Giải mã ChatGPT; 'Đình công sinh đẻ' ở Hàn Quốc; 'Phù phép' dầu Nga; Belarus hỗ trợ Nga; Nước cờ có tính toán

GIẢI MÃ CHATGPT: CƠN SỐT CHATBOT TẠI VIỆT NAM VÀ TRÊN TOÀN CẦU

(Ảnh minh họa).

ChatGPT, công cụ trí tuệ nhân tạo tương tác với người dùng đang là một hiện tượng trên toàn cầu, trong đó Việt Nam không phải là ngoại lệ.

Dù chưa khả dụng tại Việt Nam mà mới chỉ có thể sử dụng ở một số quốc gia như Mỹ, Anh, Pháp, Đức…chatbot này đã gây ra cơn sốt trong số đông đảo người dùng Internet và mạng xã hội tiếng Việt.

Đa số thử nghiệm ChatGPT bằng tiếng Anh rồi dịch các nội dung trả lời của chatbot sang tiếng Việt qua GoogleTranslate.

Bài viết này tổng hợp các nguồn tin đánh giá ChatGPT trên thế giới và hiện tượng Hỏi gì đáp nấy với người dùng tiếng Việt.

Hàng triệu người dùng

Được phát hành vào ngày 30/11/2022, ChatGPT đã thu hút hơn một triệu người dùng trong vòng chưa đầy một tuần.

Chỉ sau 40 ngày ra mắt, siêu AI này đã đạt 10 triệu người dùng mỗi ngày, con số mà Instagram đã mất đến 355 ngày mới đạt được.

Đây là dự án được phát triển bởi OpenAI, một công ty nghiên cứu trí tuệ nhân tạo có đội ngũ sáng lập bao gồm tỷ phú công nghệ Elon Musk.

ChatGPT là sản phẩm mới nhất trong một loạt AI mà công ty này gọi là GPT, viết tắt của Generative Pre-Trained Transformer.

Để phát triển hệ thống do AI hỗ trợ này, phiên bản ban đầu đã được đào tạo thông qua các cuộc trò truyện với người thật.

Hệ thống cũng đã được tinh chỉnh thông qua việc truy cập dữ liệu của Twitter, theo một tweet từ Elon Musk, người hiện không còn là thành viên hội đồng quản trị của OpenAI.

Open AI cho biết họ "háo hức thu thập phản hồi của người dùng để hỗ trợ sản phẩm vẫn đang được phát triển của chúng tôi nhằm cải thiện hệ thống này".

Nhưng công ty cảnh báo rằng ChatGPT có thể đưa ra các câu trả lời có vấn đề và thể hiện hành vi thiên vị.

Trên thực tế, nhiều người dùng thử đã có ấn tượng mạnh với ChatGPT. Giám đốc điều hành của OpenAI, Sam Altman đã tiết lộ mức độ quan tâm đến chatbot này trên trang Twitter cá nhân.

Định dạng trò chuyện của ChatGPT cho phép AI trả lời "các câu hỏi được đặt ra, thừa nhận sai lầm của mình, thách thức những tiền đề không chính xác và từ chối các yêu cầu không phù hợp"

Một nhà báo của trang tin tức công nghệ Mashable, người đã dùng thử ChatGPT cho biết rất khó để kích động AI nói ra những điều xúc phạm.

Mike Pearl đã viết rằng trong các thử nghiệm của riêng anh, "hệ thống tránh điều cấm kỵ của ChatGPT khá toàn diện".

Tuy nhiên, OpenAI cảnh báo rằng "ChatGPT đôi khi viết ra những câu trả lời nghe có vẻ hợp lý nhưng không chính xác hoặc vô nghĩa".

BBC cũng đã thử nghiệm bằng cách đặt một vài câu hỏi ngắn gọn cho bài viết này, ChatGPT tỏ ra thận trọng và cho biết mình là một người trả lời phỏng vấn có khả năng diễn đạt rõ ràng và chính xác bằng tiếng Anh.

Chúng tôi hỏi: “Bạn có nghĩ rằng bạn AI sẽ đảm nhận công việc của những người làm nghề viết lách không?”

“Không” - nó lập luận rằng "Các hệ thống AI như tôi có thể giúp người viết bằng cách cung cấp các đề xuất và ý tưởng, nhưng cuối cùng thì người viết là con người để tạo ra sản phẩm cuối cùng".

Khi được hỏi tác động tới xã hội của các hệ thống AI như chính ChatGPT là gì, chatbot này cho biết việc này là "khó dự đoán".

“Bạn đã được học về dữ liệu Twitter?” ChatGPT trả lời rằng không biết.

Chỉ khi BBC đặt câu hỏi về HAL, một nhân vật AI phản diện trong bộ phim ra mắt năm 2001, ChatGPT mới có vẻ gặp rắc rối.

Mặc dù đó rất có thể đây chỉ là một lỗi ngẫu nhiên – điều có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên, với khối lượng sử dụng lớn như vậy.

Mối đe dọa việc làm

Khả năng trả lời câu hỏi của ChatGPT khiến một số người dùng tự hỏi liệu nó có thể thay thế Google hay không.

Những người khác băn khoăn liệu các nhà báo có mất việc hay không. Emily Bell của Trung tâm báo chí kỹ thuật số Tow lo lắng rằng độc giả có thể bị mê hoặc bởi "chuyện không có thật".

Theo chuyên gia Carly Kind tại Viện Ada Lovelace (Anh), những công cụ AI như ChatGPT đặt ra nhiều nguy cơ về đạo đức và xã hội.

Trong số các vấn đề tiềm ẩn mà bà Kind lo ngại là AI có thể tạo ra thông tin sai lệch hoặc "làm gián đoạn các tổ chức và dịch vụ hiện có - chẳng hạn như ChatGDT có thể bị lợi dụng để viết đơn xin việc, bài luận ở trường hoặc đơn xin trợ cấp".

Cũng có những câu hỏi xung quanh việc vi phạm bản quyền "và cũng có những lo ngại về quyền riêng tư, vì các hệ thống này thường kết hợp dữ liệu được thu thập một cách phi đạo đức từ người dùng internet", bà Kind nói.

Tuy nhiên, bà cũng cho rằng ChatGPT cũng có thể mang lại "những lợi ích xã hội thú vị và chưa được biết đến".

Viết trên trang TechAsia hồi tháng 12/2022, Sau Sheong Chang đã đặt câu hỏi “chúng ta có tin được ChatGPT hay không””

Tác giả này từ Singapore thử hỏi ChatGPT “Bạn có phải là ChatGPT hay không” và nhận được câu trả lời “Tôi là trợ lý” (Assistant).

Chưa hết, công cụ này còn nói nó không hề dựa trên nền tảng GPT-3.5.

Điều này đặt ra câu hỏi cho bên chế tạo ra sản phẩm trên, khi mà nó không nhận nó là như vậy, hoặc chatbot này không được dạy bởi OpenAI?

Sau Scheong Chang nói, như thế thì ChatGPT có đáng tin là nói sự thật không.

Dù vậy, cây bút này cho rằng đây là một “sự phát triển thú vị” và trước mắt ChatGPT xem ra chưa “giành việc làm của bạn, nhưng ai dám chắc về ngày mai? (Tomorrow? Who knows)”.

Cơn sốt ở Việt Nam và trong cộng đ̣ồng tiếng Việt

Hiện tại, Chat GPT vẫn chưa khả dụng tại Việt Nam, mà mới chỉ có thể sử dụng ở một số quốc gia như Mỹ, Anh, Pháp, Đức…

Nhiều người dùng ở Việt Nam đã đổi VPN, thuê số điện thoại ở nước ngoài để được trải nghiệm sớm siêu AI này.

Tuy thế, cuộc tranh luận về ChatGPT cũng xuất hiện nhiều trên các trang Facebook của người Việt ở Âu Mỹ, châu Á.

Vì chưa được hỗ trợ tiếng Việt, nên những câu trả lời với những yêu cầu viết bài văn tả mẹ, hay con chó màu vàng của ChatGPT khá ngô nghê...

Trên trang Facebook của nhà báo Hoàng Tư Giang đã chia sẻ về công cụ này như sau:

“ChatGPT, sản phẩm của OpenAI, đã bắt đầu làm mưa làm gió trên thế giới sau thời gian ngắn được đưa vào sử dụng. Nó thông minh đến mức không thể tin được. Chỉ cần một số từ khóa, nó sẽ viết cho những bài diễn văn, bài báo, thông cáo báo chí, tiểu luận, thư,… trong vòng vài chục giây.

Không hiểu ChatGPT sẽ phát triển hay tàn phá tư duy và sức lao động của con người đây?

Tôi nghĩ nó thiên về vế phát triển.”

Chuyên gia IT Đào Trung Thành thì viết về về việc mọi người bị chia rẽ về quan điểm với ChatGPT.

Bài viết có đoạn:

Một số người cho rằng GPT “hay ho” hoặc “thú vị”, "vạn năng" trong khi những người khác nói rằng nó "sai lầm", “kỳ quặc” và “điên rồ”. Nhưng tôi tán thành quan điểm có cả hai mặt trong việc sử dụng AI. Quan trọng là chúng ta tận dụng những ưu điểm và phát hiện, tránh những điểm hạn chế của chatbot nổi tiếng thế giới này.

Chuyên gia này chỉ ra rằng, trong kỳ thi MBA của đại học Wharton, ChatGPT vượt qua với số điểm B theo thang đánh giá.

Các giáo sư luật tại Đại học Minnesota đã cho ChatGPT thử làm các câu hỏi tốt nghiệp. Trong tất cả các bài kiểm tra, công cụ AI đều có thể đạt điểm C+, tức là ở mức trung bình. Ngoài ra, trong một bài báo khác, giáo sư Christian Terwiesch của Wharton đã phát hiện ra rằng ChatGPT đã vượt qua kỳ thi quản trị kinh doanh của trường với điểm từ B- đến B. Như vậy, ChatGPT có thể giúp một sinh viên không cần học hành gì cũng có thể vượt qua kỳ thi!

ChatGPT đã bị cấm tại các trung tâm giáo dục trên toàn cầu như ở các trường công lập ở New York, các trường đại học ở Úc. Giada Pistilli, nhà đạo đức học chính tại Hugging Face, giải thích thách thức mà các cơ sở giáo dục gặp phải với ChatGPT:

“Thật không may, hệ thống giáo dục dường như buộc phải thích nghi với những công nghệ mới này. Tôi nghĩ đó là một phản ứng có thể hiểu được, vì chưa có nhiều việc được thực hiện để dự đoán, giảm thiểu hoặc xây dựng các giải pháp thay thế nhằm giải quyết các vấn đề về AI có thể xảy ra. Các công nghệ đột phá thường yêu cầu giáo dục người dùng bởi vì hông thể đơn giản là ném AI vào mọi người một cách không kiểm soát được.”

Tôi tán thành phát biểu của thần đồng Đào Triết Hiên (Terence Tao), thiên tài toán học của Mỹ gốc Trung Quốc: "Về lâu dài, chống lại điều này dường như là vô ích; có lẽ những gì chúng ta cần làm với tư cách là giảng viên là chuyển sang chế độ kiểm tra Open book, Open AI.

Trang web về giáo dục Nam Lê's Liberal trên Facebook thì viết:

"ChatGPT đang được cho là “túi khôn” chứa văn minh nhân loại đông tây kim cổ. Nhưng để tranh luận với Nam Le’s Liberal thì cũng có lúc phải nhận sai nhé, bốc phét chém gió khoa học gặp đúng PhD rồi nhé...

Mình cho rằng chatgpt được huấn luyện bởi rất nhiều tập dữ liệu của cánh tả, nhưng cũng rất Liberal (trung dung) nhìn đa chiều. Tuy nhiên cũng rất nhạy cảm khi nói đến các chủ đề racism, feminism…"

(Nguồn: BBC)

NHIỀU PHỤ NỮ HÀN QUỐC 'ĐÌNH CÔNG SINH ĐẺ'

Chuyên gia cho rằng nguyên nhân khiến nhiều phụ nữ Hàn Quốc từ chối hôn nhân và quyền làm mẹ là tình trạng bất bình đẳng giới và áp lực lớn từ xã hội.

Hàn Quốc đã ghi nhận tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới trong ba năm liên tiếp. Số liệu công bố hồi tháng 11/2022 cho thấy tỷ suất sinh - tức số trẻ trung bình một phụ nữ sinh trong suốt cuộc đời - giảm xuống chỉ còn 0,79, theo CNN.

Cuộc khảo sát do Hiệp hội Phúc lợi và Sức khỏe Dân số Hàn Quốc tổ chức vào năm 2022 cũng cho thấy khoảng 65% phụ nữ không muốn có con, nhiều hơn 48% ở nam giới.

Tâm lý từ chối hôn nhân và quyền làm mẹ của nhiều phụ nữ Hàn Quốc đang tạo ra xu hướng mới, được gọi là cuộc “đình công sinh nở” hay “đình công hôn nhân”, theo cây bút Hawon Jung trên New York Times.

Xu hướng này khiến Hàn Quốc vào năm 2020 đã đạt đến “điểm giao cắt chết chóc” sớm hơn gần một thập kỷ so với dự kiến. "Điểm giao cắt chết chóc" là cái mốc mà ở đó số ca tử vong nhiều hơn số ca sinh.

Để lý giải tình trạng này, bà Chung Hyun Back, cựu Bộ trưởng Bình đẳng giới của Hàn Quốc năm 2017-2018, đã dành hơn một năm cố gắng thuyết phục nhiều phụ nữ Hàn Quốc sinh con. Bà nhận ra một lý do khiến bà thất bại, đó là “văn hóa gia trưởng”.

Hành động trả đũa

Theo dữ liệu đăng ký cư trú và thống kê dân số của Cục Thống Kê Quốc gia, 113 khu vực trên tổng 228 thành phố, quận, huyện ở Hàn Quốc có nguy cơ mất đi nhiều cư dân. Nhiều trung tâm chăm sóc trẻ và trường mẫu giáo đang được chuyển đổi thành viện dưỡng lão.

Cây bút Hawon Jung cũng chỉ ra rằng tại trường tiểu học Seoksan, huyện Gunwi, số học sinh đã giảm từ 700 xuống còn 4 học sinh. “Trong lần cuối cùng tôi đến thăm, bọn trẻ thậm chí không thể lập một đội bóng đá”, bà Hawon Jung viết trên New York Times.

Nhìn chung, thanh niên Hàn Quốc có nhiều lý do từ chối lập gia đình, bao gồm chi phí nuôi con cái cao, giá nhà không hợp túi tiền, triển vọng việc làm u ám và thời gian làm việc căng thẳng. Phụ nữ Hàn Quốc nói riêng cũng đã chán ngán với những kỳ vọng bất khả thi của xã hội truyền thống đối với các bà mẹ.

Theo Guardian, khi đắc cử vào năm 2022, Tổng thống Yoon Suk Yeol cho rằng nữ quyền là nguyên nhân ngăn cản “mối quan hệ nam nữ lành mạnh” và dẫn đến tỷ lệ sinh thấp tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, cây bút Hawon Jung nhận định cần tiếp cận vấn đề theo hướng ngược lại - bình đẳng giới phải là giải pháp cải thiện tỷ lệ sinh.

Nhiều phụ nữ Hàn Quốc trốn tránh hẹn hò, kết hôn và sinh con vì chủ nghĩa phân biệt giới tính tràn lan. Theo những biểu ngữ mà Hawon Jung từng thấy, việc phụ nữ từ chối trở thành “những cỗ máy sinh nở” là một hành động trả đũa.

“Đình công sinh nở là sự trả thù của phụ nữ đối với một xã hội đặt ra những gánh nặng quá sức chịu đựng và không tôn trọng chúng tôi”, Jiny Kim, 30 tuổi, một nhân viên văn phòng ở Seoul không có ý định sinh con, chia sẻ.

Cuộc khủng hoảng nhân khẩu học của Hàn Quốc từng là điều không tưởng. Vào cuối những năm 1960, trung bình một phụ nữ có 6 con. Tuy nhiên, chính quyền Seoul đã đẩy mạnh chiến dịch kế hoạch hóa gia đình.

Trong khoảng 20 năm, mỗi phụ nữ sinh ít hơn 2,1 con và chỉ số này vẫn tiếp tục giảm. Dữ liệu mới nhất từ cục thống kê cho thấy tỷ suất sinh giảm từ 0,81 vào năm 2021 xuống 0,79 trong quý III năm 2022.

Các nhiệm kỳ tổng thống Hàn Quốc gần đây thực sự lo ngại khi tỷ suất sinh dường như đang tiến gần đến con số không. Trong 16 năm, họ đã rót khoảng 210 tỷ USD vào các chương trình khuyến khích sinh, chẳng hạn trợ cấp hàng tháng cho cha mẹ của trẻ sơ sinh, theo AP.

Song nhiều phụ nữ vẫn nói không. Cây bút Hawon Jung cho rằng nguyên nhân là họ rất khó thoát khỏi những chuẩn mực giới tính ngột ngạt. Những phụ nữ đã kết hôn phải gánh vác phần lớn công việc nhà và chăm sóc con cái, họ bị chèn ép đến mức nhiều bà mẹ mới sinh phải từ bỏ tham vọng nghề nghiệp.

Thống kê của Bộ Bình đẳng giới Hàn Quốc năm 2022 cũng chỉ ra rằng ngay cả trong các hộ gia đình có thu nhập kép (từ cả vợ và chồng), hàng ngày người vợ phải dành hơn 3 giờ cho việc nhà, cao hơn nhiều so với 54 phút của chồng.

Sự phân biệt đối xử với phụ nữ có con ở nơi làm việc cũng phổ biến một cách vô lý. Một ví dụ điển hình là nhà sản xuất sữa bột trẻ em hàng đầu Hàn Quốc bị cáo buộc gây áp lực ép nhân viên nữ nghỉ việc sau khi mang thai.

Thừa nhận sự bất bình

Rõ ràng phụ nữ Hàn Quốc không chỉ biết thụ động chấp nhận sự nam tính độc hại. Những năm qua, họ đã tổ chức nhiều phong trào rầm rộ, từ phong trào #MeToo đến các nhóm như “4B”, có nghĩa là “Bốn không: không hẹn hò, không tình dục, không kết hôn và không nuôi dạy con cái”.

Các phong trào nữ quyền đã giành chiến thắng trong việc hợp pháp hóa phá thai và các hình phạt khắc nghiệt hơn đối với tội phạm quay phim khiêu dâm.

Tuy nhiên, nhiều nam giới Hàn Quốc cho rằng mình là nạn nhân của những hoạt động đòi quyền cho phụ nữ. Để trấn an sự tức giận này, chính phủ của Tổng thống Yoon đang loại bỏ cụm từ “bình đẳng giới” khỏi sách giáo khoa và hủy tài trợ cho các chương trình chống phân biệt giới tính.

“Nếu thấy bình đẳng giới và nữ quyền quan trọng đến vậy, bạn có thể làm điều đó bằng tiền và thời gian của chính mình”, một nhà lập pháp trong đảng của ông Yoon từng nói.

Việc thuyết phục phụ nữ Hàn Quốc xem xét lại hôn nhân và kế hoạch sinh con cần xuất phát từ nỗ lực giúp họ có quyền tự quyết và bình đẳng trong mọi khía cạnh cuộc sống.

Cây bút Hawon Jung cho rằng các quốc gia có sự phân công chăm sóc trẻ em không cân xứng hoặc thiếu chế độ nghỉ phép dành cho cha mẹ trong thời gian sinh đẻ, như Nhật Bản và Mỹ, cũng có tỷ lệ sinh giảm mạnh.

Trong khi đó, các quốc gia có chính sách gia đình tốt và sự bình đẳng trong hôn nhân, như Thụy Điển và Pháp, đã thành công hơn trong việc ổn định hoặc thậm chí tăng tỷ lệ sinh.

(Nguồn: Zing News)

"PHÙ PHÉP" DẦU NGA: CÁCH CÁC NƯỚC TRUNG ĐÔNG ĂN ĐẬM NHỜ KHỦNG HOẢNG NĂNG LƯỢNG

(Ảnh minh họa).

Trung Đông đang nỗ lực củng cố chỗ đứng trên thị trường năng lượng châu Âu khi lệnh cấm với dầu diesel và các sản phẩm dầu mỏ của Nga bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/2.

Trung Đông đang thế chỗ Nga

Trong thời gian qua, Châu Âu đã gấp rút tăng dự trữ dầu diesel trước thời điểm lệnh cấm, thậm chí tăng mua từ Moscow trước khi nguồn hàng từ nhà cung cấp lớn nhất của khối bị cắt đứt.

Ed Morse, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa toàn cầu của Citigroup, cho biết: “Trung Đông sau cùng là người chiến thắng khi đã thay thế nguồn nguyên liệu của Nga ở châu Âu. Và sau đó hưởng lợi nhiều hơn bằng cách tự nhập khẩu nguyên liệu của Nga.”

Hiện các quốc gia vùng Vịnh đã đổi chỗ với Nga trên thị trường dầu thô, chuyển hướng bán hàng sang châu Âu, trong khi Moscow tập trung vào các khách hàng truyền thống của họ ở châu Á với mức giá giảm sâu.

Sự thay đổi của hoạt động thương mại năng lượng toàn cầu là kết quả của các hình phạt của phương Tây đối với Nga do liên quan tới chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Vào ngày 5/12, các quốc gia EU cấm dầu thô của Nga và các nước G7 đã thiết lập trần giá dầu ở mức 60 USD/thùng. Mặc dù châu Âu đã khá thành công trong việc xoay sở để hạn chế tác động từ việc từ bỏ nguồn cung dầu thô của Nga trước lệnh cấm, nhưng các nước này vẫn tiếp tục phụ thuộc vào các sản phẩm tinh chế như dầu diesel.

Trước khi xảy ra chiến sự tại Ukraine, Nga chiếm khoảng một nửa lượng dầu diesel nhập khẩu của châu Âu. Vào tháng 12, EU và Anh đã mua 663.000 thùng dầu diesel mỗi ngày (bpd) từ Nga - khoảng 40% tổng số lô hàng vận chuyển bằng đường biển - cho thấy cuộc khủng hoảng nguồn cung mà khối phải đối mặt trong vòng chưa đầy 3 tuần.

Xuất khẩu dầu thô của vùng Vịnh, cùng với các sản phẩm tinh chế như dầu diesel, dầu nhiên liệu và nhiên liệu máy bay sang châu Âu đã tăng mạnh vào đầu năm 2023, khi EU đẩy mạnh nỗ lực tìm kiếm các nhà cung cấp mới.

Trong 12 ngày đầu năm 2023, UAE đã xuất khẩu 133.000 thùng dầu/ngày và các sản phẩm liên quan sang châu Âu, phá kỷ lục kim ngạch xuất khẩu trong tháng 1 kể từ năm 2017, theo dữ liệu của Kpler, một công ty theo dõi vận chuyển xăng dầu.

Bên cạnh đó, Ả Rập Saudi xuất khẩu 282.000 thùng/ngày trong cùng khoảng thời gian đã vượt qua toàn bộ mức của tháng 1 kể từ năm 2019.

Chìa khóa của Trung Đông

Lệnh cấm dầu diesel được đưa ra vào một thời điểm tình cờ đối với các quốc gia vùng Vịnh, ngay khi họ chuẩn bị triển khai xây dựng một loạt các nhà máy lọc dầu lớn mới.

Morse từ Citigroup cho biết Kuwait đặc biệt thuận lợi để tận dụng lệnh cấm của châu Âu đối với Nga.

Tiểu vương quốc nhỏ bé này đang tăng cường sản xuất tại nhà máy lọc dầu al-Zour mới - một trong những nhà máy lọc dầu lớn nhất thế giới - sẽ có khả năng xử lý 615.000 thùng dầu thô mỗi ngày khi đi vào hoạt động hết công suất. Vào tháng 11, Kuwait đã vận chuyển lô nhiên liệu máy bay đầu tiên từ địa điểm này.

Morse cho biết: “Họ đã sẵn sàng với công suất lọc dầu cao hơn nhằm bán dầu diesel sang châu Âu... và tích cực chiếm lĩnh thị phần”.

Doanh số bán dầu diesel của Kuwait sang châu Âu trong 12 ngày đầu tháng 1 cho thấy các nhà sản xuất vùng Vịnh đã tận dụng sự gián đoạn trên thị trường năng lượng toàn cầu một cách hiệu quả để thúc đẩy xuất khẩu.

Xuất khẩu dầu diesel hàng tháng từ Kuwait sang châu Âu ở mức 59.000 thùng/ngày tính đến ngày 12/1, gần gấp 3 mức của cả tháng 1 năm 2022 và cao hơn khoảng 900% so với tháng 1 năm 2021, theo Kpler.

Ả Rập Saudi đang tăng cường năng lực sản xuất của nhà máy lọc dầu Jazan, dự kiến sẽ sản xuất hơn 200.000 thùng dầu diesel mỗi ngày khi đạt công suất tối đa vào cuối năm nay.

Nhà máy lọc dầu Duqm của Oman cũng dự kiến ​​sẽ bắt đầu hoạt động vào cuối năm 2023. Các nhà phân tích cho biết nhà máy này sẽ tăng khả năng tinh chế dầu thô thành dầu diesel và các nhiên liệu khác của Oman thêm khoảng 200.000 thùng/ngày.

Bất chấp nguồn cung từ Trung Đông, các nhà phân tích cảnh báo châu Âu sẽ phải tìm thêm các nhà cung cấp nhiên liệu khác, bao gồm ở cả Mỹ và Ấn Độ, để lấp đầy khoảng trống của Nga để lại.

Nhập khẩu dầu diesel của Trung Đông vào châu Âu đạt đỉnh vào tháng 9 ở mức 500.000 thùng/ngày, nhưng vẫn thấp hơn nguồn cung từ Nga tới lục địa này lục địa này ở trước thời điểm xung đột nổ ra..

Jay Maroo, nhà phân tích thị trường dầu thô hàng đầu tại Vortexa, cho biết: “Để Trung Đông có thể thay thế hoàn toàn tất cả dầu diesel của Nga sang châu Âu, điều đó sẽ đòi hỏi phải tiến hành chuyển hướng quy mô lớn các tuyến đường cung cấp từ những thị trường khác”, ông nói thêm.

Mua dầu từ Nga và tái xuất

Các nhà phân tích cho biết, Trung Đông cũng có thể mua các sản phẩm của Nga với giá rẻ và tái xuất khẩu chúng, qua đưa khu vực này vào một vị trí thuận lợi để hợp tác với cả hai phía.

Mùa hè vừa qua, Ả Rập Saudi đã thu mua số lượng lớn dầu nhiên liệu giá rẻ của Nga, qua đó tạo điều kiện cho nguồn dầu thô mà vương quốc này thường sử dụng cho nhu cầu trong nước - như chạy máy điều hòa không khí - được xuất khẩu ra nước ngoài với giá cao hơn.

Ai Cập, một nhà sản xuất năng lượng ở quy mô nhỏ so với Ả Rập Xê Út, cũng đã nhảy vào cuộc chơi.

Cairo đã nhập khẩu lượng nhiên liệu và dầu đốt cao kỷ lục từ Nga vào năm ngoái, sau đó tái xuất khẩu phần lớn sang Ả Rập Saudi nhưng cũng sử dụng một phần trong nước để giành lượng khí đốt tự nhiên cho xuất khẩu.

Tunisia đưa ra một ví dụ sinh động về ngành tiểu thủ công nghiệp giúp "rửa" nguyên liệu của Nga, nơi các sản phẩm dầu mỏ được nhập khẩu và sau đó được dán nhãn lại theo xuất xứ của một quốc gia khác để giúp tiêu thụ dễ dàng hơn.

Quốc gia Bắc Phi nghèo năng lượng này bắt đầu nhập khẩu số lượng lớn naphtha của Nga vào tháng 8. Theo Kpler, nhập khẩu hydrocarbon lỏng đạt đỉnh 61.000 thùng/ngày trong tháng 10, tăng so với con số 0 của những năm trước. Naptha được tái xuất ra nước ngoài, chủ yếu sang Hàn Quốc.

Viktor Katona, nhà phân tích tại Kpler, cho biết Tunisia là "một thí dụ điển hình của hoạt động chuyển tải", hay nôm na là một trạm trung chuyển.

Katona dự đoán mô hình Tunisia đang áp dụng sẽ được nhân rộng khắp Bắc Phi sau khi lệnh cấm dầu diesel của EU và mức trần giá G7 đối với các sản phẩm dầu mỏ của Nga có hiệu lực. Nga hiện đã đã tăng cường vận chuyển dầu diesel đến Ma-rốc.

Ông nói: “Những quốc gia này nằm trên Địa Trung Hải, nơi các chuyến đường vận chuyển đến châu Âu rất ngắn. Tôi có thể thấy rất nhiều mối quan hệ cộng sinh giữa người Nga và các nước Bắc Phi.”

Các nhà phân tích và thương nhân cho biết những nơi tốt nhất để tận dụng việc trung chuyển thường có cơ sở lưu trữ lớn. Ai Cập có cơ sở hạ tầng đáp ứng điêu nà tại các cảng Ain Sokhna và Sidi Kerir, và UAE có Fujairah. Công ty năng lượng khổng lồ thuộc sở hữu nhà nước của Nga Lukoil đã chuyển các hoạt động kinh doanh của mình đến Dubai vào năm ngoái.

Theo các quy định của EU, dầu thô của Nga phải được "biến đổi đáng kể" để được miễn trừ các lệnh trừng phạt. Về mặt kỹ thuật, việc pha trộn dầu diesel của Nga với một lô khác có thể không vi phạm lệnh cấm, nhưng các nhà phân tích cho rằng các quy định không rõ ràng và trên thực tế, rất khó để truy xuất nguồn gốc của dầu diesel.

Gregory Gause, một chuyên gia về chính trị Trung Đông tại Đại học Texas A&M cho biết, những người được lợi lớn trong “cuộc ly hôn năng lượng” của châu Âu với Nga là các quốc gia dầu mỏ vùng Vịnh, vì lệnh cấm dầu diesel “củng cố” vị thế của họ như một trụ cột trên thị trường dầu mỏ toàn cầu.

Vào tháng 10, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman cho biết vương quốc này bán dầu nhiều hơn cho châu Âu.

“Chúng tôi đang hợp tác với rất nhiều chính phủ, bao gồm Đức, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Croatia, Romania và những nước khác. Họ đang trải qua giai đoạn tháo nút thắt cổ chai hệ thống cung ứng của mình để đảm bảo rằng chúng tôi có thể tham gia.”

(Nguồn: Soha)

BELARUS TUYÊN BỐ SẴN SÀNG HỖ TRỢ NGA NHIỀU HƠN

Tổng thống Belarus, Alexander Lukashenko, ngày 31/1 tuyên bố nước ông sẵn sàng hỗ trợ nhiều hơn cho đồng minh thân cận Nga trong cuộc chiến chống lại Ukraine.

Tuy nhiên, ông Lukashenko nhấn mạnh rằng Nga không cần “bất kỳ sự giúp đỡ nào” trong lúc này.

“Tuy vậy, nếu những người anh em Nga của chúng tôi cần giúp đỡ, chúng tôi luôn sẵn sàng cung cấp sự hỗ trợ đó,” ông nói trong chuyến thăm Zimbabwe - quốc gia cũng thân cận với Nga.

Ông Lukashenko phát biểu thông qua một phiên dịch viên trong câu trả lời ngắn gọn đáp câu hỏi liệu đất nước của ông có chịu áp lực phải tăng cường hỗ trợ cho Nga trong cuộc chiến kéo dài gần một năm chống lại Ukraine hay không.

Ông Lukashenko không nói rõ sự giúp đỡ đó sẽ gồm những gì.

Belarus đã cho phép Nga thực hiện một phần cuộc xâm lược từ lãnh thổ của mình vào tháng 2 năm ngoái và cũng là bệ phóng cho các phi đạn của Nga vào Ukraine. Nhưng Belarus chưa đưa lính của mình tham chiến.

Nga và Belarus đã tham gia các cuộc tập trận quân sự chung trên lãnh thổ Belarus trong tháng này và Ukraine cho biết đã duy trì lực lượng dọc biên giới với Belarus để chống lại bất kỳ cuộc xâm lược tiềm ẩn nào.

Ngũ Giác Đài nói không thấy bất kỳ việc điều động binh sĩ nào của Nga ở Belarus cho thấy một cuộc tấn công sắp xảy ra.

Các nhà phân tích nói rằng nếu quân đội nhỏ và thiếu kinh nghiệm của Belarus tham gia, các binh sĩ bổ sung đó có thể giúp Moscow cắt đứt một số hành lang giao thông quan trọng nhưng không có khả năng giúp ích đáng kể cho vị thế của Nga.

Ông Lukashenko đến Zimbabwe hôm 30/1 trong một chuyến thăm tìm cách củng cố quan hệ kinh tế và chính trị giữa hai nước.

Theo Bộ Ngoại giao Zimbabwe, chuyến thăm nhằm thúc đẩy “sự hợp tác mạnh mẽ về chính trị, kinh tế, khai mỏ, nông nghiệp và quản lý rủi ro thiên tai”.

Belarus đã cung cấp cho Zimbabwe các thiết bị nông nghiệp như máy kéo, máy gặt đập liên hợp và xe tải theo một thỏa thuận trị giá hàng chục triệu đô la sau chuyến thăm Minsk của Tổng thống Zimbabwe, Emmerson Mnangagwa, vào năm 2019.

Ngày 31/1, hai nước ký một số thỏa thuận từ nông nghiệp đến thuế và giáo dục.

Ông Lukashenko nói: “Có những quốc gia sẵn sàng hợp tác với Belarus.”

Chuyến thăm của ông Lukashenko tới Zimbabwe diễn ra ngay sau chuyến công du mới nhất của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tới châu Phi. Ông Lavrov đã đến thăm Nam Phi, Eswatini, Angola và Eritrea vào tuần trước, sử dụng một số mối quan hệ lịch sử của Moscow với lục địa này để tập hợp sự ủng hộ đối với lập trường của Nga và đổ lỗi cho phương Tây về cuộc chiến ở Ukraine.

(Nguồn: VOA)

NƯỚC CỜ CÓ TÍNH TOÁN

(Ảnh minh họa).

Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ thái độ cứng rắn rằng quốc hội nước này sẽ không phê chuẩn nghị định thư liên quan tư cách thành viên của Thụy Điển và Phần Lan ở Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong điều kiện hiện nay.

Đây được coi là nước cờ có tính toán của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan trong bối cảnh quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ và các thành viên NATO chưa khi nào êm ả.

Sự cố ngoài vòng kiểm soát của Chính phủ Thụy Điển, khi một người biểu tình theo chủ nghĩa dân tộc cực hữu đốt bản kinh Koran ngay gần Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Stockholm, đột nhiên trở thành cớ để Ankara tiếp tục trì hoãn tiến trình phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Stockholm. Từ khi Thụy Điển và Phần Lan nộp đơn xin vào NATO, Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu hai nước thắt chặt chính sách đối với cộng đồng người Kurd nhập cư để đổi lấy sự nhất trí của Ankara.

Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra danh sách 130 nhà hoạt động người Kurd được cho là có quan hệ với đảng Công nhân người Kurd (PKK) hoặc với chi nhánh của PKK tại Syria, hai tổ chức bị Ankara đặt ngoài vòng pháp luật, cùng với một số thành phần đối lập bị cáo buộc dính líu tới cuộc đảo chính bất thành năm 2016 cần bị trục xuất. Cả Thụy Điển và Phần Lan đã phải chấp nhận một số nhượng bộ bao gồm cả việc giao cho Thổ Nhĩ Kỳ một nhà hoạt động người Kurd, song vẫn chưa thỏa mãn những đòi hỏi của Ankara.

Vụ đốt kinh Koran trong cuộc biểu tình tại Stockholm ngày 21/1 giống như đổ thêm dầu vào lửa. Tổng thống Erdogan gọi đây là hành động “phỉ báng”. Thổ Nhĩ Kỳ đã hủy chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pal Jonson vốn dự kiến diễn ra ngày 27/1 nhằm thuyết phục Ankara tháo gỡ rào cản đối với việc Thụy Điển gia nhập NATO.

Tuy nhiên, con đường khó khăn của Thụy Điển khi bước vào NATO không phải là ngoại lệ. Nhà phân tích Camille Grand, cựu Phó Tổng Thư ký NATO và hiện là chuyên gia nghiên cứu Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu (ECFR) có trụ sở tại Pháp, cho biết quá trình gia nhập NATO của hầu hết các nước đều xuất hiện những vấn đề mới, bởi “đây là cơ hội hiếm có để giải quyết các tranh chấp song phương".

Năm 2020, Macedonia đã buộc phải đổi tên là Bắc Macedonia để Hy Lạp ngừng phủ quyết đơn gia nhập. Trong lịch sử NATO, thời hạn từ lúc đệ đơn đến lúc thành thành viên chính thức thường là một năm rưỡi đến hai năm. Phần Lan và Thụy Điển mới chỉ đệ đơn vào tháng 5 năm ngoái và đã nhận được sự nhất trí của 28 trong số 30 nước. Do đó, thời gian chờ đợi chưa phải quá dài.

Dù chưa chính thức được kết nạp, Phần Lan và Thụy Điển từ lâu đã được coi là "đặt một chân trong NATO". Quân đội hai nước có khả năng hiệp đồng tác chiến đầy đủ với các thành viên khác, đại diện hai nước được phép tham dự gần như toàn bộ các cuộc họp của NATO. Hơn nữa, các nước lớn trong NATO đã cam kết bảo đảm an ninh cho cả hai trong quá trình xét duyệt hồ sơ gia nhập.

Tính toán của Thổ Nhĩ Kỳ có thể nằm ở những hướng khác. Trước hết là thông điệp đối nội. Tổng thống Erdogan đã thông báo tổng tuyển cử vào giữa tháng 5 tới, sớm hơn một tháng so với dự kiến, nhưng uy tín của ông và đảng cầm quyền Công lý và phát triển (AKP) gần đây suy yếu do tình hình kinh tế khó khăn.

Vào cuối mùa Thu, lạm phát tại Thổ Nhĩ Kỳ tăng lên đến hơn 80%, đến cuối năm ngoái giảm bớt nhưng vẫn tới 64%. Có thời điểm hệ thống ngân hàng tưởng chừng như sụp đổ. Phe đối lập, hiện đang tương đối phân tán, đã công kích kịch liệt các chính sách của chính phủ. Nếu liên kết được với nhau thì phe đối lập có triển vọng giành thắng lợi.

Trong bối cảnh đó, Tổng thống Erdogan một mặt phải thực hiện nhiều biện pháp lấy lòng cử tri, mặt khác phải quay sang khuếch trương chính sách đối ngoại nhằm "làm đẹp" bản tổng kết nhiệm kỳ. Các điều kiện mà Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra cho phía Thụy Điển rất khó đáp ứng, nhất là việc phải giao nộp nhiều nhà hoạt động người Kurd đã tị nạn nhiều năm ở đây.

Vụ một số phần tử cực hữu đốt kinh Koran không phải là sự kiện lớn so với các hành động quá khích chống Hồi giáo xảy ra tại phương Tây suốt nhiều năm qua. Thế nhưng, đây là những vấn đề người Thổ Nhĩ Kỳ rất quan tâm, đó là nguồn cơn để nhà lãnh đạo được cho là có quan điểm dân tộc chủ nghĩa đưa ra những phản ứng quyết liệt.

Một nguyên nhân khác, đó là Thổ Nhĩ Kỳ gây sức ép đối với Thụy Điển nhằm đạt được những nhượng bộ từ Mỹ. Lâu nay, Tổng thống Erdogan luôn tìm cách tranh thủ tình hình quốc tế để tạo ra lợi ích, đồng thời củng cố vị thế quốc tế của cá nhân ông và đất nước nói chung. Thổ Nhĩ Kỳ vừa bán máy bay không người lái, trang thiết bị quân sự cho Ukraine nhưng vẫn giữ quan hệ với Nga và không tham gia các biện pháp trừng phạt của phương Tây, nhờ đó đã nhận được sự hỗ trợ tài chính quý giá của Moskva để tạm thời vượt qua cú sốc kinh tế giữa mùa Hè.

Trong trường hợp Thụy Điển, đích ngắm của Tổng thống Erdogan lại là Washington. Thổ Nhĩ Kỳ muốn gây sức ép buộc Mỹ bán máy bay chiến đấu F-16 thế hệ mới nhất để bù đắp việc bị Washington loại khỏi chương trình chế tạo F-35 vì lý do Ankara đã mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.

Ông Erdogan tính toán Mỹ có thể phải nhượng bộ bởi kết nạp Phần Lan và Thụy Điển vào NATO là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Joe Biden. Thế nhưng, chưa chắc ý định này có thể thực hiện được, bởi một quyết định như vậy phải được Thượng viện Mỹ phê chuẩn, mà trong thời điểm hiện nay, nhiều thượng nghị sỹ phản đối quyết liệt.

Liệu tính toán của Tổng thống Erdogan có thành công hay không? Nhiều chỉ dấu cho thấy bế tắc ngoại giao giữa Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ còn kéo dài vài tháng nữa và rất khó giải quyết khi liên minh cầm quyền tại Stockholm, được đảng cực hữu ủng hộ, tỏ ra không muốn nhượng bộ thêm. Tổng thống Erdogan tuyên bố sẵn sàng đồng ý lá đơn xin gia nhập của Phần Lan, nhưng Helsinki chưa vội vã. Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 30/1, Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto khẳng định nước ông “vẫn muốn gia nhập cùng với Thụy Điển” và lập trường này sẽ không thay đổi.

Chuyên gia Camille Grand đặt câu hỏi: “Thổ Nhĩ Kỳ có thể khăng khăng đặt mâu thuẫn song phương lên cao hơn những lợi ích của Phần Lan và Thụy Điển hay không ?”. Thực tế, Ankara khó cưỡng lại sức ép của các nước còn lại trong NATO, vì về lâu về dài Thổ Nhĩ Kỳ không thể bỏ qua NATO.

Mặc dù có một số điểm tương đồng trong chính sách đối ngoại với Nga, song trong chính sách an ninh đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ, Moskva không thể được xem là phương án thay thế cho liên minh Đại Tây Dương. Trong nội bộ NATO, Thổ Nhĩ Kỳ thường được coi là nước có quan điểm khác biệt, nhưng không phải nước duy nhất đi ngược lại quan điểm của số đông. Không ít trường hợp Pháp thậm chí còn có thái độ quyết liệt hơn.

Giới phân tích nhận định lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ khó thay đổi trước cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Ông Soner Cagaptay, Giám đốc chương trình Thổ Nhĩ Kỳ của Viện nghiên cứu Washington đánh giá cho dù kết quả cuộc tổng tuyển cử thế nào đi nữa, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bỏ phiếu thông qua đơn xin gia nhập của Thụy Điển.

Ông Cagaptay cho rằng nếu phe đối lập giành thắng lợi, chính quyền mới sẽ tìm cách xích lại gần Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ để thu hút nguồn vốn đầu tư toàn cầu vực dậy nền kinh tế, dẫn đến việc đẩy nhanh thủ tục phê chuẩn. Trong trường hợp Tổng thống Erdogan nắm quyền thêm một nhiệm kỳ, ông cũng sẽ buộc phải cải thiện quan hệ với hai đối tác lớn nhất nêu trên và chấp nhận cho Phần Lan, Thụy Điển vào NATO để thuyết phục họ ủng hộ chính phủ mới sau bầu cử.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, nước cờ của Thổ Nhĩ Kỳ mang tính chất mặc cả. Kể cả trường hợp mọi diễn biến thuận lợi, việc hai nước Bắc Âu trở thành thành viên NATO khó xảy ra trước hội nghị thượng đỉnh của khối vào tháng 7 năm nay.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

(Xem thêm:

=> TQ biến đổi kinh tế Phi; 'Thiên đường' của siêu giàu TQ; Đánh bom ở Pakistan; Nga siết vòng vây Bakhmut; NATO xoay trục sang Á ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang