Hàng vạn người ‘đi bão’ ăn mừng chiến thắng; Nghi vấn người đàn ông tẩm xăng tự thiêu; Mưu sinh trên biển Sa Huỳnh

MỌI NGẢ ĐƯỜNG CHẬT CỨNG, HÀNG VẠN NGƯỜI “ĐI BÃO” ĂN MỪNG CHIẾN THẮNG

Ngay sau khi kết thúc trận đấu mọi ngả đường đều chật cứng người hâm mộ, tràn ngập trong sắc cờ đỏ sao vàng và tiếng hô “Việt Nam vô địch”.

Khoảng 22h10 ngày 5-1, khi tiếng còi kết thúc trận đấu giữa Đội tuyển quốc gia Việt Nam và Thái Lan vừa mãn cuộc, từ Trung tâm chỉ huy Phòng Cảnh giao thông (Công an thành phố Hà Nội) những mệnh lệnh chỉ huy bảo đảm trật tự an toàn giao thông đã được phát ra với nhiệm vụ rõ ràng:

Các Đội Cảnh sát giao thông phụ trách địa bàn bảo đảm hướng dẫn người hâm mộ di chuyển trên đường an toàn, trật tự. Các lực lượng ứng trực trên đường kịp thời ngăn cản các biểu hiện quá khích, lạng lách, đánh võng, gây rối trật tự công cộng.

Có mặt chỉ đạo lực lượng Csgt trên phố Đại tá Trần Đình Nghĩa, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông cho biết, trước đó 15 Đội Cảnh sát giao thông đã nhận nhiệm vụ ứng trực 100% quân số, phối hợp với công an các quận, huyện, thị xã sẵn sàng làm nhiệm vụ xuyên đêm trong niềm vui chung chiến thắng của người hâm mộ Thủ đô.

Ghi nhận, ngay sau khi kết thúc trận đấu mọi ngả đường đều chật cứng người hâm mộ, tràn ngập trong sắc cờ đỏ sao vàng và tiếng hô “Việt Nam vô địch” cùng lời hát “như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” đổ về hồ Gươm, hồ Tây, quảng trường Ba Đình.

Tuy nhiên khác với tâm lý du di sẵn sàng vi phạm giao thông vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, đi trên hè… dòng người và phương tiện tưởng như bất tận di chuyển trong trật tự, chấp hành tín hiệu đèn giao thông tại mỗi ngã tư, ngã ba.

Cũng tại những nút giao thông toàn thành phố, cảnh sát giao thông, công an phường cũng tổ chức ứng trực nghiêm túc làm nhiệm vụ dù cố nén niềm vui chung của cả thành phố một đêm không ngủ.

Trực tiếp làm nhiệm vụ, Thiếu tá Nguyễn Hoàng Ninh, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 1 (Phòng Cảnh sát giao thông cho biết) từ ngã 8 Cửa Nam, các ngã tư Hai Bà Trưng, đường Trần Nhật Duật… cán bộ, chiến sĩ ứng trực đã hướng dẫn dòng người và phương tiện di chuyển hợp lý không tập trung đông người gây ùn ứ khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm nơi đang diễn ra không gian phố đi bộ.

Trên hướng đi từ quận Hà Đông về trung tâm thành phố, Trung tá Nguyễn Đức Thắng, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 7 cho biết, dòng người di chuyển trên đường Nguyễn Trãi, Nguyễn Xiển… di chuyển trong trật tự.

Đơn vị đã tăng cường thêm các tổ tuần tra cùng Công an quận Thanh Xuân ứng trực tại “nút giao thông 4 tầng” Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến dự kiến có hàng vạn người cùng xuống đường. Tuy nhiên, lực lượng công an không phải vất vả điều tiết giao thông và duy trì an ninh trật tự vì người hâm mộ đều tuân thủ dừng đỗ theo tín hiệu đèn giao thông không lấn làn, đỗ sai vạch và đi trên vỉa hè.

Ở khu vực quận Long Biên, Đội Cảnh sát giao thông số 5 cũng tăng cường thêm các tổ tuần tra cùng phối hợp các tổ công tác ứng trực tại cầu Đuống, Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Chương Dương, Phù Đổng, Đông Trù… hướng dẫn dòng người phương tiện từ địa bàn và các tỉnh bạn Hưng Yên, Bắc Ninh sang hoà cùng niềm vui chung chiến thắng với người hâm mộ Thủ đô.

Trực tiếp ứng trực trên đường Nguyễn Văn Cừ, Thiếu tá Hà Tuấn Minh, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông số 5 cho biết, việc kiểm tra các dấu hiệu vi phạm nồng độ cồn, xử lý các hành vi không đội mũ bảo hiểm, lạc lách đánh võng… vẫn được triển khai theo đúng kế hoạch.

Tuy nhiên, qua kiểm tra chưa phát hiện vi phạm vì người dân đều tuân thủ luật giao thông.Hỗ trợ cho Cảnh sát giao thông, Công an thành phố thông tin, các lực lượng Cảnh sát cơ động, Cảnh sát trật tự, Cảnh sát hình sự, Cảnh sát PCCC và CNCH, các tổ công tác 141 đã được giao nhiệm vụ tăng ca bảo đảm giữ vững an ninh trật tự thành phố trong một đêm dự kiến niềm vui sẽ kéo dài bất tật.

Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an thành phố yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị, Công an quận, huyện, thị xã huy động tối đa lực lượng trực và ứng trực triển khai phương án bảo đảm an toàn giao thông, phòng chống ùn tắc giao thông và đua xe trái phép, phòng chống cháy nổ trên địa bàn thành phố từ đêm ngày 5, rạng sáng ngày 6-1.

Cũng bắt đầu từ 6h sáng ngày 6-1, 10 tổ công tác đặc biệt Phòng Cảnh sát giao thông cũng triển khai trên các ngã tư với nhiệm vụ duy trì trật tự an toàn giao thông, bảo đảm thực hiện nghiêm việc xử lý các lỗi vi phạm giao thông theo tinh thần Nghị định 168/2024/NĐ-CP góp phần định hình những nét văn hoá giao thông ngay từ tuần đầu tiên của năm 2025 hướng tới một năm: Hành trình an toàn, kiến tạo tương lai - là chủ đề năm an toàn giao thông 2025.

NGHI VẤN NGƯỜI ĐÀN ÔNG TẨM XĂNG TỰ THIÊU Ở HÒA BÌNH

Bước đầu người dân cho biết, một người đàn ông cầm chai xăng tự đổ lên người rồi dùng bật lửa châm đốt khiến cơ thể bốc cháy.

Theo thông tin ban đầu, khoảng 11h ngày 5/1, Công an thị trấn Lương Sơn (Hòa Bình) nhận được tin báo vụ việc tự thiêu tại ngã ba Bãi Lạng, tiểu khu 3, thị trấn Lương Sơn.

Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã tới bảo vệ hiện trường, xác minh, làm rõ vụ việc.

Bước đầu xác định, vào khoảng 10h45 cùng ngày, người dân khu vực ngã ba Bãi Lạng thấy một người đàn ông đi đến khu vực lề đường và ngồi tại chỗ. Sau đó, người đàn ông trên cầm chai dung tích 500ml chứa xăng tự đổ lên người rồi dùng bật lửa châm đốt.

Thấy vậy, người dân đã cùng nhau dập lửa và báo cho cơ quan chức năng. Sau đó, người đàn ông được đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Lương Sơn.

Lực lượng chức năng bước đầu xác định người đàn ông trên là Nguyễn Công D. (64 tuổi), trú tại Hoàng Mai, Hà Nội.

Nguyên nhân vụ việc đang được điều tra, làm rõ.

MƯU SINH TRÊN BIỂN SA HUỲNH

Cá chen chúc kéo vào gần bờ biển Sa Huỳnh (TX.Đức Phổ, Quảng Ngãi) như giục giã ngư dân chèo ghe lướt sóng. Gương mặt sạm đen vì nắng gió mưu sinh, nhiều ngư dân nở nụ cười mãn nguyện với mẻ lưới bội thu...

Nhọc nhằn mưu sinh bằng lưới thúng

Chừng 4 giờ sáng, ngư dân Nguyễn Phương (ở tổ dân phố Thạnh Đức 1, P.Phổ Thạnh,TX.Đức Phổ, Quảng Ngãi) đội đèn pin trên đầu rồi cất bước rời nhà, bắt đầu hành trình mưu sinh đầy nhọc nhằn trên biển Sa Huỳnh. Ra đến bờ biển, anh ráng sức kéo chiếc thúng chai cùng ngư cụ bên trong xuống mép nước. Lội qua khỏi những cơn sóng gần bờ, anh leo lên thúng rồi khua mái chèo. Những ngày cuối năm, gió từ khơi xa thổi vào bờ lạnh buốt

Thúng chai hướng ra khơi. Khi khoảng cách với bờ 100 - 150 m, anh Phương buông lưới vào làn nước. Phía khơi xa, ánh đèn trên những tàu cá nhấp nháy tựa phố thị từ đêm chuyển dần về sáng.

Anh cần mẫn thả 7 tấm lưới với tổng chiều dài tầm 350 sải tay, sâu cỡ chục sải. Hai đầu lưới gắn đèn pin nhấp nháy báo hiệu cho tàu bè tránh sang nơi khác. Anh xoa hai bàn tay vào nhau rồi áp vào thái dương cho đỡ lạnh rồi cần mẫn kéo lưới, gỡ cá.

Cá quá ít nhưng rác và củi khô dính đầy lưới khiến anh buông tiếng thở dài. Rác cùng củi khô từ thượng nguồn và xóm làng theo nước lũ sông Thoa đổ ra biển qua cửa Mỹ Á (P.Phổ Quang, TX.Đức Phổ). Hải lưu đưa củi lẫn rác xuôi về phương nam và dập dềnh trên sóng nước gần bờ, dính vào lưới của ngư dân.

Khi mét lưới cuối cùng kéo lên khỏi mặt nước, anh quay thúng chai vào bờ, nơi người vợ thân yêu đang đón đợi. "Mấy bữa nay cá ít quá. Mỗi bữa thả lưới chỉ bán được năm bảy chục ngàn. Vậy nhưng ngày nào tôi cũng đi...", anh cho biết.

Trước đây, anh Phương đánh bắt trên biển cả đêm lẫn ngày. Trưa nắng như đổ lửa hay đêm đông rét buốt, anh luôn ra biển thả lưới. Bữa may mắn kiếm được vài ba trăm nghìn đồng, có khi lên đến tiền triệu. Nhưng cá tôm ngày càng cạn kiệt nên lắm lúc về không hay chỉ đủ chế biến món ăn trong bữa cơm gia đình.

"Biển động tôi mới ở nhà chứ không là ra biển thả lưới. Gặp bữa trúng cá ham lắm, thả hết mẻ này đến mẻ khác, không thấy mệt gì cả. Cứ mang cá về cho vợ bán rồi tiếp tục ra biển. Nhưng có lúc thả cả mẻ lưới chỉ được vài con, không đủ kho ăn trong ngày", anh Phương tâm sự.

Với đôi tay rắn chắc, anh Huỳnh Hữu Vị (ở P.Phổ Thạnh,TX.Đức Phổ) cầm dầm cột vào bên thúng ngoáy lia lịa xuống nước trông rất vội vã. Thúng chai lướt sóng hướng ra khơi. Đến nơi đã định, anh Vị lom khom chèo và thả lưới với niềm hy vọng trúng đậm cá ấp ủ trong lòng. Đêm tối hay ngày nắng chói chang, mình anh âm thầm buông, kéo lưới trên biển. Gặp bữa may trúng cá, niềm vui ngời lên trong mắt. Anh bước về nhà dang rộng vòng tay đón hai con thơ ùa vào lòng. Lắm lúc, nỗi buồn hiện lên trên gương mặt sạm đen vì nắng gió bởi lưới chẳng dính cá.

"Nghề lưới thúng chỉ đắp đổi qua ngày. Biển giã ngày càng ít cá nên cuộc sống khó khăn", anh Vị tâm sự.

"Chúng tôi ở đây thì chỉ có đi biển chứ biết làm nghề gì nữa đâu! Chịu khó chèo thúng ra giăng lưới để kiếm ít cá về cho vợ chạy chợ", ngư dân Nguyễn Công (ở P.Phổ Thạnh,TX.Đức Phổ) góp chuyện.

Thuở cá chen chúc vào gần bờ

Những bậc cao niên ở Sa Huỳnh (TX.Đức Phổ) hào hứng kể chuyện thả lưới bắt cá ngày xa. Thuở ấy, phương tiện đánh bắt thô sơ. Ngư dân chỉ có chiếc ghe nan cùng những tấm lưới để mưu sinh trên vùng biển gần bờ.

Ban ngày, họ ra bờ biển hứng những cơn gió từ khơi xa thổi vào xóm làng. Họ ngồi trên bãi cát mịn màng nhìn những cơn sóng tiếp nối vỗ vào bờ.

Trưa hè, họ ngồi trong mui (gồm những tấm tranh cột vào khung tre đặt trên cát thành hình chữ V ngược) để tránh nắng. Khi phát hiện cá vào bờ, lòng rộn ràng niềm vui. Cá chen chúc bơi lượn, tung mình lên cao giữa sóng nước lô xô.

Hai ngư dân đẩy ghe ra mép nước rồi hối hả chèo, vượt qua những con sóng bạc đầu. Nhiều ghe nối tiếp rời bờ. Ngư dân khua chèo nhịp nhàng, đôi tay bạn chài thoăn thoắt buông lưới vào lòng biển. Ghe và người lắc lư trên sóng nước như đang trình diễn vũ điệu mưu sinh.

Hồi lâu, họ thu lưới. Cá dính lưới vùng vẫy tìm cách thoát thân khi bị kéo lên khỏi mặt nước. Gương mặt sạm đen vì nắng gió rạng ngời niềm vui. "Lúc trước cá nhiều lắm, thả lưới hay buông câu bắt được khá nhiều chứ không như bây giờ...", một lão ngư dạn dày nắng gió cho biết.

Ghe vào bờ và được kéo lên bãi cát mịn màng. Những người mẹ, người vợ ùa đến gỡ cá ra khỏi lưới, cười nói xôn xao. Nhiều loại cá như: trác, trích, hố, nục, liệt, quẩn... được cho vào đôi thúng và gánh về làng.

"Lúc trước cá nhiều lắm, ăn không hết nên phơi khô, muối mắm hay gánh đi bán dạo. Cá cơm, cá nục, cá chuồn... thì muối để ăn và bán vào mùa biển động. Nhiều người trụng cá tươi rồi gánh đi bán ở các nơi...", bà Bùi Thị Vân (ở P.Phổ Thạnh) nhớ lại.

"Bây giờ, cá đánh bắt ở biển gần bờ bán giá khá cao. Bởi vì lượng cá bắt được ít hơn trước nhưng nhiều người lại thích ăn cá tươi vừa vớt lên từ biển. Cá gần bờ mà đem kho, chiên, nấu cháo... hay làm gỏi đều ngon. Những du khách phương xa đến tham quan và ở trọ tại nhà được tôi nấu nướng những món ăn từ cá vùng biển Sa Huỳnh đều tấm tắc khen ngon...", bà Bùi Thị Sen (ở P.Phổ Thạnh) góp chuyện.

Nguồn: Kenh14; Vietnamnet; Thanh Niên

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang