EU: Truy tố tội ác ở Ukraine; Gia hạn trừng phạt Nga; Đức: Chính phủ bị kiện, chưa chuyển tiêm kích, Ngoại trưởng bị chỉ trích

EU MUỐN TRUY TỐ, TRỪNG TRỊ HIỆU QUẢ CÁC TỘI ÁC 'KHỦNG KHIẾP' TRONG CUỘC CHIẾN Ở UKRAINE

(Ảnh minh hoạ).

Liên hiệp châu Âu muốn nhanh chóng buộc những kẻ gây ra các tội ác "khủng khiếp" ở Ukraine phải chịu trách nhiệm, các bộ trưởng tư pháp EU cho biết hôm thứ Sáu 27/1, ngay cả khi họ vẫn chưa đồng ý về các biện pháp. Các bộ trưởng đã tranh luận về cách thức truy tố, tìm kiếm bằng chứng hoặc cung cấp ngân quỹ để khắc phục thiệt hại chiến tranh.

27 bộ trưởng tư pháp của khối đã họp ở Stockholm trước ngày 24/2, là thời điểm đánh dấu 1 năm nổ ra cuộc tấn công toàn diện của Nga vào Ukraine.

"Chắc chắn sẽ phải có kẻ chịu trách nhiệm giải trình về những tội ác quốc tế khủng khiếp và sự tàn bạo mà chúng ta đang chứng kiến ở Ukraine... đó là những tội ác chiến tranh rõ ràng và hiển nhiên", Bộ trưởng Simon Harris của Ireland nói.

Các bộ trưởng đã thảo luận về việc thu thập bằng chứng cũng như thành lập một tòa án quốc tế mới để truy tố cuộc xâm lược của Moscow.

Bộ trưởng Tư pháp Thụy Điển Gunnar Strommer nhấn mạnh: "Không kẻ nào phạm loại tội ác chiến tranh này mà lại được tự do. Điều rất, rất quan trọng là chúng ta phải tìm cách quy trách nhiệm cho những kẻ chịu trách nhiệm".

"Câu hỏi đặt ra là làm thế nào chúng ta có thể giải quyết vấn đề này một cách thiết thực và hiệu quả", vẫn lời vị bộ trưởng.

Căn cứ vào những sự kiện trong quá khứ, có thể thấy việc thực thi công lý chắc chắn sẽ phức tạp và kéo dài.

Một tòa án đặc biệt được thành lập ở Hà Lan để truy tố vụ bắn hạ chuyến bay chở khách MH17 bay qua miền đông Ukraine vào tháng 7/2014, khi Nga tấn công lớn vào nước láng giềng ở thời điểm đó. Phải tới tận tháng 11/2022 tòa mới đưa ra phán quyết.

Tòa án đã kết tội ba người đàn ông và kết án chúng tù chung thân vì đã giúp vận chuyển một hệ thống tên lửa quân sự của Nga được sử dụng để bắn hạ máy bay. Tất cả 298 người trên máy bay đều thiệt mạng.

Nỗ lực liên quan đến việc truy tố ba cá nhân ở cấp thấp này, và những kẻ này vẫn chưa bị bắt, chỉ có quy mô rất nhỏ bé so với tham vọng cần thiết để truy tố Tổng thống Vladimir Putin và các quan chức quân đội hàng đầu của Nga vì đã gây ra chiến tranh.

Cuộc xâm lược của Nga đã giết chết hàng nghìn thường dân, khiến hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa và biến các thành phố thành đống đổ nát. Theo Liên Hiệp Quốc, các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine, bao gồm cả các cơ sở năng lượng, có thể là tội ác chiến tranh.

Để bồi thường cho thiệt hại, EU cũng đang xem xét sử dụng các tài sản của Nga bị đóng băng theo các lệnh trừng phạt, đây là một cuộc thảo luận pháp lý phức tạp khác diễn ra hôm 27/1.

EU hiện tin rằng họ nắm được khoảng 33,8 tỷ euro (37 tỷ đô la) trong tổng số ước tính khoảng 300 tỷ đô la tài sản của ngân hàng trung ương Nga bị phong tỏa ở nước ngoài, một quan chức EU nói với Reuters, nhấn mạnh rằng những con số này vẫn chỉ là ước tính sơ bộ.

(Nguồn: VOA)

EU GIA HẠN LỆNH TRỪNG PHẠT KINH TẾ ĐỐI VỚI NGA

Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định gia hạn các lệnh trừng phạt về kinh tế đối với Nga thêm 6 tháng, đến ngày 31/7 tới.

EU ban bố lệnh trừng phạt đối với Nga lần đầu tiên vào năm 2014 sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea . Các lệnh trừng phạt này được gia hạn thường xuyên trong 8 năm qua và được mở rộng đáng kể vào tháng 2/2022, liên quan chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine. Tính đến nay, EU đã áp đặt 9 vòng trừng phạt đối với Nga.

Gói trừng phạt về kinh tế của EU nhằm vào Nga bao gồm một loạt biện pháp như hạn chế đối với thương mại, tài chính, công nghệ và hàng hóa lưỡng dụng, công nghiệp, vận tải và hàng xa xỉ. Ngoài ra, còn có lệnh cấm nhập khẩu hoặc vận chuyển dầu thô bằng đường biển và một số sản phẩm dầu mỏ từ Nga sang EU, loại bỏ các ngân hàng của Nga khỏi Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) và đình chỉ hoạt động phát sóng cũng như giấy phép của một số cơ quan truyền thông do Chính phủ Nga tài trợ.

Bên cạnh đó, EU cũng đã áp dụng nhiều biện pháp như hạn chế về quan hệ kinh tế với bán đảo Crimea, thành phố Sevastopol..., đóng băng tài sản và hạn chế đi lại đối với nhiều cá nhân và tổ chức, cùng những biện pháp ngoại giao khác.

Liên quan đến các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga, Thủ tướng Hungary Viktor Orban ngày 27/1 tuyên bố, nước này sẽ không cho phép mở rộng các biện pháp trừng phạt của EU đối với ngành công nghiệp hạt nhân của Nga.

Phát biểu trên đài phát thanh Kossuth, ông Orban nói: "Chúng tôi sẽ không cho phép các biện pháp trừng phạt làm gia tăng lạm phát của Hungary. Điều quan trọng nhất ở đây là giá năng lượng. Do đó, chúng tôi sẽ không cho phép kế hoạch mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với năng lượng hạt nhân".

Thủ tướng Orban lưu ý rằng 97% người dân nước này được hỏi ý kiến đều phản đối việc kéo dài các lệnh trừng phạt đối với năng lượng hạt nhân của Nga.

Hungary đang vận hành nhà máy điện hạt nhân Paks, được xây dựng theo thiết kế của Liên Xô cũ. Nhà máy này có 4 lò phản ứng loại VVER-440 công suất 2.000 MW. Theo nhiều nguồn khác nhau, cơ sở này sản xuất hơn một nửa tổng lượng điện của Hungary.

(Nguồn: CafeF)

CHÍNH PHỦ ĐỨC BỊ GIỚI SINH THÁI KIỆN VÌ KHÔNG TÔN TRỌNG CÁC MỤC TIÊU BẢO VỆ KHÍ HẬU

(Ảnh minh hoạ).

Hai năm sau khi Nhà nước Pháp bị một tòa hành chính xét xử về việc không tuân thủ các cam kết cắt giảm khí gây hiệu ứng nhà kính, nay đến lượt chính phủ Đức bị kiện về việc không tôn trọng các mục tiêu khí hậu theo quy định pháp luật. Liên đoàn Đức vì Khí hậu và Bảo tồn thiên nhiên (BUND) hôm thứ Ba 24/01/2023 ra thông cáo cho biết đã gửi đơn khiếu kiện chính phủ Đức.

Theo AFP, tòa hành chính Berlin - Brandeburg của Đức cũng khẳng định đã nhận được khiếu kiện của Liên đoàn Khí hậu và Bảo tồn thiên nhiên, nhưng chưa cho biết lịch trình xét xử.

Trong thông cáo, Olaf Bandt, chủ tịch BUND giải thích là Liên đoàn Khí hậu và Bảo tồn thiên nhiên không thể tiếp tục khoanh tay đứng nhìn một số thành phần của chính phủ liên bang Đức lơ là những mục tiêu bảo vệ khí hậu mà họ đã đề ra. Nhiều bộ trưởng trong chính phủ liên minh của thủ tướng Olaf Scholz bị tố cáo thiếu vắng hành động khẩn cấp để làm giảm việc phát thải khí cac-bon gây hiệu ứng nhà kính, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông.

Từ Berlin, thông tín viên Nathalie Versieux ngày 24/01 cho biết thêm chi tiết :

« Thêm một lần nữa, vào năm 2022, Đức lại không tôn trọng các mục tiêu khí hậu mà nước này từng ấn định hồi năm 2021 nhằm đạt được mức trung hòa cac-bon vào năm 2045. Mức phát thải cac-bon vượt quá mức, theo tính toán của từng bộ, đặc biệt cao trong lĩnh vực giao thông và xây dựng. Tuy nhiên, hiệp hội BUND tố cáo các bộ có liên quan vẫn mặc kệ, khoanh tay đứng nhìn, thay vì triển khai trong thời hạn dưới 3 tháng, một chương trình ứng phó khẩn cấp theo quy định của luật khí hậu.

Về giao thông, chẳng hạn, lẽ ra có thể giới hạn tốc độ chạy xe tối đa là 130km/h trên đường cao tốc, theo như yêu cầu của đảng Xanh, nhưng vị bộ trưởng thuộc đảng Tự Do lại từ chối thẳng thừng một biện pháp như vậy. Đây là chủ đề nổi bật trong chương trình nghị sự của một cuộc họp quan trọng của chính phủ liên minh vào thứ Năm 26/01 ».

Franziska Hess, luật sư của Liên hiệp giải thích giờ không phải lúc « chính phủ liên bang quyết định có triển khai hay không một chương trình khẩn cấp để hạn chế lượng khí thải thường niên, bởi họ có nghĩa vụ làm điều đó và chúng tôi đang tìm cách buộc họ tuân thủ điều bắt buộc này ». Đây không phải lần đầu tiên chính phủ Đức bị giới bảo vệ khí hậu sinh thái nhắm tới. Hồi năm 2021, Tòa Bảo Hiến đã ra phán quyết ủng hộ các hiệp hội sinh thái, khẳng định đạo luật bảo vệ khí hậu 2019 của Đức là chưa đủ để chống biến đổi khí hậu.

Nhìn sang Pháp, vụ kiện được mệnh danh là « Vụ kiện Thế kỷ » (L'Affaire du Siècle), đã được Tòa hành chính Paris xét xử kể từ hôm 14/01/2021. « Vụ kiện Thế kỷ » khởi sự trước đó 2 năm, được 2,3 triệu người Pháp ký tên ủng hộ. Tham gia vụ kiện có đại diện của bốn tổ chức phi chính phủ : Notre Affaire à tous, Greenpeace France, Quỹ Nicolas Hulot và Oxfam France, đòi Nhà nước Pháp nhận trách nhiệm về việc không tuân thủ các cam kết cắt giảm khí gây hiệu ứng nhà kính. Theo phán quyết của Tòa hành chính Paris hồi tháng 10/2022, Nhà nước Pháp có thời hạn đến ngày 31/12/2022 để có biện pháp khắc phục việc đã phát thải quá mức 15 triệu tấn CO2 giai đoạn 2015-2018. Theo các tổ chức phi chính phủ tham gia « Vụ kiện Thế kỷ », yêu cầu này vẫn chưa được đáp ứng và bước tiếp theo sẽ là buộc Nhà nước Pháp nộp tiền phạt.

Chảy máu nguồn lực y tế từ nước nghèo sang nước giàu

Trong những năm gần đây, nhất là từ sau đại dịch Covid-19 khiến hệ thống y tế ngày càng bộc lộ sự quá tải, chính quyền nhiều nước phát triển đã hướng tới việc tuyển dụng nhiều y, bác sĩ, nhân viên chăm sóc sức khỏe từ nước ngoài và có chính sách tạo điều kiện cho họ có giấy tờ định cư lâu dài.

Theo AFP, liên hiệp của giới y tá quốc tế, có tên gọi là Hội đồng y tá quốc tế (ICN), trụ sở tại Genève, Thụy Sỹ, được thành lập năm 1899, gồm 130 hiệp hội y tá quốc gia đại diện cho 28 triệu y tá trên toàn thế giới. Theo tổ chức này, 7-8 nước giàu, trong đó có Anh - Mỹ - Canada, phải chịu trách nhiệm về 80% tình trạng di dân quốc tế trong giới y tá, nhân viên chăm sóc y tế.

Lấy ví dụ về nước Anh, cách nay vài tháng Luân Đôn đã ký thỏa thuận với chính phủ Nepal để tuyển dụng y tá, nhằm bù đắp cho những thiếu hụt trong nước, dù chính Nepal cũng đang khan hiếm nhân lực chăm sóc y tế. Trong khi tỉ lệ tại Anh là 80 y tá/10.000 dân thì con số này tại Nepal chỉ là 20. Thỏa thuận Anh - Nepal không phải trường hợp cá biệt.

Trong cuộc họp báo do hiệp hội các thông tín viên của Liên Hiệp Quốc tổ chức tại Genève, tổng giám đốc ICN, Howard Catton, hôm thứ Hai 23/01 còn cho biết nước Anh cũng đang thương lượng với Ghana để hướng tới thỏa thuận, theo đó, Luân Đôn chi cho chính quyền Accra 1.000 bảng (1.140 euro) khi Anh tuyển dụng 1 y tá từ Ghana. Số tiền này, theo tổng giám đốc ICN, không đáng là bao so với chi phí thực để đào tạo được một y tá, và cũng không thể bù đắp được những mất mát cho hệ thống y tế Ghana.

Theo tổ chức này, các nước giàu cần ngưng những chiến dịch ồ ạt tuyển dụng nhân viên chăm sóc y tế với giá rẻ từ các nước, chủ yếu là các nước kém phát triển ở châu Á và châu Phi, để tránh đẩy hệ thống y tế của các nước nghèo, vốn dĩ đã rất yếu kém, vào cảnh ngày càng quá tải, tước đi cơ hội được chăm sóc y tế của người dân, nhất là vì các y tá rời khỏi đất nước lại là những y tá chuyên khoa, có kinh nghiệm.

Trên đài RFI Pháp ngữ ngày 24/01, bà Pamela Cipriano, chủ tịch Hội đồng Y tá Quốc tế, giải thích thêm :

« Trên thế giới, số y tá làm việc tại các bệnh viện đã giảm 20% do đại dịch Covid-19. Họ chuyển nghề, rời khỏi bệnh viện. Để thay thế họ, nhiều nước đã chuyển sang tuyển dụng y tá từ nước ngoài. Hoa Kỳ đã làm điều đó từ trước đại dịch, các nước Bắc Âu cũng vậy, chẳng hạn Phần Lan. Anh Quốc cũng tương tự. Họ tích cực tuyển dụng các y tá từ châu Phi, nhất là Ghana, Botswana, Nigeria và các nước vùng Caribê. Các y tá này lại thường là những người có kinh nghiệm. Thế nhưng, chính các nước này cũng có nhu cầu rất cao về nguồn nhân lực có tay nghề như vậy. Việc tuyển dụng y tá, đưa họ ra khỏi hệ thống chăm sóc sức khỏe của các quốc gia này càng làm suy yếu các nước này hơn. »

Chủ tịch Pamela Cipriano kêu gọi các nước tuyển dụng y tá tôn trọng nguyên tắc « đạo đức », tự huy động lực lượng trong nước, bảo đảm « tự cung tự cấp » về nhân lực y tế, bởi y tế là « một vấn đề của toàn thế giới ».

Indonesia : Bali ngóng chờ du khách Trung Quốc

Đảo Bali, thiên đường nghỉ dưỡng nổi tiếng ở Indonesia, sau 3 năm vắng bóng du khách Trung Quốc, tuần này đã đón những chuyến bay thẳng đầu tiên từ Trung Hoa lục địa. Trước khi nổ ra đại dịch Covid-19, trong năm 2019, có khoảng 2 triệu khách Trung Quốc đến Indonesia.

Từ Kuala Lumpur, thông tín viên Juliette Pietraszewski hôm 27/01 giải thích :

« Hiện tại, du khách từ Trung Quốc vẫn còn chưa đến Bali nhiều và các chuyến bay trực tiếp cũng chỉ là rất ít nếu so với thời trước khủng hoảng Covid. Năm 2022, Indonesia đã có một sự khởi sắc về du lịch, nhờ sự trở lại của du khách châu Âu, Ấn Độ và Úc. Thế nhưng, vẫn còn thiếu du khách đến từ Trung Quốc do các quy định hạn chế của Bắc Kinh. Ở Bali, trước khi xảy ra dịch Covid-19, nhóm du khách Trung Quốc giữ vai trò quan trọng nhất. Du lịch chiếm đến 80% kinh tế của đảo Bali.

Nhưng khách Trung Quốc sẽ chỉ trở lại Bali dần dần từng bước một, chứ không dồn dập. Guillaume Linton, giám đốc điều hành của công ty lữ hành Asia Voyage, giải thích là có nhiều lý do : « Đây là nguồn thu chính cho kinh tế của Bali. Trước mắt, chúng tôi biết rằng đây là những du khách đi du lịch trong điều kiện rất nghiêm ngặt với một kiểu hệ thống khép kín, với các đại lý tại chỗ nói tiếng Hoa. Các chủ khách sạn phải điều chỉnh hoàn toàn dịch vụ. Và điều này cũng có nghĩa là cần thêm khá nhiều thời gian để khởi động lại một chút. Tôi nghĩ là cần vài tháng để có thể thích nghi và phục vụ trở lại nhóm khách hàng này ».

Indonesia tỏ ra thận trọng và chỉ đề ra chỉ tiêu đón 255.000 khách du lịch từ Trung Quốc trong năm nay. »

Tù nhân hết hạn hợp đồng chiến đấu ở Ukraina về nước, thêm cơ hội cho Wagner được hợp thức hóa

Ngày 20/01, Mỹ xếp công ty bán quân sự Wagner của Nga vào danh sách các tổ chức tội phạm quốc tế. Trước báo giới, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng, John Kirby, nhấn mạnh : « Wagner là một tổ chức tội phạm thực hiện nhiều hành vi tàn bạo và vi phạm nhân quyền » và khẳng định Washington sẽ sớm áp dụng các biện pháp trừng phạt khác nhắm vào công ty lính đánh thuê Wagner. Theo phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, trong số 50.000 người của Wagner hiện giờ hoạt động tại Ukraina, có tới 40.000 lính là những người đã bị kết án tại Nga.

Trong khi đó, ngay tại nước Nga, những tù nhân Nga đã kết thúc hợp đồng chiến đấu cho Wagner tại chiến trường Ukraina đang dần hồi hương. Trở về Nga, họ được ân xá, được truyền thông nói đến. Và chính những điều này lại càng tạo cơ hội cho Evgueni Prigojine, ông chủ của Wagner, đẩy nhanh chương trình hợp thức hóa công ty lính đánh thuê.

Từ Matxcơva, thông tín viên Anissa El Jabri ngày 25/01 gửi về bài tường trình :

« Đổ máu thì xứng đáng được tha thứ : Cách mà những tù nhân từng được tuyển vào Wagner trở thành anh hùng trong chiến dịch đặc biệt ». Đây là tựa một bài viết trên báo Komsomolskaya Pravda hôm thứ Tư 25/01. Nhật báo Nga Komsomolskaya Pravda đã đăng các bài phỏng vấn đầu tiên một số cựu tù nhân lúc họ trở về sau khi hết hạn hợp đồng. Để mô tả sự lựa chọn của một người từng bị kết án vì tội sản xuất và bán dược chất kích thích hoặc ức chế thần kinh gây nên tình trạng ảo giác, báo Komsomolskaya Pravda viết « 180 ngày trong một cỗ máy xay thịt để khỏi ở tù 12 năm ».

Trong khi đó, Evgueni Prigojine, vẫn tiếp tục ngợi ca các chiến binh của Wagner và chiến lược tuyển dụng của ông ta. Trên tài khoản mạng Telegram của Evgueni Prigojine, có đăng một đoạn ghi âm trong đó một sĩ quan chỉ huy của Wagner ca ngợi một cựu tù nhân từng bị kết án vì đã giết hại 4 người (2 em nhỏ và cha mẹ các em) bằng Kalachnikov và rìu.

Sĩ quan này nói : « Hồi tháng 07 vừa qua, một người đàn ông lực lưỡng, khoảng 60 tuổi, đã đến trung đội của tôi. Tôi đã điều ông ấy chuyển đạn dược đến một tiểu đội quân sự. Vài ngày sau đó, ông ấy gia nhập một tiểu đội tấn công, và trong cuộc tấn công đầu tiên, ông ấy là người đầu tiên lao vào một vị trí quan trọng. Rồi ông ấy tập hợp một nhóm 3 người từng sống cảnh tuyệt vọng như ông ấy, mà chúng tôi gọi vui là những tay trộm già. Họ đã nhẹ nhàng bò trườn trong đêm tối. Họ đã gieo rắc nỗi sợ hãi cho người Ukraina. Một người như ông ấy đáng giá bằng nhiều người khác. Ông ấy quả là tuyệt ».

Đối với những ai kỹ tính hơn, thì cũng nên chú ý, bởi những cựu binh của Wagner trong tương lai cũng có thể bị phạt tới 15 năm tù giam theo luật định nếu làm mất uy tín của quân đội. Hạ Viện Nga đang xem xét vấn đề này ».

(Nguồn: RFI)

ĐỨC KHÔNG CHUYỂN TIÊM KÍCH CHO UKRAINE, KIEV CHỈ TRÍCH MỸ CHẬM GIAO XE TĂNG

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius hôm 27/1 tuyên bố Berlin sẽ không cung cấp tiêm kích cho Ukraine.

Sau khi Đức quyết định chuyển giao các xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 cho Ukraine, đồng thời cho phép các quốc gia châu Âu khác xuất khẩu loại xe tăng này cho Kiev. Nhà lãnh đạo Ukraine lại tiếp tục kêu gọi Đức và Mỹ hỗ trợ các tiêm kích và tên lửa tầm xa.

“Thời gian đang đếm ngược. Tôi tò mò chừng nào Chính phủ Đức có thể tiếp tục từ chối bàn giao các tiêm kích và tên lửa của Đức”, ông Andrey Melnik, cựu Đại sứ Ukraine ở Berlin viết trên Twitter.

Chia sẻ với tờ Sueddeutsche Zeitung, Bộ trưởng Đức Pistorius lại nhấn mạnh: "Điều này không phải bàn cãi".

"Tiêm kích là hệ thống phức tạp hơn nhiều so với xe tăng chiến đấu chủ lực, và có tầm hoạt động cùng hỏa lực hoàn toàn khác. Viện trợ tiêm kích sẽ mạo hiểm tiến vào xu hướng mà tôi đã luôn cảnh báo tránh xa", ông Pistorius nói.

Mỹ cũng được cho là đã nói với Ukraine rằng việc hỗ trợ các tiêm kích là điều “không nên làm vào lúc này”.

Ukraine muốn Mỹ đẩy nhanh bàn giao xe tăng Abrams

Tổng thống Volodymyr Zelensky đã lên tiếng chỉ trích Washington chậm chạp hỗ trợ các xe tăng hạng nặng cho Ukraine.

Trả lời phỏng vấn Sky News hôm 27/1, nhà lãnh đạo Ukraine cảnh báo Kiev không hài lòng với số lượng ít ỏi xe tăng mà phương Tây viện trợ.

Bình luận của ông Zelensky được đưa ra sau khi Mỹ hứa cung cấp cho Kiev 31 xe tăng M1 Abrams, nhưng cho biết quá trình chuyển giao có thể mất vài tháng hoặc hơn.

Song ông Zelensky cho rằng, nếu các xe tăng của Mỹ tới Ukraine vào cuối tháng Tám, chuyện này sẽ là “quá muộn”. Nhà lãnh đạo Ukraine nhấn mạnh thêm, một vài chiếc xe tăng “sẽ không thể tạo ra sự thay đổi ở vùng chiến sự”.

Cũng theo ông Zelensky, Kiev hiện cần từ “300 – 500 xe tăng” để có thể ngăn chặn các cuộc tiến công của Nga.

“Đây không phải là vấn đề chính trị, mà nó là kết quả thực tế ở vùng chiến sự”, ông Zelensky cho biết.

Hồi đầu tuần này, Đức đã chính thức phê chuẩn cung cấp 14 xe tăng Leopard 2A6 cho Ukraine. Berlin cho hay quá trình chuyển giao xe tăng Leopard cho Ukraine sẽ kéo dài không quá cuối tháng Ba.

Một số nước khác đã cam kết hỗ trợ xe tăng cho Kiev còn có Anh, Ba Lan, Canada, Tây Ban Nha, Na Uy và Hà Lan.

Phương Tây chuyển giao 321 xe tăng cho Ukraine

CNN đưa tin, Đại sứ Ukraine tại Pháp Vadym Omelchenko cho hay, “Tính tới hiện tại, các nước phương Tây đã chính thức xác nhận chuyển giao 321 xe tăng cho Ukraine”.

Ông Omelchenko đồng thời hối thúc sự hỗ trợ từ phương Tây cho Ukraine cần “nhanh nhất có thể”.

“Nếu như phải chờ tới tháng Tám hoặc Chín, đều là quá muộn”, ông Omelchenko nói.

(Nguồn: Vietnamnet)

NGOẠI TRƯỞNG ĐỨC BỊ CHỈ TRÍCH DỮ DỘI VÌ BÌNH LUẬN 'CHIẾN TRANH VỚI NGA'

(Ảnh minh hoạ).

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đã phải đối mặt với làn sóng chỉ trích sau khi phát biểu tại Hội đồng Nghị viện của Hội đồng Châu Âu (PACE) rằng Đức đang có chiến tranh với Nga.

Sau tuyên bố của bà Baerbock, các chính trị gia đối lập đã đặt câu hỏi liệu bà có phù hợp với công việc hay không.

"Tuyên bố của bà Baerbock rằng Đức đang có chiến tranh với Nga cho thấy bà không phù hợp với công việc của mình", nghị sĩ Sahra Wagenknecht, cựu lãnh đạo Đảng Cánh tả tại Bundestag, đã tweet vào 27/1. Bà Wagenknecht lập luận một bộ trưởng ngoại giao nên là một "nhà ngoại giao hàng đầu", đồng thời cáo buộc bà Baerbock "chà đạp" lên danh tiếng của Đức.

Trong bài phát biểu của mình, bà Baerbock cho biết các quốc gia châu Âu đang "chiến đấu chống lại Nga" và phải làm nhiều hơn để bảo vệ Ukraine.

Alice Weidel, đồng chủ tịch của Đảng cánh hữu Alternative for Germany (AfD) tại Bundestag, cho biết Đức cần một bộ trưởng ngoại giao "có khả năng hành động với tinh thần trách nhiệm chứ không phải châm thêm dầu vào lửa" trong bối cảnh xung đột ở châu Âu, và rằng một bộ trưởng ngoại giao nên đại diện cho lợi ích của Đức.

Gerhard Papke, một nhà lập pháp khu vực từ North Rhine-Westphalia và là chủ tịch của Hiệp hội Đức-Hungary, cáo buộc bà Baerbock là "hoàn toàn không thể chấp nhận được về mặt chính trị" khi đưa ra tuyên bố trên.

Nghị sĩ cánh tả Selim Dagdelen yêu cầu Thủ tướng Olaf Scholz đưa ra lời giải thích "ngay lập tức" về việc liệu bà Baerbock có được chính phủ của ông ủy quyền phát ngôn như vậy hay không. Ông nói thêm rằng Ngoại trưởng Baerbock là mối đe dọa đối với an ninh của người dân Đức.

Cho đến nay, cả bà Baerbock và ông Scholz đều không đáp lại những lời chỉ trích. Bộ Ngoại giao khẳng định Berlin không phải là một bên trong cuộc xung đột giữa Kiev và Moscow, trong một tuyên bố với tờ Bild.

"Việc hỗ trợ Ukraine thực hiện quyền tự vệ cá nhân của mình không khiến Đức trở thành một bên trong cuộc xung đột", Bộ cho biết.

Bộ Ngoại giao Đức nói rằng hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine là "một cuộc chiến chống lại hòa bình và trật tự châu Âu", Bộ nhấn mạnh ý của bà Baerbock là như vậy.

Đáp lại, Moscow lập luận những lời của bà Baerbock cho thấy phương Tây đã lên kế hoạch cho cuộc xung đột này trong nhiều năm.

Đây là lần thứ hai liên tiếp giới ngoại giao Đức bị chỉ trích. Cách đây vài ngày, một tài khoản của Bộ Ngoại giao Đức cũng bị phê phán khi chế nhạo chuyến thăm Châu Phi của Ngoại trưởng Nga Lavrov.

Tài khoản này viết: "Ngoại trưởng Nga Lavrov đang ở Châu Phi, không phải để xem “con báo” (từ con báo được viết bằng biểu tượng hình vẽ), mà để tuyên bố thẳng thừng rằng các đối tác của Ukraine muốn phá hủy tất cả những gì thuộc về Nga”.

Hẳn là phía Đức muốn nhắc tới việc nước này quyết định viện trợ xe tăng Leopard 2 cho Ukraine để chống Nga. Leopard nghĩa là “con báo”.

Mặc dù muốn tỏ ra hài hước, song biểu tượng con báo trên tài khoản chính thức của bộ ngoại giao Đức đã khiến một quan chức của Liên minh Châu Phi đặt dấu hỏi, rằng điều đó có thể diễn dịch là châu lục này bị miêu tả chỉ có thú hoang dã.

Ebba Kalondo, phát ngôn viên của Chủ tịch AU Moussa Faki Mahamat, đã tweet lại tài khoản của chính phủ Đức: "Chào các nhà ngoại giao Đức. Sếp các bạn, bà A.Baerbock đã thăm Liên minh Châu Phi dựa trên một trong hơn 20 nước mà Đức có quan hệ ngoại giao có đi có lại. Liệu có phải bà ta đến để xem thú hoang dã? Hay là Lục địa Châu Phi, người dân và thiên nhiên ở đây chỉ là trò đùa với các vị?"

"Chính sách đối ngoại không phải là một trò đùa và cũng không nên sử dụng nó để ghi điểm địa chính trị rẻ tiền bằng cách minh họa toàn bộ Lục địa bằng các vùng nhiệt đới thuộc địa," Kalondo viết trong một tweet tiếp theo.

Bộ Ngoại giao Đức đã xin lỗi và nói rằng dòng tweet không có ý xúc phạm, mà là "chỉ ra những lời dối trá mà Nga sử dụng để biện minh cho cuộc chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa đế quốc đối với Ukraine."

Ông Lavrov đã đến thăm Nam Phi, Eswatini, Angola và Eritrea trong tuần này, nơi ông đã lặp lại tuyên bố của mình rằng Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây đang sử dụng Ukraine như một công cụ trong "cuộc chiến hỗn hợp" chống lại Nga.

Nhiều quốc gia Châu Phi có quan hệ lịch sử với Nga. Nam Phi là một trong số những nước bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu của Liên Hợp Quốc vào năm ngoái lên án chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine. Eritrea đã bỏ phiếu chống nghị quyết cùng với Nga, Belarus, Triều Tiên và Syria.

(Nguồn: Dân Việt)

(Xem thêm:

=> EU: Hồi hương người nhập cư; 'Vươn tay' tới Kavkaz; Sân chơi của điệp viên; Dân Đan Mạch nổi giận; Biểu tình ở Pháp ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang