- Thời sự
- EU
Nhiều vùng rộng lớn tại Thụy Sĩ và Áo đang chuẩn bị cho trận tuyết rơi trái mùa, trong khi Cộng hòa Séc đối mặt với trận lũ lụt tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.
Theo cảnh báo từ cơ quan khí tượng Thụy Sĩ, một số vùng cao ở nước này có thể chứng kiến lượng tuyết rơi lên tới 45cm trong 2 ngày tới.
Tại Áo, nhiều nhà dự báo thời tiết cảnh báo tuyết rơi ở vùng trung tâm đến ngày 16/9, với lượng tuyết tích tụ lên tới 50cm ở Salzburg. Thành phố Villach thuộc tỉnh Carinthia, lối đi dành cho người đi bộ và đường dành cho xe đạp dọc theo sông Drau sẽ bị đóng cửa.
Trong khi đó, chính quyền Cộng hòa Séc dự báo có mưa lớn bất thường và nguy cơ lũ lụt ở miền trung và miền đông đất nước. Một số khu vực có thể có lượng mưa hơn 30cm. Theo chính quyền khu vực, nhiều con sông ở nước Đức gần đó cũng có thể bị ảnh hưởng.
Bộ trưởng Môi trường Séc Petr Hladik cho biết tình hình hiện tại ở Cộng hòa Séc tương tự như thời điểm trước khi diễn ra trận lũ lụt lịch sử làm tê liệt đất nước vào năm 1997 và 2002.
Trận lũ năm 1997 tấn công vùng phía đông Moravia - nơi có lượng mưa lớn, cướp đi sinh mạng của 50 người và gây thiệt hại hàng tỷ USD. Trong khi đó, trận lũ lụt năm 2002 chủ yếu xảy ra ở phía tây đất nước, khiến 17 người thiệt mạng và gây thiệt lớn hơn trận lũ lụt năm 1997.
Các nhà điều hành đập thủy điện đang chủ động giảm mực nước ở một số hồ chứa nước của Séc, trong khi một số lễ hội ngoài trời bị hủy hoặc hoãn lại.
Hiện tại, nhiều thành phố ở Moravia đã dựng rào chắn chống lũ và chuẩn bị bao cát để chống chọi với thời tiết. Các nhà dự báo thời tiết địa phương cảnh báo sức gió có thể lên tới 100km/h.
Một số khu vực khác của châu Âu cũng phải đối mặt với thời tiết nắng nóng trong những tháng gần đây. Hệ thống thời tiết lạnh bao trùm phần lớn khu vực, với nhiệt độ ở một số vùng phía tây bắc giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4.
Những điều kiện bất thường này cho thấy biến đổi khí hậu đang khiến nhiều hiện tượng thời tiết bất thường xảy ra thường xuyên hơn.
Theo Cơ quan Khí tượng tại London, nhiệt độ dự kiến giảm xuống mức thấp nhất là 7 độ C vào ngày 13/9.
Theo cựu Thủ tướng Italy, việc cải thiện năng suất và khả năng cạnh tranh của EU là một "thách thức sống còn" đối với 27 quốc gia thành viên.
Ông Mario Draghi, cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mới đây đã trình bày một báo cáo chi tiết cho Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursua Von der Layen, trong đó nhấn mạnh châu Âu cần nâng cao khả năng cạnh tranh thông qua việc tăng cường đầu tư. Báo cáo đề cập đến nhiều lĩnh vực như khử carbon, quốc phòng, vật liệu chiến lược và đổi mới công nghệ, đồng thời đưa ra các khuyến nghị cụ thể để giúp Liên minh châu Âu (EU) đạt được mục tiêu này.
Theo cựu Thủ tướng Italy, việc cải thiện năng suất và khả năng cạnh tranh của EU là một "thách thức sống còn" đối với 27 quốc gia thành viên, cũng như tăng cường an ninh của khối. Theo ông Draghi, châu Âu đã bị tụt hậu kinh tế so với Mỹ.
Báo cáo mở đầu với nhận định: "EU đã đặt ra nhiều mục tiêu quan trọng, như đạt được mức độ bao phủ xã hội rộng rãi, trung hòa carbon và gia tăng vị thế địa chính trị. Tất cả đều phụ thuộc vào việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao". Tuy nhiên, trong hai thập kỷ qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của EU vẫn thấp hơn so với Mỹ, trong khi Trung Quốc đã nhanh chóng bắt kịp và thu hẹp khoảng cách này.
Tăng cường khả năng cạnh tranh
Cựu Chủ tịch ECB nhấn mạnh trong báo cáo rằng cải thiện khả năng cạnh tranh của EU là ưu tiên hàng đầu, với "mục tiêu chính là tăng năng suất, yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng dài hạn". Ông Draghi cũng lưu ý rằng các doanh nghiệp châu Âu đang gặp bất lợi do "điều kiện cạnh tranh không công bằng trên quy mô toàn cầu". Những nhận xét này liên quan đến cuộc điều tra của EC về những khoản trợ cấp của Trung Quốc dành cho ngành ô tô điện quốc gia.
Báo cáo viết: "Trong những tình huống như vậy, việc tạo ra một sân chơi công bằng là cần thiết để đảm bảo tăng trưởng năng suất bền vững". Bên cạnh đó, báo cáo cũng nhấn mạnh khả năng cạnh tranh phải song hành với việc tăng cường an ninh. Các biến động địa chính trị hiện nay trên thế giới, đang lan rộng sang châu Âu, làm gia tăng sự bất ổn và cản trở đầu tư.
Thúc đẩy đổi mới
Ông Draghi cũng chỉ ra một thách thức khác mà EU cần phải cải thiện, Đó là không để tụt hậu thêm so với Mỹ trong lĩnh vực đổi mới công nghệ. Ông nhận định: "Nguyên nhân chính khiến năng suất của EU bắt đầu tụt lại phía sau Mỹ vào giữa những năm 1990 là do châu Âu không tận dụng được cuộc cách mạng số đầu tiên".
Theo ông Draghi, EU đặc biệt yếu thế trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh. Báo cáo nêu rõ: "Khoảng 70% các mô hình AI cơ bản đã được phát triển tại Mỹ kể từ năm 2017", đồng thời nhấn mạnh rằng EU cũng đang bị tụt lại sau Mỹ trong các lĩnh vực như công nghệ đám mây và điện toán lượng tử.
Tuy nhiên, vẫn còn hy vọng và châu Âu chưa hoàn toàn mất hết cơ hội. Ông Draghi viết trong báo cáo rằng: "Dù một số lĩnh vực kỹ thuật số có thể đã 'trượt khỏi tầm tay’, châu Âu vẫn còn cơ hội nắm bắt các làn sóng đổi mới kỹ thuật số trong tương lai". Ông tin rằng "các doanh nghiệp EU vẫn có thể vươn lên chiếm vị trí dẫn đầu trong một số phân khúc" của AI.
Để đạt được điều này, cựu Chủ tịch ECB kêu gọi tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), giống như Mỹ, đặc biệt là đầu tư công để tránh việc các doanh nghiệp châu Âu muốn phát triển trong lĩnh vực này phải tìm đến các doanh nghiệp Mỹ để tài trợ. Cuối cùng, ông chỉ trích "những rào cản quy định nặng nề trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là với các doanh nghiệp trẻ", cũng như sự thiếu hụt của một "thị trường duy nhất" ở châu Âu.
Ưu tiên khử carbon
Ông Draghi nhấn mạnh rằng một trong những ưu tiên hàng đầu là tăng cường đầu tư từ cả khu vực công và tư nhân. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, khả năng đầu tư đã giảm mạnh do giá năng lượng leo thang. Ông nhận định: "Điều này tiếp tục tác động tiêu cực đến tâm lý đầu tư của các doanh nghiệp, thậm chí còn nghiêm trọng hơn so với các nền kinh tế lớn khác".
Ông Draghi kêu gọi cần "tăng cường đáng kể năng lực sản xuất và phát triển mạng lưới", đặc biệt để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của ngành công nghiệp số, bao gồm cả AI tạo sinh. Ông cũng đề xuất "giảm chi phí năng lượng cho người dùng cuối" thông qua các lợi ích từ quá trình khử carbon. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, 27 quốc gia thành viên EU phải thống nhất và triển khai "cơ chế quản trị cần thiết cho một liên minh năng lượng thực sự", ông nhấn mạnh.
Báo cáo cũng đặt trọng tâm vào các mục tiêu khử carbon, nhất là khi các mục tiêu này ở châu Âu "tham vọng hơn so với những đối thủ cạnh tranh khác, dẫn đến chi phí bổ sung ngắn hạn cho ngành công nghiệp châu Âu". Một lần nữa, việc đạt được những mục tiêu này phụ thuộc vào các khoản đầu tư, được đánh giá là "lớn" và "ngắn hạn".
Báo cáo nhấn mạnh: "Khử carbon mang lại cho châu Âu cơ hội giảm giá năng lượng và dẫn đầu trong công nghệ sạch, đồng thời tăng cường an ninh năng lượng", nhắm tới năng lượng tái tạo mà một số khu vực ở châu Âu có "tiềm năng cao". Và châu Âu cũng là "nhà lãnh đạo trong đổi mới công nghệ sạch". Do đó, báo cáo khuyến nghị cần tập trung hỗ trợ vào "các công nghệ mà châu Âu đang dẫn đầu".
Sự phụ thuộc vào các vật liệu chiến lược
Chủ đề thứ tư trong báo cáo là sự phụ thuộc của châu Âu. Các nước trong EU hiện đang "phụ thuộc nhiều vào nguồn cung bên ngoài", đặc biệt là với các nguyên liệu thô quan trọng hoặc công nghệ tiên tiến. Ông Draghi cảnh báo: "Nhiều sự phụ thuộc này có thể trở thành điểm yếu nếu thương mại bị phân chia theo các ranh giới địa chính trị".
Một mối quan tâm khác là vấn đề quốc phòng. Báo cáo chỉ ra: "Tình trạng xấu đi của quan hệ địa chính trị cũng tạo ra những nhu cầu mới về chi tiêu quốc phòng và năng lực công nghiệp quốc phòng". Vì vậy, một lần nữa, cần có các khoản đầu tư để đáp ứng nhu cầu này, nhất là khi "hiện tại chỉ có 10 quốc gia thành viên chi tiêu gần đúng 2% GDP (cho quốc phòng) theo cam kết của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)", dù báo cáo cũng ghi nhận "chi tiêu quốc phòng đang tăng lên".
Về lĩnh vực không gian, châu Âu cũng cần được đầu tư thêm và có một hệ thống quản trị mới, trong khuôn khổ "một thị trường không gian duy nhất thực sự".
Cuối cùng, báo cáo nhấn mạnh sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn cung các khoáng sản và vật liệu quan trọng như lithium. Đây là lĩnh vực mà "EU đang tụt hậu", theo báo cáo. Vì vậy, EU cần thực thi quy định về các nguyên liệu thô quan trọng đã được Hội đồng châu Âu thông qua vào tháng Ba vừa qua, và thiết lập "một nền tảng châu Âu chuyên dụng cho những vật liệu này".
Thúc đẩy liên minh thị trường vốn
Tóm lại, châu Âu cần tăng cường đầu tư. Theo các ước tính mới nhất của EC, cần thêm ít nhất từ 750 tỷ - 800 tỷ euro (827,79 tỷ - 882,98 tỷ USD) mỗi năm, tương đương khoảng 4,4%-4,7% GDP của EU vào năm 2023. Một phần của số tiền này có thể đến từ khoản tiết kiệm của các hộ gia đình châu Âu, vì họ "đang sở hữu một lượng tiền tiết kiệm lớn". Tuy nhiên, hiện tại, khoản tiết kiệm này chưa được chuyển hướng hiệu quả vào các khoản đầu tư có tính chất sản xuất.
Một giải pháp khác là liên minh thị trường vốn, dù vẫn còn nhiều khó khăn để thực hiện. Trong khi chờ đợi, "các khoản vay ngân hàng vẫn là nguồn tài chính cần thiết cho các doanh nghiệp". Tuy nhiên, các ngân hàng này "thường không được trang bị tốt để tài trợ cho các doanh nghiệp đổi mới", báo cáo nhấn mạnh. Một giải pháp có thể là "cho phép các ngân hàng gom các khoản vay từ nhiều quốc gia thành viên thành các tài sản tiêu chuẩn hóa và có thể giao dịch, cũng có thể được mua bởi các nhà đầu tư ngoài ngân hàng".
Do đó, ông Draghi khuyến nghị các quốc gia thành viên cần phát hành thêm các khoản nợ chung mới. Sau thành công của kế hoạch phục hồi hậu đại dịch COVID-19, EU nên "tiếp tục sử dụng các công cụ nợ chung để tài trợ cho các dự án đầu tư chung nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh và an ninh của EU”.
Cải cách quản trị EU
Cuối cùng, báo cáo kêu gọi châu Âu xem xét lại cơ chế hoạt động của mình. Liệu EU có cần thay đổi hệ thống quản trị? Đây dường như là điều mà báo cáo đề xuất. Ông Draghi nhận định: "Các quy tắc ra quyết định của EU dựa trên một logic nội bộ hợp lý - đạt được sự đồng thuận hoặc ít nhất là đa số lớn - nhưng có vẻ chậm chạp và cồng kềnh so với các phát triển diễn ra bên ngoài".
Điều này làm chậm lại hoạt động của các thể chế, vì "mất trung bình 19 tháng để thông qua luật mới". Báo cáo đề xuất ba biện pháp: tập trung lại công việc của EU; đẩy nhanh hành động và hội nhập EU; và đơn giản hóa các quy tắc.
Tóm lại, để châu Âu không chỉ duy trì mà còn nâng cao vị thế trên trường quốc tế, các nhà lãnh đạo châu lục cần phải thực hiện các cải cách sâu rộng và đầu tư mạnh mẽ vào các lĩnh vực chiến lược. Chỉ khi đó, EU mới có thể đạt được các mục tiêu đề ra và đối mặt với những thách thức toàn cầu một cách hiệu quả.
Cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhấn mạnh EU cần phải thực hiện các bước mạnh mẽ để cải thiện năng suất và tăng trưởng kinh tế, điều đang khiến EU tụt hậu so với Mỹ và Trung Quốc.
Liên minh châu Âu (EU) đang đối mặt với tình trạng suy giảm kinh tế nghiêm trọng.
Để khắc phục, cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi kêu gọi một khoản đầu tư khổng lồ trị giá 800 tỷ euro (hơn 883 tỷ USD) mỗi năm, song cho rằng đây là một "thách thức sinh tử" đối với liên minh này.
Trong báo cáo dài 400 trang trình bày tại Ủy ban châu Âu (EC) ở Brussels (Bỉ), ông Draghi nhấn mạnh EU cần phải thực hiện các bước mạnh mẽ để cải thiện năng suất và tăng trưởng kinh tế, điều đang khiến EU tụt hậu so với Mỹ và Trung Quốc.
Ông khuyến nghị phát hành nợ chung mới để tài trợ cho các dự án đầu tư lớn trong các lĩnh vực đổi mới, chuyển đổi xanh và quốc phòng.
Cựu Chủ tịch ECB cho rằng EU cần đầu tư thêm 800 tỷ euro mỗi năm để vượt qua tình trạng trì trệ hiện tại. Đây sẽ là khoản đầu "chưa từng có" và sẽ giúp liên minh này dẫn đầu trong công nghệ mới, đồng thời đạt được nhiều mục tiêu tham vọng khác. Bên cạnh đó, ông khuyến nghị EU cần tập trung vào việc xây dựng các trung tâm đổi mới hàng đầu và phát triển công nghệ sạch.
Báo cáo của ông cũng đề xuất điều chỉnh các quy tắc cạnh tranh nhằm tạo thuận lợi hơn cho việc EC phê duyệt các thỏa thuận sáp nhập trong ngành công nghệ và quốc phòng. Ông cũng cho rằng nên nới quy định quản lý đối với ngành viễn thông và hỗ trợ mở rộng ngành này thông qua việc xem xét thị trường trên toàn EU.
Ông Draghi cũng nhấn mạnh rằng việc đánh giá các vụ sáp nhập nên xem xét yếu tố "đổi mới" và an ninh kinh tế.
Trong báo cáo, ông còn kêu gọi EU phát hành khoản nợ chung mới để tài trợ cho các nhu cầu về công nghiệp và quốc phòng, song ý tưởng này vấp phải sự phản đối từ nhiều chính phủ.
Dù vậy, ngày càng có sự đồng thuận trong liên minh về việc cần cải cách ngân sách 1.200 tỷ euro (1.325 tỷ USD), với đề xuất chuyển hướng quỹ từ các khu vực nghèo hơn sang các chính sách hỗ trợ công nghiệp, số hóa và đổi mới.
Trong báo cáo, cựu Chủ tịch ECB cũng đưa ra nhiều khuyến nghị cụ thể đối với từng ngành, từ công nghiệp cho đến dược phẩm; đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện các cải cách mạnh mẽ và đầu tư lớn để đưa nền kinh tế châu Âu trở lại quỹ đạo tăng trưởng.
Theo ông, để đạt được mục tiêu này, cần có sự hợp tác và đồng thuận từ tất cả các chính phủ trong khối cũng như sự hỗ trợ từ các ngành công nghiệp và đầu tư tư nhân.
EU cắt giảm thuế đối với một số xe điện do Trung Quốc sản xuất. Cụ thể, thuế suất áp dụng cho ô tô điện nhập khẩu từ Trung Quốc vào thị trường châu Âu của Tesla đã giảm từ 20,8% xuống 7,8%; BYD giảm 17%, Geely giảm 18,8%,...
Theo trang Reuters, có vẻ như Liên minh châu Âu (EU) đang nới lỏng các biện pháp hạn chế xe điện do Trung Quốc sản xuất bằng cách giảm thuế đối với một số xe điện “Made in China”. Trước đó hồi tháng 7/2024, Ủy ban châu Âu đã tăng thuế đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc, đồng thời cáo buộc các khoản trợ cấp mà Trung Quốc dành cho việc phát triển và sản xuất xe điện là không công bằng.
Một trong những cái tên được hưởng lợi lớn nhất từ việc giảm thuế của Liên minh châu Âu là Tesla. Nguyên nhân là bởi bên cạnh các xe được chế tạo tại Berlin (Đức), hãng vẫn đang nhập khẩu một số xe từ Thượng Hải (Trung Quốc) để phục vụ thị trường châu Âu. Tháng trước, mức thuế mà Tesla phải trả cho những sản phẩm nhập khẩu này đã giảm từ 20,8% xuống còn 9% và hiện tại con số này đã giảm thêm xuống chỉ còn 7,8%.
Tesla được Liên minh châu Âu đánh giá là có động thái hợp tác trong cuộc điều tra của EU về trợ cấp xe điện của Trung Quốc. Bên cạnh Tesla, các thương hiệu Trung Quốc khác đã hợp tác với cuộc điều tra cũng nhận được mức thuế thấp hơn. Cụ thể, mức thuế của Geely đã giảm từ 19,9% trong tháng 7/2024 xuống 19,3% trong tháng 8 và tiếp tục giảm xuống 18,8% vào tháng 9. BYD được giảm thuế từ 17,4% xuống 17%. Các công ty khác như Chery, GWM và Nio, cũng như các công ty liên doanh với các nhà sản xuất ô tô châu Âu, được hưởng mức thuế tiêu chuẩn - hiện đã giảm xuống còn 20,7%.
Ngay cả những hãng xe bị Liên minh châu Âu phân loại là “không hợp tác” trong cuộc điều tra cũng đã được nới lỏng thuế. Chẳng hạn, mức thuế trừng phạt tối đa dành cho SAIC đã giảm từ 37,6% xuống 36,3% trong tháng trước và hiện còn 35,3%.
Reuters cho biết, mức thuế này đã thúc đẩy Trung Quốc đề xuất đàm phán với EU để giải quyết các tranh chấp kinh tế và thương mại. Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Lý Phi đã bày tỏ mong muốn tham gia đối thoại và tham vấn của nước này trong cuộc họp với Tổng giám đốc Thương mại của Ủy ban châu Âu tại Brussels.
Bộ Thương mại Trung Quốc chia sẻ thêm rằng vấn đề chống trợ cấp bằng thuế quan là một vấn đề “phức tạp”, điều này đặt ra những thách thức đáng kể trong việc đi đến thỏa thuận: "Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục hợp tác chặt chẽ với châu Âu để đạt được giải pháp đáp ứng lợi ích chung của cả hai bên và phù hợp với các quy tắc của WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới), nhằm thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và ổn định của quan hệ kinh tế - thương mại giữa Trung Quốc-EU".
Việc Trung Quốc đề xuất đàm phán không phải là dấu hiệu duy nhất cho thấy sự phục hồi của mối quan hệ thương mại Trung Quốc - EU. Trước đó, quốc gia này đã tìm cách xoa dịu căng thẳng bằng cách kiềm chế áp dụng các biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với rượu mạnh do châu Âu sản xuất.
Các quốc gia thành viên EU đang có 3 lựa chọn để cân nhắc khi nói đến việc huy động khoản vay 45 tỷ Euro cho Ukraine bằng cách thế chấp tài sản bị đóng băng của Nga.
G7 đã hứa sẽ huy động khoản vay 50 tỷ USD (45 tỷ Euro) cho Ukraine, nhưng sáng kiến này đòi hỏi phải có sự đồng thuận giữa 27 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU).
Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra cho các quốc gia thành viên 3 lựa chọn để thực hiện kế hoạch của G7, vốn được tạm thời nhất trí tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 hồi tháng 6.
Theo kế hoạch này, khoảng 300 tỷ USD (270 tỷ Euro) tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) đang bị phương Tây đóng băng sẽ được sử dụng làm tài sản thế chấp cho khoản vay. Phần lớn trong khối tài sản của CBR (210 tỷ Euro) đang nằm trong tay khối 27 quốc gia.
Mặc dù EU không thể tịch thu khối tài sản này, nhưng họ có thể sử dụng tiền lãi phát sinh từ đó để đảm bảo khoản vay được trả dần mà không cần tự mình phải thanh toán.
Nhưng ý tưởng "chưa từng có tiền lệ" này mang theo nhiều rủi ro tài chính, trong đó rủi ro lớn nhất là khả năng các tài sản này sẽ được rã băng trước khi khoản vay kịp hoàn trả. Do đó, để đảm bảo khoản vay, G7 muốn chắc chắn rằng chế độ trừng phạt của EU đối với khối tài sản này không được dỡ bỏ.
Theo luật của EU, các lệnh trừng phạt phải được gia hạn 6 tháng một lần với sự nhất trí của cả 27 quốc gia thành viên. Điều này có nghĩa là chỉ cần một quốc gia không nhất trí, việc gia hạn sẽ bị đình trệ và kế hoạch của G7 sẽ bị phá sản.
Trong khi đó, Hungary nổi tiếng là nước EU thường xuyên làm chệch hướng các quyết định của khối này nhằm ủng hộ Ukraine. Ví dụ tiêu biểu, Budapest hiện đang ngăn cản Brussels giải ngân 6,5 tỷ Euro viện trợ quân sự cho Kiev.
Để tránh viễn cảnh đáng sợ này và đảm bảo khả năng dự đoán lâu dài, EC đã đề xuất 3 phương án khác nhau trong cuộc họp của các Đại sứ EU hôm 13/9, một số nhà ngoại giao nói với Euronews.
Theo đó, phương án một: Đóng băng tài sản trong 5 năm nhưng có đánh giá hằng năm. Trong trường hợp này, cần có đa số đồng thuận để rã băng tài sản.
Phương án hai: Gia hạn lệnh trừng phạt đối với tài sản của Nga sau mỗi 36 tháng (3 năm) và các lệnh trừng phạt khác đối với Nga sau mỗi 6 tháng (nửa năm).
Phương án ba: Gia hạn tất cả các lệnh trừng phạt đối với Nga sau mỗi 36 tháng (3 năm).
Một nhà ngoại giao cho biết, phương án thứ hai nhận được sự ủng hộ rộng rãi nhất, ngay cả khi các quốc gia thành viên vẫn đang chờ đợi các thông tin chi tiết cụ thể.
Thông tin trên được trình bày miệng bởi ông Bjoern Seibert, chánh văn phòng của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen. Một đề xuất chính thức dự kiến sẽ được chia sẻ với các quốc gia thành viên trong những ngày tới để khởi động các cuộc đàm phán, có thể kéo dài trong nhiều tuần.
Ông Seibert mô tả 3 phương án này là có thể chấp nhận được đối với Mỹ trong bối cảnh Washington đang gây áp lực buộc Brussels phải hành động nhanh chóng và đảm bảo khoản vay 50 tỷ USD (45 tỷ Euro) nói trên đến được Ukraine trước cuối năm nay.
Tình hình ở quốc gia Đông Âu được coi là rất tồi tệ sau gần 3 năm xung đột, với nền kinh tế kiệt quệ, cơ sở hạ tầng bị hư hại trong khi mùa đông đang tới gần.
Chưa có phản ứng từ Moscow về động thái mới nhất của EU liên quan đến khối tài sản của Nga. Tuy nhiên, hồi tháng 6, sau khi G7 công bố kế hoạch về khoản vay dựa trên tài sản bị đóng băng của Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên án thỏa thuận của các nước phương Tây và tuyên bố sẽ trả đũa.
Nhà lãnh đạo Nga nói thêm rằng cách phương Tây đối xử với Moscow là bằng chứng cho thấy "bất kỳ ai" cũng có thể là nạn nhân tiếp theo và bị trừng phạt bằng cách đóng băng tài sản.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cảnh báo, Moscow sẽ ngay lập tức thực hiện các bước trả đũa đối với việc tịch thu tài sản của mình ở phương Tây vì Nga có cả một “kho vũ khí” bao gồm các biện pháp chính trị và kinh tế để trả đũa.
Nguồn: VTC; Bnews; Báo Lạng Sơn; VOV; Người Đưa Tin
EU: Vì sao lũ lụt; Doanh số bán ô tô mới giảm; NK dầu phá kỷ lục; Chính phủ mới ở Pháp gặp áp lực; Áo chia rẽ vì khí đốt Nga
EU: Nguy cơ thiếu khí đốt; Học mô hình kinh tế của Mỹ; Ống ngầm xuyên liên minh; Ác mộng với các công ty; Nợ công Pháp tiếp tục tăng
EU: Nỗ lực chặn người di cư; Khả năng ECB giảm lãi suất; DN phụ thuộc hàng TQ; Siết quy định các dự án hydro; Họp bất thường vì Liban
EU: Thành tựu chống lũ; Chia rẽ vì thuế xe điện TQ; Bài toán chuỗi cung ứng; Hoãn luật chống phá rừng; Anh nhượng chủ quyền đảo Chagos
EU: Chi tiêu tiết kiệm; Quân sự hóa kinh tế; Biểu tình phản đối xung đột ở Gaza; Tiếp tục ủng hộ Ukraine; Macron ‘sát muối’ vào Israel
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá