HQ nhượng bộ bác sĩ; BRICS phát triển tiền chung; Hezbollah phóng rocket Israel; Bế tắc 'giấc mơ EU' của Thổ; Kiev hứng tập kích 'dữ dội'

HÀN QUỐC SẼ NHƯỢNG BỘ HÀNG NGHÌN BÁC SĨ ĐÌNH CÔNG

Hàn Quốc thông báo sẽ có động thái nhượng bộ sau khi hàng nghìn bác sĩ nước này đình công trong nhiều tháng qua để phản đối quyết định của chính phủ.

Hàn Quốc hôm 8/7 cho biết họ sẽ hủy bỏ kế hoạch đình chỉ giấy phép của các bác sĩ thực tập sinh đình công. Đây được xem là động thái nhượng bộ để chấm dứt cuộc đình công kéo dài hàng tháng của nhân viên y tế phản đối quyết định của chính phủ tăng thêm chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường y.

Hàng nghìn bác sĩ thực tập và bác sĩ nội trú, đã đình công vào tháng 2, buộc các bệnh viện lớn phải cắt giảm các dịch vụ không khẩn cấp và từ chối nhận bệnh nhân vào phòng cấp cứu.

Bộ trưởng Y tế Cho Kyoo-hong cho biết chính phủ đã quyết định không đình chỉ giấy phép của các bác sĩ đình công, dù họ có quay lại làm việc hay không.

Ông Cho giải thích, quyết định trên là cần thiết vì việc chấm dứt tình trạng thiếu hụt nhân viên y tế hiện nay "cấp bách hơn".

Hai phần ba bác sĩ thực tập và nội trú ở Hàn Quốc đã đình công để phản đối kế hoạch tăng số lượng sinh viên được nhận vào trường y mỗi năm lên 2.000 nhằm giải quyết vấn đề mà chính phủ đánh giá là thiếu bác sĩ.

Các bác sĩ trẻ đang tham gia biểu tình cho rằng chính phủ trước tiên nên giải quyết vấn đề lương và điều kiện làm việc của nhân viên y tế trước khi cố gắng tăng số lượng bác sĩ.

Ông Cho cam kết rằng chính phủ sẽ xây dựng một hệ thống y tế "bền vững", giảm áp lực công việc lên các bác sĩ thực tập và nội trú.

"Các bác sĩ tập sự, đừng chần chừ nữa và hãy can đảm để quyết định. Chính phủ sẽ đảm bảo rằng các bạn có thể tập trung vào hoạt động đào tạo mà không phải lo lắng", ông Cho cam kết.

Bộ trưởng Cho cũng kêu gọi các bác sĩ thực tập và nội trú quay trở lại và tham gia đối thoại để thảo luận về điều kiện làm việc cũng như chỉ tiêu tuyển sinh đại học y khoa từ năm 2026 trở đi.

BRICS ĐÀM PHÁN VỀ ĐỒNG TIỀN TỆ CHUNG

Đại sứ LB Nga tại Trung Quốc Igor Morgulov thông báo các nước thành viên BRICS đang đàm phán về một đồng tiền tệ chung.

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, phát biểu bên lề Diễn đàn Hòa bình Thế giới lần thứ 12 ở Bắc Kinh (Trung Quốc), Đại sứ Morgulov cho biết các nước BRICS đang phát triển cơ chế và công cụ của một hệ thống tài chính độc lập hoàn toàn với đồng USD. Ông nhận định việc tạo ra một đồng tiền chung nội khối là “xu hướng tất yếu”, nhưng cũng lưu ý rằng không nên mong đợi những thay đổi trong tương lai gần.

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết nước này đã mời các nước thành viên BRICS và các đối tác của liên minh này tiến hành thanh toán xuyên biên giới trên nền tảng thanh toán BRICS Bridge.

Dự án này hiện đang ở giai đoạn phát triển sâu. Nga cho rằng BRICS Bridge sẽ giải quyết sự phân mảnh của hệ thống thanh toán hiện tại bên ngoài “cơ sở hạ tầng không thân thiện” của phương Tây. Ngoài ra, nền tảng thanh toán kỹ thuật số chung này sẽ “đảm bảo mức độ bình đẳng phù hợp và góp phần phát triển quan hệ thương mại” giữa các nước BRICS và các quốc gia thân thiện.

Ngày 7/6 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng các nước BRICS đang nỗ lực tạo ra hệ thống thanh toán của mình, không phụ thuộc vào hệ thống phương Tây.

Hiện BRICS đang áp dụng hệ thống thanh toán điện tử BRICS Pay, là hệ thống thanh toán số được xây dựng để giảm chi phí và thủ tục phức tạp của thanh toán quốc tế. Hệ thống này cho phép doanh nghiệp và người tiêu dùng thực hiện giao dịch bằng đồng nội tệ một cách an toàn và hiệu quả.

BRICS đóng góp 24% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu và 16% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của thế giới.

ISRAEL HỨNG “MƯA ROCKET” TỪ HEZBOLLAH, MỘT NGƯỜI BỊ THƯƠNG

Một người Israel bị thương nặng và hỏa hoạn bùng phát khắp các cộng đồng biên giới phía bắc của Israel khi một loạt rocket được phóng từ Lebanon sang Israel hôm 7/7.

Cơ quan y tế Israel cho biết, một người đàn ông 28 tuổi trong tình trạng nghiêm trọng đã được đưa đến bệnh viện để chữa trị thêm.

Trong khi đó, hỏa hoạn bùng phát ở nhiều địa điểm khác nhau, bao gồm cả Cao nguyên Golan, nơi người dân địa phương cùng với lính cứu hỏa cả trên mặt đất lẫn trên không cố gắng dập tắt các đám cháy lan trên những cánh đồng trồng trọt và các khu đất trống.

Hezbollah tuyên bố đã bắn rocket vào một căn cứ quân sự.

Một tuyên bố của người phát ngôn quân đội Israel cho biết, khoảng 20 quả được xác định bay từ Lebanon tới khu vực Lower Galilee, và một số trong số đó đã bị Hệ thống phòng thủ trên không của IDF đánh chặn.

Nhóm được Iran hậu thuẫn và Israel đã giao tranh trong gần 9 tháng song song với cuộc xung đột ở Gaza, làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến toàn diện giữa các đối thủ được trang bị nhiều loại vũ khí.

Hezbollah tuyên bố rằng chiến dịch tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của họ vào miền bắc Israel là nhằm để hỗ trợ người Palestine chịu cảnh bắn phá của Israel ở Gaza.

GIẤC MƠ GIA NHẬP EU CỦA THỔ NHĨ KỲ BẾ TẮC

Thổ Nhĩ Kỳ chờ đợi 37 năm chờ xét duyệt lá đơn gia nhập Liên minh châu Âu (EU), làm dấy lên hoài nghi về những thách thức lớn ngăn cản tiến trình này.

Trong hơn sáu thập kỷ, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU trải qua nhiều thăng trầm, gặt hái nhiều thành tựu, nhưng cũng không ít thất bại. Một trong những điểm nghẽn trong hợp tác đôi bên là lá đơn xin gia nhập khối của Thổ Nhĩ Kỳ, biến Ankara thành nước giữ kỷ lục về thời gian xin gia nhập dài nhất.

Muốn làm thành viên chính thức, Croatia đã phải chờ đợi 10 năm, Bắc Macedonia là 17 năm, Montenegro khoảng 12 năm, Serbia là 11 năm, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ đã chờ đợi 37 năm.

Chặng đường dài

Mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với EU bắt đầu vào năm 1959, khi nước này nộp đơn xin làm thành viên liên kết của Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC), tiền thân của EU và được chấp thuận 4 năm sau đó. Năm 1987, Thổ Nhĩ Kỳ chính thức nộp đơn xin gia nhập EEC, khi đó có 14 thành viên, bao gồm Hy Lạp và Vương quốc Anh.

Mãi đến tháng 12/1999, các nhà lãnh đạo EU, trong một cuộc họp của Hội đồng châu Âu ở Helsinki (Phần Lan), mới nhất trí tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia ứng cử viên - một bước giúp Ankara đến gần hơn giấc mơ EU.

Năm 2005, EU cuối cùng đã thông qua khuôn khổ cho các cuộc đàm phán gia nhập liên minh đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Song âm mưu đảo chính ở Ankara hồi tháng 7/2016 khiến Nghị viện châu Âu nhất trí “tạm thời đóng băng” tiến trình đàm phán gia nhập, đưa giấc mơ của Thổ Nhĩ Kỳ vào bế tắc.

Hành trình chông gai này làm dấy lên hoài nghi - tại sao Thổ Nhĩ Kỳ chưa thể gia nhập EU, trong khi nước này đã là thành viên NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) từ năm 1952 và là thành viên OSCE (Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu) nhiều năm qua. Vậy đâu là các rào cản lớn ngăn Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập “mái nhà chung” EU?

Bốn thách thức lớn

Khó khăn lớn đầu tiên xuất hiện năm 1974. Đáp trả cuộc đảo chính do người Cyprus gốc Hy Lạp thực hiện, Ankara đưa quân chiếm nửa phía Bắc hòn đảo và thành lập Cộng hòa Bắc Cyprus Thổ Nhĩ Kỳ.

Cho đến nay, cộng đồng quốc tế chỉ thừa nhận nhà nước Cộng hòa Cyprus do người gốc Hy Lạp quản lý ở phần phía Nam hòn đảo, còn Cộng hòa Bắc Cyprus Thổ Nhĩ Kỳ thì không. Việc Cộng hòa Cyprus gia nhập EU năm 2004 đã trực tiếp gây mâu thuẫn lợi ích giữa Ankara và thành viên khối.

Thách thức thứ hai là tiêu chí Copenhagen. Kể từ khi nộp đơn xin gia nhập, Ankara phải thực hiện các cải cách bổ sung để đáp ứng tiêu chí trên, yêu cầu ứng cử viên phải có sự ổn định về thể chế, dân chủ, nhân quyền và nền kinh tế thị trường. Bất chấp nhiều cải cách, EU vẫn giữ hoài nghi về khả năng đáp ứng yêu cầu của Ankara, đặc biệt là về nhân quyền, dân chủ và độc lập tư pháp.

Một rào cản khác là sự phản đối từ các nước chủ chốt trong khối, như Pháp, Đức và Áo. Các bên viện dẫn sự khác biệt về ý thức hệ chính trị-xã hội. Chẳng hạn, Paris thường phản đối vấn đề nhân quyền và tự do báo chí ở Thổ Nhĩ Kỳ. Berlin quan ngại về sự khác biệt về bản sắc văn hóa và tôn giáo, do phần lớn dân số Thổ Nhĩ Kỳ theo đạo Hồi, vốn không tương thích với các giá trị thế tục và tự do mà châu Âu đề cao.

Vấn đề cuối cùng là làn sóng tị nạn. Thổ Nhĩ Kỳ là nơi có số lượng người tị nạn lớn nhất thế giới, với khoảng 3,6 triệu người tị nạn Syria. EU nỗ lực tìm kiếm kế hoạch hợp tác với Ankara để giải quyết khủng hoảng trên, nhưng hai bên chưa tìm được tiếng nói chung trong việc chia sẻ gánh nặng.

Năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ và EU ký kết thỏa thuận di cư, quy định rằng, Ankara sẽ chịu trách nhiệm tiếp nhận gần 4 triệu người tị nạn để đổi lấy 6 tỷ Euro hỗ trợ tài chính từ châu Âu. Tuy nhiên, thỏa thuận này đã gây ra tranh cãi, một số người chỉ trích EU vì phụ thuộc quá nhiều vào Ankara để giải quyết khủng hoảng. Ngoài ra, tình hình chính trị ở Thổ Nhĩ Kỳ và cách nước này đối xử với người tị nạn làm dấy lên lo ngại về vi phạm nhân quyền.

Như vậy, "giấc mơ EU" của Thổ Nhĩ Kỳ nhen nhóm từ năm 1987, đến nay đã 37 năm và được dự báo sẽ còn kéo dài, do Ankara chưa tìm được tiếng nói chung với châu Âu trong bốn vấn đề lớn. Để thúc đẩy thành công tiến trình, đôi bên cần duy trì cam kết đối thoại và hợp tác bất chấp những thách thức, nhằm mở ra tương lai tươi sáng vì lợi ích chung.

TRẬN TẬP KÍCH DỮ DỘI VÀO KIEV

Ukraine nói Nga phóng hơn 40 tên lửa vào loạt thành phố, trong đó Kiev hứng chịu một trong những cuộc tập kích tồi tệ nhất trong xung đột.

"Lực lượng Nga lại tiếp tục tập kích quy mô lớn bằng tên lửa nhằm vào Ukraine. Hơn 40 quả đạn các loại đã tấn công thủ đô Kiev cùng các thành phố Dnipro, Kryvyi Rig, Slavyansk và Kramatorsk. Nhiều khu dân cư, cơ sở hạ tầng và một bệnh viện đã bị hư hại", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết hôm nay.

Cuộc tấn công diễn ra ban ngày, thay vì ban đêm hoặc rạng sáng như các đợt tập kích quy mô lớn trước đó.

Thị trưởng Kiev Vitaly Klitschko nói rằng các mảnh vỡ tên lửa bị phòng không bắn hạ đã rơi xuống hai quận trung tâm thủ đô, thêm rằng ít nhất 7 người đã chết. "Đây là một trong những cuộc tấn công dữ dội nhất hai năm qua", ông phát biểu khi đứng cạnh một tòa nhà bị hư hại nặng và nói rằng đó là bệnh viện nhi.

Oleksandr Vilkul, thị trưởng thành phố Kryvyi Rig ở miền trung Ukraine, nói rằng ít nhất 10 người thiệt mạng và 31 người bị thương trong cuộc tập kích rạng sáng nay.

Bộ Nội vụ Ukraine sau đó thống kê rằng loạt tập kích khiến tổng cộng ít nhất 20 người thiệt mạng và 50 người bị thương ở các thành phố.

Quân đội Ukraine chưa công bố thông tin về đòn tập kích, như chủng loại tên lửa và số mục tiêu bị đánh chặn. Bộ tư lệnh phòng không Ukraine trước đó nói rằng Nga đã phóng tên lửa siêu vượt âm Kinzhal và yêu cầu người dân Kiev ở yên trong nơi trú ẩn.

Bộ Quốc phòng Nga chưa bình luận về thông tin. Moskva từng nhiều lần bác bỏ họ nhắm vào mục tiêu dân sự.

Hãng thông tấn Nga TASS dẫn lời nhân chứng tại Kiev nói rằng ít nhất một vụ nổ đã xảy ra tại khu vực sân bay quốc tế Zhulyany, nơi triển khai trận địa tên lửa phòng không Patriot bảo vệ thủ đô Kiev.

Nguồn: Dân Trí; Báo Tin Tức; VOA; Báo Quốc Tế; Vnexpress

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang