.jpg)
GIẪM ĐẠP Ở ẤN ĐỘ, ÍT NHẤT 11 NGƯỜI CHẾT
Giới chức Ấn Độ xác nhận, ít nhất 11 người thiệt mạng và hơn 30 người khác bị thương trong vụ giẫm đạp bên ngoài một sân vận động tại bang Karnataka.
Trang Al Jazeera đưa tin, vụ giẫm đạp trên xảy ra hôm 4/6 khi hàng trăm nghìn người hâm mộ tập trung bên ngoài sân vận động M. Chinnaswamy tại thành phố Bengaluru, Ấn Độ để tham dự lễ ăn mừng chiến thắng của đội Royal Challengers Bengaluru.
Trong buổi lễ, đám đông người hâm mộ đã cố chen lấn bên ngoài một cánh cổng của sân vận động Chinnaswamy, dẫn đến cảnh giẫm đạp.
“Không ai lường trước được người hâm mộ tụ tập nhiều như vậy. Sân vận động M. Chinnaswamy có sức chứa chỉ 35.000 người, nhưng có tận 200.000 – 300.000 người tới ăn mừng. Đã có 11 người thiệt mạng và 33 người bị thương. Trong không khí ăn mừng, một sự việc đáng tiếc như vậy không nên xảy ra…”, người đứng đầu chính quyền bang Karnataka, ông Siddaramaiah nói.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sau đó cùng ngày đã gửi lời chia buồn tới gia đình những người thiệt mạng trong vụ việc.
Tờ The Guardian cho hay, các vụ giẫm đạp thường xuyên xảy ra ở Ấn Độ khi đám đông người dân tụ tập bị mất kiểm soát. Vào đầu năm nay, ít nhất 30 người đã tử vong do giẫm đạp trong lúc tham gia lễ hội Maha Kumbh.
CỤC DIỆN TRUNG ĐÔNG KHÓ LƯỜNG
Giữa lúc các nỗ lực ngừng bắn và tình hình nhân đạo tại Dải Gaza lâm vào bế tắc, Israel đã tiến hành các cuộc không kích đáp trả nhắm vào Syria.
Quỹ Nhân đạo Gaza (GHF) do Mỹ và Israel hậu thuẫn đã dừng hoạt động phân phối thực phẩm tại các trung tâm ở Dải Gaza trong ngày 4.6 để thiết lập lại các biện pháp an ninh.
"Bẫy viện trợ" tại Gaza
Trước đó, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cảnh báo người dân Gaza không nên đi lại ở những khu vực dẫn đến các trung tâm cứu trợ. Các động thái trên diễn ra sau khi gần 60 người thiệt mạng trong vòng chỉ 3 ngày khi cố gắng tiếp cận và nhận viện trợ lương thực, theo Reuters.
Giới chức Gaza và các nhân chứng cáo buộc IDF đã nổ súng khiến hàng chục người chết. Theo đó, ông Philippe Lazzarini, người đứng đầu Cơ quan Liên Hiệp Quốc (LHQ) về cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) gọi các trung tâm cứu trợ là "bẫy chết người" đối với người dân Gaza, trong khi "nạn đói diện rộng" vẫn đang hoành hành ở vùng lãnh thổ này. Trong khi đó, ông Volker Türk, người đứng đầu Cao ủy nhân quyền LHQ (UNHCR) kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra nhanh chóng và công bằng về các cuộc tấn công nhắm vào người Palestine đang cố gắng nhận viện trợ lương thực.
Về phần mình, IDF ngày 3.6 cho biết họ đã bắn súng "cảnh cáo" về phía những người được cho là "nghi phạm" đang tiến đến một vị trí quân sự, đồng thời phủ nhận nhắm vào dân thường. Trước tình hình trên, Hội đồng Bảo an LHQ ngày 4.6 bỏ phiếu về một nghị quyết kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức và cho phép tiếp cận nhân đạo không hạn chế ở Gaza, theo AFP.
Israel không kích Syria
Cũng tại Trung Đông, IDF ngày 4.6 tiến hành chiến dịch không kích nhằm vào các vị trí quân sự tại tỉnh Quneitra và Daraa thuộc miền nam Syria.
"Chính phủ Syria phải chịu trách nhiệm về những gì đang xảy ra tại nước này và sẽ tiếp tục hứng chịu hậu quả nếu các hành động thù địch tiếp tục diễn ra từ lãnh thổ của họ", theo tờ The Times of Israel dẫn tuyên bố của IDF.
Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR-Anh) cho hay các cuộc không kích đã đánh trúng căn cứ Trung đoàn 175 của Syria và một số địa điểm chiến lược khác. Cuộc không kích trên diễn ra sau khi IDF phát hiện 2 quả tên lửa phóng từ thị trấn Tasil của Syria, nhằm vào khu vực mà Israel kiểm soát ở Cao nguyên Golan. Theo IDF, cả 2 quả tên lửa đều rơi xuống các khu vực đất trống, không gây thương vong.
Bình luận về vụ việc, Bộ Ngoại giao Syria khẳng định nước này "chưa và sẽ không gây ra mối đe dọa cho bất cứ bên nào tại khu vực", cũng như đang nỗ lực kiềm chế các nhóm vũ trang ở miền nam Syria. Cơ quan này tuyên bố chưa thể xác minh nguồn gốc vụ phóng vật thể về phía Cao nguyên Golan, song lên án chiến dịch không kích đáp trả của Israel đã "gây thiệt hại, vi phạm chủ quyền Syria vào thời điểm cần các giải pháp bình tĩnh và hòa bình". Syria cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ để đảm bảo an ninh và ổn định cho nước này và khu vực.
NHẬT BẢN ‘MỞ KHO LƯƠNG’: NGƯỜI DÂN XẾP HÀNG DÀI DƯỚI MƯA ĐỢI MUA, SIÊU THỊ CHÁY HÀNG
.jpg)
Các cửa hàng, siêu thị tại Nhật đã bắt đầu bán gạo dự trữ của chính phủ để đáp ứng nhu cầu tăng cao của người dân.
Bất chấp trời mưa, nhiều người dân Nhật Bản đã xếp hàng từ rất sớm vào sáng thứ Bảy (31/5) để mua gạo giá rẻ từ kho dự trữ của chính phủ, khi mặt hàng thiết yếu này chính thức lên kệ siêu thị giữa bối cảnh giá gạo tăng vọt.
Nhà cung cấp hàng tiêu dùng Iris Ohyama đã bắt đầu bán gạo – được mua trực tiếp từ chính phủ – tại hai địa điểm của mình vào lúc 9 giờ sáng. Đây là nhà bán lẻ truyền thống đầu tiên tại Nhật triển khai bán loại gạo dự trữ này, chỉ sớm hơn một giờ so với chuỗi siêu thị Ito Yokado, đơn vị bắt đầu bán ra tại một chi nhánh ở quận Ota, Tokyo từ 10 giờ sáng.
Theo tờ The Japan Times, tại cửa hàng Iris Ohyama ở thành phố Matsudo, dù trời mưa không ngớt, hàng người đã bắt đầu xếp hàng từ rất sớm, kéo dài từ cửa chính vòng quanh tòa nhà và lan ra cả bãi đỗ xe. Tới 6 giờ sáng đã có khoảng 100 người chờ đợi. Một số người thậm chí đến từ 8 giờ tối hôm trước để giữ chỗ.
Lúc 8 giờ sáng, cửa hàng phát phiếu số thứ tự, mỗi người chỉ được mua một túi gạo. Những túi gạo 5kg được bán với giá 2.000 yên (tương đương 14 USD) trước thuế – chỉ bằng một nửa giá trung bình trong những tuần gần đây. Tất cả 65 túi gạo được chuẩn bị trong ngày đã nhanh chóng được bán hết, nhiều người đành ra về tay trắng.
“Mua được gạo với giá này thì phải đến sớm chứ,” một phụ nữ ngoài 60 tuổi chia sẻ. “Tất nhiên là cũng hơi lo về chất lượng, nhưng giá rẻ vẫn là quan trọng nhất. Nếu không ngon thì trộn vào hoặc nấu chung với các nguyên liệu khác, kiểu gì cũng có cách”.
Mối bận tâm về chất lượng xuất phát từ việc gạo này thuộc kho dự trữ cũ. Trước đó, ông Yuichiro Tamaki - lãnh đạo đảng Dân chủ vì Nhân dân - từng gọi loại gạo này là “thức ăn cho gia súc”, khiến dư luận phản ứng mạnh.
Tuy vậy, lo ngại này dường như không khiến người tiêu dùng chùn bước. Hàng dài người tại cửa hàng Iris Ohyama cho thấy nhu cầu thực tế còn cao hơn nhiều so với kỳ vọng. Trước đó, vào lúc 13 giờ chiều ngày 29/5, Iris Ohyama đã mở bán trực tuyến và toàn bộ lượng gạo dự kiến bán ra đã được đặt hết chỉ sau 45 phút, theo đài NHK.
Ngay trong ngày hôm đó, công ty đã tiếp nhận lô gạo, bắt đầu xay xát và đóng gói ngay lập tức. Đến ngày 30/5, những lô hàng đầu tiên đã được giao đi - sớm hơn kế hoạch.
Thỏa thuận mua gạo dự trữ được Iris Ohyama ký hôm 27/5 thông qua công ty mẹ, với tổng số lượng 9.000 tấn gạo từ vụ mùa năm 2022, sẽ được giao và bán dần trong vòng hai tháng tới. Trong khi đó, chuỗi siêu thị Ito Yokado cũng đã đảm bảo được 4.500 tấn gạo từ cùng vụ mùa.
Giá gạo trung bình tại các siêu thị Nhật Bản đã tăng liên tục trong những tháng gần đây, đạt mức kỷ lục 4.285 yên cho mỗi túi 5kg vào giữa tháng 5 – gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Đợt tăng giá kéo dài từ mùa hè năm ngoái đến nay được cho là do nhiều yếu tố cộng hưởng: chính sách nông nghiệp kéo dài, lượng khách du lịch nước ngoài đạt kỷ lục, thiệt hại mùa màng và tâm lý tích trữ tăng cao.
Cùng lúc, Trung tâm Bảo vệ Người tiêu dùng Quốc gia Nhật Bản cho biết số lượng đơn khiếu nại về các website giả mạo rao bán gạo với giá cực rẻ đã tăng vọt kể từ tháng 3.
ĐÒN ĐÁNH CHỚP NHOÁNG: NGA TUNG ĐÒN PHỦ ĐẦU Ở SUMY
Máy bay không người lái Nga liên tiếp tung đòn phủ đầu tại Sumy, phá hủy nhiều khí tài của Kiev, hé lộ vai trò ngày càng lớn của vũ khí không người lái.
Máy bay không người lái chiến đấu của Nga đang tích cực săn lùng trang thiết bị của lực lượng Kiev tại khu vực Sumy của Ukraine, khu vực giáp ranh với tỉnh Kursk của Nga.
Trong khoảng thời gian từ ngày 1 đến 31/5, chín đoạn video ghi lại cảnh các máy bay không người lái chiến đấu Orion và Forpost-R tấn công ở Sumy đã được đăng lên các mạng xã hội. Các đợt tấn công này đã phá hủy hoặc làm hư hỏng ít nhất một xe tăng chiến đấu chủ lực, sáu xe bọc thép và hai khẩu pháo tự hành của lực lượng Kiev.
Orion là loại máy bay không người lái do Tập đoàn Kronstadt của Nga phát triển, có thời gian hoạt động liên tục 24 giờ và bán kính tác chiến 250 km. Trong khi đó, Forpost-R là phiên bản hiện đại hóa của máy bay không người lái Forpost nguyên bản - một bản sao có giấy phép của mẫu IAI Searcher (Israel). Forpost-R có tầm bay 400 km và thời gian hoạt động liên tục 18 giờ.
Tên lửa X-BPLA là vũ khí chính của cả hai loại máy bay không người lái này. Đây là phiên bản phóng từ trên không của tên lửa chống tăng Kornet-D, sử dụng dẫn đường bằng laser bán chủ động thay vì phương thức điều hướng bằng chùm tia laser như phiên bản mặt đất.
Tên lửa này có tầm bắn tối đa 8 km và mang đầu đạn nổ phân mảnh mạnh nặng 6 kg.
Cả Orion và Forpost-R cũng có thể mang bom lượn hạng nhẹ KAB-20, với hai phiên bản: KAB-20L được dẫn đường bằng hệ thống định vị quán tính hỗ trợ bởi GLONASS, và KAB-20S được trang bị đầu dò laser bán chủ động. Loại bom này mang đầu đạn nổ phân mảnh mạnh nặng 7 kg và có tầm bay 8 km.
Máy bay không người lái chiến đấu của Nga đã đóng vai trò then chốt trong việc đẩy lùi cuộc xâm nhập của Ukraine vào tỉnh Kursk, và hiện đang tích cực hỗ trợ bước tiến của quân đội Nga tại Sumy.
Dù các đoạn video từ tháng 5 chỉ cho thấy chín cuộc tấn công nhưng con số thực tế có khả năng cao hơn nhiều. Quân đội Nga kiểm soát chặt chẽ thông tin liên quan đến các chiến dịch bằng máy bay không người lái.
TÍN HIỆU LẠC QUAN TỪ HÀN QUỐC
.jpg)
Tân Tổng thống Hàn Quốc Lee Jae-myung đã tuyên thệ nhậm chức hôm 4-6 với lời cam kết đoàn kết quốc gia, phục hồi kinh tế
Theo kênh CNBC, thị trường châu Á - Thái Bình Dương đã tăng trưởng hôm 4-6 sau khi Hàn Quốc tìm ra nhà lãnh đạo mới.
Thị trường khởi sắc
Những con số tích cực đến từ thị trường Hàn Quốc với chỉ số Kospi tăng 2,66% để kết thúc ngày ở mức cao nhất kể từ tháng 8 năm ngoái, trong khi Kosdaq vốn hóa nhỏ tăng 1,34%.
Theo ông John Cho, Giám đốc danh mục đầu tư cổ phiếu Hàn Quốc tại Công ty JP Morgan Asset Management, lời cam kết tranh cử của tân tổng thống Hàn Quốc đã tạo ra sức đẩy mới cho thị trường chứng khoán nước này, với tâm điểm là kế hoạch sửa đổi luật thương mại được hoan nghênh.
Ông Lee Jae-myung đã tuyên thệ nhậm chức tại trụ sở quốc hội ở thủ đô Seoul vào sáng 4-6, bắt đầu nhiệm kỳ 5 năm mà không có thời gian chuyển tiếp sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử bất thường một ngày trước đó.
Trong bài diễn văn nhậm chức, nhà lãnh đạo thuộc Đảng Dân chủ (DP) đã cam kết đoàn kết một quốc gia đang chia rẽ, phục hồi nền kinh tế và theo đuổi chính sách ngoại giao dựa trên lợi ích quốc gia. "Bất kể các bạn bỏ phiếu cho ai trong cuộc bầu cử, tôi sẽ là tổng thống của tất cả và phục vụ mọi công dân" - ông Lee nói.
Tân Tổng thống Hàn Quốc cho biết thêm: "Đã đến lúc khôi phục an ninh và hòa bình vốn bị sử dụng như công cụ của xung đột chính trị; xây dựng lại sinh kế và nền kinh tế bị tổn hại do sự thờ ơ, bất tài và vô trách nhiệm; và khôi phục nền dân chủ đang bị phá hoại bởi xe bọc thép và súng trường tự động" - ông Lee nói.
Trước đó, Hàn Quốc đã trải qua chuỗi ngày nhiều biến động kể từ lệnh thiết quân luật ngày 3-12-2024 của cựu Tổng thống Yoon Suk-yeol, điều khiến ông bị luận tội và bãi nhiệm sau đó.
Về kinh tế, tân tổng thống Hàn Quốc cam kết áp dụng cách tiếp cận "thực dụng và hướng tới thị trường" để phục hồi tăng trưởng và thúc đẩy các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI) và chất bán dẫn. "Tôi sẽ thành lập một chính phủ hỗ trợ và khuyến khích, chứ không phải một chính phủ kiểm soát và quản lý" - ông nói.
Những ưu tiên chính
Về đối ngoại, ông Lee hứa sẽ tăng cường hợp tác 3 bên Hàn Quốc - Mỹ - Nhật Bản dựa trên liên minh vững chắc Hàn Quốc - Mỹ và quan hệ với các nước láng giềng theo quan điểm thực tế và lợi ích quốc gia. Theo các nguồn tin ngoại giao của Yonhap, tân tổng thống Hàn Quốc dự định điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump sớm nhất là vào cuối tháng này.
Một trong những thách thức quan trọng nhất mà nhà lãnh đạo mới phải đối mặt chính là việc tìm kiếm một thỏa thuận thương mại với Mỹ trước ngày 8-7, là ngày lệnh đình chỉ thuế đối ứng của ông Donald Trump hết hạn. Ngoài ra, chính quyền ông Donald Trump gần đây cũng gia tăng áp lực đối với Seoul về việc đóng góp tài chính nhằm duy trì 28.500 quân Mỹ đồn trú tại nước này.
Theo AP, phía Mỹ và Nhật Bản đã có phản ứng ngay sau khi ông Lee đắc cử. Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru cho biết ông muốn tổ chức các cuộc hội đàm thượng đỉnh với ông Lee càng sớm càng tốt, bày tỏ hy vọng thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương, về mặt công chúng lẫn thương mại. Bộ Ngoại giao Mỹ thì cho biết Seoul và Washington chia sẻ "cam kết sắt đá" dựa trên hiệp ước phòng thủ chung, các giá trị chung và quan hệ kinh tế sâu sắc.
Bên cạnh đó, ông Lee cũng nhấn mạnh nhu cầu răn đe đối với các mối đe dọa từ phía Triều Tiên, mặc dù vẫn để ngỏ cánh cửa nối lại đối thoại vốn đang bị đình trệ. Tân tổng thống hứa: "Chúng tôi sẽ mở các kênh liên lạc, theo đuổi đối thoại và hợp tác với Bình Nhưỡng để xây dựng hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên".
Cùng ngày, ông Lee đã đề cử ông Kim Min-seok, một thành viên DP và là trợ lý hàng đầu của ông trong chiến dịch tranh cử, làm ứng viên cho ghế thủ tướng. Tân Tổng thống Hàn Quốc cũng nhanh chóng hoàn thiện bộ máy bằng việc bổ nhiệm các chức vụ quan trọng như Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia (cựu Bộ trưởng Bộ Thống nhất Lee Jong-seok), Chánh văn phòng Tổng thống (nghị sĩ 3 nhiệm kỳ của DP Kang Hoon-sik), Cố vấn An ninh quốc gia (nhà ngoại giao chuyển sang làm nghị sĩ Wi Sung-lac), Giám đốc Cơ quan An ninh tổng thống (tướng về hưu Hwang In-kwon)…
Nguồn: Vietnamnet; Thanh Niên; CafeF; Người Đưa Tin; Soha
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá