EU: Tham nhũng rúng động; Đợt lạnh đầu mùa; Đường ống năng lượng 2,5 tỷ euro; Đức: bắt giữ con tin, kiểm soát súng

NGHI ÁN THAM NHŨNG RÚNG ĐỘNG CHÂU ÂU

(Ảnh minh hoạ).

AFP ngày 10.12 đưa tin cảnh sát Bỉ đã bắt giữ Phó chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Eva Kaili, nghị sĩ đảng Phong trào Xã hội toàn Hy Lạp (PASOK) và là thành viên nhóm chính trị Xã hội và Dân chủ (S&D) tại EP.

Bà Kaili (ảnh, 44 tuổi) từng làm truyền hình và trở thành nghị sĩ EP từ năm 2014. Hồi tháng 1, bà đắc cử chức phó chủ tịch EP và là 1 trong số 14 người nắm vị trí này. Bà Kaili đã bị thẩm vấn tại Brussels vào tối 9.12 trong cuộc điều tra nghi án tham nhũng liên quan một nước vùng Vịnh. Các nguồn tin EP cho biết văn phòng của bà bị cảnh sát Bỉ niêm phong.

Trong cùng ngày, cảnh sát đã khám xét 16 địa chỉ tại thủ đô Bỉ và tịch thu khoảng 600.000 euro tiền mặt, máy tính, điện thoại di động. Thông báo của cơ quan công tố nêu rằng trong nhiều tháng, các nhà điều tra của cảnh sát tư pháp liên bang Bỉ nghi ngờ “một nước vùng Vịnh đã ảnh hưởng đến các quyết định kinh tế và chính trị của EP bằng cách chi số tiền lớn hoặc tặng quà giá trị cho các bên thứ ba có vị trí chính trị quan trọng chiến lược trong EP”.

Thông báo không nêu rõ nước liên quan nhưng truyền thông Bỉ loan tin đó chính là Qatar, chủ nhà của kỳ World Cup đang diễn ra. Hãng thông tấn ANSA của Ý đưa tin trong số 4 người bị bắt có cựu thành viên S&D Pier Antonio Panzeri, hiện là lãnh đạo tổ chức nhân quyền Fight Impunity tại Brussels; và ông Francesco Giorgi, một trợ lý của S&D và là “nửa kia” của bà Kaili.

Một nguồn tin thân cận với vụ án xác nhận cuộc điều tra tập trung vào nghi án Qatar tìm cách hối lộ ông Panzeri, người từng đứng đầu một tiểu bang về nhân quyền của EP, theo tờ Le Soir. Qatar chưa bình luận về thông tin này.

Theo tờ Corriere della Sera, cảnh sát Ý cũng đã hành động theo lệnh của châu Âu và bắt giữ bà Maria Colleoni và cô Silvia, vợ và con gái của ông Panzeri, tại Ý trong ngày 9.12.

(Nguồn: Thanh Niên)

ĐỢT LẠNH ĐẦU MÙA THỬ THÁCH KHO KHÍ ĐỐT CHÂU ÂU

Đợt lạnh đầu mùa khiến nhu cầu khí đốt ở châu Âu tăng vọt, trở thành bài kiểm tra về khả năng chống chịu mùa đông khi thiếu khí đốt Nga.

Nhu cầu khí đốt ở châu Âu, trong đó có Anh, trong tuần này đã tăng 44% so với giữa tháng trước, theo dữ liệu từ cơ quan báo giá ICIS. Công ty National Grid PLC, nhà điều hành hệ thống năng lượng của Anh, cho biết họ dự kiến nhu cầu khí đốt ở nước này tăng lên 417 triệu mét khối mỗi ngày, tăng 65% so với giữa tháng trước.

Cơ quan Khí tượng Vương quốc Anh hôm 7/12 đưa ra cảnh báo thời tiết khắc nghiệt trên toàn quốc, với nền nhiệt có thể giảm xuống -10 độ C ở một số khu vực trong những ngày tới. Nhiệt độ trên khắp các quốc gia Bắc, Trung và Đông Âu cũng sẽ giảm xuống gần hoặc dưới mức đóng băng.

Đối với các nhà hoạch định chính sách, đợt lạnh này đặt ra thử thách khá lớn với các hệ thống năng lượng của châu Âu, cũng như cách người dân đáp lại lời kêu gọi tiết kiệm năng lượng trong mùa đông của các chính phủ.

Châu Âu đã trải qua mùa thu ấm áp bất thường, làm giảm đáng kể nhu cầu khí đốt và cho phép các nước có thêm thời gian lấp đầy các kho dự trữ. Tháng trước là tháng 11 ấm thứ năm trong lịch sử, theo Trung tâm Dự báo Thời tiết châu Âu (ECMWF).

Đầu năm nay, các quốc gia châu Âu bắt đầu cuộc đua tiết kiệm và nhập khẩu năng lượng để tăng lượng dự trữ, nhằm tránh tình trạng thiếu hụt và gián đoạn trong mùa đông. Những động thái này diễn ra sau khi họ quay lưng với nguồn cung năng lượng Nga nhằm phản đối cuộc chiến của Moskva ở Ukraine. Nga đáp lại bằng cách cắt phần lớn lượng xuất khẩu sang châu Âu.

Nga là nhà cung cấp khoảng 40% lượng khí đốt mà châu Âu cần trong những mùa đông trước đây. Con số này giờ giảm xuống khoảng 12%, theo dữ liệu của ICIS. Châu Âu đã tìm kiếm những nguồn cung mới, trong đó có khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ. Các chính phủ cũng thực thi hoặc thúc đẩy nhiều biện pháp quyết liệt để tiết kiệm nhiên liệu. Nhiều ngành công nghiệp châu Âu phải cắt giảm công suất để tránh lỗ vì giá khí đốt tăng vọt.

Các kho dự trữ của Liên minh châu Âu (EU) đã được lấp đầy 91%, theo hiệp hội cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu (GIE), vượt mục tiêu 80% vào tháng 11. Điều đó giúp châu Âu giảm bớt nỗi lo mất điện trong mùa đông và làm giảm giá khí đốt.

Song hiện tại, mùa đông đã đến, kho lưu trữ đang giảm dần khi nhu cầu khí đốt tăng. Klaus Muller, lãnh đạo Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức chịu trách nhiệm phân bổ khí đốt theo định mức nếu cần thiết, đã chỉ trích người Đức vì không tích cực tiết kiệm năng lượng trong tuần trước.

"Trong tuần 48, lượng khí đốt được tiết kiệm quá ít", ông viết trên Twitter hôm 8/12, thêm rằng tình trạng này không nên tiếp diễn.

EU hồi tháng 7 đặt mục tiêu cắt giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt. Nhu cầu khí đốt cho công nghiệp đã giảm khoảng 25% trong quý III năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế.

Nhu cầu sưởi ấm chiếm khoảng 36-37% tổng nhu cầu khí đốt của lục địa, theo công ty môi giới hàng hóa Marex. Dữ liệu ban đầu cho thấy nhiều người đang cố gắng hạn chế sử dụng khí đốt, do giá cao và lo ngại về nguồn cung. Nhu cầu sưởi ấm cũng giảm 8% so với mức trung bình 5 năm, theo nhóm nghiên cứu và tư vấn toàn cầu Wood Mackenzie có trụ sở tại Anh.

Tại Pháp, người tiêu dùng đã cắt giảm mức tiêu thụ điện khoảng 8,3% so với năm ngoái, theo dữ liệu từ công ty điều hành lưới điện Pháp RTE.

"Mọi người đã bật hệ thống sưởi, nhưng không nhiều hoặc thường xuyên như trước", Rosaline Hulse, nhà phân tích về nhu cầu khí đốt và năng lượng châu Âu tại Wood Mackenzie, nói.

Kaitlyn Robinson, 25 tuổi, chuyển đến căn hộ ngoại ô Cambridge, Anh cách đây một năm. "Hóa đơn nhiệt sưởi của chúng tôi gần như gấp đôi", cô nói.

Robinson chia sẻ cô đã bật hệ thống sưởi 5 lần trong năm nay, chủ yếu để làm khô quần áo và tránh ẩm mốc cho căn hộ. "Chúng tôi đã mua tất ấm để mang khi làm việc ở nhà và sử dụng chăn điện một chút trước khi ngủ. Năm ngoái, chúng tôi bật hệ thống sưởi hầu hết các ngày mùa đông", cô kể.

Các nhà phân tích cảnh báo các kho dự trữ khí đốt của châu Âu chỉ đủ đáp ứng nhu cầu trong hai tháng đỉnh điểm của mùa đông, trong khi nguồn cung LNG hiện nay chủ yếu chỉ mang tính tạm thời. Châu Âu có thể thiếu khoảng 70 tỷ mét khối khí đốt trong năm 2023 nếu nhu cầu không giảm, "ngay cả khi tối đa hóa công suất nhập LNG".

Raad Alkadiri, giám đốc phụ trách năng lượng, khí hậu và tính bền vững của Eurasia Group, cho biết châu Âu đã "chuẩn bị kỹ lưỡng" cho mùa đông, nhưng nguy cơ phải phân bổ khí đốt theo định mức vẫn hiện hữu.

Nhà phân tích Hulse của Wood Mackenzie dẫn các dự báo cho thấy nhiệt độ ở châu Âu sẽ giảm sâu hơn bình thường trong thời gian còn lại của tháng 12.

"Nếu giai đoạn lạnh như vậy kéo dài, một số khu vực châu Âu có thể phải hạn chế lượng tiêu thụ nhiều hơn nữa bằng phương án phân bổ theo định mức", Alkadiri nói.

Chuyên gia này cảnh báo trong trường hợp cần siết chặt biện pháp hạn chế tiêu thụ khí đốt, các nước châu Âu cần phải tìm cách đảm bảo cho ngành công nghiệp và nguồn cung cho các hộ gia đình, "vốn là ưu tiên số một của họ".

Chính phủ Pháp tuần trước cảnh báo căng thẳng gia tăng trên thị trường năng lượng có thể dẫn tới tình trạng cắt điện luân phiên trong những tuần tới. Trong khi đó, cơ quan năng lượng Anh đã đề cập tới khả năng các hộ gia đình phải chịu cảnh cắt điện từ 16h đến 19h các ngày trong tuần "rất lạnh" trong tháng 1 và 2, nếu lượng khí đốt nhập khẩu giảm.

(Nguồn: Vnexpress)

CHÂU ÂU CHI 2,5 TỶ EURO XÂY ĐƯỜNG ỐNG NĂNG LƯỢNG MỚI GIỮA TÂY BAN NHA VÀ PHÁP

(Ảnh minh hoạ).

Một đường ống mới, từ miền Đông Tây Ban Nha sang miền Nam nước Pháp, dành riêng cho năng lượng hydrogen xanh sẽ được xây dựng trong những năm tới, nhằm gia tăng kết nối hạ tầng năng lượng giữa châu Âu với hai quốc gia ở bán đảo Iberia vốn có năng lực sản xuất cao về năng lượng tái tạo.

Quyết định về việc xây dựng đường ống mới chạy dưới lòng biển, kéo dài từ miền Đông Tây Ban Nha sang miền Nam nước Pháp được lãnh đạo các nước Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và lãnh đạo Liên minh châu Âu đưa ra tại cuộc họp Thượng đỉnh các nước ven biển Địa Trung Hải ngày 09/12 tại thành phố Alicante, Tây Ban Nha.

Theo kế hoạch được Thủ tướng Tây Ban Nha, Pedro Sanchez công bố, đường ống mới sẽ được hoàn tất vào cuối thập kỷ này, có năng lực vận chuyển khoảng 2,5 triệu tấn nhiên liệu mỗi năm. Chi phí xây dựng đường ống này dự tính vào khoảng 2,5 tỷ euro, trong đó Liên minh châu Âu sẽ tài trợ một nửa chi phí, được trích ra từ Quỹ Kết nối châu Âu.

Một đường ống mới nối Tây Ban Nha với Bồ Đào Nha cũng sẽ được xây dựng, trị giá 350 triệu euro. Toàn bộ đường ống mới nối hai quốc gia ở bán đảo Iberia với Pháp sẽ có tên gọi là H2MED. Thủ tướng Bồ Đào Nha, ông Antonio Costa tuyên bố, đường ống mới sẽ thay đổi căn bản cấu trúc năng lượng của châu Âu.

“Ngày hôm nay chúng tôi giới thiệu một hành lang năng lượng mới dành riêng cho hydrogen xanh. Dự án này sẽ thay đổi căn bản tư duy của Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha bởi ngoài việc là các quốc gia nhập khẩu và tái xuất khẩu năng lượng, chúng tôi cũng sẽ gia tăng vai trò của mình như là những nhà sản xuất và xuất khẩu năng lượng cho phần còn lại của châu Âu”.

Theo đánh giá của hai quốc gia ở bán đảo Iberia, khi đưa vào hoạt động vào cuối thập kỷ này, đường ống mới sẽ cung cấp ít nhất 10% nhu cầu sử dụng hydrogen xanh của châu Âu vào năm 2030. Hiện tại, sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra khiến châu Âu rơi vào khủng hoảng năng lượng, hai quốc gia thành viên EU ở bán đảo Iberia là Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đang nổi lên như là những đối tác năng lượng mới quan trọng của châu Âu, do có năng lực và ưu thế trong việc sản xuất năng lượng tái tạo như điện mặt trời và điện gió, đồng thời cũng là nơi kết nối với các quốc gia giàu dầu mỏ và khí đốt ở Bắc Phi.

Dự án H2MED mới này cũng được xem như là giải pháp thay thế cho dự án Midcat, xây dựng một đường ống từ Tây Ban Nha chạy qua dãy núi Pyrenees ở biên giới Pháp - Tây Ban Nha và kéo dài sang Trung Âu. Dự án này được Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Đức ủng hộ nhưng bị Pháp phản đối.

Các tranh cãi quanh dự án Midcat thời gian qua đã làm gia tăng căng thẳng giữa Pháp với Đức và Tây Ban Nha. Tuy nhiên, với việc công bố dự án đường ống mới chạy dưới lòng biển thay cho dự án Midcat, quan hệ Pháp - Tây Ban Nha đã bớt căng thẳng hơn và Thủ tướng Tây Ban Nha, Pedro Sanchez cho biết, nguyên thủ Pháp - Tây Ban Nha sẽ có cuộc họp Thượng đỉnh vào ngày 19/1/2023 tới tại Tây Ban Nha để thảo luận việc ký một Hiệp ước hữu nghị và hợp tác mới giữa hai quốc gia.

(Nguồn: Soha)

BẮT GIỮ CON TIN TẠI ĐỨC, CẢNH SÁT PHONG TỎA MỘT TRUNG TÂM THƯƠNG MẠI

Cảnh sát Đức đã phong tỏa một trung tâm thương mại ở thành phố Dresden sau khi nhận được báo cáo về một vụ bắt giữ con tin. Thi thể của mẹ nghi phạm cũng được tìm thấy.

Theo RT, trong ngày 10/12, cảnh sát thành phố Dresden, Đức đã tiến hành sơ tán và phong tỏa trung tâm thương mại Altmarktgalerie và các khu vực lân cận do có liên quan tới một vụ bắt giữ con tin.

"Cảnh sát đã phong tỏa trung tâm thương mại Altmarktgalerie và chợ Striezelmarkt. Đang có một vụ bắt giữ con tin, người dân hãy ở yên trong nhà và tránh xa khu vực này", đại diện Sở Cảnh sát Dresden cho biết.

Theo tờ Bild, nghi phạm là một người đàn ông 40 tuổi. Báo cáo ban đầu cho thấy, đối tượng sử dụng một khẩu súng lục để cố đột nhập vào đài phát thanh địa phương nhưng bất thành, sau đó chạy vào một hiệu thuốc bên trong trung tâm thương mại, bắt giữ con tin và cố thủ.

Thông tin mới nhất cho biết, thi thể của một người phụ nữ 62 tuổi đã được tìm thấy trong một căn hộ gần đó. Nạn nhân được xác định là mẹ của nghi phạm.

(Nguồn: Vietnamnet)

ĐỨC SIẾT KIỂM SOÁT SÚNG ĐẠN ĐỂ NGĂN ÂM MƯU ĐẢO CHÍNH

Đức có kế hoạch thắt chặt luật súng đạn sau khi nước này mới đây phá một âm mưu đảo chính bằng vũ lực.

Cảnh sát Đức tuần trước mở cuộc đột kích bắt 25 người bị tình nghi liên quan đến âm mưu đảo chính gây chấn động đối với một trong những nền dân chủ ổn định nhất châu Âu. Nhiều người trong số những nghi phạm là thành viên phong trào cực hữu Reichsbuerger (Công dân của Đế chế).

Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser trong một cuộc phỏng vấn với báo Bild am Sonntag đăng ngày 11/12 cảnh báo Reichsbuerger là mối đe dọa ngày càng lớn đối với đất nước khi tổ chức này đã tuyển mộ thêm được 2.000 người, nâng tổng số thành viên lên 23.000 chỉ trong năm qua.

"Họ không phải những người điên khùng vô hại mà là các đối tượng khủng bố", bà Faeser nói. "Chúng tôi cần mọi thẩm quyền để gây áp lực tối đa" nhằm loại bỏ vũ khí của họ, đó là lý do chính phủ sẽ "thắt chặt hơn nữa luật kiểm soát súng đạn trong tương lai gần", Bộ trưởng Nội vụ Đức cho biết thêm.

Công tố viên cho hay các nghi phạm là những cá nhân có vũ khí và biết cách sử dụng chúng. Họ đã cố gắng chiêu mộ các thành viên là binh sĩ quân đội, cả hiện tại lẫn trước đây, đồng thời tích trữ nhiều vũ khí.

Trước các cuộc đột kích, chính quyền đã tịch thu vũ khí của hơn 1.000 thành viên Reichsbuerger. Tuy nhiên, ít nhất 500 người khác được cho là vẫn có giấy phép sử dụng súng tại một quốc gia mà việc sở hữu súng tư nhân là rất hiếm.

Những nhóm theo phong trào Reichsbuerger không công nhận nhà nước Đức hiện đại, tin vào thuyết âm mưu rằng Đế chế Đức vẫn tồn tại, dù Đức quốc xã đã bị đánh bại trong Thế chiến II.

Nhóm này muốn đưa Heinrich XIII, cựu thành viên hoàng gia, trở thành lãnh đạo nước Đức trong khi một người tên Ruediger trở thành lãnh đạo lực lượng quân đội.

(Nguồn: Vnexpress)

(Xem thêm:

=> EU: Nhập dầu Nga mà không biết; Đức vận hành trạm nổi; Romania-Áo căng thẳng; Quan hệ với ASEAN; Anh-Ý-Nhật hợp tác ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang