EU: Thời tiết cực đoan; Trừng phạt 7 nước; Cuộc bỏ phiếu rung chuyển; Cuộc họp chất chứa thất vọng; Làm 'châu Âu vĩ đại trở lại'

THỜI TIẾT CỰC ĐOAN ĐE DỌA CHÂU ÂU

Ngày 20/6, châu Âu đang phải hứng chịu thời tiết khắc nghiệt với nhiệt độ cao kỷ lục và bão dữ dội. Serbia và Romania đối mặt đợt nắng nóng lên tới 40 độ C, trong khi Đức hứng chịu dông bão dữ dội.

Thời tiết cực đoan tiếp tục tàn phá châu Âu, nơi nhiệt độ cao và bão dữ dội đang ảnh hưởng đến nhiều khu vực khác nhau.

Serbia hiện đang trải qua đợt nắng nóng đầu tiên trong mùa hè, với nhiệt độ dự kiến sẽ tăng cao trên khắp đất nước. Các dự báo dự đoán rằng nhiệt độ có thể lên tới 40°C trong tuần này do một cơn bão đang tiến tới từ châu Phi.

Tại Romania, người dân Bucharest đang phải vật lộn với một đợt nắng nóng khác kể từ hôm 19/6, khi nhiệt độ tăng vọt lên khoảng 40 độ C ở miền Nam đất nước. Cái nóng gay gắt đã biến thủ đô Romania thành khung cảnh mùa hè.

Việc nhiều người dân tìm kiếm sự giải tỏa bằng cách giải nhiệt ở một hồ nước địa phương và tại đài phun nước của các công viên, mang đến cho thành phố bầu không khí nhiệt đới.

Tại Đức, dông bão và thời tiết khắc nghiệt đã tấn công nhiều vùng ở Saxony vào ngày 18/6. Tại quận Meissen, gió giật mạnh đã gióng lên hồi chuông cảnh báo và có báo cáo về khả năng xảy ra lốc xoáy ở thị trấn Gröditz. Thời tiết khắc nghiệt tại nước chủ nhà Euro 2024 đã gây thiệt hại đáng kể, phá hủy nhiều đường dây điện và làm hư hỏng mái nhà.

Copernicus, Cơ quan giám sát khí hậu của Liên minh Châu Âu, đã báo cáo vào đầu tháng rằng, tháng 5 trước đó là tháng 5 ấm nhất được ghi nhận trên toàn cầu. Theo dữ liệu của họ, đây là tháng thứ 12 liên tiếp có mức nhiệt kỷ lục.

EC CẢNH BÁO TRỪNG PHẠT 7 NƯỚC THÀNH VIÊN DO THÂM HỤT NGÂN SÁCH VƯỢT NGƯỠNG

Uỷ ban châu Âu (EC) hôm qua (19/6) đã mở một thủ tục có thể đưa đến các án phạt đối với bảy nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) do để thâm hụt ngân sách công vượt ngưỡng 3% tổng sản phẩm quốc nội GDP theo quy định của EC. Đáng chú ý, trong đó có Pháp và Italy, các nền kinh tế thứ 2 và thứ 3 của EU.

Danh sách các nước nằm trong diện cảnh báo bị “kỷ luật” vì có mức thâm hụt ngân sách cao của Uỷ ban châu Âu (EC) bao gồm Italy, Bỉ, Hungary, Ba Lan, Slovakia, Malta và nhất là Pháp, nền kinh tế lớn thứ 2 của EU.

Thâm hụt ngân sách của Pháp ở mức 5,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2023 và dự kiến sẽ giảm nhẹ xuống còn 5,3% vào năm 2024. Những con số này vẫn vượt xa mức trần thâm hụt quy định 3% GDP của EU. Ngoài ra, nợ công của Pháp đã tăng lên 110,6% GDP vào năm 2023, dự kiến sẽ ở mức 112,4% vào năm 2024 và 113,8% vào năm 2025, gần gấp đôi giới hạn 60% quy định trong Hiệp ước ổn định và tăng trưởng châu Âu.

Cũng theo Hiệp ước này, để bảo đảm sự ổn định của đồng tiền chung Euro, cứ 6 tháng một lần, các số liệu thâm hụt chi tiêu công, nợ công được công bố chính thức đi kèm cùng với các biện pháp “kỷ luật” về tài chính tương đương 0,1% GDP đối với các quốc gia không tuân thủ.

Trước đó, năm 2020, EC đã tạm đình chỉ các quy tắc tài chính về trần thâm hụt ngân sách giới hạn ở mức 3% và nợ công dưới 60% GDP để giúp các nước thành viên thực hiện các gói kích thích kinh tế ứng phó với đại dịch Covid-19 và sau đó là cuộc khủng hoảng năng lượng khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra.

Phát biểu trước báo giới, Uỷ viên châu Âu phụ trách vấn đề Kinh tế ông Paolo Gentiloni cho biết:“Chúng ta không nên đánh đồng vấn đề giới hạn chi tiêu với chính sách khắc khổ. Các quốc gia có mức nợ công và thâm hụt quá cao sẽ cần phải hết sức thận trọng về vấn đề này. Như Italia hiện có mức thâm hụt ngân sách hơn 7% trong khi nợ công cũng đã vượt 135% GDP”.

Đối với Pháp, quyết định của EC diễn ra vào thời điểm khá nhạy cảm khi chưa đầy 2 tuần nữa, Pháp sẽ bước vào cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn. Các đảng đối lập tại Pháp đều đang theo đuổi các chính sách mang tính dân tuý với những hứa hẹn chi tiêu “tốn kém” để thu hút cử tri bất chấp điều này sẽ làm gia tăng thâm hụt ngân sách và nợ công của Pháp.

CUỘC BỎ PHIẾU CÓ KHẢ NĂNG LÀ RUNG CHUYỂN CHÍNH TRƯỜNG

Là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân nhiều thứ 4 thế giới và là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an (UNSC), Pháp đóng vai trò quan trọng trong an ninh toàn cầu.

Pháp đang hướng tới một cuộc bầu cử quốc hội sớm với những tác động tiềm tàng to lớn đối với vai trò lãnh đạo của nước này trong Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Những tác động kéo theo về tài chính và chiến lược toàn cầu sẽ phụ thuộc vào kết quả của cuộc bỏ phiếu ngày 30/6 và ngày 7/7 – một quy trình phức tạp gồm 2 vòng.

Là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân nhiều thứ 4 thế giới và một thành viên thường trực có quyền phủ quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC), Pháp đóng vai trò quan trọng trong an ninh toàn cầu.

Theo Politico, phe cực hữu đang có cơ hội rất tốt để thành lập chính phủ ở một “người chơi toàn cầu” quan trọng như vậy. Và nếu phe cực hữu – hoài nghi về sự tham gia của Pháp ở cả EU và NATO – thực sự giành chiến thắng và rút Pháp khỏi 2 khối này, cả hai đều sẽ suy yếu đáng kể.

Về mặt tài chính, các nhà giao dịch trên khắp các thị trường tài chính toàn cầu lo ngại những căng thẳng chính trị này sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới và có nguy cơ gây ra một đợt bất ổn khác ngay giữa lòng Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Nhìn chung, đây là cuộc bầu cử có hậu quả lớn nhất ở châu Âu trong nhiều thập kỷ, Politico nhận định.

Bầu cử sớm

Hôm 9/6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bất ngờ kêu gọi tổ chức bầu cử sớm sau khi phe trung dung của ông thất bại trước Đảng Tập hợp Quốc gia (NR) của chính trị gia cực hữu Marine Le Pen trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP).

Mục tiêu của ông Macron khi thực hiện động thái này là ngăn chặn đà tiến của cánh hữu, nhưng đó là một “canh bạc” lớn có thể phản tác dụng.

Đây là một cuộc bầu cử quốc hội, có nghĩa là ông Macron sẽ vẫn là Tổng thống cho đến khi hết nhiệm kỳ vào năm 2027. Kết quả của cuộc bầu cử vẫn chưa rõ ràng, nhưng không thể loại trừ khả năng Đảng RN giành được quyền điều hành chính phủ và lãnh đạo của đảng này, chính trị gia 28 tuổi Jordan Bardella, lên làm Thủ tướng.

Kể từ thông báo gây chấn động của ông Macron, bối cảnh chính trị ở Pháp đã thay đổi với tốc độ chóng mặt, với các liên minh mới nổi lên chỉ sau một đêm và những cuộc “chia tay” khó chịu. Quy trình bầu cử 2 vòng ở Pháp cũng phức tạp, với 577 khu vực bầu cử, nơi động lực địa phương đóng một vai trò lớn.

Đầu tiên, cử tri Pháp sẽ đi bỏ phiếu vòng 1 vào ngày 30/6. Tại mỗi khu vực bầu cử, nếu không có ứng cử viên nào giành được 50% số phiếu bầu trong vòng này, thì 2 ứng cử viên dẫn đầu và các ứng cử viên giành được ít nhất 12,5% số phiếu bầu sẽ tiến vào vòng hai, dự kiến diễn ra vào ngày 7/7. Và ứng cử viên có nhiều phiếu bầu nhất ở vòng hai sẽ giành được ghế trong quốc hội khóa mới.

Để vượt qua vòng đầu tiên, các đảng có chung sắc thái chính trị – chẳng hạn như 4 đảng cánh tả chính của đất nước – có xu hướng liên kết với nhau và đồng ý không để tình trạng “quân ta đánh quân mình” xảy ra giữa các ứng cử viên.

Nghe có vẻ dễ dàng, nhưng vấn đề là tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu sẽ thực sự quan trọng. Vào năm 2022, khi tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu gần 50%, các đảng phải giành được khoảng 1/4 số phiếu bầu để đạt được con số yêu cầu là 12,5% số cử tri đã đăng ký.

Năm nay số cử tri đăng ký đi bỏ phiếu là 49 triệu. Tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu dự kiến sẽ cao hơn trong cuộc tổng tuyển cử sít sao này, giúp các ứng cử viên tiến tới vòng bỏ phiếu thứ hai dễ dàng hơn. Điều đó có nghĩa là có khả năng nhiều cuộc đua “tam mã” hơn thường lệ sẽ diễn ra trong vòng bỏ phiếu thứ hai vào ngày 7/7.

Những ẩn số

Những thay đổi diễn ra trong nội bộ các đảng phái chính trị trước cuộc tổng tuyển cử sớm, cùng mối đe dọa từ phe cực hữu, khiến việc đưa ra dự đoán kết quả bầu cử trở nên khó khăn hơn bất kỳ thời điểm nào khác kể từ khi Pháp bắt đầu nền Cộng hòa thứ 5 vào năm 1958, trang Le Monde cho biết.

Một lưu ý lớn về các cuộc thăm dò dư luận trước thềm vòng bỏ phiếu đầu tiên: Đây là cuộc bỏ phiếu 2 vòng, vì vậy tỉ lệ phần trăm tổng số phiếu bầu không chuyển trực tiếp thành số ghế.

Hiện tại, Đảng NR và một số đồng minh của đảng này từ phe trung hữu có khoảng 37% số phiếu ủng hộ, trong khi liên minh Mặt trận Bình dân Mới (NFP) của cánh tả có khoảng 28%, và phe trung dung của ông Macron có khoảng 18%.

Với tốc độ nhanh chóng bất ngờ, các đảng cánh tả ở Pháp đã gác lại những tranh cãi và đoàn kết trước cuộc bỏ phiếu. Liên minh, được gọi là Mặt trận Bình dân Mới (NFP), là phiên bản khởi động lại của liên minh cánh tả Nupes 2022, do ông Mélenchon chủ trì.

NFP chắc chắn đang gây ấn tượng mạnh với cử tri; dự đoán hiện tại cho thấy liên minh này sẽ giành được 190-235 ghế. Con số này vẫn còn một khoảng cách khá xa so với 289 ghế cần thiết để đạt được đa số và cánh tả sẽ cần phải thành lập một liên minh nếu muốn đề cử một Thủ tướng có thể giành được sự chấp thuận của quốc hội.

Trong khi đó, Đảng NR cực hữu của bà Le Pen cần ít nhất 289 ghế để chiếm đa số trong quốc hội Pháp, và hiện tại, phe cực hữu có vẻ sẽ đạt được lợi ích lớn nhờ chiến dịch thành công trong cuộc bầu cử ở cấp EU. Nhưng theo các dự đoán hiện tại, NR có thể giành được từ 195-245 ghế – mức tăng kỷ lục so với 89 ghế mà họ hiện có.

Nếu phe cực hữu chiếm đa số trong quốc hội, Tổng thống Pháp sẽ phải tìm cách“chung sống” với NR và bổ nhiệm một Thủ tướng cực hữu. Ông Bardella, Chủ tịch Đảng NR, đã tuyên bố rằng ông sẽ không tìm cách lãnh đạo chính phủ trừ khi đảng của ông chiếm được đa số tuyệt đối.

Một câu hỏi khác là chính trị gia cực hữu Le Pen sẽ đầu tư bao nhiêu nỗ lực vào các cuộc đàm phán liên minh, vì bà mong muốn giữ nguyên “vốn liếng chính trị” của mình để dành cho cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2027.

Nếu đảng cực hữu lãnh đạo một chính phủ và gặp khó khăn trong nhiệm kỳ này, điều đó có thể làm giảm cơ hội giành được “giải thưởng lớn nhất” mà bà Le Pen nhắm tới: vị trí Tổng thống Pháp

ĐỒNG MINH CỦA TỔNG THỐNG MACRON THẤT VỌNG VỚI CUỘC HỌP NỘI CÁC

Các thành viên nội các Pháp trong cuộc họp ở Điện Elysee bày tỏ nỗi bất bình, nhưng không ngăn được Tổng thống Macron quyết định giải tán quốc hội.

Soazig de la Moissonniere, nhiếp ảnh gia của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, tuần trước đăng loạt ảnh đen trắng về hoạt động của ông chủ Điện Elysee hôm 9/6, ngày kết thúc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP). Kết quả tại Pháp cho thấy đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (RN) nhận 31,3% phiếu bầu, nhiều gấp đôi đảng Phục hưng theo đường lối trung dung của ông Macron.

Sau cuộc bầu cử, ông Macron tối 9/6 triệu tập cuộc họp nội các tại Điện Elysee để thảo luận về biện pháp giải tán quốc hội Pháp và tổ chức bầu cử sớm, nhằm chặn đà trỗi dậy của phe cực hữu trên chính trường. Ảnh đen trắng về cuộc họp đã bộc lộ phần nào nỗi lo lắng, bất bình và thất vọng của những người thân cận với Tổng thống Pháp với quyết định trên.

Việc bà Moissonniere, nhiếp ảnh gia chính thức của Điện Elysee, đăng ảnh lên Instagram là động thái có thể có chút bất thường, nhưng không ai phản đối việc nó đã phản ánh không khí lo lắng, căng thẳng trong nội các của ông Macron vào giờ phút quyết định, Politico bình luận.

"Đó là một bức ảnh đẹp, thể hiện tính nghiêm trọng của thời điểm, cho thấy vẻ choáng váng và bị sốc của các bộ trưởng", Gaspard Gantzer, từng là cố vấn truyền thông của cựu tổng thống Pháp Francois Hollande, nói.

Trong hình, Thủ tướng Pháp Gabriel Attal ngồi đối diện ông Macron, tay khoanh trước ngực. Ông Attal, 35 tuổi, được ông Macron bổ nhiệm hồi tháng 1 và trở thành ngôi sao sáng trong đảng Phục hưng, được kỳ vọng là người kế nhiệm Tổng thống Pháp.

Nhưng với quyết định bầu cử sớm mà Tổng thống Macron đưa ra, ông Attal có thể phải rời ghế Thủ tướng nếu đảng Phục hưng thất bại trong cuộc bỏ phiếu. Bên phải ông là Chủ tịch Quốc hội Pháp Yael Braun-Pivet đang ghi chú, bên trái là Bộ trưởng Nội vụ Gerald Darmanin chắp hai tay lên mặt.

"Bạn có thể nhận thấy cảm giác bị coi thường trong ánh mắt của ông Attal", chuyên gia truyền thông chính trị Philippe Moreau Chevrolet, giảng viên Đại học Sciences Po, Paris, Pháp nói với Telegraph. "Cảm xúc của những người có mặt là chân thật, mãnh liệt và tiêu cực".

"Thủ tướng trẻ tuổi nhất của Pháp hiểu rằng ông đã đến đỉnh cao sự nghiệp ở tuổi 35 và mọi thứ đã kết thúc", theo ông Gantzer.

Bà Braun-Pivet được cho là đã nói với Tổng thống Macron rằng ông đã có một quyết định tồi tệ, cố thuyết phục lãnh đạo Pháp đổi ý. "Vẫn còn những cách khác", bà cho biết. Suốt nhiều tháng qua, bà ủng hộ ý tưởng lập liên minh với phe cánh hữu.

"Có hai kiểu giải tán. Giải tán mang tính chính trị có thể tạo ra thế đa số mới, và giải tán mang tính lợi ích sẽ dẫn đến khủng hoảng chế độ", Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire cảnh báo.

"Còn ông, Sebastien, ông nghĩ thế nào", Tổng thống Macron hỏi Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu.

"Với tư cách bộ trưởng, tôi sẽ không trả lời câu hỏi vì ngài dường như đã suy tính kỹ", ông Lecornu phản hồi. "Nhưng với tư cách nhà vận động, ngài đã thực hiện nghiên cứu nào cho thấy cuộc bầu cử này sẽ có kết quả tốt hơn so với bầu cử EP chưa?".

"Không, chúng tôi chưa thực hiện cuộc thăm dò nào. Đây là một cuộc bầu cử mới, do đó sẽ mang đến động lực mới", ông Macron nói.

Một khoảng im lặng xuất hiện.

"Chúng ta bắt đầu một cuộc bầu cử sớm. Lý do ngài đưa ra để kêu gọi cử tri sẽ cần phải được người dân hiểu rõ. Nếu không bắt đầu đúng cách, chúng ta sẽ không thể đưa mọi thứ đi đúng hướng được", ông Lecornu tiếp tục.

Nhưng những lời khuyên đó không ngăn được quyết tâm của ông Macron.

"Các đảng cực hữu đang trỗi dậy ở mọi nơi tại châu lục. Tôi không thể khoanh tay đứng nhìn trước tình hình này", Tổng thống Pháp thông báo sau cuộc họp. "Tôi không thể hành xử như mọi chuyện vẫn bình thường. Tôi quyết định sẽ trao cho người dân quyền lựa chọn. Đêm nay tôi sẽ giải tán quốc hội".

Sau quyết định tổ chức bầu cử sớm, với hai vòng vào ngày 30/6 và 7/7, các đồng minh của ông Macron ngày càng hoài nghi về triển vọng của liên minh cầm quyền. "Đất nước đang sa cơ lỡ vận", tờ Le Figaro dẫn lời Bộ trưởng Le Maire hôm 12/6.

Ông Le Maire chỉ trích Tổng thống Macron đơn độc ra quyết định giải tán quốc hội, cho rằng lựa chọn này "đã tạo ra sự lo lắng, hiểu lầm, đôi khi là phẫn nộ trong người dân Pháp cũng như những người khác". Đây được coi là động thái rất bất thường, bởi ông Le Maire vốn là đồng minh trung thành với ông Macron.

Thời điểm tổ chức bầu cử quốc hội còn tạo ra trở ngại cho các đồng minh của ông Macron, những người chưa sẵn sàng cho một cuộc đối đầu trực diện với phe cực hữu.

Tổng thống Macron đang trong nhiệm kỳ thứ hai và không thể tiếp tục tái tranh cử vào năm 2027, theo quy định hiến pháp. Điều này đồng nghĩa bà Marine Le Pen, lãnh đạo RN tại quốc hội, có cơ hội chạy đua vào vị trí tổng thống mà có thể không vấp phải đối thủ nặng ký nào.

Một số đối tác của ông Macron trong liên minh cầm quyền, trong đó có Thủ tướng Attal, cựu thủ tướng Edouard Philippe và Bộ trưởng Nội vụ Darmanin, từng nhắm đến mục tiêu vào Điện Elysee. Giờ đây, khi liên minh trung dung rạn nứt, họ có xu hướng tìm lối đi riêng, nghiêng về độc lập hơn.

"Liên minh của Tổng thống Pháp đang tan rã nhanh chóng, các đối tác dần xa rời", Benjamin Morel, nhà khoa học chính trị tại Đại học Paris-Pantheon-Assas, Pháp, nhận định.

Theo Morel, bầu cử quốc hội Pháp khả năng cao sẽ củng cố cả phe cánh tả và RN hơn nữa, đưa họ trở thành lựa chọn thay thế những người trung dung. "Sau ông Macron, phe trung dung nguy cơ biến thành nơi các chính trị gia kết thúc sự nghiệp. Khi có ít chính trị gia, mạng lưới ủng hộ, một ứng viên trung dung sẽ khó chinh phục ghế tổng thống", ông lưu ý.

HUNGARY LỰA CHỌN KHẨU HIỆU “LÀM CHÂU ÂU VĨ ĐẠI TRỞ LẠI”

Hungary đã chọn khẩu hiệu "Make Europe Great Again" khi giữ chức Chủ tịch EU trong 6 tháng cuối năm nay.

RT đưa tin, Hungary đã tiết lộ về khẩu hiệu cho vị trí Chủ tịch Liên minh châu Âu luân phiên trong vòng 6 tháng cuối năm nay.

Khẩu hiệu được Hungary công bố là "Make Europe Great Again", tạm dịch "Làm châu Âu vĩ đại trở lại", viết tắt MEGA.

Khẩu hiệu này khiến giới quan sát lập tức liên hệ với khẩu hiệu được ông Donald Trump công bố khi tranh cử thành công chức Tổng thống Mỹ năm 2016: "Make American Great Again" (tạm dịch "Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại", viết tắt MAGA).

Hungary dự kiến sẽ đảm nhận chức chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu vào ngày 1 tháng 7 và sẽ giữ chức vụ này cho đến cuối năm nay. Trong thời gian sáu tháng, các nhà ngoại giao Hungary sẽ chủ trì các cuộc họp tại Brussels và định hình chương trình nghị sự chính trị của EU.

Bộ trưởng Hungary phụ trách các vấn đề Liên minh châu Âu, Janos Boka, phát biểu trong một cuộc họp báo hôm thứ Ba rằng khẩu hiệu này đề cập đến một nhiệm kỳ tổng thống chủ động và nhằm mục đích chứng tỏ rằng “cùng nhau, chúng ta mạnh mẽ hơn là tách rời".

Ông Boka nhắc đến sự giống nhau trong khẩu hiệu của Hungary với khẩu hiệu của ông Trump và nói đùa rằng: “Tôi không biết rằng Donald Trump đã từng muốn làm cho châu Âu trở nên vĩ đại."

Ông nói thêm Hungary đang tiếp quản EU trong “một môi trường rất khó khăn”, với "một cuộc chiến ở khu vực lân cận của chúng tôi”, hàm ý nhắc tới cuộc xung đột ở Ukraine. Ông cũng cho rằng nhập cư bất hợp pháp là một trong những vấn đề cấp bách nhất mà khu vực phải giải quyết.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã phải đối mặt với sự chỉ trích ở EU vì theo đuổi các chính sách đi ngược lại với Brussels.

Kể từ khi bắt đầu xung đột Ukraine vào năm 2022, Budapest đã từ chối cung cấp vũ khí cho Kiev, thay vào đó kêu gọi giải pháp ngoại giao và duy trì quan hệ kinh tế với Nga.

Đầu năm nay, Thủ tướng Orban đã bay tới Mỹ để gặp ứng cử viên tổng thống đang dẫn đầu của đảng Cộng hòa Donald Trump. Sau cuộc hội đàm, Thủ tướng Hungary tuyên bố rằng ông Trump đã thể hiện mình là người “ủng hộ hòa bình”.

Khi đó, ông Orban nói thêm: "Lập trường đó khiến ông có quan điểm phù hợp với Hungary, không giống như chính quyền Mỹ hiện tại và nhiều thành viên EU."

Chính sách nhập cư của Hungary liên quan đến việc xử lý người di cư và người xin tị nạn ở biên giới đã phải chịu lệnh phạt 200 triệu euro (216 triệu USD) từ Tòa án Công lý của Liên minh châu Âu (ECJ).

Năm 2020, Tòa án Công lý Châu Âu (ECJ) đã đưa ra một phán quyết liên quan đến hai vấn đề ở Hungary.

Thứ nhất, đó là quyền của người nộp đơn xin tị nạn được ở lại Hungary trong khi chờ quyết định cuối cùng về việc kháng cáo sau khi đơn xin tị nạn của họ bị từ chối. Thứ hai, đó là việc trục xuất những người nước ngoài cư trú bất hợp pháp tại Hungary.

Phán quyết của tòa án năm 2020 yêu cầu nước này phải nộp phạt hằng ngày 1 triệu euro cho đến khi thực hiện đầy đủ các biện pháp.

Chính phủ Thủ tướng Orban lập luận rằng, phán quyết năm 2020 là không cần thiết vì nước này đã đóng cửa "khu vực quá cảnh", đồng thời thắt chặt các quy định nhằm hạn chế người xin tị nạn trong tương lai. Theo luật pháp hiện hành, người dân chỉ có thể gửi yêu cầu xin tị nạn bên ngoài biên giới Hungary, tại các đại sứ quán của nước này ở nước láng giềng Serbia hoặc Ukraine.

Thủ tướng Orban tuyên bố vào năm 2021 sẽ “duy trì chế độ hiện tại ngay cả khi Tòa án châu Âu ra lệnh cho chúng tôi thay đổi".

Sau đó, Ủy ban châu Âu (EC) còn nộp đơn 2 lần lên tòa án để yêu cầu Hungary thay đổi các biện pháp về chính sách nhập cư.

Sự bất đồng ngày càng gia tăng thêm khi Budapest có nhiều động thái đối với người Ukraine xin tị nạn ở Hungary không trở về nước để phục vụ quân ngũ.

Nguồn: Công Lý; VOV; Người Đưa Tin; Vnexpress; Soha

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Hội Phụ nữ Việt Nam Leipzig tổ chức Lễ hội ngày Quốc tế phụ nữ 08.03.2025

Hội phụ nữ Việt Nam tại thành phố Leipzig CHLB Đức đã tưng bừng tổ chức kỉ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 08.03.2025 vào ngày 09.03.2025. Lễ hội đã thu hút đông đảo chị em và khách mời với một chương trình văn nghệ cộng đồng sôi động.

Bài Tập Ép Bụng làm Mạnh Tỳ Vị Gan Khoẻ hạ Chỉ Số Đường Chữa Khỏi Tiểu Đường

Sau khi ăn cơm xong, hoặc đợi 1 tiếng, rồi uống 2-3 thìa cà phê đường cát vàng. Xong tập bài thể dục ép bụng sẽ hiệu quả. Mỗi ngày ăn 3 bữa chính thì thực hiện cả 3 lần.

Nguồn: Tadoco - Thuốc thảo dược

Hội Người Việt Nam Leipzig e.V. tổ chức TẾT ẤT TỴ 2025

Tết Ất Tỵ của cộng đồng người Việt Leizig & Vùng Phụ cận đã được Hội Người Việt Nam Leipzig tổ chức tưng bừng, hân hoan, náo nhiệt vào Chủ Nhật, ngày 26.01.2025 tại Hội trường, Trường Đại học Uni, Thành phố Leipzig, được coi là một sự kiện trọng đại mở đầu cho một năm mới 2025, năm đánh dấu cột mốc tròn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức.

https://www.youtube.com/watch?v=z3eDznU75b8

Đức Việt Online

Lên đầu trang