EU: Phòng thủ không gian; Cuộc chiến năng lượng; Cơ hội 'thoát Nga'; Đức gửi xe tăng tới Ukraine; Tranh cãi cung cấp Leopard 2

BỐN TRỤ CỘT TRONG CHIẾN LƯỢC PHÒNG THỦ KHÔNG GIAN CỦA CHÂU ÂU

(Ảnh minh hoạ).

Tháng 3 tới, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ công bố một chiến lược nhằm tăng cường các nỗ lực an ninh và phòng thủ không gian trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine đang làm gia tăng căng thẳng trong không gian.

Ngày 24/1, Ủy viên phụ trách thị trường nội khối của Liên minh châu Âu (EU), ông Thierry Breton đã đưa ra tuyên bố trên tại Hội nghị Không gian châu Âu diễn ra ở Brussels (Bỉ).

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Breton nêu rõ: "Trong bối cảnh địa chính trị hiện nay, chúng ta cần nâng cao vị thế chiến lược của EU để có thể bảo vệ lợi ích, bảo vệ các hệ thống và dịch vụ không gian của chúng ta và trở thành một cường quốc không gian quyết đoán hơn".

Theo ông Breton, chiến lược không gian của châu Âu sẽ dựa trên 4 trụ cột, bao gồm tăng cường khuôn khổ an ninh và khả năng phục hồi cho các hệ thống không gian thương mại và quốc gia của EU; củng cố khả năng của liên minh để đối phó với các mối đe dọa; tăng cường sử dụng không gian vũ trụ cho các hoạt động an ninh và quốc phòng thông qua các chương trình quan sát Trái Đất và giám sát giao thông không gian, cũng như tăng cường hợp tác với các đối tác như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO); thực thi "luật không gian EU" để thiết lập các quy tắc chung về an toàn, bảo mật và tính bền vững của các hệ thống của EU.

Ủy viên châu Âu Breton cho biết 10 trong số 27 quốc gia thành viên của EU đã bắt đầu điều chỉnh các hoạt động không gian vũ trụ của mình. Ông cũng cảnh báo rằng EU đứng trước nguy cơ đối mặt với "các quy tắc quốc gia khác nhau" có thể ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh, công nghiệp và an ninh của liên minh.

Hội nghị Không gian châu Âu diễn ra trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine bùng phát hồi tháng 2/2022 đã khiến EU và Nga ngừng hợp tác chặt chẽ trước đây trong lĩnh vực không gian, làm trì hoãn một loạt sứ mệnh và ảnh hưởng đến nỗ lực phóng vệ tinh của châu Âu.

(Nguồn: CafeF)

MỘT NĂM EU LOAY HOAY TRONG CUỘC CHIẾN NĂNG LƯỢNG VỚI NGA

Năm qua, EU chi đậm để mua nguồn cung khác khi phải đối đầu năng lượng với Nga nhưng chưa rõ khả năng có thể đoạn tuyệt trong tương lai.

Nếu Điện Kremlin có ý định làm tê liệt hệ thống năng lượng của châu Âu bằng cách cắt giảm xuất khẩu khí đốt của Nga sang lục địa này thì đến nay đã không thành công. Nhờ mùa đông ôn hòa bất thường, năng lực phân phối điện và chuyển sang các nguồn năng lượng khác, châu Âu tránh được kịch bản cắt điện luân phiên.

Tuy nhiên, các nền kinh tế của châu Âu vẫn chưa thoát khỏi khó khăn. Cuộc khủng hoảng năng lượng khiến các hộ gia đình và doanh nghiệp phải vật lộn với giá điện cao kỷ lục, gây ra lạm phát phi mã và lãi suất cao hơn.

Từ khi xung đột nổ ra ở Ukraine và nguồn cung cấp khí đốt của Nga giảm dần, an ninh năng lượng của châu Âu dường như dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết trước các sự kiện toàn cầu không thể đoán trước.

Ngay cả trước khi Nga tiến quân vào Ukraine vào tháng 2/2022, hệ thống năng lượng của châu Âu đã căng thẳng. Nhu cầu về điện tăng vọt khi các nền kinh tế phục hồi sau các đợt đóng cửa do đại dịch và một mùa đông dài. Các nhà sản xuất điện phải vật lộn để cung cấp khi khí đốt bị thiếu hụt và tốc độ gió thấp bất thường làm giảm sản lượng điện gió.

Kết quả, giá điện tăng hơn gấp ba lần vào nửa cuối năm 2021. Sau đó, chiến dịch quân sự của Nga đã kích hoạt các lệnh trừng phạt chống lại Moskva của EU. Đáp lại, Nga đã ngừng tất cả các nguồn cung cấp thông qua một đường ống chính đến Đức vào tháng 9/2022. Đồng euro sụt giảm khi các nhà đầu tư định giá tác động với nền kinh tế châu Âu.

Trước tình huống này, châu Âu đã phải đối phó thế nào? Đầu tiên là tiêu thụ ít hơn. Khi giá điện và khí đốt tăng lên ít nhất 4 lần, các gia đình và doanh nghiệp cắt giảm sử dụng năng lượng để đảm bảo khả năng chi trả. Các chính phủ ra lệnh giảm hệ thống sưởi và chiếu sáng tại các cơ quan nhà nước, từ bể bơi thành phố, phòng tập thể dục đến dinh tổng thống.

Mọi người tắm nhanh hơn, hạ thấp máy điều hòa và cách nhiệt tốt hơn cho ngôi nhà của họ. Morgan Stanley dự báo mức sử dụng khí đốt của châu Âu thấp hơn khoảng 16% so với mức trung bình 5 năm trong suốt năm 2023. Các nhà máy ở Tây Âu đang sử dụng khí đốt ít hơn khoảng một phần tư so với bình thường từ tháng 8 đến cuối năm 2022, theo BloombergNEF. Mặc dù vậy, sản xuất tiếp tục mở rộng. Vào tháng 11/2022, sản lượng sản xuất ở khu vực đồng euro cao hơn 3% so với mức trung bình năm 2021.

Cùng với tiết kiệm, châu Âu dần tìm cách thay thế nguồn cung khác. Na Uy trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn nhất khu vực, với xuất khẩu tăng 8% vào năm 2022. Đức và Hà Lan đã lắp đặt các cơ sở mới để tiếp nhận khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhập từ Qatar, Mỹ và Australia.

Theo Morgan Stanley, nhập khẩu LNG vào các thị trường chính của châu Âu đã tăng gần gấp đôi vào năm 2022. Đức cũng kéo dài tuổi thọ của các lò phản ứng hạt nhân còn lại và hồi sinh một số nhà máy nhiệt điện than. Việc sử dụng than cứng và than non để phát điện ở EU đã tăng 6% vào năm 2022 so với 2021.

Kết quả, đèn vẫn sáng và hầu hết nhà máy tiếp tục hoạt động. Châu Âu chưa bao giờ gần cạn kiệt khí đốt, một phần nhờ vào mùa đông ôn hòa hơn. Các thành phố từ Berlin đến Warsaw ghi nhận thời tiết bắt đầu năm mới 2023 ấm nhất từ trước đến nay. Giá khí đốt tháng 1 thấp hơn mức khi xung đột Ukraine bắt đầu và giảm 80% so với mức cao nhất trong tháng 8/2022. Giá điện cũng giảm tương tự.

Tuy nhiên, nỗi lo năng lượng của châu Âu chưa kết thúc. Các chính phủ đã chi hơn 700 tỷ USD để bảo vệ các hộ gia đình và doanh nghiệp khỏi giá năng lượng tăng cao. Và điều đó sẽ không ngăn được khả năng một cuộc suy thoái kéo dài và mức sống giảm mạnh trong toàn khu vực. Việc loại bỏ phần lớn khí đốt và dầu của Nga khỏi nguồn cung năng lượng đã khiến giá cả trở thành con tin cho những biến động giá lớn hơn. Kết quả là phần bù rủi ro có thể khiến người tiêu dùng phải trả nhiều tiền hơn trong những năm tới.

Vậy tương lai của cuộc chiến năng lượng sẽ về đâu? Nga là một trong những nhà xuất khẩu khí đốt lớn nhất thế giới và châu Âu là khách hàng hàng đầu của họ. Khi các nhà máy điện than và hạt nhân trên toàn khối bị đóng cửa trong những năm gần đây, Đức và một số quốc gia khác càng trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào các đường ống dẫn khí đốt khổng lồ từ Siberia.

Các quan chức châu Âu đã nói về sự cần thiết phải giảm sự phụ thuộc này. Nhưng vì cả hai bên đều có lợi và khí đốt được vận chuyển bằng đường ống thường rẻ hơn (và sạch hơn) so với các nguồn năng lượng khác, nên rất ít hành động được thực hiện. Khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra, châu Âu đột nhiên không thể hài lòng khi phải chi tới một tỷ USD mỗi ngày cho khí đốt, dầu và than nhập từ Nga.

Đến nay, không hẳn để cho rằng châu Âu sẽ dừng mua khí đốt của Nga mãi mãi. Theo Morgan Stanley, dù vận chuyển đường ống qua Ukraine đã giảm xuống chỉ còn 3% nhu cầu ở Tây và Trung Âu trong quý IV, Nga vẫn là nhà cung cấp LNG lớn thứ ba của châu Âu vào năm 2022.

Khó có thể nói liệu dòng chảy có giảm xuống 0 hay không và nếu có thì khi nào. Cả Nga và EU đều không cho rằng sẽ sớm dừng hoàn toàn. Các biện pháp trừng phạt của EU đối với Moskva nhằm mục đích loại bỏ dần việc nhập khẩu năng lượng của Nga, nhưng khí đốt vẫn đang chảy qua Ukraine và một đường ống dẫn qua Thổ Nhĩ Kỳ vào Balkan cũng đang hoạt động.

Với các nguồn năng lượng thay thế bền vững, đó sẽ là câu chuyện mang tính dài hạn. Cuộc khủng hoảng đã khiến các chính phủ châu Âu quyết tâm hơn trong việc loại bỏ năng lượng của Nga - cũng như nhiên liệu hóa thạch nói chung - và đẩy nhanh việc áp dụng các công nghệ sạch hơn.

Sản lượng điện mặt trời và điện gió của EU đã tăng 12% vào năm 2022. Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết việc triển khai điện gió và mặt trời sẽ tăng gần gấp đôi trong 5 năm tới trên toàn cầu. Hiện tại, các nhà hoạch định chính sách EU vẫn kiên định với chính sách khí hậu "Thỏa thuận Xanh" (Green Deal).

Nó gồm một gói luật nhằm loại bỏ khí thải nhà kính vào giữa thế kỷ. Năng lượng tái tạo chiếm một phần năm tổng cung năng lượng 27 nước EU vào 2020. Họ có kế hoạch tăng tỷ lệ đó lên 40% vào năm 2030. Nhưng sau xung đột Ukraine, họ nâng mục tiêu lên 45%.

(Nguồn: Vnexpress)

CHÂU ÂU TRƯỚC CƠ HỘI NGÀN VÀNG "THOÁT NGA"

(Ảnh minh hoạ).

Châu Âu đã mở ra một năm 2023 đầy hứa hẹn về việc đảm bảo an ninh năng lượng từ các cam kết lâu dài với nhiều đối tác thuộc OPEC.

Năm 2023 vừa mới bắt đầu nhưng thị trường dầu mỏ nói riêng và năng lượng nói chung lại chứng kiến những diễn biến chưa từng có. Một cuộc dịch chuyển xé lẻ quyền lực của các quốc gia và tổ chức nắm giữ nguồn tài nguyên tối quan trọng này.

Kuwait, thành viên đáng kể của Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ ( OPEC ) sẽ cung cấp cho châu Âu lượng dầu diesel gấp 5 lần kể từ khi Nga bắt đầu bị cấm vận, tương đương 50.000 thùng mỗi ngày và đặt mục tiêu sẽ trở thành nguồn cung chính cho châu Âu thay thế Nga.

Qatar cũng đã ký thỏa thuận buôn bán khí đốt với Đức thời hạn 15 năm, bắt đầu hiệu lực từ 2026. Đáng chú ý, Bộ trưởng năng lượng Qatar nói rằng: “Đức đại diện cho thị trường khí đốt lớn nhất ở châu Âu và chúng tôi cam kết hỗ trợ an ninh năng lượng của nước này”.

Các nhà sản xuất dầu khác ở Trung Đông thuộc OPEC như Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cũng dự kiến sẽ đẩy mạnh xuất khẩu nhiên liệu sang châu Âu trong năm nay.

Các nước châu Phi rục rịch tham gia cuộc chơi năng lượng toàn cầu khi những nền kinh tế châu Âu ngỏ ý hợp tác liên doanh khai thác ở Nam Phi, Tanzania, Senegal, Nigeria, Ai Cập, Algeria hay Mozambique,…

Như vậy, OPEC thực sự đã làm giảm tính hệ trọng của quyết định cắt giảm 2,5 triệu thùng dầu/ngày hồi tháng 11 năm ngoái khi những thành viên quan trọng nhất của tổ chức này chớp thời cơ giành lấy khách hàng tiềm năng - châu Âu.

Các diễn biến được coi là bất thường này chắc chắn tạo ra làn sóng bất hòa trong OPEC+, nơi mà Nga có vai trò rất lớn. Bởi nó trực tiếp làm suy giảm đòn đáp trả bằng năng lượng của Moscow với châu Âu.

Lần này, cuộc cạnh tranh trên thị trường dầu mỏ và khí đốt gắn chặt với chiến sự Nga - Ukraine . Bằng mọi cách, Moscow phải bảo vệ ngành công nghiệp năng lượng của mình - một dòng chảy kinh tế đi kèm với sức mạnh chính trị, ngoại giao, dường như đã được “vũ khí hóa”.

Cục diện đảo chiều mau lẹ, mùa đông châu Âu năm nay không lạnh như thường lệ, do vậy áp lực sưởi ấm ở Châu Âu không quá nặng nề như các dự báo. Đồng thời, châu Âu được tiếp thêm động lực từ các đối tác Trung Đông, giúp lục địa này hiện thực hóa quyết tâm “thoát Nga”.

Khi nguồn cung được đa dạng hóa ắt dẫn đến cuộc chạy đua về giá cả. Tất nhiên với những cam kết trong bối cảnh cấp bách như hiện nay, châu Âu khó có thể mua năng lượng từ Trung Đông với "giá hời" như Nga. Song, điều đó bắt đầu gây áp lực cho Điện Kremlin.

Về lý thuyết, châu Âu đang tồn tại chỉ với 10% dầu mỏ Nga, còn sót lại từ các chuyến hàng giao chậm, và sẽ hoàn toàn sạch bóng năng lượng Nga kể từ tháng 2/2023.

Nhưng trong thực tế, dầu mỏ và khí đốt Nga đi vòng vèo trước khi vào châu Âu thông qua “thị trường xám”, đặc biệt từ Trung Quốc, Iran và những đối tác “không rõ ràng”.

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng vừa đạt được thống nhất xây dựng trung tâm khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ. Theo đó, khách hàng có thể mua khí đốt Nga từ Thổ Nhĩ Kỳ mà không bị vướng lệnh cấm vận của Mỹ và EU.

Theo dự báo của OPEC, năm 2023, nhu cầu dầu mỏ trên thế giới tiếp tục duy trì ở mức bình quân 101,82 triệu thùng/ngày. Trong đó, ước tổng sản lượng sản xuất của các quốc gia không thuộc khối OPEC và thuộc khối OPEC sản xuất dầu không thường xuyên là 72,55 triệu thùng/ngày.

Khoảng 1 thập kỷ trước, Nga từng kiểm soát tới 70% nguồn cung ứng dầu mỏ toàn cầu thì nay thị phần bị xé lẻ. Vai trò của Mỹ đang bị đặt dấu hỏi. Trong khi một số quốc gia riêng lẻ có trữ lượng lớn trở nên quan trọng.

(Nguồn: Soha)

ĐỨC SẮP ĐỒNG Ý GỬI XE TĂNG CHIẾN ĐẤU HẠNG NẶNG TỚI UKRAINE

Đức sẽ gửi các xe tăng Leopard 2 tới Ukraine để giúp chống Nga xâm lược và cho phép các nước khác như Ba Lan làm tương tự, trong khi Hoa Kỳ có thể cung cấp xe tăng Abrams cho Ukraine, hai nguồn thạo tin nói với Reuters hôm 24/1.

Mặc dù chưa có xác nhận chính thức từ Berlin hoặc Washington, nhưng các quan chức ở Kyiv đã nhanh chóng ca ngợi những gì họ nói là một nhân tố khả dĩ thay đổi cục diện trên chiến trường trong cuộc chiến tranh đã kéo dài 11 tháng.

“Vài trăm xe tăng cho các đội xe tăng của chúng tôi - những đội xe tăng giỏi nhất thế giới. Đây là thứ sẽ trở thành một cú đấm thực sự của nền dân chủ chống lại chế độ chuyên chế từ vũng lầy”, ông Andriy Yermak, Chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, viết trên Telegram.

Kyiv trong nhiều tháng qua xin xe tăng phương Tây vì họ nói rằng họ rất cần cung cấp cho lực lượng của mình hỏa lực và khả năng cơ động để chọc thủng các tuyến phòng thủ của Nga và chiếm lại lãnh thổ bị chiếm ở phía đông và phía nam.

Phát ngôn viên của chính phủ Đức, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng ở Berlin từ chối bình luận.

Tiền tuyến trong cuộc chiến, trải dài hơn 1.000 km qua miền đông và miền nam Ukraine, phần lớn dậm chân tại chỗ trong hai tháng bất chấp tổn thất nặng nề của cả hai bên. Nga và Ukraine đều được cho là đang lên kế hoạch cho các cuộc tấn công mới.

Liệu có nên cung cấp cho Ukraine số lượng đáng kể xe tăng chiến đấu hạng nặng hiện đại hay không đã chi phối các cuộc thảo luận giữa các đồng minh phương Tây của Kyiv trong những ngày gần đây.

Berlin đóng vai trò then chốt, bởi vì xe Leopard do Đức sản xuất mà các quân đội trên khắp châu Âu được trang bị, được nhiều người coi là lựa chọn tốt nhất - sẵn có với số lượng lớn, dễ triển khai và dễ bảo trì.

Đảng Dân chủ Xã hội của Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã cảnh giác với các động thái có thể thúc đẩy Nga leo thang chiến tranh và những gì họ coi là nguy cơ liên minh NATO bị lôi kéo vào cuộc xung đột.

Tổng thống Nga Vladimir Putin coi “chiến dịch quân sự đặc biệt” bắt đầu khi quân đội của ông xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm ngoái như một trận chiến phòng thủ và sinh tồn chống lại một phương Tây hiếu chiến và kiêu ngạo.

Ukraine và phương Tây gọi hành động của Nga là chiếm đất vô cớ để khuất phục một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ mà Moscow coi là một nhà nước nhân tạo.

Trước đó cùng ngày 24/1, Ba Lan đã tăng áp lực buộc ông Scholz phải đưa ra quyết định, nói rằng họ đã chính thức gửi yêu cầu tới chính phủ Đức đề nghị cho phép họ gửi một số xe Leopard sang Ukraine. Theo quy định về mua sắm quốc phòng, Đức phải chấp thuận cho các đồng minh tái xuất xe tăng chuyên dụng của NATO.

Và hai quan chức Hoa Kỳ nói với Reuters rằng Washington có thể ngừng phản đối việc gửi một số xe tăng M1 Abrams của mình sang Ukraine.

Mặc dù xe tăng Abrams được coi là kém phù hợp hơn với Ukraine so với Leopard do mức tiêu thụ nhiên liệu lớn và khó bảo trì, nhưng một động thái như vậy dường như được thiết kế để giúp Đức - quốc gia đã kêu gọi một mặt trận thống nhất giữa các đồng minh của Ukraine - cho phép cung cấp chiếc Leopard dễ dàng hơn.

Ngũ Giác Đài từ chối bình luận về bất kỳ thông báo sắp tới nào về xe Abrams. Ngũ Giác Đài cũng từ chối bình luận về việc liệu Đức có bật đèn xanh cho việc giao xe tăng Leopard hay không.

Trong một diễn biến khác, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết tại Nga đang thiếu một số loại thuốc và giá đã bị đội lên.

Điện Kremlin nói họ muốn những người lao động lành nghề hiện đang làm việc ở nước ngoài quay trở lại Nga và làm việc để mang lại lợi ích cho đất nước, sau khi hàng trăm nghìn người đã trốn sang các nước khác trong năm qua.

Thủ tướng Ukraine cho biết nước ông có đủ trữ lượng than và khí đốt cho những tháng còn lại của mùa đông bất chấp các cuộc tấn công của Nga nhắm vào hệ thống năng lượng của Ukraine.

(Nguồn: VOA)

ĐẰNG SAU CUỘC TRANH CÃI VỀ VIỆC CUNG CẤP LEOPARD 2 CHO UKRAINE LÀ GÌ?

(Ảnh minh hoạ).

Câu hỏi liệu và khi nào Đức sẽ đồng ý cho giao Ukraine “Leopard 2” hiện là một thử thách căng thẳng cho chính phủ Đức. Các chính trị gia trong và ngoài nước yêu cầu một quyết định nhanh chóng từ Thủ tướng Scholz. Nhưng những lý do đưa tới sự do dự của chính phủ Đức là gì? Khi nào quyết định có thể được đưa ra? NTV.DE trả lời các câu hỏi cấp bách nhất.

Tình trạng hiện tại của việc quyết định giao xe tăng “Leopard 2” cho Ukraine là gì?

Chính phủ Đức vẫn chưa chính thức công bố, liệu Đức sẽ giao xe tăng chiến đấu “Leopard 2” cho Ukraine hay không. Không có quyết định tại cuộc họp của các đối tác của EU và NATO ở Ramstein vào thứ Sáu vừa rồi. Bộ trưởng Quốc phòng mới, ông Boris Pistorius sau đó đã nói trong một tuyên bố rằng, trước hết phải đếm số lượng các loại xe tăng chiến đấu này. Điều này làm cho ông ta và Thủ tướng Olaf Scholz bị rất nhiều người chỉ trích. Cả các chính trị gia từ Ukraine cũng như Liên minh Đèn Giao thông (các đảng Đỏ, Xanh và Vàng) và các chính trị gia đối lập đều tức giận và thất vọng với quyết định chưa được đưa ra.

Bộ Quốc phòng không biết số lượng của xe tăng “Leopard 2” hay sao?

Tình trạng có bao nhiêu xe tăng “Leopard 2” có thể hoạt động được mà Bundeswehr (Quân đội Đức) có là từ tháng 5 năm ngoái, Pistorius cho biết sau đó. Theo một danh sách có sẵn mà báo “Spiegel” có, Bundeswehr có tổng cộng 312 xe tăng “Leopard 2” từ các loạt khác nhau. Vào tháng 5 năm ngoái, 99 được giao cho các hãng công nghiệp vũ khí sửa chữa và tu bổ, một cái bị vứt bỏ. Như vậy, còn lại 212 “Leopard 2”. Trong số này có các kiểu khác nhau, 2A5, 2A6, 2A7 và 2A7V được liệt kê – 2A7V là phiên bản hiện đại nhất. Tính đến ngày 22 tháng 5, quân đội có 53 phiên bản “Leopard” này.

Danh sách này cũng cho thấy, những kiểu nào sẽ phù hợp để giao cho Ukraine, “Spiegel” tiếp tục, trích dẫn người trong cuộc ở Bundeswehr. Theo đó, có thể hình dung rằng Bundeswehr có thể trao 19 phiên bản “Leopard” 2A5 vì chúng chỉ được sử dụng để tập luyện.

Pistorius bây giờ rõ ràng muốn truy vấn tình trạng hiện tại, mà một số người cũng diễn giải như là một lời chỉ trích về người tiền nhiệm Christine Lambrecht. Cựu bộ trưởng quốc phòng được cho là đã ngăn chặn việc kiểm kê số lượng ngay trước khi bà từ chức. Điều này được báo “Business Insider” tường thuật, trích dẫn một số nguồn tin trong Bộ Quốc phòng. Lý do được cho là, Lambrecht muốn tránh cho Thủ tướng Scholz phải chịu thêm áp lực trong cuộc thảo luận. Ngoài ra cũng không có ủy nhiệm kiểm kê trước đây từ văn phòng thủ tướng.

Tại sao cho tới giờ Đức chưa đồng ý giao xe tăng?

Trong cuộc tranh luận về xe tăng, chính phủ Đức đã chính thức theo đuổi ba nguyên tắc, đó là việc hỗ trợ Ukraine càng nhiều càng tốt, nhưng ngăn chặn xung đột trực tiếp giữa NATO và Nga, và tránh các giải pháp quốc gia một cách đơn độc. Điều này có nghĩa là một quyết định chỉ được đưa ra phối hợp với các đối tác NATO. Câu hỏi là, các nguyên tắc này ngăn chặn việc giao xe tăng đến mức độ nào.

Đức có thể từ bỏ những chiếc xe tăng đang có?

Vâng, ít nhất là một vài chiếc. Ví dụ, 19 chiếc kiểu “Leopard” 2A5 mà Bundeswehr chỉ sử dụng để tập luyện.

Đức do đó sẽ trở thành một phe tham dự vào cuộc chiến?

Không, vì vũ khí hạng nặng từ lâu đã được chuyển đến Ukraine, chẳng hạn như các khẩu pháo. Ngoài ra, luật pháp quốc tế đứng về phía Đức, trong đó nói việc giao vũ khí lẫn việc huấn luyện binh lính không làm cho một quốc gia trở thành một phe tham dự chiến tranh.

Mặt khác, Nga có thể sẽ nói giống hệt như đã diễn ra trong nhiều tháng: Moscow lặp đi lặp lại rằng, NATO từ lâu đã là một phe tham chiến vì không chỉ cung cấp vũ khí, mà còn cả dữ liệu trinh thám và vệ tinh ở Ukraine, và binh lính Ukraine được đào tạo ở phương Tây.

Đó có phải là một quyết định đơn độc?

Không, bởi vì một số quốc gia thậm chí còn kêu gọi giao “Leopard 2”, gồm Vương quốc Anh và Ba Lan, cũng như các quốc gia Baltic Latvia, Estonia và Litva. Ngoài ra, Phần Lan và Ba Lan muốn cung cấp xe tăng “Leopard 2” từ số xe của chính họ, nếu cần ngay cả khi không có sự chấp thuận của Đức. Pistorius tuy nhiên cũng nói tại chương trình thảo luận “Anne Will” rằng, tại cuộc họp của nhóm liên lạc Ukraine tại căn cứ Ramstein của Hoa Kỳ, rõ ràng là không phải tất cả các quốc gia đều sẵn sàng đưa các xe tăng chiến đấu vào khu vực chiến tranh.

Ngoài ra, Scholz được cho là đã đưa ra điều kiện, Hoa Kỳ cũng sẽ phải cung cấp xe tăng “Abrams” nếu Đức cung cấp “Leopard 2”. Hoa Kỳ bác bỏ điều này với lý do việc giao xe sẽ mang lại những khó khăn về hậu cần đáng kể. “Abrams” cực kỳ nặng và trước tiên sẽ phải được đưa qua Đại Tây Dương.

Đức sẽ ngăn chặn các nước thứ ba giao “Leopard” của họ cho Ukraine?

Theo Bộ trưởng Ngoại giao Annalena Baerbock thì không. Mặt khác, Thủ tướng Scholz vẫn chưa phản ứng gì về lời tuyên bố này. Khi được hỏi liệu Baerbock có đại diện cho vị trí của toàn bộ chính phủ Đức với tuyên bố của mình hay không, phát ngôn viên chính phủ Steffen Hebestreit vẫn trả lời mơ hồ: “Tôi muốn nói như vầy: nếu một đơn được đệ lên chính phủ Đức, điều này chưa xảy ra vào thời điểm này, thì có những thủ tục quen thuộc, trong đó yêu cầu như vậy sẽ được trả lời. Và tất cả chúng tôi đều tuân theo các thủ tục này”.

Tại sao Đức lại tiếp tục trì hoãn đưa ra quyết định cho việc giao “Leopard”?

Cho đến nay điều này chỉ có thể được suy đoán. Ngay cả các chuyên gia an ninh và chính trị gia liên tục thảo luận về những lý do có thể đưa đến thái độ do dự của Thủ tướng Đức. Theo đó, có nhiều điểm khác nhau có thể đưa ra lý do cho sự kiềm chế:

1.- Như chính phủ thường đề cập trong quá khứ, Scholz muốn giúp Ukraine với vũ khí cần thiết để tự bảo vệ mình, nhưng tránh bằng mọi giá không để Đức trở thành một phe tham chiến. Có thể họ lo sợ, việc giao xe tăng chiến đấu sẽ khiêu khích Nga.

2.Vì lý do này, Scholz rõ ràng muốn bảo vệ nước mình bằng cách đặt điều kiện với Hoa Kỳ. Khi Hoa Kỳ giao xe tăng “Abrams”, các nước EU không phải là những nước duy nhất chọc giận Putin. Đức cũng sẽ có sự hỗ trợ của “Big Brother” và sức mạnh hạt nhân ở phương Tây trong một cuộc tấn công tiềm năng của Nga.

3.Trong khi các chính trị gia và chuyên gia kịch liệt yêu cầu giao “Leopards” , chỉ có khoảng 50% cử tri SPD ủng hộ điều này.

4.Đức có lý do lịch sử cho sự dè dặt này. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, không ai muốn thấy xe tăng được chế tạo ở Đức lăn trên đường phố châu Âu nữa. Trong một lá thư gửi Pistorius, hàng chục nghị sĩ người Anh viết rằng, họ hiểu lịch sử và sự kiềm chế liên quan, nhưng yêu cầu Pistorius suy nghĩ lại về thái độ này. Về vấn đề này, xe tăng của Đức cũng có thể đặc biệt khiêu khích Nga.

Khi nào một quyết định có thể được đưa ra trong cuộc tranh luận này?

Pistorius và Scholz cho đến nay chỉ đưa ra những tuyên bố mơ hồ. Một quyết định sẽ “được đưa ra sớm”, ông Bộ trưởng Quốc phòng nói. Nhà nghiên cứu xung đột Nicole Deitelhoff tin rằng, trễ lắm tại cuộc họp ở Hội nghị An ninh München vào ngày 17 tháng 2, nó sẽ xảy ra. Tuy nhiên, liệu chính phủ liên bang có thể để mất quá nhiều thời gian như vậy hay không. Từ các đảng trong Liên minh đèn giao thông, FDP đặc biệt chỉ trích cách tiếp cận của ông Thủ tướng. CDU thậm chí còn kêu gọi Đảng Xanh và FDP từ bỏ Liên minh. Ngoài ra, người ta càng ngày càng lo sợ rằng, Đức có thể đánh mất sự tin tưởng nhiều hơn của các đối tác NATO nếu tiếp tục trì hoãn lâu hơn. Đòi hỏi về việc cung cấp xe tăng chiến đấu của các nước khác, cũng như nguy cơ Nga sẽ tấn công vào mùa xuân, gây áp lực lên chính phủ Đức.

Có dấu hiệu nào cho thấy Đức sẽ hứa giao “Leopard 2” không?

Chính thức không có dấu hiệu nào về một lời hứa cụ thể cho Ukraine, nhưng một số chính trị gia lạc quan. Chính trị gia Đảng Xanh Jürgen Trittin nói trong chương trình buổi sáng của NTV rằng, ông tin chắc Đức sẽ chấp nhận giao xe tăng cho Ukraine. Không rõ liệu đây là Đức, hay chỉ các đồng minh phương Tây, Trittin nói. Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Olexij Resnikow và Pistorius thỏa thuận rằng, các lực lượng vũ trang sẽ được đào tạo sử dụng xe tăng “Leopard 2” ở Ba Lan. “Vấn đề này đang chuyển động một chút”, Resnikow nói trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình sau cuộc họp Ramstein.

Có phải Hoa Kỳ vì thiếu quyết định trong câu hỏi về xe tăng, đang tức giận Đức?

Có những tin đồn, theo đó ở Hoa Kỳ có “Giọng điệu tức giận” sau khi thiếu quyết định ở Ramstein. Hoa Kỳ cảm thấy chịu áp lực từ Đức, một số phương tiện truyền thông Hoa Kỳ sau cuộc họp Ramstein viết như vậy. Trước đó, đã có tường thuật trên truyền thông ở Đức rằng, Đức chỉ giao xe tăng “Leopard” khi Hoa Kỳ giao “Abrams”. Chính phủ gần đây đã phủ nhận điều này rằng không có điều kiện kết nối như vậy. Đồng thời, có một ấn tượng rằng Đức muốn có sự đảm bảo từ phía Hoa Kỳ để không đứng đơn độc trong trường hợp giao xe tăng.

Tại sao Ukraine lại muốn xe tăng “Leopard 2” khẩn cấp như vậy?

Có nhiều lý do cho điều này. Một mặt, xe tăng chiến đấu “Leopard 2” có số lượng cao nhất ở châu Âu. Có tổng cộng 2000 xe tăng “Leopard” với các phiên bản khác nhau trong các nơi trú đồng ở châu Âu, Bộ trưởng Ngoại giao Luxembourg Jean Asselborn nói, Kyiv cần ít nhất 300 xe tăng để chống lại khoảng 2500 xe tăng của Nga.

Mặt khác, “Leopard 2” là một trong những chiếc xe tăng hiện đại nhất với sức phá vỡ mạnh nhất. Theo Bundeswehr, những lợi thế nằm ở sự kết hợp của hỏa lực, bảo vệ xe tăng và di động. Nó chạy nhanh tới 70 km một giờ và chạy với một động cơ bằng dầu diesel tương đối ít tốn kém hơn.

Ngoài ra, Ukraine mất ngày càng nhiều xe tăng của Liên Xô và cần tiếp tế. Tuy nhiên, các loại xe Liên Xô cũ không thể được tái tạo, vì vậy họ cần xe tăng phương Tây. Vì “Leopard 2” phổ biến nhất ở châu Âu, nên việc tập trung vào nó – để không phải cung cấp ba hoặc bốn loại xe tăng khác nhau. Điều này sẽ gây bất lợi, vì các binh sĩ sẽ phải được đào tạo cho bốn loại xe tăng khác nhau và cũng phải cần bốn chuỗi hậu cần sửa chữa và cung cấp.

Bổ sung: Bài được viết hôm qua 23-1-2023. Hôm nay có tin chính phủ Ba Lan đã đệ đơn xin phép chính phủ Đức để giao các xe tăng Leopard 2 cho Ukraine và kêu gọi Đức tham gia vào khối các nước cung cấp Leopard 2 cho Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius cho biết, sẽ có một quyết định nhanh chóng. Ông cũng khuyến khích các nước có Leopard 2 nên bắt đầu với việc huấn luyện các binh sĩ Ukraine.

(Nguồn: Báo Tiếng Dân)

(Xem thêm:

=> EU: Cuộc đua hydro hóa lỏng; Triệu phú rời Anh; Anh trừng phạt Iran; Đức đưa Patriot tới Ba Lan; Đức-Pháp bất đồng ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang