EU: Pháp cắt điện luân phiên, bánh mì bị bóp nghẹt; Dân Đức nổi giận; Tạm chốt giá trần dầu Nga; Thách thức chuyến thăm TQ

PHÁP SẼ CẮT ĐIỆN LUÂN PHIÊN TỪ THÁNG 1/2023

(Ảnh minh hoạ).

Chính phủ Pháp ngày 1/12 cho biết sẽ triển khai kế hoạch cắt điện luân phiên kể từ đầu năm 2023 để đối phó với nguy cơ thiếu điện trong bối cảnh nhiệt độ có thể xuống thấp trong khi nỗ lực vận động người dân tiết kiệm năng lượng chưa mang lại hiệu quả.

Cơ quan mạng lưới truyền tải điện Pháp cho biết trừ đảo Corse, cơ quan này sẽ bắt đầu tiến hành các đợt cắt điện trên toàn nước Pháp kể từ tháng 1/2023. Việc cắt điện sẽ thực hiện luân phiên theo từng khu vực và thời điểm cụ thể, bao gồm cả các khung giờ cao điểm từ 8h-13h hay từ 18h-20h. Thời gian cắt điện không quá 2 tiếng liên tục.

Cơ quan mạng lưới truyền tải điện của Pháp sẽ quyết định việc điều tiết và lựa chọn khu vực sẽ bị cắt điện dựa trên nhiều yếu tố, đặc biệt là thời tiết như trường hợp xuất hiện các đợt lạnh đột ngột hay các thiết bị tiết kiệm năng lượng có vấn đề và không hoạt động.

Một cơ quan liên bộ cũng đã được thành lập để tham gia điều tiết điện và ứng phó với các tình huống khủng hoảng phát sinh do cắt điện để tối đa hoá chính sách tiết kiệm năng lượng của chính phủ và tránh gây tổn hại đến các cơ sở hạ tầng trọng yếu.

Chính phủ Pháp cũng đã triển khai một phần mềm có tên gọi “Ecowatt” cài đặt trên điện thoại để truyền tải thông tin đến người dân, đồng thời cảnh báo sẽ cắt điện tại những khu vực tiêu thụ quá nhiều điện năng.

Thủ tướng Pháp bà Elisabeth Borne dự kiến sẽ ban hành Sắc lệnh hướng dẫn các địa phương hướng xử lý trong trường hợp cắt điện. Theo đó, thông qua phần mềm Ecowatt và các phương tiện thông tin khác, người dân Pháp sẽ nhận được cảnh báo đỏ về khả năng sẽ cắt điện trước 3 ngày để điều chỉnh giảm lượng điện tiêu thụ, hay nhận được thông báo cắt điện trước 1 ngày.

Sắc lệnh cũng sẽ quy định những ngoại lệ không bị cắt điện như hệ thống chỉ dẫn giao thông, tàu điện ngầm hay các cơ sở thiết yếu như trụ sở lính cứu hoả, cảnh sát, nhà tù, bệnh viện, phòng khám y tế… Theo ước tính, việc cắt điện luân phiên sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 60% người dân Pháp.

Cơ quan mạng lưới truyền tải điện Pháp mới đây bày tỏ lo ngại việc tiết kiệm năng lượng chủ yếu diễn ra trong hoạt động sản xuất công nghiệp, trong khi nỗ lực của các hộ gia đình chỉ giảm được 1% lượng điện tiêu thụ so với trước.

Phát biểu trên truyền hình ngày hôm qua, Người phát ngôn chính phủ Pháp Olivier Véran kêu gọi người dân nâng cao ý thức tiết kiệm trong bối cảnh thời tiết ngày càng lạnh hơn.

“Nếu phải đối mặt với một mùa Đông đặc biệt lạnh và tiêu tốn đặc biệt nhiều năng lượng, trong khi nhiều lò phản ứng hạt nhân vẫn chưa thể vận hành trở lại, chúng ta sẽ rơi vào tình huống căng thẳng về điện. Vì vậy, việc tiến hành cắt điện chung là điều không thể tránh khỏi và chính phủ đang chuẩn bị các kịch bản cho mọi tình huống”, ông Véran cho biết./.

(Nguồn: VOV)

MÙA ĐÔNG KHẮC NGHIỆT BÓP NGHẸT BÁNH MÌ BAGUETTE PHÁP

Bánh mì baguette vừa được UNESCO công nhận là di sản thế giới sau nhiều nỗ lực của Pháp, song những người thợ làm bánh cho rằng danh hiệu này không thể giúp họ "vượt qua mùa đông".

Bánh mì baguette có lẽ mang đậm chất Pháp hơn cả tháp Eiffel và sông Seine. Nó được hàng triệu người kẹp dưới cánh tay hay buộc sau xe đạp để mang về nhà mỗi ngày. Loại bánh mì này đã tạo nên nhịp sống và trở thành một phần thiếu trong bản sắc văn hóa của Paris suốt nhiều thập kỷ.

Vào ngày 30/11, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã công nhận bánh mì baguette là “di sản văn hóa phi vật thể”, xứng đáng được nhân loại bảo tồn.

Quyết định này không chỉ giúp lưu giữ kiến thức về bánh mì baguette, mà còn tôn vinh một lối sống gắn liền với ổ bánh mì nóng giòn đang dần xói mòn vì những biến động kinh tế trong thời gian gần đây.

Một phần bản sắc Pháp

Theo New York Times, quyết định của UNESCO được đưa ra khi các tiệm bánh mì ở vùng nông thôn nước Pháp dần biến mất, dưới áp lực của cuộc khủng hoảng kinh tế đang hoành hành tại châu Âu.

“Tin vui này đến trong một bối cảnh phức tạp”, ông Dominique Anract, chủ tịch Liên đoàn các Tiệm bánh và Bánh ngọt Pháp, cũng là người dẫn đầu nỗ lực đưa bánh mì baguette vào danh sách di sản của UNESCO, cho biết.

Ông Anract nói thêm: “(Ở Pháp) khi một đứa trẻ bị sâu răng, cha mẹ sẽ để chúng nhai một mẩu bánh mì. Và khi lớn lên, công việc đầu tiên mà chúng tự làm cũng là đi mua một chiếc bánh mì baguette”.

Sau thông báo của UNESCO hôm 30/11, phái đoàn Pháp tại UNESCO cũng đã ăn mừng theo phong cách cổ điển, với nụ hôn “la bise” truyền thống và những chiếc bánh mỳ baguette trên tay.

Tổng thống Emmanuel Macron cũng chúc mừng tin vui này trên Twitter. Ông gọi bánh mì baguette là “250 g ma thuật và sự hoàn hảo trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta”, kèm theo bức ảnh nổi tiếng của nhiếp ảnh gia người Pháp Willy Ronis chụp một cậu bé với nụ cười rạng rỡ đang kẹp chiếc bánh mì baguette cao gần bằng người dưới cánh tay.

Baguette vẫn là loại bánh mì phổ biến nhất ở Pháp. Theo Liên đoàn các Tiệm bánh và Bánh ngọt Pháp, hơn 6 tỷ chiếc bánh được bán ra mỗi năm tại quốc gia này với giá trung bình khoảng một euro.

Bánh mì baguette từ lâu đã gắn bó với nhịp sống của người Pháp. Mùi bánh mì nướng phảng phất khắp khu phố lúc bình minh hay hình ảnh những người qua đường vội vã cắn chiếc bánh mì nóng hổi vào cuối ngày, vẫn luôn in sâu trong tâm trí của nhiều người dân địa phương.

Theo các nhà sử học, bánh mì baguette đã phát triển qua nhiều giai đoạn. Những ổ bánh mì thon dài được các thợ làm bánh người Pháp sản xuất vào năm 1600. Ban đầu, chúng được coi là loại bánh mì dành cho những người Paris khá giả - đủ khả năng mua một sản phẩm nhanh hỏng, trái ngược với loại bánh mì tròn, nặng nề của nông dân.

Bruno Laurioux, một nhà sử học người Pháp chuyên về thực phẩm thời trung cổ, cho biết kể từ sau Thế chiến II, bánh mì baguette mới trở thành mặt hàng chủ lực ở vùng nông thôn nước này.

Song người Pháp ban đầu không nhận ra sự gắn kết giữa họ và loại bánh mì đặc biệt này.

“Những người đầu tiên nói về cách người Pháp ăn bánh mì baguette - loại bánh mì rất lạ và khác biệt này - là những du khách đến Paris vào đầu thế kỷ XX”, ông Laurioux cho biết. “Chính quan điểm của người ngoài cuộc đã khiến baguette trở thành một phần bản sắc Pháp”.

Kể từ đó, người Pháp đã công nhận nó. Hàng năm, họ tổ chức một cuộc thi bên ngoài nhà thờ Đức Bà, ở Paris, để chọn ra thợ làm bánh mì baguette giỏi nhất. Người chiến thắng không chỉ giành được sự công nhận mà còn có hợp đồng một năm phục vụ tại Điện Élysée - nơi tổng thống cư trú và làm việc.

Khó vượt qua mùa đông

Pháp đã nộp hơn 200 đơn chứng nhận để bánh mì baguette được tôn vinh là di sản văn hóa thế giới, bao gồm cả những bức thư từ thợ làm bánh và bức vẽ của trẻ em.

Trong đó, một bài thơ của thợ làm bánh Cécile Piot viết:

“Tôi ở đây

Ấm áp, nhẹ nhàng, huyền diệu

Dưới cánh tay hay trong giỏ hàng

Hãy để tôi tạo nhịp sống cho cả những ngày nhàn rỗi và bận rộn của bạn”.

Nhiều thợ làm bánh trên khắp nước Pháp đã chia sẻ niềm vui khi nhận được thông báo của UNESCO. “Kể từ bây giờ, nó đã được UNESCO bảo vệ”, Sylvie Debellemaniere tự hào trao chiếc bánh mì baguette cho một vị khách vào tối 30/11.

Đối với cô, bánh mì baguette là một phần “huyền thoại” trong cuộc sống của người Pháp và là một món ăn “rất công phu”, theo Washington Post.

Với vị thế mới của bánh mì baguette, chính phủ Pháp đã lên kế hoạch tổ chức Bakehouse Open Day để “nâng cao uy tín bí quyết sản xuất bánh mì baguette”, đồng thời tài trợ học bổng và các chương trình đào tạo mới cho thợ làm bánh.

Tuy nhiên, bánh mì baguette đang bị đe dọa. Pháp đã mất 400 tiệm bánh thủ công mỗi năm kể từ năm 1970. Sự sụt giảm đặc biệt nghiêm trọng ở vùng nông thôn nước này, nơi các tiệm bánh truyền thống không thể vượt qua áp lực từ các siêu thị và chuỗi cửa hàng.

Không những vậy, kể từ năm 2017, doanh số bánh mì kẹp thịt đã vượt qua doanh số của jambon-beurre - loại bánh mì baguette phết bơ kẹp giăm bông.

Và đó vẫn chưa phải “nỗi sợ hãi” cấp bách nhất với những người thợ làm bánh mì baguette ở Paris. Trong những tháng gần đây, giá bột mì ngày càng tăng cao do chiến sự ở Ukraine, buộc họ phải tăng giá bánh.

Theo Reuters, giá bánh mì đã tăng gần 1/5 tại Liên minh châu Âu (EU) vào tháng 8, khi xung đột giữa Nga và Ukraine - hai nhà xuất khẩu ngũ cốc và phân bón lớn - gây gián đoạn thị trường toàn cầu, trong đó mức tăng trung bình ở Pháp là 8%.

“Sự công nhận của UNESCO không phải là thứ sẽ giúp chúng tôi vượt qua mùa đông”, Pascale Giuseppi, chủ một tiệm bánh mì baguette gần đại lộ Champs-Élysées, chia sẻ. “Chúng tôi vẫn còn những hóa đơn lớn hơn phải trả”.

Gần đó, một thợ làm bánh khác tên Jean-Luc Aussant, cũng nói rằng anh “không thực sự có tâm trạng để ăn mừng bất cứ điều gì”. Aussant phủi bột trên bàn tay và than vãn sự công nhận của UNESCO sẽ “chẳng thay đổi được gì”.

“Nếu có, tôi nghĩ có thể dùng danh hiệu này như một cái cớ để tăng giá bánh mì baguette”, anh nói thêm.

(Nguồn: Zing News)

NGƯỜI ĐỨC TỨC GIẬN VÌ ĐỘI TUYỂN BỊ LOẠI Ở WORLD CUP

(Ảnh minh hoạ).

Truyền thông và người hâm mộ Đức tức giận chỉ trích sau khi đội tuyển từng 4 lần vô địch World Cup bị loại ngay từ vòng bảng năm nay.

Tờ Bild của Đức dẫn đầu làn sóng chỉ trích đội tuyển quốc gia với tiêu đề: "Thật đáng xấu hổ! Chúng ta đã bị loại", sau khi Đức giành chiến thắng 4-2 trước Costa Rica nhưng không thể đi tiếp vì ở trận đấu cùng giờ, Nhật Bản thắng sốc Tây Ban Nha với tỷ số 2-1.

"Thế giới bóng đá từng run sợ trước chúng ta. Đức giờ chỉ còn là người lùn bóng đá", tờ báo tiếp tục.

Sau ba trận ở vòng bảng, đội tuyển Đức có được 4 điểm. Họ thất bại trước Nhật trong trận ra quân, cầm hòa Tây Ban Nha và thắng Costa Rica, nhưng kết quả đó là không đủ để tuyển Đức đi tiếp.

Tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung đăng bài "Bóng đá Đức lại rơi xuống đáy vực, 4 năm sau lần bị loại ở vòng bảng", trong khi tờ Suddeutsche Zeitung viết "Chấm hết! Bị loại! Một lần nữa bị loại".

"Đức đã bị loại khỏi World Cup chỉ trong gang tấc", người hâm mộ nói. "Điều đó không thể xảy ra với một đội bóng chơi tốt hơn".

Ở bàn thắng thứ hai của Nhật Bản trong trận gặp Tây Ban Nha, trái bóng dường như đã đi hết ra ngoài đường biên trước khi cầu thủ chạm bóng. Các cầu thủ Tây Ban Nha phản đối, buộc trọng tài phải tham khảo VAR. Trọng tài sau đó xác định một phần trái bóng vẫn đè lên mép ngoài vạch vôi, và vì thế, công nhận bàn thắng cho Nhật Bản.

Nhiều người hâm mộ Đức lập tức lên mạng xã hội gọi đây là bàn thắng không hợp lệ và chỉ trích quyết định công nhận bàn thắng đó của VAR. Những người hâm mộ khác châm biếm đó là "quả báo" cho "bàn thắng ma" năm 2010 của tiền vệ Anh Frank Lampard. Bàn thắng của Lampard đi thẳng vào lưới Đức, nhưng không được công nhận, khiến Anh chịu thất bại 1-4 và bị loại ở vòng 1/8.

Trong một quán bar ở phía đông Berlin, Eric Warncke "thất vọng" trước việc Đức bị loại một cách bất ngờ, nhưng nói rằng anh từng nghi ngờ khả năng này sẽ xảy ra. "Không ai nghĩ Nhật Bản sẽ đánh bại Tây Ban Nha, nhưng cuối cùng chúng tôi bị loại theo cách đáng lắm", Warncke, 27 tuổi, nói.

Theo Warncke, đội tuyển Đức không có ưu thế so với các đối thủ. Đức từng tự hào là đội bóng luôn có cơ hội vô địch World Cup. "Cá nhân họ đều là những cầu thủ giỏi, nhưng họ không phải một đội", anh nói thêm.

"Thật thất vọng, nhưng chúng tôi đáng bị như thế", Rico Wagner, 23 tuổi, bạn của Warncke, bày tỏ.

Ngay cả trước khi bình luận viên truyền hình xác nhận chiến thắng của Nhật Bản và Đức bị loại, kêu lên "đây là thất bại, là thảm họa", một số người hâm mộ đã nắm lấy áo khoác của họ và ra khỏi quán bar. Nhiều tiếng la hét giận dữ vang lên khi trọng tài thổi còi kết thúc trận đấu.

Levent Lanzke, 41 tuổi, nói rằng lẽ ra Đức phải "chắc chắn vào tứ kết". "Trên lý thuyết là có thể, nhưng Nhật Bản đã xuất hiện. Costa Rica cũng vậy," anh nhún vai nói. "Nói theo cách này, tôi không oán giận Nhật Bản".

Sebastian Fichte, 48 tuổi, cho rằng việc nước chủ nhà tổ chức giải đấu vào thời điểm mùa đông của châu Âu thay vì mùa hè theo truyền thống đã khiến nhiệt huyết của các cầu thủ bị ảnh hưởng.

Số lượt xem các trận đấu của Đức cho đến nay thấp hơn nhiều so với mức thông thường. Fichte nói rằng ông sẽ không tẩy chay những trận còn lại của World Cup, dù Đức đã bị loại. Người hâm mộ Michael Schreiber, 43 tuổi, cũng chung suy nghĩ. "Tôi sẽ xem một hoặc hai trận đấu. Chắc chắn rồi. Tôi rất hào hứng với những trận đấu hay", anh nói.

(Nguồn: Vnexpress)

EU TẠM THỜI CHỐT MỨC GIÁ TRẦN VỚI DẦU NGA

Các thành viên EU tạm thời đồng ý với mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga

Theo Reuters, trong ngày 1/12, Liên minh châu Âu (EU) đã tạm thời nhất trí áp mức giá trần 60 USD/thùng với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga. Bên cạnh đó, các nước thành viên EU cũng thống nhất cơ chế điều chỉnh để giữ trần ở thấp hơn giá thị trường 5%.

"Giá trần được đặt ở mức 60 USD với điều kiện giữ mức giá này thấp hơn 5% dựa trên số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế”, một quan chức ngoại giao EU cho biết.

Thỏa thuận về mức giá trần vẫn cần phải được tất cả các nước thành viên EU phê chuẩn bằng văn bản trước ngày 3/12. Hiện tại, Ba Lan - nước thúc đẩy mức trần càng thấp càng tốt - vẫn chưa xác nhận liệu họ có ủng hộ thỏa thuận hay không.

Trước đó, G7 đã đề nghị mức giá trần với dầu Nga là 65 - 70 USD/thùng mà không có cơ chế điều chỉnh. Tuy vậy, mức giá này bị Ba Lan, Litva và Estonia phản đối vì "không đủ khả năng làm giảm năng lực tài trợ cho chiến dịch đặc biệt của Moscow".

Trang Bloomberg nhận xét, mức giá 60 USD là vừa đủ để hạn chế nguồn thu của Nga, nhưng cũng đủ cao để nước này tiếp tục giao dịch, tránh việc giá dầu thế giới bị đẩy lên quá cao. Hiện Moscow chưa đưa ra bình luận chính thức nào về mức giá trần của EU với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga.

(Nguồn: Vietnamnet)

THÁCH THỨC BỘN BỀ TRONG CHUYẾN THĂM TRUNG QUỐC CỦA CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG CHÂU ÂU

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel vừa có chuyến thăm Trung Quốc trong nỗ lực thuyết phục Bắc Kinh gây ảnh hưởng với Nga để dừng cuộc xung đột tại Ukraine. Chuyến thăm cũng nhằm giảm thâm hụt thương mại của EU với Trung Quốc, cùng nhiều mục tiêu chiến lược khác.

Sự tiếp đón của Trung Quốc

Quan hệ giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) đang gặp phải khó khăn với hàng loạt mâu thuẫn và bất đồng. Tuy nhiên việc châu Âu và Trung Quốc cần đến nhau trên nhiều phương diện, trong đó có cả các lĩnh vực song phương và toàn cầu cũng là điều không thể phủ nhận.

Với Trung Quốc, chuyến thăm của ông Charles Michel hết sức quan trọng trong quan hệ với EU, bởi đây là cuộc gặp chính thức đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo hai bên kể từ Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Hội đồng châu Âu đã không né tránh sự khác biệt giữa hai bên. Tuy nhiên ông nhấn mạnh “giữa Trung Quốc và EU không có các bất đồng và xung đột chiến lược cơ bản”. Theo ông, chuyến thăm đã thể hiện nguyện vọng của EU trong việc phát triển quan hệ với Trung Quốc và Bắc Kinh cũng muốn EU sẽ trở thành đối tác quan trọng khi nước này đi theo con đường hiện đại hóa kiểu Trung Quốc và chia sẻ cơ hội tại thị trường khổng lồ này.

Ông Tập Cận Bình cũng kêu gọi các tổ chức và quốc gia thành viên của EU “hiểu biết khách quan và đúng đắn về Trung Quốc”, phản đối mọi hình thức “Chiến tranh Lạnh mới”, đồng thời kêu gọi hai bên kiểm soát ổn thỏa bất đồng, tôn trọng mối quan tâm lớn và lợi ích cốt lõi của nhau, ám chỉ các vấn đề như Tân Cương, Đài Loan, Hong Kong...

Có thể thấy, chỉ trong một thời gian ngắn sau Đại hội XX, Trung Quốc đã đón 2 nhà lãnh đạo quan trọng của châu Âu, gồm Thủ tướng Đức – quốc gia có ảnh hưởng lớn ở châu lục này và người đứng đầu Hội đồng châu Âu. Điều này đã cho thấy hai bên đều cần đến nhau, đặc biệt trong bối cảnh môi trường kinh tế và địa chính trị đang căng thẳng như hiện nay. Về phần mình, Trung Quốc kỳ vọng chuyến thăm sẽ là bước tiến quan trọng để hai bên phát triển các hợp tác thực chất bất chấp những bất đồng và mâu thuẫn.

Mâu thuẫn nội bộ EU trong cách ứng xử với Trung Quốc

Chuyến thăm đến Bắc Kinh của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel là chuyến thăm thứ 2 của một quan chức cấp cao châu Âu đến Trung Quốc trong vòng 1 tháng qua, sau chuyến thăm của Thủ tướng Đức Olaf Scholz.

Mặc dù chuyến đi của ông Charles Michel ít gây ra tranh cãi hơn chuyến đi của ông Olaf Scholz nhưng tại châu Âu vẫn có những ý kiến cho rằng việc các quan chức hàng đầu của châu Âu liên tiếp thăm Trung Quốc trong một thời gian ngắn không phải là một cách tốt để gửi thông điệp về sự đoàn kết và cứng rắn hơn trong quan điểm của châu Âu đối với mối quan hệ với Trung Quốc. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng dự định sẽ thăm Trung Quốc đầu năm 2023.

Ngoài ra, cũng giống như chuyến đi một mình của ông Olaf Scholz, nhiều học giả châu Âu chỉ trích ông Charles Michel đã sang thăm Trung Quốc một mình mà không có bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, người chịu trách nhiệm chính thực thi các chính sách của Liên minh châu Âu.

Tất cả những tranh cãi này làm nổi bật một thực tế đang tồn tại trong tư duy chiến lược của châu Âu đối với Trung Quốc. Mặc dù từ năm 2019 châu Âu đã định danh Trung Quốc vừa là đối tác kinh tế sống còn vừa là đối thủ hệ thống của châu Âu nhưng việc triển khai tư duy chiến lược đó ra sao đang gây chia rẽ trong chính nội bộ các nước EU.

Một nhóm các nước Baltic, Đông Âu đang có xu hướng muốn kéo EU rời xa Trung Quốc, thể hiện bằng các động thái như rời bỏ khuôn khổ hợp tác 16+1 giữa Trung Quốc với Trung và Đông Âu, hoặc như Litva thậm chí còn theo đuổi một chính sách tương đối thù địch với Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan. Cách tiếp cận của nhóm nước này chịu ảnh hưởng, tác động rất lớn từ chính quyền Mỹ.

Tuy nhiên, một nhóm khác gồm cả hai cường quốc đầu tàu của EU là Đức, Pháp… muốn duy trì cách tiếp cận trung lập, mềm dẻo hơn với Trung Quốc, coi Trung Quốc là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu, không thể thiếu trong việc cùng giải quyết các thách thức toàn cầu lớn như biến đổi khí hậu, dịch bệnh hay đặc biệt trong thời điểm này là xung đột Nga - Ukraine.

Các nước Đức, Pháp… chủ trương thiết lập một chính sách được gọi là “con đường thứ 3”, không ngả hẳn về Mỹ, cứng rắn hơn với Trung Quốc nhưng không đối đầu quyết liệt như Mỹ. Theo Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, “cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều sẽ không khoan dung với châu Âu” và châu Âu phải xác lập được một vị thế tự chủ để bảo vệ lợi ích của mình, không bị biến thành một “biến số tuỳ chỉnh” trong cuộc chơi Mỹ - Trung. Các mâu thuẫn về cách tiếp cận với Trung Quốc trong nội bộ EU sẽ không sớm được giải quyết và chuyến đi của ông Charles Michel đến Trung Quốc cũng chưa thể thay đổi được nhiều, mà chủ yếu là để xác lập các định hướng chính trong quan hệ giữa EU và Trung Quốc trong giai đoạn mới.

Những lĩnh vực có thể hợp tác, xoa dịu bất đồng

Trong chuyến thăm lần này của ông Charles Michel, hai bên đã đề cập đến hàng loạt vấn đề kinh tế và địa chính trị gai góc, nhưng cũng đã đưa ra được những cam kết hợp tác về các vấn đề có tầm quan trọng toàn cầu. Chẳng hạn, ông Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc mong muốn cùng với EU đảm bảo sự ổn định của chuỗi cung ứng và ủng hộ các nỗ lực hòa giải của châu Âu trong vấn đề Ukraine.

Ông đã đưa ra nhiều gợi ý hợp tác song phương, như hai bên có thể tăng cường phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô; củng cố lợi thế bổ sung về thị trường, vốn và công nghệ; cùng tạo ra các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, bảo vệ môi trường, năng lượng mới, trí tuệ nhân tạo...

Ông cũng cho rằng hai bên có thể “dẫn dắt các nỗ lực toàn cầu ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ đa dạng sinh học, an ninh năng lượng và an ninh lương thực, cũng như sức khỏe cộng đồng”.

Ngoài ra, thực tế cho thấy, EU không dễ giảm sự phụ thuộc vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trong phát biểu mới nhất tại cuộc họp báo chiều ngày 1/12, thời điểm Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel vẫn đang ở thăm Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Thương mại nước này Thúc Giác Đình đã khẳng định, Trung Quốc và châu Âu đã tạo thành một “mối quan hệ cộng sinh kinh tế mạnh mẽ”.

Bà cho biết, trong 10 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại song phương giữa hai bên đã đạt 711,4 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ. Trung Quốc vẫn giữ vị trí đối tác thương mại số 1 của EU và EU tiếp tục là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc.

Do vậy, kinh tế, thương mại và đầu tư vẫn sẽ là lĩnh vực hợp tác nổi trội giữa hai bên và Trung Quốc sẽ không dễ gì bỏ qua cơ hội củng cố và tăng cường hơn nữa mối quan hệ này với châu Âu./.

(Nguồn: Soha)

(Xem thêm:

=> EU: Kinh tế Anh hậu Brexit; Khủng hoảng khí đốt; Hungary lọt tầm ngắm TQ; Luật nhập cư mới ở Đức; Uniper kiện Gazprom ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang