho các hộ gia đình, chủ yếu là vay mua nhà, đã giảm gần một nửa về giá trị.

Lãi suất thế chấp tối thiểu hiện ở mức 4,1% cho căn nhà đầu tiên, thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với lãi suất cơ bản cho khoản vay trên 5 năm của PBoC. PBoC cho biết lãi suất thế chấp trung bình trên toàn quốc ở mức 4,26% vào tháng 12, mức thấp nhất kể từ khi ngân hàng bắt đầu theo dõi dữ liệu này từ năm 2008.

Trong số 70 thành phố trên cả nước, có 35 thành phố sẽ đủ điều kiện áp dụng mức giá sàn có thể điều chỉnh kể từ tháng 12, bao gồm các thành phố lớn như Thiên Tân. Các đô thị nhỏ hơn như Thái Nguyên và Đường Sơn đã hạ lãi suất thế chấp xuống 3,8% vào đầu tuần trước, theo Viện nghiên cứu Beike.

Xu hướng giảm lãi suất dự kiến sẽ lan rộng. Chính phủ đang cho phép các ngân hàng đưa ra mức lãi suất thế chấp dưới mức tối thiểu bắt buộc trên toàn quốc ở những khu vực có doanh số địa ốc thấp.

Trước thềm năm mới, hôm 20-1 PBoC đã giữ nguyên lãi suất cho vay trong tháng thứ năm liên tiếp. Lãi suất cơ bản cho vay kinh doanh được giữ nguyên ở mức 3,65%/năm. Lãi suất trên 5 năm, một tiêu chuẩn cho các khoản vay mua nhà, được duy trì ở mức 4,3%.

Trước đó, nhiều người đã suy đoán rằng PBoC sẽ cắt giảm lãi suất kỳ hạn trên 5 năm để vực dậy thị trường nhà đất.

(Nguồn: The Saigon Times)

CUỘC CHẠY ĐUA VŨ TRANG LỚN NHẤT Ở CHÂU Á CÓ NGUY CƠ VƯỢT TẦM KIỂM SOÁT

Đây là một cuộc chạy đua vũ trang lớn nhất mà châu Á từng chứng kiến khi ba cường quốc hạt nhân lớn và một cường quốc đang phát triển nhanh đều tranh giành lợi thế trong khu vực.

Theo kênh CNN, ở một khu vực là Mỹ cùng hai đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc. Ở một khu vực khác có Trung Quốc và Nga. Tại một khu vực nữa có Triều Tiên.

Khi mỗi nước đều muốn đi trước những nước khác một bước, tất cả đều bị cuốn vào một vòng luẩn quẩn đang vượt khỏi tầm kiểm soát. Để ngăn cản nước này leo thang căng thẳng, thì nước kia lại làm căng thẳng gia tăng.

Ông Ankit Panda, chuyên gia chính sách hạt nhân tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, nói với CNN: “Chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến những điều này ở Đông Á, nơi chúng ta không có biện pháp kiềm chế, chúng ta không có kiểm soát vũ khí”.

Nhật Bản và Mỹ trước lo ngại liên quan Trung Quốc, Nga

Chuyến thăm mới đây của các nhà lãnh đạo Nhật Bản tới Mỹ đã làm nổi rõ vấn đề. Ngày 13/1, trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã bày tỏ quan ngại về các hoạt động quân sự của Trung Quốc. Ông Kishida cảnh báo Bắc Kinh không nên tìm cách thay đổi trật tự quốc tế và nói rằng Nhật Bản, Mỹ và châu Âu phải đoàn kết trong bối cảnh đó. Bình luận của ông Kishida được đưa ra chỉ vài ngày sau khi các bộ trưởng Mỹ và Nhật Bản quan ngại khi kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc ngày càng nhiều.

Tuy nhiên, theo Triều Tiên và Trung Quốc, chính Nhật Bản mới là bên chịu trách nhiệm. Gần đây, Nhật Bản đã cam kết tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng, đồng thời mua vũ khí có khả năng tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Trung Quốc và Triều Tiên. Những lo ngại của Triều Tiên và Trung Quốc đã tăng lên khi xuất hiện thông tin về kế hoạch triển khai Thủy quân lục chiến Mỹ trên các đảo phía Nam của Nhật Bản, trong đó có các tên lửa chống hạm di động mới.

Đối với Mỹ và Nhật Bản, những động thái như vậy là để răn đe; còn với Trung Quốc, động thái của các nước trên là làm leo thang căng thẳng.

Trung Quốc tuyên bố những lo ngại của họ dựa trên những lý do lịch sử xung đột với Nhật Bản. Bắc Kinh khẳng định các kế hoạch của Nhật Bản cho thấy nước này một lần nữa đe dọa hòa bình ở Đông Á. Nhật Bản có kế hoạch mua vũ khí phản công tầm xa như tên lửa Tomahawk – loại có thể tấn công các căn cứ bên trong Trung Quốc.

Tuy nhiên, những người chỉ trích lại cho rằng Trung Quốc gây lo ngại khi đang phát triển lực lượng hải quân và không quân ở các khu vực gần Nhật Bản, đồng thời tăng cường quan hệ đối tác với Nga. Nga đã thể hiện khả năng quân sự ở Thái Bình Dương khi vào tháng 12/2022, các tàu chiến Nga tham gia cùng các tàu và máy bay Trung Quốc trong cuộc tập trận bắn đạn thật kéo dài một tuần ở Biển Hoa Đông.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng điều này đã khiến Mỹ và Nhật Bản có một số thỏa thuận.

Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc cũng xấu đi sau chuyến thăm Đài Loan hồi tháng 8/2022 của bà Nancy Pelosi, người là Chủ tịch Hạ viện Mỹ khi đó.

Trong những ngày sau chuyến thăm của bà Pelosi, Trung Quốc đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự chưa từng có xung quanh hòn đảo Đài Loan.

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên

Trên bán đảo Triều Tiên, căng thẳng cũng gia tăng. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang kêu gọi tăng cấp số nhân kho vũ khí hạt nhân bắt đầu từ năm 2023 và đang xây dựng các bệ phóng tên lửa di động siêu lớn, có thể tấn công bất kỳ điểm nào ở Hàn Quốc bằng đầu đạn hạt nhân.

Trong một báo cáo ngày 12/1, Viện Phân tích Quốc phòng Hàn Quốc (KIDA) cho rằng kế hoạch của ông Kim Jong-un có thể tạo ra 300 đơn vị vũ khí trong những năm tới.

Đó là một bước tiến lớn so với năm 2022, khi Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) ước tính Triều Tiên có 20 đơn vị vũ khí hạt nhân đã lắp ráp và đủ vật liệu phân hạch để chế tạo 55 đơn vị vũ khí khác.

300 đầu đạn hạt nhân sẽ giúp Triều Tiên vượt qua các quốc gia hạt nhân lâu đời là Pháp và Anh, chỉ đứng sau Nga, Mỹ và Trung Quốc trên bảng xếp hạng kho dự trữ hạt nhân của SIPRI.

Một viễn cảnh như vậy khiến Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cam kết sẽ tăng cường quân đội nước này. Ông nói: “Xây dựng vững chắc năng lực quân sự cho phép chúng ta đáp trả gấp 100 lần hoặc 1.000 lần nếu chúng ta bị tấn công và đây là phương pháp quan trọng nhất để ngăn chặn các cuộc tấn công”.

Ông thậm chí còn nêu ra khả năng Hàn Quốc xây dựng kho vũ khí hạt nhân riêng, cho rằng nước này có thể triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc sở hữu vũ khí hạt nhân riêng.

Khả năng Bán đảo Triều Tiên có nhiều vũ khí hạt nhân hơn nữa là điều mà các nhà lãnh đạo Mỹ hết sức cảnh giác, ngay cả khi những vũ khí đó thuộc đồng minh Hàn Quốc.

Phát triển vũ khí hạt nhân cũng sẽ đồng nghĩa với việc Hàn Quốc không tuân thủ Tuyên bố chung năm 1992 về phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Vì vậy, để đảm bảo với đồng minh của mình, Mỹ đã nói rõ rằng sự hậu thuẫn của Mỹ đối với Hàn Quốc là chắc chắn và tất cả tài sản quân sự của Mỹ đều sẵn sàng để bảo vệ nước này. Đô đốc Mike Gilday, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, phát biểu tại một diễn đàn trực tuyến của Viện Nghiên cứu Corean-Mỹ (ICAS) ngày 12/1: “Mỹ sẽ không ngần ngại thực hiện cam kết với Hàn Quốc về răn đe mở rộng bằng cách sử dụng toàn bộ khả năng phòng thủ của Mỹ và khả năng đó có thể mở rộng sang phòng thủ hạt nhân, phòng thủ thông thường và phòng thủ tên lửa”.

Ông Gilday nêu một ví dụ về sự hỗ trợ của Mỹ với Hàn Quốc là chuyến thăm của một tàu sân bay Mỹ tới cảng Busan của Hàn Quốc vào năm ngoái. Màn phô diễn một trong những tàu chiến mạnh nhất của Mỹ ở đây đã bị Triều Tiên coi là một mối đe dọa.

Khi cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á tăng tốc, một điều đã trở nên rõ ràng là Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ tham gia với tư cách là một tập thể, thay vì hành động đơn lẻ. Sự hiện diện của Thủ tướng Kishida và các nhà lãnh đạo Nhật Bản khác ở Mỹ trong tuần qua là một số bằng chứng dễ thấy về điều đó.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

VẤN ĐỀ GỬI XE TĂNG CHO UKRAINE: BA LAN DỒN DẬP GÂY SỨC ÉP VỚI ĐỨC, NGA LIÊN TIẾP CẢNH BÁO

(Ảnh minh hoạ).

Trong khi từ Thứ trưởng Ngoại giao tới Thủ tướng Ba Lan đều lên tiếng gây sức ép đối với Đức trong vấn đề cung cấp xe tăng Leopard cho Ukraine, về phần mình, hàng loạt quan chức Nga cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo.

Ngày 23/1, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết Warsaw sẽ đề nghị Berlin cho phép gửi một số xe tăng Leopard của quân đội Ba Lan tới Ukraine.

Theo hãng tin AP của Mỹ, Thủ tướng Ba Lan không nói rõ khi nào ông sẽ nêu yêu cầu trên với phía Đức, nhưng nhấn mạnh ngay ngay cả khi không có sự cho phép của Đức, Warsaw sẽ đưa ra quyết định của riêng mình.

Người đứng đầu chính phủ Ba Lan còn nói rằng Warsaw đang xây dựng một liên minh các quốc gia sẵn sàng gửi xe tăng chiến đấu Leopard 2 tới Ukraine.

Trước đó một hôm, khi trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Ba Lan PAP, ông Morawiecki cũng tuyên bố Ba Lan sẵn sàng vượt qua sự phản đối của Đức để xây dựng “liên minh nhỏ hơn”, gồm các quốc gia và các đồng minh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bàn giao cho Ukraine những chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard do Đức sản xuất.

“Chúng tôi sẽ không thụ động nhìn Ukraine đổ máu”, ông Morawiecki nói và cho rằng giới lãnh đạo Đức phải chịu trách nhiệm về việc nước này từ chối cung cấp xe tăng cho Ukraine.

Cũng trong ngày 23/1, Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Arkadiusz Mularczyk cho biết trên Đài phát thanh Ba Lan rằng Đức có thể phải đối mặt với "sự cô lập quốc tế" trừ khi nước này đồng ý cung cấp xe tăng cho Ukraine.

Ông Mularczyk nhấn mạnh nhiều chính trị gia ở Đức cũng như tại các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) khác ủng hộ ý tưởng cung cấp xe tăng hạng nặng cho Kiev và nếu Đức tiếp tục lưỡng lực, vị thế quốc tế của nước này sẽ trở nên “rất yếu”.

Gần đây, Ba Lan liên tục thúc giục Berlin cho phép nước này và các nước khác gửi xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 do Đức sản xuất tới Ukraine.

Chính phủ Ba Lan muốn cung cấp 14 chiếc xe tăng Leopard từ kho dự trữ của mình và với sự tham gia của các quốc gia khác, với số lượng xe tăng Leopard gửi cho quân đội Ukraine lên tới 100 chiếc.

Về phía Nga, theo hãng AP ngày 23/1, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng những diễn biến mới nhất về việc gửi xe tăng tới Ukraine "báo hiệu sự lo lắng ngày càng tăng giữa các thành viên của liên minh".

“Tất cả các quốc gia trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia cung cấp vũ khí cho Ukraine hoặc nâng cao trình độ công nghệ của họ sẽ phải chịu trách nhiệm về điều đó,” ông Peskov nói.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov hôm 23/1 cũng tái khẳng định tuyên bố của Moskva rằng các nguồn cung cấp của phương Tây có thể dẫn đến những hậu quả "không thể đoán trước".

Ông Ryabkov nói: “Chúng tôi đã nhiều lần nói rằng leo thang căng thẳng là con đường nguy hiểm nhất và hậu quả có thể không lường trước được”.

Trước đó, vào ngày 22/1, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga (Hạ viện Nga) Vyacheslav Volodin cho rằng các chính phủ cung cấp vũ khí mạnh hơn cho Ukraine có nguy cơ gây ra một “thảm kịch toàn cầu sẽ hủy diệt đất nước của họ”.

Theo ông Volodin, việc cung cấp vũ khí tấn công cho Kiev sẽ dẫn đến một “thảm họa toàn cầu” và “nếu Washington cùng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cung cấp vũ khí sẽ được sử dụng để tấn công các thành phố yên bình và cố gắng chiếm lãnh thổ của chúng tôi như họ đe dọa sẽ làm, thì điều đó sẽ kích hoạt một cuộc trả đũa bằng vũ khí mạnh hơn”.

Do đó, nhà lập pháp Nga cho rằng các quan chức phương Tây nên nhận thức trách nhiệm của mình trong việc ngăn chặn kịch bản nêu trên.

(Nguồn: Soha)

(Xem thêm:

=> Tỷ phú tìm thuốc trường sinh; Quảng cáo ngoài không gian; Lạm phát toàn cầu; Nga dựng lá chắn thép; Trốn lệnh động viên của Putin ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang