EU: Trung hòa khí carbon; Dân Anh giữa lạm phát; Nghị định thư Bắc Ireland; Hy Lạp biểu tình; Quân đội Đức 'tụt hậu'

EU hướng tới mục tiêu trung hoà khí carbon

(Ảnh minh họa).

Các nhà đàm phán Liên minh châu Âu (EU) vừa đạt thỏa thuận mang tính bước ngoặt, qua đó tạo ra tiêu chuẩn Trái phiếu xanh đầu tiên trên thế giới nhằm đặt ra chuẩn mực toàn cầu cho các nhà đầu tư trong quá trình chuyển đổi xanh.

Hiện nay, "các khoản nợ xanh" được đưa ra để gọi vốn đầu tư cho các dự án năng lượng tái tạo, giao thông phát thải thấp hoặc nhà ở cách nhiệt đang rất được các nhà đầu tư quan tâm hơn. Tuy nhiên, EU vẫn chưa đưa ra tiêu chuẩn chung để đánh giá tính bền vững của các khoản đầu tư. Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra đề xuất lần đầu về tiêu chuẩn này vào tháng 7/2021.

Hội đồng châu Âu, đại diện cho 27 nước thành viên EU và Nghị viện châu Âu (EP) vừa qua đã thông báo "tiêu chuẩn đầu tiên trên thế giới liên quan các trái phiếu xanh". EP cho biết tiêu chuẩn này sẽ giúp các nhà đầu tư tự tin hơn khi định hướng các khoản đầu tư cho những công nghệ và doanh nghiệp bền vững hơn. Tiêu chuẩn này phù hợp với luật nhãn xanh của EU định nghĩa hoạt động kinh tế được coi là bền vững.

Bà Elisabeth Svantesson, Bộ trưởng Tài chính Thụy Điển, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU, cho rằng với tiêu chuẩn rõ ràng, những nhà đầu tư mua trái phiếu có thể tiếp cận dễ dàng hơn, so sánh và tin tưởng rằng các khoản đầu tư mà họ lựa chọn là bền vững.

EU hướng tới mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào năm 2050. Giá trị trao đổi thường niên trên thị trường trái phiếu châu Âu ước tính 100.000 tỷ euro (107.000 tỷ USD). Thỏa thuận trên phải được Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu chính thức thông qua và sẽ được triển khai áp dụng 12 tháng sau khi có văn bản này có hiệu lực.

(Nguồn: Môi trường & Đô thị)

Người dân Anh đau đầu lựa chọn giữa lạm phát: Muốn ấm thân thì phải "bóp miệng"!

Khủng hoảng năng lượng và khủng hoảng thực phẩm đang diễn ra cùng lúc ở Anh.

Vào một buổi sáng lạnh giá đầu tháng 2, thầy giáo Edward McEwan di chuyển tới trường Arnold Hill Spencer ở ngoại ô Nottingham, Anh, nhưng anh không vào bước vào trong giảng đường mà cùng các đồng nghiệp tập trung trước cổng trường đình công đòi được trả lương cao hơn trong bối cảnh chi phí sinh hoạt ngày càng leo thang.

McEwan không đơn độc. Hơn nửa triệu người lao động bao gồm y tá, công chức và tài xế đã liên tục tổ chức các cuộc biểu tình trên khắp nước Anh, yêu cầu tăng lương phù hợp với lạm phát và cải thiện điều kiện làm việc.

McEwan cho biết, do chi phí sinh hoạt tăng cao trong năm qua nên anh gặp rất nhiều khó khăn như chưa thể sửa chữa ngôi nhà cũ được xây từ những năm 1900 hay trả khoản vay từ thời sinh viên.

Anh thậm chí đã xếp xó chiếc xe ô tô hay dùng.

Đặc biệt, hóa đơn năng lượng là nỗi ám ảnh của McEwan khi giá tăng hơn gấp đôi. Dự kiến, anh sẽ phải trả 220 bảng Anh/tháng cho hóa đơn năng lượng công cộng. Giá của năm ngoái là 100 bảng Anh.

Câu chuyện của McEwan chỉ là một ví dụ về cuộc khủng hoảng năng lượng đang ảnh hưởng tới người dân châu Âu. Thực tế, tại Vương quốc Anh, người dân bắt đầu cảm nhận khủng hoảng năng lượng kể từ cuối năm 2021, khi giá nguồn cung tăng giá.

" Tôi đang cố gắng cân bằng giữa việc bật máy sưởi nhưng không lo lắng khi nhận hóa đơn cuối tháng ".

Tuy nhiên, McEwan khẳng định anh vẫn còn may mắn khi chưa cần sử dụng đến ngân hàng thực phẩm hoặc ngân hàng sưởi ấm.

Hơn nữa, ngôi nhà xây từ thời nữ hoàng Victoria của anh đã đủ điều kiện tham gia sáng kiến ​​xanh của địa phương, được trợ cấp lắp đặt bộ điều khiển sạc năng lượng mặt trời.

Hóa đơn "nhảy múa"

Trang MarketWatch cho hay, ở Anh, song song với giá tiêu dùng tăng cao, sự "nhảy múa" của giá năng lượng càng nhấn mạnh thực tế tiền lương không theo kịp lạm phát.

Bianca Griffini, nghiên cứu sinh Tiến sĩ nhân học tại Đại học Goldsmiths ở Đông Nam London, cũng tham gia biểu tình đòi tăng lương.

Griffini được trả khoảng 1.500 bảng mỗi tháng thông qua chương trình học Tiến sĩ. Cuối năm ngoái, cô và các đồng nghiệp nhận thêm 160 bảng mỗi tháng nhưng hỗ trợ này hầu như không giúp cô đối phó với tình hình giá cả tăng cao.

Lương thấp khiến cô phải tìm thêm việc làm ngoài.

Griffini cũng sống trong một "ngôi nhà điển hình ở London". Ngôi nhà không có chế độ cách nhiệt tốt.

" Đóng cửa sổ rồi mà nhà vẫn có gió ", cô nói. " Chủ nhà không sửa bất cứ thứ gì và nếu họ sửa bạn thậm chí còn lo lắng hơn, vì sau đó họ sẽ tăng tiền thuê nhà của bạn ".

Những ngôi nhà cách nhiệt kém là một vấn đề phổ biến đối với cư dân Vương quốc Anh. Những ngôi nhà được xây dựng dưới thời Victoria có thiết kế gió lùa, nhằm thải chất ô nhiễm từ đốt than ra ngoài.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nhưng ngôi nhà ở Anh mất nhiệt nhanh hơn so với các ngôi nhà ở các nước châu Âu khác. Ở Anh, những ngôi nhà mới xây có xu hướng cách nhiệt tốt và thường phù hợp hơn với cuộc sống hiện đại.

Becky Fenton, một nhà vật lý trị liệu, gần đây đã cùng người bạn đời của mình thế chấp ngôi nhà mới xây ở London.

Bà cho biết, mình "may mắn" hơn những người khác vì ngôi nhà được cách nhiệt tốt nhưng vẫn không đủ tiền để bật máy sưởi.

" Chúng tôi chỉ dám đắp chăn ", Fenton nói, đồng thời cho biết thêm rằng chi phí sinh hoạt cao hơn đã khiến bà phải hoãn các dự án cải tạo nhà cửa.

" Hóa đơn năng lượng cao trong khi hóa đơn thực phẩm cũng tăng lên. Chúng tôi không thể làm những thứ cho ngôi nhà mới của mình bởi vì chúng tôi không đủ khả năng chi trả. Chúng tôi chẳng có rèm che, đại loại thế ".

Theo một cuộc khảo sát của công ty công nghệ chăm sóc sức khỏe Florence, các nhân viên y tế ở Anh đang ngày càng phải lựa chọn nhiều hơn giữa thực phẩm và nhiên liệu .

Số liệu thống kê mới nhất của chính phủ Anh cho thấy 3,2 triệu hộ gia đình ở nước này thiếu nhiên liệu vào năm 2020.

Tổ chức National Energy Action ước tính, số hộ gia đình Anh thiếu nhiên liệu đã tăng lên 6,7 triệu kể từ ngày tháng 10/2022 và có khả năng sẽ tăng lên 8,5 triệu hộ gia đình vào tháng 4/2023.

"Vất vả đi làm, chật vật trả tiền năng lượng"

Để giảm bớt căng thẳng của cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu, cựu Thủ tướng Liz Truss đã thông qua gói hỗ trợ trị giá 37 tỷ bảng Anh vào năm ngoái, bao gồm bảo đảm giá năng lượng.

Theo lý thuyết, hóa đơn tiền điện và ga trung bình hàng năm của mỗi hộ gia đình sẽ không vượt quá 2.500 bảng Anh. Từ ngày 1/4/2023, giới hạn giá này sẽ tăng lên 3.000 bảng Anh.

Tuy nhiên, hỗ trợ này vẫn không giải quyết được vấn đề năng lượng đối với nhiều người Anh.

Jasmine Lota, nhân viên Bảo tàng Anh ở trung tâm London cho biết, cô không thể làm việc từ xa nên thường mất tiền mua xăng để có thể di chuyển tới chỗ làm.

Humza Asif, đồng nghiệp của Lota cho biết, nhiều đồng nghiệp khác của họ thậm chí còn chuyển chỗ ở đến gần bảo tàng nhằm tiết kiệm chi phí di chuyển nhưng cuối cùng lại phải trả tiền thuê nhà đắt đỏ ở trung tâm London.

Cả Lota và Asif hiện đều phải chuyển về nhà với cha mẹ vì họ không đủ tài chính thuê nhà riêng. Hóa đơn năng lượng ngày càng tăng đã khiến việc sở hữu căn hộ riêng ngày càng xa tầm với và trở thành gánh nặng đối với cả các hộ gia đình trẻ.

" Tôi hầu như không còn tiền vào cuối tháng ", Lota nói. " Thực sự rất căng thẳng ".

Lota và Asif cho biết, họ phải cắt giảm mọi khoản chi tiêu, cộng với việc không thể tiết kiệm tiền cho các kế hoạch trong tương lai, điều đó đang ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của họ.

Asif nói: " Bạn phải vật lộn để đi làm và sau đó về nhà lại phải vật lộn để trả tiền ga và điện".

Khủng hoảng thực phẩm

Bên cạnh năng lượng, người dân Vương quốc Anh đang phải đối mặt với tình trạng thiếu thiếu rau xanh và trái cây dẫn đến việc hạn chế lượng mua tại các siêu thị lớn.

Hồi tuần trước, siêu thị lớn nhất của Anh Tesco cho biết, họ sẽ tạm thời hạn chế số lượng bán ra, tức với mặt hàng cà chua, ớt và dưa chuột, mỗi khách hàng chỉ được mua 1 gói mỗi loại.

Theo giới chức Anh, điều kiện thời tiết xấu ở nước xuất khẩu như Tây Ban Nha và Ma-rốc là nguyên nhân chính gây ra tình trạng thiếu hụt này.

Nhưng nông dân Anh cho rằng, chi phí năng lượng cũng như việc thiếu lao động và các rào cản thương mại liên quan đến Brexit là nguyên nhân dẫn đến nguồn cung hạn chế.

Vào thời điểm này trong năm, Vương quốc Anh phụ thuộc rất nhiều vào trái cây và rau quả nhập khẩu.

Theo Hiệp hội bán lẻ Anh, các siêu thị ở Anh nhập khẩu 95% cà chua và 90% rau diếp vào tháng 12 năm ngoái và dự kiến tỷ lệ tương tự này cũng sẽ diễn ra trong tháng 3/2023.

(Nguồn: Soha)

Brexit: Nghị định thư Bắc Ireland và Khuôn khổ Windsor là gì?

(Ảnh minh họa).

Một thỏa thuận Brexit mới cho Bắc Ireland đã được công bố.

Thỏa thuận này được xây dựng dựa trên Nghị định thư Bắc Ireland, vốn dẫn đến những bất đồng đáng kể giữa Vương quốc Anh và Liên minh Châu Âu (EU).

Tại sao Bắc Ireland cần thỏa thuận Brexit riêng?

Thương mại giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland là dễ dàng trước Brexit - cả hai đều thuộc EU và chia sẻ các quy tắc thương mại giống nhau.

Tuy nhiên, khi Bắc Ireland rời EU, một thỏa thuận nhằm để ngăn kiểm soát được đưa ra.

Đó là bởi vì EU có các quy định nghiêm ngặt về thực phẩm và yêu cầu kiểm tra biên giới khi một số hàng hóa - chẳng hạn như sữa và trứng - đến từ các quốc gia ngoài EU như Vương quốc Anh. Thủ tục giấy tờ này cũng được yêu cầu đối với các hàng hóa khác.

Biên giới đất liền là một vấn đề nhạy cảm vì lịch sử chính trị phức tạp của Bắc Ireland. Người ta lo ngại rằng việc sử dụng camera hoặc chốt biên phòng như một phần của việc kiểm tra hàng hóa có thể dẫn đến sự bất ổn.

Nghị định thư Bắc Ireland là gì?

Cựu Thủ tướng Boris Johnson đã đồng ý Nghị định thư Bắc Ireland với EU. Nó đã trở thành một phần của luật pháp quốc tế và có hiệu lực vào ngày 1 tháng 1 năm 2021.

Theo Nghị định thư Bắc Ireland, việc kiểm soát mới đã được đưa ra.

Thay vì diễn ra tại biên giới Ireland, việc kiểm soát và kiểm tra giấy tờ được thực hiện tại các cảng của Bắc Ireland. Điều này áp dụng cho hàng hóa đi từ Vương quốc Anh (Xứ Anh, Scotland và xứ Wales) đến Bắc Ireland.

Việc kiểm tra được áp dụng ngay cả khi hàng hóa vẫn còn ở Bắc Ireland.

Các đảng liên hiệp - ủng hộ Bắc Ireland là một phần của Vương quốc Anh - nói rằng việc kiểm tra này trên thực tế tạo ra một biên giới giữa Bắc Ireland và phần còn lại của Vương quốc Anh.

Các doanh nghiệp cũng đã phàn nàn rằng việc kiểm tra có nghĩa là tạo ra thêm chi phí và sự chậm trễ.

Khuôn khổ Windsor là gì?

Thỏa thuận mới nhằm mục đích giảm đáng kể số lượng phải kiểm tra.

Hai làn đường sẽ được tạo ra cho hàng hóa từ Vương quốc Anh đến Bắc Ireland:

• Làn đường màu xanh lá cây cho hàng hóa sẽ vẫn ở Bắc Ireland

• Làn màu đỏ cho hàng hóa có thể đưa sang EU

Các sản phẩm đi qua làn đường màu xanh lá cây sẽ không phải bị kiểm tra và cũng bỏ luôn giấy tờ hàng hóa.

Hàng hóa vận chuyển quan làn đường đỏ vẫn sẽ bị kiểm tra.

Các lệnh cấm đối với một số sản phẩm - như xúc xích ướp lạnh - vào Bắc Ireland từ Vương quốc Anh sẽ bị dỡ bỏ.

Bắc Ireland cũng sẽ không còn phải tuân theo các quy tắc nhất định của EU, chẳng hạn như thuế VAT và thuế rượu.

Quy tắc Stormont là gì?

Theo thỏa thuận trước đó, một số luật của EU vẫn được áp dụng ở Bắc Ireland. Tuy nhiên, các chính trị gia ở Stormont không có cách nào ảnh hưởng đến họ.

Thỏa thuận mới giới thiệu một "quy tắc Stormont". Điều này sẽ cho phép Hội đồng Bắc Ireland - cơ quan tạo ra luật ở Bắc Ireland - phản đối các quy tắc mới của EU.

Quá trình này sẽ được kích hoạt nếu 30 chính trị gia Bắc Ireland từ hai đảng trở lên ký vào một thỉnh nguyện thư.

Quy tắc không thể được sử dụng vì "những lý do nhỏ nhặt" và sẽ được dành cho các quy tắc "khác biệt đáng kể".

Theo giáo sư luật EU Catherine Barnard, ngưỡng này sẽ "rất cao". "Đó là một biện pháp bảo mật, nhưng không được sử dụng thường xuyên," bà nói.

Một khi Vương quốc Anh thông báo cho EU rằng hệ thống này đã được kích hoạt, quy tắc sẽ không thể được thực hiện.

Quá trình này sẽ không được Tòa án Công lý Châu Âu giám sát, nhưng tòa án vẫn sẽ có phán quyết cuối cùng về việc liệu Bắc Ireland có tuân theo các quy tắc nhất định của EU (được gọi là quy tắc thị trường đơn lẻ hay không).

Thỏa thuận mới sẽ được chấp nhận?

Thỏa thuận gần như chắc chắn sẽ được Quốc hội Anh chấp nhận vì các đảng đối lập đã chỉ ra rằng họ sẽ ủng hộ. Dường như cũng có rất ít sự phản đối giữa các nghị sĩ đảng Bảo Thủ.

Vẫn chưa rõ liệu thỏa thuận mới có được đảng liên minh lớn nhất của Bắc Ireland, Đảng Liên minh Dân chủ (DUP) chấp nhận hay không.

Sự phản đối mạnh mẽ của DUP đối với nghị định thư nà tới mức DUP đã từ chối tham gia vào chính phủ phân quyền của Bắc Ireland trừ khi những quan ngại của họ được giải quyết.

Lãnh đạo DUP Sir Jeffrey Donaldson cho biết đảng của ông sẽ nghiên cứu thỏa thuận này trước khi đưa ra "quan điểm tập thể" về việc có nên ủng hộ nó hay không

(Nguồn: BBC)

Biểu tình nổ ra sau thảm kịch tàu hỏa chết chóc tại Hy Lạp

Nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra ở Hy Lạp sau một vụ tai nạn đường sắt khiến 43 người thiệt mạng hôm 28/2. Nhiều người cho rằng việc thảm kịch này xảy ra chỉ là vấn đề thời gian.

Nhiều người biểu tình đã đụng độ với cảnh sát bên ngoài trụ sở của Hellenic Train ở Athens - công ty chịu trách nhiệm bảo trì đường sắt Hy Lạp. Các cuộc biểu tình cũng được tổ chức tại Thessaloniki và thành phố Larissa, gần nơi xảy ra thảm họa vào đêm 28/2, BBC đưa tin.

Nhiều thành viên trong công đoàn đường sắt tin rằng các hệ thống an toàn đã không hoạt động bình thường, đồng thời đã cảnh báo về vấn đề này trong nhiều năm.

Sau vụ việc trên, nhiều nhân viên đang lên kế hoạch đình công vào ngày 3/3 để bày tỏ sự phản đối khi ngành đường sắt bị bỏ bê, cũng như sự thương tiếc với các nạn nhân.

“Đau đớn đã biến thành sự tức giận sau khi hàng chục đồng nghiệp và người dân khác bị thương”, công đoàn đường sắt cho biết.

Tại một buổi cầu nguyện ở Larissa hôm 1/3, một người biểu tình cho biết anh cảm thấy thảm họa này chỉ là vấn đề thời gian.

“Đây là một tai nạn không thể chấp nhận được. Chúng tôi đã biết tình hình này trong 30 năm”, Costas Bargiotas, một bác sĩ tại Larissa, nói với AFP.

Một buổi cầu nguyện cũng được tổ chức tại Athens, bên ngoài các văn phòng của Hellenic Train. Sau đó, tại khu vực này, tình hình đã trở nên bạo lực khi cảnh sát phải sử dụng hơi cay để giải tán những người biểu tình ném đá và đốt lửa trên đường phố.

Tại địa điểm xảy ra vụ tai nạn tàu hỏa tồi tệ nhất của Hy Lạp, các nhân viên cứu hộ đã làm việc suốt đêm. Nhiều nạn nhân trong vụ tai nạn là sinh viên đại học đang trở về trường sau lễ hội Carnival náo nhiệt.

Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis ngày 1/3 cho biết vụ đâm tàu này là do “sai sót thảm khốc của con người”.

Liên quan đến thảm kịch, một trưởng ga 59 tuổi đã bị buộc tội ngộ sát do sơ suất. Trong khi đó, người đàn ông này đã bác bỏ cáo buộc về những hành vi sai trái, cho rằng vụ tai nạn là do lỗi kỹ thuật.

Bên cạnh đó, chính phủ nước này khẳng định sẽ tìm ra công lý qua một cuộc điều tra độc lập. Nước này cũng tuyên bố 3 ngày quốc tang sau thảm kịch, trong đó một đoàn tàu chở khách đâm trực diện tàu đoàn tàu chở hàng. Vụ va chạm khiến nhiều toa tàu bốc cháy.

(Nguồn: Zing News)

Đức thừa nhận quân đội thiếu khả năng bảo vệ đất nước

(Ảnh minh họa).

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius thừa nhận lực lượng vũ trang nước này Bundeswehr đang đối mặt với tình trạng thiếu khí tài quân sự và thiếu khả năng bảo vệ đất nước trước một cuộc tấn công.

Bild đưa tin, trong bài phát biểu ngày 1/3 trước các nghị sĩ đảng Dân chủ xã hội, Bộ trưởng Quốc phòng Pistorius cho biết, lực lượng vũ trang Đức đang phải đối mặt với tình trạng thiếu vũ khí và gặp khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ.

Ông Pistorius nhận định, quân đội nước này đang thiếu khả năng phòng vệ trước kịch bản xảy ra một cuộc tấn công nhằm vào Đức, đồng thời đối mặt với thách thức trong việc thực hiện các nghĩa vụ tới tư cách là thành viên của NATO.

"Quân đội chưa đủ khả năng bảo vệ đất nước trước một cuộc tấn công quân sự, một cuộc chiến tranh. Chúng ta cần thực hiện các cam kết với liên minh NATO", ông phát biểu.

Ông Pistorius, 62 tuổi, nhậm chức vào tháng trước và tuyên bố sẽ thực hiện các bước cần thiết để củng cố lực lượng vũ trang và giúp lực lượng này giải quyết các thách thức an ninh mới.

Theo ông, quân đội Đức ngoài thiếu thiết bị quân sự còn thiếu nhân lực và cần phải tăng cường đầu tư hơn nữa.

Trước đó, chính phủ Đức đã tuyên bố sẽ tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng và đã phê duyệt quỹ đặc biệt trị giá 100 tỷ euro (106 tỷ USD) để hiện đại hóa lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, số tiền trên có thể chưa đủ để quân đội Đức nâng cao khả năng tác chiến trong tương lai.

Cuối tuần trước, Andre Wustner, chủ tịch Hiệp hội Lực lượng Vũ trang Liên bang Đức nói với tờ Bildrằng chỉ 30% trong số 100 xe tăng Leopard 2 của quân đội Đức đáp ứng điều kiện để sử dụng trong chiến đấu.

(Nguồn: Dân Trí)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang