Giá điện nóng, quy hoạch chậm; Ban hành bảng giá đất hàng năm; Khổ vì dự án treo 30 năm; TP.HCM có cần rạp xiếc 1.400 tỷ?

Giá điện nóng, quy hoạch quá chậm

(Ảnh minh họa).

Trong bối cảnh nhiều vấn đề "nóng ran" liên quan ngành điện, Quy hoạch điện 8 vẫn dậm chân tại chỗ. Sau gần 4 năm xây dựng và gần 10 lần Bộ Công thương trình Chính phủ ký, nhưng vẫn không đạt để được ký phê duyệt.

Ảnh hưởng tới quyết định mở rộng đầu tư

Theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, ngày 25.4 là thời hạn cuối cùng để Bộ Công thương trình lại dự thảo và tờ trình Quy hoạch (QH) phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ( QH điện 8 ) với nhiều yêu cầu.

Ngoài việc phải bám sát chủ trương chính sách của Đảng về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia trong thời gian tới, phù hợp cam kết quốc tế của VN về chống biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng, Phó thủ tướng nhấn mạnh, QH phải phát huy hiệu quả QH trước đây, trong bối cảnh ngành năng lượng trên thế giới phát triển rất nhanh do tiến bộ của khoa học, công nghệ và quá trình chuyển đổi năng lượng, yêu cầu đặt ra đối với QH điện 8 là cần có cách tiếp cận mới. Bổ sung nghiên cứu theo hướng QH động, mở với điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối, điện rác theo tiềm năng và tự sản, tự tiêu.

Đặc biệt, làm rõ số liệu QH điện mặt trời các dạng áp mái, tự sản tự tiêu hoặc thực hiện theo hình thức mua bán điện trực tiếp, không được hợp thực hóa các dự án vi phạm pháp luật, các dự án phát triển thiếu đồng bộ giữa nguồn phụ tải, hạ tầng truyền tải và không hiệu quả về kinh tế. Đồng thời, bổ sung, đánh giá thêm khả năng phát triển các nguồn thủy điện tích năng, pin lưu trữ để bảo đảm vận hành an toàn, tin cậy, hiệu quả hệ thống điện quốc gia tích hợp quy mô lớn các nguồn điện gió và mặt trời...

Trước đó, tại Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài, nhiều nhà đầu tư tỏ ra sốt ruột khi QH điện 8 vẫn chưa được thông qua. Việc này khiến cơ chế mua bán điện trực tiếp từ nhà máy sản xuất đến hộ tiêu thụ công nghiệp (DDPA) không có, ảnh hưởng tới quyết định mở rộng đầu tư tại nhiều doanh nghiệp.

Nhiều nhà đầu tư Mỹ, châu Âu đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà máy có nhu cầu dùng năng lượng tái tạo để đáp ứng các yêu cầu tuân thủ từ EU. Họ cũng bày tỏ quan ngại về sự thiếu ổn định trong chính sách phát triển điện và muốn VN đẩy nhanh quá trình cấp phép các dự án năng lượng sạch

Tại cuộc họp này, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng đánh giá tiến độ lập QH chậm dẫn đến chưa triển khai được các dự án phát triển điện năng, ảnh hưởng đến thực hiện các mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Cuối tháng 3, Tập đoàn điện lực VN (EVN) cho biết Ban Chỉ đạo xây dựng các dự án điện trong QH phát triển điện quốc gia của EVN theo dõi 88 dự án nguồn và lưới điện từ Bắc vào Nam. Thế nhưng, trong quá trình triển khai, các dự án gặp rất nhiều vướng mắc trong đầu tư xây dựng các dự án điện trọng điểm. Trong đó lý do lớn nhất do QH điện 8 chưa được phê duyệt nên đơn vị chưa có đủ cơ sở pháp lý để triển khai các bước tiếp theo.

Cụ thể, 2 dự án nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I và II; một số dự án lưới điện truyền tải còn vướng mắc về điều chỉnh, bổ sung QH điện 7 điều chỉnh; xây dựng các dự án lưới điện gặp nhiều khó khăn trong thỏa thuận hướng tuyến, đền bù giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng...

Chậm "bất thường"?

QH điện 8 là quy hoạch ngành quốc gia được triển khai đầu tiên theo quy định của luật Quy hoạch năm 2017, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1264 ngày 1.10.2019. Bộ Công thương chấp bút dự thảo và từ đó đến nay, sau gần 4 năm, bộ này đã có gần 10 lần trình dự thảo QH nhưng liên tục bị trả lại để bổ sung.

Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương), mong muốn QH điện 8 sớm được thông qua vì đây là cơ sở pháp lý về QH quan trọng được thực hiện để triển khai các dự án điện. Đặc biệt, đối với nhiều nguồn điện, lưới điện, phụ tải điện đã có những thay đổi cần phải được cập nhật, bổ sung.

Đặc biệt là lưới điện cung cấp điện cho miền Bắc do tốc độ tăng trưởng phụ tải ở khu vực này đã thay đổi. Bên cạnh đó, nhiều dự án điện cần phải có thời gian tương đối dài để thực hiện. Ví dụ, các dự án lưới điện cần 2 - 3 năm, nhưng dự án nguồn điện có thể phải cần đến 5 - 7 năm; dự án điện gió ngoài khơi, khung thời gian phát triển thậm chí kéo dài tới 5 - 11 năm, bao gồm các bước khảo sát, cấp phép, phát triển dự án, chuẩn bị thi công, thi công, chạy thử....

GS Trần Đình Long, Viện trưởng Viện Điện lực VN, bày tỏ sự băn khoăn khi QH điện 8 bị chậm ban hành ảnh hưởng lớn đến cơ hội phát triển của ngành cũng như kinh tế xã hội. Nhưng ở khía cạnh ngược lại, một dự thảo được xây dựng từ năm 2019, trong vòng 2 năm gần đây, trình tới trình lui gần 10 lần, vẫn bị trả về để điều chỉnh, bổ sung, giải trình… cho thấy, Chính phủ rất coi trọng phê duyệt QH điện lần này. Lý do, xu hướng phát triển toàn cầu và nhu cầu thực tế trong nước thay đổi quá nhanh. Nếu ban hành một QH điện mới có hiệu lực lại nghĩ đến sửa đổi là không được. Chưa kể, trong mấy năm dự thảo QH được soạn thảo, bổ sung, lấy ý kiến, đất nước bùng nổ phát triển năng lượng tái tạo , rồi giá ưu đãi hết thời hạn, biến động thế giới… khiến một QH đã chậm lại càng chậm thêm.

Dù vậy, GS Trần Đình Long vẫn thấy việc chậm trễ này "khá bất thường". Bởi những QH điện trước đây, có chậm mấy cũng không thể cứ trình lên trình xuống vẫn bế tắc. Không rõ nội tình để việc này chậm thế nào, nhưng thường những yêu cầu cần bổ sung, hoàn toàn có thể thực hiện được ở mức tương đối. Tại sao không ngồi lại cùng các nhà phản biện, nói rõ các lý do, vì mục đích chung để QH được thuyết phục trên cơ sở khoa học và sớm được thông qua?

"Ở đây, tôi chỉ giả sử là có thể một lý do nữa là các số liệu được báo cáo không đồng nhất, gây ảnh hưởng đến nhà đầu tư, phát triển kinh tế… khiến nó (QH điện 8) được phê duyệt chậm cũng nên. Ngoài ra, thách thức lớn nhất cho các nhà soạn thảo QH điện 8 là tránh tối đa xung đột giữa quyền lợi các bên, giữa hiệu quả phát triển kinh tế và mục tiêu giảm phát thải ròng", GS Trần Đình Long nhận định.

Nguồn: Thanh Niên)

Không còn 5 năm một lần, bảng giá đất sẽ được ban hành hàng năm

Nội dung này được nêu tại tờ trình dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được Chính phủ gửi Quốc hội ngày 25/4. Dự thảo mới gồm 16 chương, giảm 13 điều so với bản thảo đưa ra lấy ý kiến.

Theo dó, điểm mới tại dự thảo lần này là Chính phủ xác định bảng giá đất sẽ được ban hành hàng năm, thay vì 5 năm như hiện hành, để đảm bảo nguyên tắc thị trường.

Theo phân tích, tổng kết thi hành Luật Đất đai 2013 cho thấy rất ít địa phương thực hiện việc công bố bảng giá đất 5 năm một lần và điều chỉnh khi có biến động 20%. Việc này làm cho bảng giá đất chưa phù hợp với diễn biến thị trường.

Để đảm bảo tính khả thi khi bỏ khung giá đất, đưa ra cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường như tinh thần Nghị quyết 18, Chính phủ cho biết, bảng giá đất hiện hành sẽ được sử dụng đến hết năm 2025. Tức là, từ năm 2026 sẽ áp dụng bảng giá đất mới được xây dựng theo nguyên tắc thị trường.

Với quy định này, các địa phương có đủ thời gian xây dựng, đưa ra bảng giá đất mới từ khi luật có hiệu lực thi hành đến cuối năm 2025.

Góp ý trước đó của Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) lại cho rằng không nên ban hành bảng giá đất hàng năm vì hiện chưa hội đủ điều kiện thực hiện. Thay vào đó, theo HoREA chỉ nên ban hành bảng giá đất định kỳ 3 năm hoặc 2 năm một lần, để phù hợp với thực tiễn trình độ, năng lực của bộ máy hành chính, quản lý hiện nay.

Ngoài ra, tại tờ trình của Chính phủ lần này, sau khi tiếp thu ý kiến người dân, quy định về định giá đất được chỉnh lý trên cơ sở đảm bảo phương pháp xác định giá theo thị trường, công khai và đảm bảo độc lập trong xác định, thẩm định và quyết định giá đất.

Căn cứ xác định giá, gồm thời hạn sử dụng đất (đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho hộ gia đình, cá nhân hay trong hạn mức nhận chuyển quyền sẽ không căn cứ vào thời hạn sử dụng), thông tin đầu vào để xác định giá, các yếu tố khác ảnh hưởng và quy định pháp luật liên quan tại thời điểm định giá.

Trong đó, thông tin đầu vào để xác định giá đất, gồm giá được ghi trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng, trúng đấu giá, giao dịch có quan hệ huyết thống hoặc những ưu đãi khác được ghi nhận trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.

Nguồn: Soha)

Khổ vì dự án 'treo' gần 30 năm

(Ảnh minh họa).

Tình trạng chồng lấn ranh quy hoạch “treo” không chỉ xảy ra ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, mà còn tồn tại ngay giữa trung tâm TP Hồ Chí Minh. Đó là trường hợp gần 50 hộ dân sống trong vùng quy hoạch “treo” giữa 2 Khu dân cư (KDC) Miếu Nổi (quận Bình Thạnh) và KDC Rạch Miễu (quận Phú Nhuận) kéo dài đến gần 30 năm qua với vô vàn khó khăn.

Tiếp phóng viên trong căn nhà không số đang bị xuống cấp, tường nứt bong chóc, ông Nguyễn Xuân Phong (quê Phú Thọ) cho biết, ông đã nhiều lần “đi lên, đi xuống” các cấp chính quyền địa phương xin cấp số nhà nhưng chưa được giải quyết. Để có thể giúp hai con được đi học đúng tuyến, ông Phong phải cậy nhờ xin được tạm trú vào gia đình hàng xóm gần đó. Cũng do không có số nhà nên gia đình ông Phong gặp rất nhiều khó khăn trong đời sống sinh hoạt hàng ngày.

Thấp thỏm lo nhà sập

“Khi mua hàng, nhận đồ, thư từ gia đình tôi đều phải nhờ một địa chỉ khác để nhận. Tường nhà bị nứt, bong chóc hở bê tông nhưng cũng không được sửa chữa, nâng cấp khiến nước hắt vào nhà, nhất là vào mùa mưa, nước thấm vào nhà gây ẩm mốc, ảnh hưởng sức khỏe của các thành viên gia đình” - ông Phong kể, giọt nước mắt của người đàn ông đã bước qua tuổi trung niên khiến chúng tôi không khỏi xót xa.

Cách nhà ông Phong vài căn, ông Quang sống tại căn số 148/13 Nguyễn Lâm (phường 3, quận Bình Thạnh) dù đã tuổi cao sức yếu nhưng vẫn mong ngóng một ngày khu dân cư được ra khỏi tình trạng quy hoạch chồng lấn như hiện nay. Khi chúng tôi xuống thăm, ông Quang vẫn đang cặm cụi sửa lại điểm đặt cống nước trong con hẻm nhỏ trước nhà để chuẩn bị ứng phó với mùa mưa đang đến gần.

Cũng như nhiều hộ dân tại khu vực này, nhà ông Quang có một phần đất nằm trong vùng quy hoạch chồng lấn. Thế nhưng, mỗi lần muốn nâng cấp, sửa chữa nhà thì đều không được, nhà cửa xuống cấp, dột nát khiến sinh hoạt vô cùng khó khăn.

Mùa mưa đang đến, căn nhà của gia đình ông Bùi Tấn Nam (nhà số 148/104 Nguyễn Lâm) rộng chừng hơn 30 m2 nhiều năm qua cũng chịu cảnh xuống cấp trầm trọng, trần gác chỉ lợp tôn, đóng ván ở tạm, nắng nóng, mưa dột nhưng cũng không được sửa nhà. Gần đây khi nhà vệ sinh xuống cấp, đường thoát hỏng gây hôi thối, ông Nam nhiều lần lên quận trình bày hoàn cảnh mới được cho phép cải tạo.

Cũng như nhiều trường hợp hộ dân sống trong khu vực quy hoạch chồng lấn giữa hai KDC Miếu Nổi (quận Bình Thạnh) và KDC Rạch Miễu (quận Phú Nhuận), đã ngót nghét 30 năm nay họ phải sinh sống trong điều kiện nhà ở xuống cấp, giấy tờ nhà đất không có, phải sống tạm trú ngay trong chính căn nhà của mình. Không may mắn như ông Nam, nhiều nhà trong số hơn 50 hộ tại khu vực dân cư quy hoạch “treo” vẫn phải ở tạm bợ trong những căn nhà xuống cấp, nhiều căn chưa được cấp số nhà.

Dự án KDC Miếu Nổi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch từ năm 1997, trong khi dự án KDC Rạch Miễu được UBND TPHCM phê duyệt quy hoạch từ năm 1992. Ngay sau khi được phê duyệt, dự án KDC Miếu Nổi được giao chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư Phát triển đô thị Phi Long (tên gọi cũ là Công ty CP Đầu tư Phát triển đô thị) thực hiện dự án trên tổng diện tích khoảng 6,9 ha đất. Khi tiếp xúc cử tri, đại diện UBND quận Bình Thạnh nhiều lần lý giải việc dù đã được quy hoạch gần 30 năm qua thế nhưng chủ đầu tư dự án lại chưa thực hiện xong công tác bồi thường và giải phóng mặt bằng. Vào năm 2017, UBND quận Bình Thạnh từng thông báo các hộ dân chuẩn bị giấy tờ làm thủ tục cấp quyền sử dụng đất nhưng đến nay chưa thể thực hiện. Việc kéo dài thực hiện dự án là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến quyền lợi hợp pháp của hàng chục hộ dân tại khu vực KDC Miếu Nổi cho đến nay chưa được giải quyết thỏa đáng, làm phát sinh khiếu nại, tố cáo kéo dài, phức tạp.

Giải quyết dứt điểm quy hoạch “treo”

Liên quan đến “cầu cứu” của hàng chục hộ dân tại dự án khu dân cư Miếu Nổi (phường 3, quận Bình Thạnh), vào tháng 5/2018, UBND TP HCM có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ tìm hướng chỉ đạo giải quyết. Ngay sau đó, ngày 15/6/2018, ông Trương Hòa Bình, lúc đó là Phó Thủ tướng thường trực, đã chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp với TPHCM tiến hành rà soát, sau đó báo cáo để Chính phủ tiếp tục có giải pháp xử lý. Đồng thời, yêu cầu xử lý nghiêm các sai phạm kể cả tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm trực tiếp.

Sau chỉ đạo của Chính phủ, để tháo gỡ dứt điểm Thanh tra Chính phủ đã 2 lần lập đoàn thanh tra dự án và chỉ ra nhiều sai phạm. Thủ tướng Chính phủ cũng trực tiếp ra các văn bản chỉ đạo xử lý. Đến nay, một số hộ dân đã được giải quyết một phần, trong đó có hộ đã được cấp giấy chứng nhận, thế nhưng do còn khoảng 50 trường hợp hộ dân chưa được giải quyết.

Về những vướng mắc, tồn tại chưa giải quyết dứt điểm, đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM giải thích, một phần đất quy hoạch hiện nằm trong một phần diện tích của Trường THCS Cầu Kiệu và đường giao thông nội bộ thuộc Dự án khu dân cư Rạch Miễu (thuộc quận Phú Nhuận). Vì vậy, bản chất ngôi trường được xây dựng trên phần đất đã thu hồi dù không đúng diện tích ban đầu. Do đó, các hộ dân ở đây không phải vướng quy hoạch mà do quyết định thu hồi, giao đất của TPHCM đã không được các chủ đầu tư thực hiện.

Về giải pháp, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM cho biết, ngoài tiếp tục xem xét giải quyết khiếu nại của người dân, thành phố cũng cần xem xét trách nhiệm của chủ đầu tư vì để dự án quy hoạch “treo” kéo dài gần 30 năm.

Trước đó, UBND quận Bình Thạnh nhiều lần kiến nghị UBND TPHCM xem xét đưa phần diện tích dự án Khu dân cư Rạch Miễu (phường 3, quận Bình Thạnh) ra khỏi ranh thu hồi, giao đất, ranh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án. Từ đề nghị này, năm 2019 UBND TPHCM từng chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM phối hợp với quận Bình Thạnh và các đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất hướng giải quyết, nhưng cho đến nay quy hoạch vẫn chưa được điều chỉnh.

Bà Trần Thị Mai Lý - Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận Phú Nhuận (TPHCM) cho biết, trong gần 2 năm khi về nhận nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận nhưng chưa nhận được thông tin phản ánh nào của người dân, tổ chức cũng như đề nghị phân công của lãnh đạo thành phố và lãnh đạo quận tham gia xử lý vấn đề này. Đối với các hộ dân như phản ánh, họ sinh sống trên địa bàn quận Bình Thạnh nên MTTQ quận Phú Nhuận không có thẩm quyền tiếp cận giải quyết vụ việc.

Liên hệ MTTQ quận Bình Thạnh (TPHCM), chúng tôi được bà Nguyễn Thu Hương - Chủ tịch Uỷ ban MTTQ quận cho biết, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội địa phương rất quan tâm đến vụ việc. Do quy hoạch “treo” xảy ra và kéo dài hàng chục năm nay, trong khi 2 dự án khu dân cư Miếu Nổi (quận Bình Thạnh) và khu dân cư Rạch Miễu (quận Phú Nhuận) lại là điểm chồng lấn giữa 2 quận, 2 chủ đầu tư khác nhau nên có nhiều vấn đề phức tạp, khó giải quyết.

Bà Hương cho biết, khi về nhận công tác tại MTTQ quận Bình Thạnh đã tìm hiểu tại các cơ quan liên quan của quận, trong đó có MTTQ quận, MTTQ phường nơi các hộ dân sinh sống. “Các cấp cơ sở đã cơ bản thực hiện hết những gì có thể để hỗ trợ người dân, quận cũng đã có nhiều văn bản trả lời đến người dân biết. Tuy nhiên, sự việc này có nhiều thủ tục vượt ngoài thẩm quyền của cấp quận”- bà Hương nói và cho biết đã đề nghị lãnh đạo UBND TPHCM, lãnh đạo các ban ngành Trung ương quan tâm sớm giải quyết dứt điểm để người dân yên tâm sinh sống.

Nguồn: Đại Đoàn Kết)

TP HCM có cần rạp xiếc 1.400 tỷ đồng?

Xã hội đang trong giai đoạn khó khăn, suy thoái kinh kế, thất nghiệp khắp nơi, có thật sự cần thiết phải xây nhà hát, rạp xiếc nghìn tỷ đồng?

Dự án rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ, quận 11, TP HCM vừa được khởi công ngày 25/4. Công trình gồm 14 tầng, diện tích sàn gần 10.300 m2 và 12 tầng nổi cao hơn 57 m, tổng mức đầu tư gần 1.400 tỷ đồng từ ngân sách thành phố. Theo Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM Trần Thế Thuận, đây là công trình mang tầm quốc tế, với trang thiết bị hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn nghệ thuật biểu diễn xiếc quy mô lớn.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại hoài nghi về giá trị và hiệu quả của dự án này. Độc giả Lê Văn Quyến nhận định: "Nhiều trường học thiếu nhà vệ sinh đạt chuẩn, có em phải nhịn cho đến khi về nhà. Sao TP HCM không dành ngân sách cho những nhu cầu cấp thiết này mà lại xây dựng rạp xiếc nghìn tỷ? Có bao nhiêu người xem và mỗi năm tổ chức được bao nhiêu lần? Trước đây, thỉnh thoảng có đoàn xiếc biểu diễn dựng rạp dã chiến ngoài trời, đến nay cũng không còn biểu diễn nữa. Điều đó chúng tỏ nhu cầu này không còn phù hợp. Quá lãng phí khi nay lại xây dựng rạp xiếc kiên cố".

Cùng chung quan điểm, bạn đọc Pham Thanh Tam đặt câu hỏi: "Thành phố cần thêm nhiều mảng xanh, công trình công cộng, nâng cấp cầu cống, bệnh viện, trường học, nhà ở xã hội, nhà tình thương... Xã hội đang trong giai đoạn khó khăn, suy thoái kinh kế, thất nghiệp khắp nơi, có thật sự cần thiết phải xây mấy cái nhà hát, rạp xiếc gây lãng phí tốn kém như thế này không?".

Lấy dẫn chứng từ dự án Nhà hát giao hưởng trước đây, độc giả Leehan so sánh: "Năm 2022, TP HCM đã cho tạm dừng thực hiện dự án Nhà hát giao hưởng, nhạc, vũ kịch ở Thủ Thiêm do cần ưu tiên cho các hoạt động an sinh xã hội và phục hồi kinh tế. Nguồn vốn dự định ban đầu của công trình là 1.500 tỷ đồng, về sau được xin tăng lên 1.988 tỷ đồng và điều chỉnh thời gian thực hiện dự án trong giai đoạn 2018-2024. Theo quan điểm cá nhân tôi, TP HCM nên tập trung các nguồn lực đầu tư cho các công trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội hơn là xây dựng các công trình như nhà hát, rạp xiếc tốn kém thế này".

"Tôi không cần nhưng công trình như vậy mà cần thêm công viên cây xanh, trường học, bệnh viện. Việc bỏ tiền ra xây một công trình mang tính giải trí tinh thần rồi để 5 năm, 10 năm , 20 năm vẫn chưa hoàn thiện - như các công trình lớn vẫn đang trì hoãn - tôi thấy vô cùng lãng phí. Nên ưu tiên sử dụng ngân sách để xây các công trình cấp bách sẽ tốt hơn cho xã hội", bạn đọc Lý Hòa Diêm nói thêm.

Trong khi đó, với quan điểm trái chiều, độc giả Jgxy lại ủng hộ dự án: "Ngân sách nào ra ngân sách đó: y tế có ngân sách đầu tư y tế, văn hóa có ngân sách đầu tư văn hóa... vì vậy chúng ta không thể vì những ngành khác mà không cho xây dựng những nhà hát, rạp xiếc lớn để sánh vai với các nước trong khu vực và thế giới được".

Đồng tình với lập luận trên, bạn đọc Dvnguyen đánh giá: "Hoan nghênh thành phố đã xây dựng một cơ sở văn hóa giải trí cho người dân. TP HCM thật sự thiếu nhiều cơ sở văn hóa như rạp xiếc như vậy. Cuộc sống cần phải có món ăn tình thần chứ đâu phải cứ mãi lao vào kiếm tiền rồi không biết nhu cầu giải trí ở đâu?".

Nhấn mạnh giá trị của các công trình văn hóa, độc giả Kiwa phân tích: "Cái nào ra cái đó. Rõ ràng công trình văn hóa ở ta cứ bị trì trệ đến mức trong suốt chục năm qua không có một công trình nào mới. Chúng ta cũng có nhu cầu giải trí và con cái sau này cũng có những giấc mơ nghệ thuật như thế này. Nếu cứ đổ tiền cho con cái đi học những cái này nhưng nhìn lại xem tài năng lại bị bỏ dở vì không có nơi để thể hiện mới là lãng phí".

Đó cũng là quan điểm của bạn đọc Một người Việt: "Xây cũng nói mà không xây cũng nói. Cần rõ ràng rằng, dù tôi không đi xem xiếc nhưng nhà biểu diễn nếu cần vẫn phải xây. Các bạn thử nghĩ xem, nếu có các đoàn văn hóa nghệ thuật của các nước đến giao lưu, thúc đẩy quan hệ hợp tác các nước, mà nhà biểu diễn, nhà hát, sân vận động đều không có thì phải làm thế nào?

Tôi chắc chắn nếu có một đoàn nghệ thuật quốc tế đến nước ta mà phải biểu diễn trong một công trình cũ kỹ, dột nát thì chúng ta sẽ nhận về vô số đánh giá tiêu cực. Dần dần, người ta sẽ không còn chọn Việt Nam là điểm đến nữa. Nếu xây dựng sân vận động, nhà hát, nhà thi đấu... mà bảo lãng phí sẽ là một sai lầm. Chât lượng cuộc sống không phải chỉ có ăn và ngủ, mà còn có xem phim, nghe nhạc... Nếu dẹp hết tất cả những công trình văn hóa đó, chỉ còn tối ngày đi làm, ăn uống, ngủ nghỉ thì làm sao nâng cao chất lượng sống của người dân được?".

Nguồn: Vnexpress)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang