Hủy hàng tấn chân gà, nội tạng bẩn; Đổ xô xuất ngoại 30/4-1/5; Ngành xây dựng gặp khó; Chung cư không sổ đỏ tăng giá

Buộc tiêu hủy hàng tấn chân gà rút xương, nội tạng động vật bốc mùi hôi thối

(Ảnh minh họa).

Lực lượng chức năng các tỉnh Bắc Giang, Phú Yên, Khánh Hòa và Lạng Sơn vừa thu giữ hàng tấn chân gà rút xương, nội tạng động vật hôi thối, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.Lực lượng chức năng các tỉnh Bắc Giang, Phú Yên, Khánh Hòa và Lạng Sơn vừa thu giữ hàng tấn chân gà rút xương, nội tạng động vật hôi thối, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Theo Vietnamnet, hàng tấn chân gà rút xương, nội tạng động vật hôi thối, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ vừa bị cơ quan chức năng thu giữ tại nhiều địa phương trên cả nước.

Theo đó, tại Bắc Giang, ngày 23/3, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 4 phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Công an tỉnh Bắc Giang và Công an huyện Lạng Giang kiểm tra hộ kinh doanh Nguyễn Đức Chung; có địa chỉ tại xã Yên Mỹ, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang.

Đoàn kiểm tra phát hiện hộ kinh doanh này có hành vi vi phạm kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ; tang vật vi phạm là gần 1 tấn thực phẩm gồm xương lợn, chân gà rút xương và thịt bò.

Đội QLTT số 4 đã thiết lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Chung số tiền 12 triệu đồng về hành vi vi phạm nêu trên đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm theo quy định pháp luật.

Cùng ngày 23/3, Đội QLTT số 2, Cục QLTT Phú Yên phối hợp với phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Phú Yên tiến hành kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh thực phẩm Nguyễn Quân, địa chỉ: 129 Điện Biên Phủ, phường 7, TP.Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên do ông Nguyễn Đăng Quân làm chủ.

Đoàn kiểm tra phát hiện tại cơ sở kinh doanh có gần 600kg thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ, gồm: gà đông lạnh, bò viên, sườn bò, râu bạch tuộc, thịt lợn … Ngoài ra, hộ kinh doanh này còn có hành vi vi phạm quy định về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm.

Trước đó, báo Công luận đưa tin, ngày 16/3, Đội QLTT số 5 phối hợp với các cơ quan liên quan của UBND huyện Cam Lâm, UBND xã Cam Thành Bắc và Công an xã Cam Thành Bắc tiến hành kiểm tra đối với cơ sở giết mổ lợn có địa chỉ tại thôn Tân Phú, xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.

Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện tại nơi giết mổ có khoảng 5 tấn thịt, nội tạng đã qua sơ chế và đang sơ chế bốc mùi hôi thối. Chủ cơ sở là ông N.V.T là người dân đang cư trú tại địa phương.

Theo lời khai của ông T, số thịt trên ông mua lại của các đối tượng trên địa bàn chuyên gom heo chết sau xử lý tại các trại chăn nuôi heo trên địa bàn xã Cam Thành Bắc và các xã lận cận rồi thuê người chế biến để vận chuyển vào bán lại tại các khu công nghiệp các tỉnh phía Nam.

Do số thịt trên đã bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến môi trường nên ngay trong chiều cùng ngày các cơ quan chức năng và UBND xã Cam Thành Bắc đã tiến hành chôn lấp tiêu huỷ theo quy định.

Theo báo Bảo vệ pháp luật, tại khu vực thôn Nà Nưa, xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn, rạng sáng ngày 21/3, , Đội QLTT số 7 (Cục QLTT tỉnh Lạng Sơn) phối hợp với Công an huyện Tràng Định phát hiện xe ô tô biển kiểm soát 29H-275.65 dừng tại lề đường có biểu hiện nghi vấn nên tiến hành kiểm tra.

Đoàn kiểm tra, tiến hành kiểm tra sơ bộ trên xe có vận chuyện hàng hóa là thực phẩm đông lạnh, trên bao bì hàng hóa không có tem nhãn, có dấu hiệu vi phạm về nhãn hàng hóa.

Đoàn kiểm tra đưa phương tiện cùng toàn bộ số hàng hóa về trụ sợ Công an huyện tiến hành Khám phương tiện vận tải, qua kiểm tra trên xe đang vận chuyển hàng hóa là chân gà rút xương đông lạnh được hút chân không đóng trong hộp cát tông, loại 20kg/hộp, số lượng 100 hộp, tổng trọng lượng 2 tấn.

Người điều khiển phương tiện xuất trình cho đoàn kiểm tra một số chứng từ liên quan đến hàng hóa được vận chuyển trên xe, tuy nhiên một số chứng từ có nghi vấn.

Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ phương tiện, hàng hóa và một số giấy tờ liên quan để xác minh làm rõ theo quy định của pháp luật.

(Nguồn: Đời sống & Pháp luật)

Đi chơi 30/4-1/5: Đổ xô xuất ngoại, tour ‘hot’ khóa sổ

Người dân đổ xô đi du lịch nước ngoài dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, chiếm tới 2/3 lượng khách tại các công ty lữ hành. Một số tour như Nhật Bản, Hàn Quốc,... các nước châu Âu đã khóa sổ, dừng nhận khách.

Chốt liền tay, đi ngay cho nóng

Một tháng nữa mới đến kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, nhưng các công ty du lịch cho biết, năm nay nhu cầu đi du lịch nước ngoài của khách tăng mạnh. Cách đây cả tháng, nhiều khách đã xuống tiền đặt tour. Một số tour đi châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc đã khóa sổ, không nhận thêm khách.

Trao đổi với PV. VietNamNet, bà Trần Bảo Thu, Giám đốc Tiếp thị - truyền thông công ty Vietluxtour (TP.HCM), cho hay, người Việt Nam chủ yếu chọn đi các nước Đông Bắc Á hay trong khu vực bởi phù hợp với kỳ nghỉ 5 ngày. Đi nước ngoài liên quan đến thủ tục visa nên khách đăng ký sớm, đơn vị lữ hành cũng cần thời gian chuẩn bị. Vì thế, đến thời điểm này, thị trường châu Âu, Nhật Bản, công ty đã dừng nhận khách. Chỉ còn một số tuyến lẻ tại Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Malaysia còn vài chỗ nhận khách do không cần xin visa.

Dịp lễ 30/4-1/5 này, lượng khách outbound tại công ty tăng 40-45% so với cùng kỳ năm 2022.

Bà Trần Bảo Thu nhận xét, giá tour có nhích hơn so với ngày thường do giá vé máy bay đắt, trong khi chi phí này chiếm phần lớn giá tour. Ngoài Thái Lan có giá tour khá tốt, còn lại các nước như Singapore, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn cao so với du lịch nội địa. Đơn cử, tour đi Hàn Quốc trung bình 16-17 triệu, có thời điểm lên tới 20 triệu đồng/khách. Tour Nhật Bản trung bình khoảng 40 triệu đồng do đang cao điểm mùa hoa anh đào.

Bà Nguyễn Thanh Hòa, Giám đốc công ty du lịch Dream Travel (Hà Nội), đơn vị chuyên tổ chức tour đi Nhật, cho hay, tour ngắm hoa anh đào đã hết từ lâu. 3 booking Nhật Bản với khoảng 100 khách dịp 30/4-1/5 đóng cách đây 2 tuần. Hiện Dream Travel đã chuyển sang bán tour hè.

Theo bà Hòa, giá landtour không tăng nhiều, chỉ khoảng 10-15% do dịp 30/4-1/5 cũng là tuần nghỉ lễ vàng của Nhật nên khách nội địa đi chơi đông, nhưng giá tour cao do giá vé máy bay rất đắt, tới 18-19 triệu đồng nếu bay thẳng Vietnam Airlines.

Tại TST Tourist, trong số khoảng 2.000 khách đăng ký tour lễ 30/4-1/5 năm nay, chỉ 39% khách chọn tour du lịch trong nước, còn lại 61% là tour du lịch nước ngoài. Vietravel dự kiến phục vụ 19.800 lượt khách tính đến tuần trước, trong đó khách đi nước ngoài chiếm tỷ lệ 60-70%. Tại Flamingo Redtours (Hà Nội), lượng khách dịp lễ tăng 20-25% so với ngày thường, trong đó tour quốc tế cũng chiếm tới 60-70%.

Đi nội địa, sát ngày mới đặt

Ông Phạm Văn Bảy, Phó Giám đốc Vietravel Hà Nội, cho biết, du lịch nội địa xu hướng chính vẫn là đi theo dạng mua combo vé máy bay - phòng khách sạn, nhờ đặt dịch vụ rồi tự đi. Tuy nhiên, kỳ nghỉ lễ này có thể không đông đúc bởi một phần do du lịch trong nước có thể đi quanh năm, phần khác vào mỗi dịp 30/4-1/5 khách tăng đột biến, xô bồ nên nhiều người không nhất thiết phải đi vào chính lễ.

Vì trong nước đi du lịch dễ dàng nên theo bà Trần Bảo Thu, tour nội địa được các đơn vị lữ hành bán xuyên lễ.

Đến thời điểm này, các tour trọn gói trong nước còn nhiều, khá đa dạng, chủ yếu đến các điểm nổi tiếng như Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang, Đà Lạt hay các tỉnh Đông - Tây Bắc. Khách có tâm lý khách sát ngày mới đặt dịch vụ, các dạng free&easy (vé máy bay + phòng khách sạn), tour option (tour tùy chọn), dịch vụ trọn gói được nhiều người lựa chọn.

Tại nhiều công ty du lịch, các tour Đông - Tây Bắc cũng được quan tâm hơn cả. Vùng rẻo cao vẫn còn vương vấn sắc xuân cùng hoa ban khoe sắc, những thửa ruộng bậc thang mùa nước đổ lấp lánh đang hấp dẫn du khách cả trong Nam ngoài Bắc. Giá tour tại PYS Travel, Flamingo Redtours cũng rất hợp lý với khách đi từ Hà Nội, như Hà Giang, Ba Bể - Bản Giốc (2,9 triệu đồng); Hoàng Su Phì - Xín Mần - Bắc Hà 3 ngày chỉ 3,6 triệu đồng/người; Mộc Châu - Sơn La - Điện Biên - Sapa 5 ngày giá 5,85 triệu đồng hay chào cờ Tổ quốc từ ngã ba biên giới - Apa Chải 5 ngày giá 5,6 triệu đồng,... Nếu khách đi từ miền Nam thì tính thêm giá vé máy bay, tùy ngày giờ khởi hành, giá tour dao động từ 8-12 triệu đồng.

Tất nhiên, bà Thu cho hay, giá tour dịp lễ bao giờ cũng đắt hơn so với ngày thường do nhu cầu cao, như năm nay tăng 10-15%. Song, giá này vẫn tốt hơn khách tự đặt dịch vụ bởi các công ty du lịch đã đặt cọc từ sớm nên được giá hợp lý, trong khi khách tự mua giá vé máy bay giờ ngày càng đắt đỏ. Do đó, bà gợi ý các ngày lễ tết đông đúc, việc chọn tour trọn gói sẽ bớt rủi ro hơn.

(Nguồn: Vietnamnet)

Ngành xây dựng khó khăn chồng chất

(Ảnh minh họa).

Hầu hết các doanh nghiệp xây dựng và vật liệu xây dựng đều đang bị chủ đầu tư nợ tiền

Trong bối cảnh thị trường bất động sản (BĐS) vẫn còn khó khăn, hầu hết các nhà thầu xây dựng bị nợ đọng kéo dài do chủ đầu tư dự án mất khả năng chi trả hoặc chây ì trả nợ. Điều này khiến doanh nghiệp (DN) xây dựng rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan, nợ ngân hàng, nợ nhà cung cấp, nợ nhà thầu phụ, nợ lương nhân viên và cả nợ thuế. Nhiều dự án, công trình không có chi phí hoạt động, phải dừng thi công.

Khó chồng khó

Câu chuyện HĐQT Công ty CP Licogi 166 (DN có 60% doanh thu đến từ xây lắp) vừa phải thông qua nghị quyết tạm ngừng kinh doanh 1 năm, kể từ ngày 15-3-2023 đến 14-3-2024, với lý do hoạt động kinh doanh gặp khó khăn.

Trong văn bản giải trình với Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, công ty lý giải việc ngừng kinh doanh nhằm mục đích tìm ra phương hướng giải quyết khó khăn và củng cố lại cơ cấu tổ chức. Các cổ đông cũng đã đồng ý với quyết định tạm dừng hoạt động của HĐQT và cho phép công ty tiến hành thanh lý các tài sản, thu hồi công nợ để trả nợ lương, nợ ngân hàng, nợ cá nhân và nợ các nhà cung cấp.

"Công ty không còn khả năng hoạt động, người lao động đã nghỉ việc nên không thể triển khai được hoạt động kinh doanh. Thực tế, công ty đã gặp khó khăn từ năm 2019 vì không có việc, ít dự án và tài chính khó khăn. Một số dự án triển khai thì vướng mắc pháp lý, công tác giải phóng mặt bằng từ chủ đầu tư, vì vậy công trình tồn đọng kéo dài… Cộng với 2 năm đại dịch khiến hoạt động công ty trì trệ, khánh kiệt và nợ ngân hàng đã bị sang nợ xấu từ tháng 7-2021" - đại diện lãnh đạo Licogi 166 lý giải.

Trước đó, dư luận trong ngành xây dựng, BĐS cũng xôn xao thông tin nhóm nhà thầu phụ đang thi công các dự án do Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình làm tổng thầu gửi công văn yêu cầu thanh toán công nợ từ tháng 7-2022 đến nay. Nếu không được thanh toán, các nhà thầu phụ sẽ tạm dừng toàn bộ dịch vụ bảo hành, bảo trì đối với các dự án đã bàn giao và tạm dừng thi công các dự án đang xây dựng.

Trong văn bản phúc đáp nhóm nhà thầu phụ, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, thừa nhận dù luôn nỗ lực giải quyết các vấn đề tài chính nhưng chính sách về hạn mức tín dụng bị thắt chặt nên chưa đáp ứng được yêu cầu dòng tiền trong ngắn hạn. Vì vậy, ông Hải đề nghị các nhà thầu phụ xem xét cấn trừ nợ bằng chính các BĐS cũng như các thiết bị xây dựng tồn kho nếu thấy phù hợp…

Không những thế, gần đây còn lan truyền công văn của một nhà thầu gửi cho một tập đoàn BĐS lớn đề nghị thanh toán công nợ tồn đọng kéo dài bằng tiền mặt số tiền hơn 120 tỉ đồng để họ thanh toán cho nhà thầu phụ, nhà cung cấp vật liệu thay vì trả bằng tài sản khác. Điều này phần nào cho thấy các nhà thầu đã lâm vào cảnh cực kỳ khó khăn.

Thực tế, câu chuyện nợ đọng trong ngành xây dựng không phải chuyện mới, từng gây khó cho nhiều nhà thầu. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, nếu ngành BĐS không gỡ được khó, ngành xây dựng cũng khó duy trì hoạt động, thậm chí phá sản. Ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty BĐS Việt An Hòa, cho biết ngành xây dựng phụ thuộc rất lớn vào sự phát triển của thị trường BĐS. Thị trường tốt, các DN, nhà thầu xây dựng sẽ "ăn nên làm ra". Còn ngược lại, thị trường khó, dự án đình trệ, có thể gây ra sự đổ vỡ dây chuyền.

Cơ cấu nợ, gỡ vướng cho các dự án

Trước tình cảnh khó khăn của các DN trong ngành, Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP HCM (SACA) đã có văn bản gửi đến Thủ tướng Chính phủ và bộ, ngành liên quan để cầu cứu trước nguy cơ phá sản vì khó khăn, dòng tiền bị tắc.

Tại văn bản này, với tư cách Chủ tịch SACA đồng thời cũng là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, ông Lê Viết Hải cho biết trong 35 năm qua, lần đầu tiên tập đoàn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động của DN như hiện nay. Khó khăn đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hơn 3.300 cán bộ nhân viên, hơn 40.000 lao động thầu phụ, nhà phân phối, nhà cung cấp và sản xuất vật liệu xây dựng, trang thiết bị thi công... "Chúng tôi đã huy động tất cả nguồn lực của mình để tìm cách khắc phục tình trạng dòng tiền ngày càng xấu đi mà không thể kịp thời cải thiện được" - ông Hải nhấn mạnh.

Theo ông Hải, hầu hết các DN xây dựng và vật liệu xây dựng đều trong tình trạng bị chủ đầu tư nợ tiền thi công, dẫn tới nhà thầu nợ tiền ngân hàng, nợ nhà cung cấp, nợ nhà thầu phụ, nợ lương nhân viên và cả nợ thuế; nhiều dự án, nhiều công trình trong đó có các công trình sắp hoàn thành cũng phải dừng thi công; nhiều đơn hàng xuất khẩu của các nhà sản xuất vật liệu xây dựng không thể thực hiện được...

Giải pháp cho tình trạng này, SACA kiến nghị Chính phủ cho phép các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, thời gian được cơ cấu là 24 tháng, áp dụng đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất - kinh doanh vật liệu xây dựng cũng như đối với các chủ đầu tư dự án BĐS.

Đồng thời, ông Hải cũng kiến nghị Chính phủ nhanh chóng có các giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ kịp thời các vướng mắc hiện tại về pháp lý cho các dự án BĐS. Việc này sẽ giúp DN nhanh chóng xây dựng và bán hàng, đáp ứng các điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay, nhanh chóng đưa công trình vào khai thác... Điều quan trọng hơn là khôi phục hiệu quả toàn hệ sinh thái của ngành BĐS bao gồm xây dựng, sản xuất - kinh doanh vật liệu xây dựng.

Tại một sự kiện mới đây, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), nêu thực trạng hiện nay là chủ đầu tư nợ tiền thi công dẫn đến nguy cơ phá sản của nhiều nhà thầu, khiến họ rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”, không làm thì không có việc nhưng làm thì rủi ro tài chính rất lớn.

(Nguồn: Người Lao Động)

Bất ngờ với chung cư Hà Nội không sổ đỏ cũng tăng giá mạnh

Thời gian qua, do nguồn cung thiếu hụt đã khiến giá chung cư đã qua sử dụng, thậm chí chưa có sổ đỏ cũng tăng mạnh. Theo đó, nhiều chủ nhà khi bán lại căn hộ chung cư chưa có sổ đỏ cũng phải bất ngờ.

Trong những năm qua, nguồn cung nhà ở liên tục đi xuống, song nhu sức cầu về nhà ở trên thị trường vẫn rất lớn. Thực trạng này đã khiến giá các căn hộ đã qua sử dụng cũng tăng cao, cá biệt giá chung cư chưa có sổ đỏ cũng tăng theo khiến chủ nhà cũng bất ngờ.

Mới đây, anh Nguyễn Hà (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, anh vẫn chưa hết ngỡ ngày khi bán căn hộ cũ tại trên địa bàn Thanh Xuân, được mua vào năm 2020 với diện tích hơn 70m2 với giá 2,4 tỷ đồng, tương đương hơn 34 triệu đồng/m2.

“Công việc thời gian qua cũng thuận lợi nên cuối năm 2022, gia đình tôi đã mua một căn nhà ở mặt ngõ rộng cũng trên địa bàn quận này. Do không có nhu cầu sử dụng tới nên tôi đã rao bán căn nhà”, anh Hà nói.

Đã chuyển về nơi ở mới được 1 tháng, anh Trần Quang (Nam Từ Liêm, Hà Nội) vẫn chưa hết ngỡ ngàng với số tiền lãi khi bán lại căn hộ cũ. Anh Quang chia sẻ, năm 2016, vì kinh tế gia đình hạn hẹp nên đã chọn mua căn hộ 65m2 có 2 phòng ngủ tại chung cư HH Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) với mức giá 1 tỷ đồng, tương đương hơn 15 triệu đồng/m2.

“Sau nhiều năm tích cóp, kinh tế gia đình cũng khá hơn nên năm ngoái đã quyết định mua một căn chung cư khác tại quận Nam Từ Liêm. Đến đầu năm nay chúng tôi quyết định rao bán căn hộ cũ vì không sử dụng tới”, anh Quang nói.

Tuy nhiên, điều bất ngờ xảy ra khi chỉ rao bán trong vòng 2 tuần, căn hộ của anh Quang đã sang nhượng được ngay với mức giá 1,5 tỷ đồng, tức chênh 500 triệu đồng so với thời điểm mua.

“Thực ra, năm 2020 gia đình tôi đã có ý định đổi nhà nhưng vì Covid-19 sợ ảnh hưởng kinh tế nên kế hoạch tạm hoãn. Thời điểm đó, tôi cũng tham khảo một số kênh phân phối bất động sản thì nếu sang nhượng căn hộ cũng vẫn ở mức giá 1 tỷ đồng”, người này cho biết.

Cũng theo anh Quang, khu chung cư HH Linh Đàm đã bàn giao cho cư dân về ở từ năm 2016, nhưng do công trình có nhiều vi phạm không được chủ đầu tư khắc phục, dẫn tới tình trạng treo sổ đỏ các căn hộ suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên, về giao dịch mua bán căn hộ tại đây vẫn diễn ra bình thường.

"Lúc đầu tôi có lo ngại việc căn hộ của mình không có sổ đỏ chắc sẽ khó bán, nhưng rất nhanh chóng đã có người liên hệ mua ngay. Điều mừng hơn là căn hộ của tôi vẫn có lãi hơn 500 triệu đồng dù đã ở và sử dụng 5 năm", anh Quang chia sẻ.

Thực tế, theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều căn hộ tương tự như của anh Quang tại chung cư HH Linh Đàm thời điểm tháng 7/2022 còn được rao bán với mức từ 1,6 - 1,7 tỷ đồng. Song, hiện nay thị trường vẫn tiếp tục trầm lắng nên giá căn hộ tại đây đã giảm giá khoảng 100 - 300 triệu đồng/căn hộ, tùy diện tích.

Thực trạng nhiều dự án nhà ở đang gặp vướng mắc về pháp lý đã khiến nguồn cung căn hộ sụt giảm mạnh, trong khi đó nhu cầu thực vẫn rất lớn khiến giá tăng cao. Thống kê của CBRE cho thấy, trong năm 2022, có khoảng 15.100 căn hộ được chào bán tại Hà Nội, theo đó tổng nguồn cung mở bán mới giảm 12,3% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là năm thứ ba liên tiếp thị trường ghi nhận sụt giảm nguồn cung mới do tác động của nhiều yếu tố bao gồm dịch COVID-19, thắt chặt tín dụng và vấn đề cấp phép.

Song, năm 2023, lương chung cư mới tại Hà Nội vẫn được dự báo có thể khan hiếm hơn. Báo cáo của CBRE cho biết, phân khúc căn hộ mức độ mở bán mới có thể giảm nhẹ hoặc tương đương năm 2022, dự kiến khoảng 14.000 - 16.000 căn.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA) - Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), nguồn cung căn hộ ngày càng đi xuống, đặc biệt là phân khúc bình dân, vừa túi tiền. Bên cạnh đó, các chi phí đầu vào như vật liệu xây dựng, chi phí vốn, nhân công,... ngày càng tăng cao kéo theo giá nhà mới cũng tăng.

"Không chỉ các chung cư mới, các chung cư đã qua sử dụng thời gian qua cũng tăng giá mạnh. Song, thực tế việc mua chung cư chưa có sổ đỏ/sổ hồng có thể sẽ gây ra nhiều rủi ro cho người mua. Do đó, trước khi xuống tiền người mua nhà cần cân nhắc kỹ tới yếu tố pháp lý", ông Đính nói.

Về giải pháp, ông Đính cho rằng, để tăng cung cho phân khúc nhà ở giá thấp cần phải có sự "hợp lực" từ hai phía. Cơ quan chức năng cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết nhanh gọn về thủ tục hành chính. Việc tinh gọn quy trình sẽ giúp tiến độ nhanh và thuận lợi hơn để các dự án sớm được triển.

(Nguồn: Soha)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang