EU: Tranh cãi giảm khí thải; Khối phòng thủ chung; Trừng phạt Trung Á; Hungary không bắt Putin; Biểu tình leo thang ở Pháp

Câu chuyện giảm thiểu khí thải gây tranh cãi tại châu Âu

(Ảnh minh họa).

Giảm thiểu khí thải để bảo vệ môi trường bằng việc hạn chế lưu hành ô tô có trang bị động cơ đốt từ nhiều tháng qua đang là chủ đề gây tranh cãi tại châu Âu.

Tại Pháp, đặc biệt là thủ đô Paris, nhiều quy định mới được ban hành nhằm hạn chế tối đa sự tham gia giao thông của các phương tiện cá nhân sử dụng nguyên liệu phát nhiều khí thải và các loại xe điện được tạo điều kiện để lưu hành.

Chiều thứ Bảy, báo chí Pháp đồng loại đưa tin: Berlin đã đạt được thỏa thuận với Ủy ban châu Âu rằng tại Đức, các phương tiện chạy bằng nhiệt có thể tiếp tục lưu hành sau năm 2035, khi chúng sử dụng nhiên liệu trung tính về lượng khí thải CO2. Quy định này của Đức chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến các quyết định của Liên minh châu Âu, tất nhiên trong đó có Pháp.

Tờ Lefigaro sau khi đưa thông tin về sự thỏa thuận mới mà Berlin đã đạt được với Ủy ban châu Âu thì dành nhiều thông tin để phân tích về công nghệ của dòng xe được trang bị động cơ đốt nhưng sử dụng nhiên liệu trung tính và có độ phát thải CO2 không vượt quá quy định. Tuy thế, cũng theo Le figaro, đây vẫn còn là công nghệ đang tiếp tục được nghiên cứu, giá thành cao và vẫn có gây ô nhiễm.

Tờ báo cũng trích lời của nhà bảo vệ môi trường Đức - Karima Delli phản đối, kêu gọi Nghị viện châu Âu ngăn chặn việc bật đèn xanh cho nhiên liệu tổng hợp "Thật đáng phẫn nộ! Ủy ban đã buông xuôi trước nước Đức!", tờ Le Fifaro trích dẫn.

Tuy nhiên, tờ báo cũng đưa thông tin, Chủ tịch Ủy ban Môi trường của Nghị viện châu Âu Pascal Canfin cam kết ông sẽ thận trọng để xem xét các quyết định này. Điều đáng nói là ngành công nghiệp ô tô châu Âu, với sự đầu tư vào xe điện chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Ferdinand Dudenhöffer, một chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu ô tô ở Đức, chỉ ra rằng nếu quyết định này được thông qua thì ngành công nghiệp ô tô châu Âu sẽ bị bỏ xa bởi người Trung Quốc và người Mỹ trong dòng xe điện.

Tờ Obs sau khi đưa ra những thông tin về công nghệ ô tô dùng khí tổng hợp vẫn còn là dự án đang tiếp tục được nghiên cứu và ý kiến của các chuyên gia ngành công nghiệp ô tô chỉ ra rằng, có thể đây là điều sẽ khiến giá thành của xe điện sụt giảm. Tờ Obs cũng cũng không che giấu sự nghi ngờ về dòng xe chạy bằng nhiên liệu tổng hợp này.

Tờ Le monde sau khi đưa những thông tin mà theo Lemonde khiến cả châu Âu choáng váng, cũng chỉ ra rằng công nghệ ô tô dùng bằng nhiên liệu tổng hợp còn quá mới mẻ, vẫn còn đang được nghiên cứu. Tờ báo cũng đưa tin rằng Liên minh châu Âu sẽ có kỳ họp đột xuất vào ngày 28/3.

(Nguồn: VTV)

Các nước Bắc Âu định lập khối phòng không chung chống lại đe dọa từ Nga

Các chỉ huy lực lượng không quân của Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan và Đan Mạch ngày thứ Sáu cho biết họ đã kí một lá thư bày tỏ ý định thành lập một lực lượng phòng không Bắc Âu hợp nhất nhằm chống lại mối đe dọa ngày càng tăng từ Nga.

Mục đích là để có thể hoạt động cùng nhau dựa trên các phương thức hoạt động đã được biết đến dưới liên minh NATO, theo tuyên bố của lực lượng vũ trang bốn nước.

Bước đi hợp nhất các lực lượng không quân được kích hoạt sau cuộc xâm lược của Nga nhắm vào Ukraine vào tháng 2 năm ngoái, chỉ huy lực lượng không quân Đan Mạch, Thiếu tướng Jan Dam, nói với Reuters.

"Hạm đội hỗn hợp của chúng tôi có thể được so sánh với một quốc gia Châu Âu lớn," ông Dam nói.

Na Uy có 57 máy bay chiến đấu F-16 và 37 máy bay chiến đấu F-35 với 15 chiếc nữa đã được đặt hàng. Phần Lan có 62 chiến đấu cơ F/A-18 Hornet và 64 chiếc F-35 được đặt hàng, trong khi Đan Mạch có 58 chiếc F-16 và 27 chiếc F-35 được đặt hàng. Thụy Điển có hơn 90 chiến đấu cơ Gripens.

Không rõ có bao nhiêu máy bay đang hoạt động.

Việc kí kết tại Căn cứ Không quân Ramstein ở Đức tuần trước có sự tham dự của Tư lệnh Không quân NATO, Tướng James Hecker, người cũng giám sát Lực lượng Không quân Mỹ trong khu vực.

Thụy Điển và Phần Lan đã đệ đơn xin gia nhập liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương vào năm ngoái. Tuy nhiên, quá trình này đã bị Thổ Nhĩ Kỳ cản trở, nước cùng với Hungary vẫn chưa phê chuẩn tư cách thành viên.

Các chỉ huy lực lượng không quân Bắc Âu lần đầu tiên thảo luận về sự hợp tác chặt chẽ hơn tại một cuộc họp vào tháng 11 ở Thụy Điển.

"Chúng tôi muốn xem liệu chúng tôi có thể tích hợp hoạt động thám sát không phận của mình nhiều hơn hay không, để chúng tôi có thể sử dụng dữ liệu radar từ các hệ thống thám sát của nhau và sử dụng chung," ông Dam nói. "Chúng tôi không làm điều đó ngày hôm nay."

(Nguồn: VOA)

EU có thể phạt các nước Trung Á nếu hỗ trợ Nga lách luật

(Ảnh minh họa).

Các quốc gia thành viên của EU có ý định cảnh báo các quốc gia Trung Á nếu họ hỗ trợ Nga phá vỡ các hạn chế của phương Tây.

Ngày 25/3, hãng tin The Telegraph của Anh nêu nguồn tin cho biết, các nước châu Âu đang thảo luận về kế hoạch trừng phạt thương mại đối với các quốc gia giúp Moscow trốn tránh lệnh trừng phạt.

Các nhà lãnh đạo EU nhận thấy dòng hàng hóa đến các quốc gia Trung Á có thể được sử dụng cho mục đích xã hội và chế tạo vũ khí. Ví dụ, hàng hóa xuất khẩu bao gồm máy giặt hoặc ô tô đã qua sử dụng. Người ta cho rằng những hàng hóa này được nhập khẩu bởi các nước châu Á và cả Nga.

EU đã quyết định tổ chức đàm phán với các quốc gia để cảnh báo họ về khả năng áp dụng biện pháp trừng phạt nếu họ tiếp tục trở thành một nền tảng để lách các biện pháp hạn chế chống Nga.

Trước hết, nếu thực tế việc tái xuất khẩu được chứng minh, lệnh cấm tiếp cận thị trường chung EU sẽ được áp dụng đối với châu Á.

Trước đó, ngày 24/3, người đứng đầu Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen gọi mục tiêu của gói trừng phạt thứ 11 chống Nga là tăng cường cuộc chiến chống lại việc lách các hạn chế đã được thông qua.

Ngày 10/3, tuyên bố chung của Tổng thống Mỹ Joe Biden và lãnh đạo EC đã được đăng tải trên trang web Nhà Trắng. Trong đó nói rằng, EU cùng với Mỹ sẽ nhắm mục tiêu chống lại việc xuất khẩu bất hợp pháp hàng hóa bị trừng phạt sang Nga.

Liên quan đến tuyên bố trên, Kazakhstan dự định sẽ áp dụng biện pháp giám sát đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu từ ngày ¼ - theo cổng thông tin Eurasianet.org ngày 22/3.

Trong khi đó, thư ký báo chí Dmitry Peskov của Tổng thống Nga cho biết Moscow đánh giá cao mối quan hệ đối tác với Astana và sẽ duy trì quan hệ chặt chẽ với nước này. Ngoài ra, ông nói thêm rằng phương Tây đe dọa trực tiếp tất cả các quốc gia từ chối ủng hộ chính sách trừng phạt của họ đối với Nga bằng những hạn chế nghiêm ngặt.

Các quốc gia phương Tây đã gia tăng áp lực trừng phạt Nga vì Moscow tiến hành chiến dịch đặc biệt ở Ukraine, được cho là để bảo vệ người dân Donbass. Quyết định được Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra trong bối cảnh tình hình trong khu vực trở nên trầm trọng hơn được cho là do các cuộc pháo kích của Ukraine.

(Nguồn: Soha)

Hungary “sẽ không bắt Putin” theo lệnh ICC?

Hungary có thể bỏ qua lệnh bắt giữ của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) nếu Vladimir Putin hiện diện tại lãnh thổ nước này, như tuyên bố của lãnh đạo Hung hay không? Theo luật gia công pháp quốc tế Hoffmann Tamás, nếu Budapest làm như vậy, thì đó là sự vi phạm nghĩa vụ quốc tế.

Như đã biết, Hungary là một trong 123 quốc gia mà cơ quan lập pháp đã ký kết và phê chuẩn Quy chế Rome công nhận quyền tài phán của ICC, một tòa thường trực đặt trụ ở tại Den Haag (Hà Lan) và có chức năng truy tố các cá nhân phạm tội ác diệt chủng, tội ác chống lại loài người, tội ác chiến tranh, và tội ác xâm lược. ICC chính thức ra đời ngày 1/7/2002, khi hiệp ước thành lập - Quy chế Roma về ICC - có hiệu lực.

Đòn nặng giáng vào kẻ xâm lược

Ngày 17/3/2023, ICC đã phát lệnh truy nã, bắt giữ đối với Vladimir Putin, Tổng thống Nga và Maria Alekseyevna Lvova-Belova, Ủy viên về Quyền Trẻ em tại Văn phòng Tổng thống Liên bang Nga, với cáo buộc các nhân vật này phải phải chịu trách nhiệm hình sự cá nhân cho việc trục xuất và chuyển giao bất hợp pháp trẻ em từ các khu vực bị chiếm đóng của Ukraine sang Nga trong cuộc xâm lược Ukraine do Nga tiến hành.

Theo phía Ukraine, đã có hơn 16.000 trẻ em bị dời chuyển trái phép sang Nga hoặc các vùng lãnh thổ do Nga chiếm đóng thuộc lãnh thổ Ukraine. Từ góc độ luật pháp quốc tế, sự lưu đày trẻ vị thành niên bị coi là tội ác chống lại loài người. Liên bang Nga cũng không phủ nhận hay che giấu chương trình này, nhưng biện bạch rằng đó là một chiến dịch nhân đạo để bảo vệ trẻ mồ côi và trẻ em bị bỏ rơi trong vùng xung đột.

Với động thái quyết liệt kể trên, Vladimir Putin là nhà lãnh đạo đầu tiên của một thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bị ICC phát lệnh bắt giam, và là tổng thống đương nhiệm thứ ba bị ICC ra trát bắt, sau Omar al-Bashir của Sudan và Muammar Gaddafi của Libya. Khả năng lãnh đạo Nga bị bắt và xét xử khi còn nắm quyền là không đáng kể, nhưng lệnh của ICC có thể gây nhiều rắc rối cho Vladimir Putin.

Các phân tích và phát biểu thống nhất rằng khi bị ICC phát lệnh bắt, nguyên thủ quốc gia Nga vĩnh viễn bị xem là kẻ tội đồ, bị xua đuổi, khó được chấp nhận kể cả trong các mối quan hệ ngoại giao với các đối tác hay đồng minh. Các nhân vật đồng cấp ngoại quốc sẽ phải cân nhắc nhiều khi cần tiếp đón, bắt tay ông ta, và việc đi lại, thăm thú tại nước ngoài của "ông chủ" Điện Kremlin không còn "vô tư" và thoải mái như xưa.

Hungary: "chân trong chân ngoài"

Đối với Hungary, thành viên Liên Âu và ATO, nhưng lại được xem là đồng mình mật thiết nhất của Liên bang Nga ở Châu Âu, nơi mà hệ thống đài báo, truyền thông của chính quyền thường xuyên lặp lại những lập luận, tuyên truyền của Moscow theo ý kiến các bình luận viên, tình hình khá đặc biệt. Chính phủ Hung thể hiện tính hai mặt hầu như trong mọi vấn đề liên quan đến cuộc chiến xâm lược của Nga tại Ukraine.

Trong khi nhiều quốc gia thành viên của ICC bày tỏ sự hưởng ứng quyết định của tòa án này, nhất là Đức còn tuyên bố thẳng thừng rằng sẽ bắt giữ Vladimir Putin nếu ông ta đặt chân lên lãnh thổ Đức, thì Hungary rất dè dặt, bảo rằng họ không phản đối nhưng cũng không bình luận về động thái của ICC. Một lãnh đạo cao cấp còn nói, theo ông, đây là điều đáng tiếc, chỉ làm căng thẳng leo thang chứ không dẫn tới hòa bình.

Đó là ông Gulyás Gergely, Bộ trưởng phụ trách Văn phòng Thủ tướng, người chủ trì họp báo thứ Năm hàng tuần của Chính phủ Hungary. Hôm 23/3, ông còn tuyên bố, do chưa có cơ sở pháp lý nên Hungary sẽ không bắt Vladimir Putin trong trường hợp tổng thống Nga bước vào lãnh thổ nước Trung Âu này. Khẳng định đưa ra chỉ 1 tuần sau Đại lễ 15/3 kỷ niệm cuộc cách mạng 1848-49 bị đại bại do sự can thiệp của Nga.

Lý do của sự việc "cắc cớ" này, là mặc dù Hungary đã ký và phê chuẩn Quy chế Roma, nhưng hiệp ước về ICC vẫn chưa được nước này ban hành chính thức bằng cách đăng tải trên tờ "Công báo Hungary" (Magyar Közlöny). Mà theo hệ thống luật của nước này, bất cứ một văn bản luật vào chưa hiện diện trên tờ công báo, thì không thể có hiệu lực thi hành! Đây là một tình huống đặc biệt, không sao lý giải được ở Liên Âu!

Vi phạm các bổn phận quốc tế!

Đó là khẳng định của PGS. TS. Hoffmann Tamás, nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Luật, Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Xã hội, đồng thời là giảng viên Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Kinh tế và Quản trị Nhà nước Corvinus (Budapest). "Hungary là một thành viên của Quy chế Rome, lệnh bắt giữ có hiệu lực trên lãnh thổ Hung nên các cơ quan thực thi pháp luật Hungary sẽ có nghĩa vụ thi hành", theo vị luật gia này.

Là một chuyên gia về công pháp quốc tế, ông Hoffmann Tamás cho rằng, việc Hungary ký và phê chuẩn Quy chế Rome cho phép thành lập ICC đã chỉ ra rằng Hungary chấp nhận các nghĩa vụ của mình với tư cách là thành viên của ICC. "Việc Hungary không ban hành Quy chế Rome sẽ không ngăn cản nước này thực hiện lệnh bắt giữ trong một trường hợp cụ thể" - vị luật gia phát biểu trong trả lời phỏng vấn mạng độc tập Telex.

Tất nhiên, việc vi phạm các nghĩa vụ pháp lý quốc tế đã được cam kết cũng không dẫn đến chế tài hay trừng phạt cụ thể nào, và chưa có tiền lệ về việc bắt giữ các lãnh đạo cao cấp đương nhiệm theo quyết định của ICC. Càng ít có khả năng Vladimir Putin xuất hiện tại Hungary, để nảy sinh bất cứ tranh cãi gì về chuyện có được bắt hay không. Nhưng chính vì thế, mà việc Budapest không chịu ban hành Quy chế Rome càng khó hiểu.

Hungary là nước duy nhất trong Liên Âu chưa ban hành Quy chế Rome và theo ông Hoffmann Tamás, "điều này làm xấu mặt Hungary và không mang lại bất kỳ lợi ích nào có thể giải thích được". Ông cũng cho hay, không có bất cứ tranh luận nào giữa các đại diện trong nước về công pháp quốc tế, rằng Quy chế Rome lẽ ra phải được ban hành từ lâu - trải qua nhiều đời nội các, Hungary đã chậm trễ tới hơn 20 năm trong việc này.

Vì sao nên nỗi?

Đáng chú ý là Hungary ký kết Quy chế Rome từ thời nội các thứ nhất của Thủ tướng Orbán Viktor cách đây 22 năm, và quy chế này không được ban hành trong 4 nội các liên tiếp của liên minh cánh hữu vẫn do ông Orbán Viktor đứng đầu, từ năm 2010 tới nay. Cho dù, theo ghi nhận, liên minh này có thể thực thi hóa những thay đổi luật trong... 12 phút, khi đưa ra những quyết sách có lợi cho sự bê tông hóa quyền lực của mình!

Mặc dù lý do của việc không ban hành Quy chế Rome không bao giờ được chính thức đưa ra, nhưng theo lời Bộ trưởng phụ trách Văn phòng Thủ tướng Gulyás Gergely trong cuộc họp báo thượng dẫn, lý do là vì nếu ban hành thì điều luật sẽ vi hiến theo Hiến pháp Hungary và Tòa Bảo hiến nước này sẽ lập tức sẽ xác nhận điều này. Đó là vì Hiến pháp Hungary quy định tổng thống có quyền miễn trừ và không thể bị bắt giữ.

Trong khi đó, theo Quy chế Rome, quyền miễn trừ đối với nguyên thủ quốc gia không bảo vệ được nhân vật này trước lệnh bắt giữ của ICC, nói cách khác, trát truy nã của ICC ở mức cao hơn về mặt pháp lý so với quyền miễn trừ dành cho cá nhân tổng thống. Cho dù, ở dạng như hiện tại, ICC khôngg có bộ máy để thực thi những quyết định của mình, mà đơn thuần chỉ dựa vào sự hợp tác và đồng thuận của các nước thành viên.

Vậy giải pháp trong trường hợp của Hungary là gì? PGS. TS. Hoffmann Tamás chỉ ra rằng "hiện trạng ngày nay, Quy chế Rome không thể phù hợp với Hiến pháp Hungary, nhưng nước này đã thông qua nó từ 22 năm trước, vì vậy cơ quan lập pháp Hungary có nghĩa vụ tạo ra các quy định phù hợp với các quy định của Quy chế Rome". Với một Quốc hội mà hơn 2/3 số ghế nằm trong tay phe cầm quyền, đây chỉ là vấn đề "sở thích".

"Con ngựa gỗ thành Troy của Nga"

Tuy nhiên, chính quyền Hungary rất có thể sẽ "không thích" điều đó, và để cho mọi việc chìm vào thế "đã rồi", trên cương vị một chính quyền thân Nga nhất về mọi mặt ở Châu Âu, và trong hồ sơ cuộc chiến Ukraine, đã tận dụng mọi cơ hội để phủ quyết hoặc tìm cách ngăn chặn sự hỗ trợ của Liên Âu về quân sự và chính trị cho Kyiv. Việc phản đối gay gắt các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga cũng là một phần của nỗ lực ấy.

Liên quan tới thái độ mâu thuẫn, nước đôi và không dễ giải thích của Hungary trong vấn đề cố tình không ban hành Quy chế Rome đặt nền móng cho ICC, luật gia Hoffmann Tamás còn vạch ra rằng, Hungary là một trong 38 quốc gia khởi xướng cuộc điều tra về các tội ác liên quan đến chiến tranh xảy ra trên lãnh thổ Ukraine tại ICC. Điều này rất quan trọng, nó cũng đẩy nhanh tiến trình ra quyết định của ICC, theo nhà nghiên cứu.

"Lệnh bắt giữ (Putin của ICC) đã được ban hành do hậu quả của việc này, nhưng Hungary hiện đang hành động như thể họ không liên quan gì đến điều đó", ông Hoffmann Tamás nhấn mạnh. Với cách hành xử "khác thường" hiện tại, một lần nữa, Budapest lại đơn độc ở Châu Âu khi dường như nước này đi ngược lại nỗ lực của EU ủng hộ cuộc chiến chống xâm lược của Ukraine, theo nhận xét của truyền thông độc lập Hungary.

Và mặc dù trên mọi diễn đàn, lãnh đạo Hungary đều nhấn mạnh rằng họ cổ vũ cho hòa bình (và tại Châu Âu, bên cạnh Budapest chỉ có Tòa Thánh Vatican làm điều đó!), ngăn khả năng chiến tranh lan rộng do Phương Tây ủng hộ vũ khí cho Ukraine, rằng đây không phải là cuộc chiế mà Hungary cần can dự vì trước hết phải bảo vệ lợi ích của người Hung, một câu hỏi nhức nhối luôn đưọc đặt ra: Budapest đã mau quên biến cố 1956?

(Nguồn: BBC)

Biểu tình leo thang thành bạo lực ở tây Pháp

(Ảnh minh họa).

Nhóm biểu tình phản đối xây dựng hồ thủy lợi ở miền tây Pháp đụng độ với cảnh sát, khiến nhiều người bị thương.

Quan chức địa phương Emmanuelle Dubee cho biết ít nhất 6.000 người ngày 25/3 tập trung tại Sainte-Soline phản đối xây dựng hồ trữ nước để tưới tiêu trang trại trong khu vực. Trong khi đó, ban tổ chức biểu tình nói rằng 30.000 người đã tham gia.

"Trong khi đất nước đứng lên bảo vệ lương hưu, chúng tôi đồng thời đứng lên bảo vệ nước", ban tổ chức biểu tình cho biết.

Khoảng 3.200 cảnh sát đã được triển khai, một số di chuyển bằng trực thăng và môtô 4 bánh. Biểu tình leo thang thành bạo lực khi một số người quá khích ném nhiều vật thể, trong đó có cả chất nổ tự chế, về phía cảnh sát. Các sĩ quan đáp trả bằng hơi cay, vòi rồng và đạn cao su.

Truyền hình Pháp đưa tin ít nhất ba xe cảnh sát đã bị người biểu tình phóng hỏa thiêu rụi. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin cho biết vụ đụng độ khiến một sĩ quan cảnh sát và một người biểu tình bị thương nặng, song tính mạng không bị đe dọa. Ông nói thêm 7 người biểu tình và 24 cảnh sát khác bị thương nhẹ. Trong khi đó, ban tổ chức biểu tình nói 200 người tham dự bị thương, trong đó một người đang nguy kịch.

Thủ tướng Elisabeth Borne Pháp sau đó viết trên Twitter, lên án "làn sóng bạo lực không thể chấp nhận được" tại Sainte-Soline. Bộ trưởng Nội vụ Gerald Darmanin đổ lỗi cho các phần tử "cực tả và cực đoan".

Đợt hạn hán tồi tệ nhất ở Pháp vào mùa hè năm ngoái làm trầm trọng thêm cuộc tranh luận về nguồn nước trong lĩnh vực nông nghiệp nước này. Những người ủng hộ nói hồ chứa nhân tạo là cách để sử dụng nước hiệu quả khi cần, trong khi những người chỉ trích cho rằng hồ chứa quá lớn và chỉ có lợi cho các trang trại lớn.

Cuộc biểu tình phản đối dự án thủy lợi này diễn ra trong bối cảnh nước Pháp đã nhiều tuần rung chuyển vì các cuộc biểu tình phản đối luật cải cách hưu trí.

(Nguồn: Vnexpress)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang