- Thời sự
- EU
Nghiên cứu mới nhất chỉ ra rằng thay đổi thời tiết là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng mưa lớn gây lũ lụt nghiêm trọng ở khu vực Trung Âu.
Theo nhóm Phân bổ Thời tiết Thế giới (WWA), khí hậu nóng lên do đốt than, dầu khiến cho khả năng mưa lớn tăng gấp đôi và là nguyên nhân chính của trận mưa lịch sử kéo dài 4 ngày ở Trung Âu diễn ra vào giữa tháng 9.
AP dẫn nghiên cứu của các nhà khoa học chỉ ra rằng thay đổi thời tiết khiến cho những trận mưa lớn hơn từ 7% đến 20%.
Các nhà khoa học cảnh báo thêm, hiện tượng nóng lên toàn cầu cũng sẽ khiến khả năng xuất hiện những cơn bão lớn kéo dài 4 ngày tăng lên 50% và ngày càng trở nên dữ dội hơn.
Để kiểm tra mức độ ảnh hưởng của hiện tượng biến đổi khí hậu, các nhà khoa học dựa vào việc phân tích dữ liệu thời tiết kết hợp với so sánh mô hình khí hậu châu Âu hiện tại với giai đoạn tiền công nghiệp.
Trận mưa xối xả giữa tháng 9 từ cơn bão Boris đã ảnh hưởng phần lớn các quốc gia ở Trung Âu bao gồm Romania, Ba Lan, Cộng hòa Czech, Áo, Hungary, Slovakia và Đức. Lũ lụt khiến 24 người thiệt mạng cùng nhiều cơ sở vật chất bị tàn phá nặng nề và ước tính phải mất đến hàng tỉ euro để phục hồi.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cam kết viện trợ hàng tỉ euro cho những nước chịu ảnh hưởng trực tiếp từ trận bão lũ vừa qua.
Nhóm Phân bổ Thời tiết Thế giới bắt đầu hoạt động từ năm 2015 với nhiệm vụ đánh giá xem biến đổi khí hậu có phải là nguyên nhân của những sự kiện thời tiết khắc nghiệt hay không.
Thị trường ô tô tại châu Âu đang cho thấy những dấu hiệu không mấy tích cực khi liên tiếp ghi nhận sự sụt giảm về doanh số, đặc biệt là doanh số bán xe điện.
Doanh số bán xe ô tô mới tại châu Âu đã giảm 18,3% trong tháng 8 xuống mức thấp nhất trong ba năm vừa qua. Nguyên nhân được cho là bởi mức lỗ hai chữ số tại các thị trường lớn như Đức, Pháp và Ý cũng như sự sụt giảm của doanh số bán xe điện (EV).
Tháng trước là tháng thứ tư liên tiếp doanh số bán xe điện tại châu Âu giảm. Tình trạng này khiến Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô châu Âu (ACEA) yêu cầu “các tổ chức EU phải đưa ra những biện pháp cứu trợ khẩn cấp trước khi các mục tiêu CO2 mới đối với ô tô và xe tải có hiệu lực vào năm 2025".
Hiệp hội cho biết doanh số bán xe chạy điện hoàn toàn đã giảm 43,9% vào tháng 8/2024, trong đó các thị trường xe điện lớn nhất của lục địa già là Đức và Pháp ghi nhận mức giảm lần lượt là 68,8% và 33,1%; không chỉ riêng xe thuần điện, doanh số bán xe hybrid tại hai thị trường này cũng giảm 22,3% vào tháng trước.
Trong 8 tháng đầu năm 2024, số lượng đăng ký BEV (xe thuần điện) mới chiếm 12,6% tổng số lượng ô tô đăng ký mới tại châu Âu; giảm 1,4% so với mức 13,9% của cùng kỳ năm ngoái. Doanh số bán xe chạy bằng xăng và dầu diesel cũng giảm trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 8. May mắn thay, xe hybrid lại cho dấu hiệu tích cực hơn so với các loại xe khác bởi khách hàng coi chúng là sự kết hợp hợp lý giữa xe ICE và xe chạy điện hoàn toàn.
Ba nhà sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu là Volkswagen, Stellantis và Renault lần lượt giảm 14,8%, 29,5% và 13,9% trong doanh số tháng 8. Ngay cả Tesla cũng không tránh khỏi tình trạng này, công ty của Elon Musk ghi nhận mức giảm 43,2% vào tháng trước. Nhìn chung, doanh số bán hàng tại châu Âu thấp hơn mức trước Covid-19 và Volkswagen cho biết xu hướng này có thể tiếp tục diễn ra trong tương lai gần.
Một phần nguyên nhân dẫn đến sự giảm sút của doanh số xe điện được cho là do các chính sách khác nhau về ưu đãi cho xe điện tại châu Âu bởi các cơ quan quản lý đã áp dụng mức thuế quan cao nhằm cố gắng ngăn chặn xe điện giá rẻ của Trung Quốc nhưng điều này vô tình làm tăng chi phí mua ô tô điện mới nói chung. Trong nỗ lực phục hồi thị trường, đầu tháng này, Đức đã đồng ý giảm thuế lên tới 40% cho các công ty bán xe điện.
Bất chấp những khó khăn hiện tại, nhiều chuyên gia tin rằng thị trường sẽ sớm phục hồi, giúp xe điện chạy bằng pin sẽ đạt tổng thị phần từ 20% đến 24% vào năm 2025 tại EU nhờ có được mức giá phân phối thấp hơn.
Nhập khẩu dầu diesel của châu Âu dự kiến đạt mức cao kỷ lục trong tháng 9 nhờ vào những vị cứu tinh này.
Theo Oilprice, các sản phẩm dầu mỏ bao gồm dầu diesel vào Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh dự kiến tăng mạnh trong tháng 9, lên mức cao nhất trong 1 năm rưỡi trở lại đây. Các chuyến hàng từ Trung Đông cùng với Mỹ đã trở thành vị cứu tinh thực thụ bù đắp cho nguồn cung từ Nga vào châu Âu.
Dẫn số liệu từ công ty phân tích Kpler, nhập khẩu dầu diesel và gasoil vào khu vực châu Âu có thể đạt khoảng 1,36 triệu thùng/ngày trong tháng này. Đó là mức cao nhất kể từ tháng 4 năm 2023, khi châu Âu tăng cường thu hút dầu diesel từ các khu vực khác sau lệnh cấm vận của khối đối với nhiên liệu của Nga vào tháng 2/2023.
Nhu cầu diesel ở châu Âu gần đây đã giảm so với những năm trước, phần lớn là do hoạt động công nghiệp yếu kém và mức tiêu thụ nhiên liệu đường bộ thấp hơn. Tuy nhiên, dự kiến việc giảm mạnh công suất của nhà máy lọc dầu ở châu Âu trong bối cảnh bảo trì theo mùa có khả năng hạn chế nguồn cung nhiên liệu ở lục địa trong tháng này.
Esteban Moreno Cots, nhà phân tích nhu cầu cấp cao tại Kpler cho biết: “Tháng 9 thường là tháng có nhu cầu cao về vận chuyển hàng hóa và dầu diesel ở châu Âu, trùng với thời điểm bắt đầu mùa bảo trì nhà máy lọc dầu vào mùa thu, điều này làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt dầu diesel trên lục địa này. Mỹ có vị trí tốt để giúp thu hẹp khoảng cách này.”
Mỹ đã vượt qua Saudi Arabia để trở thành nhà cung cấp lớn nhất cho châu Âu vào tháng 7 và vẫn tiếp đà trong những tháng tới. Nhập khẩu dầu diesel của châu Âu từ Mỹ tăng vọt lên gần nửa triệu thùng/ngày trong tháng 8, mức cao nhất theo dữ liệu của Kpler kể từ đầu năm 2017.
Xuất khẩu từ Mỹ dự kiến sẽ giảm trong tháng 9 xuống còn khoảng 409.000 thùng/ngày. Con số này vẫn gần gấp đôi nguồn cung từ Saudi với khoảng 212.000 thùng/ngày. Hoạt động sản xuất mờ nhạt ở Mỹ trong quý 2 và quý 3 vừa qua đã làm giảm mức tiêu thụ các sản phẩm từ dầu mỏ. Điều đó đã làm giảm giá ở Mỹ và khiến mức chênh lệch giá ở châu Âu trở nên sinh lợi hơn.
Nhập khẩu từ Trung Đông dự kiến sẽ tăng lên khoảng 664.000 thùng/ngày trong tháng này. Dòng chảy từ UAE và Oman được coi là cao nhất trong dữ liệu từ Kpler kể từ đầu năm 2017.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết trong một báo cáo tuần trước rằng các nhà máy lọc dầu chi phí thấp ở Mỹ đang cạnh tranh với các nhà máy lọc dầu quốc gia thuộc sở hữu của Chính phủ Trung Đông để thiết lập mức giá thấp nhất. IEA cho biết: các sản phẩm dầu mỏ của Trung Đông hiện đang cạnh tranh với xuất khẩu của vùng Vịnh tại Mỹ để giành được nhu cầu ở châu Âu.
Chính phủ của tân Thủ tướng Michel Barnier đang phải chịu áp lực lớn về việc giải quyết tình hình tài chính bấp bênh của Pháp.
Ngày 24/9, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Tài chính và Công nghiệp Pháp, ông Antoine Armand nhận định thâm hụt ngân sách của nước này đang ở một trong những mức tồi tệ nhất từ trước đến nay, đồng thời không loại trừ khả năng đánh thuế thu nhập đối với những người giàu có và doanh nghiệp lớn nhằm kiềm chế mức thâm hụt ngân sách.
Trả lời phỏng vấn đài phát thanh France Inter, ông Armand bày tỏ quan ngại trước tình hình ngân sách của Pháp đang rất nghiêm trọng và thâm hụt ngân sách hiện nay đang ở mức rất tồi tệ. Ông cho biết sẽ có các cuộc thảo luận với các nghiệp đoàn và các tổ chức khác có liên quan đến hoạt động kinh tế để cắt giảm tình trạng chi tiêu quá mức.
Chính phủ mới dưới thời Thủ tướng Michel Barnier đang đứng trước nhiều áp lực với nhiệm vụ lớn đầu tiên là đệ trình kế hoạch ngân sách năm 2025 để giải quyết tình hình tài chính của Pháp. Kế hoạch này trước hết sẽ được trình lên (Quốc hội) Hạ viện vốn bị chia rẽ sau cuộc bầu cử hồi tháng 7 vừa qua. Trong khi đó, liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân Mới (NFP) và đảng cực hữu Tập hợp quốc gia (RN) đang có kế hoạch thúc đẩy một cuộc bỏ phiếu “bất tín nhiệm” đối với chính phủ mới, sau khi lên tiếng phản đối danh sách Nội các mới được công bố ngày 21/9.
Phát biểu trên đài truyền hình France 2 ngày 22/9, Thủ tướng Michel Barnier kêu gọi "nỗ lực toàn quốc" để giảm thâm hụt khu vực công, gợi ý rằng những người có thu nhập cao và các doanh nghiệp quy mô lớn sẽ phải "góp sức" để giúp tài chính công phục hồi.
Áp lực chấm dứt sự phụ thuộc của Áo vào khí đốt Nga không chỉ đến từ trong nước mà còn đến từ giới lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels.
Khi Áo tổ chức cuộc tổng tuyển cử tiếp theo vào ngày 29/9, Đảng Bảo thủ (ÖVP) cầm quyền và Đảng Xanh (Greens) sẽ tiếp tục hợp tác về các vấn đề năng lượng, nhằm chấm dứt sự phụ thuộc của quốc gia Trung Âu vào khí đốt Nga mà Đảng Tự do (FPÖ) đối lập đã tích cực bảo vệ.
Áp lực chấm dứt sự phụ thuộc năng lượng của Áo vào Nga không chỉ đến từ trong nước mà còn đến từ giới lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels. Bản cập nhật gần đây về chiến lược an ninh quốc gia đã xác nhận cam kết trên toàn EU về việc loại bỏ hoàn toàn khí đốt Nga vào giữa năm 2027.
Các cuộc thăm dò ý kiến trước thềm bầu cử chỉ ra rằng không có đảng nào được kỳ vọng sẽ giành đủ số ghế để giành được đa số tuyệt đối trong Quốc hội Áo khóa mới, trong khi Đảng FPÖ đối lập có một chút lợi thế hơn so với các đối thủ của mình.
Cụ thể, các cuộc thăm dò cho thấy sự ủng hộ của cử tri dành cho Đảng FPÖ vào khoảng 27-29%, chỉ dẫn trước ÖVP một điểm.
Ba chính đảng khác cũng được dự đoán sẽ giành được khoảng 10% số phiếu bầu. Các đảng này đã từ chối thành lập liên minh cùng với lãnh đạo Đảng FPÖ Herbert Kickl. Điều này có thể mở đường cho một liên minh cầm quyền với quyết tâm cao hơn trong việc tách Áo khỏi các mối quan hệ năng lượng với Nga.
Theo đó, kịch bản khả thi hiện nay là liên minh cầm quyền hậu bầu cử sẽ bao gồm Đảng ÖVP của đương kim Thủ tướng Áo Karl Nehammer.
Hồi tháng 7, quốc gia Trung Âu này vẫn nhập khẩu 83% khí đốt từ Nga, trong khi EU nói chung chỉ nhập khẩu 15% loại nhiên liệu này từ Nga.
Áo là một trong những quốc gia EU phụ thuộc nặng nề nhất vào khí đốt Nga. Trong 2 năm qua, lạm phát ở nước này cũng đã vượt qua mức trung bình của EU, mặc dù nền kinh tế đang trên đà suy thoái.
Bức tranh kinh tế ảm đạm này phần lớn là do sự suy thoái kinh tế của đối tác thương mại chính của nước này, là Đức – cường quốc công nghiệp số 1 châu Âu vốn cũng đang phải vật lộn với cả quá trình chuyển đổi năng lượng và sự cạnh tranh từ Trung Quốc.
Hiện tại, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Khí hậu Áo Leonore Gewessler đã vạch ra một kế hoạch để quốc gia Trung Âu đạt được sự độc lập về năng lượng lâu dài, bằng cách nhập khẩu khí đốt qua đường ống từ Đức và Italy.
"Sự phụ thuộc lớn vào nguồn cung khí đốt của Nga là một rủi ro kinh tế và an ninh lớn đối với Áo", Bộ năng lượng Áo cho biết trong một tuyên bố. "Do đó, điều cần thiết cho an ninh của đất nước chúng ta là tiếp tục giảm mức tiêu thụ khí đốt và ngừng mua khí đốt của Nga".
Wien Energie, đơn vị mua và phân phối khí đốt tự nhiên lớn nhất tại Vienna, hôm 13/9 cho biết họ có kế hoạch loại bỏ dần khí đốt Nga vào năm 2025.
Trước đó, công ty tiện ích của Vienna trở nên nổi tiếng trên toàn EU khi công bố những nỗ lực tiên phong nhằm thúc đẩy năng lượng địa nhiệt ở các thành phố lớn, cũng như trong cuộc khủng hoảng năng lượng năm 2022, khi công ty này gần như phá sản do thiếu biện pháp phòng ngừa giá tăng đột biến.
Tuy nhiên, nguy cơ thiếu hụt năng lượng ở Áo đã tăng lên kể từ khi Ukraine cho biết họ sẽ không gia hạn thỏa thuận trung chuyển với Gazprom, sẽ hết hạn vào cuối năm 2024. Theo thỏa thuận này, Ukraine đã vận chuyển khí đốt của Nga đến Áo.
Theo số liệu chính thức, cơ cấu năng lượng của Áo chủ yếu là thủy điện (59,41%), tiếp theo là phong điện (12,06%), khí đốt (10,64%), quang điện (7,73%), năng lượng sinh học (5,35%), nhiên liệu hóa thạch khác (4,73%) và than (0,09%).
Nguồn: Lao Động; VOV; Soha; Bnews; Người Đưa Tin
EU: Lũ 'trăm năm có 1'; Học mô hình kinh tế của Mỹ; Tham vọng chip gặp khó; Thách thức với lãnh đạo mới; Vụ án chấn động nước Pháp
EU: Nguy cơ thiếu khí đốt; Học mô hình kinh tế của Mỹ; Ống ngầm xuyên liên minh; Ác mộng với các công ty; Nợ công Pháp tiếp tục tăng
EU: Lũ lụt gây thiệt hại lớn; Kinh tế tụt hậu; Nhiều công ty vẫn làm ăn với Nga; Mối đe dọa kép từ TQ; Thách thức với tân nội các Pháp
EU: Nỗ lực chặn người di cư; Khả năng ECB giảm lãi suất; DN phụ thuộc hàng TQ; Siết quy định các dự án hydro; Họp bất thường vì Liban
Hỏa hoạn lớn bùng phát tại trung tâm mua sắm Marywilska tại thủ đô Warsaw vào rạng sáng 12.05.2024 thiêu rụi hàng trăm gian hàng. Bao người Việt kinh doanh ở đây bất lực nhìn tài sản bỗng chốc tan thành mây khói.
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá