EU: Vượt khủng hoảng năng lượng; 'Chạy đua trợ giá'; Anh đình công lớn, kinh tế hậu Brexit; 'Sóng thần màu bạc' ở Ý

CHÂU ÂU VƯỢT QUA KHỦNG HOẢNG NĂNG LƯỢNG MÙA ĐÔNG

(Ảnh minh họa).

Châu Âu đang vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng năm nay, nhưng các doanh nghiệp và hộ gia đình vẫn nghĩ cách đối mặt mùa đông tiếp theo.

Thời tiết ấm áp hơn, chính sách trợ giá của chính phủ, các kho chứa khí đốt hoạt động hết công suất cùng năng lượng nhập khẩu từ các nước khác đã giúp châu Âu vượt qua mùa đông năm nay khá nhẹ nhàng, hạn chế thiệt hại kinh tế từ hậu quả của xung đột Nga - Ukraine.

Tại Dortmund, thành phố công nghiệp ở phía tây nước Đức, nhà máy bia Veltins học cách thích nghi với khủng hoảng năng lượng và vật giá bằng cách tái sử dụng chai lọ, chuyển đổi một phần lò đốt khí sang lò đốt dầu, đồng thời chi 32,5 triệu USD dự trữ nguyên liệu thô.

"Chúng tôi không phải giảm sản lượng", Ulrich Biene, phát ngôn viên Veltins, nói.

Đức, quốc gia phụ thuộc nhiều vào khí đốt Nga trước cuộc xung đột, đã tung ra khoản trợ cấp khổng lồ cho người dân, cố gắng lấp đầy các kho dự trữ và tìm kiếm nguồn cung cấp năng lượng mới khi Moskva cắt khí đốt.

Chính phủ Đức tuần trước bày tỏ hy vọng nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ tránh được suy thoái trong năm nay, dù dữ liệu ngày 30/1 cho thấy kinh tế Đức suy giảm nghiêm trọng trong ba tháng cuối năm 2022.

Để tăng cường nguồn cung khí đốt cho mùa đông năm nay, Đức và các nước láng giềng thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã mua khí đốt hóa lỏng (LNG) từ Qatar và Mỹ, dù giá đắt hơn so với khí đốt vận chuyển qua đường ống của Nga.

Theo Viện Phân tích Tài chính và Kinh tế Năng lượng (IEEFA), nhập khẩu LNG ở châu Âu trong năm 2022 tăng 60% so với năm trước.

Kết quả là "các kịch bản tồi tệ nhất cho mùa đông 2022-2023 đã không xảy ra", Fabian Skarboe Ronningen, nhà phân tích cấp cao về nghiên cứu thị trường điện tại công ty Rystad Energy, nói.

Dự trữ khí đốt của châu Âu hiện ở mức 72% công suất, gấp đôi thời điểm này năm ngoái. Nhiệt độ mùa đông năm nay ở châu Âu cao hơn bình thường, khiến người dân bật lò sưởi muộn hơn, giúp kiểm soát hóa đơn và đảm bảo kho dự trữ ở mức cao.

Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, nhu cầu về khí đốt tự nhiên của châu Âu năm 2022 giảm 12% so với mức trung bình của giai đoạn 2019-2021, theo tổ chức tư vấn Bruegel ở Brussels.

"Tôi nghĩ rằng điều này thật phi thường", Simone Tagliapietra, nghiên cứu viên của Bruegel, nói.

Nguồn cung năng lượng cũng được thúc đẩy nhờ một số lò phản ứng hạt nhân của Pháp tái khởi động. Do ảnh hưởng từ chiến sự Ukraine, giá năng lượng châu Âu tăng lên mức kỷ lục hơn 300 Euro/MWh vào tháng 8, trước khi giảm xuống vì chính phủ các nước tăng cường dự trữ.

Giá các hợp đồng tương lai lớn ở châu Âu hiện ổn định ở mức quanh 55 Euro, vẫn gấp đôi so với trước Covid-19. Một số nhà phân tích nhận định sẽ mất nhiều năm để giá năng lượng quay lại mức cũ.

"Mọi con mắt đang dồn về mùa đông 2023-2024", Ronningen nói, lưu ý nguồn cung từ Nga vẫn bị loại trừ. "Châu Âu sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào LNG trong năm 2023, khi lượng khí đốt nhập từ Nga trong quý I năm nay rất thấp".

Nếu nhu cầu của châu Á tăng trở lại, "cuộc cạnh tranh nguồn cung LNG giữa châu Âu và châu Á sẽ gay gắt hơn, có thể dẫn tới giá tăng cao hơn hiện nay", ông giải thích.

Chuyên gia Tagliapietra, cho rằng châu Âu cần phải "tính đường xa" cho nguồn cung khí đốt của mình, trong khi bổ sung các nguồn năng lượng tái tạo vào hệ thống.

"Tôi cho rằng điều quan trọng là các nước châu Âu phải phối hợp để sớm làm đầy các bể dự trữ, vì chúng ta cần tránh cuộc cạnh tranh mua khí đốt từng diễn ra vào mùa hè năm ngoái", Tagliapietra nói. "Càng phối hợp, chúng ta càng tiết kiệm được nhiều tiền".

(Nguồn: Vnexpress)

CHÂU ÂU CẢNH GIÁC TRƯỚC NGUY CƠ XẢY RA "CHẠY ĐUA TRỢ GIÁ" VỚI MỸ

7 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), thuộc khu vực Bắc và Đông Âu, đã cảnh báo nguy cơ xảy ra một cuộc chạy đua với Mỹ trong vấn đề trợ giá.

Thông tin vừa được Tạp chí Der Spiegel của Đức đưa ra vào ngày 31/1.

Trong thư gửi Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis, các bộ trưởng tài chính của Estonia, Phần Lan, Áo, Ireland, CH Séc, Đan Mạch và Slovakia nhấn mạnh các khoản hỗ trợ tài chính lớn cho các công ty không được chứng minh là gặp bất lợi trên thị trường có thể dẫn đến một "cuộc chạy đua trợ cấp" nguy hiểm.

Tháng 12/2022, EU cho biết sẽ điều chỉnh quy định về các biện pháp hỗ trợ của chính phủ để ngăn chặn tác động từ Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Mỹ. Các nước EU lo ngại IRA sẽ gây bất lợi cho các công ty của họ vì nhiều khoản trợ cấp chỉ dành cho những sản phẩm được chế tạo ở Bắc Mỹ, ví dụ như ô tô điện.

Đạo luật IRA được chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden ký tháng 8/2022, đề ra kế hoạch chi tiêu trị giá 369 tỷ USD, trong đó đáng chú ý là các khoản giảm thuế lớn cho năng lượng sạch, bao gồm cả năng lượng Mặt trời. IRA được coi là thỏa thuận lịch sử về khí hậu, chuyển đổi năng lượng sạch của Mỹ năm 2022. Đây là khoản đầu tư tích cực nhất cho khí hậu mà Quốc hội Mỹ từng thực hiện và dự kiến sẽ cắt giảm khoảng 40% lượng khí thải trong thập kỷ này, đưa nước Mỹ hướng tới mục tiêu trở thành nền kinh tế không phát thải ròng vào năm 2050. Mặc dù vậy, các đối tác thương mại của Mỹ ở châu Âu và châu Á lo ngại đạo luật này sẽ khiến các ngành cần nhiều vốn đầu tư của họ lâm vào cảnh khó khăn.

(Nguồn: VTV)

ANH ĐỐI MẶT CUỘC ĐÌNH CÔNG LỚN CHƯA TỪNG CÓ TRONG MỘT THẬP KỶ

(Ảnh minh họa).

Theo hãng tin Reuters, trong ngày 1/2, ước tính có tới 500.000 giáo viên, giảng viên đại học, viên chức và nhân viên lái tàu sẽ tham gia cuộc đình công lớn chưa từng có tại Anh trong nhiều năm qua.

Chính phủ nước này cảnh báo cuộc đình công sẽ gây gián đoạn các hoạt động trên diện rộng.

Cuộc đình công đồng loạt nói trên sẽ khiến nhiều trường học đóng cửa, dịch vụ vận tải đường sắt ngưng trệ gần như trên toàn nước Anh, trong khi quân đội chuẩn bị sẵn sàng hỗ trợ tại các khu vực biên giới.

Theo ước tính của các nhà lãnh đạo công đoàn, có tới 500.000 người sẽ tham gia đình công, gồm khoảng 300.000 giáo viên, 100.000 viên chức thuộc 120 đơn vị của chính phủ, hàng chục nghìn giảng viên các trường đại học và nhân viên ngành đường sắt. Đây là số người tham gia đình công cao nhất trong ít nhất một thập kỷ qua tại Anh. Bên cạnh đó, sẽ diễn ra nhiều cuộc tuần hành phản đối một đạo luật mới ngăn chặn đình công trong một số lĩnh vực cũng như phản đối một đề xuất mà người lao động cho là sẽ gây thêm nhiều bất đồng giữa họ và giới chủ.

Người đứng đầu Hiệp hội các công đoàn Anh (TUC), ông Paul Nowak, cho biết sau nhiều năm bị cắt giảm lương, các tiêu chuẩn sống tối thiểu của đội ngũ y tá, giáo viên và hàng triệu viên chức khác đang suy giảm đáng kể. Họ lo ngại tình hình không những không được cải thiện mà có nguy cơ lương tiếp tục giảm. Ông Paul cho rằng thay vì tìm các biện pháp ngăn chặn đình công, các bộ trưởng nên tăng lương xứng đáng cho người lao động làm việc trong lĩnh vực công.

Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn của Thủ tướng Rishi Sunak nêu rõ Chính phủ Anh sẽ thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động, song thừa nhận đình công sẽ gây ảnh hưởng đáng kể khi làm gián đoạn cuộc sống của người dân. Chính phủ khẳng định việc tiến hành đàm phán là hướng tiếp cận đúng đắn hơn so với việc người lao động đình công.

Theo Reuters, các nhân viên cứu hỏa cũng nhất trí tiến hành một cuộc đình công trên toàn quốc trong tuần này. Ngoài ra, đội ngũ y tá, nhân viên cứu thương, nhân viên y tế... dự định tham gia các cuộc đình công vào tuần tới.

Trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát hiện trên 10%, mức cao nhất trong 4 thập kỷ qua, nước Anh đang chứng kiến một làn sóng đình công trên diện rộng - từ nhân viên ngành y tế, ngành vận tải cho tới người lao động tại các kho hàng của công ty công nghệ đa quốc gia Amazon và nhân viên công ty bưu chính Royal Mail. Họ yêu cầu tăng lương phù hợp với đà tăng của lạm phát để có thể trang trải các hóa đơn thực phẩm và năng lượng đang tăng vọt ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của họ.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

KINH TẾ ANH RA SAO SAU BA NĂM RỜI KHỎI EU?

Dù muốn hay không thì cũng đã ba năm trôi qua kể từ khi Vương quốc Anh rời Liên minh châu Âu.

Kể từ đó, đại dịch bùng phát, va theo sau đó rất nhanh là cuộc khủng hoảng năng lượng.

Điều này khiến cho việc giải mã tác động của Brexit trở nên khó khăn.

Những dữ liệu mới nhất cho thấy nền kinh tế bị ảnh hưởng - nhưng theo những cách thức không trông đợi.

Thương mại

Khi Anh rút khỏi thị trường chung và liên minh thuế quan vào năm 2021, các công ty giao dịch với EU phải đối mặt với các quy tắc mới, thủ tục giấy tờ mới và các biện pháp kiểm tra mới đối với một số hàng hóa.

Điều đó làm dấy lên lo ngại về những gì sẽ xảy ra với 550 tỷ bảng thương mại giữa Anh và đối tác thương mại ở gần Anh nhất.

Đã có sự sụt giảm ban đầu về số lượng hàng Anh xuất sang EU. Theo số liệu chính thức, sau khi các vấn đề căn bản được xử lý, khối lượng giao dịch đã phục hồi về mức trước đại dịch. Tuy nhiên, người ta cho rằng thương mại có thể đã phát triển hơn nếu như không xảy ra Brexit.

Tình trạng nhập khẩu hàng hóa cũng diễn ra tương tự - khối lượng đã phục hồi về mức trước đại dịch. Tuy nhiên, các học giả tại Trường Kinh tế London (London School of Economics - LSE) chỉ ra rằng giá thực phẩm nhập khẩu từ EU - như cà chua hoặc khoai tây - đã tăng tới 6% trong năm 2020 và 2021, mà đây là mức tăng trước khi lạm phát cao vọt trong thời gian gần đây.

Mặt khác, điều này giúp các nhà sản xuất thực phẩm trong nước cạnh tranh dễ dàng hơn; các kinh tế gia nói rằng nhà nông nội địa có thể đã đạt khoản tăng 5 tỷ bảng.

Tuy nhiên, bức tranh lớn hơn mới là điều bắt mắt hơn.

Hầu hết các quốc gia đều phải hứng chịu tình trạng sụp đổ thương mại quốc tế vào lúc đại dịch lên tới đỉnh điểm.

Kể từ đó, các nước còn lại trong khối G7 đã đạt mức thương mại phục hồi trở lại, riêng Anh thì chưa. Anh quốc đang bị tụt lại phía sau.

Các thỏa thuận thương mại

Còn các giao dịch thương mại mới thì sao?

Tổng cộng 71 thỏa thuận thương mại đã được ký kết, đây là một tiến độ nhanh chóng, nhưng phần lớn chỉ sao chép các thỏa thuận mà Anh đã có khi còn là một phần của EU.

Vương quốc Anh đã ký các thỏa thuận mới với Úc và New Zealand - nhưng các thỏa thuận này chỉ được kỳ vọng sẽ mang lại một sự thúc đẩy nhỏ cho thương mại, mà thậm chí những thúc đẩy đó cũng phải mất vài năm nữa mới đạt được. Thêm vào đó, chúng còn gây tranh cãi - một số nhà nông ở Anh lo sợ rằng họ sẽ thiệt thòi.

Các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra với Ấn Độ và các thành viên của hiệp ước xuyên Thái Bình Dương. Mất nhiều thời gian hơn so với kỳ vọng của các quan chức tiền nhiệm - nhưng các nhà phân tích cho rằng việc thực hiện mọi thứ chậm hơn thực sự có thể dẫn đến các thỏa thuận có lợi hơn.

Các thỏa thuận thương mại với một số nước lớn, chẳng hạn như Hoa Kỳ và Trung Quốc, vẫn chưa đi đến đâu.

Đầu tư

Việc các doanh nghiệp lựa chọn chi bao nhiêu cho nhà máy, đào tạo, thiết bị và công nghệ cũng bị ảnh hưởng bởi mối quan hệ của Anh với EU. Và bộ trưởng tài chính Anh thừa nhận rằng đầu tư có thể thúc đẩy tăng trưởng.

Nhưng đầu tư đã bị đình trệ kể từ cuộc trưng cầu dân ý, do các doanh nghiệp vẫn cảnh giác với triển vọng của nền kinh tế. Đầu tư ngay cả hồi trước năm 2016 cũng đã không to tát gì, nhưng nếu nó tiếp tục xu hướng trước cuộc trưng cầu dân ý, thì theo phân tích của nhóm chuyên gia cố vấn Vương quốc Anh trong một Châu Âu đang thay đổi, quy mô đầu tư có thể cao hơn khoảng 25% so với hiện tại.

Công ăn việc làm

Rời khỏi EU cũng có nghĩa là những thay đổi đối với các quy tắc về di chuyển lao động tự do và việc áp dụng hệ thống cho phép nhập cư dựa trên thang điểm.

Một nghiên cứu của Trung tâm Cải cách Châu Âu và Vương quốc Anh trong một Châu Âu đang thay đổi cho thấy rằng lượng công nhân ở Anh đã giảm đi 330.000 người do Brexit. Con số này tuy chỉ chiếm 1% tổng lực lượng lao động - nhưng các lĩnh vực như vận tải, nhà hàng, khách sạn và bán lẻ đã bị ảnh hưởng nặng nề.

Việc thiếu nhân công đã dẫn đến tình trạng thiếu hàng và đẩy hóa đơn cho khách hàng lên cao.

Một số nhà bình luận cho rằng những hạn chế này sẽ thuyết phục các doanh nghiệp nâng cao kỹ năng của nhân viên và đầu tư nhiều hơn.

Trong khi đó, lĩnh vực dịch vụ tài chính bị mất đi 7.000 việc làm, theo báo cáo của Hạ viện, nhưng con số này thấp hơn nhiều so với con số 70.000 mà người ta lo ngại trước đây.

Tiếp theo là gì?

Tất cả những điều trên góp phần tạo nên một nền kinh tế hoạt động kém hiệu quả hơn so với các nền kinh tế tương đương. Vương quốc Anh là nền kinh tế giàu có lớn duy nhất vẫn còn bị thu nhỏ hơn - nghèo hơn - so với trước đại dịch, và Brexit có thể là một yếu tố.

Nhìn chung, cơ quan giám sát độc lập của chính phủ, Văn phòng Theo dõi Ngân sách, cho rằng Anh cuối cùng sẽ tồi tệ đi 4% so với trường hợp chúng ta bỏ phiếu không thực hiện Brexit - mặc dù đối với nhiều cử tri, Brexit liên quan đến chủ quyền hơn là nền kinh tế .

Nhưng vẫn còn rất nhiều để được giải quyết.

Đó không chỉ là thủ tục xử lý hải quan ở biên giới Bắc Ireland, mà còn là các thỏa thuận lâu dài cho các ngành như dịch vụ tài chính, đánh bắt cá và phụ tùng xe điện, hợp tác về khoa học và các cách để giảm tệ quan liêu.

Có những lợi ích tiềm năng, và việc hiện thực hóa chúng là vấn đề chiến lược chính trị và kinh tế.

(Nguồn: BBC)

'SÓNG THẦN MÀU BẠC' TẠI QUỐC GIA SUY GIẢM DÂN SỐ NHANH NHẤT PHƯƠNG TÂY

(Ảnh minh họa).

Dân số Italy đang suy giảm với tốc độ nhanh nhất ở phương Tây, khi đất nước này vừa phải đối mặt với sự bùng nổ dân số già, cũng như việc tỷ lệ sinh thấp và liên tục giảm.

Ở một bên của bức tường kính, ba đứa trẻ mới biết đi tại một trường mẫu giáo đang chơi đất nặn. Ở bên kia, ba bà lão trong viện dưỡng lão gõ vào ô kính để thu hút sự chú ý của chúng, theo New York Times.

“Chúng ta hãy chào các bà nào”, giáo viên của đám trẻ nói trước khi dẫn chúng qua cánh cửa nối hai phòng.

Những đứa trẻ dừng lại để chơi đùa với chiếc kính lúp của một bà lão. Sau đó, chúng đi thang máy lên tầng trên, nơi nhiều người già trong viện dưỡng lão sẽ đọc cho chúng nghe những cuốn truyện tranh.

“Đó là một điều lạ thường. Mọi người nghĩ chúng tôi đến từ hai thế giới khác nhau, nhưng điều đó không đúng. Chúng tôi đang ở trong cùng một thế giới”, ông Giacomo Scaramuzza, 100 tuổi, sống tại viện dưỡng lão, cho biết.

Piacenza’s Elderly and Children Together, một dự án thử nghiệm ở một khu vực nổi tiếng nhất Italy về giáo dục trẻ em và chăm sóc người già, đã tìm cách kết nối hai đối tượng dễ bị tổn thương này. Tuy nhiên, nó cũng đặt hai thách thức hiện hữu của Italy dưới một mái nhà.

"Sóng thần màu bạc"

Dân số Italy đang già đi và suy giảm với tốc độ nhanh nhất ở phương Tây, khiến nước này dẫn đầu xu hướng nhân khẩu học toàn cầu mà các chuyên gia gọi là “sóng thần màu bạc”.

Không những vậy, đất nước này cũng đang phải đối mặt với tỷ lệ sinh giảm mạnh và thuộc hàng thấp nhất ở châu Âu. Thủ tướng Giorgia Meloni đã nói rằng Italy "sẽ biến mất" trừ khi đất nước này thay đổi.

Viện Thống kê Quốc gia Italy (ISTAT) cho biết dân số nước này sẽ giảm gần 1/5 trong vòng 5 thập kỷ tới do tỷ lệ sinh liên tục giảm, Reuters đưa tin. ISTAT thừa nhận rằng các dự báo nhân khẩu học dài hạn có "rõ ràng là không chắc chắn", nhưng khẳng định "gần như chắc chắn" rằng dân số Italy sẽ giảm.

Các chuyên gia cho rằng tương lai của đất nước phụ thuộc vào việc tăng tỷ lệ sinh, Euronews đưa tin.

Trong tháng này, chính phủ của bà Meloni đã thông qua một luật mới dành cho người cao tuổi. Bà kỳ vọng nó sẽ đặt nền tảng cho những cuộc cải tổ về y tế và xã hội đối với dân số già đang bùng nổ ở Italy.

“Chăm sóc người già là chăm sóc cho tất cả chúng ta”, bà nói.

Các chuyên gia cho rằng cuộc cải tổ này về cơ bản đã chấp nhận gần như toàn bộ biện pháp từng được thông qua vào giai đoạn cuối của chính quyền cựu Thủ tướng Mario Draghi.

Điều quan trọng là nó đã đi theo sự dẫn dắt của ông Draghi trong việc đưa luật này vào chương trình quỹ phục hồi của Liên minh châu Âu, đảm bảo rằng nó sẽ được ban hành.

Luật mới sẽ mang đến nhiều lợi ích, bao gồm khắc phục một hệ thống hỗn độn, hợp lý hóa các dịch vụ xã hội và chăm sóc sức khỏe của chính phủ,... Một sự đổi mới quan trọng sẽ phụ thuộc vào tài trợ của chính phủ bà Meloni, ông nhận định.

“Khuyết điểm chính là không có tiền”, Cristiano Gori, lãnh đạo tổ chức Hiệp ước về phúc lợi mới cho người phụ thuộc, nhận định. Hy vọng là chính phủ của bà Meloni sẽ ưu tiên cho chương trình này và tài trợ cho nó, ông nói.

Tuy nhiên, nếu không có nhiều thanh niên tham gia lực lượng lao động, trả tiền cho các hệ thống lương hưu và phúc lợi, toàn bộ hệ thống sẽ gặp nguy hiểm.

Bà Meloni là nữ thủ tướng đầu tiên của Italy. Trong suốt sự nghiệp của mình, bà đã ưu tiên nâng cao tỷ lệ sinh của đất nước và giúp đỡ các bà mẹ đang đi làm.

Tuy nhiên, những người chỉ trích nói rằng việc bà phản đối nhập cư đã làm tổn hại đến sự gia tăng dân số. Bên cạnh đó, chính phủ của bà Meloni đã trì hoãn chương trình xây dựng các trường mẫu giáo mới - vốn được tài trợ bởi quỹ phục hồi của Liên minh châu Âu.

Thảm họa nhân khẩu học

Alessandro Rosina, nhà nhân khẩu học hàng đầu Italy, cho biết nếu nước này không nghiêm túc trong việc khuyến khích các gia đình trẻ và phụ nữ sinh con, họ "sẽ vẫn và mãi mãi là một quốc gia già đi”.

Sự kết hợp của tỷ lệ việc làm thấp đối với phụ nữ, chảy máu chất xám, ít người nhập cư, tỷ lệ sinh thấp và tuổi thọ tăng đột biến đã dẫn đến một thảm họa nhân khẩu học, ông nhận định.

Một số khu vực của Italy hy vọng sẽ trì hoãn "quả bom hẹn giờ" nhân khẩu học bằng cách kéo dài thời gian mà người cao tuổi có thể làm việc và không làm cạn kiệt tài chính của xã hội.

Trung tâm ở Piacenza đã tìm cách tiếp thêm sinh lực cho họ bằng nguồn trẻ em quý giá. Trước khi Covid-19 khiến viện dưỡng lão bị phong tỏa, những đứa trẻ trong trung tâm đã ăn và thậm chí nấu cùng với những người lớn tuổi.

Mọi thứ đang dần quay trở lại. Trẻ em đang chơi đùa cùng với những người cao tuổi tại trung tâm.

“Những mối quan hệ quan trọng nhất được sinh ra một cách tình cờ, khi đứa trẻ muốn lên phòng của người già, nhảy lên đùi họ và đọc sách”, Francesca Cavozzi, 41 tuổi, điều phối viên của dự án, cho biết.

Bà cho biết cả hai nhóm tuổi này đều có dáng đi đôi khi không vững và sở thích uống nước trái cây, ở trong một không gian chung là “bước đầu tiên” để khiến những người cao tuổi ở Italy cảm thấy gắn bó và hữu ích. Tuy nhiên, một số bày tỏ sự hoài nghi rằng bọn trẻ sẽ thích điều đó.

Vào tháng 11/2022, bà Meloni đã khuyến khích các cặp vợ chồng sinh con và các doanh nghiệp thuê phụ nữ. Sau đó, bà tuyên bố tăng 50% số tiền thưởng mà cha mẹ nhận được một năm sau khi sinh con và tăng 50% trợ cấp trong 3 năm dành cho các gia đình có nhiều hơn ba con.

“Chúng ta tiếp tục nhìn vào ngày hôm nay, mà không nhận ra rằng chúng ta sẽ không có ngày mai”, bà nói.

Tuy nhiên, bất chấp hàng tỷ euro Liên minh châu Âu đã hỗ trợ các trường mẫu giáo, Italy đã trì hoãn ngày khai giảng của 1.857 nhà trẻ và 333 trường mẫu giáo.

Nếu Italy không bắt đầu xây dựng trước thời hạn muộn nhất là tháng 6, họ có nguy cơ mất khoản tiền đó.

Ông Scaramuzza cho biết ông hy vọng một số nhà trẻ mới cũng sẽ nằm trên cùng không gian với các viện dưỡng lão. “Không có con cháu ư. Ở đây, tôi có rất nhiều cháu”, ông nói.

(Nguồn: Zing News)

(Xem thêm:

=> EU: 'Tàu ma' chuyển dầu Nga; Dân Pháp xuống đường; Đức Giết bản sao để giả chết, bảo vệ rừng Amazon, đa dạng hóa lợi ích ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang