EU: Tỷ lệ sinh giảm kỷ lục; ‘Gáo nước lạnh’ lên hàng xa xỉ; Xoay sở trong thế khó; ‘Euro Eyes’ thay thế tình báo Mỹ; Xích gần các đối tác NATO

CẢNH BÁO: TỶ LỆ SINH GIẢM KỶ LỤC

Tỷ lệ sinh tại EU giảm xuống mức thấp kỷ lục trong năm 2023, làm dấy lên lo ngại về suy giảm dân số và áp lực kinh tế.

Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho biết tỷ lệ sinh tại Liên minh châu Âu (EU) năm 2023 đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, gây lo ngại về suy giảm dân số và áp lực kinh tế.

Theo báo cáo công bố ngày 7/3, số trẻ sơ sinh chào đời tại EU trong năm 2023 là 3,67 triệu, giảm 5,4% so với năm 2022. Tỷ lệ sinh trung bình trong khối là 1,38 ca sinh/phụ nữ, giảm so với mức 1,46 của năm trước và thấp hơn nhiều so với mức 2,1 - ngưỡng cần thiết để duy trì sự ổn định dân số. Đây cũng là mức giảm hằng năm lớn nhất kể từ khi dữ liệu toàn EU bắt đầu được thu thập vào năm 1961.

Eurostat cho biết tỷ lệ sinh ở châu Âu đã liên tục giảm kể từ giữa những năm 1960, ngoại trừ một số giai đoạn phục hồi nhẹ và không thường xuyên trong 20 năm qua. Xu hướng này kéo theo sự suy giảm nguồn lao động và tạo áp lực lớn cho nền kinh tế, nhất là khi nhiều quốc gia có xu hướng siết chặt nhập cư do ảnh hưởng của các đảng cực hữu.

So sánh với quá khứ, vào năm 1964, EU ghi nhận 6,8 triệu trẻ em chào đời, gần gấp đôi so với năm 2023. Độ tuổi trung bình của phụ nữ sinh con đầu lòng cũng tăng lên 29,8 tuổi vào năm 2023, so với 28,8 tuổi hồi năm 2013.

Dữ liệu của Eurostat cũng chỉ ra sự chênh lệch đáng kể về tỷ lệ sinh giữa các nước thành viên. Bulgaria có tỷ lệ sinh cao nhất trong khối năm 2023, với 1,81 ca sinh/phụ nữ, tiếp theo là Pháp (1,66) và Hungary (1,55). Trong khi đó, Malta ghi nhận tỷ lệ sinh thấp nhất, chỉ 1,06 ca sinh/phụ nữ, theo sau là Tây Ban Nha (1,12) và Lithuania (1,18).

Mặc dù tỷ lệ sinh thấp và số ca tử vong cao, dân số EU vẫn tăng thêm 1,6 triệu người trong năm 2023, đạt 449,2 triệu người, chủ yếu nhờ dòng người nhập cư.

 

 

'GÁO NƯỚC LẠNH' LÊN HÀNG XA XỈ

Vốn kỳ vọng vào thị trường Mỹ để bù đắp nhu cầu ảm đạm từ Trung Quốc nhưng giờ đây, các thương hiệu xa xỉ châu Âu phải đối mặt "bài toán" thuế quan do ông Trump đặt ra.

Đầu tháng này, thương hiệu mỹ phẩm Horace (Pháp) đã gửi một lô hàng đường biển đến Mỹ. Dù thời gian vận chuyển kéo dài 3 tháng, Chủ tịch Marc Terlet vẫn hy vọng lô hàng sẽ tránh được các chính sách thuế mới của ông Trump.

Động thái của Horace phản ánh nỗ lực chung của nhiều thương hiệu xa xỉ trong việc bảo vệ lợi nhuận tại Mỹ - thị trường tiêu thụ hàng cao cấp lớn nhất thế giới.

Loay hoay trước đòn thuế mới của Trump

Thị trường Mỹ từng suy giảm liên tục 12 tháng, song khởi sắc đáng kể vào cuối năm 2024, đặc biệt trong mùa Lễ Tạ ơn và Giáng sinh.

Theo Joëlle de Montgolfier, Phó giám đốc Bain & Company, doanh thu ngành xa xỉ tại Mỹ đạt 80 tỷ euro trong tổng số 363 tỷ euro (393 tỷ USD) của toàn cầu năm 2024.

Thị trường này đã tiêu thụ 7,8% sản lượng quần áo của Pháp (trị giá 1,8 tỷ euro), gần 13% lượng mỹ phẩm (2,8 tỷ euro) và 13% túi xách (hơn 1 tỷ euro) năm vừa qua. Đây là nhà nhập khẩu mỹ phẩm và thời trang nữ lớn nhất của Pháp, và chỉ sau Trung Quốc về đồ da.

Trên thực tế, khi nhu cầu từ Trung Quốc vẫn ảm đạm, các doanh nghiệp xa xỉ châu Âu dồn kỳ vọng vào Mỹ trong năm nay, nhờ thị trường chứng khoán và tiền điện tử sôi động. UBS dự báo doanh số tại Mỹ tăng 6% nhờ USD mạnh, trong khi Trung Quốc giảm 1%.

CEO LVMH Bernard Arnault khẳng định Mỹ sẽ là động lực bù đắp doanh thu khi Trung Quốc chưa phục hồi trong 2 năm tới.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Pháp trong ngành thời trang và mỹ phẩm đang đối mặt với nhiều bất ổn. Từ khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ ngày 20/1 và cam kết áp thuế nhập khẩu trong bài phát biểu nhậm chức, nhiều doanh nghiệp cảm thấy như "bị dội gáo nước lạnh", theo chia sẻ của một chuyên gia trong ngành với Le Monde.

Lo ngại về thuế nhập khẩu đang lan rộng trong ngành hàng xa xỉ Pháp. François-Marie Grau, đại diện Liên đoàn Thời trang nữ Pháp, cảnh báo việc tăng thuế đột ngột sẽ gây ra "hậu quả kinh tế nghiêm trọng" cho nhiều doanh nghiệp.

Hiện mức thuế nhập khẩu quần áo nữ vào Mỹ dao động từ 10% đến 32%, buộc các thương hiệu phải tính toán lại chi phí cho cả các đơn hàng cũ và mới.

Đáng chú ý, dù có mối quan hệ tốt với Tổng thống Mỹ, Bernard Arnault, Chủ tịch LVMH, cũng tỏ ra thận trọng trước viễn cảnh thuế quan mới. Ông kỳ vọng tập đoàn sẽ tránh được đợt áp thuế lần này như đã từng trong nhiệm kỳ trước của ông Trump.

Các doanh nghiệp hàng xa xỉ đối mặt với lựa chọn khó khăn: Chấp nhận giảm lợi nhuận, tăng giá bán, đẩy mạnh sản xuất nội địa hay chuyển hướng sang các quốc gia có chi phí lao động thấp hơn.

Một chuyên gia trong ngành nhận định các thương hiệu xa xỉ có thể chịu được mức thuế cao hơn nhờ biên lợi nhuận lớn. Song, ông nhấn mạnh: "Đó không phải là cách ngành xa xỉ vận hành".

Hermès và Kering, với những mẫu túi xách và giày trị giá hàng nghìn USD, tin rằng có thể tận dụng sức mạnh thương hiệu để bù đắp chi phí thuế quan.

Axel Dumas, Chủ tịch Hermès, tuyên bố sẽ tăng giá sản phẩm tương ứng với mức thuế quan bổ sung. CEO Kering François-Henri Pinault cũng khẳng định các thương hiệu của tập đoàn như Gucci, Balenciaga và Yves Saint Laurent sẽ "xem xét lại chiến lược giá" nếu thuế quan được áp dụng, theo Reuters.

Song, các nhà phân tích cho rằng khả năng tăng giá của các thương hiệu trong năm nay rất hạn chế, do nhiều mặt hàng xa xỉ đã lập kỷ lục về giá trong những năm qua. Chẳng hạn, túi Chanel Classic Flap đã đắt gấp 3 lần so với năm 2010, trong khi túi Lady Dior và Louis Vuitton Keepall cũng tăng hơn gấp đôi.

"Chúng tôi đã bàn nhiều về hiện tượng 'lạm phát lòng tham' suốt 12 tháng qua, khi các thương hiệu đẩy giá quá xa, quá nhanh và quá cao, khiến họ dần đánh mất nhóm khách hàng trung lưu có khát vọng sở hữu hàng hiệu", chuyên gia từ HSBC, Erwan Rambourg, nhận định.

Do đó, giới phân tích tin rằng việc áp mức thuế 10-32% sẽ khiến hàng xa xỉ châu Âu suy giảm doanh số tại Mỹ, đặc biệt là các công ty như Burberry hay Kering, vốn phụ thuộc nhiều vào phân khúc khách hàng này hơn là nhóm siêu giàu.

Hồi tháng 2, chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Mỹ đã bất ngờ giảm xuống mức thấp nhất trong 7 tháng, khi lo ngại về lạm phát gia tăng và nguy cơ các hộ gia đình phải gánh chịu tác động từ chính sách thương mại của ông Trump.

Theo phân tích từ Citi, thói quen chi tiêu của nhóm khách hàng "aspirational" - những người sẵn sàng chi tiêu vượt ngân sách để nâng cao địa vị xã hội - vẫn chưa có dấu hiệu ổn định, đặt ra thách thức lớn cho các thương hiệu xa xỉ về việc cân bằng giá trong thời gian tới.

Vẫn còn hy vọng

Trước mắt, L'Oréal và LVMH đã bắt đầu gia tăng sản xuất tại các nhà máy ở Mỹ.

Các hiệp hội xa xỉ cũng đang tích cực vận động hành lang, trong đó một số liên đoàn mỹ phẩm kêu gọi Brussels thận trọng khi đáp trả Washington. Họ hy vọng Mỹ sẽ không bị EU áp thuế nhập khẩu mỹ phẩm nhằm đáp trả mức thuế 25% mà Mỹ áp lên thép, nhôm châu Âu hôm 11/2.

Bất chấp rủi ro, một số doanh nghiệp vẫn duy trì tinh thần lạc quan. Horace kỳ vọng mức thuế mới sẽ chỉ làm giá bán mỗi sản phẩm tăng thêm 1 USD - con số không quá lớn để ảnh hưởng đến hành vi mua sắm của người tiêu dùng Mỹ.

Horace vẫn tiếp tục chiến lược mở rộng tại Mỹ sau khi ra mắt trang bán hàng trực tuyến vào năm 2023 và đẩy mạnh quy mô gấp 10 lần nhờ có mặt trên Amazon từ ngày 3/3. Marc Terlet kỳ vọng sự "khó lường" trong chính sách thuế của Mỹ sẽ chỉ kéo dài trong nhiệm kỳ thứ 2 của ông Trump.

 

 

XOAY XỞ TRONG THẾ KHÓ

Chỉ riêng cụm từ "tái vũ trang châu Âu" cũng đã hàm ý đầy đủ và súc tích sự "thức tỉnh" của châu lục này

Các đồng minh và đối tác của Mỹ trong Liên minh châu Âu (EU) và NATO ở châu Âu bị bất ngờ và bối rối bởi những điều chỉnh chính sách đối ngoại của chính quyền mới ở Washington. Họ không khỏi thực sự hoài nghi về cam kết của Mỹ trong việc bảo đảm an ninh cho họ và tiếp tục hậu thuẫn Ukraine.

Họ quan ngại đặc biệt sâu sắc về chủ ý của Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa nước Mỹ xích lại gần Nga, định hình lại quan hệ hai nước. NATO và châu Âu không còn được Washington dành cho ưu tiên chính sách hàng đầu nữa. Họ thậm chí còn bị phía Mỹ xem là đối tượng gây thiệt hại lớn cho mình.

Tình cảnh mới này rất khó khăn và phức tạp, đẩy các đồng minh và đối tác của Mỹ ở châu Âu đến trước những thách thức ghê gớm mà xưa nay họ không hề tính đến và lường trước được. Vì thế, họ giờ đây phải vội vã xoay xở để ứng phó.

Những vấn đề đặt ra cho họ hiện nay không chỉ ở khía cạnh chính trị an ninh mà còn cả về kinh tế và thương mại. Để ứng phó kịp thời và hiệu quả, họ ý thức được rằng phải tăng cường đoàn kết nội bộ và phối hợp hành động trong mọi việc, đặc biệt là trong xử lý quan hệ với Washington.

Châu Âu phải giảm bớt và tiến tới không còn lệ thuộc vào Mỹ về bảo đảm an ninh, hợp tác kinh tế và thương mại, kỹ thuật hiện đại và công nghệ cao.

Đặc biệt cấp bách đối với châu Âu là tự chủ về phòng thủ và an ninh để phòng ngừa khả năng Mỹ giảm và thậm chí buông bỏ cam kết bảo đảm an ninh cho các đồng minh và đối tác ở châu Âu.

Cụ thể ở đây là châu Âu phải tăng cường tiềm lực và sức mạnh quân sự để đủ sức hậu thuẫn Ukraine trong cuộc xung đột với Nga, đối phó hiệu quả thách thức an ninh từ phía Moscow cho hiện tại cũng như tương lai.

Chính vì thế, Ủy ban châu Âu đã đưa ra kế hoạch mang tên "Tái vũ trang châu Âu". Trong kế hoạch này, EU trù liệu chi 800 tỉ euro trong 4 năm tới để các thành viên EU đầu tư vào hiện đại hóa quân đội và tăng cường vũ trang, gia tăng mạnh mẽ tiềm lực quân sự của cả châu lục.

Chỉ riêng cụm từ "tái vũ trang châu Âu" cũng đã hàm ý rất đầy đủ và súc tích sự "thức tỉnh" của các đồng minh và đối tác của Mỹ trước những thay đổi ở bên kia Đại Tây Dương.

Ở châu Âu những ngày qua liên tiếp diễn ra nhiều cuộc gặp cấp cao của nhiều nhóm quốc gia thành viên EU và NATO khác nhau. Nhiều ý tưởng mới được đưa ra. Anh tăng cường viện trợ cho Ukraine và nỗ lực thành lập "Liên minh những bên sẵn sàng" để hậu thuẫn Ukraine.

Pháp đề xuất ngừng giao tranh một tháng trên không, trên biển và ở cơ sở hạ tầng năng lượng. Pháp mời chào sử dụng vũ khí hạt nhân của mình để bảo hộ an ninh cho châu Âu. Chắc chắn rồi đây châu Âu còn nảy ra nhiều ý tưởng khác nữa.

Có lẽ vì quá khó nên châu Âu mới "ló" ra được chừng ấy. Chúng đều sơ sài và thiếu tính khả thi. Chúng đều khiếm khuyết, có phần khiên cưỡng và rất khó được đồng thuận nhất trí. Châu Âu biết là tự phải xoay xở nhưng xoay xở đến giờ vẫn chưa thoát khó.

 

 

GẤP RÚT TRIỂN KHAI Ý TƯỞNG “EURO EYES” THAY THẾ NGUỒN TÌNH BÁO MỸ

Việc Mỹ dừng chia sẻ thông tin tình báo khiến Ukraine như bị “bịt mắt” trên chiến trường. Các đồng minh châu Âu đang gấp rút tìm cách lấp đầy khoảng trống của Washington, nhưng đây không phải là điều dễ dàng.

Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, Mỹ đã cung cấp cho Kiev các thông tin từ tình báo tín hiệu, hình ảnh vệ tinh, đến dữ liệu nhắm mục tiêu để tấn công các vị trí của Nga.

Việc Mỹ dừng chia sẻ những thông tin như vậy chi Ukraine khiến các cường quốc tình báo khác trong liên minh NATO như Anh, Pháp và Đức phải gánh vác trách nhiệm thay thế. Nhưng những nước này khó có thể thiết lập và thay thế mạng lưới tình báo với quy mô lớn như của Mỹ.

“Tôi không chắc rằng các quốc gia châu Âu có thể thực sự lấp đầy khoảng trống này hay không”, một quan chức châu Âu giấu tên cho biết.

Cộng đồng tình báo Mỹ, với 18 cơ quan, có sức mạnh vượt trội so với bất kỳ đối tác châu Âu nào, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ vệ tinh và khả năng phân tích.

“Vấn đề ở đây là quy mô. Mỹ có nhiều nhà phân tích hơn, nhiều hệ thống hơn và trong một số trường hợp, có cả những hệ thống tinh vi hơn”, ông Jim Townsend, cựu phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách châu Âu và NATO trong chính quyền Tổng thống Barack Obama cho biết.

Vai trò quyết định của tình báo Mỹ

Washington có một loạt công cụ sẵn có, từ tình báo tín hiệu và con người đến vệ tinh, đóng vai trò quyết định trong việc cảnh báo cho Kiev về kế hoạch tấn công của Moscow vào năm 2022 cũng như cảnh báo sớm về các cuộc tấn công của tên lửa Nga.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine hôm 6/3 cho biết ông chưa nhận được thông tin chi tiết về việc Mỹ dừng chia sẻ thông tin tình báo và chưa rõ loại thông tin nào sẽ bị hạn chế.

Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ từ chối bình luận khi được hỏi về phạm vi của việc ngừng chia sẻ tình báo và liệu điều này có áp dụng đối với những thông tin sử dụng cho mục đích phòng thủ hay không.

“Việc ngừng chia sẻ tình báo là quyết định tổn hại và thù địch nhất. Cắt giảm cung cấp vũ khí có thể phải mất một vài tháng mới cảm nhận được tác động lớn nhưng việc dừng cung cấp thông tin tình báo có thể dẫn đến những hậu quả ngay trước mắt”, ông Camille Grand, cựu trợ lý Tổng thư ký NATO phụ trách về đầu tư quốc phòng, nói.

Các đồng minh NATO đang thảo luận về cách khắc phục hậu quả khi Mỹ ngừng chia sẻ tình báo với Ukraine. Một nguồn tin quen thuộc với các cuộc thảo luận về vấn đề này cho biết các thành viên liên minh không bị cấm hoàn toàn chia sẻ một số thông tin tình báo của Mỹ với Ukraine, nhưng việc này cũng rất hạn chế, vì bản thân họ không muốn làm xấu đi quan hệ hiện tại với Washington.

Một số nguồn tin cho hay, Mỹ đã yêu cầu Anh ngừng chia sẻ với Ukraine thông tin tình báo của Mỹ mà trước đây London vẫn được phép cung cấp.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp Sébastien Lecornu cho biết, mạng lưới tình báo của nước này độc lập với Mỹ và Paris sẽ tiếp tục chia sẻ vơi Kiev. Ông không cung cấp chi tiết về loại tình báo mà Pháp đang cung cấp cho Ukraine.

Công ty vệ tinh Mỹ Maxar, một trong những nhà cung cấp hình ảnh vệ tinh thương mại hàng đầu cho Ukraine, ngày 7/3 thông báo đã vô hiệu hóa quyền truy cập của Ukraine. Các hình ảnh của Maxar được quân đội Ukraine sử dụng để nghiên cứu địa hình chiến trường và lên kế hoạch tấn công các vị trí của Nga.

Trong một tuyên bố, người phát ngôn của Maxar, ông Gia DeHart cho biết chính phủ Mỹ đã đình chỉ quyền truy cập của Ukraine vào chương trình Cung cấp tình báo về dữ liệu không gian địa lý toàn cầu (GEOINT) của công ty. Chương trình này được cung cấp theo hợp đồng của chính phủ Mỹ.

Không có nguồn tình báo từ Mỹ, quân đội Ukraine cũng có ít thông tin thời gian thực về vị trí, các hoạt động di chuyển và hậu cần của quân đội Nga.

“Giờ đây, chúng tôi có ít thông tin hơn về những gì đang xảy ra ở phía bên kia chiến tuyến. Chúng tôi vẫn có thông tin từ các nguồn tình báo con người, nhưng tình báo của Mỹ rất quan trọng trong việc giúp chúng tôi cập nhật thông tin”, ông Mykola Bielieskov, nhà phân tích của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia Ukraine cho biết.

Ý tưởng về “Euro Eyes”

Điều Ukraine đặc biệt lo ngại là sự gián đoạn trong việc cảnh báo sớm về các cuộc tấn công tên lửa của Nga.

“Với hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo, mỗi giây đều quan trọng. Chúng tôi cần tình báo vệ tinh cấp độ quân sự để phát hiện một vụ phóng tên lửa”, ông Bielieskov nói.

Từ khi xung đột bùng phát, trung bình mỗi ngày Nga đã phóng 24 tên lửa vào Ukraine. Mặc dù có những thời điểm số lượng giảm, nhưng cũng có những ngày Nga phóng tới 100 tên lửa nhằm vào cơ sở hạ tầng của Ukraine.

“Điều này sẽ ảnh hưởng đến các thành phố của chúng tôi và có thể gây ra sự tàn phá lớn” nghị sĩ Ukraine Maryana Bezuhla nói.

Việc ngừng chia sẻ tình báo sẽ cũng khiến lực lượng vũ trang Ukraine thiếu dữ liệu nhắm mục tiêu khi bắn tên lửa HIMARS do Mỹ cung cấp.

“Chúng tôi vẫn có thể khai hỏa nhưng nếu không có dữ liệu mục tiêu thì giống như bắn trong tình trạng ‘mù dở’ vậy”, Bielieskov nói.

Khi được hỏi liệu có quốc gia châu Âu nào có thể thay thế nguồn tình báo đã bị đình chỉ hay không, ông Bielieskov cho hay “có nguồn có thể thay thế một phần, nhưng để thay thế hoàn toàn thì không”.

Quyết định của Mỹ đã làm dấy lên câu hỏi ở châu Âu về việc liệu lục địa này có thể tiếp tục dựa vào sự hỗ trợ quân sự và tình báo từ Mỹ để củng cố an ninh của mình hay không.

Ông Konstantin von Notz, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tình báo của quốc hội Đức, kêu gọi thành lập một mạng lưới gián điệp châu Âu, cảnh báo rằng lục địa này không thể tiếp tục phụ thuộc vào sự hỗ trợ tình báo từ Mỹ.

“Chúng ta cần một hình thức hợp tác tình báo châu Âu , có thể gọi nó là ‘Euro Eyes”, để đảm bảo rằng các quốc gia có thể trao đổi thông tin nhanh chóng và an toàn trên cơ sở pháp lý rõ ràng. Không có cách nào khác ngoài việc tăng cường khả năng tình báo của chúng ta trong tương lai”, ông Notz nêu ý tưởng trong cuộc trả lời phỏng vấn với Politico ngày 7/3.

 

 

XÍCH LẠI GẦN CÁC ĐỒNG MINH NATO “CÙNG CHÍ HƯỚNG” SAU KHI RẠN NỨT VỚI MỸ

Quan chức cấp cao EU nhấn mạnh rằng việc bắt tay với các đối tác NATO “cùng chí hướng” là rất quan trọng đối với quốc phòng, an ninh quốc tế, và đối với Ukraine.

Các nhà lãnh đạo EU hôm 7/3 đã thông báo tóm tắt cho một số đối tác NATO, bao gồm: Vương quốc Anh, Canada và Thổ Nhĩ Kỳ, về kết quả Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt của họ về Ukraine và quốc phòng châu Âu tại Brussels một ngày trước đó.

Lo ngại viễn cảnh Mỹ thu hẹp quy mô quân sự ở "cựu lục địa", các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí tăng cường khả năng phòng thủ của khối gồm 27 quốc gia này trước các mối đe dọa an ninh tiềm tàng.

Sau các cuộc đàm phán tại Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt, Chủ tịch Hội đồng EU Antonio Costa và Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen đã có cuộc gọi video với các nhà lãnh đạo của Vương quốc Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada, Na Uy và Iceland – 5 quốc gia thành viên NATO không thuộc EU.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Thủ tướng Anh Keir Starmer, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store và Thủ tướng Iceland Kristrun Frostadottir, đã tham dự cuộc họp trực tuyến với các nhà lãnh đạo EU hôm 7/3, ông Costa cho biết trong một bài đăng trên nền tảng X/Twitter sau cuộc họp.

"Sự hợp tác của chúng tôi với các đối tác NATO cùng chí hướng là rất quan trọng đối với an ninh quốc tế, đối với Ukraine, để tăng cường các nỗ lực chung của chúng tôi về quốc phòng", ông Costa nói.

"Cùng với các đối tác của chúng tôi ở châu Âu, bên kia Đại Tây Dương và xa hơn nữa, chúng tôi cần nỗ lực hỗ trợ Ukraine và đảm bảo một nền hòa bình lâu dài", vị quan chức cấp cao EU bổ sung.

"Với kế hoạch REARM Europe, chúng tôi đang tăng cường phòng thủ. Để bảo vệ người dân, lãnh thổ và tài sản của chúng tôi. Và vì an ninh lâu dài của người hàng xóm dũng cảm Ukraine", Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết trên X, đề cập đến kế hoạch tái vũ trang châu Âu với 800 tỷ Euro.

Hôm 7/3, Thủ tướng Anh Keir Starmer đã ca ngợi Hội nghị Thượng đỉnh hôm 6/3 là "một bước tiến lịch sử" và là một "dấu hiệu khác cho thấy châu Âu đang tiến lên", hoan nghênh những tiến triển đạt được trong việc củng cố quốc phòng cho Ukraine.

Văn phòng của ông Starmer cho biết thêm rằng vào cuối ngày 6/3, Thủ tướng Anh và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sau đó đã có cuộc điện đàm để "so sánh ghi chú" về công việc của họ nhằm đạt được hòa bình lâu dài ở Ukraine.

Một quan chức EU cho biết, các nhà lãnh đạo ngoài EU "đã bày tỏ quyết tâm đóng góp vào các nỗ lực chung trong việc hỗ trợ Ukraine cũng như đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng".

Trong cuộc họp, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với lời kêu gọi của ông Zelensky về một lệnh ngừng bắn trên không và trên biển trong cuộc xung đột đang diễn ra giữa Ukraine và Nga.

Ông Erdogan, nhà lãnh đạo của quốc gia đã 2 lần tổ chức các cuộc đàm phán giữa Kiev và Moscow khi giao tranh mới nổ ra, cũng cho biết cả hai bên phải ngồi vào bàn đàm phán thì đàm phán mới hiệu quả.

Trước cuộc họp báo cáo kết quả hôm 6/3, các nhà lãnh đạo châu Âu tham dự hội nghị ở London hôm 2/3 đã nhất trí cam kết chi nhiều hơn cho an ninh của "lục địa già" và thành lập một liên minh để bảo vệ bất kỳ lệnh ngừng bắn nào ở Ukraine.

 

Nguồn: VTV; Zing News; Người Lao Động; Soha; Người Đưa Tin

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Hội Phụ nữ Việt Nam Leipzig tổ chức Lễ hội ngày Quốc tế phụ nữ 08.03.2025

Hội phụ nữ Việt Nam tại thành phố Leipzig CHLB Đức đã tưng bừng tổ chức kỉ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 08.03.2025 vào ngày 09.03.2025. Lễ hội đã thu hút đông đảo chị em và khách mời với một chương trình văn nghệ cộng đồng sôi động.

Bài Tập Ép Bụng làm Mạnh Tỳ Vị Gan Khoẻ hạ Chỉ Số Đường Chữa Khỏi Tiểu Đường

Sau khi ăn cơm xong, hoặc đợi 1 tiếng, rồi uống 2-3 thìa cà phê đường cát vàng. Xong tập bài thể dục ép bụng sẽ hiệu quả. Mỗi ngày ăn 3 bữa chính thì thực hiện cả 3 lần.

Nguồn: Tadoco - Thuốc thảo dược

Hội Người Việt Nam Leipzig e.V. tổ chức TẾT ẤT TỴ 2025

Tết Ất Tỵ của cộng đồng người Việt Leizig & Vùng Phụ cận đã được Hội Người Việt Nam Leipzig tổ chức tưng bừng, hân hoan, náo nhiệt vào Chủ Nhật, ngày 26.01.2025 tại Hội trường, Trường Đại học Uni, Thành phố Leipzig, được coi là một sự kiện trọng đại mở đầu cho một năm mới 2025, năm đánh dấu cột mốc tròn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức.

https://www.youtube.com/watch?v=z3eDznU75b8

Đức Việt Online

Lên đầu trang