Giá thịt lợn chìm sâu dưới đáy; Bán lẻ đấu tố đầu mối xăng dầu; Hàng không phục hồi vẫn lỗ; Môi giới BĐS gặp khó

Nguồn cung tăng mạnh, giá thịt lợn, gà lông chìm sâu dưới đáy

(Ảnh minh họa).

Nguồn cung thịt lợn, thịt gà được dự báo tăng mạnh, trong khi sức tiêu thụ lại yếu kéo giá của những mặt hàng này chìm sâu dưới đáy.

Thông tin từ Bộ NN-PTNT, tháng 2 vừa qua, giá lợn hơi trên cả nước giảm do mức tiêu thụ thấp, trong khi nguồn cung dồi dào. Cụ thể, tại khu vực miền Bắc, lợn hơi xuất chuồng giảm về mức 49.000-51.000 đồng/kg; miền Trung và Tây Nguyên dao động từ 48.000-53.000 đồng/kg; còn miền Nam ở mức 51.000-53.000 đồng/kg.

Ghi nhận của PV. VietNamNet, giá lợn hơi những ngày đầu tháng 3 tiếp tục xu hướng giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 1 năm qua. Ông Nguyễn Công Bắc, Giám đốc Công ty CP chăn nuôi Lộc Phát BLLT, cho biết, ở khu vực Sơn La giá lợn hơn ngày 13/3 ở mức 47.000-48.000 đồng/kg. Mức giá này khiến người chăn nuôi thua lỗ khoảng 1 triệu đồng khi xuất bán 1 con lợn.

Tại các địa phương khác, giá lợn hơi dao động trong khoảng 46.000-52.000 đồng/kg. Trong đó, Yên Bái và Lào Cai là hai tỉnh ghi nhận mức giá lợn hơi thấp nhất cả nước, còn TP.HCM và Cà Mau ghi nhận mức cao nhất là 52.000 đồng/kg.

Trong tháng 2, giá gà thịt lông màu ngắn ngày giảm 8.000 đồng/kg xuống mức 33.000–34.000 đồng/kg. Nguyên nhân giá giảm mạnh là do hết mùa lễ hội, sức tiêu thụ tại các nhà hàng, quán ăn giảm trong khi nguồn cung ở mức cao.

Giá gà công nghiệp miền Nam ở mức 23.000 đồng/kg. Giá gà công nghiệp miền Bắc tăng 1.000 đồng/kg, lên 30.000 đồng/kg. Giá gà công nghiệp miền Trung giảm 3.000 đồng/kg, xuống còn 23.000 đồng/kg. Mức giá này người chăn nuôi gà lỗ khá nặng.

Giá trứng gà miền Bắc ở mức 1.750-1.850 đồng/quả; miền Trung giảm còn 1.650-1.850 đồng/quả; miền Đông Nam Bộ giảm xuống mức 1.900-2.000 đồng/quả; miền Tây Nam Bộ ổn định ở mức 1.800-1.900 đồng/quả.

Ông Nguyễn Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, thừa nhận, nguồn cung dồi dào trong khi sức tiêu thụ gà công nghiệp lại yếu nên giá bán ra đang ở mức thấp. Theo ông tính toán, với mức giá 26.000-27.000 đồng/kg như hiện tại, 1kg gà công nghiệp xuất chuồng người nuôi lỗ khoảng 5.000 đồng.

Tại buổi làm của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến với Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai về tình hình chăn nuôi hiện nay và giải pháp tháo gỡ diễn ra mới đây, ông Dương Anh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Bình Minh - cho hay, doanh nghiệp từng nuôi 3 triệu con gà nhưng nay giảm quy mô còn 200.000 con vì thua lỗ.

Từ tháng 12/2022 đến nay, giá gà công nghiệp xuất chuồng luôn thấp hơn giá thành, chẳng hạn giá xuất chuồng hiện tại thấp hơn giá vốn khoảng 30%.

Lãnh đạo một doanh nghiệp trong ngành hàng thịt lợn cũng than thở, giá lợn hơi trong nước xấp xỉ với giá thịt lợn nhập khẩu đã pha lóc nên rất khó cạnh tranh. Giá trị suất ăn trong các bếp ăn tập thể tương đối thấp, thế nên thay vì chọn mua thịt nội thì họ chuyển sang hàng nhập khẩu. Thịt lợn trong nước lại càng khó khăn hơn về vấn đề đầu ra.

Nguồn cung dự báo tăng mạnh

Thống kê của Bộ NN-PTNT cho thấy, tổng đàn lợn cả nước hiện khoảng 28,6 triệu con. Năm 2023, toàn ngành chăn nuôi phấn đấu tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt khoảng 7-7,5 triệu tấn, tăng từ 5-5,5% so với năm 2022. Trong đó, sản lượng thịt lợn hơi đạt trên 4,5 triệu tấn, tăng 4%; sản lượng thịt gia cầm đạt khoảng 2,1 triệu tấn, tăng 4,8% so với năm 2022.

Năm 2022, nước ta chi khoảng 1,5 tỷ USD nhập khẩu thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật, tăng 9,1% so với năm 2021. Tuy nhiên, hai tháng đầu năm nay, giá trị nhập khẩu nhóm hàng này ước đạt 136 triệu USD, giảm 30,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dù lượng thịt nhập khẩu về giảm mạnh, song chuyên gia dự báo ngành chăn nuôi năm 2023 sẽ tiếp tục gặp khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi neo ở mức cao, trong khi giá thịt gà, thịt lợn lại xu hướng giảm vì sức tiêu thụ chậm.

Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn nhận định, phải đến đầu quý II/2023, nền kinh tế mới phục hồi dần và tăng tốc trở lại từ quý III/2023. Khi đó, hoạt động của các doanh nghiệp đi vào ổn định, việc làm và thu nhập của người lao động mới được cải thiện trở lại giúp sức tiêu thụ tăng lên.

Trong khi đó, Việt Nam đã có vắc xin dịch tả lợn châu Phi nên rủi ro dịch bệnh trong chăn nuôi cũng giảm đi. Ngoài ra, giá nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi thế giới đang có xu hướng giảm, nhưng giá thức ăn trong nước có độ trễ hơn nên phải đến đầu quý II/2023 mới có thể giảm dần.

Theo ông Phùng Đức Tiến, tình hình khó khăn chung của nền kinh tế vừa qua khiến sức mua giảm sút. Nhiều dự báo cho thấy kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng trở lại từ quý II/2023, đây là động lực giúp phục hồi sức mua. Ông khuyến cáo, trong khó khăn, người chăn nuôi cần giảm đàn, tránh tâm lý giữ đàn đợi giá lên vì rất rủi ro.

(Nguồn: Vietnamnet)

Bán lẻ tố đầu mối xăng dầu 'hưởng trọn' lợi nhuận

Ngày 14.3, nhiều doanh nghiệp cho biết đã và đang gửi đơn yêu cầu xem xét khẩn cấp về lợi nhuận và chi phí định mức trong giá bán lẻ xăng dầu.

Đơn của các doanh nghiệp cho biết đã gửi qua đường email song song đường bưu điện, đến Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội để báo cáo; gửi Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban nội chính Trung ương và Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Tư pháp.

Doanh nghiệp đầu mối hưởng hết phần

Cụ thể, đại diện của Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) đề nghị hoàn trả lại phần lợi nhuận và chi phí kinh doanh định mức của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu.

Dẫn khoản 1, điều 7, Thông tư 104 của Bộ Tài chính và 2 Nghị định 83, Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp này cho rằng, Nghị định 95 quy định phí kinh doanh xăng dầu định mức là khoản chi phí tổng hợp tối đa chỉ có giá trị để tính giá cơ sở xăng dầu. Khoản chi phí kinh doanh xăng dầu định mức là chi phí lưu thông xăng dầu trong nước gồm: chi phí bán buôn, chi phí bán lẻ thực tế đã bao gồm chi phí dành cho thương nhân phân phối, thương nhân nhận quyền bán lẻ, tổng đại lý, đại lý xăng dầu để tính giá cơ sở theo mức tối đa.

Ngoài ra, giá cơ sở xăng dầu theo Thông tư 104 quy định bao gồm chi phí kinh doanh định mức là 1.050 đồng/lít và lợi nhuận định mức 300 đồng/lít. "Trong phần chi phí này, quy định đã nêu rõ dành cho cả khâu bán buôn và khâu bán lẻ. Tuy nhiên, trong Thông tư 104 không ghi rõ tỷ lệ phân chia ở khâu bán buôn là bao nhiêu và khâu bán lẻ bao nhiêu, nên doanh nghiệp đầu mối đã lợi dụng kẽ hở này một cách triệt để hưởng gần như hầu hết phần", ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc nhấn mạnh.

Một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu khác tại Đắk Lắk, Lâm Đồng, Yên Bái, Quảng Ninh, Đồng Nai… cũng cho biết do không nằm trong chuỗi bán lẻ trực thuộc doanh nghiệp đầu mối, là doanh nghiệp bán lẻ độc lập, nên hầu hết không nhận đủ phần lợi nhuận và chi phí định mức theo quy định.

Thành lập hội đồng phân chia lại

Từ đó, các doanh nghiệp kiến nghị liên Bộ Tài chính - Công thương sớm thành lập hội đồng để phân chia lại giá trị của khoản tiền 1.350 đồng/lít chi phí định mức và lợi nhuận định mức này xem doanh nghiệp bán lẻ nhận được bao nhiêu. Từ đó có cơ sở để phân chia chi phí cơ bản này trong nghị định sửa đổi mới.

Một doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tại Lâm Đồng cho rằng, 300 đồng lợi nhuận định mức nên chia cho đầu mối và phân phối. Còn phần 1.050 đồng chia thêm một phần nhỏ cho thương nhân phân phối. Như vậy mới hợp lý và có cơ sở để tính bán lẻ…

Tương tự, Doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Hùng Việt (Sóc Trăng) cũng kiến nghị phải làm rõ phần chi phí định mức và lợi nhuận định mức được "mặc định" cộng trên trong tính giá cơ sở xăng dầu, song hơn 1 năm doanh nghiệp bán lẻ lỗ lã, nhiều thời điểm bị buộc phải nhận chiết khấu 0 đồng, thậm chí chiết khấu âm. Doanh nghiệp này đặt câu hỏi: Phần 1.350 đồng/lít này đi đâu? Thậm chí, doanh nghiệp đề nghị "truy thu phần doanh nghiệp bán lẻ bị 'chiếm đoạt' này".

Để minh bạch và không bị chèn ép, không rõ ràng, các doanh nghiệp bán lẻ đề nghị liên Bộ Công thương - Tài chính sớm lập hội đồng phân chia lại khoản chi phí và lợi nhuận định mức này. Trong đó, phải ghi rõ doanh nghiệp bán lẻ (không phải đại lý trực thuộc doanh nghiệp đầu mối hay thương nhân phân phối) được hưởng bao nhiêu % trừ khoản này. Một số ý kiến khác cho rằng, nếu hội đồng tính toán, thẩm định lại các chi phí, tính ra được con số cụ thể mà khâu bán lẻ phải được hưởng và đề nghị đầu mối hoàn trả lại cho doanh nghiệp bán lẻ.

Trước đó, đa số các ý kiến chuyên gia cho rằng, trong trường hợp Nhà nước không can thiệp vào giá, để cung cầu thị trường quyết định giá, thì không quy định mức chiết khấu bán lẻ tối thiểu. Song nếu ngược lại, vẫn quy định giá bán lẻ, bắt buộc phải có khoản chi phí bán hàng mà doanh nghiệp bán lẻ hay gọi là chiết khấu bán hàng.

(Nguồn: Thanh Niên)

Hàng không Việt Nam: Phục hồi nhanh nhưng vẫn lỗ đậm

(Ảnh minh họa).

Hãng bay tăng doanh thu nhưng vẫn lỗ nặng. Để phục hồi và phát triển, ngành hàng không đề xuất cơ chế mới để tăng trưởng tiềm năng.

Năm 2022 chứng kiến sự phục hồi của thị trường hàng không trong nước và quốc tế. Điều đáng mừng là Việt Nam được đánh giá là thị trường hàng không có mức tăng trưởng nhanh trong khu vực và trên thế giới. Tuy đang trên đà phục hồi nhưng không đồng đều giữa các phân khúc. Trong khi vận chuyển hàng hóa phục hồi nhanh và tăng trưởng so với năm 2019 nhưng vận chuyển hành khách phục hồi chậm hơn so với trước khi dịch bệnh bùng phát vào năm 2019.

Trong đó, thị trường khách nội địa phục hồi hoàn toàn ngay từ tháng 4/2022 nhờ sự bùng nổ nhu cầu di chuyển giai đoạn cao điểm hè, đưa đến mức tăng trưởng vượt thời điểm trước dịch, lên tới 40 - 42% trong các giai đoạn tháng 6-8/2022. Nhờ đó, Việt Nam ghi dấu vị trí quán quân trong danh sách 25 quốc gia có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là thị trường quốc tế phục hồi chậm.

Theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, năm 2022, thị trường vận tải hàng không đạt khoảng 55 triệu khách, tăng 3,7 lần so với năm 2021 và bằng 69,6% so với năm 2019. Trong đó, vận chuyển hành khách nội địa đạt khoảng 43,2 triệu khách, tăng gấp 3,5 lần so với năm 2021 và tăng vượt 15,6% so với thời điểm trước dịch năm 2019.

Còn vận chuyển hành khách quốc tế đạt 11 triệu khách, dù tăng mạnh 22 lần so với năm 2021 song chỉ bằng 27% so với năm 2019.

Riêng với thị trường quốc tế, cơ quan chức năng đã chủ động và tích cực nhằm khôi phục các đường bay quốc tế. Theo đó, các hãng hàng không khôi phục 118 đường bay, kết nối từ 9 sân bay Việt Nam đến 24 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, vận chuyển 11 triệu lượt khách quốc tế. Tuy nhiên, tốc độ hồi phục diễn ra chậm, mặc dù Việt Nam dỡ bỏ các hạn chế đối với hành khách nhập cảnh từ ngày 15/3/2022, khôi phục lại chính sách miễn thị thực từ tháng 5/2022.

Bên cạnh việc tăng cường công suất, các hãng hàng không nhanh chóng đi tắt đón đầu trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ hàng không cũng như xây dựng các dòng sản phẩm mới, đa dạng, hấp dẫn để đáp ứng nhu cầu hành khách. Nhờ những nỗ lực vượt bậc này, các hãng bay Việt ghi nhận mức doanh thu hồi phục “thần tốc”thời gian qua.

Dù Việt Nam mở cửa giao thương từ tháng 3/2022 nhưng thực sự không đạt được các chỉ số phục hồi như kỳ vọng.

Nguyên nhân là các thị trường hàng không truyền thống đi, đến Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản đều chưa mở cửa hoặc mở rất thận trọng.

(Nguồn: Môi trường & Đô thị)

Môi giới bất động sản: Người bỏ nghề, người mệt mỏi vì nhiều tháng đi đòi tiền “hoa hồng”

Thị trường bất động sản vẫn duy trì nhịp độ trầm lắng, không có giao dịch nên nhiều môi giới đã chuyển sang nghề khác. Bên cạnh đó, có những môi giới dù giao dịch thành công nhưng lại bị nợ tiền “hoa hồng”.

Môi giới chật vật đi đòi tiền “hoa hồng”

Thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng, thanh khoản bị sụt giảm, theo đó nhiều môi giới bất động sản trải qua một thời gian dài không có giao dịch thành công. Bên cạnh đó, một số người có giao dịch thành công lại bị nợ tiền hoa hồng.

Anh Nguyễn Giang, môi giới bất động sản tại Bắc Ninh cho biết, từ giữa năm ngoái thị trường đã hạ nhiệt. Theo đó, trong nửa cuối năm anh Giang cũng chỉ có vỏn vẹn 2 giao dịch thành công.

“Thị trường dù khó tìm được khách mua nhưng tôi vẫn xoay sở bằng mọi cách để bán hàng như chạy quảng cáo, liên hệ khách hàng cũ, nhờ người quen giới thiệu,... Do đó, cuối năm tôi cũng có 2 giao dịch thành công. Tuy nhiên, số tiền hoa hồng hơn 100 triệu đồng lại vẫn bị công ty cũ nợ”, anh Giang nói.

Theo người môi giới này, đầu tháng 1 vì có những định hướng riêng nên đã xin nghỉ việc. Công ty cũ cũng hẹn anh sẽ thanh toán sau 2 tuần kể từ ngày nghỉ. Tuy nhiên, đến nay đã quá hạn 2 tháng nhưng anh Giang vẫn chưa nhận được tiền “hoa hồng” từ những giao dịch trước đó.

“Tôi đã nhiều lần liên hệ với giám đốc nhưng cũng chỉ nhận được câu trả lời là công ty khó khăn nên để thêm một thời gian nữa chờ giao dịch ổn định lại. Thực tế, số tiền hoa hồng đó tôi không được bỏ túi tất cả mà trước đó đã phải chi khoảng hơn 30 triệu đồng để quảng cáo và tìm kiếm khách hàng. Bây giờ nếu không đòi được thì tôi vừa mất công sức vừa mất tiền”, anh Giang giãi bày.

Môi giới ồ ạt chuyển việc

Thực tế, trong bối cảnh thị trường trầm lắng, trường hợp bị nợ tiền lương hoặc hoa hồng như anh Giang không hiếm. Bởi, các doanh nghiệp bất động sản hiện nay cũng đã gặp nhiều khó khăn về vấn đề tài chính.

Thậm chí, trước những diễn biến của thị trường có doanh nghiệp đã mạnh tay cắt giảm nhân sự nhằm giảm chi phí. Cùng đó, một số môi giới do không có giao dịch nên đã chuyển nghề khác. Đơn cử, trường hợp anh Chu Hoàng, môi giới bất động sản tại vùng ven Hà Nội cho biết, trải qua 4 tháng không có giao dịch thành công, sau Tết Nguyên đán anh đã nghỉ việc và cùng vợ mở rộng kinh doanh online.

“Vợ tôi đã bán hàng online từ lâu nhưng chỉ mở nhỏ. Tạm thời có tôi làm cùng nên cũng mở rộng hơn trước. Trước mắt phải lo được cuộc sống, khi nào thị trường tốt trở lại thì tôi tính sau”, người này nói.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho hay, lượng môi giới đang hoạt động hiện nay chỉ còn khoảng 30 - 40% so với giai đoạn đầu năm 2022.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, phần lớn môi giới nghỉ việc ở thời điểm này là những người trẻ, tay ngang vào nghề, chạy theo đám đông, không có tích lũy tài chính. Còn những môi giới lâu năm trong nghề và có tích lũy tài chính thì vẫn có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này, chờ thị trường phục hồi để quay trở lại.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, doanh nghiệp phát triển bất động sản đang trong tình trạng khó khăn nhiều mặt. Không ít doanh nghiệp đã phải dừng, hoãn nhiều dự án đang triển khai, thậm chí sa thải bớt nhân viên.

"Chúng tôi mới thống kê ở các đơn vị môi giới, sàn giao dịch bất động sản trong phạm vi một phân khúc, khoảng hơn 100.000 nhân viên môi giới đã phải nghỉ hoặc chuyển sang công việc khác", ông Đính cho biết.

Ông Đính khuyên, những người làm môi giới bất động sản còn muốn gắn bó với nghề nên chuyển sang bán những phân khúc khác có thanh khoản tốt hơn như sản phẩm phục vụ nhu cầu thực ở khu vực đông dân cư. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại thì không nên quá kỳ vọng vào thanh khoản của thị trường.

(Nguồn: CafeF)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang