Giật mình giá rau xanh; Tấp nập XNK đầu năm; DN bàn cách vượt thách thức; Tình cảnh trái ngược môi giới BĐS

MÙNG 2 TẾT ĐI CHỢ, GIẬT MÌNH VỚI GIÁ RAU XANH

(Ảnh minh hoạ).

Tại TP.HCM, các loại rau xà lách, nấm, đậu hủ… đắt hàng trong ngày đầu các chợ mở bán trở lại vào mùng 2 Tết. Giá cả tăng cao nhưng nhiều người vẫn xếp hàng chờ mua.

Ngày 23/1 (mùng 2 Tết), nhiều chợ truyền thống, siêu thị đã mở bán trở lại. Tại chợ Phú Lâm (quận 6), chợ An Dương Vương (quận Bình Tân),… tiểu thương kinh doanh rau củ, trái cây đưa hàng ra tận lề đường để khách dễ lựa chọn. Đắt hàng nhất là rau xà lách, nấm tươi, đậu hũ...

Xà lách ngày thường chỉ khoảng 40.000 đồng/kg nhưng hôm nay, tiểu thương bán theo bó. Mỗi bó tầm 3-4 cây xà lách khoảng 300gr, có giá 30.000 đồng/bó. Như vậy tính ra xà lách có giá gần 100.000 đồng/kg. Tương tự, nấm tươi giá gần 80.000 đồng/kg; đậu hũ 6.000 đồng/miếng (tăng 1.000 đồng/miếng); các loại bún tươi cũng tăng lên khoảng 17.000 đồng/kg…; hoa vạn thọ 15.000 đồng/cây; hoa cúc 60.000 đồng/bó (trong khi chiều 30 Tết, hoa cúc chỉ có giá từ 30.000-35.000 đồng/bó)…

Nhiều tiểu thương thừa nhận, giá có tăng hơn so với những ngày cận Tết Nguyên đán 2023. Nguyên nhân giá thay đổi do lúc này nông dân đã thu hoạch hết rau trái bán Tết nên hiện không xuống hàng, tiểu thương phải trữ lạnh nhiều loại rau củ tốn kém. “Thông thường, khoảng một tuần sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, giá sẽ ổn định trở lại” - bà Thu (tiểu thương chợ Bàn Cờ, quận 3) cho hay.

Tuy giá rau củ tăng cao nhưng các mặt hàng trái cây lại khá ổn định, như xoài cát từ 30.000-35.0000 đồng/kg, dừa xiêm 20.000 đồng/trái, đu đủ 30.000 đồng/kg…

Trong khi đó, nhiều siêu thị cũng mở cửa hoạt động trở lại . Tại siêu thị Coop Mart (quận 6), nhiều khách hàng xếp hàng trước 8 giờ chờ siêu thị mở cửa để mua gà cúng. Mỗi mẻ gà luộc vừa đưa lên đều có người mua ngay, giá mỗi con tầm khoảng 200.000 đồng.

“Năm nào mùng 2 Tết, tôi cũng đến siêu thị mua gà cúng luộc sẵn. Gà được bẻ chéo cánh đẹp mắt nhưng giá rẻ hơn bên ngoài khá nhiều. Tuy nhiên, số lượng gà luộc sẵn không nhiều nên mình phải đi sớm. Năm nay tôi mua được 2 con gà luộc để bày mâm cỗ và đãi con cháu về thăm” - bà Lê Thị Nhung (64 tuổi) bộc bạch.

Tại siêu thị Aeon, hệ thống này mở cửa phục vụ trở lại bình thường từ mùng 2 Tết. Các loại rau xanh, trái cây tại siêu thị khá phong phú nhưng số lượng khách mua không tấp nập như những ngày trước Tết.

Trong ngày đầu mở cửa trở lại, đa số chợ truyền thống, siêu thị chỉ hoạt động trong buổi sáng.

(Nguồn: Kenh14)

CỬA KHẨU, CẢNG BIỂN TẤP NẬP XUẤT, NHẬP KHẨU HÀNG HÓA NGÀY ĐẦU NĂM

Đúng 8h ngày mùng 1 Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, chuyến xe chở hàng nông sản xuất khẩu từ Việt Nam đã lăn bánh qua Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Cửa khẩu Kim Thành) để sang Trung Quốc.

Là đơn vị tham gia xuất - nhập khẩu qua Cửa khẩu Kim Thành đã nhiều năm, ngày đầu tiên của năm Quý Mão, Công ty Minh Khai có xe hàng nông sản đầu tiên xuất khẩu qua Cửa khẩu Kim Thành. Chia sẻ trên Báo Lào Cai, anh Trần Việt Cường, đại diện Công ty Minh Khai cho biết: Sáng mùng 1 Tết Quý Mão, công ty có 3 xe chở quả thanh long với trọng lượng 20 tấn/xe xuất sang Trung Quốc. Từ khi Trung Quốc thực hiện chính sách thông thương toàn diện, công ty đã có khoảng 50 xe chở thanh long, mít xuất khẩu sang Trung Quốc. Anh Cường hy vọng, chuyến hàng đầu xuân sẽ mang lại thuận lợi, may mắn cho công ty nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp tham gia xuất – nhập khẩu qua Cửa khẩu Kim Thành nói chung.

Để đón những chuyến xe chở hàng xuất khẩu đầu năm, Trạm Biên phòng Cửa khẩu Kim Thành đã xây dựng kế hoạch, bố trí cán bộ, chiến sĩ trực tại các vị trí để đảm bảo xe hàng thông quan nhanh nhất sang Trung Quốc.

Cùng chung niềm vui với lái xe chở hàng xuất khẩu, những công chức hải quan cũng phấn khởi vì chuyến hàng đầu tiên suôn sẻ, hanh thông. Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Lào Cai cho biết: Trong sáng mùng 1 Tết, các doanh nghiệp đăng ký mở tờ khai xuất khẩu hơn 355 tấn hàng nông sản (gồm 150 tấn thanh long, 130 tấn mít, 35 tấn xoài, 40 tấn chôm chôm). Tín hiệu vui từ ngày đầu tiên của năm mới sẽ là động lực để công chức hải quan Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Lào Cai thực hiện tốt nhiệm vụ của mình với tuyên ngôn phục vụ khách hàng: Chuyên nghiệp - Minh bạch- Hiệu quả; góp phần tăng kim ngạch và số thu từ xuất - nhập khẩu hàng hoá trên địa bàn.

Tính từ 1/1 đến 21/1/2023, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu qua Cửa khẩu Kim Thành đạt 64,6 triệu USD, trong đó: Kim ngạch nhập khẩu đạt 24,6 triệu USD, kim ngạch xuất khẩu đạt 40 triệu USD.

Có mặt đón chuyến xe xuất khẩu hàng hóa đầu tiên, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Vương Trinh Quốc phấn khởi thông tin: Từ khi Trung Quốc thực hiện thông thương toàn diện, lượng phương tiện xuất – nhập khẩu hàng hóa qua Cửa khẩu Kim Thành tăng nhanh, trung bình 250 xe/ngày, đặc biệt mặt hàng nông sản tươi của Việt Nam như thanh long, mít, chuối xuất sang Trung Quốc tăng 10% - 20% so với trước đó. Riêng trong ngày mùng 1 và mùng 2 Tết Quý Mão, các doanh nghiệp đăng ký làm thủ tục xuất - nhập khẩu cho 70 xe hàng. Với tín hiệu vui từ những ngày đầu của năm mới Quý Mão là tiền đề để hiện thực hóa mục tiêu đặt ra: Giá trị kim ngạch xuất – nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu của Lào Cai đạt 5 tỷ USD.

Cảng biển tấp nập đón tàu lớn làm hàng xuyên Tết

Thông tin với Báo Giao thông, ông Phan Hoàng Vũ - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH liên doanh dịch vụ container quốc tế Cảng Sài Gòn - SSA (SSIT) cho biết ngay ngày đầu năm mới Quý Mão 2023, cảng đã đón tàu MSC FELIXSTOWE “xông đất” đầu năm.

Tàu có sức chở 5.048 TEUs, thuộc tuyến dịch vụ New Origami xếp dỡ hàng xuất nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Vũng Tàu (cảng SSIT), Malaysia, Singapore, Philippines.

Ngay sau đó, cảng SSIT cũng tiếp tục đón tàu MSC CLORINDA, trọng tải 165.959 tấn, sức chở 14.000 TEUs thuộc Hãng tàu MSC Shipping vào cảng xếp dỡ hơn 2.000 TEUs.

Ông Vũ cho biết, đây là chuyến tàu thuộc tuyến dịch vụ Sentosa, kết nối hàng xuất nhập khẩu từ Singapore, Malaysia, Thái Lan, Vũng Tàu (cảng SSIT), Trung Quốc đi các cảng bờ Tây Hoa Kỳ, là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong thời gian gần đây.

Cũng tại khu vực Cái Mép - Thị Vải, Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) đón tàu lớn dịp đầu năm mới. Theo đại diện CMIT, trong tuần nghỉ Tết Nguyên đán, cảng vẫn đón các chuyến tàu mẹ với trọng tải khoảng 160.000 tấn cập cảng làm hàng. Do đó, doanh nghiệp phải bố trí các công nhân trực đầy đủ, nhưng vẫn sắp xếp để công nhân đảo ca, để vừa đảm bảo quân số làm hàng và mọi người vẫn vừa có thể vui Tết cùng gia đình

Tại khu vực miền Trung, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Cảng Đà Nẵng Dương Đức Xuân thông tin, ngay ngày 30 Tết và mùng 1 đầu năm Quý Mão, cảng đã đón 3 tàu container cập cảng. Trong 6 ngày nghỉ lễ, dự kiến cảng sẽ đón khoảng 10 tàu container.

Cũng như các cảng miền Nam và miền Trung, tại miền Bắc, thông tin với Báo Giao thông, ông Cáp Trọng Cường - Tổng Giám đốc CTCP Cảng xanh VIP (VIP Green Port) cũng cho biết trong tuần đầu năm mới, Cảng sẽ đón khoảng 9-10 tàu.

Tuy các cảng biển đều hoạt động xuyên Tết, song hầu hết công nhân đều được bố trí, sắp xếp để có quãng thời gian nghỉ ngơi, đón giao thừa và vui Tết bên gia đình.

Theo ông Cáp Trọng Cường, người lao động tại Cảng Vip Greenport sẽ được nghỉ 1 ca đêm từ 0h-6h sáng để đón năm mới. Các công nhân quê ở xa sẽ được tạo điều kiện để về thăm nhà, về quê đón Tết. Những người còn lại, nhà ở gần sẽ thay phiên nhau, gồng gánh các công việc. Với các ca không có tàu vào, người lao động sẽ được giãn ca để vui Tết với gia đình.

“Thông thường khi tàu vào sớm, chúng tôi cố gắng làm xong trước 22h đêm 30 Tết để anh em công nhân đón giao thừa. Nếu vào muộn, sáng mùng 1 Tết sẽ làm hàng. Cảng vẫn đảm bảo kế hoạch của tàu, nhưng vẫn tập trung tối đa nguồn lực để làm hàng nhanh nhất. Ngày Tết, khách không lấy hàng nên cảng có thể tập trung nguồn lực làm tàu thật nhanh rồi cho mọi người nghỉ”, ông Cường cho hay.

(Nguồn: VTV4)

DOANH NHÂN BÀN CÁCH VƯỢT THÁCH THỨC

(Ảnh minh hoạ).

Kinh tế 2023 dự báo còn nhiều khó khăn, bất ổn. Điều này đòi hỏi các nhà lãnh đạo cần có chiến lược, chuẩn bị sẵn sàng tâm thế để vững tay chèo. Các doanh nhân đã chia sẻ về kinh nghiệm của mình.

Tinh thần kiên cường

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty cổ phần FPT, cho biết: “Ba năm vừa qua, thế giới đứng trước đại dịch chưa từng có là Covid-19. Đứng trước thách thức ấy, cái quan trọng nhất với doanh nhân là trụ vững và tiến lên hay nói cách khác là tinh thần kiên cường, vượt qua mọi khó khăn thách thức. Cũng cũng giống như đứng trước những cơn bão, chúng ta không ước định được gió sẽ táp từ phương nào, nước từ đâu ập đến. Chúng ta chỉ có thể sẵn sàng”.

Ông Bình chia sẻ, FPT đã vững vàng vượt qua những thách thức của đại dịch Covid-19 để có được những hợp đồng lớn hàng chục triệu USD, đảm bảo hoạt động thông suốt của hàng nghìn dự án, giữ vững tăng trưởng và phát triển bền vững. Sức mạnh giúp doanh nghiệp trụ vững, ông Bình gói gọn trong 3 từ khóa: "Kiên cường, sáng tạo và dấn thân”.

Chủ tịch FPT cho rằng, việc các cường quốc bơm lượng tiền lớn vào nền kinh tế trong đại dịch đã tạo ra vô số thách thức nền kinh tế hậu Covid-19. Ông ví von doanh nghiệp sẽ phải đối diện với bối cảnh kinh tế như việc đón nhận với cơn bão - sự hỗn loạn của thiên nhiên.

“Trong bão, khó ai có thể lường trước điều gì. Doanh nghiệp vẫn cần mục tiêu, tầm nhìn dài hạn, nhưng lúc này cần trả lời cho tôi biết thực tế và cụ thể: doanh thu nhận về và doanh số ký mới trong bốn tuần tới là bao nhiêu”, ông Bình chia sẻ.

Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn PNJ, cho rằng, hơn lúc nào hết, doanh nghiệp cần củng cố nội lực và nhất là văn hóa doanh nghiệp.

Chủ tịch doanh nghiệp vàng bạc - đá quý nhấn mạnh, văn hóa phải đến từ người lãnh đạo doanh nghiệp. Nếu ví doanh nghiệp là một cái cây, thì văn hóa chính là bộ gốc rễ của toàn bộ. Còn những thân cây, nhành cây chính là tầm nhìn, định hướng, chiến lược được phát triển dựa trên văn hóa đó.

Văn hóa doanh nghiệp thể hiện rõ nét nhất trước các quyết định mang yếu tố sống còn của một quốc gia, tổ chức, là “chân ga” để vượt qua đèo cao và là “chân thắng” để ngăn doanh nghiệp rơi xuống vực sâu.

Trước thử thách, các doanh nhân đồng thuận cho rằng, doanh nghiệp cần nhất là tìm cho mình tinh thần kiên định. Chỉ có sự vững vàng về tinh thần mới giúp doanh nghiệp và đất nước vượt qua khó khăn.

Bài toán nâng cao năng lực cạnh tranh, sức chống chịu của doanh nghiệp trước cú sốc và thách thức bất ổn là vấn đề mấu chốt trong giai đoạn phục hồi kinh tế.

Theo các doanh nhân, công nghệ số và ứng dụng của công nghiệp 4.0 đã mở ra cho doanh nghiệp khả năng chống chịu tốt trong mọi cuộc chiến.

Chuyển đổi số

Trong vai trò người đứng đầu FPT - doanh nghiệp dẫn dắt xu hướng chuyển đối số tại Việt Nam, ông Trương Gia Bình cho rằng, doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực, mọi quy mô đều có thể bước lên con thuyền chuyển đổi số để tăng khả năng chống chịu.

Bà Cao Thị Ngọc Dung chia sẻ: “Covid-19 khiến nhiều công ty lao đao. Nhưng sau Covid-19, doanh nghiệp như PNJ hay FPT lại mạnh mẽ hơn. Năm 2021, chúng tôi có tốc độ tăng trưởng mà HĐQT cũng bất ngờ. Đó là nhờ chúng tôi chuyển biến kịp thời, nhanh chóng, thay đổi kịp thời với công nghệ. Cuối đường hầm là ánh sáng tỏa ra từ một mục tiêu chung”.

Đồng quan điểm, theo ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Thiên Minh Group (TMG), trong đại dịch nhờ cải thiện trải nghiệm số trong hành trình tìm cảm hứng, lập kế hoạch mà doanh nghiệp đã phục hồi tốt hơn. “Nhờ phục vụ khách hàng hiệu quả hơn trên các nền tảng số, tổng thu TMG đã nhanh chóng khôi phục và vượt qua năm 2019”, ông Minh nói.

Ở góc độ khác, bà Lê Hồng Thủy Tiên, CEO Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG), chia sẻ: “Chúng tôi nghĩ ngay đến chiến lược làm sao phục hồi nhanh và bước đi nhanh, không thể co cụm sợ hãi. Ngay sau mở cửa, doanh số tăng 45% ngay lập tức.

Theo bà, tìm ra công cụ cho ngành bán lẻ cực kỳ quan trọng. "Chúng tôi chọn lựa những nhà cung ứng có yếu tố xanh. Doanh nghiệp trẻ càng phải định hướng và tiến tới như thế. Là doanh nghiệp xanh mới tham gia được chuỗi cung ứng toàn cầu", nữ CEO nói.

(Nguồn: Vietnamnet)

TÌNH CẢNH TRÁI NGƯỢC CỦA MÔI GIỚI BẤT ĐỘNG SẢN: NGƯỜI KIẾM CẢ TRĂM TRIỆU ĐỒNG MỖI THÁNG, NGƯỜI “MÒN MỎI” CHỜ KHÁCH

Trong khi môi giới mua bán bất động sản chật vật không tìm được khách mua thì ở mảng cho thuê, môi giới vẫn tất bật với công việc và có mức thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.

Môi giới mua bán bất động sản “mòn mỏi” chờ khách

Trong thời gian thị trường diễn biến sôi động, nhiều môi giới mua bán bất động sản tiết lộ, họ từng kiếm hàng trăm triệu đồng mỗi tháng là điều bình thường. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian hiện nay, hầu hết các môi giới đều trong cảnh “mòn mỏi” chờ khách nhưng cũng không có ai tới thăm dự án, thăm đất,...

Anh Nguyễn Thành, một môi giới bất động sản tại vùng ven Hà Nội cho biết, hơn nửa năm nay, hàng ngày anh vẫn đều đặn đăng bài bán đất nền qua các hội nhóm tại Zalo và Facebook, kết hợp chạy quảng cáo trên các nền tảng online nhưng lượng khách cần tư vấn, tìm hiểu thông tin khá ít.

Trong khi đó, cách đây chỉ một năm, mỗi ngày anh Thành bận rộn với hàng trăm cuộc điện thoại, liên tục đưa khách đi xem trực tiếp bất động sản, dự án,... Do vậy, mỗi tháng, anh có thể kiếm hàng trăm triệu đồng từ việc môi giới bất động sản.

“Tôi đã làm nghề môi giới bất động sản được 5 năm. Thời điểm cuối năm 2020, thị trường bắt đầu xuất hiện những cơn sốt và kéo dài tới tận đầu năm 2022, có tháng tôi bán thành công cả chục lô đất. Cao điểm nhất là cuối năm 2021, có tháng tôi bán tới 25 lô đất, có những ngày giao dịch thành công 2 - 3 lô. Thời điểm đó, rất nhiều khách hàng liên hệ nhờ vấn, sau đó tới xem thực tế và chốt rất nhanh chóng”, anh Thành chia sẻ.

Tuy nhiên, từ quý II/2022, trước những diễn biến khó lường thị trường bất động sản đột ngột rơi vào trầm lắng, thanh khoản sụt giảm mạnh. Do vậy, anh Thành cũng liên tục trong cảnh “ngồi chơi xơi nước”.

“Tôi đã tìm mọi để tìm kiếm khách hàng nhưng khi liên hệ cũng chỉ nhận được những lời từ chối. Nhiều tháng nay tôi cũng không có giao dịch thành công, thu nhập không có. Khung cảnh ở văn phòng môi giới tôi làm việc cũng rất khác, cả ngày không có ai đến nhờ tư vấn mua bất động sản. Thực tế, nhiều nhà đầu tư bây giờ cũng gặp khó khăn về tài chính, thậm chí có những người liên hệ cần bán gấp và chấp nhận giảm giá rất sâu nhưng không tìm được khách mua”, người môi giới này nói.

Theo anh Thành, trong bối cảnh hiện nay, không chỉ riêng anh mà rất nhiều môi giới khác cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Một số môi giới vì không có thu nhập đã chuyển sang nghề khác để kiếm sống.

Môi giới cho thuê kiếm hàng trăm triệu đồng mỗi tháng

Trong khi nhiều môi giới mua bán bất động sản không có thu nhập, phải bỏ nghề thì ở mảng cho thuê, môi giới liên tục tất bật với công việc. Thậm chí, có người thu nhập tới hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.

Đơn cử, anh Tiến, môi giới bất động sản cho thuê tại Hà Nội cho biết, trước đó, anh là môi giới mua bán bất động sản tại vùng ven nhưng do nhiều tháng không có giao dịch anh đã chuyển sang làm ở mảng cho thuê.

“Nhận thấy sau dịch, nhu cầu thuê nhà và mặt bằng kinh doanh tăng cao nên tôi đã làm ở mảng này. Mỗi giao dịch cho thuê thành công, phí hoa hồng thường sẽ là tiền thuê tháng đầu tiên. Nếu tìm được khách thuê những bất động sản giá trị cao, thu nhập không kém gì so với bán đất nền trong lúc sôi động”, anh Tiến nói.

“Cho thuê mặt bằng kinh doanh thường dao động từ 20 - 40 triệu đồng/tháng, chung cư khoảng 10 - 20 triệu đồng/tháng, nhà trọ thì chỉ vài triệu đồng, chi phí hoa hồng của tôi là tháng đầu tiên. Thời điểm này, dịch bệnh đã được kiểm soát, các cửa hàng kinh doanh tiếp tục mở lại nên nhu cầu thuê mặt bằng cũng rất lớn mà những chủ sở hữu họ mua để đầu tư, giữ tiền và làm những công việc khác nên thường sẽ giao cho môi giới tìm khách thuê luôn. Có những tháng tôi kiếm cả trăm triệu đồng từ môi giới cho thuê”, anh Tiến nói.

Anh Tiến cho biết thêm, làm môi giới cho thuê cần bỏ nhiều thời gian để tìm các mặt bằng, chung cư đang trống tại những nơi có nhu cầu cao. "Đa phần, những người có nhu cầu tới xem thấy ưng họ sẽ ký thuê ngay mà không cần phải tư vấn nhiều như đất nền. Tuy nhiên, công việc này vất vả nhất là đi tìm mặt bằng, chung cư trống có vị trí thuận tiện", anh Tiến nói.

Theo người này, do giá thuê nhà, mặt bằng kinh doanh thời gian qua cũng bật tăng trở lại nên hoa hồng của môi giới cũng tăng theo.

(Nguồn: CafeF)

(Xem thêm:

=> Thú chơi đốt tiền tỷ ngày Tết; Hiếm xe công nghệ dịp Tết; Chợ 4.0 lan tỏa vùng quê; Môi giới BĐS chật vật đòi tiền hoa hồng ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang