EU: Vẫn chờ khách TQ; Nguy cơ tan rã khối; Lãnh đạo gấp rút thăm TQ; Chính sách TQ; Dân Pháp giận sục sôi

Châu Âu vẫn chờ khách Trung Quốc

(Ảnh minh họa).

Du lịch châu Âu vẫn tiếp tục phải tìm nguồn khách thay thế, khi người Trung Quốc chưa thể đến vào mùa hè này như dự kiến.

Urs Kessler, CEO Jungfrau Railways, chuyến tàu đưa khách du lịch lên ngọn núi cao nhất ở Thụy Sĩ, vui mừng khi Trung Quốc dỡ bỏ mọi hạn chế đi lại. Nhưng ngoại trừ một nhóm nhỏ đến vào tháng 2, và một vài nhóm lớn dự kiến đến vào tháng 5, Kessler hầu như không gặp thêm nhóm khách Trung nào.

Nhiều công ty lữ hành gặp tình trạng giống Kessler. Họ thất vọng vì lượng đặt phòng đến từ khách Trung Quốc thấp hơn dự kiến. Trong khi đó, đây là tệp khách được xếp vào hàng "chi tiêu cao". Trước dịch, mỗi khách Trung đến châu Âu thường tiêu 1.500-3.000 euro, theo Global Times. Hiện theo dữ liệu từ Công ty Du lịch ForwardKeys, lượng đặt các chuyến bay của khách Trung đến châu Âu trong tháng 8 (mùa cao điểm) chỉ bằng một phần ba trước dịch.

Ngành du lịch châu Âu cũng đang vật lộn với những vị khách nội địa có kinh tế eo hẹp hơn sau dịch. Họ tìm kiếm các kỳ nghỉ giá rẻ hơn khi giá năng lượng và thực phẩm đang tăng. Hè này đánh giấu mùa hè thứ hai châu Âu mở cửa. Dù vậy, ngành du lịch vẫn cần "một chặng đường dài để phục hồi hoàn toàn".

Trước dịch, Trung Quốc chiếm 10% số lượt lưu trú của khách du lịch ngoài EU ở châu Âu. Họ có sở thích đặc biệt là mua hàng hiệu, ăn uống sang chảnh. Tuy nhiên sau dịch, khách Trung đang phải đối mặt với nhiều hạn chế về thị thực, thời gian cấp lại hoặc mới hộ chiếu phải đợi lâu, chi phí du lịch tăng. Điều này dẫn đến việc du khách quan tâm tới các chuyến đi gần như Hong Kong, Thái Lan hoặc Ma Cao, hơn xuyên lục địa.

Đối với những người thuộc tầng lớp trung lưu, chi phí đi châu Âu cũng là một yếu tố cản trở. "Tiền chắc chắn là một phần cần cân nhắc. Rất nhiều chuyến bay vẫn chưa được mở - điều đó khiến việc sớm đến châu Âu trở nên khó khăn hơn", Stephanie Lin, sống ở Thượng Hải, cho biết.

Đứng trước tình trạng này, các nhà điều hành tour châu Âu đang tìm những tệp khách khác thay thế, đặc biệt là Mỹ. Một số nhà phân tích dự đoán các khách Mỹ đổ xô đến London và Paris có thể vượt qua mức của năm 2019.

Sophie Lu, 26 tuổi, đến London vào đầu tháng 3 từ Hawaii. Cô rất ngạc nhiên vì giá cả đồ ăn phải chăng. "Tôi không có ý định tiêu xài hoang phí. Nhưng tôi nhận thấy giá cả rẻ hơn nơi tôi đang sống", cô nói khi đứng trước cổng cung điện Buckingham.

Trên đại lộ Champs-Elysee ở Paris, Colleen Danielson, 40 tuổi, đến từ Boston, cho biết cô cũng muốn chi tiêu nhiều hơn vì đồng USD tăng giá. Còn Kessler hy vọng các nhóm khách đến từ Hàn Quốc và Ấn Độ sẽ bù đắp cho sự thiếu hụt khách Trung Quốc trong năm nay, ngoài Mỹ.

Bên cạnh đó, những người làm trong ngành dịch vụ cũng hy vọng vào hai quý cuối năm, khi chính sách thị thực được nới lỏng với khách Trung Quốc, nhiều chuyến bay nối lại, lượng khách đại lục sẽ tăng. Do đó, họ đã chuẩn bị trước các chiến dịch quảng cáo, nhằm thu hút tệp khách này trên WeChat.

Bicester Village, một cửa hàng gần Oxford, cũng đang sử dụng WeChat để hỗ trợ khách Trung mua sắm. "Đầu năm sẽ không có gì thay đổi, nhưng sau đó sẽ khởi sắc hơn vào cuối năm", Kessler nói.

(Nguồn: Vnexpress)

'EU có nguy cơ tan rã trước sự vui mừng của Mỹ và Anh'

Liên minh châu Âu (EU) đang đối diện nguy cơ tan rã do một số vấn đề nghiêm trọng, trong đó bao gồm cuộc biểu tình ở Pháp.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ PolitExpert (PE), nhà kinh tế học người Nga - ông Mikhail Khazin đã bình luận về hội nghị thượng đỉnh EU được tổ chức vào ngày 23 tháng 3.

Sự kiện không gây ra "phản ứng khủng khiếp" ngay cả trên các phương tiện truyền thông, có một lời giải thích cho điều này.

Theo chuyên gia Khazin, do hiện tại ở nước Hoa Kỳ, một số nhóm tinh hoa chính trị bắt đầu quá trình đấu tranh với nhau trước bầu cử nên thông tin bị rò rỉ với số lượng lớn.

Người đối thoại của tờ PE cho rằng Hoa Kỳ đã lên kế hoạch rằng sự sụp đổ của EU và tình trạng hỗn loạn tại Cựu lục địa sẽ bắt đầu vào cuối năm 2023 - đầu năm 2024, nhưng điều này đang xảy ra ngay bây giờ. Một ví dụ rõ nét chính là những cuộc biểu tình tại Pháp.

“Hôm nay chúng ta thấy rằng các cuộc biểu tình rầm rộ ở Pháp chưa có dấu hiệu sớm chấm dứt. Những người theo trào lưu chính thống Hồi giáo vẫn chưa tham gia, đây là một phản ứng thuần túy đối với hành động bị xem là độc đoán của Tổng thống Macron, khi cải cách được thông qua với việc vượt mặt quốc hội”, nhà kinh tế học giải thích.

Tình trạng bất ổn diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng ngân hàng ở EU và các vấn đề tài chính rất nghiêm trọng tiếp tục phát sinh.

Chuyên gia Khazin lưu ý rằng bản thân ông có xu hướng tin rằng Liên minh châu Âu, ít nhất là phần phía Tây của tổ chức, có thể sụp đổ vào mùa hè này.

"Hoa Kỳ cũng quan tâm đến điều này, họ đang cố gắng kéo sản xuất của EU từ Tây Âu sang lãnh thổ của mình. Bên cạnh đó là Anh - quốc gia muốn tạo ra khu vực tiền tệ của riêng mình", ông Khazin nói thêm.

Theo chuyên gia kinh tế người Nga, châu Âu sẽ không thể thoát khỏi tình hình hiện tại. Trong nhiều tháng liên tiếp, doanh số bán lẻ liên tục sụt giảm, điều này đồng nghĩa với việc mức sống của người dân đi xuống, yếu tố cực kỳ nguy hiểm.

Cuối cùng, ông Khazin lưu ý rằng EU không thể đưa ra đánh giá đầy đủ về những gì đang xảy ra, những gì một số nhà lãnh đạo châu Âu nói trước công chúng đơn giản là quá sai lầm.

(Nguồn: Soha)

Vì sao nhiều lãnh đạo châu Âu gấp rút đến thăm Trung Quốc?

(Ảnh minh họa).

Tổng thống Pháp, Thủ tướng Tây Ban Nha và Chủ tịch Ủy ban châu Âu dự kiến sẽ có các chuyến thăm nối tiếp đến Trung Quốc trong tháng 4 tới.

Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đang gấp rút đến thăm Trung Quốc trong tháng 4 tới, ngay sau chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Nga, nhằm thúc đẩy hơn nữa các tuyên bố của Bắc Kinh về vai trò "kiến tạo hòa bình" của nước này, cũng như vận động Trung Quốc không tiến lại gần thêm Matxcơva.

Lo ngại liên minh quân sự Nga - Trung

Theo dự kiến, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez sẽ đến thăm Trung Quốc trong tuần đầu tháng 4. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã thuyết phục được Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cùng đi trong chuyến thăm Trung Quốc vào ngày 4-4.

Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell có thể cũng sẽ đến Bắc Kinh nhân dịp tới dự Hội nghị thượng đỉnh các ngoại trưởng nhóm G7 tại Nhật Bản vào ngày 16-4, để có những "đối thoại chiến lược" với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương.

Đến thăm Trung Quốc, các nhà lãnh đạo châu Âu được cho là sẽ thuyết phục quốc gia này không cung cấp vũ khí cho Nga, lo ngại việc Matxcơva nhận vũ khí từ Trung Quốc có thể là "ngòi nổ" cho Chiến tranh thế giới thứ III.

Hiện Tây Âu đang lo lắng về khả năng can thiệp quân sự của Trung Quốc vào chiến tranh Ukraine. Nếu điều này xảy ra, cán cân sẽ nghiêng về phía có lợi cho Matxcơva, đồng thời cũng mở rộng thêm cuộc xung đột với sự tham gia của khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Mỹ.

Theo nguồn tin chính phủ của báo SCMP, nếu phương Tây không có động thái gây áp lực nào trong vấn đề vũ khí, Bắc Kinh có thể sẽ "tự tin" cung cấp vũ khí cho Nga.

Một quan chức ngoại giao cho rằng kỳ vọng cho các chuyến thăm này là khá thấp, "nhưng điểm mấu chốt là đến và truyền đạt các quan điểm này với tư cách cá nhân (của các nhà lãnh đạo)".

Trong khi Trung Quốc đã làm châu Âu ngạc nhiên với vai trò "môi giới" cho việc tái thiết lập ngoại giao giữa Iran và Saudi Arabia ngày 10-3 vừa qua, chuyến thăm đến Bắc Kinh cũng sẽ giúp các nhà lãnh đạo châu Âu đánh giá được thiện chí "kiến tạo hòa bình" của Trung Quốc đối với cuộc chiến tại Ukraine.

Đến vì mục đích kinh tế riêng

Các vấn đề liên quan đến Trung Quốc trong chiến tranh Ukraine là điều duy nhất mà các quốc gia thành viên thuộc Liên minh châu Âu có chung tiếng nói.

Trong một hội nghị họp kín vào tuần trước, các quốc gia châu Âu đã không thể đoàn kết để đưa ra chính sách kinh tế chung của khối đối với Bắc Kinh, trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh như hiện nay.

Theo nhận định, nhân dịp chuyến thăm, Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Tây Ban Nha Sanchez có thể sẽ ký một loạt thỏa thuận thương mại song phương với Trung Quốc, nỗ lực củng cố hơn nữa nền kinh tế riêng của từng quốc gia.

(Nguồn: Tuổi Trẻ)

Chính sách Trung Quốc của EU sẽ định hình quan hệ xuyên Đại Tây Dương

Với các khoản đầu tư lớn, khả năng tiếp cận mọi tầng lớp xã hội châu Âu và ảnh hưởng ngày càng tăng, Trung Quốc sẵn sàng mở rộng đáng kể vai trò của mình ở châu Âu. Do đó, những quyết định mà EU đưa ra khi đề cập đến mối quan hệ với Trung Quốc sẽ tác động đến mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương trong thập kỷ tới.

Theo nhận định mới đây của chuyên gia nghiên cứu cấp cao về an ninh và các vấn đề quốc tế Andrew A. Michta tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Âu George C. Marshall (Đức), nhờ các khoản đầu tư và khả năng tiếp cận mọi tầng lớp của xã hội châu Âu, Trung Quốc đang sẵn sàng mở rộng đáng kể vai trò của mình trong nền chính trị EU.

Mặt khác, khi Bắc Kinh nhận thấy khả năng tiếp cận công nghệ Mỹ và những cơ sở nghiên cứu và phát triển (R&D) của họ ngày càng bị hạn chế, thì việc tiếp cận các tập đoàn công nghệ châu Âu và cơ sở R&D của EU sẽ ngày càng quan trọng.

Trong khi đó, sự phụ thuộc của châu Âu - và đặc biệt là Đức - vào các thành phần phụ và thị trường rộng lớn của Trung Quốc đã tăng lên đến mức đã giúp Bắc Kinh có đòn bẩy đáng kể trong mối quan hệ với các chính phủ trong EU.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen từng nói rằng EU muốn giảm thiểu rủi ro nhưng không tách rời khỏi Trung Quốc. Gần đây nhất vào ngày 24/3, một người phát ngôn của EU cho biết, bà Leyen sẽ tới Trung Quốc cùng với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào tuần đầu tiên của tháng 4 tới để bày tỏ "tiếng nói thống nhất" với Trung Quốc.

Vì vậy, ông Michta cho rằng, những quyết định mà EU hiện phải đưa ra khi đề cập đến mối quan hệ với Trung Quốc trong tương lai sẽ có ảnh hưởng đến việc định hình các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương trong thập kỷ tới.

Cũng cần lưu ý rằng ngay trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ EU sang Trung Quốc đã đạt hơn 140 tỷ euro, trong khi cùng thời điểm đó, FDI của Trung Quốc vào EU ở mức xấp xỉ 120 tỷ euro.

Nhưng bất chấp sự sụt giảm đầu tư của EU vào Trung Quốc trong đại dịch giai đoạn 2020-2021, năm 2022 đã chứng kiến ​​sự đảo ngược đáng kể của xu hướng này, với các khoản đầu tư của EU vào quốc gia Đông Á trên tăng 92,2% so với cùng kỳ trước đó một cách đáng kinh ngạc - và đặc biệt là từ Đức tăng 52,9%.

Mặc dù đầu tư của EU vẫn còn tương đối khiêm tốn so với quy mô của nền kinh tế Trung Quốc, nhưng nó nhắm vào các chuỗi cung ứng quan trọng mà ngành công nghiệp châu Âu cần và có khả năng tăng theo cấp số nhân trong những năm tới.

Tương tự như vậy, đầu tư của Trung Quốc vào EU đã ưu tiên vào hàng loạt cơ sở hạ tầng quan trọng của châu Âu — đặc biệt là cảng, sân bay, công ty năng lượng, trang trại năng lượng gió và mặt trời, cũng như các công ty viễn thông. Ở một số lĩnh vực, các đối tác từ Trung Quốc có thể mua một số công ty châu Âu sáng tạo nhất - ví dụ như KUKA Robotics của Đức, nhà cung cấp hàng đầu các hệ thống robot thông minh.

Do đó, tầm quan trọng ngày càng tăng của Trung Quốc với tư cách là một đối tác kinh doanh của châu Âu sẽ định hình các quyết định chính sách trên toàn khối trong hai đến ba thập kỷ tới, đặt các ưu tiên của EU vào nguy cơ xung đột tiềm tàng với các mục tiêu chiến lược của Mỹ, vốn sẽ tập trung vào việc đối đầu với Trung Quốc về kinh tế, quân sự và công nghệ, thậm chí là cả ý thức hệ.

Hiện các doanh nhân và nhà phân tích châu Âu cho rằng họ coi thị trường Trung Quốc là không thể thiếu đối với sự thành công kinh tế của EU. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp lập luận rằng Trung Quốc có thị trường nội địa lớn nhất thế giới, với 1,4 tỷ khách hàng tiềm năng và họ chỉ ra rằng lĩnh vực sản xuất phát triển mạnh của Trung Quốc đóng vai trò quan trọng đối với mạng lưới chuỗi cung ứng của chính họ. Họ cũng cho rằng Trung Quốc có vị trí địa lý thuận lợi, gần các thị trường mới nổi ở châu Á và các tuyến hàng hải quan trọng.

Nhìn chung, các nhà phân tích châu Âu coi Trung Quốc là nền kinh tế hàng đầu thế giới khi xét theo sức mua tương đương, nhờ tăng trưởng bùng nổ trong nhiều thập kỷ. Họ cũng chỉ ra thực tế là chi phí lao động ở Trung Quốc vẫn tương đối thấp và quan trọng nhất là những gì họ coi là sự bổ sung giữa ngành sản xuất có giá trị gia tăng cao ở châu Âu và Trung Quốc, cũng như tiềm năng của thị trường tiêu dùng Trung Quốc là yếu tố quan trọng để phát triển lĩnh vực xuất khẩu của họ. Điểm này đặc biệt đúng ở Đức, nơi xuất khẩu chiếm gần 40% GDP của Berlin.

Vì vậy, trong khi cuộc tranh luận hiện nay ở Washington chủ yếu tập trung vào cuộc xung đột ở Ukraine, và ngày càng nhiều về việc Mỹ nên đi bao xa trong việc hỗ trợ Ukraine trong cuộc đối đầu với Nga, một số chuyên gia lưu ý rằng sự ủng hộ của Mỹ liên quan đến cuộc xung đột Nga - Ukraine đang khiến Washington bị phân tâm khỏi đối thủ thực sự: Trung Quốc.

Chuyên gia Michta kết luận, những gì đang xảy ra ở châu Âu hiện nay – không chỉ về kết quả của cuộc xung đột Nga - Ukraine, mà còn về cách EU xác định mối quan hệ của họ với Trung Quốc trong tương lai – sẽ định hình các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương với các đồng minh chủ chốt ở châu Âu. Và những lựa chọn của EU khi nói đến chính sách đối với Trung Quốc cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả cạnh tranh của Mỹ với Trung Quốc ở các mặt trận khác.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

Người dân Pháp giận dữ sôi sục

(Ảnh minh họa).

Ở quốc gia có "văn hóa" biểu tình như Pháp, không bất ngờ khi hàng trăm nghìn người xuống đường phản đối kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu - vốn không được lòng dân - của chính phủ.

Ở tuổi 17, Elisa Fares - học sinh trung học tại Paris - trải qua một trong những ngày đáng nhớ nhất trong đời: Ngày cô lần đầu xuống đường biểu tình.

Khi cùng với đoàn người diễu hành trên đường phố Paris, Fares vừa háo hức nhưng cũng vừa lo lắng. Cô được hai người bạn - đều từng được bố mẹ dẫn đi biểu tình từ nhỏ - hướng dẫn. Họ đã mang sẵn thuốc nhỏ mắt và mặt nạ phòng độc phòng trường hợp cảnh sát sử dụng hơi cay.

“Người Pháp nổi tiếng với tính đấu tranh. Chúng tôi sẽ đấu tranh”, Coline Marionneau, bạn của Fares, nói với AP. “Mẹ tôi đã tham gia khá nhiều cuộc biểu tình. Mẹ nói rằng khi bạn có điều gì cần nói, hãy đi biểu tình”.

Đây chắc chắn không phải tin tốt với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Chính phủ Pháp đã châm ngòi sự giận dữ của công chúng với kế hoạch cải cách hưu trí, bao gồm tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64.

Nỗi bất bình với ông Macron

Người biểu tình không chỉ bất mãn với nội dung của kế hoạch, mà còn với cả cách ông Macron thông qua cải cách mà không trình qua Quốc hội - do không chắc giành được đa số. Thay vào đó, ông chỉ thị Thủ tướng Élisabeth Borne sử dụng một đặc quyền trong điều 49.3 Hiến pháp Pháp để giúp luật được thông qua.

Đây đã là lần thứ 11 bà Borne kích hoạt điều này chỉ trong vòng 10 tháng - chỉ dấu cho thấy vị thế suy yếu của ông Macron sau khi không giành được đa số trong Quốc hội sau cuộc bầu cử tháng 6/2022.

Những người chỉ trích cho rằng ông Macron đang điều hành đất nước qua sắc lệnh - thậm chí so sánh ông với các vị vua trong quá khứ. Đây cũng là “giọt nước làm tràn ly” thúc đẩy Fares tham gia biểu tình.

“Đó là sự tấn công vào nền dân chủ”, Fares nói. “Điều này khiến tôi rất tức giận”.

“Chúng tôi phải sử dụng phong trào để thêm nhiều người trẻ quan tâm tới chính trị hơn nữa”, Luna Dessommes, bạn của Borne, bổ sung.

Không chỉ những người trẻ, mà cả nhiều người đã quá tuổi hưu cũng xuống đường. Ông Gilbert Leblanc, 76 tuổi, là người đã tham gia biểu tình nhiều lần trong quá khứ - ông cho rằng mình đã đi biểu tình tới 220 lần trong nhiệm kỳ đầu của ông Macron. Ông cáo buộc ông chủ điện Élysée là “tổng thống của người giàu”.

Tuy nhiên, tổng thống Macron không phải nhà lãnh đạo nước Pháp duy nhất bị ông Leblanc phản đối. Ông cũng từng tham gia cuộc biểu tình lớn - vốn đã định hình lại tương lai nước Pháp - tháng 5/1968. Ông cho biết nhiều người trẻ đã xin chụp ảnh với mình khi biết điều này.

Giờ đây, ông Leblanc chấp nhận tắt máy sưởi để tiết kiệm tiền nhằm mua vé tàu tới Paris mỗi cuối tuần để tham gia biểu tình.

“Ông nội tôi đã tham chiến trong Thế chiến I và giành được huân chương. Ông ấy sẽ nhảy khỏi nấm mồ nếu biết rằng tôi ngồi trong nhà, trên ghế sofa và không làm gì”, ông Leblanc nói. “Mọi điều chúng tôi giành được đến từ máu và nước mắt”.

Tác động tiêu cực

Các cuộc biểu tình đang khiến uy tín của ông Macron sụt giảm, không chỉ ở nước Pháp mà còn cả trên trường quốc tế. Vị tổng thống Pháp đã buộc phải hoãn vô thời hạn chuyến thăm cấp nhà nước của Vua Anh Charles III, AFP đưa tin.

Chính phủ Pháp lo ngại chuyến thăm có thể trở thành mục tiêu khi thời điểm dự kiến trùng với một cuộc biểu tình lớn với hàng trăm nghìn người tham gia. Giờ đây, thay vì Pháp, Đức mới là quốc gia đầu tiên mà Vua Charles III viếng thăm kể từ khi lên ngôi.

Khi các cuộc biểu tình nổ ra, bạo lực đi kèm như một điều không tránh khỏi. Cuối tuần trước, hàng chục người đã bị thương khi cảnh sát Pháp và các nhà vận động môi trường đụng độ trong một cuộc biểu tình ở vùng nông thôn phía Tây nước Pháp.

Cảnh sát Pháp đã phải sử dụng hơn 4.000 quả lựu đạn phi sát thương, theo Le Monde, trong khi người biểu tình cũng ném đá, pháo hoa hay bom xăng về phía lực lượng chức năng.

Fares cho biết mẹ cô từng không muốn cô đi biểu tình, nhưng sau đó đã chấp thuận.

“Bà ấy nói rằng nếu tôi muốn đấu tranh, bà ấy sẽ không ngăn cản”, Fares nói.

Phe biểu tình Pháp đang thu hút được ngày càng nhiều người tham gia, bao gồm những người trẻ còn rất lâu nữa mới chịu tác động của kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu.

Đây là một dấu hiệu xấu với ông Macron, cho thấy cuộc biểu tình đã vượt ra ngoài phạm vi tuổi nghỉ hưu và chạm đến cả các vấn đề khác, chứng tỏ nỗi thất vọng của một bộ phận không nhỏ người dân Pháp với ông.

“Sự bực bội và tức giận đã ở mức mà tôi hiếm khi nhận thấy”, cựu Tổng thống Pháp François Hollande, người tiền nhiệm của ông Macron, nói.

(Nguồn: Zing News)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang