EU: Quan hệ với Mỹ ‘tan hàng’; ‘Đang ảo tưởng’; Bài toán gửi quân sang Kiev; Anh kêu gọi bảo vệ Kiev; Pháp kỳ vọng tự chủ quốc phòng

KHI QUAN HỆ VỚI MỸ 'TAN HÀNG'

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Kiev, các nhà lãnh đạo châu Âu đã hội tụ tại London để thể hiện tinh thần đoàn kết với Ukraine.

Sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương khi châu Âu buộc phải nhìn nhận lại vị thế của mình.

Những diễn biến trong hơn một tháng qua cho thấy một luồng vận động hoàn toàn khác biệt từ Nhà Trắng. Tác động của thay đổi này lan rộng từ cuộc chiến ở Ukraine - nơi chính quyền Kiev đang bị "tính sổ nợ nần", đến châu Âu - nơi bỗng dưng không còn thấy cái "ô dù" NATO với vai trò chủ lực của Mỹ từ năm 1949, hay những bất ổn ở châu Phi và châu Mỹ Latin sau khi Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) cắt giảm tới 90% ngân sách.

Châu Âu tự lực cánh sinh

Trong bối cảnh "tan hàng" của quan hệ Mỹ - châu Âu, hơn 15 nhà lãnh đạo châu Âu đã tề tựu tại London vào ngày 2-3 để bàn về cuộc khủng hoảng hiện tại. Họ tìm cách thúc đẩy hợp tác an ninh và hỗ trợ cho Ukraine sau cuộc cãi vã đáng kinh ngạc giữa Kiev và Washington.

Các đồng minh Ukraine nhấn mạnh cam kết kiên định nhằm đối phó với lo ngại ngày càng tăng rằng "Tổng thống Mỹ Donald Trump sắp hạ thấp Kiev trong các cuộc đàm phán với Nga" như tờ Kiev Post đã tiết lộ.

Thủ tướng Anh Keir Starmer đã chào đón Tổng thống Volodymyr Zelensky bằng cái ôm nồng ấm khi ông này đến London tìm kiếm hậu thuẫn chính trị và một gói viện trợ mới sau cuộc đụng độ nảy lửa với Tổng thống và Phó tổng thống Mỹ Donald Trump và JD Vance.

Thông cáo của Phủ thủ tướng Anh khẳng định: "Thủ tướng tái khẳng định sự ủng hộ không lay chuyển đối với Ukraine, đồng thời nói thêm rằng Vương quốc Anh sẽ luôn sát cánh cùng Ukraine, cho đến khi nào còn cần thiết".

Thủ tướng cũng "tái khẳng định quyết tâm tìm ra con đường chấm dứt cuộc chiến tranh và đảm bảo một nền hòa bình công bằng và lâu dài, đồng thời đảm bảo chủ quyền và an ninh trong tương lai của Ukraine" với gói tín dụng của Anh dành cho Ukraine khoảng 2,26 tỉ bảng Anh (2,84 tỉ USD).

Chiến tranh đã kéo dài quá ba năm và giờ đây nhiều người cho rằng đã đến lúc phải tìm lối thoát. Khác với những căng thẳng giữa hai ông Zelensky và Donald Trump về con số nợ nần, Ukraine sẽ khó có khả năng cãi cọ với Thủ tướng Anh Starmer về vấn đề này.

Tiếng gọi thức tỉnh từ các lãnh đạo

Thủ tướng Anh không đơn độc trong nỗ lực này. Ông đã mời hơn chục nhà lãnh đạo châu Âu tham dự hội nghị thượng đỉnh, bao gồm đại diện từ Pháp, Đức, Đan Mạch, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Tây Ban Nha, Phần Lan, Thụy Điển, Czech, Romania, NATO và Liên minh châu Âu.

Văn phòng Thủ tướng Anh đã loan báo: "Thủ tướng sẽ sử dụng hội nghị thượng đỉnh để thúc đẩy hành động của châu Âu đối với Ukraine - thể hiện sự ủng hộ chung, không lay chuyển của chúng tôi".

Truyền hình Pháp TF1 đưa tin với tựa đề hồ hởi: "Các thế lực châu Âu đã đoàn kết" kèm nhận xét: "Các nhà lãnh đạo châu Âu tiếp tục thể hiện sự ủng hộ vững chắc đối với Kiev. Và có lúc họ còn tỏ ra cứng rắn hơn với Washington".

Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock gọi đây là một "thời đại mới của sự ô nhục" và nhấn mạnh "chúng ta phải hơn bao giờ hết bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và sức mạnh của luật pháp chống lại luật pháp của kẻ mạnh nhất".

Bà cho rằng Đức và Liên minh châu Âu cần phải nới lỏng các quy định về ngân sách để có thêm nguồn lực giúp đỡ Ukraine và tăng cường quốc phòng của chính mình.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi châu Âu suy nghĩ lại về tình hình mới không có sự hỗ trợ của Mỹ: "Tôi tin rằng nay là thời điểm cần có sự thức tỉnh về mặt chiến lược, bởi vì ở mọi quốc gia đều cảm thấy rối ren, bất an về sự hỗ trợ lâu dài của Mỹ".

Ông cũng kêu gọi mở cuộc thảo luận về khả năng răn đe hạt nhân trong tương lai của châu Âu. Hiện nay, Anh và Pháp là hai nước châu Âu sở hữu vũ khí hạt nhân có khả năng răn đe.

 

 

'EU ĐANG ẢO TƯỞNG'

Theo giáo sư Joseph Siracusa, Liên minh châu Âu (EU) đang ảo tưởng nếu hy vọng lấp đầy khoảng trống tại Ukraine mà không cần sức mạnh của Mỹ.

Cuộc gặp giữa ông Volodymyr Zelensky với Tổng thống Donald Trump tại Washington là một thảm họa, khi nhà lãnh đạo Ukraine buộc phải rời đi sớm sau cuộc hội đàm gần như cãi vã công khai với Tổng thống Mỹ.

Joseph Siracusa, giáo sư về tương lai toàn cầu tại Đại học Curtin, Perth, Úc, nói với RIA rằng các quốc gia thành viên EU "không có khả năng duy trì nhu cầu quân sự của Ukraine, chứ đừng nói đến việc tạo điều kiện cho quá trình tái thiết sau xung đột, ước tính tốn hàng chục tỷ đô la".

Học giả nói thêm rằng, hậu quả sau cuộc khẩu chiến giữa ông Trump với Zelensky, việc mất đi sức mạnh của Mỹ sẽ là "cái chết chí mạng" đối với Ukraine.

'Cái chết' này sẽ gây ra cuộc tranh giành quyền lực ở Kiev và nhu cầu phải điều chỉnh với thực tế là "bị loại khỏi NATO mặc dù được phép gia nhập EU".

Hơn nữa, "NATO đã chấm dứt", nhà phân tích suy đoán, vì lực lượng quân sự chính của EU "bị tê liệt khi không có đối tác xuyên Đại Tây Dương".

"Rất khó dự đoán điều gì diễn ra tiếp theo. Hình ảnh từ cuộc họp thật kinh khủng. Đây là dấu hiệu khác cho thấy châu Âu cần hành động và hỗ trợ Ukraine. Huy động tài sản bị đóng băng ở nước ngoài của Nga. Mua vũ khí cho Ukraine. Tăng chi tiêu quốc phòng trong năm nay.

Tiến tới phê duyệt tư cách thành viên EU. Vẫn còn những việc châu Âu có thể làm để giúp Ukraine xây dựng đòn bẩy đàm phán", một quan chức châu Âu giấu tên cho biết.

Tổng thống Trump nói ông không tin Tổng thống Zelensky đã sẵn sàng để Mỹ tham gia vào tiến trình hòa bình và những đảng viên Cộng hòa từng ủng hộ việc hỗ trợ Kiev đối đầu Moskva bắt đầu cho thấy họ không còn đủ kiên nhẫn với lãnh đạo Ukraine.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham, người từng ủng hộ nhiệt thành nỗ lực chiến đấu của Ukraine, cho biết sau cuộc họp rằng Kiev có thể cần tìm một lãnh đạo mới có khả năng làm việc với Tổng thống Trump.

"Đây là câu hỏi dành cho tôi, cho người dân Ukraine. Tôi không biết liệu Tổng thống Zelensky có thể đưa các bạn đến được nơi các bạn muốn với Mỹ hay không. Hoặc là ông ấy phải thay đổi rất nhiều hoặc các bạn phải tìm một người mới", Graham nói.

Joel Rubin, phó trợ lý ngoại trưởng dưới thời chính quyền Barack Obama, cho rằng châu Âu cần phải có một "cuộc họp khẩn cấp" để tìm ra cách giải quyết vấn đề.

"Cần phải làm gì đó để xoa dịu Tổng thống Zelensky và Mỹ ngay lúc này", ông nhấn mạnh.

"Cuộc gặp tại Phòng Bầu dục đó hoặc là tai ương cho sự nghiệp chính trị của ông Zelensky hoặc là tai ương cho Ukraine. Tổng thống Zelensky dường như vẫn chưa hiểu được rằng ông ấy sẽ không thể có mọi thứ mình muốn", cựu hạ nghị sĩ Cộng hòa Mike Garcia bình luận.

Hãng Reuters cho rằng, cuộc gặp ở Nhà Trắng thực sự đã tạo ra áp lực khổng lồ cho Ukraine. Nó cho thấy Tổng thống Trump sẵn sàng rút lại ủng hộ với Kiev.

Tổng thống Zelensky rời Mỹ mà không để lại gì nhiều ngoại trừ mối quan hệ bị tổn hại nghiêm trọng với người đàn ông quyền lực nhất nước Mỹ.

Những người chỉ trích Tổng thống Trump sẽ coi màn thể hiện vừa qua là minh chứng rõ nét nhất cho thấy ông đồng cảm như thế nào với người đồng cấp Nga Vladimir Putin và những tính toán của Nga đối với lãnh thổ Ukraine.

"Tôi e rằng kịch bản Moskva và Washington đạt được thỏa thuận sau lưng Kiev đang ngày càng trở nên rõ ràng hơn", chuyên gia Ciaramella từ Quỹ Carnegie nhận xét.

Nếu không cho thấy những động thái nhượng bộ đủ để xoa dịu Tổng thống Trump, Tổng thống Zelensky và đất nước của ông giờ đây khó lòng trông cậy vào Washington về các đảm bảo an ninh, bình luận viên Carrington Clarke từ ABC News đánh giá.

"Sau khi bị yêu cầu rời khỏi Nhà Trắng, Tổng thống Zelensky hiện chỉ còn có thể hy vọng sẽ được chào đón nồng nhiệt hơn ở châu Âu", Clarke viết. "Tương lai đất nước ông phụ thuộc vào điều đó".

Nhưng theo tiến sĩ Samuel Ramani từ Viện An ninh Quốc phòng Hoàng gia Anh (RUSI), khi hố sâu ngăn cách giữa Mỹ và châu Âu ngày càng nới rộng, tương lai của Ukraine đang trở nên ảm đạm hơn bao giờ hết.

 

 

BÀI TOÁN GỬI QUÂN SANG UKRAINE

Kế hoạch của châu Âu gửi quân sang Ukraine sẽ gặp rất nhiều thách thức, đặc biệt nếu không có sự tham gia của Mỹ.

Các nước châu Âu đang gấp rút tìm cách đưa ra các bảo đảm an ninh cho Ukraine trong bối cảnh Mỹ đe dọa cắt giảm hoặc chấm dứt viện trợ cho Kiev và cho rằng Kiev không nên gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Anh, một cường quốc quốc phòng ngoài Liên minh châu Âu (EU) nhưng thuộc NATO, tuyên bố sẵn sàng gửi quân tới Ukraine nhằm răn đe Nga trong dài hạn.

Thủ tướng Anh Keir Starmer viết trên tờ The Telegraph rằng Anh “sẵn sàng đóng vai trò dẫn dắt” trong việc bảo vệ an ninh của Ukraine. “Khi chiến tranh kết thúc, đó không thể chỉ là một quãng dừng tạm thời trước khi [Tổng thống Nga Vladimir] Putin tấn công lần nữa” - ông Starmer nhấn mạnh.

Ý tưởng triển khai binh sĩ châu Âu tới Ukraine lần đầu tiên được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề xuất vào năm ngoái. Giờ đây, các chuyên gia nhận định đề xuất này đang dần nhận được sự quan tâm, dù tính khả thi vẫn chưa rõ ràng.

Nước nào có thể gửi quân sang Ukraine?

Nhiều lãnh đạo châu Âu cho rằng sự hiện diện của binh sĩ châu Âu trên lãnh thổ Ukraine chỉ có thể xảy ra khi Nga và Ukraine đạt được một thỏa thuận hòa bình. Các chuyên gia cũng đồng tình với quan điểm này.

“Vẫn còn quá sớm. Không thể có lực lượng nào nếu chưa có một thỏa thuận bền vững. Và cũng không nên gọi đây là lực lượng gìn giữ hòa bình, vì thuật ngữ này hàm ý sự trung lập. Đây là lực lượng răn đe, lực lượng đảm bảo – được thiết lập để ngăn chặn bên nào vi phạm thỏa thuận” - GD Lawrence Freedman, một nhà sử học quân sự và chiến lược gia hàng đầu, chia sẻ với đài DW.

Pháp và Anh đã bày tỏ sự ủng hộ với ý tưởng gửi quân sang Ukraine, trong khi Thụy Điển cũng tuyên bố sẵn sàng triển khai quân khi hòa bình được thiết lập.

Các chuyên gia nhận định một liên minh gồm những quốc gia châu Âu có thể được thành lập để gửi quân tới Ukraine, nhưng nằm ngoài khuôn khổ NATO.

Tuy nhiên, một số quốc gia chủ chốt tại châu Âu vẫn tỏ ra dè dặt. Thủ tướng Đức Olaf Scholz chưa đưa ra cam kết trong khi lãnh đạo Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) - ông Friedrich Merz, người nhiều khả năng sẽ trở thành thủ tướng tiếp theo của Đức, bày tỏ sự cởi mở với ý tưởng gửi quân.

Ba Lan, dù là một trong những nước ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất, tuyên bố sẽ không triển khai binh sĩ Ba Lan trong bất kỳ thỏa thuận đa phương nào. “Chúng tôi không có kế hoạch gửi binh sĩ Ba Lan tới lãnh thổ Ukraine. Chúng tôi sẽ hỗ trợ hậu cần và chính trị cho các quốc gia có thể muốn đưa ra những bảo đảm như vậy trong tương lai” - Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk nói với các phóng viên.

Cần bao nhiêu binh sĩ?

Ngay cả khi có ý chí chính trị, một câu hỏi quan trọng đặt ra là liệu các đồng minh có đủ khả năng điều động binh sĩ để bảo vệ biên giới Ukraine hay không.

“Tình thế tiến thoái lưỡng nan mà châu Âu phải đối mặt là: Họ sẽ lấy quân từ đâu? Nếu rút quân từ biên giới với Nga, họ sẽ trở nên dễ tổn thương” - ông Rafael Loss, chuyên gia an ninh và là thành viên của Hội đồng Đối ngoại châu Âu (ECFR), nêu quan điểm.

Cựu Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen nói rằng châu Âu sẽ cần huy động từ 50.000 đến 100.000 quân. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có quốc gia nào trong số những nước bày tỏ sẵn sàng tham gia kế hoạch này đưa ra con số cụ thể về số lượng binh sĩ họ có thể điều động.

Theo GS Freedman, Anh có thể cung cấp tối đa 10.000 quân.

“Muốn duy trì quân số trên chiến trường, cứ mỗi binh sĩ được triển khai, cần có thêm hai người khác: một người đang được huấn luyện để sẵn sàng thay thế và một người đang trong giai đoạn phục hồi, vì vậy tôi ước tính sơ bộ là tổng cộng cần ít nhất 100.000 quân. Một lực lượng quá nhỏ có thể bị đánh bại nhanh chóng, và khi đó, khủng hoảng sẽ còn nghiêm trọng hơn” - vị chuyên gia nhận định.

Tuy nhiên, việc huy động hàng chục nghìn binh sĩ để triển khai tới một khu vực xung đột tiềm tàng là một nhiệm vụ chính trị đầy tranh cãi. “Lực lượng trên thực địa sẽ đối mặt với nguy hiểm. Các quốc gia triển khai binh sĩ cũng sẽ chịu rủi ro, đặc biệt là các mối đe dọa phi truyền thống hoặc thậm chí là ám sát” - theo ông Loss.

Ngoài ra, các quốc gia EU hiện không có đủ nhân lực để thực hiện các kế hoạch phòng thủ của chính NATO trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công.

Chẳng hạn, Đức đang cân nhắc việc tái áp dụng nghĩa vụ quân sự bắt buộc để tuyển thêm binh sĩ.

“Theo kế hoạch, đến mùa hè này, NATO sẽ thông báo các mục tiêu về năng lực quân sự tới từng chính phủ. Tạp chí Spiegel hồi tháng 6-2024 đưa tin rằng Đức có thể cần hơn 272.000 quân để thực hiện các kế hoạch này. Hiện tại, quân đội Đức có 181.000 binh sĩ, với mục tiêu trước năm 2022 là đạt 203.000 quân vào năm 2031” - ông Loss nói thêm.

Một nghiên cứu của Viện Các vấn đề Quốc tế và An ninh Đức (SWP) cũng chỉ ra rằng ngay cả khi các đồng minh NATO muốn cam kết điều quân tới Ukraine, họ sẽ gặp trở ngại lớn vì phần lớn lực lượng của các nước NATO đã bị ràng buộc vào các kế hoạch phòng thủ của khối.

Tầm quan trọng của lực lượng Mỹ trong kế hoạch

Về mặt kỹ thuật, theo các chuyên gia, châu Âu không cần sự chấp thuận của Liên Hợp Quốc (LHQ) để triển khai một lực lượng như vậy. Trên thực tế, nếu tìm kiếm sự đồng thuận từ Hội đồng Bảo an LHQ, tình hình có thể trở nên phức tạp hơn, vì bất kỳ nghị quyết nào cũng sẽ bị Nga phủ quyết ngay từ đầu.

Tuy nhiên, Mỹ dù không trực tiếp nhưng vẫn có thể đóng vai trò quan trọng để bảo đảm lực lượng răn đe này hoạt động hiệu quả và đủ sức đối phó với những rủi ro.

Trong chuyến thăm châu Âu đầu tháng 2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth khẳng định NATO sẽ không tham gia vào bất kỳ lực lượng răn đe nào, nhưng ông vẫn để ngỏ cơ hội cho các nước châu Âu hành động.

Cả GS Freedman và chuyên gia Loss đều cho rằng vẫn có khả năng Mỹ hỗ trợ gián tiếp, chẳng hạn cung cấp hậu cần và yểm trợ đường không.

Sự hỗ trợ của Mỹ là cần thiết để “đưa quân di chuyển qua lại và duy trì nguồn tiếp tế” - GS Freedman nhận định, đề cập khả năng sử dụng trực thăng vận tải hạng nặng.

Mỹ cũng có thể cung cấp thông tin tình báo quan trọng thông qua hệ thống trinh sát vệ tinh tiên tiến. “Châu Âu cần Mỹ hỗ trợ vì họ thiếu nhiều nguồn lực cần thiết” - theo vị chuyên gia.

Ông Keith Kellogg, đặc phái viên của ông Trump về Ukraine và Nga, đã yêu cầu các nước châu Âu đưa ra con số cụ thể về quân số và khí tài mà châu Âu sẽ triển khai cho một sứ mệnh gìn giữ hòa bình như vậy.

Đa số người dân châu Âu cũng coi sự tham gia của Mỹ là yếu tố quyết định.

“Một cuộc thăm dò gần đây tại Đức cho thấy 59% người dân được hỏi ủng hộ việc triển khai quân đội Đức, cùng với các lực lượng châu Âu khác, để duy trì thỏa thuận ngừng bắn giữa Ukraine và Nga” - theo Viện SWP (Đức). Tuy nhiên, phần lớn ý kiến ủng hộ đều đi kèm điều kiện phải có sự hậu thuẫn từ Mỹ.

“Hầu hết các quốc gia châu Âu đều bác bỏ ý tưởng thực hiện sứ mệnh này mà không có sự tham gia của Mỹ, vì rủi ro quá cao. Tuy nhiên, họ có thể cân nhắc tham gia nếu Mỹ cũng vào cuộc. Vai trò dẫn đầu của Anh và Pháp là chưa đủ để thuyết phục đa số châu Âu” - báo cáo kết luận.

 

 

THỦ TƯỚNG ANH KÊU GỌI ĐẢM BẢO HÒA BÌNH CHO UKRAINE

Tại một hội nghị thượng đỉnh được tổ chức nhằm thể hiện sự ủng hộ dành cho Tổng thống Volodymyr Zelenskyy, Thủ tướng Anh Keir Starmer hôm 2/3 đã kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Âu tăng cường các nỗ lực quốc phòng, không chỉ để giúp mang lại hòa bình ở Ukraine mà còn sự ổn định trên khắp lục địa.

Chỉ hai ngày sau khi ông Zelenskyy tranh cãi với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và cắt ngắn chuyến thăm Washington, nhà lãnh đạo Ukraine đã được chào đón ở London bởi các nhà lãnh đạo thế giới, những người đã ôm và bày tỏ cam kết ủng hộ ông.

Ông Starmer nói rằng châu Âu cần phải đối mặt với một thách thức chưa từng có trong một thế hệ.

"Đạt được kết quả tốt cho Ukraine không chỉ là vấn đề đúng hay sai, mà còn rất quan trọng đối với an ninh của mọi quốc gia ở đây và nhiều quốc gia khác nữa", ông Starmer phát biểu lúc bắt đầu cuộc họp, bên cạnh ông Zelenskyy và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

"Cuộc họp hôm nay nhằm đoàn kết để thảo luận về cách thức cùng nhau mang lại một nền hòa bình công bằng và lâu dài, đồng thời đảm bảo Ukraine có thể phòng thủ và tự vệ trước mọi cuộc tấn công trong tương lai của Nga".

Cố gắng khơi dậy hy vọng về hòa bình ở Ukraine, ông Starmer nói rằng các cuộc đàm phán khẩn cấp với ông Trump, ông Zelenskiy và ông Macron vào cuối tuần đã củng cố ý tưởng rằng một "liên minh thiện chí" ở châu Âu sẽ cần phải hành động nhanh chóng để có một kế hoạch hòa bình chuyển tới Hoa Kỳ.

Ông Starmer, người tiếp đón các nhà lãnh đạo phương Tây tại London trong nỗ lực khôi phục thỏa thuận hòa bình, cho biết rằng ông hy vọng một "liên minh thiện chí" của châu Âu sẽ cùng nhau ủng hộ Kyiv, nhưng bất kỳ lệnh ngừng bắn nào cũng phải được Hoa Kỳ hỗ trợ để ngăn Tổng thống Nga Vladimir Putin xâm lược Ukraine một lần nữa.

"Nói cách khác, chúng ta phải tìm ra những quốc gia ở châu Âu sẵn sàng có suy nghĩ tiến bộ hơn một chút", ông nói với đài truyền hình BBC.

"Anh và Pháp là những nước cấp tiến nhất trong việc suy nghĩ về vấn đề này và đó là lý do tại sao Tổng thống Macron và tôi đang làm việc về kế hoạch này, sau đó chúng tôi sẽ thảo luận với Hoa Kỳ".

Ông Starmer đã trao đổi với ông Macron và ông Trump hôm 1/3 sau khi ông tiếp đón Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy tại Downing Street, một ngày sau khi ông Trump và ông Zelenskyy tranh cãi tại Nhà Trắng.

Ông Starmer lặp lại lời khẳng định của mình rằng một thỏa thuận hòa bình sẽ chỉ có hiệu quả ở Ukraine nếu một lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu có thể có được sự bảo đảm an ninh từ Hoa Kỳ.

"Tôi luôn nói rõ rằng điều đó sẽ cần sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, bởi vì tôi không nghĩ rằng nó sẽ là một sự bảo đảm nếu không có điều đó", ông nói.

 

 

PHÁP KÊU GỌI CHÂU ÂU TỰ CHỦ QUỐC PHÒNG

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 01/03/2025 hy vọng các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu sẽ đạt bước tiến nhanh chóng để cùng nhau huy động ồ ạt nguồn tài chính, lên đến « nhiều trăm tỉ euro » để xây dựng hệ thống phòng thủ chung.

Trong bối cảnh địa chính trị phức tạp, tổng thống Mỹ Donald Trump tỏ ra thờ ơ với an ninh của đồng minh châu Âu, và để đề phòng kịch bản xấu nhất là Mỹ cắt đứt quan hệ đồng minh với khu vực, các nước châu Âu trong khối NATO không còn được Mỹ bảo đảm an ninh, theo AFP, tổng thống Pháp Macron hôm qua khẳng định sẵn sàng « mở đối thoại về khả năng răn đe hạt nhân của châu Âu ». Sau khi Anh ra khỏi Liên Âu, Pháp là thành viên Liên Âu duy nhất sở hữu vũ khí nguyên tử.

Cũng vào hôm qua, trong bài trả lời phỏng vấn đăng trên trang mạng báo Le Parisien « Người Paris », bộ trưởng Kinh Tế Pháp, Eric Lombard, khẳng định : « Mục tiêu cần đạt được là một sự tự chủ chiến lược của Liên Hiệp Châu Âu trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương » và để đạt mục tiêu, « Liên Âu cần phải đầu tư thêm vào quốc phòng. Hiện nay, Mỹ vẫn giữ nắm quyền kiểm soát vũ khí, do đó Châu Âu cần phải tìm lại quyền tự chủ hoàn toàn ».

Bộ trưởng Kinh Tế Pháp cho biết thêm vào ngày 20/03, ông cùng với bộ trưởng Quân Lực Pháp Sébastien Lecornu sẽ công bố một chương trình hành động nhằm « huy động các ngân hàng, các nhà đầu tư Pháp để phát triển một cơ sở công nghiệp và công nghệ quốc phòng ». Đây là cách Paris phản ứng trước các mối lo ngại, nhằm tự bảo vệ đất nước.

Trong một cuộc trao đổi trực tuyến với cư dân mạng, tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong tháng Hai vừa qua không loại trừ khả năng phát hành các sản phẩm tiết kiệm mới để hỗ trợ tài chính cho các chương trình về quốc phòng. Về phía thủ tướng Pháp, hôm 27/02 ông François Bayrou nói rằng, muốn khoản chi tiêu quốc phòng phải được đặt ra ngoài các quy định của châu Âu giới hạn thâm hụt ngân sách tối đa 3% PIB.

 

Nguồn: Tuổi Trẻ; Soha; Pháp Luật; VOA; RFI

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Hội Phụ nữ Việt Nam Leipzig tổ chức Lễ hội ngày Quốc tế phụ nữ 08.03.2025

Hội phụ nữ Việt Nam tại thành phố Leipzig CHLB Đức đã tưng bừng tổ chức kỉ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 08.03.2025 vào ngày 09.03.2025. Lễ hội đã thu hút đông đảo chị em và khách mời với một chương trình văn nghệ cộng đồng sôi động.

Bài Tập Ép Bụng làm Mạnh Tỳ Vị Gan Khoẻ hạ Chỉ Số Đường Chữa Khỏi Tiểu Đường

Sau khi ăn cơm xong, hoặc đợi 1 tiếng, rồi uống 2-3 thìa cà phê đường cát vàng. Xong tập bài thể dục ép bụng sẽ hiệu quả. Mỗi ngày ăn 3 bữa chính thì thực hiện cả 3 lần.

Nguồn: Tadoco - Thuốc thảo dược

Hội Người Việt Nam Leipzig e.V. tổ chức TẾT ẤT TỴ 2025

Tết Ất Tỵ của cộng đồng người Việt Leizig & Vùng Phụ cận đã được Hội Người Việt Nam Leipzig tổ chức tưng bừng, hân hoan, náo nhiệt vào Chủ Nhật, ngày 26.01.2025 tại Hội trường, Trường Đại học Uni, Thành phố Leipzig, được coi là một sự kiện trọng đại mở đầu cho một năm mới 2025, năm đánh dấu cột mốc tròn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức.

https://www.youtube.com/watch?v=z3eDznU75b8

Đức Việt Online

Lên đầu trang