- Thời sự
- EU
Từ chi phí nhà ở đến đi lại, người độc thân thường phải chịu chi phí cao hơn so với người có bạn đời, điều này có thể trở nên tồi tệ hơn do cuộc khủng hoảng phí sinh hoạt đang lan rộng khắp châu Âu.
Ngày 14/2/2024, một câu lạc bộ thể dục tại Brussels, Bỉ đã gửi một ưu đãi đặc biệt cho các thành viên của mình vào ngày dành riêng cho các cặp tình nhân: “Thêm người tình vào tư cách thành viên của bạn. Tập thể dục cùng nhau sẽ thi vị gấp đôi.” Tuy nhiên, giá lại không tăng gấp đôi.
Đây chỉ là một ví dụ minh họa cho một vấn đề lớn hơn được gọi là “thuế độc thân,” ám chỉ gánh nặng tài chính đa dạng mà các hộ gia đình độc thân đang phải chịu. Theo một nghiên cứu của công ty dịch vụ tài chính Hargreaves Lansdown, chi phí sinh hoạt hàng năm của những người độc thân ở Vương quốc Anh cao hơn 11.695 euro so với những người có bạn đời.
Tương tự, vào năm 2019, Viện Thống kê và Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Pháp phát hiện ra rằng với thu nhập ngang nhau, mức sống của một cặp đôi cao hơn 1,5 lần so với người độc thân, qua đó bác bỏ quan điểm cho rằng những người sống một mình có thu nhập tốt hơn.
Từ chi phí nhà ở đến chi phí đi lại, người độc thân thường phải chịu chi phí cao hơn so với người có bạn đời, điều này có thể trở nên tồi tệ hơn do cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang lan rộng khắp châu Âu hiện nay.
Trong vài năm qua, những người độc thân ở Anh và châu Âu đã phải chịu chi phí gia tăng một cách không cân xứng so với các cặp đôi hoặc gia đình. Điều này đã dẫn đến sự xuất hiện của một thuật ngữ mới: thuế độc thân, còn được gọi là hình phạt độc thân, dùng để chỉ tất cả các chi phí phát sinh mà những người không có đôi phải đối mặt.
Điều này có thể thấy ở hầu hết mọi thứ, từ khoản vay thế chấp và hóa đơn đến chi phí cho du lịch và các hoạt động giải trí, đặc biệt là đối với những người độc thân không có con.
Theo chuyên gia trị liệu hôn nhân và gia đình Sophie Cress, tác động của Thuế độc thân có thể vượt xa gánh nặng tài chính.
"Thuế độc thân có thể gây ra hậu quả vượt ra ngoài vấn đề tiền bạc, ảnh hưởng đến các mối quan hệ và quá trình ra quyết định của mỗi người. Tỷ lệ ngày càng tăng của những lựa chọn người duy trì các mối quan hệ vì lý do tài chính cho thấy áp lực xã hội và kinh tế mà những người độc thân phải đối mặt. Thuế độc thân có thể khiến họ cảm thấy bị cô lập và kỳ thị về mặt xã hội. Nguyên nhân là do xã hội có xu hướng coi trọng các mối quan hệ lãng mạn và các đơn vị gia đình hơn, khiến những người thân cảm thấy mình bị gạt ra ngoài lề.
"Kết quả là, những cá nhân này có thể cảm thấy mình không đủ năng lực hoặc không hạnh phúc, do chuẩn mực cuộc sống là hạnh phúc và sự viên mãn lại chủ yếu đạt được thông qua các mối quan hệ lãng mạn," Cress cho biết.
Những "con bò sữa" của xã hội
Nhưng chính xác thì những bất lợi về tài chính này biểu hiện như thế nào? Trước hết, các cơ quan thuế quốc gia có xu hướng ưu tiên những người đã kết hôn và các gia đình thông qua các khoản khấu trừ và các lợi ích khác. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, một so sánh quốc tế năm 2023 về gánh nặng thuế đối với những người độc thân cho thấy các quy tắc đánh thuế của Bỉ và Đức là nghiêm ngặt nhất, với mức thuế thu nhập lần lượt là 53% và 47,8%.
Trong nhiều trường hợp, các ngân hàng và các tổ chức tài chính khác cũng ít muốn cấp các khoản vay và thế chấp cho những người độc thân, ngay cả khi họ có công việc ổn định, lương cao và khoản thanh toán ban đầu khá cao cho khoản thế chấp. Điều này có thể khiến mọi người khó có thể tự mua nhà.
Hóa đơn mua sắm sinh hoạt cũng có thể cao hơn nhiều, vì các mặt hàng được đóng gói theo khẩu phần ăn từ hai đến bốn suất. Khi ăn ngoài, những người độc thân cũng ít có khả năng tận dụng các ưu đãi dành cho các cặp đôi hoặc gia đình. Điều này cũng áp dụng cho các khách sạn và các hoạt động nghỉ dưỡng khác, khi một người đi một mình sẽ bỏ lỡ các khoản giảm giá đáng kể cho nhóm.
Tổ chức Ocean Finance của Anh ước tính rằng những người độc thân phải trả thêm khoảng 200 bảng Anh mỗi tháng cho các hóa đơn - bao gồm cả nhà ở - so với khi họ có một người lớn khác để chia sẻ chi phí. Tương tự như vậy, họ chi thêm khoảng 15 bảng Anh cho thực phẩm và rượu, thêm 39,5 bảng Anh cho các kỳ nghỉ và thêm 26,4 bảng Anh cho các gói đăng ký.
Luật thừa kế cũng có thể gây bất lợi cho những người độc thân. Ví dụ, tại thủ đô Brussels của Bỉ, thuế thừa kế mà những người độc thân phải trả có thể cao gấp đôi so với bố mẹ hoặc người đã kết hôn phải trả. Trong khi cha mẹ có thể để lại tài sản cho con cái với mức thuế suất là 30% thì một người được cha mẹ đỡ đầu đơn thân để lại tài sản có thể sẽ chịu mức thuế suất cao đến 80%.
“Những người độc thân đang tài trợ chéo rất nhiều cho các gia đình, và người dân nói chung đều không thừa nhận điều này,” Sylvia Locher, chủ tịch của Pro Single Switzerland, một tổ chức bảo vệ quyền của những người sống một mình, cho biết. Trong một cuộc phỏng vấn với The Parliament, Locher thừa nhận rằng nuôi con rất tốn kém. “Nhưng khi bạn sống một mình, chi phí bình quân đầu người cao hơn nhiều vì bạn phải tự mình chịu các gánh nặng,” bà nói. “Là một người độc thân, bạn không bao giờ đủ điều kiện để được hưởng bất kỳ quyền lợi nào. Những người độc thân là những con bò sữa của xã hội.”
Các chính sách không nên thiên vị hay trừng phạt, và đối xử bình đẳng với mọi lối sống
Ngoài những bất lợi về mặt chính trị của nhiều chế độ thuế, những người độc thân cũng phải đối mặt với sự phân biệt đối xử về kinh tế trên thị trường tư nhân. Nhà ở, gói cước điện thoại di động, thẻ thành viên phòng tập thể dục, đăng ký Internet… Trong khi các công ty thường cung cấp nhiều gói giảm giá cho các gia đình và cặp đôi, thì những người độc thân thường phải trả đầy đủ tiền.
Đồng thời, số lượng các hộ độc thân đang ngày càng tăng. Theo cơ quan thống kê Eurostat của EU, số lượng người độc thân đang gia tăng trên 27 quốc gia thành viên của khối này, trong khi số lượng trung bình những người sống chung trong một hộ gia đình dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong tương lai. Theo dữ liệu của Eurostat, từ năm 2009 đến 2022, số hộ gia đình một người đã tăng tới 30,7% trên toàn EU, và là loại hộ gia đình phổ biến nhất ở EU, chiếm khoảng 71,9 triệu người.
Tại Bỉ, một nghiên cứu gần đây của Cục Kế hoạch Liên bang của nước này đã kết luận rằng số hộ gia đình một người đã chiếm đa số ở hầu hết các thành phố và đô thị, tăng gấp 10 lần so với những năm 1990.
Khi số lượng người độc thân tăng lên, thì các tổ chức đấu tranh đòi đối xử bình đẳng cho họ cũng đã xuất hiện, trong khi các nhà nghiên cứu và các chính trị gia cũng bắt đầu chú ý tới vấn đề này. Carla Dejonghe, một thành viên của quốc hội địa phương tại Brussels, người đã làm việc về vấn đề này trong một thời gian dài, cho biết: "Tôi đã như thể một mình nhét vào sa mạc trong rất nhiều năm."
Mục tiêu của Dejonghe là nâng cao nhận thức về việc người độc thân đang bị phân biệt đối xử dưới những hình thức khác nhau. Cô cho rằng đã đến lúc xóa bỏ hình tượng sáo rỗng của những người độc thân hạnh phúc trong bộ phim truyền hình nổi tiếng “Sex and the City.”
“Nhiều người sống cuộc sống độc thân một cách không tự nguyện. Mẹ tôi là một góa phụ và bà chưa bao giờ có ý định sống một mình trước khi bố tôi qua đời. Chúng ta cần nhận ra rằng điều này có thể xảy ra đối với bất kỳ ai.”
Locher của Pro Single Switzerland cũng chỉ trích sự thiếu quan tâm của chính trị đối với vấn đề này, khi cho biết một báo cáo toàn diện về tình hình của các gia đình được công bố hai năm một lần tại Thụy Sĩ thậm chí còn dài chưa đến 20 trang, cho thấy một sự phân biệt đối xử rất rõ ràng. Trong khi các chính trị gia rất cần phiếu bầu của những người như họ.
Mặc dù các hộ gia đình độc thân chiếm một phần lớn trong xã hội, nhưng cho đến nay họ vẫn chưa nổi lên như một thế lực chính trị mạnh mẽ. Annukka Lahti, một nhà nghiên cứu khoa học xã hội tại Viện Hàn lâm Phần Lan, đã xem xét phạm vi đưa tin của phương tiện truyền thông về những người độc thân trong nước. Phát hiện lớn nhất của bà là gì? Đó là tình trạng độc thân không bị chính trị hóa, trái ngược với các cách sống khác biệt khác.
“Mặc dù độc thân là một lựa chọn khá phổ biến, nhưng nếu so sánh với LGBTQ+ thường được kết nối với các tổ chức chính trị, thì tình trạng độc thân lại thường được coi như là một vấn đề cá nhân.”
Sau cùng, các hộ độc thân thường rất đa dạng, từ sinh viên đến người đã nghỉ hưu. Theo Locher, sự khác biệt này càng trở nên rõ ràng khi nhóm vận động của bà soạn thảo các đề xuất chính sách, và việc để những chính sách này phù hợp với tất cả mọi đối tượng cũng đồng nghĩa với việc nó kém hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, những dấu hiệu tích cực đã xuất hiện. Từ điển Cambridge đã có từ “singlism,” một thuật ngữ do Bella DePaulo, một nhà khoa học xã hội người Mỹ, đặt ra. Bà là người đã viết một bài báo năm 2007 mở đường cho việc đưa ra bằng chứng đầu tiên về sự phân biệt đối xử với những người độc thân.
Theo Lahti, ngày càng có nhiều nghiên cứu về những người độc thân xuất hiện, đặc biệt là ở Mỹ, cũng như ở Ấn Độ và Nhật Bản. "Sự thay đổi đang diễn ra. Nó đang được chủ đề hóa," bà nói.
Sống một mình rất phổ biến – chỉ là chúng ta vẫn chưa bắt kịp với thực tế
Locher của Pro Single Switzerland cho biết các chính trị gia và giới truyền thông cũng bắt đầu quan tâm đến các hộ độc thân. "Các chính trị gia nhận ra rằng có rất nhiều người như chúng tôi và họ cần phiếu bầu của chúng tôi," bà nói
Trong khi đó, Dejonghe đang ăn mừng một chiến thắng nhỏ nhưng quan trọng ở Bỉ, khi Woluwe-Saint-Pierre trở thành thành phố đầu tiên trong cả nước đánh giá tác động của các chính sách của mình đối với cư dân độc thân. “Các chính sách không nên thiên vị hay trừng phạt, và phải đối xử bình đẳng với mọi lối sống,” Dejonghe nói.
Những thay đổi này bao gồm nhà ở mới với nhiều không gian cộng đồng hơn để những người độc thân có thể tương tác xã hội, nhà hàng có bàn ăn chung…
"Mọi người đều có thể đóng góp, không chỉ các chính trị gia. Các nhà hàng địa phương có thể xây dựng các chính sách thân thiện với người độc thân. Tại nơi làm việc, có thể đảm bảo tôn trọng mong muốn của mọi người," Dehonghe cho biết.
Ở cấp độ châu Âu, tình hình còn ảm đạm hơn. Khi được hỏi về tác động của các chính sách EU đối với những người độc thân, một phát ngôn viên của ủy ban bình đẳng của Nghị viện châu Âu đã chỉ ra các báo cáo gần đây mà ủy ban này đã ủy quyền về tình hình của các bà mẹ đơn thân, cha mẹ đơn thân và phụ nữ. Không có báo cáo nào tập trung cụ thể vào những người độc thân không có con.
Đối với Lahti, nhà nghiên cứu người Phần Lan, những cặp đôi đã kết hôn vẫn giữ một địa vị chuẩn mực rất cụ thể trong xã hội. “Điều đó khiến những cách sống khác có vẻ không chuẩn mực,” bà nói. “Nhưng sống một mình rất phổ biến – chúng ta vẫn chưa bắt kịp với thực tế”.
Cuộc tấn công bằng dao làm nhiều người bị thương tại Đức tuần qua đã nối dài danh sách các vụ tấn công bạo lực nơi đông người xảy ra ở các nước châu Âu thời gian gần đây. Mặc dù vụ việc được xác định là không có dấu hiệu của khủng bố, nhưng nó đã thông tin về nguồn gốc nhập cư của những kẻ thủ ác làm nóng trở lại những tranh cãi lâu nay về kiểm soát dòng người nhập cư, vốn đang tăng trở lại ở "Lục địa già".
Cùng với việc các đảng cực hữu với tư tưởng chống nhập cư đang trỗi dậy mạnh mẽ tại các nước trong khu vực, những diễn biến mới một lần nữa đặt các chính phủ châu Âu trước bài toán đảm bảo an ninh, an sinh xã hội trong khi vẫn thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm quốc tế.
Vụ đâm dao tại thị trấn Southport ở xứ England của Anh khiến 3 trẻ em thiệt mạng hồi cuối tháng 7 có thể coi là điểm bắt đầu của chuỗi vụ bạo lực nghiêm trọng liên quan đến người nhập cư mới đây tại châu Âu. Từ những thông tin sai lệch về hung thủ, vụ việc đã kéo theo làn sóng bạo lực, bạo loạn từ cả hai phía chống và ủng hộ người nhập cư. Trong vòng 1 tuần kể từ ngày 30/7, khoảng 60 cuộc biểu tình cực hữu và biểu tình phản đối cực hữu nổ ra tại hàng loạt thành phố lớn trên khắp nước Anh, với nhiều cuộc biến thành bạo loạn khi những kẻ quá khích tấn công cảnh sát, đốt phá các cơ sở lưu trú của người xin tị nạn, bao vây các đền thờ Hồi giáo và cướp phá cửa hàng. Hơn 100 cảnh sát bị thương và hơn 1.000 người bị bắt, trong đó 200 người đã ra hầu tòa và lĩnh án. Bạo loạn tại Anh vừa lắng dịu, vụ đâm dao khiến 3 người thiệt mạng, 8 người bị thương trong lễ hội đường phố ở Solingen (Đức) ngày 23/8 lại thổi bùng những ý kiến phản đối người nhập cư ở châu Âu, khi hung thủ được xác định là người Syria đã tuyên thệ trung thành với nhóm khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" tự xưng (IS).
Ngay sau vụ tấn công ở Solingen, lãnh đạo phe đối lập trong Quốc hội, Friedrich Merz đã yêu cầu Thủ tướng Olaf Scholz "phối hợp một cách nhanh chóng và không chậm trễ thêm nữa để có các quyết định nhằm ngăn chặn hiệu quả các cuộc tấn công khủng bố tiếp theo". Ông Friedrich Merz kêu gọi Thủ tướng Olaf Scholz thực hiện những thay đổi cứng rắn về luật liên quan vấn đề nhập cư - nếu cần có thể bỏ phiếu thông qua Quốc hội mà không cần phải thỏa thuận với các đối tác trong chính phủ liên minh.
Những diễn biến mới cho thấy, tâm lý bài nhập cư vẫn âm ỉ trong lòng các nước châu Âu, chỉ cần một vụ việc bạo lực có thể châm ngòi lửa. Tâm lý phản đối người nhập cư chính là động lực để hàng triệu người bỏ phiếu chọn Anh rời Liên minh châu Âu (EU) và khiến chính phủ của đảng Bảo thủ thúc đẩy kế hoạch trục xuất người xin tị nạn đến Rwanda…
Hay trong các cuộc bầu cử ở châu Âu mùa Hè vừa qua, phe cực hữu đã tạo nên làn sóng quét qua nhiều nước, trong đó nước Pháp là trường hợp nổi bật nhất khi lực lượng cực hữu đã tiến gần ngưỡng cửa chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội nhờ lá phiếu từ bộ phận cử tri bài ngoại, phản đối nhập cư.
Tại Đức, đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD), một đảng nổi tiếng với thái độ thù địch trong vấn đề di cư, cũng đang trên đà trở thành đảng mạnh nhất trong cuộc bầu cử cơ quan lập pháp dự kiến diễn ra ngày 1/9 tại 2 bang Sachsen và Thüringen với khoảng 30% số phiếu tín nhiệm trong các cuộc thăm dò. Trong nhiều năm qua, lời kêu gọi của AfD về thắt chặt chính sách nhập cư đã được nhiều người hoan nghênh, đặc biệt là ở các tiểu bang miền Đông nước Đức.
Không khó để lý giải tâm lý bất mãn nhằm vào người nhập cư ở châu Âu. Ở Anh, việc chính phủ tiền nhiệm quyết định cung cấp chỗ ở cho người xin tị nạn với chi phí lên tới 2,5 tỷ bảng (3,2 tỷ USD) vào năm ngoái đã gây làn sóng phản đối mạnh mẽ, trong bối cảnh người dân Anh đang chịu cảnh thiếu nhà ở, cơ sở hạ tầng xuống cấp, dịch vụ công yếu kém, đặc biệt dịch vụ y tế và giáo dục quá tải, kinh tế trì trệ, khủng hoảng chi phí sinh hoạt với lạm phát cao kỷ lục.
Theo kết quả cuộc thăm dò của YouGov, 2/3 số người được hỏi cho biết "chính sách nhập cư trong những năm gần đây" là một phần nguyên nhân gây ra các cuộc bạo loạn mới. Bên cạnh đó là nỗi ám ảnh về bạo lực, mất an ninh từ những đối tượng cực đoan là người nhập cư. Các số liệu thống kê của Pháp cho thấy tỷ lệ tội phạm là người nhập cư bất hợp pháp đặc biệt cao, trên dưới 50% tại các thành phố lớn như Paris, Marseille hay Lyon.
Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy khoảng 80% người Pháp ở độ tuổi trên 50 đánh giá chính quyền đã thất bại trong việc xử lý vấn đề người nhập cư, trong khi tỷ lệ này chỉ thấp hơn một chút ở lớp người trẻ tuổi hơn. Khoảng 67% người dân Pháp muốn chính phủ có các chính sách cứng rắn hơn về nhập cư trong bối cảnh kinh tế khó khăn và liên tiếp xảy ra các vụ phạm tội do người nhập cư bất hợp pháp gây ra. Phe cực hữu đã lợi dụng chủ đề này để lôi kéo cử tri và vươn lên một vị thế cao hơn trong chính trường Pháp và châu Âu.
Dù rằng vấn đề người di cư đã góp phần làm phức tạp thêm tình hình an ninh tại châu Âu, việc liên kết trực tiếp và tuyệt đối giữa các vụ tấn công và người di cư là một định kiến. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông xã hội cũng tác động lớn đến dư luận, cả về tích cực lẫn tiêu cực, điển hình như vụ việc thông tin sai lệch lan truyền trên mạng xã hội về nghi phạm vụ tấn công ở Anh đã châm ngòi cho làn sóng bạo lực bạo loạn. Những yếu tố này ngược lại sẽ gây khó khăn cho người nhập cư, đặc biệt là những người trẻ tuổi, trong việc hòa nhập, từ đó tạo cơ hội cho các nhóm cực đoan lợi dụng. Vòng lẩn quẩn ấy khiến khó có thể xóa bỏ sự nghi kỵ, cảnh giác đối với người nhập cư ở châu Âu.
Sau gần 1 thập niên, khủng hoảng người di cư vẫn tiếp tục là nỗi ám ảnh đối với châu Âu, nhất là trong bối cảnh nhiều khu vực khác trên thế giới vẫn đang bị tàn phá bởi chiến tranh, xung đột. Một bên là trách nhiệm nhân đạo quốc tế, một bên là nghĩa vụ đảm bảo an ninh, ổn định của quốc gia - đây vẫn là bài toán làm đau đầu chính phủ các nước và không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Các nước cần có những giải pháp toàn diện, bao gồm tăng cường an ninh, hỗ trợ người di cư hòa nhập, chống lại tư tưởng cực đoan và xây dựng một xã hội đoàn kết hơn.
Tháng 10/2023, sau nhiều năm tranh cãi, EU đã đạt được một thỏa thuận toàn khối về quản lý người di cư và tị nạn, cho phép các nước chia sẻ gánh nặng trong vấn đề này. Tháng 4 vừa qua, Nghị viện châu Âu đã thông qua thỏa thuận, mang tên Hiệp ước châu Âu về tị nạn và di cư. Các nước châu Âu hiện đang tăng cường các biện pháp kiểm soát biên giới bên ngoài, đặc biệt là thông qua việc mở rộng vai trò của cơ quan Frontex (Cơ quan Biên phòng và Bảo vệ bờ biển châu Âu). Đồng thời, châu Âu cũng đang tích cực ký kết các thỏa thuận với các quốc gia ngoài EU, như Thổ Nhĩ Kỳ và một số quốc gia Bắc Phi, nhằm ngăn chặn dòng người di cư. Chính sách hồi hương cũng được chú trọng hơn, với việc đẩy mạnh các biện pháp hồi hương đối với những người di cư không đủ điều kiện ở lại.
Thêm vào đó, một số quốc gia châu Âu đã điều chỉnh lại luật để giảm thiểu lượng người nhập cư và tăng cường sự giám sát, phản ánh sự thay đổi trong cách tiếp cận vấn đề di cư. Nhưng để đi đến một kết quả khả quan hơn, EU vẫn cần ý chí, nguồn lực và một chính sách đối ngoại chung - điều mà khối này chưa thể làm được bởi nhiều nước thành viên vẫn đặt lợi ích riêng lên trên hết.
Ngành công nghiệp hạt giống châu Âu được đánh giá là đa dạng nhất thế giới. Đội ngũ các nhà lai tạo thực vật đã giúp duy trì sự đa dạng sinh học của châu Âu và đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm dồi dào, nhưng công việc của họ đang bị đe dọa từ ngành công nghiệp cấp bằng sáng chế.
Cuộc chiến né bản quyền
Mặc dù việc cấp bằng sáng chế cho thực vật là bất hợp pháp ở Liên minh châu Âu (EU), nhưng những loại cây được tạo ra bằng phương tiện công nghệ lại được phân loại là cải tiến kỹ thuật và do đó, vẫn có thể được cấp bằng sáng chế. Điều này có nghĩa những người nhân giống quy mô nhỏ không còn có thể tự do trồng những hạt giống này hoặc sử dụng chúng cho mục đích nghiên cứu mà không phải trả phí cấp phép.
Khoảng 1.200 loại hạt giống có thể được lai tạo tự nhiên đã và đang được cấp bằng sáng chế trên khắp châu Âu, vì các công ty hóa chất nông nghiệp tuyên bố tạo ra chúng thông qua các cải tiến kỹ thuật. Văn phòng Sáng chế châu Âu (EPO) được biết đến là nơi chủ yếu cấp những bằng sáng chế dạng này. Phạm vi hoạt động của EPO bao gồm 39 quốc gia, vượt ra ngoài 27 quốc gia thành viên EU. EPO sẽ quản lý việc phê duyệt các bằng sáng chế châu Âu thông qua một quy trình tập trung. Hậu quả là, với sự kiểm soát tập trung đối với hạt giống, tính đa dạng di truyền sẽ giảm đi, vì các nhà lai tạo vừa và nhỏ có ít vật liệu di truyền hơn để làm việc. Điều này có thể dẫn đến giảm khả năng chống chịu các thảm họa khí hậu và gián đoạn nguồn cung cấp thực phẩm.
Frans Carree, một nhà lai tạo hữu cơ tại Công ty Hà Lan De Bolster, đang cố gắng phát triển một loại cà chua kháng virus gây bệnh quả nâu nhăn. Tuy nhiên nỗ lực của ông đang bị cản trở bởi hàng chục đơn xin cấp bằng sáng chế về khả năng kháng bệnh này từ các công ty đa quốc gia như BASF, Bayer và Syngenta. Mặc dù các bằng sáng chế vẫn chưa được cấp nhưng chúng tạo ra sự bất ổn về mặt pháp lý và khoản đầu tư của F.Carree sẽ khó đạt hiệu quả. Trong nhiều năm, các nhà lai tạo nhỏ, nhóm nông dân và tổ chức môi trường đã cảnh báo rằng ngày càng có nhiều vật liệu sinh học được tư nhân hóa thông qua bằng sáng chế.
Để đáp lại, năm 2017, Ủy ban châu Âu (EC) đã ban hành thông báo giải thích về Chỉ thị Công nghệ sinh học năm 1998, nêu rõ “các sản phẩm thu được bằng các quy trình sinh học cơ bản” không được cấp bằng sáng chế. Từ đó, EPO đã tuân theo diễn giải của ủy ban và cấm cấp bằng sáng chế đối với các loại cây trồng được lai tạo theo phương pháp thông thường, một quyết định được các nhà lai tạo và nông dân hoan nghênh.
Trong nguy có cơ
Việc chống chọi hoặc né tránh các đặc điểm về hạt giống theo yêu cầu của bằng sáng chế gây thêm phiền hà cho nhà nông, vốn đã gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp; nhưng đây cũng là một trong những nhân tố thúc đẩy nông dân tìm hướng đi mới, nhất là trong canh tác hữu cơ. Canh tác hữu cơ hiệu quả hơn canh tác đất truyền thống ở một số khu vực, đặc biệt khi muốn giữ cho đất đai màu mỡ, tích tụ chất dinh dưỡng hoặc tránh những tác hại của phân bón nhân tạo một cách tốt nhất có thể. Ở nước Anh và xứ Wales, canh tác ngũ cốc, trái cây và rau hữu cơ sẽ trực tiếp giảm lượng phát thải khí nhà kính xuống mức 20%, khí thải từ chăn nuôi sẽ giảm khoảng 4%.
Các doanh nghiệp nông nghiệp ở châu Âu đều cần sự hỗ trợ của ngân sách quốc gia và của cả khối. Chính sách nông nghiệp chung là hạng mục lớn nhất trong ngân sách của EU. Cứ 7 năm một lần, các quốc gia EU đàm phán lại cách họ muốn hỗ trợ nông dân của mình. Các chủ trang trại cho biết tầm quan trọng cực kỳ của các khoản trợ cấp này, nhất là khi thời tiết khắc nghiệt. Lợi nhuận trung bình hàng năm của một doanh nghiệp nông nghiệp Đức là 115.000EUR, nhưng tăng giảm thất thường, có khi tụt xuống chỉ còn 20.000EUR do chi phí tăng giá, rủi ro dịch bệnh, thời tiết...
Ngày càng có nhiều trang trại ở Đức hoạt động theo hướng hữu cơ. Năm 2023, theo Văn phòng Thống kê Liên bang, khoảng 1/10 trang trại ở Đức - tức khoảng 28.700, vận hành canh tác hữu cơ. Theo các nhà thống kê, diện tích canh tác hữu cơ ở Đức tăng đặc biệt mạnh. Trong khi năm 2020 có 1,6 triệu ha thì diện tích gần đây đã tăng lên 1,85 triệu ha. So với tổng diện tích nông nghiệp của Đức là 16,6 triệu ha, tỷ trọng diện tích canh tác hữu cơ đã tăng từ 9,6 lên 11,2%. Số lượng trang trại hữu cơ trong chăn nuôi cũng tăng 11% lên khoảng 19.200 trang trại trong khoảng thời gian từ 2020 đến 2023.
Một mạng lưới toàn cầu đã lừa đảo nhiều sinh viên hàng chục ngàn bảng Anh cho những hồ sơ xin thị thực (visa) vô giá trị mà họ hy vọng sẽ cho phép họ làm việc ở Vương Quốc Anh.
Một cuộc điều tra của BBC đã phát hiện ra những trung gian, làm việc như các đại lý môi giới, đã nhắm vào con mồi là những sinh viên quốc tế muốn tìm việc trong ngành chăm sóc sức khỏe ở Anh.
Mỗi sinh viên có thể phải trả tới 17.000 bảng Anh (hơn 555 triệu VND) cho chứng chỉ bảo trợ mà đáng lẽ ra là miễn phí.
Sau đó, khi nộp đơn xin visa lao động tay nghề, hồ sơ của họ bị Bộ Nội vụ Anh từ chối do không hợp lệ.
Theo các tài liệu BBC tiếp cận được, một người đàn ông tên Taimoor Raza đã bán 141 hồ sơ visa - hầu hết là vô giá trị - và thu về tổng cộng 1,2 triệu bảng Anh (hơn 39 tỷ VND)
Người này nói rằng mình không làm gì sai và đã trả lại tiền cho một số sinh viên.
Ông Raza thuê văn phòng và nhân viên ở West Midlands (Anh) và đưa ra lời hứa hẹn với hàng chục sinh viên về việc bảo trợ việc làm và một công việc ở viện dưỡng lão.
BBC nhận được thông tin rằng ông Raza có bán cả những tài liệu hợp lệ và một số ít sinh viên đã nhận được visa và công việc thật sự.
Tuy nhiên, nhiều người khác đã mất toàn bộ số tiền tiết kiệm chỉ để nhận về những giấy tờ vô giá trị.
‘Tôi mắc kẹt ở đây’
BBC đã nói chuyện với 17 người nam giới và phụ nữ, những người đã tốn hàng ngàn bảng Anh khi cố xin visa lao động.
Ba sinh viên, đều là nữ giới trong độ tuổi 20, đã trả tổng cộng 38.000 bảng (khoảng 1,2 tỷ VND) cho những kẻ môi giới khác nhau.
Họ nói rằng khi còn ở Ấn Độ, họ được hứa hẹn về việc họ sẽ kiếm được nhiều tiền ở Anh.
Nhưng thay vào đó, họ đã mất trắng tất cả và quá sợ hãi nên không dám thông báo với gia đình ở quê nhà.
"Tôi bị mắc kẹt ở đây [ở Anh]," Nila * nói với BBC.
"Nếu tôi quay về, tất cả số tiền tiết kiệm của gia đình sẽ mất trắng.”
Vào năm 2022, ngành chăm sóc sức khỏe ở Anh, bao gồm các viện dưỡng lão và các cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, thiếu hụt 165.000 nhân viên – con số kỷ lục tính tới năm 2022.
Để mở rộng mạng lưới tuyển dụng, chính phủ Anh cho phép các hồ sơ ứng tuyển quốc tế , dẫn đến sự gia tăng đơn xin việc từ các nước như Ấn Độ, Nigeria và Philippines.
Những người nộp đơn phải có người tài trợ đủ điều kiện, chẳng hạn như một viện dưỡng lão hoặc cơ quan cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Những người tìm việc không phải trả một đồng nào cho người bảo trợ hoặc visa.
Việc mở rộng mạng lưới tuyển dụng đã khiến những trung gian môi giới có cơ hội lợi dụng những sinh viên có mong muốn tìm việc toàn thời gian tại Anh.
Dù những sinh viên mà BBC trò chuyện đều tìm mọi cách để được ở lại Anh một cách hợp pháp, họ đang đối mặt với nguy cơ bị trục xuất về nước.
Nạn nhân bị chặn số điện thoại
Nadia *, 21 tuổi đến từ Ấn Độ và hiện đang sống ở Wolverhampton, đã tới Anh vào năm 2021 với visa du học cử nhân ngành khoa học máy tính.
Sau một năm, cô quyết định tìm việc thay vì tiếp tục học và trả mức học phí 22.000 bảng Anh/năm (khoảng 718 triệu VND/năm).
Một người bạn đã cho Nadia số điện thoại của một người môi giới.
Người này nói rằng, với giá 10.000 bảng Anh (khoảng 326 triệu VND), ông ta có thể cung cấp giấy tờ cần thiết để Nadia kiếm được một công việc chăm sóc sức khỏe.
Nadia nói rằng người môi giới khiến cô cảm thấy an tâm và thậm chí còn nói với Nadia rằng cô khiến ông ta nhớ về người thân.
“Ông ấy bảo tôi là ‘Tôi sẽ không lấy giá đắt đâu, vì cô trông giống em gái của tôi’,” Nadia kể lại.
Nadia đưa trước 8.000 bảng Anh (khoảng 261 triệu VND) và đợi khoảng sáu tháng cho một văn bản chứng nhận một công việc tại một viện dưỡng lão ở Walsall (Anh).
“Tôi đã gọi thẳng đến viện dưỡng lão [ở Walsall] và hỏi về visa của mình, nhưng họ nói rằng họ không cung cấp bất kỳ chứng chỉ bảo trợ nào vì họ đã có đủ nhân viên”, Nadia kể lại.
Người môi giới đã chặn số điện thoại của Nadia.
Nadia được khuyên nên đến trình báo với cảnh sát, nhưng nói với BBC rằng cô quá sợ hãi.
Nila, đang sống ở Birmingham, nói rằng gia đình cô tin rằng đầu tư vào một cuộc sống ở Anh sẽ giúp cô học được nhiều kỹ năng và kiếm được nhiều tiền hơn là làm việc ở Ấn Độ.
“Bố chồng tôi từng phục vụ trong quân đội, ông đã đưa tôi tất cả tiền tiết kiệm của mình,” cô nói.
Nila đã tới một trung tâm đào tạo ở Wolverhampton để chuyển visa du học của mình thành visa nhân viên chăm sóc sức khỏe.
Nila kể rằng nhân viên của trung tâm rất lịch sự và đã cho cô xem email, thư từ và các bản sao visa để chứng minh sự hợp pháp của họ.
Nila và các sinh viên khác hoàn toàn tin rằng những người này sẽ giúp thay đổi cuộc đời họ.
“Lần đầu gặp họ như gặp Chúa vậy. Chúng tôi tin tưởng họ tới vậy đấy,” cô nói.
Nila đã trả 15.000 bảng Anh (khoảng 490 triệu VND) cho các tài liệu mà hóa ra là vô giá trị và đã bị Bộ Nội vụ Anh từ chối.
Trước đó, cô đã tốn 15.000 bảng Anh (khoảng 490 triệu VND) tiền của gia đình cho việc học.
Nila nói rằng cuộc đời cô đã bị hủy hoại.
"Những kẻ lừa đảo đó hiện vẫn đang nhởn nhơ. Chúng chẳng sợ gì cả,” cô nói.
86 sinh viên mất hàng ngàn bảng Anh
BBC phát hiện ông Taimoor Raza, một công dân Pakistan từng sống ở Wolverhampton và làm việc ở Birmingham, đứng đầu một mạng lưới cung cấp hồ sơ visa.
Ông ta đã tiếp cận các công ty tuyển dụng ở vùng West Midlands và nói rằng mình có thể sắp xếp cơ hội việc làm tại các viện dưỡng lão và lo thủ tục xin visa cho khách hàng của họ.
BBC đã được xem một tập hồ sơ chứa đầy các tài liệu bảo trợ mà ông Raza cung cấp cho một công ty tuyển dụng với 141 người xin visa.
Mỗi người phải trả từ 10.000 đến 20.000 bảng Anh (từ khoảng 326 triệu VND đến khoảng 653 triệu VND). Tổng lại, số tiền là 1.2 triệu bảng Anh (khoảng 39 tỷ VND).
BBC xác nhận rằng ông Raza đã gửi những chứng chỉ bảo trợ này dưới dạng các tập PDF qua ứng dụng nhắn tin Whatsapp.
Trong số này, 86 sinh viên nhận về những giấy tờ vô giá trị mà sau đó đã bị Bộ Nội vụ Anh từ chối.
55 sinh viên còn lại xin được visa.
Tuy nhiên, những viện dưỡng lão mà các sinh viên này được hứa có thể tới làm việc lại nói rằng không hề có hồ sơ nào cho những thỏa thuận công việc như vậy.
BBC đã liên lạc với ông Raza, người đã trở về Pakistan từ tháng 12/2023, để đối chất về những cáo buộc trên.
Ông Raza nói rằng những cáo buộc của các sinh viên là "sai" và "một chiều", cho biết thêm rằng ông đã liên hệ với luật sư.
Ông Raza không phản hồi yêu cầu bình luận của BBC.
Một sinh viên tên Ajay Thind nói rằng đã được chiêu mộ về làm cho ông Raza sau khi trả cho ông ta 16.000 bảng Anh (khoảng 522 triệu VND) để xin visa nhân viên chăm sóc.
Thind là một trong số sáu người được trả từ 500 – 700 bảng Anh/tuần (hơn 16 triệu – hơn 22 triệu VND/tuần) cho công việc biên soạn giấy tờ và điền đơn đăng ký thay cho những người nộp đơn.
Thind nói rằng ông Raza đã thuê văn phòng và thậm chí còn chi trả tất cả chi phí cho một chuyến du lịch của nhân viên tới Dubai (UAE).
Thind bắt đầu nảy sinh nghi ngờ vào tháng 4/2023 khi thấy các hồ sơ bị Bộ Nội vụ từ chối. Trong số những hồ sơ này có cả của bạn bè Thind, những người đã trả tổng cộng 40.000 bảng Anh (khoảng 1,3 tỷ VND).
“Tôi nói với Raza và ông ấy nói với tôi rằng, 'bộ não của anh không tốt để xử lý căng thẳng, hãy để tôi xử lý những việc như vậy.'
"Tôi không nghỉ việc vì tôi cần tiền," Thind nói.
"Tôi mắc kẹt trong một tình huống rất tồi tệ."
Thind nói rằng ông chủ của anh đang liên kết với rất nhiều đại lý môi giới, nên con số thực tế có lẽ cao hơn nhiều 1,2 triệu bảng Anh (khoảng 39 tỷ VND).
Hầu hết các nạn nhân chưa liên lạc với cảnh sát.
“Nhiều người không tới gặp cảnh sát vì họ sợ Bộ Nội vụ và những hậu quả của việc trình báo,” ông Luke Piper, trưởng bộ phận nhập cư của Trung tâm Quyền Lao động (Work Rights Centre), nói.
Thay vào đó, họ tìm kiếm sự giúp đỡ từ một ngôi đền đạo Sikh nằm ở West Midlands – Đền Gurdwara Baba Sang Ji ở Smethwick (Anh).
Các thành viên của ngôi đền đã nỗ lực đòi lại quyền lợi cho cac sinh viên từ các đại lý môi giới, và đã
lấy lại tiền thành công cho một vài người.
Các trưởng lão của ngôi đền này thậm chí còn triệu tập được ông Raza đến một cuộc họp vào tháng 11/2023. Tại đây, ông Raza được cho là đã đồng ý hoàn trả tiền cho sinh viên và ngừng dịch vụ của mình.
Trung tâm Tư vấn Sikh của Baba Sang Ji, được thành lập để giúp đỡ người dân trong thời kỳ đại dịch Covid-19, đã lấy lại tiền thành công cho một bà mẹ trẻ, Harmanpreet, bằng cách trực tiếp đối chất với nhân viên của một công ty môi giới.
Bà Harmanpreet nói rằng bà đã có ý định tự tử sau khi bị lừa.
“Tôi đã nghĩ tới việc tự tử. Tôi chỉ có thể làm lại cuộc đời nhờ con gái của mình và Trung tâm Tư vấn Sikh," bà nói.
Ông Monty Singh từ Trung tâm Tư vấn Sikh nói rằng đã có hàng trăm người liên lạc để xin sự giúp đỡ.
Vào năm 2022, ông Singh và đội của mình bắt đầu xử lý các trường hợp từ năm 2022 bằng cách công khai những người liên quan trên mạng xã hội, hy vọng rằng việc chỉ mặt điểm tên sẽ cảnh báo mọi người không tin tưởng vào những kẻ môi giới này nữa.
Sau khi các bài viết được đăng tải, có thêm nhiều người liên lạc với Trung tâm Tư vấn Sikh và danh sách tên của những người được cho là lừa đảo ngày một dài.
Ông Singh nói rằng sau đó họ đã nhận ra cách thức hoạt động tương tự mô hình kim tự tháp của của các trung tâm môi giới.
"Có rất nhiều đội trưởng và đại lý nhỏ... và một số trong đó có thể được nhận tiền hoa hồng," ông nói.
Theo ông Singh, một số đại lý môi giới nhỏ là các thợ cắt tóc và tài xế xe buýt, những người thấy một cơ hội kiếm tiền.
Ông Singh nói rằng ông Raza đã trả lại 258.000 bảng Anh (khoảng 8,4 tỷ VND) nhưng Trung tâm Tư vấn Sikh đã chuyển vụ việc tới Cơ quan Phòng chống tội phạm Vương Quốc Anh (NCA).
Một số người môi giới đã trả lại tiền do nỗi xấu hổ to lớn mà các khoản thu này mang lại cho gia đình họ.
"Danh dự gia đình có ý nghĩa rất lớn đối với một cá nhân.
“Chúng tôi xác định, điều tra, xem xét tất cả bằng chứng khả thi," ông Singh nói.
"Sau đó, chúng tôi nói chuyện với gia đình [của các kẻ môi giới] và về nỗi xấu hổ mà chuyện này mang lại cho họ, [sau đó] họ chỉ muốn bù đắp cho các nạn nhân và gột rửa danh dự."
Lượng đơn xin visa tăng mạnh
Lượng đơn xin visa lao động Anh từ các sinh viên quốc tế đã tăng gấp sáu lần - hơn 26.000 đơn tính từ tháng 6/2022 đến tháng 6/2023.
Một năm trước đó, con số này chỉ là 3.966 đơn.
Vào tháng 7/2023, Bộ Nội vụ Anh đã sửa đổi quy định nhằm ngăn chặn việc sinh viên quốc tế xin visa lao động trước khi hoàn thành việc học.
Nhưng Trung tâm Tư vấn Sikh cho biết chỉ có những hành động cứng rắn của lực lượng cảnh sát và quan chức nhập cư mới có thể ngăn chặn được hoạt động buôn bán visa bất hợp pháp.
Bà Jas Kaur, người làm việc cùng ông Singh, nói rằng chính phủ Anh phải liên kết với các nhà lãnh đạo tôn giáo.
"Nếu bạn không nói chuyện với những người đã trực tiếp nắm thông tin về vụ việc, bạn sẽ không biết điều gì đang thực sự diễn ra," bà nói.
Một người phát ngôn của Bộ Nội vụ cho biết có “một hệ thống nghiêm ngặt để xác định và ngăn chặn các đơn xin visa gian lận, và bất kỳ cá nhân nào đang là mục tiêu của những kẻ lừa đảo cần biết rằng nếu chứng chỉ bảo trợ của họ không hợp lệ, họ sẽ không xin được visa”.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các hành động cứng rắn đối với những công ty và kẻ môi giới vô lương tâm đang tìm cách lạm dụng, bóc lột hoặc lừa đảo người lao động nước ngoài," Bộ Nội vụ Anh cho biết.
Ông Piper, từ Trung tâm Quyền Lao động, cho rằng chính phủ Anh cần hỗ trợ các nạn nhân và “tạo ra một khung pháp lý an toàn [khiến người báo cáo] không sợ sẽ bị Bộ Nội vụ xử lý chỉ vì họ đã báo cáo người người tuyển dụng mình cho cơ quan này”.
Giấc mơ Anh
Không có số liệu chính thức về số người đã mất tiền chi trả cho các công ty môi giới chỉ để nhận về những giấy tờ visa vô giá trị.
“Rõ ràng là việc này đang xảy ra trên quy mô khá lớn, chúng tôi nhận được thông tin từ người dân trên khắp cả nước,” ông Piper nói.
Trở lại Smethwick, Trung tâm Tư vấn Sikh hy vọng có thể mở rộng hoạt động sang những gurdwara (những ngôi đền đạo Sikh) khác và cũng đã bắt đầu giáo dục người dân Ấn Độ về những rủi ro mà họ phải đối mặt khi rời khỏi đất nước của mình để học tập hoặc làm việc ở nước ngoài.
"Quy trình giáo dục mọi người bao gồm cả việc cho họ biết sự thật khắc nghiệt rằng câu chuyện thành công của số ít sẽ không xảy ra với tất cả mọi người,” ông Singh nói.
“Nó cũng bao gồm cả việc xóa bỏ niềm tin rằng cách duy nhất để họ có cuộc sống tốt hơn là theo đuổi giấc mơ Mỹ hay giấc mơ Anh.”
Đảng cánh tả Nước Pháp bất khuất (LFI) thuộc liên minh thắng cử ở Pháp đang thu thập chữ ký đồng thuận nhằm luận tội và bãi nhiệm Tổng thống Emmanuel Macron sau khi ông từ chối bổ nhiệm ứng viên của họ làm thủ tướng.
LFI đã cùng 3 đảng khác thuộc liên minh Mặt trận bình dân mới (NFP) là đảng Xã hội, đảng Xanh và đảng Cộng sản Pháp, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội bất thường do Tổng thống Macron kêu gọi hồi đầu năm nay. Tuy nhiên, NFP đã không giành được đa số tuyệt đối tại cơ quan lập pháp, khiến Tổng thống Macron phải tham gia đàm phán để bổ nhiệm một thủ tướng mới và thành lập chính phủ.
Ông Macron hôm 26/8 đã từ chối bổ nhiệm chính khách NFP Lucie Castets cho vị trí thủ tướng, với lí do một chính phủ cánh tả sẽ đe dọa "sự ổn định của thể chế". Liên minh thắng cử ngay lập tức chỉ trích động thái này của nhà lãnh đạo Pháp.
“Dự thảo nghị quyết khởi xướng thủ tục luận tội tổng thống theo điều 68 của Hiến pháp đã được gửi tới các nghị sĩ để xin chữ ký chung”, Mathilde Panot, lãnh đạo đảng LFI tại Quốc hội Pháp viết trên mạng xã hội X hôm 31/8.
Theo đài RT, để khởi xướng quá trình luận tội, đảng LFI, vốn đang nắm 72/577 ghế tại quốc hội, phải thu thập đủ chữ ký ủng hộ của ít nhất 1/10 số nghị sĩ. Điều 68 của Hiến pháp Pháp quy định động thái có thể được thực hiện "trong trường hợp xảy ra vi phạm rõ ràng của người có chức trách nhiệm vụ”.
"Tổng thống Macron đã từ chối tuân theo phiếu bầu của người dân, vì vậy chúng ta phải bãi nhiệm ông ấy", ông Panot giải thích, đồng thời chia sẻ dự thảo nghị quyết nêu rõ “Hạ viện và Thượng viện có thể và phải bảo vệ nền dân chủ chống lại khuynh hướng độc đoán của tổng thống".
Các nghị sĩ đối lập khẳng định lãnh đạo Điện Elysee không được phép “mặc cả chính trị", ám chỉ nỗ lực của ông Macron nhằm tìm một thủ tướng mới kể từ khi chấp nhận đơn xin từ chức của ông Gabriel Attal vào tháng trước.
Mặc dù liên minh của Tổng thống Macron chỉ về thứ 2 trong cuộc tổng tuyển cử sớm năm nay nhưng ông vẫn có toàn quyền chỉ định thủ tướng, người không bắt buộc phải là ứng viên từ đảng chiến thắng. Truyền thông Pháp lưu ý, hiện sẽ rất khó tìm được một thủ tướng mới "không bị lật đổ ngay lập tức trong một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm".
Mặt trận quốc gia (RN), đảng cực hữu về thứ 3 trong tổng tuyển cử Pháp, đã tuyên bố sẽ ngăn chặn bất kỳ ứng cử viên nào từ liên minh cánh tả, viện dẫn lí do NFP đại diện cho "mối nguy hiểm đối với trật tự công cộng, hòa bình dân sự và rõ ràng là đối với đời sống kinh tế của đất nước".
Nguồn: VietnamPlus; CAND; Sài Gòn Giải Phóng; BBC; Vietnamnet
EU: Tuyết rơi sớm, lũ kinh hoàng; Thách thức sống còn; Cần 800 tỷ euro vực dậy kinh tế; Giảm thuế xe điện TQ; Động thái mới về tài sản Nga
EU: Kinh tế suy giảm; Người độc thân chật vật; Luật cạnh tranh gặp khó; Kiếm tiền từ dầu giá rẻ của Nga; Pháp 50 ngày chưa có thủ tướng
EU: Kinh tế yếu hơn dự tính; Dầu Nga vẫn chảy; Maroc chặn 45.000 di dân lậu; Anh-Ireland tái thiết quan hệ; Pháp 'quay cuồng' vì biểu tình
EU: Hết dư địa giảm lãi suất; Vẫn cần khí đốt Nga; Gập ghềnh cuộc đua xe điện; Truy thu 14 tỉ USD tiền thuế của Apple; 'Thề' đáp trả Iran
Hỏa hoạn lớn bùng phát tại trung tâm mua sắm Marywilska tại thủ đô Warsaw vào rạng sáng 12.05.2024 thiêu rụi hàng trăm gian hàng. Bao người Việt kinh doanh ở đây bất lực nhìn tài sản bỗng chốc tan thành mây khói.
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá