Hội phụ nữ Việt Nam tại thành phố Leipzig CHLB Đức đã tưng bừng tổ chức kỉ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 08.03.2025 vào ngày 09.03.2025. Lễ hội đã thu hút đông đảo chị em và khách mời với một chương trình văn nghệ cộng đồng sôi động.
- Thời sự
- EU
Nhiều nhà bán lẻ châu Âu không chấp nhận giá cao hơn khi đàm phán hợp đồng mới với các nhà cung cấp cà phê, dẫn đến kệ hàng ở nhiều siêu thị không có sản phẩm cà phê của một số thương hiệu để bán.
Nhà bán lẻ phản đối nhà rang xay cà phê tăng giá
Hai nhà bán lẻ lớn của Hà Lan, Albert Heijn và Jumbo đã ngừng mua dự trữ một số sản phẩm nhất định từ hãng cà phê JDE Peet's (JDE), nơi sở hữu một số thương hiệu cà phê phổ biến nhất châu Âu.
Quyết định này được đưa ra khi các bên bất đồng về giá trong quá trình đàm phán thỏa thuận cung cấp mới. Tại hai công ty siêu thị của Đức Edeka và Aldi Nord, nguồn cung cà phê cũng bị gián đoạn vì lý do tương tự
Đây là minh chứng mới nhất về việc đà tăng mạnh mẽ của giá cà phê nguyên liệu đang gây tác động lan rộng khắp chuỗi cung ứng. Giá cà phê arabica hảo hạng và cà phê robusta dùng trong đồ uống hòa tan tăng vọt trong năm qua do thời tiết bất lợi ảnh hưởng đến mùa màng ở những nước trồng cà phê chính là Brazil và Việt Nam. Giá arabica và robusta trên thị trường tương lai tăng lần lượt 74% và gần 100% trong một năm qua.
Điều này gây áp lực cho các nhà rang xay và ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Hãng thực phẩm J.M. Smucker, nhà rang xay cà phê hàng đầu của Mỹ, nổi tiếng với các thương hiệu như Folgers, Café Bustelo và Dunkin’ đã tăng giá bán hai đợt trong năm qua và báo hiệu sẽ tăng thêm nữa. Lý do được đưa ra là để bù đắp cho chi phí cà phê thô tăng mạnh.
Trong khi đó, hãng đồ uống và thực phẩm Nestle (Thụy Sĩ) đang thu nhỏ kích cỡ các gói sản phẩm cà phê để hạn chế tác động về chi phí. Năm ngoái, do chi phí tăng cao, Pret A Manger, chuỗi cà phê và thức ăn nhanh của Anh loại bỏ gói dịch vụ cho phép khách hàng uống tới 5 cốc cà phê mỗi ngày với mức phí 30 bảng (38 đô la Mỹ) mỗi tháng.
Hiện nay, khi các nhà bán lẻ ở châu Á phản đối nỗ lực tăng giá của các nhà rang xay cà phê trong các cuộc đàm phán mới, tình trạng thiếu hụt tạm thời một số sản phẩm cà phê đã xảy ra tại một số siêu thị.
“Các nhà rang xay cà phê đang tìm cách tăng giá bán đối với các siêu thị, nhưng nhìn chung, các siêu thị cự tuyệt”, Cyrille Filott, nhà chiến lược toàn cầu về thực phẩm tiêu dùng ở ngân hàng Rabobank cho biết.
Anders Fredriksson, CEO của công ty cà phê Löfbergs (Thụy Điển) cho biết hạt cà phê chiếm khoảng 70% chi phí của các nhà rang xay và mức tăng mạnh gần đây là một thách thức.
Jumbo, chuỗi siêu thị lớn thứ hai tại Hà Lan cho biết, một số sản phẩm của JDE hiện không có sẵn trên kệ hàng do đang đàm phán giá. Albert Heijn, chuỗi siêu thị lớn nhất Hà Lan cũng đang đang đàm phán với JDE, vì vậy hiện không phải tất cả sản phẩm của JDE đều có sẵn để bán. Siêu thị trực tuyến Picnic của Hà Lan đã dừng bán các thương hiệu cà phê của JDE vì bất đồng giá cả.
“Các nhà cung cấp cà phê hàng đầu muốn tăng lợi nhuận bằng cách đánh đổi lợi ích của người tiêu dùng. Nếu giá chào hàng tăng lên không thể được biện minh qua chi phí cơ bản cao hơn thì quá trình đàm phán sẽ mất nhiều thời gian hơn’”, Michiel Muller, đồng sáng lập Picnic nói.
Đầu năm nay, báo chí của Đức đưa tin, các sản phẩm như cà phê thương hiệu Jacobs của JDE không còn được bổ sung trên kệ hàng của chuỗi siêu thị Aldi Nord nữa. Một số sản phẩm của JDE cũng không có sẵn để bán tại một số siêu thị của Edeka. Aldi Nord từ chối không cung cấp thông tin về mối quan hệ với nhà cung cấp và Edeka cũng từ chối bình luận.
Đàm phán khó khăn hơn do cà phê nguyên liệu tăng giá mạnh
JDE, sở hữu các thương hiệu cà phê nổi tiếng ở châu Âu như Jacobs, Douwe Egberts và L'OR thừa nhận, các cuộc đàm phán với một số nhà bán lẻ ở Hà Lan và Đức mất nhiều thời gian hơn dự kiến. Dù vậy, công ty đã đàm phán thành công 80% mục tiêu doanh số vào giữa tuần trước.
“Hầu hết các nhà bán lẻ đều hiểu rằng cà phê là một mô hình kinh doanh chuyển tiếp chi phí. Thực tế là việc tăng giá đáng kể là điều không thể tránh khỏi”, Rafael Oliveira, CEO JDE chia sẻ với các nhà phân tích vào tuần trước.
Mô hình định giá chuyển tiếp chi phí đề cập đến chiến lược mà trong đó một doanh nghiệp, thường là nhà cung cấp, nhà sản xuất hoặc nhà bán lẻ, trực tiếp chuyển chi phí tăng thêm (hoặc đôi khi là tiết kiệm) sang cấp độ tiếp theo trong chuỗi cung ứng, chẳng hạn như nhà bán buôn, nhà bán lẻ hoặc người tiêu dùng cuối cùng, thay vì phải tự hấp thụ những chi phí đó.
JDE đàm phán với hầu hết các nhà bán lẻ diễn ra theo định kỳ hàng năm, nhưng đôi khi phải đàm phán nhiều hơn nếu điều kiện thị trường yêu cầu. Mức độ đề xuất tăng giá các sản phẩm cà phê vẫn chưa rõ ràng, mặc dù công ty cho biết đang thực hiện các biện pháp để hấp thụ càng nhiều lạm phát chi phí càng tốt.
Theo Michiel Declercq, nhà phân tích của KBC Securities, vị thế vững chắc của JDE trên thị trường cà phê cho phép công ty chuyển nhiều chi phí hơn sang các nhà bán lẻ. Nhưng ông cho biết, các cuộc đàm phán giá của JDE với nhà bán lẻ trong năm nay sẽ rất khó khăn sau khi giá cà phê nguyên liệu tăng vọt kể từ cuối năm ngoái,
“Nếu giá nguyên liệu tăng 70% thì bạn không thể làm gì khác ngoài việc tăng giá sản phẩm ít nhất 20% để ổn định lợi nhuận”, Declercq nói.
Gần đây có nhiều trường hợp đơn hàng bị gián đoạn. Cuối năm ngoái, chuỗi siêu thị Colruyt của Bỉ dừng một số đơn đặt hàng từ JDE sau khi công ty cà phê Hà Lan tăng mạnh giá bán các sản phẩm do giá cà phê nguyên liệu tăng. Tuần trước, Colruyt xác nhận đã giải quyết xong bất đồng về giá với JDE.
Đầu tháng 2, hãng rang xay cà phê Illycaffe của Ý cảnh báo, giá bán lẻ có thể tăng tới 25% trong vài tháng tới. Đây là tin không vui đối với những người yêu thích cà phê vẫn đang chịu áp lực vì cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở châu Âu.
“Không còn nghi ngờ gì nữa, cà phê chắc chắn sẽ đắt hơn. Câu hỏi là đắt đến mức nào”, Filott của Rabobank nói.
Sau các cuộc họp khẩn cấp tại Paris và London diễn ra trong tuần qua, các nhà lãnh đạo châu Âu đang tập trung tại Brussels trong ngày 6/3 theo giờ địa phương để tham dự hội nghị thượng đỉnh đặc biệt với trọng tâm là kế hoạch tăng cường quân sự quy mô lớn.
Tạp chí Eurasiareview cho biết, dự thảo kết luận mà Đài châu Âu tự do (RFE/RL) tiếp cận được đề cập đến việc củng cố hệ thống phòng không, pháo binh và năng lực tấn công chính xác tầm xa.
Một quan chức cấp cao Liên minh châu Âu (EU) phát biểu trước thềm hội nghị "EU sẽ thực sự lật trang sách mới về quốc phòng". Ông cũng nhấn mạnh có "sự đồng thuận rõ ràng" từ tất cả các bên về vấn đề này.
Kế hoạch tái vũ trang châu Âu
Một trong những nội dung trọng tâm là kế hoạch REARM Europe, được Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen công bố ngày 4/3. Kế hoạch này dự kiến giải ngân lên đến 800 tỷ euro (844 tỷ USD) cho các quốc gia thành viên EU nhằm tăng cường năng lực quốc phòng.
Dự thảo kết luận của hội nghị thượng đỉnh hoan nghênh kế hoạch này và đặt nền tảng cho các quyết định cụ thể hơn tại Hội đồng châu Âu tiếp theo vào ngày 20-21/3.
Dự thảo văn bản nhấn mạnh sự cần thiết phải "gia tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng" và kêu gọi "hành động ở cấp độ EU" để nâng cao năng lực quân sự trước các mối đe dọa từ Nga và Belarus. Các lãnh đạo EU cũng dự kiến chào đón quy định cho vay mới của Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB), giúp giải phóng nguồn vốn cho các dự án quân sự như doanh trại và bệnh viện dã chiến.
Châu Âu có thể tự bảo vệ mà không cần Mỹ?
Kế hoạch này được đưa ra trong bối cảnh Mỹ tạm dừng viện trợ quân sự cho Ukraine, làm dấy lên lo ngại về việc châu Âu phải chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất nếu không có sự bảo trợ an ninh từ Washington. Tuy nhiên, hầu hết chính trị gia châu Âu bác bỏ kịch bản này.
"Chúng ta không nên từ bỏ Mỹ", Ngoại trưởng Séc Jan Lipavsky phát biểu ngày 4/3, trong khi Thủ tướng Anh Keir Starmer khẳng định "Tôi không chấp nhận rằng Mỹ là một đồng minh không đáng tin cậy".
Tuy nhiên, những phát ngôn này phần nào phản ánh sự lo ngại của châu Âu trước những quyết định từ Washington. Trước hội nghị, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố: "Tôi muốn tin rằng Mỹ sẽ tiếp tục sát cánh cùng chúng ta, nhưng chúng ta cũng phải sẵn sàng nếu điều đó không xảy ra".
Một quan chức EU cấp cao cho biết tình hình Ukraine đã thay đổi đáng kể do lập trường của chính quyền Tổng thống Trump. Dù các lãnh đạo EU sẽ thảo luận về cách lấp đầy khoảng trống viện trợ quân sự cho Ukraine, hội nghị này không được kỳ vọng sẽ đưa ra thông báo quan trọng nào về vấn đề này. Trọng tâm vẫn là tìm cách hàn gắn rạn nứt giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trong bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ tối 4/3, Tổng thống Trump tiết lộ Tổng thống Zelensky đã gửi thư cho ông sau cuộc đối thoại căng thẳng tại Phòng Bầu dục hôm 28/2 và bày tỏ sẵn sàng quay lại bàn đàm phán.
Ngày 5/3, Cố vấn an ninh quốc gia Mike Waltz tuyên bố Mỹ có thể nối lại viện trợ quân sự nếu Ukraine đồng ý trao quyền tiếp cận nguồn tài nguyên khoáng sản của nước này cho Washington.
Ai sẽ gửi quân đến Ukraine
Hội nghị lần này cũng diễn ra sau hàng loạt cuộc họp khủng hoảng, gần nhất là tại London vào ngày 2/3. Một kết quả quan trọng từ cuộc họp đó là Anh, Pháp và một số nước khác đang xây dựng kế hoạch hòa bình chung với Ukraine và sẽ trình bày tại Washington.
Một nội dung khác cũng đang được xem xét là việc triển khai lực lượng quân sự châu Âu đến Ukraine trong trường hợp đạt được thỏa thuận ngừng bắn hoặc hòa bình. Cho đến nay, Anh và Pháp đã tuyên bố sẵn sàng triển khai quân. Thủ tướng Anh Starmer xác nhận có thêm các quốc gia khác đồng ý tham gia, nhưng không tiết lộ cụ thể.
Một quan chức EU cấp cao xác nhận một số quốc gia thành viên đã bày tỏ thiện chí nhưng cho rằng "hiện tại còn quá sớm để đi vào chi tiết". Tuy nhiên, ông nhấn mạnh công tác chuẩn bị cần phải bắt đầu ngay và Hội đồng châu Âu lần này là thời điểm thích hợp để khởi động quá trình đó.
Sau khi Mỹ tạm dừng viện trợ quân sự cho Ukraine, các nhà lãnh đạo châu Âu đều nhất trí rằng phải chi nhiều hơn cho quốc phòng để tăng cường năng lực phòng thủ.
Do đó, Liên minh châu Âu đã giới thiệu dự án quốc phòng mang tên "Tái vũ trang châu Âu" có giá trị lên đến 800 tỷ Euro (hơn 840 tỷ USD).
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã tổ chức cuộc họp báo vào sáng sớm 4/3 - thay vì họp báo vào buổi trưa như thường lệ - để công bố dự án "Tái vũ trang châu Âu". Đây là một hành động có tính biểu trưng vì ngay trước đó, ở phía bên kia bờ Đại Tây Dương, Tống thống Mỹ Donald Trump vừa thông báo đình chỉ viện trợ quân sự cho Ukraine.
Mục đích của dự án mà bà Ursula von der Leyen công bố không chỉ là hành động khẩn cấp giúp hỗ trợ Ukraine mà còn nhằm bảo đảm an ninh về dài hạn cho châu Âu.
Theo đề xuất này, Liên minh châu Âu đang xem xét kích hoạt một cơ chế cho phép các nước thành viên sử dụng ngân sách quốc gia để chi tiêu quân sự thêm 650 tỷ Euro trong vòng 4 năm, cùng với một khoản vay trị giá 150 tỷ Euro. Cơ chế này cho phép các nước thành viên không bị phạt khi lạm chi ngân sách trong trường hợp khoản chi vượt khung vì mục đích quân sự.
Bản kế hoạch của Chủ tịch Ủy ban châu Âu von der Leyen sẽ được trình bày cụ thể hơn tại hội nghị thượng đỉnh đặc biệt của liên minh châu Âu bàn về Ukraine vào ngày 5/3.
Sau cuộc gặp gây tranh cãi giữa Tổng thống Ukraine Zelensky và ông Donald Trump tại Nhà Trắng, EU đang cân nhắc tăng mạnh chi tiêu quân sự.
Châu Âu muốn xây dựng hệ thống phòng thủ riêng để hỗ trợ Ukraine và đối đầu với Nga. Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý với cách tiếp cận này, theo RIA Novosti.
Chuyến du lịch châu Âu
Ngay sau chuyến thăm Mỹ, ông Zelensky đã tới Anh. Thủ tướng Keir Starmer chào đón ông như một người bạn.
"Các bạn nhận được sự ủng hộ hoàn toàn từ Vương quốc Anh, chúng tôi sẽ luôn sát cánh cùng các bạn và Ukraine cho đến khi nào cần thiết", ông đảm bảo.
Những lời này lần đầu tiên được cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden nói ra cách đây ba năm, sau đó chúng bắt đầu được nhắc lại ở hầu hết các nước phương Tây.
Tuy nhiên, không có tuyên bố nào được đưa ra với giới truyền thông. Ông Starmer tiễn khách đến xe, ôm và vẫy tay chào. Bộ trưởng Tài chính Anh Rachel Reeves tuyên bố phân bổ khoản vay 2,85 tỷ đô la cho Kiev "để đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine".
Cũng tại London, hội nghị thượng đỉnh giữa nguyên thủ 14 quốc gia NATO (trừ Mỹ), ông Zelensky và lãnh đạo EU đã diễn ra.
Thượng đỉnh đã thảo luận về việc củng cố sức mạnh của Ukraine và áp lực kinh tế ngày càng tăng đối với Nga, nhu cầu về một thỏa thuận mạnh mẽ và lâu dài dẫn đến hòa bình lâu dài, cũng như các bước tiếp theo trong việc lập kế hoạch đảm bảo an ninh mạnh mẽ.
Thủ tướng Starmer nhấn mạnh rằng cần phải thành lập một "liên minh thiện chí" để giúp đỡ Kiev. Anh, Pháp và Ukraine sẽ soạn thảo kế hoạch hòa bình của riêng mình và thảo luận với Mỹ.
Theo Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, họ đã có một số công việc đang được tiến hành. Ở giai đoạn đầu, lệnh ngừng bắn một phần trong vòng một tháng phải được thực hiện, bao gồm:
Ngừng các hoạt động quân sự trên không và trên biển, và kiềm chế các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng. Các bước tiếp theo bao gồm việc gửi lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu.
Ngược lại, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni cảnh báo rằng sự chia rẽ giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu có thể khiến tất cả các bên yếu hơn, đồng thời kêu gọi ngăn chặn sự gia tăng bất đồng.
"Điều cần thiết là một hội nghị thượng đỉnh ngay lập tức giữa Mỹ, các quốc gia châu Âu và các đồng minh để có một cuộc đối thoại thẳng thắn về cách chúng ta dự định giải quyết những thách thức nghiêm trọng hiện nay, bắt đầu từ Ukraine, nơi chúng ta đã cùng nhau bảo vệ trong những năm gần đây", bà nói.
Tạm biệt nước Mỹ?
Hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của EU về vấn đề Ukraine đã được lên lịch vào ngày 6 tháng 3. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa hiện đang hỏi các chính phủ về mức đóng góp mà họ sẵn sàng thực hiện để hỗ trợ Kiev.
Ông Macron nói rằng vào ngày 6 tháng 3, "EU có thể sẽ phê duyệt hàng trăm tỷ euro để tài trợ cho Ukraine".
Theo ông, việc xây dựng một cấu trúc an ninh châu Âu mới sẽ mất nhiều năm. Về viện trợ của Mỹ, tổng thống Pháp tin rằng điều quan trọng là phải duy trì viện trợ này trong ngắn hạn.
"Nếu Tổng thống Nga Putin không bị ngăn lại, ông ấy sẽ tiếp tục. Tiếp theo là Moldova, và sau đó, có lẽ là Romania. Trên biên giới của chúng ta có một nước Nga được trang bị vũ khí và hung hăng", Tổng thống Macron nói.
Đây là thông điệp mà ông Macron hy vọng truyền tải tới Tổng thống Mỹ Trump, nhưng điều ông quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề nội bộ của Mỹ.
"Chúng ta nên bớt lo lắng về Nga và tập trung hơn vào việc chống lại các băng đảng buôn người, di cư, trùm ma túy, kẻ giết người và những người từ bệnh viện tâm thần vào nước ta. Nếu không, chúng ta sẽ có kết cục khó đoán", ông nói.
Ở châu Âu, không phải ai cũng hài lòng ngay cả với mức độ ủng hộ hiện tại dành cho Ukraine. Theo Politico, vào ngày 28 tháng 2, trong cuộc họp của các đại sứ EU, Budapest đã bác bỏ một dự thảo văn bản đề cập đến các đảm bảo an ninh cho Ukraine, cũng như một gói viện trợ quân sự mới.
Gió đổi chiều
Giám đốc Viện Thông tin Khoa học Xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga Alexey Kuznetsov nhấn mạnh rằng hiệu quả đảm bảo an ninh EU phụ thuộc vào cách người châu Âu hiểu về vấn đề này.
"Nếu họ định ngăn chặn hành động của Nga vào Liên minh châu Âu, thì đây là một câu chuyện vô lý bởi không hề tồn tại mối đe dọa nào như vậy.
Có một mối đe dọa từ những người di cư bất hợp pháp, những người có thể, trong số những thứ khác, thực hiện các cuộc tấn công khủng bố. Nhưng NATO chưa bao giờ có một chiến lược rõ ràng với nguy cơ này.
Do đó, EU không cần phải chi nhiều cho quốc phòng, vì châu Âu hiếm khi bị đe dọa. Nhưng nếu an ninh mà châu Âu muốn nói đến là sẵn sàng cho một cuộc xung đột với Nga, thì tất nhiên, sẽ cần rất nhiều nỗ lực và nguồn lực.
Đồng thời, ông Trump đã tránh xa kịch bản này trước, nói rõ rằng ông sẽ không để Mỹ bị lôi kéo vào một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba", chuyên gia nói với RIA Novosti.
Nadezhda Arbatova, người đứng đầu Khoa Nghiên cứu Chính trị Châu Âu tại IMEMO RAS, tin rằng các đồng minh NATO đang cố gắng đóng vai trò như một bộ giảm xóc giữa ông Trump và Zelensky.
"Thủ tướng Starmer và những người khác phản ứng khá dè dặt: không có lợi cho họ khi gây chia rẽ giữa Ukraine và Mỹ. Họ cũng không muốn làm đảo lộn quan hệ Euro-Atlantic.
Bất kể Tổng thống Trump là người như thế nào, ông ấy vẫn là người quan trọng nhất. Rõ ràng, Thủ tướng Meloni nên đóng một vai trò quan trọng trong việc khôi phục lòng tin.
Bà ấy hòa hợp tốt với ông Trump, Zelensky và giới lãnh đạo EU. Có lẽ chính quyền Mỹ sẽ xem xét lại lập trường của họ đối với Kiev và cố gắng tìm ra một số sự thỏa hiệp", nhà khoa học chính trị Arbatova, nói.
Đồng thời, theo bà, nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump sẽ là thời kỳ thử thách lớn đối với EU. Tổng thống Mỹ khó có thể để mặc châu Âu tự quyết định số phận của mình, nhưng chính quyền Mỹ chắc chắn sẽ giảm bớt sự can thiệp vào cuộc sống của người dân châu Âu.
"Sự xoay trục của Mỹ sang châu Á bắt đầu dưới thời ông Barack Obama, một trong những nhà lãnh đạo Mỹ ủng hộ châu Âu nhất. Lợi ích của Mỹ và EU ngày càng khác biệt. Điều này có nghĩa là Brussels sẽ phải đảm nhận nhiều nghĩa vụ an ninh hơn trong mọi trường hợp.
Đối với người châu Âu, các sự kiện hiện tại giống như một lời cảnh tỉnh. Năm 2017, trong bối cảnh nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, người đứng đầu Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã công bố lộ trình tạo ra hệ thống an ninh riêng để đạt được quyền tự chủ chiến lược.
Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy, hầu như không có gì được thực hiện.
Đối với Ukraine, nếu không có Mỹ, châu Âu vẫn có thể ủng hộ Kiev ở mức độ tương tự trong sáu tháng. Sau đó, vấn đề sụp đổ sẽ không thể tránh khỏi", Arbatova nhấn mạnh.
Cuộc gặp căng thẳng giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Nhà Trắng đã thổi bùng những rạn nứt trong phong trào cực hữu đang trỗi dậy mạnh mẽ khắp châu Âu.
Tâm điểm của mâu thuẫn xoay quanh kế hoạch chấm dứt cuộc chiến giữa Nga và Ukraine của ông Trump - một kế hoạch khiến các đồng minh tiềm năng phải đau đầu lựa chọn giữa lòng trung thành và lợi ích an ninh khu vực.
Giấc mơ "Đưa châu Âu vĩ đại trở lại"
Phe cực hữu châu Âu từng ăn mừng chiến thắng của Tổng thống Trump, xem ông như người hùng đưa một phong trào từng bị coi là cực đoan trở thành xu hướng chính thống. Họ nhiệt tình ủng hộ lời kêu gọi "Make Europe Great Again" (MEGA) của tỷ phú Elon Musk.
Nhưng niềm vui ấy nhanh chóng bị thử thách khi ông Trump công khai chỉ trích Tổng thống Zelensky và tỏ ra thờ ơ trước mối đe dọa từ Nga đối với châu Âu. Hành động của ông Trump, đặc biệt là tạm dừng hỗ trợ tình báo và vận chuyển vũ khí tới Ukraine vào hôm 4.3 - sau cuộc đối đầu nảy lửa tại Phòng Bầu dục tuần trước - đã khiến nội bộ phe cực hữu rơi vào cảnh "người khen, kẻ chê".
Một số gương mặt nổi bật của phe cực hữu không ngần ngại đứng về phía ông Trump. Thủ tướng Hungary Viktor Orban, người theo chủ nghĩa dân tộc, đã lên tiếng bảo vệ Tổng thống Mỹ, ca ngợi ông "dũng cảm đứng lên vì hòa bình". Ông Orban viết trên X: "Dù nhiều người khó chấp nhận, ông Trump đã chọn con đường đúng đắn".
Tại Đức, đảng cực hữu Sự lựa chọn cho nước Đức (AfD) - vừa giành vị trí thứ hai lịch sử trong cuộc bầu cử - cũng đồng tình với ông Trump. Đồng lãnh đạo Tino Chrupalla khẳng định: "Khi EU và Đức thất bại trong vai trò trung gian, Mỹ và Nga phải tự tìm thỏa thuận".
Bjoern Hoecke, lãnh đạo cấp cao tại AfD, thậm chí đổ lỗi cho Tổng thống Zelensky, cho rằng ông đã "xúc phạm chủ nhà" trong vụ tranh cãi tại Nhà Trắng. Trong khi đó, Phó thủ tướng Ý Matteo Salvini cũng nằm trong số những người ủng hộ ông Trump nhiệt thành.
Sự chia rẽ và hoài nghi
Tuy nhiên, không phải ai trong phe cực hữu cũng sẵn sàng "đứng cùng ông Trump". Nigel Farage, lãnh đạo đảng Cải cách Anh, dù đồng ý với ông Zelensky rằng Ukraine cần "đảm bảo an ninh phù hợp" cho hòa bình, lại chỉ trích nhà lãnh đạo Ukraine chơi kém trên bàn cờ ngoại giao.
Ông Krzysztof Bosak của đảng Liên bang tự do và độc lập của Ba Lan lên tiếng chỉ trích ông Trump lẫn Nga. "Tổng thống Trump đã không thể ép Nga chấm dứt cuộc chiến nhanh chóng như lời hứa. Nga vẫn là bên quyết định cuộc chiến này kéo dài bao lâu", ông nói.
Tại Tây Ban Nha, đảng cực hữu Vox rơi vào thế lưỡng nan. Một nguồn tin nội bộ thừa nhận: "Sự khó đoán của ông Trump khiến chúng tôi bối rối. Chúng tôi nên chống Nga hay theo quan điểm của ông Trump về Moscow?". Bà Marine Le Pen của Mặt trận quốc gia Pháp thì chọn cách trung lập, cho rằng cả Tổng thống Trump và ông Zelensky đều đang bảo vệ lợi ích quốc gia của mình.
Phe cực hữu: Đồng minh hay đối thủ?
Sự bất đồng này cho thấy phe cực hữu châu Âu không phải là một khối thống nhất. Alexander Clarkson, giảng viên tại King’s College London (Anh), nhận định: "Có những yếu tố khiến họ không công khai đối đầu Trump như phe cánh tả, nhưng vẫn tạo ra khoảng cách với các đảng cực hữu ngày càng chấp nhận hội nhập châu Âu". Điều này làm suy yếu ảnh hưởng của họ trong chính trường EU và đặt dấu hỏi lớn cho nỗ lực của Elon Musk trong việc tập hợp khu vực quanh chiến dịch MEGA chống EU.
Tổng thống Trump không chỉ gây chia rẽ giữa các nước mà còn gieo mầm bất hòa trong nội bộ từng quốc gia EU. Tại Ý, liên minh cầm quyền bị giằng xé. Phó thủ tướng Salvini ủng hộ ông Trump hết mình, trong khi Thủ tướng Giorgia Meloni giữ thái độ thận trọng. Bà Meloni, dù kiên định ủng hộ Ukraine, vẫn cố gắng duy trì mối quan hệ tốt với ông Trump, đi trên lằn ranh giữa quốc phòng châu Âu và sự hòa hợp với Mỹ.
Ở Tây Ban Nha, lãnh đạo đảng Vox Santiago Abascal chỉ trích sự do dự của châu Âu trước kế hoạch hòa bình của ông Trump, nhưng Javier Ortega Smith, đồng sáng lập Vox, lại cảnh báo: "Nếu ông Trump quay lưng với Ukraine và chia cắt biên giới mà không quan tâm đến quốc gia bị tổn thương này, chúng tôi không thể đồng ý".
Nguồn: The Saigon Times; Báo Tin Tức; VTV; Soha; 1 Thế Giới
EU: Quan hệ với Mỹ ‘tan hàng’; ‘Đang ảo tưởng’; Bài toán gửi quân sang Kiev; Anh kêu gọi bảo vệ Kiev; Pháp kỳ vọng tự chủ quốc phòng
EU: Tỷ lệ sinh giảm kỷ lục; ‘Gáo nước lạnh’ lên hàng xa xỉ; Xoay sở trong thế khó; ‘Euro Eyes’ thay thế tình báo Mỹ; Xích gần các đối tác NATO
EU: Nguy cơ khủng hoảng nợ; Chật vật vì khí đốt; Đổ tiền cho quốc phòng vô ích; Tái khẳng định cấm xe xăng; Thế khó của Tổng thống Pháp
EU: Số ca mắc sởi tăng cao; Cú sốc với ngành rượu; Quay lưng với hàng Mỹ; ‘Bức tường’ ngân sách quốc phòng; Gia hạn trừng phạt Nga
Hội phụ nữ Việt Nam tại thành phố Leipzig CHLB Đức đã tưng bừng tổ chức kỉ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 08.03.2025 vào ngày 09.03.2025. Lễ hội đã thu hút đông đảo chị em và khách mời với một chương trình văn nghệ cộng đồng sôi động.
Sau khi ăn cơm xong, hoặc đợi 1 tiếng, rồi uống 2-3 thìa cà phê đường cát vàng. Xong tập bài thể dục ép bụng sẽ hiệu quả. Mỗi ngày ăn 3 bữa chính thì thực hiện cả 3 lần.
Nguồn: Tadoco - Thuốc thảo dược
Tết Ất Tỵ của cộng đồng người Việt Leizig & Vùng Phụ cận đã được Hội Người Việt Nam Leipzig tổ chức tưng bừng, hân hoan, náo nhiệt vào Chủ Nhật, ngày 26.01.2025 tại Hội trường, Trường Đại học Uni, Thành phố Leipzig, được coi là một sự kiện trọng đại mở đầu cho một năm mới 2025, năm đánh dấu cột mốc tròn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức.
https://www.youtube.com/watch?v=z3eDznU75b8
Đức Việt Online
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá