EU: Thách thức tự chủ năng lượng; 'Quen' sống thiếu dầu Nga; Lật thuyền ở Ý; Kế hoạch của Anh thất bại; Cú hích từ Nga

Châu Âu trước thách thức tự chủ về năng lượng

Sau khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine, các nước châu Âu đã đối mặt với những thách thức mới khi phải nhanh chóng tìm kiếm nguồn cung khí đốt thay thế Nga. Trong bối cảnh này, phát triển năng lượng tái tạo là giải pháp để châu Âu tiến tới độc lập năng lượng trong dài hạn.

Lực đẩy sau xung đột

Theo nghiên cứu mới được công bố của tổ chức tư vấn Ember, Liên minh châu Âu (EU) đã tiết kiệm được 12 tỷ euro (12,96 tỷ USD) chi phí mua khí đốt kể từ khi xung đột bùng phát tại Ukraine, nhờ tăng cường sản xuất năng lượng Mặt Trời và năng lượng gió.

Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, châu Âu đã lần đầu tiên sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo nhiều hơn từ khí đốt vào năm ngoái.

Chủ tịch Viện Tài nguyên Thế giới, Ani Dasgupta, cho rằng cuộc khủng hoảng năng lượng đã đưa các nhà lãnh đạo châu Âu lại gần nhau, giúp chính sách năng lượng của khu vực thống nhất hơn bao giờ hết và cũng tham vọng hơn.

Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Fatih Birol, cho rằng xung đột tại Ukraine có thể đánh dấu sự chuyển đổi căn bản trong cách thức các nước ở châu Âu và các khu vực khác đánh giá về an ninh năng lượng và có thể thúc đẩy năng lượng tái tạo.

Theo ông Birol, phản ứng của các chính phủ trên thế giới hứa hẹn đưa đến bước ngoặt lịch sử hướng tới hệ thống năng lượng đảm bảo hơn, bền vững hơn và sạch hơn.

Giám đốc Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus của EU, Carlo Buontempo, cho rằng xu hướng rõ ràng nhất có thể thấy trong các quan sát là tiềm năng để châu Âu có thể trở nên độc lập về năng lượng tái tạo phụ thuộc nhiều vào công suất lắp đặt và thời gian chứ không phải là khí hậu.

Trong báo cáo tháng 12/2022, tập đoàn công nghiệp SolarPower Europe cho biết 27 quốc gia thành viên EU đã bổ sung 41,4 GW năng lượng Mặt Trời mới vào lưới điện trong năm 2022, nhiều hơn gấp đôi so với mức được lắp đặt chỉ 2 năm trước đó.

Vai trò của năng lượng tái tạo

Tính đến năm 2021, khoảng 22% năng lượng sử dụng tại EU đến từ các nguồn tái tạo, nhưng tỷ lệ ở mỗi nước có sự chênh lệch đáng kể. Việc nhanh chóng chuyển đổi sang năng lượng tái tạo có vai trò quan trọng nếu EU muốn đạt được các mục tiêu chống biến đổi khí hậu, trong đó có mục tiêu đã được luật hóa là giảm mức phát thải ròng gây hiệu ứng nhà kính 55% vào năm 2030 so với mức ghi nhận năm 1990.

Các mục tiêu liên quan năng lượng tái tạo cũng trở nên quan trọng hơn khi EU tìm cách giảm phụ thuộc và tiến tới chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch từ Nga vào năm 2027. Các kế hoạch nhằm thực hiện mục tiêu này chủ yếu dựa vào nguồn năng lượng phát thải thấp, tự sản xuất.

Để đạt được những mục tiêu mới đề ra, EU cần đầu tư quy mô lớn cho các trang trại năng lượng gió và Mặt Trời, mở rộng quy mô sản xuất khí đốt tái tạo và củng cố mạng lưới điện châu Âu để có thể tích hợp nhiều năng lượng tái tạo hơn. EC ước tính khối này sẽ cần các khoản đầu tư bổ sung trị giá 113 tỷ euro cho cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo và hydro đến năm 2030, nếu các nước thành viên muốn độc lập về năng lượng.

Giám đốc chính sách của SolarPower Europe, ông Dries Acke, nhấn mạnh mặc dù công suất đã tăng đáng kể trong những năm gần đây, nhưng cần có nhiều hỗ trợ hơn để cập nhật và mở rộng lưới điện và lưu trữ trên khắp châu Âu. Ngoài sản xuất các tấm năng lượng Mặt Trời, ông cho biết hiện nhiều công ty bắt đầu mở rộng sang lĩnh vực công nghệ pin.

Công nghệ không chỉ tạo ra năng lượng Mặt Trời mà nó còn mang lại nhiều lợi ích phụ, đặc biệt đối với nông nghiệp. Ông Acke nhấn mạnh cách các tấm pin Mặt Trời có thể được sử dụng để che bóng cho cây trồng và bảo vệ chúng khỏi nhiệt độ quá cao, đồng thời giảm lượng bốc hơi từ các cánh đồng và hồ chứa.

Chia sẻ trên trang Twitter, nghị sĩ châu Âu Markus Pieper nêu rõ các nước EU và Nghị viện châu Âu (EP) đã nhất trí đến năm 2030, khối sẽ nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo từ các nguồn như gió và Mặt Trời trong tổng năng lượng sử dụng lên 42,5%, tăng hơn gấp đôi so với mức 22% hiện tại, cũng như vượt mục tiêu đề ra trước đó cho năm 2030 là 32%. Thỏa thuận còn kêu gọi các thành viên nỗ lực hơn nữa để đạt tỷ lệ 45% vào thời điểm nêu trên.

Triển vọng sản lượng

Sản lượng điện Mặt Trời tại EU dự kiến đạt 920 GW vào năm 2030, tăng 37% so với ước tính 672 GW trước khi bùng phát xung đột Nga-Ukraine, nhờ phản ứng của các nước thành viên đối với cuộc khủng hoảng năng lượng do xung đột.

Theo trang Anadolu Agency, các nhà phân tích cho rằng nỗ lực loại bỏ các rào cản để xin giấy phép là một trong những phản ứng chính của các chính phủ châu Âu nhằm giảm bớt khủng hoảng năng lượng và đẩy nhanh việc triển khai các công nghệ năng lượng sạch, đặc biệt là năng lượng Mặt Trời và gió.

Với việc lần đầu tiên vượt ngưỡng 50 GW vào năm 2023, công suất năng lượng Mặt Trời tích lũy ở EU dự kiến sẽ đạt 400 GW vào năm 2025.

Heymi Bahar, nhà phân tích cấp cao tại IEA, nhận định cuộc khủng hoảng năng lượng là "chất xúc tác" để các chính phủ đơn giản hóa các quy trình cấp phép. Ông Bahar nói rằng thời gian cấp phép kéo dài đã là một vấn đề trong nhiều năm và việc loại bỏ các rào cản trong qua trình cấp phép giúp đẩy nhanh việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo.

Trong khi năng lượng Mặt Trời tăng trưởng theo cấp số nhân, công suất năng lượng gió tại EU có thể tăng tốc dần dần. Nhà phân tích Harriet Fox thuộc công ty tư vấn năng lượng Ember lưu ý lạm phát cao và vấn đề trong chuỗi cung ứng toàn đã ảnh hưởng đến lĩnh vực sản xuất điện gió. Tổng công suất điện gió ở châu Âu hiện nay là 255 GW.

Không giống như năng lượng Mặt Trời, dự báo tăng trưởng điện gió ở châu Âu hầu như không thay đổi so với ước tính trước khi bùng phát xung đột tại Ukraine. Châu Âu dự kiến sẽ lắp đặt 129 GW công suất điện gió mới trong giai đoạn 2023-2027.

(Nguồn: BizLive)

Châu Âu đã bắt đầu quen sống thiếu năng lượng Nga?

Theo chuyên gia, sự chia tay của châu Âu với các nguồn năng lượng của Nga đã dẫn đến vấn đề cho Moskva.

Theo các chuyên gia, nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng của EU là quá trình dài đầy khó khăn. Tuy nhiên, Brussels ít nhất đã đạt được mục tiêu đầu tiên dưới hình thức từ chối dịch vụ của nhà cung cấp chủ chốt từ Nga trước đây.

Nhà bình luận Gabriel Gavin của tờ Politico cho rằng giờ đây Liên bang Nga và Tổng thống Vladimir Putin khó lòng gây áp lực với EU với cảnh báo về một cuộc "khủng hoảng năng lượng".

Quan điểm của vị chuyên gia nhấn mạnh vào việc châu Âu rời xa nhiên liệu của Nga có nghĩa là Moskva đã mất đi đòn bẩy hiệu quả nhất của mình đối với EU. Nhận xét này nhận được sự đồng tình không chỉ ở Liên minh châu Âu, mà còn trong cộng đồng chuyên gia.

"Sẽ không còn nhiệm vụ chính trị nào để EU tiếp tục mua khí đốt của Nga, ngay cả khi tình hình thay đổi. Không ai ngồi lại thương thảo và ký hợp đồng mới với Gazprom, dù cho số lượng cũng như chiết khấu đáng kể ra sao", ông Tom Marcek-Manser, trưởng bộ phận phân tích hàng hóa toàn cầu tại ICIS cho biết.

Ngoài ra giá nguyên liệu thô hiện đang ở mức cực kỳ thấp, đó là lý do tại sao như quan điểm của tác giả và một số chuyên gia trên thế giới, điều này có hại cho Moskva.

Chuyên gia Gavin cho rằng bất chấp việc châu Âu bước vào mùa Đông tới mà không có thâm hụt đáng kể với nguồn cung, nhưng một đợt lạnh kéo dài - hoặc thậm chí nhu cầu điều hòa không khí tăng mạnh vào mùa hè - có thể khiến giá tăng trở lại.

Bên cạnh đó, việc châu Âu rời xa dầu khí của Nga không phải là không gây đau đớn cho khối này: một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng nhất của EU đã bị suy giảm năng suất do giá khí đốt biến động.

Mặc dù vậy, điều này được dự báo sẽ chẳng ảnh hưởng gì nhiều - Cựu lục địa đã học cách tồn tại mà không cần khí đốt từ Nga, và sẽ không có tình huống nào thay đổi được thực tế đó.

"Sự ra đi" của một lượng lớn nhiên liệu do Liên bang Nga cung cấp, được bán theo các hợp đồng dài hạn và ổn định rõ ràng gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế châu Âu.

Lý do là bởi vì thị trường LNG (khí tự nhiên hóa lỏng) là một ngành kinh doanh cạnh tranh toàn cầu, nhà cung cấp sẽ bán cho ai trả giá cao hơn. Tuy nhiên các nước EU vẫn không muốn quay trở lại quá khứ, tác giả tin tưởng.

(Nguồn: CafeF)

Vụ lật thuyền ở Italy gây chú ý vì tất cả hành khách đều là điệp viên

Bốn người tử nạn sau khi một con thuyền chở 21 hành khách - tất cả đều có liên quan tới tình báo Italy và Israel - bị lật. Nhiều suy đoán đang nổi lên về bản chất của chuyến đi.

Những chi tiết được tiết lộ sau vụ lật thuyền chết người trên hồ Maggiore khiến nhiều người không khỏi liên tưởng tới phim kinh dị, theo Guardian.

Một nhóm du khách lên thuyền trên hồ nước tuyệt đẹp dưới chân dãy núi Alps. Chiếc thuyền bị lật trong cơn bão đột ngột. Bốn người chết đuối trong khi những nạn nhân khác bơi vào bờ an toàn.

Trong những ngày sau đó, khi giới chức trách lần theo dấu vết từ thông tin đặt phòng khách sạn của các hành khách, họ đã phát hiện dường như tất cả đều liên quan tới các cơ quan mật vụ của Italy và Israel.

Vì sao các điệp viên xuất hiện ở khu hồ phía bắc Italy

Năm ngày sau khi Gooduria, chiếc thuyền dài 16 m, bị cơn bão đánh lật trên Hồ Maggiore, ngày càng xuất hiện nhiều đồn đoán về những hành khách trên thuyền đã làm gì ở khu phía bắc Italy này.

Hôm 1/6, một nguồn tin cảnh sát từ cuộc điều tra đã xác nhận rằng 8 trong số 21 hành khách trên thuyền đang hoặc từng phục vụ cho cơ quan mật vụ của Italy và 13 người có quan hệ với cơ quan tình báo Israel.

Hai người tử nạn trong số các nạn nhân - Claudio Alonzi (62 tuổi) và Tiziana Barnobi (53 tuổi) - từng làm việc cho cơ quan tình báo Italy. Một người khác (50 tuổi) là điệp viên đã nghỉ hưu của cơ quan tình báo Mossad của Israel. Người thứ tư là bà Anya Bozhkova, lên thuyền cùng với chồng người Italy, Claudio Carminati, thuyền trưởng của con thuyền.

Ông Carminati đang bị điều tra sau vụ việc.

Ông Carminati và bà Bozhkova - được cho là không biết bơi - điều hành một công ty tên là Love Lake, cung cấp dịch vụ “thuyền và bữa sáng” trên Hồ Gooduria. Điều đáng chú ý là dịch vụ này chỉ phục vụ thuyền với tối đa 15 hành khách.

Nhiều bí ẩn

Nhóm khách lên chiếc thuyền định mệnh - được đăng ký ở Hà Lan, tại xưởng đóng tàu Piccaluga ở Lisaza - vào sáng 28/5 để tổ chức tiệc sinh nhật.

Nguồn tin cảnh sát cho biết nhóm khách đã đi tham quan quần đảo Borromean, một quần đảo ở phía tây của hồ và dừng lại ăn trưa trên đảo Isola Pescatori. Con thuyền bị lật trong một cơn bão dữ dội và xảy ra bất ngờ trên hồ vào tối 28/5, những người sống sót đã bơi vào bờ hoặc được các tàu khác đưa đến nơi an toàn.

Cuộc điều tra của cảnh sát hiện tập trung vào vai trò của thuyền trưởng trong vụ tai nạn chứ không phải lý lịch của các đặc vụ hay lý do tại sao họ có mặt trong khu vực.

Báo chí Italy thông tin rằng nhóm khách này gặp nhau vì công việc, "để trao đổi thông tin và tài liệu" và họ chỉ ở lại trong vài ngày rảnh rỗi sau khi những người Israel lỡ chuyến bay về nước.

Một giả thuyết được tờ Corriere della Sera đăng tải cho rằng các đặc vụ đã đến Hồ Maggiore để theo dõi các nhà tài phiệt trong diện tình nghi của họ. Một giả thuyết khác là các đặc vụ Israel đang theo dõi các mối liên hệ giữa các công ty Iran và các công ty Italy có trụ sở tại khu công nghiệp Lombardy.

Các đặc vụ sống sót sau thảm kịch đã rời đi vào ngày hôm sau. Theo những người theo dõi chuyến bay, hai máy bay phản lực thương mại đã cất cánh từ Israel trong hành trình đến Milan, có thể để nhanh chóng đưa những vị khách Israel sống sót trở về.

Không rõ họ đã ở đâu vì theo báo chí Italy, không có dấu vết của việc đặt phòng khách sạn.

“Tôi không biết các giả thuyết đến từ đâu nhưng tất cả chúng đều có vẻ hơi gượng ép. Ai cũng có thể viết những gì họ muốn, thậm chí họ có thể nói rằng con thuyền là mục tiêu của người ngoài hành tinh. Nhưng những gì đã xảy ra là có một tai nạn do thời tiết xấu. Tôi không thấy bí ẩn nào khác ngoài việc họ thuê một chiếc thuyền du lịch vào một ngày tưởng như đẹp trời để đi tham quan hồ, có thể là để mừng sinh nhật”, nguồn tin cảnh sát cho biết.

Một nguồn tin tại xưởng đóng tàu Piccaluga khẳng định: “Con thuyền xuất xưởng ở đây, nhưng tôi không biết gì về những người trên hành trình đó. Đây là một thảm kịch khủng khiếp trong đó bốn người đã chết, chỉ vậy thôi”. Nguồn tin nói thêm rằng sự thay đổi thời tiết đột ngột đã không được dự báo trước. “Thật không may, họ đã ở sai nơi, sai thời điểm”.

Truyền thông Israel ban đầu không đưa tin về danh tính của điệp viên Mossad đã nghỉ hưu chết đuối trong vụ việc, trong bối cảnh vẫn chưa rõ chuyện gì đã xảy ra và tại sao người này lại ở miền Bắc Italy.

Các hãng tin Italy nêu danh tính người này là Erez Shimoni và vào hôm 31/5, văn phòng thủ tướng Israel cuối cùng đã xác nhận người tử nạn từng phục vụ trong cơ quan gián điệp Mossad nhưng không nêu tên. Đặc vụ Israel thường sử dụng tên giả.

“Mossad đã mất đi một người bạn thân thiết, một nhân viên tận tụy và chuyên nghiệp, đã cống hiến cả cuộc đời mình cho an ninh của nhà nước Israel trong nhiều thập kỷ, ngay cả sau khi ông đã nghỉ hưu”, văn phòng chính phủ Israel cho biết trong một tuyên bố. “Mossad thương tiếc sự mất mát và chia sẻ nỗi buồn của gia đình”.

Bản tuyên bố cũng thêm rằng “do người này phục vụ trong tổ chức nên không thể giải thích chi tiết” về các hoạt động của ông.

Vụ việc xảy ra chỉ hai tháng sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đến thăm Rome để tăng cường quan hệ với chính quyền của Thủ tướng Italy Meloni - hai nước vốn có trao đổi thiết bị quân sự.

Không có gì lạ khi các điệp viên Israel “đã nghỉ hưu” được triệu tập, và khi nổi lên thông tin tất cả hành khách trên chiếc thuyền gặp nạn đều là nhân viên tình báo, nhiều suy đoán đang xuất hiện ở Israel về việc liệu chuyến đi thực sự là để giải trí hay có thể là việc công.

(Nguồn: Zing News)

Storm Shadow và kế hoạch của Anh đã thất bại?

Nga đang ráo riết săn Su-24 Ukraine sau món quà từ Anh, phi công kỳ cựu của Không quân Ấn Độ Vijinder K. Thakur cho biết trên tờ EurAsian Times.

Theo nhà phân tích, Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga đã thể hiện sự khéo léo đáng kinh ngạc khi tấn công bằng tên lửa vào các kho tàng quân sự và trung tâm hậu cần đúng thời điểm Quân đội Ukraine đang chuẩn bị tiến hành một cuộc phản công lớn.

Để tiếp tục hoạt động tác chiến, Lực lượng vũ trang Ukraine (AFU) cũng phải làm như vậy - phá hủy kho vũ khí của Nga và tấn công vào các sở chỉ huy để làm suy yếu đối phương trước.

Gần như chiến thuật tương tự đã được Kyiv sử dụng, buộc binh sĩ Nga phải rời Kherson và đi đến tả ​​ngạn sông Dnepr. Sau đó, AFU đã sử dụng các hệ thống HIMARS của Mỹ để phá hoại tuyến hậu cần cung cấp.

Tuy nhiên giờ đây "ma thuật Kherson" không còn nữa, ông Thakur khẳng định - Nga đã hiểu rõ cách đối phó với tên lửa HIMARS.

"Thật không may cho Ukraine, sau khi Quân đội Nga rút khỏi hữu ngạn sông Dnepr, giới lãnh đạo quân sự đã thay đổi cách triển khai binh lính, kho dự trữ và hệ thống phòng không theo cách làm giảm đáng kể khả năng hủy diệt của tên lửa HIMARS khi đưa chúng ra ngoài phạm vi 80 km", bài báo viết.

Để lặp lại chiến thuật Kherson và làm suy yếu đối phương trước cuộc tấn công, Anh đã tặng Ukraine một món quà lớn - tên lửa tầm xa Storm Shadow. Không quân Ukraine lần đầu tiên sử dụng chúng vào ngày 12/5 khi tấn công Lugansk.

"Kyiv lần đầu tiên sử dụng Storm Shadow vào hôm 12/5/2023, một cuộc phản công của Ukraine dường như là điều không thể tránh khỏi và đáng ngại", tác giả nhấn mạnh.

Tuy nhiên có thể tên lửa của Anh sẽ không mang lại hiệu quả mà Kyiv và London đang trông đợi, và có hai lý do cho điều này. Đầu tiên là hoạt động hiệu quả của hệ thống phòng không và tác chiến điện tử.

Theo chuyên gia người Ấn Độ, Nga tuyên bố đã bắn hạ hơn 10 tên lửa của Anh trong nửa tháng. Đây là một kết quả tuyệt vời, vì Ukraine rất hiếm khi sử dụng chúng: "Hai tuần sau lần phóng tên lửa Storm Shadow đầu tiên, Ukraine đã thất bại trong việc làm suy yếu khả năng tiếp tế cho Quân đội Nga".

Lý do thứ hai khiến việc cung cấp tên lửa của Anh trở nên đáng thất vọng là bởi Ukraine có rất ít phương tiện mang loại vũ khí này: máy bay Su-27 và Su-24.

Ngay sau khi Storm Shadow được sử dụng, Quân đội Nga đã tiêu diệt các máy bay ném bom Su-24: một chiếc bị bắn hạ sau cuộc tấn công vào Lugansk vào ngày 13/5, và 2 chiếc khác bị phá hủy trong ngày 16/5 và 18/5 tại Donetsk, theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Nga.

"Sự gia tăng bất ngờ số lượng những chiếc Su-24 Ukraine bị bắn hạ đặt ra câu hỏi về tính bền vững của các hoạt động của Ukraine với tên lửa Storm Shadow. Rõ ràng Lực lượng hàng không vũ trụ Nga đang tích cực săn lùng những chiếc Su-24 của Ukraine", bài báo viết.

Ông Thakur tuyên bố: kế hoạch của London và Kyiv nhằm làm suy yếu Quân đội Nga đã thất bại. Tên lửa Storm Shadow không gây tổn hại đến công tác hậu cần, tiếp liệu, vốn được mong đợi trước cuộc phản công của Ukraine.

Tác giả lưu ý: "Đây có lẽ là một trong những lý do quan trọng nhất khiến Ukraine chưa thể tiến hành phản công dù điều kiện thời tiết thuận lợi".

(Nguồn: Soha)

Cú hích từ Nga

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 1/6 tuyên bố việc Nga tiến hành cuộc chiến tại Ukraine đã đánh thức NATO sau nhiều năm chia rẽ.

Trước đó, hồi tháng 12/2019 khi cuộc chiến chưa nổ ra, Tổng thống Pháp Macron khi đó từng đưa ra những lời lẽ gay gắt khi cho rằng khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) mà Pháp là thành viên đã “bị chết não”. Lý do ông đưa ra những nhận xét gây sốc này là do các thành viên trong khối được cho là đang bị chia rẽ nặng nề.

Nhưng tại Diễn đàn An ninh Toàn cầu (GLOBSEC) ở Bratislava (Slovakia) năm nay, ông Macron cho rằng NATO đã hoàn toàn thay đổi. Ông khẳng định chính Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đánh thức liên minh quân sự này bằng “những cú sốc điện tồi tệ nhất”. Điều ông ám chỉ là cuộc xung đột Nga - Ukraine, bùng phát hồi tháng 2/2022.

Việc các nước thành viên NATO xích lại gần nhau trong việc ủng hộ Ukraine được ông Macron ví như Ukraine “đang bảo vệ châu Âu” và phương Tây sẽ có lợi nếu Kiev nhận được sự đảm bảo an ninh từ NATO.

Người đứng đầu nước Pháp cũng kêu gọi các thành viên NATO khác đưa ra những đảm bảo cho Ukraine trong thời điểm nước này đang trong giai đoạn chờ đợi để gia nhập liên minh quân sự.

Ông cũng kêu gọi phương Tây tiếp tục hỗ trợ Ukraine bằng mọi phương tiện để Kiev thực hiện một cuộc phản công có hiệu quả và đề xuất các quốc gia EU nên mua vũ khí để có khả năng tự phòng thủ, qua đó trở thành một trụ cột trong NATO về lâu dài.

Kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Pháp đã tham gia vào tất cả 10 vòng trừng phạt của phương Tây nhắm vào Moscow. Pháp cũng là quốc gia viện trợ quân sự lớn thứ tư của Ukraine trong cuộc chiến với Nga, chỉ sau Mỹ, Đức và Anh.

Nước này đã chuyển giao nhiều hệ thống vũ khí cho Kiev, bao gồm pháo tự hành Caesar, tên lửa phòng không Crotale và xe tăng hạng nhẹ AMX-10, đồng thời huấn luyện quân đội Ukraine trên lãnh thổ.

Trong khi đó, với bối cảnh ngày càng khốc liệt trong cuộc xung đột với Nga trên chiến trường, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang ngày càng gây sức ép lên NATO để khối quân sự này đẩy nhanh tiến trình kết nạp Kiev.

Ukraine đã chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO vào cuối tháng 9/2022, khởi đầu tiến trình mà Nga luôn phản đối và coi là lý do để khơi mào cuộc xung đột nhằm ngăn Ukraine gia nhập khối.

Ukraine đang trông chờ vào nguyên tắc phòng thủ tập thể của NATO đối với các thành viên để đảm bảo an ninh của mình. Theo Điều 5 của Hiến chương NATO, một cuộc tấn công vũ trang chống lại một thành viên NATO “sẽ được coi là một cuộc tấn công chống lại tất cả các thành viên”.

Nỗ lực gia nhập NATO của Ukraine được các quốc gia Bắc Âu, Baltic và Ba Lan tán thành mạnh mẽ, nhưng Mỹ và Đức giữ quan điểm phản đối vào thời điểm hiện tại. Hai nước này đang ưu tiên tập trung vào việc xây dựng khả năng phòng thủ và răn đe của Ukraine.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hồi đầu tháng 5 cũng nhấn mạnh rằng nhiệm vụ hiện nay của NATO là hỗ trợ Kiev và ngăn chặn leo thang căng thẳng với Nga.

(Nguồn: Giáo dục & Thời đại)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang