- Thời sự
- Việt Nam
Chủ tịch tỉnh Bắc Giang bị cảnh cáo, Ninh Thuận kỷ luật nhiều đảng viên sai phạm... là những thông tin về kỷ luật cán bộ tuần qua (26-31.8).
Chủ tịch tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương bị cảnh cáo
Trong các ngày 28 và 29.8.2024, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã họp Kỳ thứ 46.
Kỳ họp đã xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và kết quả kiểm điểm, đề nghị thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang.
UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật:
- Cảnh cáo: Ban cán sự đảng UBND tỉnh Bắc Giang nhiệm kỳ 2021-2026 và các cá nhân: Lê Ánh Dương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Thị Thu Hồng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Ô Pích - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Văn Thanh - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng, nguyên Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh.
- Khiển trách: Ban cán sự đảng UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021, Đảng đoàn HĐND tỉnh Bắc Giang nhiệm kỳ 2021-2026 và các cá nhân: Lại Thanh Sơn - nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Trịnh Hữu Thắng - nguyên Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; Bùi Thế Sơn, nguyên Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Giao thông vận tải; Trần Xuân Đông, Đảng ủy viên, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải, nguyên Bí thư Chi bộ, nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh; Ngụy Kim Phương, nguyên Ủy viên Đảng đoàn, Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách, HĐND tỉnh Bắc Giang.
Đề nghị kỷ luật nguyên Bí thư Thành ủy Hòa Bình Ngô Ngọc Đức
Ngày 27.8, Văn phòng Tỉnh ủy Hòa Bình cho biết, đơn vị vừa có thông báo kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc xem xét, đề nghị thi hành kỷ luật Đảng đối với đảng viên.
Theo đó, sau khi xem xét tờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc báo cáo đề nghị thi hành kỷ luật đối với ông Ngô Ngọc Đức - nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Thành ủy Hòa Bình và kết quả bỏ phiếu thi hành kỷ luật Đảng đối với đảng viên, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thống nhất giao UBKT Tỉnh ủy tiếp thu ý kiến Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, hoàn thiện đầy đủ các văn bản, hồ sơ, tài liệu liên quan.
Đồng thời, tiếp tục tham mưu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh báo cáo UBKT Trung ương xem xét, đề nghị tổ chức đảng có thẩm quyền quyết định thi hành kỷ luật Đảng đối với đảng viên Ngô Ngọc Đức theo quy định.
Ninh Thuận kỷ luật nhiều đảng viên sai phạm ở dự án điện gió
UBKT Tỉnh ủy Ninh Thuận vừa có thông báo kết quả kỳ họp lần thứ 23. Nội dung kỳ họp về kiểm điểm, xem xét trách nhiệm đối với tổ chức đảng, đảng viên có khuyết điểm, vi phạm trong triển khai thực hiện các dự án điện gió, điện năng lượng mặt trời và một số dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh được nêu tại thông báo kết luận số 693 của UBKT Trung ương.
UBKT Tỉnh ủy Ninh Thuận cũng kỷ luật khiển trách đối với 3 đảng viên gồm:
Bà Lê Thị Thanh Thủy - nguyên Bí thư Chi bộ, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Sở Kế hoạch và Đầu tư nhiệm kỳ 2015-2020, Giám đốc Văn phòng Phát triển kinh tế (EDO), chuyên viên Phòng đấu thầu, thẩm định và giám sát đầu tư Sở Kế hoạch và Đầu tư (đến nay đã hết thời hiệu kỷ luật).
Ông Lê Văn Hải - nguyên Bí thư Chi bộ nhiệm kỳ 2017-2020, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020, Trưởng Phòng quản lý giá - công sản và tài chính đầu tư, Sở Tài chính (đến nay đã hết thời hiệu kỷ luật).
Ông Hồ Xuân Hùng - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Sở Tài nguyên và Môi trường, Bí thư Chi bộ, Trưởng Phòng quản lý đất đai thuộc sở này.
Bà Nguyễn Phương Hằng đang chấp hành án phạt tù tại trại giam thuộc Cục Cảnh sát Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng - Bộ Công an
Ngày 30-8, mạng xã hội xôn xao thông tin bà Nguyễn Phương Hằng (53 tuổi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam) sẽ được ra tù trước dịp Lễ Quốc khánh 2-9.
Một nguồn tin của Báo Người Lao Động cho biết bà Nguyễn Phương Hằng hiện đang chấp hành án phạt tù tại trại giam An Phước thuộc Cục Cảnh sát Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng - Bộ Công an, trú đóng trên địa bàn xã An Thái, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương.
Nguồn tin khẳng định bà Nguyễn Phương Hằng không có trong danh sách được giảm án dịp Lễ Quốc khánh 2-9 như mạng xã hội lan truyền. "Trong số danh sách được giảm án đợt này, trại giam An Phước không có tù nhân nào được giảm án"- nguồn tin cho hay.
Trước đó, TAND cấp cao tại TP HCM đã tuyên án phúc thẩm đối với vụ án Nguyễn Phương Hằng. Tòa tuyên phạt Nguyễn Phương Hằng 2 năm 9 tháng tù, các bị cáo còn lại bị tuyên từ 1 đến 2 năm tù, cùng về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".
Được biết, chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước và truyền thống nhân đạo của dân tộc Việt Nam đối với những người phạm tội, khuyến khích họ hối cải, rèn luyện trở thành người có ích cho xã hội. Đồng thời, đặc xá cũng là sự ghi nhận kết quả cải tạo, chấp hành tốt các nội quy, quy định của phạm nhân, là kết quả của quá trình giáo dục, cải tạo phạm nhân...
Hà Nội sắp khởi công hầm chui nút giao Cổ Linh - cầu Vĩnh Tuy; Long An sẽ mở rộng QL 62 lên quy mô 6 làn xe; cận cảnh nơi quy hoạch sân bay Vân Phong... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.
Hà Nội sắp khởi công hầm chui nút giao Cổ Linh - cầu Vĩnh Tuy
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố, dự kiến trong tháng 9, đơn vị sẽ hoàn thiện thủ tục lựa chọn đơn vị tư vấn khảo sát, lập thiết kế - dự toán dự án đầu tư xây dựng hầm chui tại nút giao Cổ Linh - cầu Vĩnh Tuy (quận Long Biên), dự kiến khởi công vào cuối năm nay.
Dự án đầu tư xây dựng hầm chui tại nút giao Cổ Linh - cầu Vĩnh Tuy có tổng mức đầu tư gần 750 tỷ đồng, tiến độ thực hiện năm 2024 - 2026, bằng nguồn vốn ngân sách Thành phố.
Long An sẽ mở rộng QL 62 lên quy mô 6 làn xe
Theo TTXVN, nhằm thúc đẩy sự phát triển của vùng Đồng Tháp Mười, tăng cường kết nối với Capuchia qua Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, Sở Giao thông Vận tải Long An hiện đang hoàn thiện các phương án mở rộng tuyến QL 62. Dự kiến, công trình này sẽ đưa vào danh mục công trình trọng điểm của tỉnh Long An trong giai đoạn 2025 - 2030.
Theo đại diện Sở GTVT Long An, Bộ GTVT hiện đã lập dự án nâng cấp, cải tạo QL 62 với mặt đường rộng 11 m bao gồm 2 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ. Dự kiến, dự án này sẽ triển khai vào năm 2025.
Song việc nâng cấp, cải tạo trên cũng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, chưa đảm bảo thúc đẩy sự phát triển của vùng Đồng Tháp Mười. Do đó, sau khi Bộ GTVT hoàn thành việc nâng cấp, Long An chủ trương sẽ tiếp tục mở rộng tuyến đường này với quy mô đáp ứng 6 làn xe.
Chốt mốc hoàn thành Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành
Bộ GTVT vừa qua đã có văn bản trả lời cử tri TP HCM về kiến nghị rút ngắn tiến độ hoàn thành, khẩn trương đưa vào khai thác nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo tại buổi thăm và làm việc tại công trường ngày 12/2/2024 về việc rút ngắn tiến độ thực hiện dự án, hoàn thành trước 30/4/2025 chào mừng 50 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Đối với Dự án đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành, mục tiêu hoàn thành công trình nhà ga hành khách trước ngày 31/8/2026 để đưa vào khai thác sử dụng đúng dịp kỷ niệm Quốc khánh ngày 2/9/2026.
Đề xuất hơn 3.400 tỷ đồng xây đường băng số 2 sân bay Long Thành
Theo VnExpress, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tuần qua đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng đường cất hạ cánh số 2 và san nền khu vực nhà ga hành khách T3 cảng hàng không quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Hạng mục xây đường cất hạ cánh số 2 dài 4 km song song với đường cất hạ cánh số 1. Khu vực xây đường cất hạ cánh số 2 nằm trong phạm vi đầu tư sân bay Long Thành giai đoạn 1 là 1.810 ha, đã được giải phóng mặt bằng.
Về nguồn vốn, qua rà soát của ACV về hơn một nửa số gói thầu của sân bay Long Thành giai đoạn I đã thực hiện cho thấy so với dự toán ban đầu, chủ đầu tư đang tiết kiệm khoảng 4.000 tỷ đồng, có thể dành đầu tư xây dựng đường băng số 2.
Toàn cảnh khu vực dự kiến xây sân bay gần 500 ha tại KKT Vân Phong
Vừa qua, UBND tỉnh Khánh Hòa đã trình Bộ Giao thông Vận tải đề án quy hoạch Cảng hàng không Vân Phong thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đề xuất, Sân bay Vân Phong dự kiến nằm tại xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh, cách TP Nha Trang khoảng 65 km về phía nam, cách sân bay quốc tế Cam Ranh khoảng 101 km về phía nam, cách sân bay Tuy Hòa (Phú Yên) 49 km về phía bắc.
Tổng diện tích đất quy hoạch Sân bay Vân Phong là hơn 497 ha, khu vực sân bay nằm hoàn toàn trên vùng mặt nước ven bờ, không có dân cư, rừng phòng hộ và không có quy hoạch khu neo đậu tàu thuyền, thuận lợi cho giải phóng mặt bằng.
Cần gần 15.000 tỷ đồng mở rộng gần 22 km cao tốc TP HCM - Long Thành
Bộ GTVT vừa qua đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ tham gia ý kiến đối với phương án đầu tư mở rộng đoạn TP HCM - Long Thành thuộc cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Theo đó, Bộ GTVT thống nhất phạm vi đầu tư do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và VEC đề xuất là từ nút giao Vành đai 2 đến nút giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (từ Km 4+000 đến Km 25+920), dài gần 22 km.
Tổng mức đầu tư dự án này dự kiến khoảng hơn 14.955 tỷ đồng (bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng). Trong đó, vốn chủ sở hữu là hơn 5.555 tỷ đồng (37%), vốn vay thương mại là 9.400 tỷ đồng (63%).
Ninh Bình sẽ có khu du lịch sinh thái gần 500 ha
Vừa qua, UBND tỉnh Ninh Bình đã phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng trải nghiệm kết hợp tại xã Quảng Lạc (phía tây nam QL 12B).
Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch thuộc xã Quảng Lạc, huyện Nho Quan, tổng diện tích khoảng 475,8 ha. Quy mô dân số dự kiến khoảng 20.000 người.
Về tính chất, đây sẽ là khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cấp tỉnh kết hợp ở với cảnh quan thiên nhiên với các khu vui chơi giải trí, dịch vụ du lịch ven hồ và du lịch văn hóa với cơ sở hạ tầng và dịch vụ đồng bộ.
Việc vi phạm khai thác IUU vẫn còn diễn ra, nguyên nhân một phần là do có tình trạng dung túng, tiếp tay của lực lượng thực thi pháp luật.
Không khẩn trương gỡ thẻ vàng sẽ bị nâng lên thẻ đỏ
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Thông báo nêu rõ, đến nay, công tác triển khai thực hiện chống khai thác IUU đã có sự chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả cụ thể. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nhiệm vụ chưa hoàn thành, một số tồn tại, hạn chế chưa được giải quyết triệt để, đặc biệt là các khuyến nghị của EC.
Cụ thể, tình trạng ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) chưa được ngăn chặn hiệu quả, tiếp tục xảy ra với số lượng lớn. Tình trạng tàu cá hoạt động sai vùng diễn ra thường xuyên. Trong khi đó, chất lượng nhật ký khai thác chưa đảm bảo độ tin cậy, thiếu kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm theo quy định.
Hiện nay, các tàu cá cũng chưa hoàn thành việc đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản cho toàn bộ các tàu, chưa kiểm soát, xử lý dứt điểm tàu cá "3 không".
Đáng chú ý, sản lượng thủy sản khai thác trong nước được giám sát phục vụ cho công tác truy xuất nguồn gốc tỷ lệ còn rất thấp.
Một số tổ chức, cá nhân buông lỏng quản lý tiếp tục để tình trạng tàu cá ra vào cảng, xuất nhập bến không đảm bảo thủ tục, giấy tờ, trang thiết bị theo quy định đi khai thác thủy sản dẫn đến vi phạm khai thác IUU. Cùng với đó, để xảy ra vi phạm hợp thức hóa hồ sơ xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác trong nước, nhập khẩu cho các lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Thông báo kết luận cũng chỉ rõ, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên không chỉ từ nhận thức của người dân mà còn do sự thiếu tinh thần, trách nhiệm của một bộ phận tổ chức, cá nhân chưa hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao. Trong đó, người đứng đầu các ngành, các cấp thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, chưa quan tâm đúng mức, thiếu kiểm tra, thanh tra, giám sát. Đặc biệt, có tình trạng dung túng, tiếp tay của lực lượng thực thi pháp luật cho hành vi khai thác IUU…
Nếu không khẩn trương khắc phục các tồn tại, hạn chế hiện nay, nghiêm túc triển khai các quy định chống khai thác IUU, việc gỡ cảnh báo “thẻ vàng" rất khó khả thi, thậm chí bị nâng cảnh báo lên "thẻ đỏ".
Kiên quyết xử phạt dứt điểm các trường hợp vi phạm
Để đạt mục tiêu gỡ cảnh báo "thẻ vàng" sau lần kiểm tra lần thứ 5 của Đoàn Thanh tra EC dự kiến vào tháng 10/2024, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu người đứng đầu các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương chỉ đạo, hành động quyết liệt thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU; khẩn trương hoàn thành việc khắc phục các tồn tại, hạn chế nêu trên.
Các bộ ngành, địa phương phải bố trí nguồn lực ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; đặc biệt tại các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bình Định…. Phải tăng cường lực lượng công an, biên phòng phối hợp với chính quyền cơ sở tại các địa bàn trọng điểm để vừa tuyên truyền vận động, vừa kịp thời phát hiện, ngăn chặn từ sớm, từ xa tàu cá, ngư dân có ý định đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vì lợi ích trước mắt quên lợi ích lâu dài, vì lợi ích cá nhân quên lợi ích tập thể, lợi ích quốc gia, ảnh hưởng đến nỗ lực gỡ cảnh báo ‘thẻ vàng’ của cả nước, Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ cũng giao các Bộ: Công an, Quốc phòng chủ động phối hợp chặt chẽ với các địa phương để điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử nghiêm 100% các vụ việc liên quan đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; ngắt, gửi, vận chuyển thiết bị VMS, môi giới, móc nối và các hành vi vi phạm nghiêm trọng theo quy định.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Bí thư tỉnh ủy, thành ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển chịu trách nhiệm trước Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU tại đơn vị mình và việc nếu để tiếp tục xảy ra các sai phạm, không hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong thời gian tới.
Thủ tướng giao Bộ NN-PTNT rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, chặt chẽ, khả thi phục vụ công tác phòng, chống khai thác IUU. Ngoài ra, tổ chức các Đoàn công tác liên ngành kiểm tra, giám sát tình hình triển khai các quy định chống khai thác IUU…
Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng, chuẩn bị kỹ chương trình, kế hoạch, nội dung tổng thể làm việc với Đoàn Thanh tra của EC lần thứ 5; chuẩn bị kỹ các phương án đảm bảo tốt nhất, không để bị động, bất ngờ ảnh hưởng đến nỗ lực gỡ cảnh báo "thẻ vàng" của cả nước.
Giao Bộ Quốc phòng quyết định việc thành lập tổ công tác chuyên biệt để ngăn chặn, xử lý dứt điểm tình trạng tàu cá Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Tập trung chỉ đạo tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại các vùng biển giáp ranh với các nước Malaysia, Thái Lan, Indonesia… ngăn chặn, xử lý kịp thời tàu cá có dấu hiệu vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Thủ tướng đề nghị Bí thư tỉnh ủy, thành ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố ven biển trực tiếp chỉ đạo rà soát toàn bộ các vụ việc vi phạm khai thác IUU từ sau đợt thanh tra của EC lần thứ 4 đến nay. Trước hết, tập trung xử lý các vụ việc vi phạm khai thác IUU; tiếp tục điều tra, xác minh, kiên quyết xử phạt dứt điểm 100% các trường hợp vi phạm.
Với các tỉnh như Kiên Giang, Bình Định, Cà Mau tiếp tục để xảy ra tình trạng tàu cá của địa phương vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài từ đầu năm 2024 đến nay, Thủ tướng yêu cầu tổ chức kiểm điểm nghiêm túc, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, lực lượng chức năng có liên quan.
Nguồn: Lao Động; Người Lao Động; Vietnammoi; Vietnamnet
Chiếc xe 'tự bỏ chạy', để chủ nhân bơ vơ; Khẩn cấp cảnh báo siêu bão; Lũ cát ở Mũi Né lại tràn xuống đường; Nhành cây rơi đè 1 người tử vong
Loạt bị cáo lộ tài sản 'khủng' sau khi bị bắt; Đại án Xuyên Việt Oil; Bài toán phủ sóng metro; Đà Nẵng tan nát dự án công viên rồng
345 người chết & mất tích vì bão lũ; Phía sau 12.000 trang sao kê 'lòng tốt'; Hơn 500 hộ dân khốn khổ vì… nước sạch
Tiền tỷ 'bay' theo siêu bão; Dư địa mới cho gạo Việt; Làn sóng 'găm hàng' BĐS rồi để 'hoang' chờ tăng giá; 'Choáng' giá nhà chung cư
Mang phim đi chiếu xứ người; Trà Ngọc Hằng bị tuyên phạt; Khánh Vy giữa những tranh cãi; Loạt sinh viên nhập viện bất thường
Phẫn nộ clip 'Quả báo Làng Nủ'; Vụ học sinh bị ô tô cán chết; Chuyện muôn thuở mỗi mùa từ thiện; Sập hầm cầu chui đang thi công
Kỳ Duyên trợn mắt, mua may quay cuồng; Trấn Thành thắng lớn; Lũ miền Bắc liên tiếp phá kỷ lục; Giao thông tê liệt vì lũ dữ
Ngọc Trinh đã biết sợ; Kỳ Duyên nổi giận; Nghịch lý Cánh Diều Vàng 2024; Loạt chương trình bị hủy vì siêu bão
Hỏa hoạn lớn bùng phát tại trung tâm mua sắm Marywilska tại thủ đô Warsaw vào rạng sáng 12.05.2024 thiêu rụi hàng trăm gian hàng. Bao người Việt kinh doanh ở đây bất lực nhìn tài sản bỗng chốc tan thành mây khói.
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá