EU: Vòng xoáy lạm phát; 'Nhà tiên tri' hành tây ở Ý; Biểu tình ở Hy Lạp; Đức: Kinh tế bên bờ suy thoái, 'chính sách đối ngoại nữ quyền'

Châu Âu tiếp tục trong “vòng xoáy” lạm phát

(Ảnh minh họa).

Dữ liệu thống kê sơ bộ cho thấy, lạm phát tại các quốc gia khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tiếp tục ở mức cao trong tháng 2 vừa qua, trong đó giá năng lượng và thực phẩm tăng mạnh là nguyên nhân chính thúc đẩy tình hình lạm phát.

Chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục ở mức cao

Ngày 1/3, Văn phòng Thống kê liên bang Đức (Destatis) công bố số liệu sơ bộ cho thấy, tỷ lệ lạm phát của Đức trong tháng 2/2023 tăng cao hơn so với dự báo.

Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng tháng vừa qua tăng 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so với mức dự báo của các nhà phân tích ở mức 9% và tăng nhẹ so với mức tăng 9,2% của tháng trước đó.

Destatis cho biết, giá thực phẩm và năng lượng đã tăng mạnh kể từ khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra, tác động đáng kể đến tỷ lệ lạm phát ở Đức.

Chính phủ Đức đã thông qua các biện pháp trong gói cứu trợ thứ 3 để ngăn chặn tình trạng tăng giá các sản phẩm năng lượng. Tuy nhiên, ngay cả khi có các biện pháp cứu trợ, giá lương thực đã tăng 21,8% trong tháng 2/2023 so với cùng kỳ năm ngoái và tăng từ mức 20,2% trong tháng trước đó, trong khi giá năng lượng vẫn cao hơn 19,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Do vậy, năng lượng và thực phẩm vẫn là nguyên nhân chính thúc đẩy lạm phát ở Đức. Trong khi đó, chi phí dịch vụ tăng trung bình 4,7% so với tháng 2/2022. Các nhà kinh tế từng kỳ vọng tỷ lệ lạm phát ở Đức sẽ giảm xuống 8,5% trong tháng 2 này.

Nhà nghiên cứu kinh tế Ralph Solveen của Commerzbank (ETR:CBKG) cho biết, những áp lực tiềm ẩn cũng có thể gia tăng hơn nữa, với lạm phát cơ bản – không bao gồm giá năng lượng và lương thực – ước tính tăng từ 5,6% lên khoảng 5,8% trong tháng vừa qua.

Số liệu công bố về tình hình lạm phát của nền kinh tế lớn nhất châu Âu được đưa ra một ngày sau khi hai nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) là Tây Ban Nha và Pháp cũng công bố báo cáo về mức tăng lạm phát đầy bất ngờ.

Theo dữ liệu từ Cơ quan thống kê Pháp (INSEE), chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 vừa qua tăng 6,2% từ mức 6% trong tháng 1. Báo cáo lưu ý rằng lạm phát giá lương thực tăng từ 13,3% lên 14,5%, giá dịch vụ tăng từ 2,6% lên 2,9%, trong khi giá hàng hóa sản xuất tăng nhẹ từ 4,5% lên 4,6%, với đợt giảm giá cuối mùa Đông. INSEE cho biết, giá năng lượng đã tăng 14,0% so với cùng kỳ tháng 2/2022.

Trong khi đó, ở Tây Ban Nha, lạm phát hiện đã tăng trong 2 tháng liên tiếp tính theo năm. Theo báo cáo của Viện Thống kê Quốc gia Tây Ban Nha (INE), giá tiêu dùng tăng 6,1% so với cùng kỳ. Dữ liệu sơ bộ cho thấy, giá điện và thực phẩm cao hơn là nguyên nhân chính dẫn tới sự gia tăng lạm phát này.

Lạm phát cơ bản, không bao gồm giá thực phẩm tươi sống và năng lượng biến động, ở mức 7,7% so với cùng kỳ năm 2022, tăng từ mức 7,5% được ghi nhận vào tháng 1. Giá tiêu dùng, được cân đối để so sánh với các nước thuộc Liên minh châu Âu khác, đã tăng lên 6,1% trong tháng 2 so với mức 5,9% của tháng trước đó.

Các nhà kinh tế dự báo, lạm phát ở Tây Ban Nha và Pháp sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới, khiến Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất nhiều hơn.

Nỗ lực từ Ngân hàng Trung ương châu Âu

Kể từ tháng 7 năm ngoái đến nay, ECB đã tăng lãi suất cơ bản thêm 300 điểm cơ bản trong nỗ lực nhằm kiềm chế lạm phát hiện đang tăng vọt tại 20 quốc gia thành viên Eurozone.

Trước đó, ngày 2/2 vừa qua, ECB đã quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5%. Đây là lần tăng lãi suất thứ 5 liên tiếp của ngân hàng này và là mức cao nhất kể từ năm 2008. Sau quyết định trên, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi của ECB đều tăng lên và lần lượt ở mức 3%, 3,25% và 2,5%.

Trong tuyến bố đưa ra, ECB cam kết duy trì lộ trình tăng lãi suất với tốc độ ổn định và được giữ ở mức phù hợp để đảm bảo lạm phát trở về mức mục tiêu trung hạn 2%. ECB dự kiến một đợt tăng lãi suất tiếp theo, thêm 0,5% tại cuộc họp chính sách tiền tệ sẽ diễn ra ngày 16/3 tới đây.

Hồi tháng 1, Chủ tịch ECB Christine Lagarde đã tái khẳng định quyết tâm của Ngân hàng Trung ương về việc tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát một cách hợp lý nhất. Mục tiêu lạm phát 2% trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong trung hạn đã được đặt ra từ nhiều tháng qua.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Đức Joachim Nagel dự báo, lạm phát của Đức sẽ giảm trong năm tới với điều kiện ECB tiếp tục tăng lãi suất. Ông Nagel cho biết, lạm phát trong năm 2023 của nước này vẫn sẽ ở mức 7% do tác động của lãi suất thấp phải mất nhiều thời gian hơn để có hiệu quả mong muốn.

Giá tiêu dùng tại châu Âu bắt đầu tăng mạnh kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra trong bối cảnh Moskva siết chặt nguồn cung khí đốt nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt từ phương Tây, từ đó dẫn đến việc châu Âu phải tìm kiếm nguồn cung khí đốt từ các nước khác và phải trả giá cao hơn./.

(Nguồn: Tạp Chí Tài Chính)

'Nhà tiên tri' hành tây ở Italy

Theo một truyền thống bắt nguồn từ thời Trung Cổ, người dân thị trấn Urbania ở vùng Marche của Italy thường phơi hành tây ngoài cửa sổ để dự báo thời tiết.

Mặc dù truyền thống đặt hành ở cửa sổ để dự báo thời tiết không phải là chỉ có ở Urbania, nhưng bà Forlini là chuyên gia nổi tiếng nhất và liên tục xuất hiện trên truyền thông địa phương cũng như kênh truyền hình quốc gia.

Năm nào bà Forlini cũng thực hiện một bản dự báo, và dù không hoàn toàn tự tin vào những tiên đoán của mình, bà cảm thấy rằng mình có trách nhiệm lưu giữ truyền thống này.

"Tôi làm việc này là vì những tình cảm dành cho cha tôi và ông nội của tôi, những người cũng thực hiện nghi lễ mỗi năm. Đối với tôi, việc này chỉ đơn giản là duy trì một truyền thống rất cổ xưa và chân thật, có từ thời Trung Cổ, và trên hết đó là một truyền thống gia đình", bà Forlini chia sẻ.

Truyền thống cổ xưa

Trong suốt lịch sử, con người luôn tìm kiếm những dấu hiệu để giúp họ đoán biết tương lai, đặc biệt là khi mọi thứ phụ thuộc vào nông nghiệp, và thời tiết sẽ quyết định đến năng suất của mùa màng. Việc dự báo này đã tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau, tùy vào bối cảnh tôn giáo, kinh tế hay môi trường.

Vào thời kỳ Trung Cổ ở châu Âu, mọi người thường tìm đến các loại rau quả để tìm kiếm các dấu hiệu thời tiết. Ở Italy, loại rau đảm nhận trọng trách này chính là hành tây - một phần vì sự phổ biến của chúng.

Bên trong Cung điện Ducale được xây dựng từ thế kỷ XV ở Urbania là một thư viện chứa tiểu sử của Công tước Montefeltro, người bỏ tiền xây dựng công trình này. Cuốn sách kể lại rằng đội quân của ông đã thắng trận vì ông đã biết trước thời tiết xấu nhờ sự trợ giúp của những củ hành, trong khi đối thủ của ông không biết.

Phương pháp dự báo thời tiết truyền thống này thường được sử dụng phổ biến bởi những người nông dân - tầng lớp mà sinh kế hoàn toàn phụ thuộc vào nông nghiệp. Việc nắm bắt các dấu hiệu thời tiết là điều căn bản đối với một nông dân, và việc nếu bạn không tham khảo hành tây, rất có thể bạn sẽ không thể nuôi sống gia đình.

"Cho đến thời kỳ hậu Thế Chiến I, mọi người vẫn tin vào việc này và nhiều người vẫn thực hiện. Rồi đến một thời điểm nhất định, có những người trở thành chuyên gia và những người nông dân bắt đầu tin vào họ... trong số này có ông nội của tôi, một nông dân đã tiếp tục truyền thống này, ngay cả sau khi nó không còn phổ biến nữa", bà Forlini chia sẻ.

Bản sắc địa phương

Trong khi đó, bà Anna Damiani, một cư dân địa phương khác ở Urbania thì nhớ lại thời kỳ mà smartphone chưa tồn tại, và những dự báo thời tiết trên cơ sở khoa học chưa xuất hiện.

"Ngày xưa, chúng tôi không có dự báo thời tiết như bây giờ. Vì vậy chúng tôi luôn tin tưởng vào tự nhiên. Nếu vào một ngày cụ thể nào đó mà trời mưa, thì điều đó có nghĩa là trời cũng sẽ mưa trong 40 ngày tiếp theo. Đó chỉ là một niềm tin. Đôi khi nó hiệu nghiệm, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục tin vào đó ngay cả khi thỉnh thoảng nó sai", bà Damiani nói.

Những người chuyên dự báo thời tiết bằng hành tây như bà Forlini thường xuất hiện ở các vùng trung tâm và phía bắc đất nước hình chiếc ủng, như ở thành phố ven biển Ancona, xa hơn về phía bắc ở Brescia, Parma hoặc Trento.

Dự báo của họ thường được đăng tải trên các tờ báo địa phương, cũng như phát sóng trên truyền hình như một sự kiện chỉ có một lần trong năm. Chính việc này góp phần giữ truyền thống tồn tại.

Tại Urbania, cụm từ "dự đoán thời tiết bằng hành tây" (il barometro delle cipolle) vẫn là một phần của từ vựng địa phương.

"Xung quanh thị trấn chúng tôi vẫn nghe thấy 'Hành tây báo trời mưa' ", bà Damiani nói thêm.

Còn theo bà Forlini, tính chính xác của các dự đoán không phải là điều quan trọng. Đối với bà, điều cần thiết là cần phải tiếp tục truyền thống này.

"Chúng ta đều biết đây không phải là một phương pháp khoa học, và việc dự báo thời tiết thì đã có các nhà khí tượng học và các vệ tinh và mọi thứ mà thế giới hiện đại mang lại. Đây chỉ là một truyền thống, và nó là một cách giúp bạn tìm lại sợi dây cảm xúc để kết nối với quá khứ", bà Forlini nói.

Elisa Luzi là một nhà nhân chủng học tại Đại học Tubingen ở Đức, nhưng cô đến từ một thị trấn gần Urbania.

Nhà nghiên cứu này thường được gọi một cách thân mật là "cô gái hành tây" ở quê nhà, sau khi nổi tiếng với luận án cử nhân của mình về việc dự báo thời tiết bằng hành tây ở Urbania. Cô tin rằng sự kiên trì của bà Forlini, cũng như niềm tin của người dân địa phương vào các dự đoán, đã giúp cho truyền thống này tồn tại.

"Ông nội tôi là một nông dân, vì vậy thời tiết đối với ông rất quan trọng. Vào ngày báo đăng dự báo thời tiết hành tây, ông phải mua lấy một tờ để đọc thông tin đó. Ông vẫn gắn kết với truyền thống cổ xưa này - nhìn vào Mặt Trăng để biết khi nào bạn phải ra đồng, khi nào phải trồng cây và khi nào phải mổ lợn", cô Luzi chia sẻ.

Nguồn gốc gắn liền với Công giáo

Thời điểm diễn ra truyền thống này có nguồn gốc từ Công giáo - vốn gắn liền với văn hóa Italy.

"Theo lịch của Giáo hội, ngày 25/1 là ngày Thánh Paul Tông đồ trở lại, vì vậy bạn sẽ thực hiện một việc quan trọng vào đêm hôm trước, vì đối với mọi ngày lễ thì đêm trước đó mới quan trọng", cô Luzi giải thích.

Vào đêm của ngày 24/1, theo truyền thống Công giáo, Thánh Paul đã nhận được những tín hiệu từ trên trời để thay đổi, từ một người bắt bớ người theo đạo Thiên chúa sang một người theo đạo. Chính vì vậy, mọi người tin rằng đêm 24/1 chính là thời điểm để quan sát những dấu hiệu từ hành tây, vì ngày này có gì đó rất kỳ diệu.

"Họ nghĩ rằng 'ông ấy (Thánh Paul) đã được ban cho các dấu hiệu, vì vậy ông ấy cũng sẽ ra hiệu cho tôi' ", cô Luzi nói thêm.

Mặc dù việc dự báo thời tiết bằng hành không còn đóng vai trò quan trọng như trước đây, nhưng cư dân của Urbania vẫn muốn bảo tồn truyền thống này.

"Đó là một thứ đáng tự hào... nó là một phần con người chúng tôi, bản sắc mà chúng tôi mang theo từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Đôi khi, bạn cần nhớ rằng mình là một phần của lịch sử", cô Luzi nhận định.

Khi bà Forlini hoàn tất quá trình quan sát những miếng hành, bà sẽ đánh máy những ghi chép của mình trong cuốn sổ và gửi bản dự báo đến truyền thông.

Năm 2023 này, những miếng hành của bà Forlini dự báo một mùa đông kéo dài và khắc nghiệt, một mùa hè bắt đầu và kết thúc với những cơn mưa. Thời tiết sẽ dịu mát vào tháng 5 trước khi mùa hè ngột ngạt ập đến, rồi trời lại đẹp cho đến hết tháng 10.

Sau khi bản dự báo này được gửi đi, nhiệm vụ của những miếng hành đã hoàn thành. Nhưng đây là Italy và một trong những nguyên tắc cơ bản trong nền ẩm thực vĩ đại của đất nước này đó là: Không bao giờ được phép vứt đi thứ gì có thể chế biến thành món ăn.

"Chắc chắn là tôi không vứt chúng đi. Cùng với những củ hành khác, tôi sẽ nấu món súp hành cho bữa tối!", bà Forlini nói.

(Nguồn: Zing News)

Tai nạn tàu hỏa ở Hy Lạp: Biểu tình giận dữ nổ ra sau thảm họa

(Ảnh minh họa).

Các cuộc biểu tình đã nổ ra ở Hy Lạp sau vụ tai nạn đường sắt khiến 43 người thiệt mạng, với nhiều người coi đó là một tai nạn đã được chờ đợi để xảy ra.

Những người bạo loạn đụng độ với cảnh sát bên ngoài trụ sở của Hellenic Train ở Athens - công ty chịu trách nhiệm bảo trì đường sắt của Hy Lạp.

Các cuộc biểu tình cũng diễn ra ở Thessaloniki và thành phố Larissa, gần nơi xảy ra thảm họa vào đêm thứ Ba.

Chính phủ Hy Lạp cho biết một cuộc điều tra độc lập sẽ mang lại công lý.

Ba ngày quốc tang đã được tuyên bố trên khắp đất nước sau sự cố.

Thảm họa xảy ra khi một tàu chở khách đâm trực diện vào một tàu chở hàng, khiến các toa phía trước bốc cháy.

Các toa phía trước của đoàn tàu chở khách bị phá hủy gần hết.

Nhiều người trong số 350 hành khách trên tàu là sinh viên ở độ tuổi 20 trở về Thessaloniki sau kỳ nghỉ cuối tuần.

Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis cho biết "lỗi thảm khốc của con người" là nguyên nhân gây ra thảm họa.

Một người phụ trách ga 59 tuổi ở Larissa đã bị buộc tội ngộ sát do sơ suất. Ông đã phủ nhận mọi hành vi sai trái và đổ lỗi cho vụ tai nạn là do lỗi kỹ thuật.

Các thành viên công đoàn đường sắt tin rằng hệ thống an toàn không hoạt động bình thường, với việc người ta đã đưa cảnh báo liên tục về điều này trong nhiều năm.

Để phản đối, các công nhân đường sắt đang lên kế hoạch đình công vào thứ Năm với những gì họ nói là sự chểnh mảng của chính quyền đối với đường sắt.

"Nỗi đau đã biến thành sự tức giận đối với hàng chục đồng nghiệp và người dân đã chết và bị thương," công đoàn cho biết trong một tuyên bố về cuộc đình công.

"Sự thiếu quan tâm nghiêm trọng trong nhiều năm qua của các chính phủ qua thời gian đối với đường sắt Hy Lạp đã dẫn đến kết quả bi thảm," công đoàn nói thêm trong các bình luận được hãng tin Reuters trích dẫn.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Kostas Karamanlis đã từ chức sau thảm họa và nói rằng ông sẽ chịu trách nhiệm về "những thất bại lâu dài" của chính quyền trong việc sửa chữa hệ thống đường sắt mà ông cho là không phù hợp với Thế kỷ 21.

Nhưng bên ngoài một bệnh viện nơi các thi thể nạn nhân của vụ tai nạn tàu hỏa được đưa đến, một biểu ngữ được treo tuyên bố rằng bất kỳ lỗi hệ thống nào sẽ được che đậy trong cuộc điều tra chính thức đang được tiến hành.

Tại một buổi cầu nguyện thầm lặng ở Larissa hôm thứ Tư để tưởng nhớ các nạn nhân của thảm họa này, một người biểu tình cho biết ông cảm thấy thảm họa chỉ là vấn đề thời gian.

"Mạng lưới đường sắt có vẻ có vấn đề, với đội ngũ nhân viên mệt mỏi và được trả lương thấp," Nikos Savva, một sinh viên y khoa từ Cyprus, nói với hãng tin AFP

Ông nói thêm rằng việc giám đốc nhà ga bị bắt không nên là việc trả giá "cho cả một hệ thống yếu kém".

"Đây là một tai nạn không thể chấp nhận được. Chúng tôi đã biết tình trạng này 30 năm rồi," một bác sĩ ở Larissa, Costas Bargiotas, nói với AFP.

Một buổi cầu nguyện cũng được tổ chức ở Athens, bên ngoài văn phòng của Hellenic Train. Cuối ngày, mọi thứ trở nên bạo lực trong cùng khu vực, khi cảnh sát sử dụng hơi cay để giải tán những người biểu tình ném đá và đốt lửa trên đường phố.

Tại địa điểm xảy ra vụ tai nạn tàu hỏa tồi tệ nhất của đất nước, lực lượng cứu hộ đã làm việc suốt đêm.

Các gia đình đã đến một bệnh viện gần đó để cung cấp các mẫu DNA để có thể xác định những người thân mất tích của họ.

Nhưng công việc ngày càng khó khăn vì ngày càng có nhiều thi thể được tìm thấy từ những nạn nhân ở phía trước đoàn tàu chở khách và những người chịu toàn bộ lực của vụ va chạm trực diện và hỏa hoạn sau đó thiêu rụi toa tàu của họ.

Người phát ngôn của đội cứu hỏa Vassilis Varthakogiannis cho biết nhiệt độ bên trong toa đầu tiên đã lên tới 1.300C (2.370F), khiến "khó xác định được những người bên trong".

(Nguồn: BBC)

Kinh tế Đức bên bờ vực suy thoái

Đức - nền kinh tế hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) và là cường quốc xuất khẩu của châu Âu-có vẻ đang tiến tới một cuộc suy thoái ngay trước mắt.

Theo The Guardian, cách đây vài ngày, tập đoàn hóa chất khổng lồ BASF của Đức thông báo họ sẽ cắt giảm 2.600 việc làm khi nền kinh tế lớn nhất châu Âu chuẩn bị đối mặt với suy thoái do cuộc khủng hoảng năng lượng gia tăng kể từ sau xung đột Nga-Ukraine.

BASF là tập đoàn hóa chất lớn nhất thế giới và là một trong những trụ cột của ngành công nghiệp Đức. Trong suốt nhiều năm, BASF đã xây dựng mô hình kinh doanh dựa trên nguồn khí đốt giá rẻ và dồi dào từ Nga. Tuy nhiên, cũng chính bởi vậy, BASF đã bị ảnh hưởng lớn khi nguồn cung khí đốt từ Nga suy giảm.

Trong tuyên bố hôm 24-2, BASF cho biết, hậu quả của cuộc xung đột ở Ukraine và đặc biệt là giá năng lượng, nguyên liệu thô tăng cao đã chi phối hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn trong năm vừa qua. BASF xác nhận lỗ ròng 627 triệu euro vào năm 2022. Tập đoàn sẽ đóng cửa một trong hai nhà máy sản xuất amoniac và hai nhà máy hóa chất nhựa, cũng như chuyển một số hoạt động sản xuất ra khỏi Đức.

BASF là điển hình cho những gì mà nền kinh tế Đức phải trải qua khi “cai” khí đốt Nga. Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã thúc đẩy các quốc gia châu Âu tìm nguồn năng lượng thay thế, sau nhiều thập kỷ phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Hệ quả là giá năng lượng tăng vọt. Nền kinh tế Đức cũng chịu tác động vô cùng lớn. Theo số liệu chính thức của Cơ quan Thống kê Liên bang Đức, nền kinh tế đầu tàu châu Âu đang trên bờ vực suy thoái khi sản lượng kinh tế cuối năm 2022 sụt giảm nhiều hơn so với dự báo, ở mức -0,4% thay vì -0,2%.

Các nhà phân tích cho rằng, kết quả tệ hơn dự kiến là do lạm phát cao liên tục và những lo ngại kéo dài về nguồn cung năng lượng ảnh hưởng nặng nề đến tiêu dùng hộ gia đình và đầu tư vốn ở Đức. Số liệu cho thấy, chi tiêu hộ gia đình đã giảm 1% trong quý IV-2022, trong khi đầu tư vào xây dựng giảm 2,9% và máy móc, thiết bị giảm 3,6%. Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Đức cũng giảm 1% so với quý III-2022 do gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài và giá năng lượng cao.

Theo RT, với tăng trưởng bị sụt giảm trong quý cuối năm ngoái, nền kinh tế Đức có nguy cơ rơi vào suy thoái nếu GDP tiếp tục sụt giảm trong quý I năm nay. Về mặt kỹ thuật, một quốc gia được coi là suy thoái khi hai quý tăng trưởng âm liên tiếp.

Nền kinh tế lớn nhất của EU đã phải vật lộn để đối phó với chi phí năng lượng tăng vọt. Quốc gia chủ yếu dựa vào khí đốt tự nhiên để cung cấp năng lượng cho ngành công nghiệp của mình đã tuyên bố sẽ từ bỏ hoàn toàn khí đốt Nga vào giữa năm 2024. Tuy nhiên, những nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung khí đốt khiến Đức phải trả một cái giá khá đắt, theo đúng nghĩa đen. Chính phủ Đức sẽ phải phân bổ hơn 1.000 tỷ USD vào năm 2030 để đối phó với những rủi ro và thách thức phát sinh do cuộc khủng hoảng năng lượng. Đây là thông tin do Bloomberg đưa ra hôm 26-2. Các chi phí khổng lồ dự kiến sẽ bao gồm các khoản đầu tư vào hiện đại hóa mạng lưới điện và kế hoạch loại bỏ dần các nhà máy điện hạt nhân và than đá. Berlin sẽ phải đối mặt với nhu cầu ngày càng tăng từ xe điện và hệ thống sưởi ấm. Hơn nữa, chính quyền Đức có nghĩa vụ đáp ứng các cam kết về khí hậu.

Đầu tháng này, tổ chức tư vấn Bruegel có trụ sở tại Brussels (Bỉ) đã công bố báo cáo cho thấy các quốc gia EU đã chi gần 800 tỷ euro (gần 846 tỷ USD) cho các biện pháp hỗ trợ khi khu vực này tiếp tục lao đao vì chi phí năng lượng leo thang. Đức là quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng nói trên của Bruegel, với khoản chi gần 270 tỷ euro.

Đáng lo ngại hơn là khoản nợ công ngày càng phình to của Đức khi chính phủ nước này tăng cường hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp chịu tác động của giá năng lượng tăng vọt. Trong một bài đăng trên Twitter mới đây, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner tiết lộ, tiền lãi từ khoản nợ công của Đức đã tăng từ 4 tỷ euro vào năm 2021 lên 40 tỷ euro ở thời điểm hiện tại.

“Với số lãi tăng nhanh như vậy, chúng ta sẽ không có đủ cho các mục đích khác trong tương lai như: Giáo dục, số hóa và đầu tư vào các dự án bảo vệ khí hậu. Do đó, việc kiềm chế sự gia tăng của nợ là hợp lý về mặt kinh tế”, ông Christian Lindner viết trên Twitter.

Nợ công của Đức đã vượt quá 2,3 nghìn tỷ euro và theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), con số này tương đương 68,3% GDP của quốc gia châu Âu. Bộ trưởng Lindner từng cho biết, nợ công gia tăng là do các biện pháp khẩn cấp trong đại dịch Covid-19 và khủng hoảng năng lượng.

Theo Carsten Brzeski, người đứng đầu Bộ phận Vĩ mô toàn cầu của Tập đoàn ING, nỗi lo suy thoái đối với Đức đã quay trở lại sau dữ liệu kinh tế mới nhất. Ông cho rằng, cơn suy thoái trong mùa đông vẫn là dự báo cơ bản đối với nền kinh tế Đức do những lo ngại về nguồn cung năng lượng, tình trạng gián đoạn thương mại toàn cầu cũng như tình trạng thiếu lao động lành nghề ngày càng tăng.

(Nguồn: QĐND)

Đức công bố 'chính sách đối ngoại nữ quyền'

(Ảnh minh họa).

Ngày 2/3, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock công bố các hướng dẫn chính sách đối ngoại nữ quyền mới nhằm đảm bảo tất cả mọi người "có quyền đại diện và tiếp cận các nguồn lực như nhau".

Theo Ngoại trưởng Baerbock, chính sách này tập trung vào việc xem xét và hỗ trợ nhu cầu của phụ nữ và trẻ em gái trong các quyết định đối ngoại, với mục tiêu là xóa bỏ nạn phân biệt đối xử, từ đó thúc đẩy xã hội ổn định hơn. Bà nhấn mạnh chính sách đối ngoại nữ quyền xuyên suốt tất cả hành động chính sách đối ngoại của Đức, từ viện trợ nhân đạo đến các biện pháp ổn định, sứ mệnh hòa bình cũng như chính sách giáo dục và văn hóa đối ngoại. Người đứng đầu ngành ngoại giao Đức nêu rõ xã hội không thể công bằng hơn, nếu không có sự tham gia của phụ nữ, vốn được coi là một nửa thế giới.

Theo bản hướng dẫn chính sách đối ngoại nữ quyền, dài 88 trang, trong thời gian tới, Đức sẽ dành hơn 90% quỹ dự án mới cho các dự án toàn cầu nhằm thúc đẩy bình đẳng giới. Hãng tin DPA cho biết con số này rơi vào khoảng 64% trong năm 2021.

Bản hướng dẫn cũng nêu rõ Đức sẽ vận động để đảm bảo các mối lo ngại của phụ nữ được chú trọng hơn trên thế giới, theo đó phụ nữ có tiếng nói hơn và các quỹ phát triển của đất nước được phân bổ nhiều hơn cho các dự án giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới. Chính phủ Đức cũng sẽ vận động để tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong tiến trình hòa bình, bởi điều này đã được chứng minh là giúp tăng cơ hội đạt được nền hòa bình lâu dài. Bản hướng dẫn cũng bao gồm cả mục tiêu đạt được bình đẳng giới trong và ngoài nước, đặc biệt tại văn phòng đối ngoại của Đức, nơi hiện chỉ 26% số Đại sứ là nữ giới.

Chính sách đối ngoại nữ quyền do Chính phủ Thụy Điển khởi xướng năm 2014. Đến nay, khoảng hơn 30 quốc gia, trong đó có Chile, Mexico, Tây Ban Nha, Pháp, đã cam kết thực hiện chính sách này. Động thái trên của Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu, được cho là đem đến động lực mới cho phong trào thúc đẩy chính sách đối ngoại nữ quyền.

Theo định nghĩa chung nhất, chính sách đối ngoại nữ quyền coi bình đẳng giới là yếu tố xuyên suốt của mọi nội dung phân tích và hành động liên quan đến chính sách đối ngoại của một quốc gia. Chính sách này giúp phụ nữ và trẻ em gái được bảo vệ khỏi bạo lực và có quyền được tham gia các quyết định chính trị, cũng như được cung cấp đầy đủ nguồn lực để đạt được những mục tiêu này.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang