Hành củ là vàng mới; Châu Á 'gánh' kinh tế toàn cầu; Trát bắt Putin; Cuộc sống ở Mariupol; Tương lai Ả Rập - Iran

Hành củ là vàng mới: Sự thiếu hụt đang khiến thế giới khóc như thế nào

Trên khắp thế giới, người dân buộc phải loại bỏ hành củ khỏi các món ăn vì tình trạng thiếu hụt nguồn cung đã khiến cho giá cả tăng chóng mặt. Thổ Nhĩ Kỳ và Kazakhstan nằm trong số các quốc gia hạn chế xuất khẩu hành củ. Ở Philippines, hành củ bị buôn lậu.

Philippines - nơi buôn lậu hành củ

Theo trang tin Firstpost (Ấn Độ), ở Philippines, hành củ đắt hơn thịt. Cuộc khủng hoảng hành củ đã diễn ra trong nhiều tháng, giá hành củ cao hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới kể từ tháng 9 năm ngoái, và đã tăng gấp 4 lần trong 4 tháng qua.

Theo hãng tin Reuters, giá bán hành đỏ - vốn là thành phần chính trong hầu hết các món ăn của người dân Philippines - đã tăng từ khoảng 70 peso (hơn 30.000 đồng)/kg vào tháng 4/2022 lên tới 700 peso (hơn 300.000 đồng)/kg vào tháng 12/2022.

Đến giữa tháng 1/2023, giá giảm xuống một chút. Theo Bộ Nông nghiệp Philippines, hành củ có giá 550 peso (237.000 đồng)/kg. Điều này làm cho hành củ đắt hơn gần 3 lần so với thịt gà và đắt hơn 25% so với thịt bò ở các chợ ở Philippines.

Tình trạng thiếu hụt và giá cả tăng vọt sau khi vụ mùa hành củ trị giá hàng tỷ peso (hàng trăm tỷ đồng) tại Philippines bị ảnh hưởng bởi một loạt các cơn bão vào năm 2022. Thiên tai kết hợp với các cuộc khủng hoảng lương thực, nhiên liệu và phân bón toàn cầu đã đẩy tỷ lệ lạm phát của nước này lên 8,1% vào tháng 12/2022, mức cao nhất trong vòng 14 năm qua.

Theo truyền thông địa phương, cũng có thể có doanh nghiệp nào đó đang tích trữ hành củ, khiến cho giá cả tăng vọt. Và hiện tại chính phủ Philippines đã ra lệnh điều tra về việc lũng đoạn giá hành củ.

Theo thông tin trên kênh truyền hình France24, tình trạng thiếu hụt hành củ đã dẫn đến tình trạng buôn lậu gia tăng. Vào tháng 12/2022, các nhà chức trách Philippines đã phát hiện 50.000 kg được cất giấu trong các sản phẩm bánh ngọt và bánh mì nhập khẩu. Vào ngày 22 và 23/1/2023, các nhân viên hải quan đã thu giữ số hành đỏ trị giá gần 9,5 triệu peso tại cảng Zamboanga (Philippines).

Sau các cuộc biểu tình, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr đã phê duyệt kế hoạch nhập khẩu 21.060 tấn hành củ vào cuối tháng 1.

Rex Estoperez - phó phát ngôn viên Bộ Nông nghiệp Philippines – cho biết, đây chỉ là giải pháp "tạm thời", không hề hoàn hảo.

Danilo Fausto - Chủ tịch Phòng Nông nghiệp và Thực phẩm Philippines – cho biết, việc nhập khẩu hành sẽ ảnh hưởng đến những người trồng hành trong nước khi họ chuẩn bị thu hoạch, thường bắt đầu vào tháng 2 và kéo dài đến tháng 4.

Theo trang tin Firstpost, Philippines tiêu thụ khoảng 17.000 tấn hành mỗi tháng, thuộc loại nhiều nhất châu Á. Nhưng hiện tại, tình trạng thiếu hụt và giá cả đắt đỏ đang ảnh hưởng đến người dân nước này, buộc một số người phải thay đổi thói quen ăn uống của họ.

Lalaine Basa - người điều hành một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống ở Manila (Philippines) nói với phóng viên hãng tin Bloomberg rằng, cô dự định mua 1 kg hành củ để làm chả giò, nhưng cô đã buộc phải thay đổi công thức nấu ăn của mình khi chỉ sử dụng một nửa số hành.

Ely Cundangan - một quản lý nhà hàng khác, người đã từ chối cắt giảm sử dụng hành củ trong món tủy bò đặc trưng của mình - nói với phóng viên hãng tin Reuters rằng, lợi nhuận đã bị ảnh hưởng. "Nguyên liệu của chúng tôi trở nên đắt đỏ đến mức chúng tôi gần như chẳng kiếm được đồng nào", người đàn ông 76 tuổi nói.

Cấm xuất khẩu hành củ

Trang tin Firstpost nhận định, mặc dù Philippines có thể là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong cuộc khủng hoảng hành củ, nhưng không đơn độc. Thổ Nhĩ Kỳ, Kazakhstan và Morrocco... cũng nằm trong số các quốc gia gặp vấn đề về hành củ.

Nhu cầu về hành củ trên thị trường toàn cầu đã tăng lên do sản lượng thu hoạch thấp ở các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và hạn hán. Năm ngoái, một số khu vực của châu Âu đã trải qua hạn hán nghiêm trọng và Hà Lan - nước xuất khẩu hành lớn nhất thế giới - đã bị ảnh hưởng. Điều này dẫn đến việc tăng giá hành củ tại Hà Lan. Theo thống kê trên nền tảng phân tích thông tin nông nghiệp East Fruit, giai đoạn cuối tháng 1 - đầu tháng 2, giá hành củ bán buôn đạt mức cao kỷ lục 0,7 USD (16.500 đồng)/kg.

Thời tiết đóng một vai trò lớn. Sương giá đã hủy hoại rất nhiều ruộng hành ở Uzbekistan, Tajikistan, Kazakhstan và Kyrgyzstan. Giờ đây, các nước này đã cấm xuất khẩu hành do lo ngại thị trường nội địa thiếu hụt.

Cũng vì lo ngại thiếu hụt, Thổ Nhĩ Kỳ đã tạm dừng một số hoạt động xuất khẩu hành củ. Giá hành củ cũng đang tăng chóng mặt ở đất nước này, nơi vừa phải đối phó với thảm họa động đất chết người.

Chiến sự và thiên tai

Hãng tin BBC đưa tin, ở Morrocco, sản lượng hành củ bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, và các cơn bão khiến cho nhiều chuyến phà bị chậm, hủy. Nước này cũng đã cấm xuất khẩu hành củ, cà chua và khoai tây sang Tây Phi vào đầu tháng này trong nỗ lực đảm bảo việc xuất khẩu sang châu Âu.

Theo hãng tin Bloomberg, lũ lụt ở Pakistan đã phá hủy phần lớn vụ mùa hành củ và quốc gia chuyên xuất khẩu hành củ này buộc phải nhập khẩu từ Iran, Uzbekistan và Thổ Nhĩ Kỳ. Việc trồng hành củ ở Ukraine cũng bị ảnh hưởng do xung đột với Nga, khiến Ukraine phải nhập khẩu hành củ từ Ba Lan, Romania, Moldova, Kazakhstan và Thổ Nhĩ Kỳ. Trước chiến sự, Ukraine thường xuyên xuất khẩu hành sang những quốc gia này và việc này đã làm rung chuyển thị trường.

(Nguồn: CafeF)

Nhân tố giúp châu Á 'gánh' tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay

Nhu cầu dịch vụ đến từ lượng người tiêu dùng tăng ở châu Á được dự báo sẽ thu hút đầu tư và đẩy nền kinh tế khu vực này tăng lên.

Khi nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ gặp suy thoái, những thay đổi trong nền kinh tế các nước châu Á đang tạo ra triển vọng tăng trưởng dài hạn, khi lượng người tiêu dùng tăng lên, mở ra cơ hội cho các ngành dịch vụ.

Trong dự báo mới nhất, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng mức dự báo tăng trưởng năm 2023 ở châu Á từ 4,9% lên 5,3%, gấp 3 lần so với tốc độ tăng trưởng dự kiến của Mỹ và gấp 7 lần khu vực đồng euro.

Trước đó, S&P cũng dự báo châu Á - Thái Bình Dương sẽ đạt tăng trưởng 3,5% vào năm nay, trong khi Mỹ và châu Âu có thể đối mặt với suy thoái, CNBC cho hay.

Động lực tăng trưởng của châu Á

Các dự báo có thể khác nhau, song đều cùng quan điểm rằng châu Á sẽ là khu vực tăng trưởng. Quan điểm lạc quan này đến từ hai xu hướng dài hạn, theo Nikkei.

Đầu tiên là kinh nghiệm quản lý tài khóa ở châu Á, vốn từng trải qua cuộc khủng hoảng tài chính cuối thế kỷ XX, đã giúp những nền kinh tế khu vực này bước qua đại dịch Covid-19 mà không để lại nhiều thiệt hại nghiêm trọng.

Cùng với đó, nền kinh tế nội khối của châu Á đang dần chuyển mình để ít phụ thuộc vào nền kinh tế phương Tây hơn so với trước đây.

Một phần của nỗ lực quản lý kinh tế tốt hơn là giải quyết các điểm yếu tiềm ẩn, bao gồm tăng cường dự trữ ngoại hối, kiểm soát lạm phát và đảm bảo rằng các nền kinh tế khu vực không bị ảnh hưởng nặng nề khi lãi suất và tỷ giá hối đoái xấu đi.

Thứ hai là sự xuất hiện của những khuôn khổ hợp tác khu vực, như ASEAN, các thỏa thuận như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) hay Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Những khung hợp tác này đã tối ưu hóa tiềm năng tăng trưởng dài hạn của khu vực, qua việc dỡ bỏ các rào cản thương mại và làm cho khu vực trở nên hấp dẫn hơn để đầu tư.

Trong nhiều năm, phần lớn các nước đang phát triển ở Đông Á và Đông Nam Á đã tận dụng chi phí lao động thấp để khai thác tiềm năng tăng trưởng dựa vào xuất khẩu.

Điều này đã đẩy tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người ở Đông Á và Thái Bình Dương từ 3.250 USD năm 1990 lên 20.300 USD vào năm 2021. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng tăng từ 34 tỷ USD lên 741 tỷ USD giai đoạn này.

Hàng trăm triệu người đã có cơ hội làm việc để thoát nghèo. Trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, họ đã có được thu nhập khả dụng và chuyển sang tầng lớp tiêu dùng.

Viện Brookings ước tính rằng số lượng người tiêu dùng ở châu Á sẽ tăng từ 560 triệu năm 2000 lên khoảng 3 tỷ, tương đương 70% dân số khu vực, vào năm 2030. Trong khi đó, công ty McKinsey dự đoán rằng châu Á sẽ chiếm hơn một nửa lượng tiêu thụ toàn cầu vào thời điểm đó.

Ngoài ra, lượng người tiêu dùng mới này cũng có xu hướng mua hàng hóa do châu Á sản xuất, đẩy thương mại nội khối tăng 50% từ năm 2019 đến năm 2022, theo báo cáo của tập đoàn vận tải biển Maersk.

Tầm nhìn mới cho đầu tư

Các nhà đầu tư quốc tế đã nhận ra rằng thay vì đổ tiền vào sản xuất ở châu Á để xuất khẩu sang khu vực khác, nguồn đầu tư quốc tế đang ngày càng dồn vào việc sản xuất tại châu Á cho thị trường châu Á.

Khu vực này đã mở ra nhiều cơ hội ở đây cho các công ty phương Tây. Một loạt các ngành công nghiệp bao gồm các nhà sản xuất ôtô, nhà sản xuất máy công cụ và các nhà bán lẻ xa xỉ đã xem châu Á là trung tâm cho phần lớn hoạt động kinh doanh mới. Điều này sẽ tiếp tục miễn là lợi thế cạnh tranh của họ vẫn tiếp tục.

Triển vọng tăng trưởng ấn tượng nhất nằm trong các ngành dịch vụ chuyên nghiệp, đặc biệt là những ngành có chiến lược kỹ thuật số phát triển tốt để thể tận dụng sự tăng trưởng bùng nổ trong nhu cầu trực tuyến của Châu Á.

Các ước tính mới nhất của Liên Hợp Quốc cho thấy nhập khẩu các dịch vụ thương mại của châu Á đã tăng 9,2% trong năm 2022 và sẽ tăng thêm 5% trong năm nay. Ngoài các dịch vụ cơ bản như giáo dục, giải trí và du lịch, các mảng chuyên nghiệp hơn như kế toán, luật và kiến ​​trúc được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng.

Với ngành dịch vụ tài chính, một phần của kế hoạch phát triển là quản lý sự giàu có của người tiêu dùng mới ở châu Á. Báo cáo của Tập đoàn tư vấn Boston năm 2022 ước tính châu Á sẽ tạo ra 22.000 tỷ USD tài sản mới từ năm 2020 đến năm 2025.

Song, điều này cũng sẽ đặt ra yêu cầu về cải thiện lối sống để góp phần vào tăng trưởng chung của Châu Á và các đối tác thương mại của mình.

Sự gia tăng của người tiêu dùng châu Á đang làm nghiêng cán cân ảnh hưởng kinh tế về phía đông. Khu vực này không chỉ trở nên ít bị tổn thương hơn trước các cú sốc kinh tế bên ngoài, mà còn đang tiến gần đến điểm phát triển thỏa mãn nhu cầu của nền kinh tế thế giới.

(Nguồn: Zing News)

Trát bắt ông Putin có ảnh hưởng gì tới chuyến đi của ông Tập sang Nga?

Kế hoạch của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow vào tuần tới nêu bật khát vọng của Trung Quốc về vai trò lớn hơn trên trường quốc tế. Nhưng việc này cũng nêu bật những nguy cơ của chính sách ngoại giao toàn cầu: Vài giờ sau thông báo ngày 17/3 về chuyến đi, lệnh bắt giữ quốc tế đã được ban hành đối với ông Putin với các cáo buộc tội ác chiến tranh, ít nhất cũng làm cho mất một số lực đẩy của chuyến đi sắp tới.

Một loạt các diễn biến - diễn ra sau khi Trung Quốc làm trung gian cho một thỏa thuận giữa Ả Rập Xê Út và Iran nhằm nối lại quan hệ ngoại giao và việc nước này công bố cái mà họ gọi là “kế hoạch hòa bình” cho Ukraine - diễn ra khi chính quyền ông Biden cảnh giác theo dõi các động thái của Bắc Kinh nhằm tự khẳng định một cách mạnh mẽ hơn trong các vấn đề quốc tế.

Các quan chức Hoa Kỳ không bình luận công khai ngay về lệnh bắt giữ ông Putin của Tòa án Hình sự Quốc tế ở The Hague, nhưng riêng tư họ bày tỏ sự hài lòng rằng một cơ quan quốc tế đã đồng ý với đánh giá của Washington rằng Nga đã phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại ở Ukraine.

Theo hai quan chức Mỹ, chính quyền ông Biden tin rằng mong muốn của Trung Quốc được coi là nhà trung gian hoà gải cho hòa bình giữa Nga và Ukraine có thể được xem như nguy hơn khi ông Putin chính thức là nghi can tội phạm chiến tranh. Các quan chức, phát biểu với điều kiện giấu tên vì họ không được phép nói chuyện công khai về vấn đề này, cho biết chính quyền hy vọng các lệnh này sẽ giúp huy động các quốc gia trung lập từ trước đến nay cân nhắc về cuộc xung đột.

Ý nghĩa của cuộc gặp giữa ông Tập với ông Putin là gì

Chuyến thăm Nga sẽ là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Tập kể từ khi được bầu vào nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có với tư cách là chủ tịch Trung Quốc. Việc này diễn ra khi Bắc Kinh và Moscow đã tăng cường quan hệ trong các bước bắt đầu ngay trước khi Nga xâm lược Ukraine với cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh trong Thế vận hội mùa đông năm ngoái, tại đó họ tuyên bố quan hệ đối tác “không giới hạn”.

Kể từ đó, Trung Quốc đã nhiều lần đứng về phía Nga trong việc ngăn chặn hành động quốc tế chống lại Moscow trong cuộc xung đột Ukraine và, các quan chức Mỹ nói, Bắc Kinh đang xem xét cung cấp vũ khí cho Nga để hỗ trợ cuộc chiến. Nhưng Trung Quốc cũng đã cố gắng đóng một vai trò trung lập hơn, đưa ra một kế hoạch hòa bình mà về cơ bản đã bị phớt lờ.

Cuộc gặp ở Moscow có thể chứng kiến hai bên tái cam kết về mối quan hệ đối tác của họ, điều mà cả hai đều coi là rất quan trọng để chống lại những gì họ cho là ảnh hưởng không đáng có và không xứng đáng do Mỹ và các đồng minh phương Tây gây ra.

Ý nghĩa của trát bắt ông Putin được ICC công bố là gì?

Trước mắt, lệnh bắt giữ của ICC đối với ông Putin và một trong những phụ tá của ông dường như không có tác động lớn đến cuộc gặp hoặc lập trường của Trung Quốc đối với Nga. Cả Trung Quốc và Nga - cũng như Hoa Kỳ hay Ukraine - đều không phê chuẩn hiệp ước thành lập ICC. Hoa Kỳ, bắt đầu với chính quyền Clinton, đã từ chối tham gia tòa án ICC, vì lo ngại rằng nhiệm vụ rộng rãi của nó có thể dẫn đến việc truy tố binh sĩ hoặc quan chức Mỹ.

Điều đó có nghĩa là không quốc gia nào trong số bốn quốc gia chính thức công nhận quyền tài phán của tòa ICC hoặc bị ràng buộc bởi lệnh của ICC, mặc dù Ukraine đã đồng ý cho phép một số cuộc điều tra tội phạm của ICC trên lãnh thổ của mình và Hoa Kỳ đã hợp tác với các cuộc điều tra của ICC.

Thêm vào đó, rất khó có khả năng ông Putin sẽ tới một quốc gia bị ràng buộc bởi các nghĩa vụ đối với ICC. Nếu ông làm vậy, thì liệu quốc gia đó có thực sự bắt giữ ông hay không. Đã có tiền lệ về việc những người bị truy tố trước đây, đặc biệt là cựu Tổng thống Sudan Omar Bashir, đã đến thăm các thành viên ICC mà không bị bắt giữ.

Tuy nhiên, lệnh bắt giữ này có thể chống lại Trung Quốc và Nga trước tòa án của công luận và vị thế quốc tế của ông Putin có thể bị ảnh hưởng trừ khi các cáo buộc được rút lại hoặc ông được tha bổng.

Góc nhìn từ Washington

Mặc dù thận trọng khi thảo luận trực tiếp về các lệnh của ICC, nhưng các quan chức Hoa Kỳ đã không từ tốn khi nói về chuyến thăm dự kiến của ông Tập tới Moscow. Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Toà Bạch Ốc John Kirby gọi việc Bắc Kinh thúc đẩy lệnh ngừng bắn ngay lập tức ở Ukraine là “phê chuẩn sự chinh phục của Nga” và cảnh báo rằng người Nga có thể sử dụng lệnh ngừng bắn để tập hợp lại các vị trí của họ “để có thể khởi động lại các cuộc tấn công vào Ukraine tại một thời điểm do họ lựa chọn.”

Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Joe Biden, Jake Sullivan, trong tuần này đã kêu gọi ông Tập nói chuyện với Tổng thống Volodymyr Zelenskyy và nhà lãnh đạo Ukraine cũng bày tỏ quan tâm đến các cuộc thảo luận với ông Tập.

Góc nhìn từ Kyiv

Phát biểu trước khi lệnh của ICC được công bố, các nhà phân tích Ukraine cảnh báo không nên rơi vào một cái bẫy tiềm ẩn trước cuộc gặp Tập-Putin.

Ông Yurii Poita, người đứng đầu bộ phận châu Á tại Mạng nghiên cứu địa chính trị mới có trụ sở tại Kyiv, cho biết: “Chúng ta cần lưu ý rằng các cuộc đàm phán hòa bình như vậy là một cái bẫy đối với Ukraine và các cơ quan ngoại giao của nước này.”

Quan điểm từ Moscow

Ngay cả khi Trung Quốc không nhắc đến cung cấp hỗ trợ quân sự cho Nga như Mỹ và các đồng minh lo sợ, thì Moscow vẫn coi chuyến thăm của ông Tập là một tín hiệu mạnh mẽ về sự ủng hộ của Trung Quốc, thách thức những nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập Nga và giáng những đòn làm tê liệt nền kinh tế của nước này.

Các nhà quan sát nói rằng mặc dù Trung Quốc đóng vai trò là người hòa giải, nhưng việc họ từ chối lên án hành động của Nga khiến không còn nghi ngờ gì về sự đồng cảm của Bắc Kinh.

Góc nhìn từ Bắc Kinh

Các quan chức Trung Quốc đã khoe khoang về ảnh hưởng mới được tìm thấy của họ trên trường quốc tế khi chính sách đối ngoại của đất nước họ ngày càng trở nên quyết đoán dưới thời Tập Cận Bình.

Khi thông báo về chuyến thăm của ông Tập, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết mối quan hệ của Bắc Kinh với Moscow là một thế lực quan trọng trên thế giới.

Bộ này gọi chuyến thăm là “hành trình hữu nghị, làm sâu sắc thêm sự tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau giữa Trung Quốc và Nga, đồng thời củng cố nền tảng chính trị và dư luận xã hội của tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước qua nhiều thế hệ”.

(Nguồn: VOA)

Cuộc sống ở Mariupol sau 10 tháng Nga kiểm soát

Nga đang nỗ lực tạo dấu ấn ở Mariupol bằng chương trình tái thiết từ đống đổ nát, dù một số người dân thành phố vẫn tỏ ra hoài nghi.

Lực lượng Nga hồi tháng 5 năm ngoái kiểm soát Mariupol sau chiến dịch vây hãm hơn 80 ngày. Trước khi xung đột bùng phát, thành phố đông nam Ukraine có khoảng 500.000 dân, nhưng đã biến thành đống đổ nát sau những đợt pháo kích dữ dội.

Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, 90% số tòa nhà ở Mariupol đã bị hư hại hoặc phá hủy hoàn toàn sau nhiều tháng hứng chịu bom đạn và 350.000 người buộc phải sơ tán khỏi thành phố.

Rất khó xác định chính xác số thương vong do các đợt pháo kích không ngừng vào Mariupol, nhưng chính quyền Ukraine cho biết hơn 20.000 người đã thiệt mạng tại thành phố cảng ở đông nam đất nước.

Chính quyền Mariupol do Moskva bổ nhiệm cho hay khoảng 300.000 người đang sinh sống tại đây, trong đó khoảng 70.000 người là công nhân xây dựng và thành viên lực lượng vũ trang Nga.

Các tòa nhà mới lần lượt xuất hiện, thế chỗ những công trình đổ nát do giao tranh ở Mariupol. Quân đội Nga xây dựng một quận hoàn toàn mới, gồm hàng chục tòa chung cư ở phía tây thành phố. Nó được đặt tên là Nevsky, theo tên dòng sông Neva chảy qua thành phố quê hương St. Petersburg của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Theo truyền thông nhà nước Nga, chính quyền St. Petersburg là bên tài trợ chính cho công cuộc tái thiết Mariupol.

"Trên xe buýt, họ dán những thông điệp nói rằng St. Petersburg và Mariupol là hai thành phố song sinh. Đi đến đâu chúng tôi cũng có thể nhìn thấy các khẩu hiệu khẳng định chúng tôi là một phần của nước Nga", bà Maria, một người nghỉ hưu, cho biết.

Trong những ngôi nhà giờ đây tương đối bình yên, người Nga đang thay cửa sổ mới, máy sưởi và đôi khi là cả hệ thống nước thải.

Hệ thống sưởi, nước sinh hoạt và nguồn cung cấp điện của thành phố đều đã được khôi phục. Xe buýt hoạt động trở lại, thường xuyên kín khách. Tuy nhiên, mạng lưới xe điện vẫn bị gián đoạn.

Không ít trường học, bệnh viện và cửa hàng cũng đã nối lại hoạt động. Lác đác trên đường phố, những chủ sạp hàng bày bán đồ ngay vỉa hè.

Bà Maria đặc biệt ấn tượng với một ngôi trường được xây dựng lại sau khi người Nga đến. "Nó thật đẹp, được tô điểm bởi những ô vuông màu sắc sặc sỡ", bà mô tả.

Theo bà, số lượng trẻ em ở Mariupol hiện vượt quá sức chứa của các trường học, nên các em phải chia hai ca sáng và chiều. Chương trình giảng dạy bằng tiếng Nga cũng được áp dụng, nhưng điều này phần nào khiến nỗ lực đưa trẻ em trở lại trường học trở nên phức tạp hơn.

Sau khi kiểm soát thành phố, chính quyền do Moskva bổ nhiệm đã thực hiện hàng loạt biện pháp tăng dấu ấn Nga ở Mariupol. Cư dân địa phương được thúc giục đổi sang hộ chiếu Nga.

Ivan, ủy viên hội đồng thành phố, cho biết mỗi ngày, người dân đều xếp hàng dài để chờ đổi hộ chiếu, bởi đây là yêu cầu bắt buộc nếu họ muốn tìm việc làm, đặc biệt là trong các cơ quan chính quyền hay khu vực công. Với hộ chiếu mới, người dân Mariupol cũng có thể đến Nga mà không cần trải qua quy trình "sàng lọc" bổ sung, anh giải thích.

"Bạn sẽ gặp vấn đề nếu sở hữu giấy tờ của Ukraine, bạn phải đối mặt với các quy trình quan liêu và bạn phải chờ đợi", Ivan nói. "Nếu có hộ chiếu Nga, vấn đề sẽ biến mất, mọi thứ trở nên dễ dàng hơn".

Mariupol cũng từng bước trở thành một phần trong hệ thống tài chính Nga. Đồng hryvnya của Ukraine đã bị loại bỏ dần và hiện tại, đồng ruble Nga là loại tiền tệ duy nhất được chấp nhận tại các cửa hàng.

Nga đang chuyển những khoản tiền khổng lồ vào các khoản thanh toán lương hưu cho cư dân Mariupol. Trong nhiều trường hợp, số tiền còn lớn hơn những gì họ nhận được từ chính quyền Ukraine trước xung đột.

Cư dân của Mariupol giờ đây có thể rút hai khoản lương hưu, một từ Nga, một từ Ukraine, điều khiến họ cảm thấy hài lòng.

Lương hưu của nhà nước Nga cũng là một lý do khác khiến những người cao tuổi ở Mariupol xếp hàng để đổi hộ chiếu. Không ít người tin rằng trong tương lai, họ sẽ cần chúng để tiếp tục được nhận trợ cấp từ Nga.

Các phương tiện truyền thông ở Mariupol cũng nỗ lực thúc đẩy chương trình ủng hộ Moskva, kêu gọi người dân thân thiện hơn với Nga.

Một số cư dân ở Mariupol hiện nay là những người kẹt ở thành phố khi quân đội Nga bao vây, nhưng cũng có nhiều người hoan nghênh hiện diện của Nga.

"Chúng tôi đã chịu đựng quá đủ dưới chính quyền Ukraine. Giờ đây, chúng tôi có thể thở trở lại rồi", một cư dân Mariupol bình luận trên mạng xã hội.

Nỗ lực tái thiết nhanh chóng của Nga, trường học mới hay các khoản lương hưu hào phóng dường như đều hướng tới mục tiêu khơi dậy cảm tình thân Nga ở Mariupol.

Nhưng không phải ai cũng cảm thấy như vậy. "Họ thuyết phục chúng tôi rằng mọi thứ đang trở nên tốt đẹp hơn, nhưng tôi cảm thấy lạc lõng trong chính thành phố của mình", Yuri, một kỹ sư ở Mariupol, chia sẻ. "Mọi người đã khác, thành phố bây giờ cũng khác".

Nhiều người dân Mariupol không giấu được niềm vui khi thấy thành phố của họ trở lại bình thường ở một mức độ nào đó, nhưng vẫn có những người tỏ ra hoài nghi.

Nhà báo nổi tiếng Ukraine Denys Kazansky cho rằng Nga có thể muốn dùng các ngôi nhà mới mà họ đang xây tại Mariupol để khiến người dân quên đi khung cảnh tan hoang do chiến sự ở những nơi khác.

"Nếu phá hủy 19 bệnh viện rồi xây lại một thì đó không phải là tái thiết", ông nói. "Bạn có thể vui mừng bao nhiêu tùy thích về việc một ngôi trường được xây dựng lại, nhưng bạn sẽ làm gì với những người đã chết vì xung đột? Bạn không thể mang họ trở lại".

(Nguồn: Vnexpress)

Tương lai tươi sáng khi Ả Rập Saudi - Iran bình thường hóa quan hệ sau nhiều năm gián đoạn

Bộ Ngoại giao các nước Ả Rập coi đây là một bước tích cực góp phần củng cố hòa bình, an ninh trong khu vực và trên thế giới, hướng tới sự ổn định và thịnh vượng tại khu vực Trung Đông.

Ngày 10/3/2023, tại Bắc Kinh, dưới sự trung gian hòa giải của Trung Quốc, Cố vấn An ninh Quốc gia Ả Rập Saudi, Musaed Al-Aiban và Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gian Iran, Ali Shamkhani, đã ký thỏa thuận nối lại quan hệ ngoại giao bị cắt đứt giữa hai nước từ năm 2016, khôi phục lại hiệp định hợp tác ký năm 1998 và mở lại đại sứ quán tại thủ đô Riyahd và Tehran trong vòng hai tháng tới.

Ngoại trưởng Ả Rập Saudi, ông Faisal bin Farhan nói: "Việc nối lại quan hệ ngoại giao giữa đất nước của ông và Iran xuất phát từ tầm nhìn của Vương quốc về việc giải quyết các bất đồng bằng ngoại giao và khẳng định mong muốn chung của hai bên trong việc giải quyết những khác biệt thông qua giao tiếp và đối thoại."

Ngoại trưởng Iran Hossein Amir Abdollahian cho rằng chính sách láng giềng hữu hảo mà chính phủ Tổng thống Iran Ibrahim Raisi theo đuổi đang đi đúng hướng. Chủ tịch Quốc hội Iran, ông Muhammad Baqer Qalibaf, coi đây là một bước quan trọng góp phần vào ổn định của khu vực Trung Đông và vùng Vịnh.

Phản ứng quốc tế

Bộ Ngoại giao các nước Ả Rập gồm Ai Cập, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Kuwait, Algeria, Oman, Iraq, Jordan, Tunisia, Syria, Lebanon, Sudan, Syrria, Palestine... đều ra tuyên bố hoan nghênh việc bình thường hóa quan hệ giữa Riyahd và Tehran, coi đây là một bước tích cực góp phần củng cố hòa bình, an ninh trong khu vực và trên thế giới, hướng tới sự ổn định và thịnh vượng tại khu vực Trung Đông.

Các nước này đánh giá cao vai trò của Trung Quốc trong việc đưa Ả Rập Saudi và Iran xích lại gần nhau.

Tổng thư ký Liên đoàn Ả Rập (AL) Ahmed Abu Gheit, Tổng thư ký Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) Jassim Muhammad Al-Budaiwi, Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) Hussein Ibrahim Taha, Người phát ngôn phong trào Houthi ở Yemen, Muhammad Abdul Salam, Tổng thư ký tổ chức Hezbollah ở Lebanon, Hassan Nasrallah, Phong trào Kháng chiến Hồi giáo (Hamas)... đều ra tuyên bố hoan nghênh thỏa thuận này và coi đây là một bước quan trọng mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ song phương giữa Riyahd và Tehran, khôi phục đoàn kết và góp phần vào ổn định trong toàn khu vực.

Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres hoan nghênh Saudi Arabia và Iran nhất trí nối lại quan hệ ngoại giao. Ông đánh giá cao vai trò của Trung Quốc trong việc tổ chức các cuộc đối thoại giữa hai nước.

Nga chúc mừng Iran, Ả Rập Saudi và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận khôi phục quan hệ giữa Riyadh và Tehran. Thứ trưởng Ngoại giao Mikhail Bogdanov nói, việc nối lại quan hệ giữa hai nước là phù hợp với các sáng kiến của Nga nhằm thiết lập một hệ thống an ninh ở vùng Vịnh có tầm quan trọng đặc biệt đối với kinh tế toàn cầu.

Trong khi đó, Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nói, Ả Rập Saudi đã thông báo cho Mỹ về các liên hệ của họ với Iran.

Ông nhấn mạnh, Washington quan tâm chấm dứt chiến tranh ở Yemen và ngừng các cuộc tấn công vào Ả Rập Saudi và Mỹ sẽ xem liệu Iran có thực hiện nghĩa vụ của mình sau khi ký kết thỏa thuận với Ả Rập Saudi hay không, và liệu điều này có ảnh hưởng đến Hiệp định Abraham hay không?

Israel tỏ lo ngại về việc nối lại quan hệ giữa Ả Rập Saudi và Iran. Người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại và An ninh tại Quốc hội (Knesset) Israel, Yuli Edelstein, nói: "Việc Iran và Ả Rập Saudi nối lại quan hệ là điều rất tồi tệ đối với Israel và toàn bộ thế giới tự do".

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz mô tả thỏa thuận này là một diễn biến đáng lo ngại và Israel sẽ phải đối phó với những thách thức an ninh nghiêm trọng ngày càng gia tăng. Một quan chức cấp cao khác của Israel cho rằng, thỏa thuận này sẽ ảnh hưởng đến khả năng bình thường hóa quan hệ giữa Riyadh và Tel Aviv.

Vì sao các cố gắng trung gian hòa giải của Trung Quốc thành công?

Các cuộc đàm phán giữa Ả Rập Saudi và Iran được bắt đầu tại Baghdad từ tháng 4/2021 dưới sự trung gian hòa giải của Iraq và Oman nhưng không đạt được thỏa thuận cuối cùng. Trong khi đó, Trung Quốc đã đưa được hai bên đến Bắc Kinh ký thỏa thuận bình thường hóa quan hệ.

Thứ nhất, Trung Quốc là nước có lợi thế nhất do mối quan hệ hữu nghị và hợp tác lớn, là đối tác thương mại chính của cả Ả Rập Saudi và Iran. Mặt khác, Bắc Kinh là người hòa giải khác với Iraq và Oman ở khả năng bảo lãnh thỏa thuận. Ngay cả Mỹ hoặc Nga cũng không thể đảm bảo được việc thực hiện thỏa thuận.

Trung Quốc có mối quan hệ hết sức tốt đẹp với Ả Rập Saudi. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thăm Ả Rập Saudi từ 7-9/12/2022. Hai bên ký kết 34 thỏa thuận hợp tác với tổng giá trị lên tới 29,3 tỷ USD - trong đó quan trọng nhất là thỏa thuận nâng cấp quan hệ giữa hai nước lên tầm "Đối tác chiến lược toàn diện". Với thỏa thuận này, Ả Rập Saudi trở thành đối tác chiến lược toàn diện thứ năm của Trung Quốc sau Nga, Việt Nam, Indonesia và ASEAN.

Ả Rập Saudi hiện là nước cung cấp dầu lớn nhất cho Trung Quốc. Năm 2021, Trung Quốc nhập khẩu 87,58 triệu tấn dầu thô của Ả Rập Saudi, tương đương 1,75 triệu thùng/ngày, chiếm 18% nhu cầu dầu thô của Trung Quốc.

Riyadh cam kết cung cấp ổn định, lâu dài dầu mỏ cho Bắc Kinh và đặc biệt là đồng ý thanh toán bằng đồng nhân dân tệ để giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ.

Năm 2022, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Ả Rập Saudi đạt 101 tỷ USD, trong đó Trung Quốc nhập dầu của Ả Rập Saudi 57 tỷ USD và Ả Rập Saudi nhập hàng hóa Trung Quốc 44 tỷ USD.

Trong khi đó, quan hệ giữa Trung Quốc với Iran gần đây cũng đã có những bước phát triển mạnh mẽ chưa từng có.

Năm 2020, Trung Quốc và Iran đã ký "Chương trình hợp tác toàn diện 25 năm", theo đó Trung Quốc sẽ đầu tư 400 tỷ USD vào Iran, trong đó dành 280 tỷ USD vào việc phát triển ngành dầu khí, hóa dầu và 120 tỷ USD khác đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng sản xuất của Iran.

Tháng 2/2023, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi thăm Trung Quốc thỏa thuận nâng quan hệ hợp tác giữa hai nước lên tầm cao mới.

Đàm phán giữa hai bên về nâng cấp quan hệ lên "Đối tác chiến lược toàn diện" đang bước vào giai đoạn cuối cùng. Iran chính thức gia nhập tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Iran là một trong những nước cung cấp dầu lớn nhất cho Trung Quốc. Tehran và Bắc Kinh đặt kế hoạch đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên 600 tỷ USD trong vòng mười năm tới.

Thứ hai, Trung Quốc có lợi ích lớn trong việc chấm dứt xung đột giữa Ả Rập Saudi và Iran là hai nước mạnh nhất cả vế kinh tế lẫn quân sự. Vùng Vịnh, đặc biệt là Ả Rập

Saudi và Iran là hai quốc gia cung cấp hơn một nửa lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc và kinh tế Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn nếu thiếu khu vực này. Mặt khác, Ả Rập Saudi và Iran khó có thể tìm được một người bạn chung mà cả hai đều có thể tin tưởng như Trung Quốc.

Bình thường hóa quan hệ đem lại nhiều lợi ích cho Ả Rập Saudi và Iran

Bình thường hóa quan hệ Ả Rập Saudi - Iran sẽ mở ra cánh cửa đối thoại giữa hai nước nhằm giải quyết nhiều cuộc xung đột trong khu vực, trước hết là cuộc xung đột Yemen, đưa các bên liên quan ngồi vào bàn đàm phán để tìm ra giải pháp chấm dứt chiến tranh.

Tạp chí Times của Anh cho biết chi phí cho cuộc chiến tại Yemen lên tới 200 triệu USD/ngày, tức khoảng 72 tỷ USD/năm, phần lớn do Ả Rập Saudi gánh chịu.

Chấm dứt cuộc chiến Yemen, Ả Rập Saudi sẽ cắt giảm được khoản chi phí này để sử dụng đầu tư vào các dự án đầy tham vọng của Vương quốc, đặc biệt là các dự án "Tầm nhìn 2030" của Thái tử Mohammed bin Salman, trong đó có kế hoạch xây dựng thành phố NEOM với số vốn 500 tỷ USD.

Ngoài ra, thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Ả-rập Saudi và Iran có thể dẫn đến việc việc giảm bớt hoặc chấm dứt sự hiện diện quân sự của Iran ở Iraq và Syria.

Điều quan trọng nhất là hai bên thỏa thuận quay trở lại thực hiện hiệp định hợp tác năm 1998 trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học, kỹ thuật, văn hóa, thể thao và thanh niên. Trước khi xảy ra căng thẳng leo thang, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã chạm mốc 500 triệu USD/năm.

Thỏa thuận giữa Saudi và Iran sẽ là cơ hội để tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại, đầu tư chung nhằm khai thác các tiềm năng kinh tế to lớn, đặc biệt là nguồn tài nguyên dầu mỏ khổng lồ của hai nước phục vụ cho công cuộc phát triển.

Bình thường hóa quan hệ Ả Rập Saudi - Iran là thách thức đối với Mỹ và Israel

Tờ The New York Times (NYT) viết, việc nối lại quan hệ ngoại giao giữa Iran và Ả Rập Saudi là một thách thức địa chính trị đối với Mỹ. Báo The Times of Israel trích lời một quan chức cấp cao của Israel nói, thỏa thuận này được coi là một dấu hiệu về sự yếu kém của Mỹ và Israel.

Thỏa thuận Saudi-Iran làm nổi bật tầm quan trọng kinh tế và chính trị ngày càng tăng của Trung Quốc ở Trung Đông. Trung Quốc mong muốn sự ổn định trong khu vực vì vùng Vịnh cung cấp hơn một nửa lượng dầu thô nhập khẩu của Bắc Kinh.

Chính sách của Mỹ đã khiến Ả Rập Saudi và Iran xích lại gần nhau. Riyahd ngày càng tỏ ra nghi ngờ trong quan hệ với Mỹ.

Mối quan hệ này trở nên hết sức căng thẳng kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức đầu năm 2021 và Washington ngừng ủng hộ Ả Rập Saudi trong cuộc chiến Yemen. Mỹ cũng hoãn các hợp đồng cung cấp vũ khí cho Ả Rập Saudi.

Năm 2018, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA). Ngoài việc tái áp đặt các lệnh trừng phạt Tehran, Washington còn thúc đẩy thành lập một liên minh mới, với sự tham gia của 6 thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), Ai Cập và Jordan được gọi là "NATO Ả Rập", mục tiêu chủ yếu nhằm chống lại Iran.

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống cuối năm 2020, ông Biden hứa khôi phục lại thỏa thuận JCPOA, nhưng đến nay thỏa thuận này không những vẫn không được khôi phục mà Washington còn áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt Tehran.

Trung Quốc mong muốn Iran và Saudi nối lại quan hệ nhằm khai thác khoảng trống chiến lược do Mỹ thi hành chính sách "xoay trục sang châu Á", giảm bớt sự có mặt của mình tại Trung Đông.

Là cường quốc đang cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ, Trung Quốc tìm cách tăng cường vai trò địa - chính trị của mình ở khu vực thông qua việc xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp với các nước Trung Đông, đặc biệt là các quốc gia dầu mỏ vùng Vịnh vốn là một yếu tố thiết yếu trong việc củng cố an ninh năng lượng của Trung Quốc.

Trong hơn 20 năm qua, nhất là kể từ khi trở lại nắm quyền cuối năm 2022, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã đặt ra mục tiêu là bình thường hóa quan hệ với Ả Rập Saudi, quốc gia Ả Rập hùng mạnh và giàu có nhất khu vực, đồng thời thành lập một liên minh với một số nước Ả Rập do Mỹ đứng đầu nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Iran, thậm chí một kế hoạch tấn công quân sự đã được vạch ra nhằm làm suy yếu Iran và phá hủy chương trình hạt nhân của nước này.

Việc nối lại quan hệ hữu nghị giữa hai đối thủ mạnh nhất khu vực là Ả Rập Saudi và Iran được cho là khiến những dự định của Tel Aviv không còn thuận lợi.

Việc ký kết "Tuyên bố Bắc Kinh" nối lại quan hệ ngoại giao giữa hai cựu thù Ả Rập Saudi và Iran là bước đầu tích cực cho thấy các bất đồng dù phức tạp đến đâu cũng có thể giải quyết được bằng thương lượng hòa bình.

Tuy nhiên, như Ngoại trưởng Ả Rập Saudi Faisal bin Farhan nói: "Đây là một thỏa thuận tốt, nhưng điều đó không có nghĩa là sẽ đạt được một giải pháp cho tất cả những vấn đề còn tồn tại và khác biệt giữa hai nước."

(Nguồn: Soha)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang