Hydro xanh 'ế'; Piano ế ẩm ở TQ; 7 gia tộc giàu nhất thế giới; Ukraine oanh kích Belgorod; Chiến lược năng lượng của Nga

HYDRO XANH VẪN Ế, VÌ SAO?

Hydro xanh đã chứng minh tiềm năng to lớn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, tuy nhiên, các dự án này đều đang gặp trở ngại vì không tìm được người mua nhiên liệu.

Tiềm năng nhưng chưa có người mua

Tiềm năng của hydro xanh - một loại nhiên liệu không carbon, đã gây ra sự phấn khích từ các sa mạc của Australia và Namibia đến eo biển Patagonia đầy gió.

Các công ty và chính phủ trên toàn thế giới có kế hoạch xây dựng gần 1.600 nhà máy để sản xuất hydro. Khí có thể được sản xuất sạch bằng cách sử dụng điện gió hoặc năng lượng mặt trời trong một quá trình tách phân tử khỏi nước. Chỉ có một vấn đề: Phần lớn các dự án này đều chưa có khách hàng mua nhiên liệu.

Một số ít các dự án đạt được thỏa thuận mua nhiên liệu, nhưng hầu hết đều là các thỏa thuận mơ hồ, không ràng buộc, có thể bị hủy bỏ một cách lặng lẽ nếu người mua tiềm năng rút lui. Kết quả là, nhiều dự án có khả năng sẽ không bao giờ được xây dựng. Theo BloombergNEF, chỉ có 12% nhà máy hydro có khách hàng ký hợp đồng sử dụng nhiên liệu.

Nhà phân tích Martin Tengler của BNEF cho biết: Không có nhà phát triển dự án sáng suốt nào bắt đầu sản xuất hydro nếu không có người mua và không có chủ ngân hàng sáng suốt nào cho nhà phát triển dự án vay tiền nếu không có sự đảm bảo về người mua hydro.

Tuy nhiên, thật dễ hiểu tại sao các nhà phát triển hydro lại nhìn thấy tiềm năng của nhiên liệu này. Phân tử này có thể rất cần thiết để thế giới đạt được mức phát thải carbon ròng bằng 0 trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Khi được đốt trong tua-bin hoặc được cung cấp qua pin nhiên liệu, nó tạo ra năng lượng mà không thải khí nhà kính.

BNEF dự đoán, chúng ta sẽ cần sử dụng 390 triệu tấn hydro mỗi năm trên toàn thế giới vào năm 2050 để loại bỏ lượng khí thải carbon khỏi nền kinh tế toàn cầu, nhiều hơn 4 lần so với lượng sử dụng hiện nay.

Nhưng đây không phải là một sự thay đổi đơn giản. Hầu hết các doanh nghiệp sẽ cần thiết bị mới đắt tiền để sử dụng hydro, một bước nhảy vọt mà họ không muốn thực hiện. Theo BNEF, hydro được sản xuất bằng năng lượng sạch có giá cao gấp 4 lần so với hydro được sản xuất từ khí đốt tự nhiên.

Rất khó xây dựng cơ sở hạ tầng để cung cấp hydro, bởi không chỉ cần các nhà máy sản xuất mà còn cả đường ống để vận chuyển hydro, trong khi nhu cầu có thể không thành hiện thực trong nhiều năm.

“Nó không khác gì bất kỳ dự án phát triển năng lượng nào ở quy mô lớn. Đường ống dẫn khí đốt tự nhiên không được xây dựng nếu không có khách hàng” - bà Laura Luce - Giám đốc điều hành của Hy Stor Energy cho biết.

Gỡ bỏ rào cản

Ông Andy Marsh - Giám đốc điều hành của Plug Power Inc cho biết, công ty của ông đang tiến hành thiết kế và kỹ thuật cho các dự án ở châu Âu, tổng cộng sẽ sử dụng khoảng 4,5 gigawatt năng lượng tái tạo để tạo ra hydro. Tuy nhiên, theo ông Marsh, mặc dù EU đã đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng, nhưng các quốc gia thành viên vẫn đang đưa chúng vào các quy định của riêng họ, trì hoãn các khoản đầu tư tư nhân.

Tại Mỹ, ngành công nghiệp và chính phủ tiếp tục mặc cả về các yêu cầu để khấu trừ thuế hydro theo luật liên bang. Trong khi đó, các dự án xuất khẩu phải đối mặt với nhiều rào cản hơn. Không giống như khí đốt tự nhiên hoặc dầu, hệ thống vận chuyển hydro toàn cầu vẫn chưa tồn tại. Vận chuyển hydro đòi hỏi phải làm lạnh siêu tốc, nén hoặc vận chuyển dưới dạng khác dễ quản lý hơn như amoniac, kết hợp hydro với nitơ.

Ông Werner Ponikwar - Giám đốc điều hành của nhà sản xuất thiết bị hydro Thyssenkrupp Nucera AG, coi đường ống là một lựa chọn tốt, nhưng nhiều nhà xuất khẩu hydro tiềm năng sẽ không thể tiếp cận được khách hàng tiềm năng qua đường ống.

“Nếu bạn phải bắc cầu qua một đại dương, điều đó sẽ khó khăn hơn” - ông Ponikwar nói.

Ông Ponikwar cho biết, những công ty có khả năng thành công là những công ty bao gồm “toàn bộ hệ sinh thái”, đặt một nhà máy hydro gần nguồn năng lượng sạch, với một khách hàng sẵn sàng ở gần. Ví dụ, công ty của ông đang cung cấp thiết bị cho một nhà máy hydro ở miền bắc Thụy Điển, sau đó sẽ cung cấp cho một nhà máy sắt thép đang được H2 Green Steel phát triển, công ty này đã đảm bảo được 6,5 tỷ euro (6,9 tỷ đô la) tiền tài trợ cho dự án. Nguồn thủy điện dồi dào của khu vực này sẽ cung cấp điện và Mercedes-Benz Group AG đã đồng ý mua 50.000 tấn thép của nhà máy này mỗi năm.

Công ty Hy Stor Energy đã đi theo một con đường tương tự, thiết kế một dự án sẽ được đặt gần khách hàng SSAB của mình. Dự án Mississippi của công ty sẽ sử dụng năng lượng gió và địa nhiệt tại chỗ để sản xuất hydro, lưu trữ trong một mái vòm muối dưới lòng đất. Bà Luce cho biết, các khách hàng khác hiện đang quan tâm đến hydro của dự án. Mặc dù việc xây dựng vẫn chưa bắt đầu, nhưng bà Luce đặt mục tiêu đưa dự án đi vào hoạt động vào năm 2027.

“Chúng tôi không xây dựng một dự án rồi cố gắng bán cho mọi người. Chúng tôi xây dựng một dự án xoay quanh khách hàng. Các dự án phù hợp với khách hàng sẽ tìm ra cách để được xây dựng” - bà Luce nói.

GIỚI TRUNG LƯU TRUNG QUỐC THẮT CHẶT CHI TIÊU, PIANO Ế ẨM

Trung Quốc - thị trường piano lớn nhất thế giới - chứng kiến cuộc khủng hoảng doanh số khi khách hàng chính là tầng lớp trung lưu siết chi tiêu.

Nhà máy đàn piano Girod ở Luoshe (Hồ Châu) đã quyết định ngừng sản xuất vào mùa hè này. Kể từ đầu năm nay, các đơn đặt hàng giảm dần và hàng tồn kho chất đống. Sở hữu nhà máy, gia đình ông Yao quyết định thanh lý vài chục cây đàn piano còn lại trong kho để chờ ngày tươi sáng hơn.

Ba năm trước, họ bán chúng với giá từ 10.000 nhân dân tệ mỗi chiếc nhưng nay phải giảm còn 7.000 hoặc 8.000 nhân dân tệ nếu muốn có người mua. "Tình hình đã khó khăn năm ngoái nhưng doanh số giờ thực sự tệ. Hàng xóm chúng tôi đã phá sản, giống như rất nhiều người khác ở Luoshe", gia đình Yao nói. Theo ước tính của họ, hàng chục nhà sản xuất đã ngừng hoạt động.

Niêm yết trên sàn Thâm Quyến, hai nhà sản xuất đàn piano hàng đầu Trung Quốc là Hailun và Pearl River cũng chứng kiến cuộc sụp đổ của thị trường. Trong quý I, cả hai báo lỗ và doanh thu cả hai giảm mạnh 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiệp hội Nhạc cụ Trung Quốc cho biết tổng sản lượng piano sản xuất trong nước năm ngoái đã giảm xuống còn 190.000 chiếc, bằng một nửa bốn năm trước. Từng là biểu tượng địa vị cho các gia đình trung lưu, biến Trung Quốc trở thành thị trường piano lớn nhất thế giới, nhạc cụ danh giá này đã mất đi sự ưa chuộng, là nạn nhân của tình trạng kinh tế ảm đạm.

Theo tạp chí ThinkChina (Singapore), tầng lớp trung lưu Trung Quốc trước đây đối diện với cái gọi là "bộ 3 tử thần" làm cạn kiệt tài sản gồm: nợ vay mua nhà; một người vợ/chồng không có việc làm; hai đứa con đang học trường quốc tế.

Nền kinh tế chậm lại khiến nó được nâng cấp thành "bộ 5 tái nghèo" cho trung lưu, gồm: đầu tư bốc đồng để khởi nghiệp; rút hết tiền bạc và tài sản để mua nhà; cho con cái học trường danh giá; trở thành người bảo lãnh cho ai đó; đầu tư và quản lý tài chính một cách mù quáng.

Sách trắng về tầng lớp trung lưu mới của Trung Quốc công bố vào tháng 1 trên nền tảng truyền thông tài chính Wu Channel cho biết tài sản của 43% gia đình trung lưu mới đã giảm vào năm 2023 so với tỷ lệ 31% của năm 2022 và 8% hồi 2021.

Kể từ khi các đợt phong tỏa chống dịch kết thúc đầu 2023, các gia đình đang tránh mua sắm những thứ không cần thiết. Vào quý II, doanh số bán lẻ tại Trung Quốc chỉ tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn dự báo và chậm nhất kể từ tháng 12/2022.

Xing Zhaopeng, chiến lược gia cấp cao về Trung Quốc tại ANZ cho biết doanh số bán lẻ yếu là dữ liệu kinh tế đáng chú ý quý vừa qua. "Chi tiêu hộ gia đình vẫn rất yếu, với việc các nhà tuyển dụng cắt giảm lương và tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao. Các hộ gia đình vẫn sẽ thận trọng trong tương lai", Xing nói.

Sức mua trung lưu giảm đi kèm cải cách giáo dục đã đánh gục thị trường piano. Kể từ 2021, năng khiếu âm nhạc không còn được cộng điểm vào đại học tại nước này. "Không chỉ là tệ mà mọi thứ như một cú sốc", Deng Shurou, 27 tuổi, giáo viên dạy piano tại Thượng Hải cho biết. Cô đã rời trường Roland Music cách đây một năm để bắt đầu kinh doanh riêng. Tháng trước, chuỗi dạy âm nhạc này cũng đã phá sản.

Theo Deng Shurou, tỷ lệ sinh giảm, suy thoái kinh tế và cải cách giáo dục khiến thị trường piano lao dốc. Kể từ khi kết thúc thời kỳ Covid, các gia đình đã đi nghỉ mát hoặc đi xa vào cuối tuần. Điều đó có nghĩa là ít thời gian cho các lớp học nhạc hơn. "Nhiều trẻ cũng bỏ học vì chúng không thích. Cha mẹ quan tâm đến cảm xúc của con cái họ nhiều hơn so với thế hệ của tôi", cô cho biết.

Weiwei, 40 tuổi, là một trong những phụ huynh không bị thuyết phục bởi cây đàn piano. Cô đã do dự một thời gian dài trước khi quyết định cho con gái 10 tuổi dừng học. "Sau tất cả những gì chúng tôi đã đầu tư về thời gian và tiền bạc, đây không phải là một lựa chọn dễ dàng", cô nói. Cô cho rằng cây đàn piano không còn hữu ích cho việc học sau cải cách giáo dục 2021 và con gái ngày càng có nhiều bài tập về nhà. "Một giờ chơi piano mỗi ngày là quá nhiều. Bây giờ con bé có thời gian cho thể thao và đọc sách", cô nói.

Chi phí cũng là vấn đề. Một buổi học piano 45 phút tại các thành phố lớn giá khoảng 500 nhân dân tệ (63 euro). Weiwei cho rằng thu nhập gia đình dù khá và chấp nhận được nhưng vẫn nên cẩn thận. Đầu năm nay, họ đã bán lại chiếc piano Pearl River được mua với giá 20.000 nhân dân tệ cách đây 5 năm với giá 5.000 nhân dân tệ. "Không ai an toàn trước tình trạng sa thải", cô nói.

Theo Hiệp hội Nhạc cụ Trung Quốc, Luoshe được chỉ định là "huyện sản xuất đàn piano của Trung Quốc" vào 2014. Đến năm 2020, thị trấn này đã có 114 công ty, tuyển dụng 4.000 người để sản xuất 50.000 cây đàn piano mỗi năm.

Huapu là một trong những câu chuyện thành công của địa phương. Công ty được thành lập vào 1984 và tư nhân hóa năm 1997, tiếp tục phát triển mạnh mẽ nhờ khối lượng sản xuất và danh tiếng vững chắc. Công ty có 100 công nhân nhưng giờ chỉ còn 30. Một nửa số này phụ trách làm đồ nội thất chứ không phải đàn. Một quản lý Huapu cho biết họ phải đa dạng hóa sản phẩm khi không có đơn hàng piano.

Những thương hiệu cao cấp nhất của Luoshe giờ nuôi hy vọng xuất khẩu. Mei Awu bán những chiếc piano với giá từ 20.000 đến 30.000 nhân dân tệ. Ông nói công ty ít bị ảnh hưởng hơn so với các sản phẩm cấp thấp của hàng xóm nhưng cũng đang phải chịu đựng cuộc khủng hoảng. Vì vậy, ông hiện bán 30% sản lượng ra nước ngoài, chủ yếu là Mỹ và Đông Nam Á, so với 10% hồi 2 năm trước.

Đàn piano từng làm nên tên tuổi của Luoshe giờ trở thành gánh nặng cho kinh tế địa phương. Để cải tạo khu công nghiệp và có mặt bằng cho các công ty năng động hơn, chính quyền gần đây giải tỏa các nhà sản xuất đàn đi nơi khác.

Gia đình Yao cho rằng ngành này đang bị thay thế khi không còn tạo ra nguồn thu ngân sách tốt như xưa. Dù vậy, nhà ông không sẵn sàng từ bỏ. "Nếu doanh số tăng lên, chúng tôi sẽ sẵn sàng khởi động lại sản xuất. Đây là cơ nghiệp gia đình, tôi không thể bỏ cuộc được", ông nói.

ĐIỂM DANH 7 GIA TỘC GIÀU NHẤT THẾ GIỚI

Khối tài sản và cuộc sống của những người giàu nhất thế giới luôn là chủ đề được nhiều người quan tâm.

Cuộc sống của giới nhà giàu là một chủ đề thú vị, được nhiều người quan tâm. Trong đó, một số người thường tìm hiểu về các khoản đầu tư của những người giàu có, một số khác lại tò mò về khối tài sản kếch xù của những người này. Forbes đã công bố thông tin về 7 gia đình giàu nhất thế giới.

Gia đình Bernard Arnault - 233 tỷ USD

Đứng đầu danh sách những gia đình giàu nhất thế giới phải kể đến Bernard Arnault và gia đình ông, với khối tài sản ròng trị giá 233 tỷ USD. Gia đình Arnault được coi như một thế lực thống trị trong ngành thời trang. Trong nhiều thập kỷ, tập đoàn hàng xa xỉ LVMH của gia đình tiếp tục đứng vững như một trong những đế chế có ảnh hưởng nhất.

Công ty hùng mạnh này sở hữu danh mục đầu tư ấn tượng gồm 75 thương hiệu thời trang và làm đẹp nổi tiếng, bao gồm những cái tên mang tính biểu tượng như Louis Vuitton, Sephora và Tiffany & Co.

Hành trình vươn lên dẫn đầu ngành thời trang của ông  Arnault bắt đầu vào năm 1984 khi ông mua lại Christian Dior, đặt nền móng cho một đế chế toàn cầu thịnh vượng. Ngày nay, di sản của ông mở rộng, cả 5 người con của ông đều tích cực tham gia vào hoạt động của LVMH.

Gia đình Carlos Slim Helu - 102 tỷ USD

Là người giàu nhất Mexico, Carlos Slim Helu tạo ra phần lớn giá trị tài sản ròng của mình từ công ty viễn thông di động lớn nhất Mỹ Latinh có tên là América Móvil. Ngoài ra, nguồn tài sản của gia đình ông còn tích lũy từ cổ phần trong các công ty khai khoáng, bất động sản, xây dựng.

Slim và gia đình trước đây sở hữu 17% cổ phần của The New York Times. Gần đây, gia tộc này tiếp tục nắm giữ tới 76% cổ phần của Grupo Carso hay còn được biết đến là một trong những tập đoàn lớn nhất của Mỹ Latinh.

Gia đình Francoise Bettencourt Meyers - 99,5 tỷ USD

Francoise Bettencourt Meyers là gia đình giàu thứ ba trên thế giới với phần lớn tài sản đến từ việc thừa kế thương hiệu L'Oreal. Francoise là cháu gái của người sáng lập và đã phục vụ trong hội đồng quản trị của L'Oreal từ năm 1997.

Ngày nay, Bettencourt Meyers sở hữu 1/3 cổ phần của L'Oreal được giao dịch công khai, giúp Francoise trở thành người phụ nữ giàu nhất thế giới..

Gia đình Jim Walton - 78,4 tỷ USD

Jim Walton là chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Arvest Bank Group với giá trị tài sản ròng đạt 78,4 tỷ USD tính đến năm 2024. Ông là con trai người sáng lập Walmart, Sam Walton, đây cũng là một trong những nguồn tài chính lớn nhất của Jim Walton. Năm 2016, Jim giao lại vị trí chủ tịch hội đồng quản trị của Walmart cho con trai mình là Steuart.

Ngoài Walmart, ông sở hữu khối tài sản hơn 20 tỷ USD thuộc Arvest Bank Group.

Gia đình Rob Walton - 77,4 tỷ USD

Rob Walton là một trong những gia đình giàu nhất thế giới nhờ khối tài sản khổng lồ mà họ sở hữu tại Walmart. Được thành lập vào năm 1962, Walmart đã trở thành biểu tượng của giá bán lẻ phải chăng, điều hành hơn 10.500 cửa hàng trên toàn cầu.

Tính đến năm 2024, Jim, Rob và Alice Walton cùng gia đình họ tiếp tục thống trị vị trí cao nhất trong bảng xếp hạng tỷ phú của Forbes, với tổng giá trị tài sản ròng gần 210 tỷ USD, cho thấy vị thế của họ trong số những gia đình giàu có nhất.

Gia đình David Thomson - 67,8 tỷ USD

Là chủ tịch của Thomson Reuters Corporation, giá trị tài sản ròng của David Thomson vào khoảng 67,8 tỷ USD. Ông thừa kế Thomson Reuters Corporation, một đế chế truyền thông và xuất bản, từ ông nội của mình là Roy Thomson.

Ngoài cổ phần trị giá hàng triệu USD của gia đình tại Thomson Reuters, tài sản của David Thomson còn xuất phát từ khoản cổ phần tích lũy tại công ty viễn thông Bell Canada và tờ báo Globe and Mail có trụ sở tại Toronto.

Gia đình Julia Koch - 64,3 tỷ USD

Julia Koch là góa phụ của David Koch, người đã để lại cho bà và ba người con của họ 42% cổ phần tại Koch Industries, giúp gia đình này trở thành gia đình giàu thứ 7 trên thế giới.

Theo Forbes, gia đình Julia Koch đã ký một thỏa thuận để có được 15% cổ phần tại Brooklyn Nets của NBA với giá 700 triệu USD.

Hầu hết các gia đình giàu nhất thế giới đều tích lũy tài sản của mình từ việc thừa kế quyền sở hữu doanh nghiệp.

UKRAINE OANH KÍCH BELGOROD ÍT NHẤT 5 NGƯỜI CHẾT

Năm người thiệt mạng và 46 người bị thương trong một cuộc tấn công của Ukraine nhắm vào thành phố Belgorod ở phía tây nam của Nga vào đêm ngày thứ Sáu, thống đốc địa phương cho biết. Đây là cuộc tấn công mới nhất trong một loạt các cuộc oanh kích của Ukraine nhắm vào thành phố này trong những tháng gần đây.

Ông Vyacheslav Gladkov cho biết 37 người bị thương, bao gồm bảy em nhỏ, đã được đưa đến bệnh viện trong thành phố, nằm cách biên giới với Ukraine 40 km về phía bắc.

Video quay từ bên trong một chiếc xe, được đăng trên mạng xã hội và được nói là quay lại vụ tấn công, cho thấy một chiếc xe bị nổ tung khi đang di chuyển trên đường. Vài giây sau, một vụ nổ khác được nhìn thấy cách đó vài mét. Không thể xác minh ngay tính xác thực của video.

Bộ Ngoại giao Nga đã lên án vụ tấn công.

"Một lần nữa chúng tôi kêu gọi tất cả các chính phủ có trách nhiệm và các tổ chức quốc tế có liên quan lên án mạnh mẽ vụ tấn công khủng bố tàn bạo này và công khai tách mình ra khỏi chế độ Kyiv và những nước phương Tây chống lưng cho họ đã gây ra những tội ác như vậy," bộ nói hôm thứ Bảy.

Bộ nói thêm rằng "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga sẽ tiếp tục cho đến khi đạt được tất cả các mục tiêu bao gồm "giải trừ quân sự và giải trừ phát xít" Ukraine.

Ủy ban Điều tra của Nga cho biết trên kênh Telegram của mình rằng họ đã khởi động một vụ án hình sự về vụ tấn công.

Nhà chức trách cũng báo cáo một người phụ nữ bị thương vào ngày thứ Bảy trong vụ pháo kích của Ukraine nhắm vào thị trấn biên giới Shebekino thuộc vùng Belgorod.

Ukraine đã tiến hành các cuộc tấn công thường xuyên nhắm vào Belgorod và các khu vực biên giới khác của Nga trong những tháng gần đây, với thành phố này là tâm điểm của các cuộc tấn công.

Ukraine và Nga nói họ không cố ý nhắm vào thường dân trong cuộc chiến bắt đầu khi Nga đưa hàng ngàn quân vào nước láng giềng nhỏ hơn vào tháng 2 năm 2022.

NGA ÁP DỤNG CHIẾN LƯỢC NĂNG LƯỢNG MỚI GIỮA BỐI CẢNH BỊ BỦA VÂY BỞI CÁC LỆNH TRỪNG PHẠT

Các lệnh trừng phạt chưa từng có của phương Tây được áp dụng theo sau cuộc xung đột ở Ukraine đã buộc Nga phải đại tu toàn bộ ngành năng lượng của mình.

Chính phủ Nga đang tìm cách hoàn thiện Chiến lược Năng lượng 2050 được mong đợi từ lâu trong bối cảnh một môi trường toàn cầu năng động và thay đổi nhanh chóng theo sau các lệnh trừng phạt liên tiếp của Mỹ và EU đối với hoạt động kinh doanh năng lượng của Moscow.

Các lệnh trừng phạt dày đặc của phương Tây được áp dụng theo sau cuộc xung đột ở Ukraine đã buộc Nga phải đại tu toàn bộ ngành năng lượng của mình và khiến công việc xây dựng Chiến lược Năng lượng 2050 đối mặt với nhiều sự chậm trễ.

Do đó, chiến lược năng lượng mà Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi cách đây 2 năm vẫn chưa được trình lên quốc hội Nga xem xét.

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak phụ trách các vấn đề về năng lượng, nói với hãng tin Interfax hồi tháng 7 rằng chính phủ Nga đang trong giai đoạn cuối cùng của việc xây dựng chiến lược này.

“Theo chỉ thị của Tổng thống Nga, Chiến lược Năng lượng 2050 đang trong giai đoạn cuối cùng, với mục tiêu giảm thiểu tác động tiêu cực của các ngành nhiên liệu và năng lượng đối với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu”, ông Novak cho hay.

Theo ông Yuri Stankevich, Phó chủ tịch Ủy ban năng lượng của Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga, dự thảo chiến lược cuối cùng có thể được thảo luận rộng rãi vào mùa thu năm nay.

Trong năm đầu tiên của cuộc chiến, một cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu đã khiến giá cả tăng vọt và mang lại cho Điện Kremlin thặng dư tài khoản vãng lai cao nhất mọi thời đại là 235 tỷ USD.

Tuy nhiên, khi lệnh trừng phạt dầu và các sản phẩm dầu Nga có hiệu lực vào cuối năm 2022, mức thặng dư đã giảm xuống còn 51 tỷ USD vào năm 2023. Gần đây hơn, vào tháng 12 năm ngoái, Mỹ bắt đầu áp dụng các lệnh trừng phạt bổ sung khiến khoảng 10% "hạm đội bóng tối", được sử dụng để vận chuyển dầu Nga cho khách hàng châu Á, phải ngừng hoạt động.

Chiến lược Năng lượng 2050 cần giải quyết tất cả những vấn đề này, cũng như nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng mới để định tuyến lại nguồn cung năng lượng và định hướng lại mạng lưới đường ống của Nga từ Tây sang Đông, và một số những thách thức khác.

Các lệnh trừng phạt đối với Moscow vẫn đang gia tăng, đặc biệt là khi Mỹ ngày càng nhắm mục tiêu vào các kế hoạch mở rộng công suất khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga và các dự án sản xuất dầu trong tương lai của nước này.

Các biện pháp trừng phạt gần đây nhắm vào dự án Artic LNG 2 của Tập đoàn Novatek ở Bắc Cực và các nhà thầu tham gia vào chương trình lớn của Vostok Oil, nhấn mạnh áp lực ngày càng tăng đè nặng lên tham vọng năng lượng của Nga.

Khi triển vọng toàn cầu về nhu cầu dầu khí thay đổi, với nhiều người ủng hộ quá trình chuyển đổi năng lượng dần dần, chính phủ Nga cũng phải đối mặt với tình trạng doanh thu từ lĩnh vực dầu khí của mình đang giảm do chi phí tăng cao.

Ông Stankevich, trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Nga Rossiyskaya Gazeta, được xuất bản tuần trước, đã đề xuất tập trung nhiều hơn vào việc cải thiện chất lượng sản xuất thay vì số lượng.

Tuy nhiên, Nga phải đối mặt với thách thức lớn về vấn đề này sau khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt trong lĩnh vực công nghệ nhằm cắt đứt nguồn cung đầu vào quan trọng vốn trước đây Nga nhận được từ các nhà cung cấp phương Tây.

Dự án Arctic LNG 2 bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng vì dự án này phụ thuộc vào các bộ phận phức tạp do một số ít công ty trên thế giới sản xuất, chủ yếu là các công ty phương Tây.

Ngành sản xuất điện cũng bị ảnh hưởng nặng nề vì hầu hết các turbine khí được sử dụng trong các nhà máy điện đều do công ty Siemens của Đức sản xuất. Công ty này cũng đã rút khỏi Nga, khiến các công ty điện của Nga không có nguồn cung cấp phụ tùng thay thế.

Nguồn: CafeF; Vnexpress; Soha; VOA; Người Đưa Tin

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang