Hàng không chờ bay TQ trở lại; Vụ xử Trần Phương Bình; BĐS nghỉ dưỡng vẫn gặp khó; Giá nhà mặt phố HN tăng vọt

Hàng không Việt háo hức bay Trung Quốc trở lại

(Ảnh minh họa).

Các hãng hàng không Việt Nam đánh giá việc nối lại đường bay và cho phép du lịch ra nước ngoài của Trung Quốc sẽ tác động tích cực đến tình hình kinh doanh.

Mới đây, Trung Quốc thông báo quyết định đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn từ ngày 15/3. Sự kiện đáp ứng sự mong mỏi không chỉ thị trường du lịch mà còn cả thị trường hàng không Việt Nam.

Đại diện Vietravel Airlines nhận định đây là thông tin tích cực. Cụ thể, người này cho biết: “Trung Quốc là thị trường luôn được kỳ vọng góp phần phục hồi của ngành hàng không và ngành du lịch Việt Nam nói chung mà cả tập đoàn du lịch và hàng không Vietravel nói riêng. Hãng nhận thấy nhiều tín hiệu tích cực trước thông tin Trung Quốc sẽ mở các tour cho khách du lịch đến Việt Nam từ ngày 15/3".

Đại diện hãng hàng không du lịch này nói thêm: "Với lợi thế là thành viên của tập đoàn du lịch Vietravel - sở hữu hệ sinh thái du lịch hoàn chỉnh với nhiều sản phẩm tour inbound và outbound, Vietravel Airlines đã có kế hoạch chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước để sẵn sàng tiếp cận và phục vụ khối lượng lớn khách hàng tiềm năng đặc biệt là trong dịp cao điểm hè".

Xác định rõ ràng chính phủ Trung Quốc chỉ cấp phép mở tour du lịch, tập trung vào khách đi theo đoàn, Vietravel Airlines với lợi thế liên kết chặt chẽ cùng công ty du lịch Vietravel cũng đã ký hợp đồng thỏa thuận với một số đối tác để thực hiện các chuyến bay thuê chuyến (charter) từ Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại trong thời gian sắp tới.

Theo đó, Vietravel Airlines sẽ tập trung vào các chặng bay kết nối một số thành phố lớn của Trung Quốc với thành phố Nha Trang, Khánh Hòa: Hàng Châu (HGH) - Cam Ranh (CRX), Thường Châu (CZX) - Cam Ranh (CRX), Côn Minh (KMG) - Cam Ranh (CRX).

Hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airlines cho biết hãng đã chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách khi Trung Quốc quyết định đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn vào ngày 15/3.

Trước dịch Covid-19, Vietnam Airlines phục vụ 8,1 triệu lượt khách/năm giữa Trung Quốc và Việt Nam, chiếm tỷ trọng 19% tổng số lượng khách quốc tế Vietnam Airlines và nằm trong top 3 thị trường có số lượng khách lớn nhất của hãng.

Ngay từ tháng 12/2022, khi Trung Quốc nới lỏng việc cấp phép bay và điều kiện cách ly, Vietnam Airlines đã mở lại các đường bay kết nối từ Hà Nội, TP HCM đến Quảng Châu, Thượng Hải. Tháng 3/2023, hãng tăng tần suất các chuyến bay kết nối Hà Nội, TP HCM với Quảng Châu và Thượng Hải, đồng thời nối lại đường bay Hà Nội - Bắc Kinh.

Trong các tháng tiếp theo, Vietnam Airlines sẽ mở lại 4 đường bay giữa Đà Nẵng-Quảng Châu, Thượng Hải, Thành Đô và giữa Hà Nội-Thành Đô, cũng như tăng cường đưa tàu thân rộng Airbus A350 và Boeing 787 vào khai thác trên đường bay Trung Quốc. Pacific Airlines, hiện tại, hãng khai thác các đường bay Hà Nội - Hàng Châu/Nam Ninh với tần suất 2 chuyến/tuần. Sắp tới, hãng sẽ khai thác thêm Quảng Châu và Phúc Châu từ hè 2023.

Vietnam Airlines cũng đang nghiên cứu mở đường bay kết nối Hà Nội với sân bay Đại Hưng, Bắc Kinh. Hãng kỳ vọng các nhà chức trách sẽ tiếp tục nới lỏng các thủ tục cho du khách để thúc đẩy hàng không, du lịch giữa hai quốc gia trong thời gian tới.

Hãng hàng không Vietjet Air cũng tăng tần suất các chuyến charter từ Trung Quốc đến Cam Ranh lên 20 chuyến trong giai đoạn cuối tháng 3; Bamboo Airways tiếp tục khai thác các chuyến bay thẳng kết nối Hà Nội với Thiên Tân với tần suất 1 chuyến/tuần.

Công ty cổ phần Nhà ga quốc tế Trung Quốc cho biết, hãng hàng không China Southern (Trung Quốc) cũng có kế hoạch mở lại các đường bay thương mại từ Trung Quốc đến sân bay quốc tế Cam Ranh, Khánh Hòa và tăng dần số chuyến bay từ tháng 4.

(Nguồn: Soha)

Cựu Tổng giám đốc DAB Trần Phương Bình bị đề nghị thêm 20 năm tù giam

Bị truy tố, xét xử liên quan đến các sai phạm tại DAB trong vụ án thứ 4, bị cáo Trần Phương Bình bị đề nghị tuyên phạt thêm 20 năm tù.

Ngày 15/3, TAND Tp.HCM mở phiên xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Trần Phương Bình, cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á (DAB) về tội Vi phạm quy định về ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, tiếp tục với phần tranh luận.

Cùng bị xét xử với Trần Phương Bình về tội danh nói trên còn có 7 đồng phạm khác, gồm: Phùng Ngọc Khánh, cựu Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần M&C – Công ty M&C; Nguyễn Đức Tài, cựu Giám đốc DAB Sở Giao dịch; Nguyễn Thị Ngọc Vân, cựu Phó Tổng giám đốc DAB; Vũ Thị Thanh Hoa, cựu Trưởng phòng Tín dụng khách hàng doanh nghiệp DAB; Nguyễn Văn Thuận, cựu Phó Giám đốc DAB Sở Giao dịch; Châu Thị An Bình, cựu Phó Giám đốc Phòng Sản phẩm dịch vụ, Hội sở DAB.

Mở đầu phân tranh luận, đại diện VKSND Tp.HCM thực hành công tố tại tòa phát biểu quan điểm luận tội và đề nghị mức án với từng bị cáo.

Theo đại diện VKS, quá trình điều hành DAB, bị cáo Trần Phương Bình đã nhiều lần ký duyệt cho các công ty trong nhóm M&C của Phùng Ngọc Khánh vay vốn. Đến nay, các công ty của Phùng Ngọc Khánh không còn khả năng trả nợ, gây thiệt hại trên 5.500 tỷ đồng của DAB.

Đối với Phùng Ngọc Khánh, bị cáo đã lập nhiều pháp nhân chỉ nhằm mục đích vay vốn ngân hàng. Sau đó, Khánh lập nhiều hồ sơ không đủ điều kiện vay vốn, bàn bạc, thống nhất với Trần Phương Bình vay số tiền lớn, gây thiệt hại tài sản đặc biệt lớn cho DAB.

Tại phiên tòa, Trần Phương Bình, Phùng Ngọc Khánh và các đồng phạm khác thừa nhận hành vi phạm tội. Do đó cáo trạng truy tố các bị cáo là đúng người, đúng tội, không oan sai.

Hành vi của các bị cáo đã vi phạm pháp luật, gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn của DAB nên cần có mức án tương xứng, đủ tác dụng giáo dục riêng với từng bị cáo và răn đe, phòng ngừa chung đối với xã hội.

Từ những phân tích trên, VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Trần Phương Bình 20 năm tù. Tổng hợp các bản án trước đó, buộc bị cáo thi hành án tù chung thân.

Đề nghị tuyên phạt bị cáo Phùng Ngọc Khánh mức án 18 - 19 năm tù. Tổng hợp các bản án trước đó, buộc bị cáo thi hành án 30 năm tù.

6 bị cáo còn lại cũng bị đề nghị tuyên phạt từ 2-12 năm tù.

Về trách nhiệm dân sự, đại diện VKS cho rằng, bị cáo Phùng Ngọc Khánh thừa nhận là người đã nhận và sử dụng toàn bộ số tiền vay từ DAB, vì vậy, đề nghị HĐXX tuyên buộc bị cáo Khánh bồi thường toàn bộ thiệt hại cho DAB là hơn 5.500 tỷ đồng.

Theo truy tố, bị cáo Trần Phương Bình giữ chức Tổng giám đốc DAB từ tháng 3/1998 đến tháng 8/2015.

Trong giai đoạn từ năm 2007 - 2013, Trần Phương Bình với vai trò là Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị và Chủ tịch Hội đồng tín dụng DAB, đã chỉ đạo cấp dưới cho các nhóm khách hàng vay hàng ngàn tỷ đồng sai quy định, dẫn đến việc DAB bị thiệt hại.

Năm 2012, Sở giao dịch DAB cho 5 công ty thuộc nhóm M&C vay 1.680 tỷ đồng. Trong nhóm này Công ty Ngôi Sao vay 400 tỷ đồng, Công ty Liên Phát vay 400 tỷ đồng, Công ty Phát Vạn Hưng vay 410 tỷ đồng, Công ty Biển Bạc vay 380 tỷ đồng, Công ty Minh Quân vay 90 tỷ đồng và Công ty CP M&C vay hơn 146 tỷ đồng.

Tài sản đảm bảo chung cho những khoản vay trên là một phần giá trị quyền sử dụng khu đất diện tích hơn 62.000m2 thuộc dự án 7,6ha tại phường An Phú, Tp.Thủ Đức, Tp.HCM.

Cụ thể, bị cáo Bình là người ký duyệt đồng ý cho 5 công ty nói trên với số tiền vay lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Nhóm Công ty M&C đã sử dụng tiền vay không đúng mục đích là đầu tư vào dự án 7,6ha, mà đem trả nợ hoặc dùng vào nhiều việc khác của công ty.

Tính đến tháng 5/2022, các khoản vay của 3 công ty trong nhóm Công ty M&C vừa nêu trên vẫn còn dư nợ tại DAB với số tiền tổng cộng hơn 2.600 tỷ đồng.

Kết luận của Hội đồng định giá trong Tố tụng hình sự Tp.HCM xác định, diện tích hơn 62.000m2 (trong đó chỉ có gần 42.000m2 có giá trị pháp lý) tại thời điểm thế chấp ngân hàng có giá trị là gần 80 tỷ đồng, tại thời điểm nhận được tài liệu từ cơ quan điều tra (tháng 5/2020) là hơn 184 tỷ đồng.

Đến thời điểm hiện tại, cả 5 công ty đứng tên vay tiền đều đã ngừng hoạt động và không có khả năng hoàn trả cho DAB hơn 5.000 tỷ đồng, bao gồm cả tiền gốc và lãi.

Ngoài ra, DAB còn cho Công ty cổ phần M&C vay 2 khoản khác với tổng số hơn 146 tỷ đồng, đến nay còn dư nợ hơn 460 tỷ đồng. Như vậy, tổng số thiệt hại trong vụ án này được xác định là hơn 5.500 tỷ đồng.

(Nguồn: Người Đưa Tin)

Bất động sản nghỉ dưỡng vẫn khó đủ đường

(Ảnh minh họa).

Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng khó khởi sắc trong thời gian tới vì vướng mắc pháp lý, dòng tiền yếu

Theo Hội Môi giới bất động sản (BĐS) Việt Nam (VARS), năm 2022, cả nước đón nhận hơn 19.124 sản phẩm BĐS du lịch, nghỉ dưỡng mới (condotel, biệt thự biển, nhà phố và shophouse biển). Nguồn cung chủ yếu đến từ khu vực miền Trung với gần 8.000 sản phẩm, tương đương khoảng 42% lượng cung toàn thị trường.

Sụt giảm nghiêm trọng

Trong năm, cả nước chỉ có 12 dự án được cấp phép, số lượng dự án bằng khoảng 23% so với năm 2021. Lượng giao dịch sản phẩm và tỉ lệ hấp thụ vào cuối năm 2022 đạt rất thấp, chỉ bằng khoảng 30% cùng kỳ năm trước và ít hơn hẳn so đầu năm. Tuy nhiên, mặt bằng giá bán ở thị trường sơ cấp vẫn tăng trung bình 12%-15% so với năm 2021, dao động từ 17 đến 167 triệu đồng/m2.

Cũng theo hiệp hội này, trong thời gian tới, nguồn cung BĐS du lịch - nghỉ dưỡng khả năng sẽ vẫn giảm, hạn chế. Chỉ các chủ đầu tư có đủ nguồn lực mới có khả năng phát triển dự án. Bên cạnh đó, thanh khoản thị trường vẫn tiếp tục trầm lắng trong năm 2023. Mặc dù nhu cầu đầu tư BĐS nghỉ dưỡng cao nhưng thực tế, thị trường này vẫn sẽ chậm giao dịch vì vướng mắc pháp lý, dòng tiền khó và phụ thuộc vào sự tăng trưởng của ngành du lịch.

TS Phạm Anh Khôi, Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ Tài chính BĐS Tulip (FINA), cho rằng BĐS nghỉ dưỡng thường là lựa chọn cuối cùng trong danh mục ưu tiên của các nhà đầu tư. Khách hàng hầu hết là những người "có điều kiện", họ chọn condotel, biệt thự nghỉ dưỡng chủ yếu là dạng second home (ngôi nhà thứ hai) để nghỉ dưỡng, đầu tư hoặc cho thuê lấy lãi từ chủ đầu tư…

Khi kinh tế khó khăn, niềm tin vào thị trường BĐS sụt giảm, càng khó thu hút người mua BĐS nghỉ dưỡng. Chưa kể, thị trường BĐS có tính chu kỳ, chỉ khi các phân khúc chính như nhà phố, căn hộ, đất nền khởi sắc thì BĐS nghỉ dưỡng mới bắt đầu có tín hiệu. Độ trễ của chu kỳ ít nhất 1-2 năm.

Theo ông Khôi, ở thời điểm này chưa có tín hiệu nào khả quan cho phân khúc BĐS nghỉ dưỡng ở thị trường sơ cấp khi hàng loạt chủ đầu tư đang "lao đao" về tài chính. Còn thị trường thứ cấp lại phụ thuộc rất lớn vào ngành du lịch. Nếu du khách gia tăng trở lại, tỉ lệ lấp đầy ở các khách sạn cao mới có thể thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư tham gia đầu tư, kinh doanh ở phân khúc này. Chưa kể, pháp lý cho phân khúc này vẫn chưa thực sự rõ ràng nên khách hàng thường chọn những chủ đầu tư lớn, uy tín để đặt niềm tin.

Trong khi đó, ông Đặng Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty Smartland, doanh nghiệp chuyên phân phối sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng cho nhiều chủ đầu tư lớn trên cả nước, cho biết thị trường này đã trầm lắng vài năm qua chứ không phải mới đây.

"Nếu năm 2021 và đầu 2022, thị trường BĐS khởi sắc được đôi chút, một vài chủ đầu tư đã chủ động "bung hàng" ra thị trường nhưng đến cuối năm 2022 thị trường đột ngột gặp khó vì các nguồn vốn tín dụng, trái phiếu bị kiểm soát chặt.

Đến nay, các thị trường BĐS nghỉ dưỡng lớn như Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang đều khá đìu hiu, chỉ còn khu vực Hồ Tràm (Bà Rịa - Vũng Tàu) có một vài dự án còn được giao dịch vì chủ đầu tư đang triển khai mạnh các tiện ích, dịch vụ để thu hút du khách… Giá một căn condotel diện tích 45-50 m2 tại khu vực giá trung bình 3 tỉ đồng, còn biệt thự phải trên 20 tỉ đồng/căn.

"Theo tôi, phải chờ hết quý II, sang quý III, thị trường BĐS nghỉ dưỡng mới rõ ràng tín hiệu, khi mà một số chủ đầu tư chuẩn bị sẵn sàng để công bố dự án hoặc bung hàng mới ra bán. Tuy nhiên, chỉ dự án của những chủ đầu tư có tài chính mạnh, có pháp lý rõ ràng, tiến độ thi công nhanh chóng mới có giao dịch hoặc có sản phẩm chào bán. Còn phần lớn những chủ đầu tư khác vẫn còn gặp khó khăn" - ông Việt nhìn nhận.

Người mua khóc ròng

Trong bối cảnh phân khúc này vẫn chưa có dấu hiệu ấm lên, những người đã mua condotel hoặc biệt thự nghỉ dưỡng trước đây đang khóc ròng vì hiệu quả đầu tư chưa thấy, còn giấy chứng nhận sở hữu sản phẩm cũng "bặt tăm".

Trong đơn gửi đến Báo Người Lao Động, bà Nguyễn Thị Lê Minh (khách hàng mua biệt thự tại dự án Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp Eurowindow Nha Trang - dự án Movenpick, tại Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh), cho biết từ tháng 11-2020, bà đã thực hiện nghĩa vụ tài chính khi mua biệt thự tại dự án Movenpick nhưng đến tháng 3-2023, bà vẫn không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng biệt thự với thời hạn sử dụng lâu dài như hợp đồng đã ký.

Theo bà Minh, dù cơ quan chức năng đã yêu cầu dự án phải điều chỉnh từ "đất ở không hình thành đơn vị ở" sang đất thương mại dịch vụ với diện tích 74.047 m2 nhưng Công ty CP Đầu tư Du lịch Eurowindow Nha Trang (chủ đầu tư dự án Movenpick) nhiều lần khẳng định với khách hàng "cơ quan nhà nước chưa có văn bản nào khẳng định không cấp giấy chứng nhận với thời hạn sử dụng lâu dài".

Phía chủ đầu tư dự án Movenpick cũng cho rằng dự án đã hoàn thành đúng quy định từ năm 2019, qua đó đưa 118 biệt thự xây dựng tại đất ở nông thôn (đất ở không hình thành đơn vị ở) bàn giao cho khách hàng và đề nghị UBND tỉnh hướng dẫn để thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tránh tình trạng khách hàng khiếu kiện, giăng băng-rôn phản ứng.

Ông Đ.V.Q, một người mua căn hộ du lịch ở dự án Mường Thanh Viễn Triều (Nha Trang), cho biết đến nay ông chỉ có hợp đồng với chủ đầu tư chứ không được cấp giấy chứng nhận. Điều này ảnh hưởng đến quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến mua bán tài sản. Trong khi đó, một chủ đầu tư dự án căn hộ du lịch ở Nha Trang cho biết chủ đầu tư rất e ngại xảy ra tranh chấp khiếu kiện với người đã mua nhà, người đã sang nhượng vì tài sản bây giờ đã chuyển dịch qua khách hàng, không còn của chủ đầu tư nữa.

Theo Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, riêng Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh có 18 dự án có "đất ở không hình thành đơn vị ở". Trong đó có 10 dự án đã chuyển đổi sang đất thương mại dịch vụ, 8 dự án còn lại chưa thực hiện thủ tục điều chỉnh. Trong đó, nhiều chủ đầu tư không thống nhất việc điều chỉnh, không đề nghị thực hiện việc điều chỉnh, chưa thực hiện thủ tục điều chỉnh.

Theo nguồn tin của Báo Người Lao Động, Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa cùng Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường mới đây đã làm việc với từng chủ đầu tư của 17 dự án có "đất ở không hình thành đơn vị ở". Trên cơ sở nội dung trao đổi, ngày 23-2, ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, đã có văn bản gửi các chủ đầu tư, thông báo UBND tỉnh sẽ tiến hành xử lý đối với loại hình "đất ở không hình thành đơn vị ở" tại các dự án.

UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị các chủ đầu tư dự án phối hợp, khẩn trương liên hệ với các cơ quan chuyên môn của tỉnh (Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng) để thực hiện thủ tục điều chỉnh và loại bỏ hình thức "đất ở không hình thành đơn vị ở" được thể hiện tại các văn bản pháp lý của dự án.

Nếu chủ đầu tư dự án không chủ động thực hiện, không có văn bản phản hồi gửi về UBND tỉnh, UBND tỉnh sẽ giao các cơ quan chuyên môn chủ động tham mưu xử lý theo đúng quy định pháp luật.

(Nguồn: Người Lao Động)

Giá nhà mặt phố tại Hà Nội 500 triệu đồng/m2, trong lúc thị trường bất động sản chững lại thì giá rao bán vẫn tăng

Mặc dù thị trường bất động sản đang chững lại, song giá rao bán nhà phố tại một số tuyến phố Hà Nội vẫn tăng mạnh trong thời gian qua. Nguyên nhân do dịch bệnh đã được kiểm soát, nhu cầu thuê kinh doanh và giá tăng cao khiến các chủ nhà kỳ vọng quá lớn.

Giá nhà phố bất ngờ tăng mạnh

Thị trường bất động sản đã rơi vào trầm lắng từ quý II/2022, theo đó thanh khoản và giá bán tại nhiều khu vực đến nay vẫn có xu hướng giảm mạnh. Song, bất ngờ khi giá bán của phân khúc nhà phố tại Hà Nội dù trước đó đã cao nhưng vẫn tiếp tục tăng mạnh.

Còn nhớ, thời điểm cuối năm 2021, giá nhà tại mặt đường Cầu Giấy dao động khoảng 350 - 370 triệu đồng/m2. Song, đến nay giá rao bán các căn nhà tại mặt đường này đã lên tới 550 - 580 triệu đồng/m2, tăng khoảng hơn 50% chỉ sau hơn 1 năm.

Cách đó không xa, nhiều căn nhà tại mặt đường Xuân Thủy đang được rao bán với mức giá từ 400 - 450 triệu đồng/m2, trong khi cuối năm 2021 giá bán quanh mức từ 280 - 300 triệu đồng/m2. Tại phố Trung Kính, đa phần giá rao bán đang dao động từ 450 - 500 triệu đồng/m2, trong khi cách đây 1 năm giá từ 300 - 350 triệu đồng/m2.

Tại đường Hồ Tùng Mậu, ghi nhận của chúng tôi vào cuối năm 2021, giá rao bán dao động từ 180 - 200 triệu đồng/m2 thì nay đã lên 300 - 400 triệu đồng/m2, thậm chí nếu nhà nằm ở vị trí lô góc có thể trên 500 triệu đồng. Đơn cử, một tòa nhà 6 tầng mới xây dựng có diện tích 106m2 tại tuyến đường này đang được rao bán với mức giá 60 tỷ đồng, tương đương 566 triệu đồng/m2.

Tại quận Hà Đông, giá bán nhà ở mặt đường Trần Phú hiện nay dao động quanh mức 300 triệu đồng/m2, trong khi cách đây 1 năm giá rao bán từ 200 - 220 triệu đồng/m2, tùy vị trí. Tại đường Quang Trung giá nhà phố đa phần dao động từ 250 - 280 triệu đồng/m2. Còn những căn nằm ở vị trí lô góc mức giá đã trên 300 triệu đồng/m2. Đơn cử, một căn nhà ở vị trí lô góc có diện tích 45m2, nằm ở mặt đường Quang Trung đang được rao bán với giá 15 tỷ đồng, tương đương 333 triệu đồng/m2.

Thực tế, thời điểm cuối năm 2021 đến đầu năm 2022, giá nhà phố tại Hà Nội có tình trạng chững lại. Bởi, khi đó dịch bệnh Covid - 19 vẫn đang diễn ra, do đó tình hình cho thuê kinh doanh bị ảnh hưởng nên nhiều chủ nhà đã hạ giá bán. Tuy nhiên, khi dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động kinh doanh, buôn bán sôi nổi trở lại, kéo theo giá cho thuê tăng lên đã khiến mức giá rao bán tiếp tục tăng.

Giá giao dịch thực sẽ thấp hơn so với giá rao bán

Anh Nguyễn Khắc Tú, Giám đốc phòng giao dịch bất động sản Đất Việt (Hà Nội) cho biết, khi dịch bệnh vẫn còn phức tạp, nhiều chủ nhà rao bán nhà phố khiến mức giá chững lại, thậm chí đi xuống. Tuy nhiên, đến nay dịch bệnh đã kiểm soát, tình hình cho thuê đi vào ổn định hơn, cùng đó là giá thuê tăng cao kéo theo giá rao bán tăng lên khoảng 50% so với thời điểm cuối năm 2021.

“Một nhà phố ngoài tiền đất còn bao gồm cả tiền xây dựng nhà. Do đó, mức giá còn phụ thuộc vào nhà được xây dựng như nào. Tuy nhiên, chỉ hơn 1 năm trở lại đây giá nhà phố tại Hà Nội liên tục tăng cao. Do một số chủ nhà thấy tình hình cho thuê đã tốt trở lại. Cùng đó, họ vịn vào cớ nguồn cung chỉ có hạn”, anh Tú nói.

Anh Tú cho rằng, mặc dù giá tăng nhưng không phải khu vực nào cũng có thanh khoản tốt. Bởi, các căn nhà phố đều có giá trị vài chục tỷ đồng trở lên, do vậy người mua hầu hết đều sử dụng đòn bẩy tài chính. Sau đó, dùng tiền cho thuê để bù vào tiền trả ngân hàng.

“Lãi suất ngân hàng hiện nay vẫn neo khá cao, do đó người mua sẽ không xuống tiền lúc này. Theo đó, giao dịch thành công của phân khúc này hiện nay hiếm”, anh Tú nói.

Anh Thanh Tùng, lãnh đạo phòng giao dịch bất động sản Thuận Phát cũng thừa nhận, hiện nay thanh khoản của phân khúc nhà phố tại Hà Nội rất thấp. Giá bán tăng trong thời gian qua do kỳ vọng của chủ nhà quá lớn.

“Hiện nay một số chủ nhà kỳ vọng quá lớn nên giá phải cao họ mới đồng ý bán. Tuy nhiên, thanh khoản chung của thị trường không còn sôi động như trước, do đó với những chủ nhà cần bán thật thì giá giao dịch sẽ thấp hơn giá rao bán nhiều”, anh Tùng nói.

(Nguồn: CafeF)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang