- Thời sự
- EU
Một khách sạn bên bờ biển và các trụ sở ngân hàng cũ trên đảo Man (Isle of Man) là nơi ẩn náu của những kẻ lừa đảo hàng triệu đô la nhằm vào nạn nhân tại Trung Quốc, theo điều tra của BBC World Service.
Chúng tôi được cho biết, tại nhà hàng và sảnh chính khách sạn Seaview ở Douglas luôn có hàng chục nhân viên Trung Quốc chen chúc, cùng những máy tính được kết nối băng thông rộng. Một dàn bếp chuyên dụng đã được chuyển đến nhà bếp của khách sạn.
Hoạt động lừa đảo, diễn ra trong khoảng từ tháng 1/2022 đến tháng 1/2023, sử dụng một chiêu thức được gọi là "mổ heo lấy thịt", theo hồ sơ của tòa án Trung Quốc.
Sở dĩ gọi như vậy là bởi vì công đoạn then chốt nhất để một phi vụ lừa đảo trót lọt là "vỗ béo heo" - tức lấy lòng tin của nạn nhân.
BBC đã mất gần một năm để điều tra toàn diện về cách thức triển khai hoạt động lừa đảo đầu tư trên hòn đảo Man thuộc lãnh địa vương quyền Hoàng gia Anh và có một chính quyền độc lập.
Chúng tôi cũng phát hiện những chi tiết khác, chẳng hạn việc những ông trùm có tham vọng xây một khu phức hợp văn phòng hiện đại bậc nhất nhìn ra biển Ireland.
Ngoài chuyện thu thập hồ sơ vụ án, chúng tôi cũng đã tiếp cận các tài liệu bị rò rỉ và nói chuyện với những người bên trong công ty.
Cựu nhân viên Jordan [không phải tên thật] nói với chúng tôi rằng ông đã không hề biết về thế giới đen tối mà bản thân sắp sa chân vào khi đến đảo Man.
Ông cho biết đã cảm thấy nhẹ nhõm khi tìm được thứ mà ông gọi là một công việc hành chính ổn định.
Tuy nhiên, Jordan lại phát hiện ra rằng người chủ mới của mình dường như khá bí ẩn, ví dụ như ông và các đồng nghiệp bị cấm chụp ảnh trong sự kiện xã hội của công ty.
Có một điều mà Jordan nói là ông đã không nhận ra, đó là nhiều đồng nghiệp Trung Quốc của ông thật sự là những tay lừa đảo điêu luyện.
Vào cuối năm 2021, gần 100 người đã được đưa đến đảo Man để làm việc cho một công ty, mà trong hồ sơ của tòa án Trung Quốc được đề cập với cái tên là "MIC".
Những người này đến từ Philippines, nơi họ từng làm việc cho một công ty lừa đảo khác. BBC phát hiện MIC là tên viết tắt của Manx Internet Commerce.
Trên đảo Man, MIC thuộc một nhóm các công ty có móc nối với nhau, tất cả đều có chung một chủ.
Một sòng bài trực tuyến do công ty King Game điều hành là nổi trội nhất trong số đó. Ở Trung Quốc đại lục, đánh bạc là bất hợp pháp.
Việc lập một công ty cách nửa vòng Trái Đất đồng nghĩa những người sáng lập không những có thể nhắm đến khách hàng Trung Quốc, mà còn tận dụng được mức thuế thấp trong lĩnh vực sòng bài.
Vài tháng sau khi đóng đô tại khách sạn Seaview ở Douglas, các nhân viên của MIC được chuyển sang nơi khác, là các văn phòng ngân hàng cũ ở phía đông thị trấn.
Và đây là nơi mà Jordan cho biết thỉnh thoảng ông nghe những tiếng hò reo ăn mừng của các đồng nghiệp mới, những người làm việc theo nhóm gồm bốn người.
Ông cho rằng những người đó đang ăn mừng khi lừa đảo thành công thêm một nạn nhân nữa, từ nơi cách xa chừng hơn 8.000 km.
Lúc trở về quê nhà ở Trung Quốc, sáu người làm việc cho MIC ở thủ phủ Douglas của đảo Man đã bị kết tội tiến hành lừa đảo nhằm vào công dân Trung Quốc.
Các vụ án, được đưa ra xét xử hồi cuối năm 2023, đã phơi bày chi tiết về dòng tiền bất hợp pháp.
Các nạn nhân đã bị các bị cáo và những kẻ đồng lõa làm việc ở các trụ sở trên đảo Man và Philippines dụ dỗ, theo hồ sơ từ tòa án Trung Quốc.
Theo tòa án Trung Quốc, các bị cáo làm theo nhóm để lôi kéo những nhà đầu tư Trung Quốc vào các nhóm chat trên QQ, một dịch vụ nhắn tin của Trung Quốc tương tự như WhatsApp.
Một kẻ lừa đảo sẽ đóng vai một "giáo viên" đầu tư còn người khác giả dạng là các nhà đầu tư chung.
BBC đã xem bằng chứng, bao gồm hồ sơ vụ án, cho thấy nhiều người trong số này đến từ Philippines đến Douglas đã tham gia vào hoạt động lừa đảo. Tất cả sử dụng chung máy tính, phụ thuộc vào ứng dụng chat QQ để làm việc, tất cả có chức vụ như nhau, trừ một vài quản lý.
Các nhà đầu tư giả mạo luôn tập trung tạo ra một không khí phấn khích và hào hứng xung quanh các kỹ năng kiếm tiền của "giáo viên", sau đó kêu gọi nạn nhân bỏ tiền vào một nền tảng đầu tư cụ thể, theo tòa án tại Trung Quốc.
Mờ mắt trước những lời có cánh, nạn nhân dần bị những kẻ lừa đảo moi tiền. Những kẻ này kiểm soát các nền tảng đó và có thể thao túng đằng sau hậu trường.
Tòa án Trung Quốc nói rất khó để xác minh tổng thiệt hại của các nạn nhân, 12 nạn nhân đã bị lừa khoảng 38,87 triệu nhân dân tệ (tương đương hơn 132 tỷ đồng).
Dựa theo bằng chứng bao gồm những lời thú tội của các bị cáo, cũng như thông tin đi lại và tài chính, lịch sử trò chuyện trên các ứng dụng, tòa đã kết luận sáu bị cáo có tội.
Đây không chỉ là chiêu trò lừa đảo sinh lời mà còn rất tinh vi, theo hồ sơ tòa án, đội lừa đảo ở tuyến đầu sử dụng chiêu trò "mổ heo lấy thịt" với khả năng thuyết phục cao và các kỹ năng điêu luyện khác.
BBC phát hiện danh tính của người thụ hưởng duy nhất của các công ty đó. Tên của người này đã bị giấu bên dưới các đống giấy tờ hành chính.
MIC và các công ty liên quan đều thuộc một quỹ tín thác được một cá nhân mang tên "Bill Morgan" thành lập, các tài liệu cho thấy người đàn ông này có tên là Liang Lingfei (Lương Lăng Phi). Các nhân viên gọi ông ta là "Sếp Lương", Jordan cho biết.
Hồ sơ tòa án đề cập đến một người đàn ông có tên là Lương Lăng Phi, đồng sáng lập của công ty MIC trên đảo Man, được mô tả là "một tổ chức tội phạm tương đối vững chắc, được thành lập để tiến hành các hoạt động lừa đảo". Ông Lương không phải là một trong những người bị truy tố hoặc phải trình diện tại tòa.
Tòa án nói ông Lương là người đồng sáng lập của tổ chức lừa đảo ở Philippines. BBC đã xem bằng chứng về việc nhiều nhân viên của MIC làm việc ở đó trước khi được chuyển sang đảo Man.
Cuộc điều tra của chúng tôi cũng phát hiện ông Lương đã được cấp thị thực đầu tư đảo Man và tham dự nhiều sự kiện của công ty trên hòn đảo này. Vợ ông ta cũng có một ngôi nhà tại thị trấn Ballasalla, gần sân bay của hòn đảo.
Nhóm các công ty trên đảo Man rất tham vọng, đã ký một thỏa thuận hồi cuối năm ngoái để làm một trụ sở với "khuôn viên có công viên" hoành tráng ở địa điểm từng là một căn cứ huấn luyện hải quân.
Người phát ngôn của các công ty phát triển bất động sản này mô tả đây là "khoản đầu tư tư nhân lớn nhất trên đảo Man".
Bản phối cảnh của các kiến trúc sư cho thấy các tòa nhà văn phòng trên một con đồi nhìn hướng ra biển ở Douglas. Bên trong là các căn hộ sang trọng, một trung tâm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp, một số quán bar và một sảnh karaoke.
Khuôn viên này được dành cho các nhân viên của MIC và những người làm việc cho các công ty "liên kết" của MIC, bao gồm những người tham gia đánh bạc trực tuyến, tài liệu quy hoạch cho thấy.
Theo các ước tính khiêm tốn, doanh thu thường niên trên toàn cầu của ngành "mổ heo lấy thịt" đạt hơn 60 tỷ USD.
"Đây là vụ đầu tiên mà chúng tôi thấy một trong những cơ sở lừa đảo được thiết lập ở một quốc gia phương Tây," ông Masood Karimipour, chuyên gia của Liên Hợp Quốc về tội phạm có tổ chức, người thường tập trung tới vấn đề ở Đông Nam Á, cho biết.
Việc tìm cách ngăn chặn nạn lừa đảo này giống trò "đập chuột chũi", ông nói, và đây là một cuộc chiến mà "tội phạm có tổ chức đang thắng thế" khi những kẻ tội phạm tìm cách trục lợi ở những nơi chúng nhận thấy có lỗ hổng pháp lý và ít sự giám sát.
Bất kỳ tham vọng nào mà nhóm các công ty này đề ra ở đảo Man - hợp pháp hoặc phi pháp - dường như đã đến hồi kết.
Hồi tháng Tư, cảnh sát đã tiến hành truy quét các văn phòng ngân hàng cũ. Họ cũng nhắm đến một địa chỉ gần tòa nhà Tòa án Công lý của đảo Man, bằng cách sử dụng thang để đột nhập thông qua cửa sổ ở tầng một vào sáng sớm.
Trong một thông cáo được công bố không lâu sau đó, cảnh sát nói các cuộc truy quét có liên quan đến một cuộc điều tra rửa tiền và gian lận quy mô rộng hơn có liên quan đến công ty King Gaming Ltd IOM. Bảy người đã bị bắt giữ và được bảo lãnh tại ngoại, cảnh sát cho biết thêm.
Kể từ đó, thêm ba người nữa đã bị bắt giữ.
Hồi đầu tháng 8, các quản tài viên đã được bổ nhiệm cho các công ty trong nhóm - bao gồm MIC và King Gaming Ltd IOM - theo yêu cầu của tổng chưởng lý đảo Man.
Cơ quan quản lý sòng bài đảo Man đã tước giấy phép các công ty sòng bài có liên quan tới MIC.
Địa điểm khu quy hoạch khuôn viên đã được chặt cây và bảng chỉ dẫn đã được dựng lên - nhưng việc triển khai đang bị hoãn vô thời hạn.
BBC liên tục liên lạc qua một số phương tiện để gặp các công ty liên quan, cũng như ông Bill Morgan/Lương Lăng Phi và các giám đốc công ty, nhưng không nhận được phản hồi.
Chúng tôi cũng cố gắng liên lạc với khách sạn Seaview nhưng không nhận được sự hồi đáp, mặc dù không có dấu hiệu nào cho thấy bất kỳ ai biết về những hoạt động phi pháp đang diễn ra tại các tòa nhà đó.
Trước tình trạng visa du học bị lạm dụng thành công cụ để đi làm hoặc định cư, Ba Lan bắt đầu thắt chặt quy định bằng cấp từ tháng 8 và dự kiến 'siết' ở một số khía cạnh khác trong thời gian tới.
Bắt buộc có bằng tốt nghiệp THPT đã xác minh
Theo thông tin từ chính phủ Ba Lan hôm 12.8, Bộ Ngoại giao nước này từ cuối tháng 7 đã ban hành hướng dẫn mới về quá trình xử lý hồ sơ xin visa (thị thực), nhất là visa du học. Cụ thể, cơ quan này yêu cầu các trường ĐH phải kiểm tra kỹ bằng tốt nghiệp THPT của du học sinh thay vì bỏ qua như trước đây. Đồng nghĩa, du học sinh bắt buộc có bằng tốt nghiệp THPT được xác minh là có giá trị nếu muốn xin visa du học Ba Lan.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh nhiều cơ sở giáo dục ĐH, nhất là các trường tư đã không kiểm tra bằng cấp của sinh viên quốc tế, khiến nhóm này dễ nhập học hơn so với sinh viên bản địa. Điều này dẫn đến việc tỷ lệ du học sinh tại các trường tư đã tăng đáng kể trong những năm gần đây, thường chiếm 60-70%. Chưa kể nhóm này còn có tỷ lệ bỏ học sau năm nhất cao hơn so với sinh viên bản địa, Bộ Ngoại giao Ba Lan lưu ý.
Một chi tiết khác, theo tờ Dziennik Gazeta Prawna, một số người nước ngoài nhận được visa du học Ba Lan dù không đủ điều kiện nhập học ngay tại chính quốc gia của họ. Các cá nhân này thường dùng visa du học để đi làm trong khối Schengen vì được cấp quyền làm việc trong 1 năm. "Họ không bao giờ đến trường ĐH đã tạo điều kiện cho họ nhập cảnh", Bộ trưởng Ngoại giao Radosław Sikorski nói với đài TVN 24.
Theo ông Sikorski, quy định mới nhằm đảm bảo chỉ sinh viên chân chính mới được cấp visa du học và giúp hệ thống visa không bị người nước ngoài lợi dụng để lách luật Lao động. Ông Sikorski lưu ý thêm rằng các trường ĐH trước đây gặp khó trong việc tự giải quyết vấn đề xác minh bằng cấp nên thời gian tới sẽ có thêm sự can thiệp từ chính phủ. Tuy nhiên, một số bên liên quan bày tỏ lo ngại về quá trình xác minh.
Bởi, theo các quy định hiện hành, ứng viên làm hồ sơ xin visa du học có thể nộp các tài liệu cần thiết để xác minh bằng cấp qua đường bưu điện hoặc người đại diện. "Nhưng điều này nói dễ hơn làm", ông Krzysztof Szymanski, Giám đốc vận hành của Marhaba Poland, một công ty tư vấn du học chuyên làm thị trường Ba Lan, nói với trang The PIE News.
Đó là vì du học sinh và các công ty du học phải xác minh bằng cấp qua một công ty môi giới được cấp phép tại Ba Lan chứ không thể chủ động chuẩn bị hồ sơ như trước. Bên cạnh đó, việc xác minh sẽ trở thành thử thách với các văn phòng lãnh sự Ba Lan ở nước ngoài bởi "chưa nhận được hướng dẫn cụ thể nào". "Số du học sinh nhập học sẽ giảm trong kỳ này nhưng tình hình có thể sáng sủa hơn vào kỳ tới", ông Szymanski dự đoán.
Dự kiến thay đổi nhiều quy định khác
Theo các hãng truyền thông địa phương, yêu cầu bắt buộc về bằng tốt nghiệp THPT là "phát súng" đầu tiên nhưng không phải duy nhất của chính phủ Ba Lan nhằm "siết" quy định cấp visa du học trong thời gian tói. Theo tờ Rzeczpospolita, Bộ Ngoại giao và Bộ Nội vụ Ba Lan đang đề xuất các chính sách mới, như yêu cầu cấm nhận du học sinh nếu họ không đáp ứng các tiêu chí tuyển sinh tối thiểu về bằng cấp và ngôn ngữ.
Cụ thể, các bộ này đang xem xét tập trung hóa quá trình xét tuyển du học sinh, để cho duy nhất Cơ quan trao đổi học thuật quốc gia (NAWA) chịu trách nhiệm xác minh bằng tốt nghiệp THPT, trình độ ngoại ngữ của ứng viên cũng như các tiêu chí tối thiểu khác nhằm đảm bảo du học sinh có thể theo kịp chương trình học ở các trường ĐH Ba Lan.
Ngoài ra, các bộ trên cũng đang "cân nhắc hạn chế sinh viên quốc tế" tiếp cận thị trường lao động Ba Lan, cũng như tăng yêu cầu về tài chính khi xin visa và thẻ cư trú. Họ cũng dự định tăng số tiền tối thiểu trong tài khoản ngân hàng mà sinh viên phải có. Hiện con số này là 1.270 PLN (8,3 triệu đồng) cho 2 tháng đầu tiên dự định ở lại.
Trước đó, một nước châu Âu khác là Đức tăng yêu cầu chứng minh tài chính bắt đầu từ năm học 2024-2025. Cụ thể, du học sinh cần có 11.904 euro (332 triệu đồng) trong sổ đóng băng để nộp đơn xin visa du học, tăng khoảng 10% (696 euro) so với mức trước đó. Và để hạn chế tình trạng du học trá hình, nhiều quốc gia như Úc, Canada cũng thắt chặt quy định cấp visa du học, như tăng yêu cầu về tài chính, ngoại ngữ.
Theo dữ liệu từ Bộ Khoa học và giáo dục ĐH Ba Lan, năm học 2023-2024 ghi nhận có 103.147 sinh viên quốc tế, song con số này giảm hơn 5.000, chỉ còn 98.056 người vào cuối năm học. Và trong thập kỷ qua, 321.000 sinh viên quốc tế đến Ba Lan từ gần 200 quốc gia nhưng cho đến nay chỉ có 118.371 người tốt nghiệp, chiếm tỷ lệ khoảng 37%.
Tình trạng khô hạn kéo dài dẫn đến thiếu nước sinh hoạt đã khiến nhiều người dân sinh sống tại miền Nam nước Pháp gặp vô vàn khó khăn.
Nguồn nước liên tục bị bốc hơi do nắng nóng khiến nhiều ngôi làng tại đây phải mua nước từ địa phương khác với giá cao. Đáng chú ý, nhiều người dân chỉ được sử dụng nước trong vòng 2 tiếng đồng hồ do nguồn cung nước quá ít ỏi.
Hơn 600 người dân tại ngôi làng Durban-Corbières của Pháp đang chứng kiến đợt khủng hoảng thiếu nước trầm trọng chưa từng có.
Bắt đầu từ tháng 7 vừa qua, nước sinh hoạt của làng được cung cấp bởi xe bồn và người dân chỉ có thể sử dụng nước trong khoảng 2 tiếng đồng hồ. Đối với bà Isabelle Dessez, việc phải sống chung với tình trạng thiếu nước trong hơn 1 tháng nay không khác gì sống sót trong thảm họa.
Bà Isabelle Dessez - người dân Pháp - nói: "Khi đồng hồ chạm mốc 9h30 sáng, tôi đã phải kiểm tra xem vòi còn nước không và tôi ngay lập tức dùng chai và bát để trữ nước. Trước khi nấu ăn, tôi cũng phải tính trước trường hợp nước bị cắt, vì vậy tôi phải hoàn thành mọi thứ nhanh chóng".
Theo Cục Nghiên cứu Địa chất và Khai thác mỏ của Pháp, trong thời gian gần đây, mặc dù mực nước ngầm đang mức cao ở hầu hết nước Pháp, tình hình vẫn nghiêm trọng ở nhiều tỉnh miền Nam nước này. Làng Durban-Corbières đã ghi nhận năm 2023 là năm có lượng mưa thấp nhất trong vòng 20 năm qua và tình trạng trên cho đến nay vẫn chưa cải thiện.
Ông Alain Laborde - Trưởng làng Durban-Corbières - cho biết: "Trên đường đi tới đây, bạn sẽ thấy con sông chảy qua làng của chúng tôi đã khô cạn. Chúng tôi đã không thấy nước chảy trên con sông này hơn 2 năm rồi".
Phải gồng mình trước nắng nóng và thiếu nước trầm trọng, nhiều người dân địa phương đã thử nhiều phương pháp để duy trì cuộc sống thường ngày, ví dụ như sử dụng túi tắm làm nóng bằng năng lượng Mặt trời.
Trước đó, 4 tỉnh của Pháp đã ban bố tình trạng khủng hoảng do hạn hán. Người dân thậm chí còn bị cấm rửa xe, tưới cây và bơm nước vào hồ bơi. Chính quyền làng Durban cũng cảnh báo tình trạng khô hạn nhiều khả năng sẽ xảy ra tại các địa phương khác trong một vài năm tới. Nhiều người dân địa phương mong rằng cuộc khủng hoảng nước sẽ là cơ hội để nâng cao nhận thức tiết kiệm nước, đặc biệt với trẻ em trên toàn nước Pháp.
Pháp chờ có thủ tướng mới, tình hình ở Trung Đông là hai trong số những chủ đề được các tờ báo Pháp quan tâm nhất hôm nay 23/08/2024.
Trang nhất và bài xã luận của tờ Le Figaro chạy tựa “Đi tìm loài chim qúy hiếm” nhận định tổng thống Macron đang tìm kiếm một thủ tướng dày dặn kinh nghiệm và biết cách đoàn kết mọi người. Đồng thời, chủ nhân điện Elysée cũng mong muốn một thủ tướng không có tham vọng ra tranh cử tổng thống vào năm 2027. Emmanuel Macron tiếp tục hành trình tuyệt vọng tìm kiếm loài chim quý hiếm, trong bối cảnh ông không thể dựa vào các cuộc thăm dò để tìm ra một thủ tướng lý tưởng, bởi theo những thăm dò mới nhất, trớ trêu thay, thủ tướng từ nhiệm Gabriel Attal vẫn là nhân vật mà người dân Pháp muốn giữ lại ở điện Matignon.
Liệu buổi họp bàn của tổng thống với các lãnh đạo của phe đối lập có làm thay đổi tình hình hay không ? Đó là một ẩn số, bởi mỗi đảng đều có những quan điểm khác nhau. Lập trường của các đảng đã được xác định từ ngày 07/07 khi đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (RN) và đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất (LFI) để mắt tới cuộc bầu cử tổng thống 2027, còn đảng cánh tả Xã Hội (PS) và đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa (LR) dường như miễn cưỡng chấp nhận viễn cảnh “chung sống” chính trị (cohabitation).
Nhật báo thiên hữu cho rằng tổng thống Macron sẽ không tìm ra giải pháp từ các đảng phái mà từ các cá nhân. Trong cuộc tìm kiếm “con cừu năm chân”, Emmanuel Macron phải tìm ra một nhân vật có kinh nghiệm trong nghệ thuật đàm phán, đồng thời đủ vững vàng để đối mặt với một Quốc Hội sôi sục, trong đó có 11 nhóm chính trị, điều chưa từng có trước đây. Có kinh nghiệm chính trị là một lợi thế trong bối cảnh này, nhưng những cái tên được đề cập nhiều như Bernard Cazeneuve hay Xavier Bertrand dường như khó giúp cho chính trường Pháp thoát khỏi bế tắc.
Vẫn còn giả thuyết về cái gọi là nhân vật “xã hội dân sự”, một công chức cao cấp hay một chủ doanh nghiệp, lên lãnh đạo chính phủ. Tuy nhiên, Le Figaro nhận định ngay cả trong trường hợp một Mario Draghi phiên bản Pháp xuất hiện, điều đó không chắc sẽ đáp ứng được nguyện vọng của người dân Pháp, đã bỏ phiếu ồ ạt trong cuộc bầu cử lập pháp vừa qua để gửi thông điệp chính trị tới Emmanuel Macron. Họ xứng đáng có một chính phủ có thể hành động, chứ không phải một nhóm “siêu lãnh đạo” chỉ biết làm nền.
Chỉ định thủ tướng : Vở kịch của tổng thống Macron
Trang nhất của tờ Libération cũng quan tâm đến cùng chủ đề. Bài xã luận của nhật báo thiên tả chạy tựa “Macron và Matignon, vở kịch kéo dài quá lâu” mỉa mai rằng tất cả các diễn viên đều đã thuộc lời thoại như lòng bàn tay, sau khi đã có cả một mùa hè để tập dượt. Khán giả ngồi trong khán phòng, bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, đã biết tỏng nội dung vở kịch, nhưng dường như vẫn hy vọng sẽ khám phá được những điều mới mẻ.
Chính trị là một chủ đề nghiêm túc, thế nhưng từ 47 ngày qua, chính trường Pháp đã hoàn toàn bị tê liệt. Tổng thống Macron đã chọn giải pháp coi chính trường như một năm học, qua việc thong thả tận hưởng một mùa hè Thế Vận Hội và phớt lờ những lời kêu gọi bổ nhiệm thủ tướng mới của liên minh cánh tả NFP.
Libération nhận định quãng thời gian chờ đợi vừa qua nằm trong khuôn khổ “chiến dịch gạn lọc” của điện Elysée. Mong muốn lớn nhất của Emmanuel Macron là phá vỡ sự gắn kết của liên minh cánh tả, điều mà chủ nhân điện Elysée đã không lường trước. Ông muốn áp dụng trở lại những gì đã tạo nên ADN của mình cách đây 7 năm, với một chính phủ bao gồm cả cánh hữu lẫn cánh tả, hay lý tưởng nhất là cánh hữu và cánh trung.
Những cuộc tham vấn tại Elysée hoàn toàn mang tính hình thức và chỉ có mục đích khiến khán giả mòn mỏi chờ đợi trước khi bức màn vén lên và để lộ ra vị khách bất ngờ, người sẽ tiến vào điện Matignon, nhân vật mà chỉ mình Emmanuel Macron biết danh tính. Tờ báo kết luận rằng sau ngần ấy năm cầm quyền, và ngay cả khi ánh hào quang của mình đang dần lụi tàn, nam diễn viên chính vẫn cố chứng tỏ rằng vở kịch không thể được diễn nếu không có sự góp mặt của mình.
Israel gây áp lực với Tòa án Hình sự Quốc tế
Về thời sự ở Trung Đông, trang nhất của nhật báo Le Monde đề cập đến việc Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) phải chịu áp lực từ phía Israel về những gì đang hoành hành ở dải Gaza. Để tránh việc tòa án nói trên ban hành lệnh bắt giữ thủ tướng Benjamin Netanyahu và bộ trưởng Quốc Phòng Yoav Gallant, Nhà nước Do Thái cùng với một số nước phương Tây, đang gia tăng các hành động cản trở tòa án thực thi quyền hành.
Các biện pháp trả đũa ngoại giao nhắm vào Na Uy, được Israel công bố ngày 08/08, là ví dụ điển hình về việc Israel gây áp lực với ICC. Ngoại trưởng Israel Israël Katz đã chỉ trích Oslo trong việc công nhận Palestine vào cuối tháng 5 và tham gia “phiên tòa vô căn cứ chống lại Israel tại ICC”. Trước đó hôm 20/05, công tố viên ICC Karim Khan đã đề nghị tòa ban hành lệnh bắt giữ Benjamin Netanyahu và Yoav Gallant.
Ba tuần sau đó, Vương Quốc Anh dự phiên tòa với tư cách là amicus curiae (người bạn của tòa án), có nhiệm vụ cung cấp ý kiến chuyên môn cho các thẩm phán. Tại phiên tòa, Luân Đôn khẳng định Hiệp định Oslo, được Israel và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) ký vào năm 1993 tại Nhà Trắng, không cho phép Palestine yêu cầu tòa án điều tra tội ác của Israel như Palestine đã từng làm hồi năm 2018. Yêu cầu này của Palestine đã buộc ICC mở cuộc điều tra vào tháng 03/2021, nhưng cho đến nay, tòa vẫn chưa ban hành lệnh bắt giữ với hai quan chức nêu trên.
Cách đây 3 năm, các thẩm phán ICC đã cho phép Anh Quốc nộp bản tóm tắt dài 10 trang để tòa nghiên cứu. Le Monde nhận định sau khi chấp nhận yêu cầu của Luân Đôn, các thẩm phán ICC đã vô hình trung cho phép nhiều đối tượng khác can thiệp, tạo thuận lợi cho “chiến dịch câu giờ” của Israel. ICC đã nhận được hơn 60 ý kiến từ các giáo sư luật quốc tế, luật sư, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức tư vấn, một thượng nghị sĩ Mỹ, các cựu tướng lĩnh Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO), các chuyên gia từ Liên Hiệp Quốc cùng với ý kiến của khoảng 20 quốc gia. Trong số đó có ý kiến của Na Uy, nước tuyên bố đóng vai trò trung gian hòa giải trong các cuộc đàm phán với Hiệp định Oslo, nhưng nay phải đối mặt với sự trả đũa ngoại giao từ Nhà nước Do Thái.
Những bất đồng giữa Israel và Hamas về hai “hành lang” ở Gaza
Vẫn về Trung Đông, tờ Les Echos có bài viết nhận định những bất đồng giữa Israel và tổ chức Palestine Hamas trong việc kiểm soát hai “hành lang” ở dải Gaza có nguy cơ khiến đàm phán ngưng bắn thất bại và khiến chiến tranh lan ra toàn bộ khu vực.
Bất chấp mọi nỗ lực của Hoa Kỳ, Washington vẫn chưa tìm ra giải pháp thần kỳ nào để giải quyết vấn đề này. Điều đáng lo ngại là trong trường hợp các cuộc đàm phán giữa hai bên đổ bể, Iran và tổ chức Hezbollah tại Liban có thể sẽ nhảy vào cuộc, gây ra một cuộc chiến tranh khu vực chống lại Nhà nước Do Thái.
“Hành lang” đầu tiên được quân đội Israel ngẫu nhiên đặt biệt danh là Philadelphia, một dải lãnh thổ dài 14 km và rộng khoảng 100 mét, chạy dọc theo toàn bộ biên giới phía nam Gaza với Ai Cập. Quân đội Israel kiểm soát hoàn toàn “hành lang” này, đặc biệt là cửa khẩu Rafah, vào cuối tháng 5. Kể từ đó, Israel bắt tay vào cuộc săn lùng ngầm. 20 đường hầm đi qua biên giới Ai Cập cùng với 82 lối vào đã bị phát hiện và phá hủy.
Mục tiêu của Nhà nước Do Thái là ngăn chặn Hamas buôn lậu vũ khí và cản trở lực lượng vũ trang của tổ chức Palestine tự do di chuyển. Đối với thủ tướng Benjamin Netanyahu, quân đội Israel sẽ phải luôn hiện diện ở khu vực này.
Về phần mình, Ai Cập, giống như Hamas, cũng phản đối sự hiện diện quân sự của Israel và mong muốn phía Palestine, không nhất thiết từ phe Hamas, chịu trách nhiệm quản lý đồn biên giới Rafah. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, trong chuyến công du khu vực này những ngày qua, đã cố gắng đề xuất các công thức thỏa hiệp, nhưng hiện tại đều không mang lại kết quả.
“Hành lang” thứ hai có biệt danh là Netzarim, đặt theo tên của một trong những khu định cư mà Israel đã dỡ bỏ trong quá trình rút quân vào năm 2005. “Hành lang” này kéo dài hơn 6,5 km và cắt ngang phần giữa của dải Gaza. Quân đội Israel đã thiết lập một số vị trí ở khu vực này để từ đó tiến hành các hoạt động trên khắp dải Gaza.
Nhật báo kinh tế kết luận trong trường hợp đàm phán liên quan đến những “hành lang” nói trên thất bại, Iran và Hezbollah có thể sẽ biến những lời hăm dọa trả đũa quy mô lớn chống lại Israel thành hiện thực, sau khi thủ lĩnh chính trị của Hamas, Ismaïl Haniyeh, và lãnh đạo quân sự của Hezbollah, Fouad Chokr, bị Israel hạ sát lần lượt ở Teheran và Beirut.
Pháp : Tuần hành ở Bretagne kêu gọi Iran trao trả con tin
Quay trở lại Pháp, tờ La Croix dành bài xã luận nói về cuộc tuần hành sẽ được tổ chức vào cuối tuần này tại vùng Bretagne, phía tây nước Pháp, để kêu gọi Teheran trả tự do cho ba công dân Pháp bị giam giữ ở Iran.
Tên của họ là Cécile Kohler, Jacques Paris và Olivier (họ không được công khai). Cả ba hiện đang bị giam giữ ở Iran. Cécile Kohler và Jacques Paris bị giam từ ngày 07/05/2022 vì tội “gián điệp”. Bị tước đoạt tự do một cách tàn bạo khi đi du lịch ở Iran, họ bị Cộng Hòa Hồi Giáo sử dụng trong chiến lược “ngoại giao con tin” đáng ghê tởm, bao gồm việc bỏ tù những công dân phương Tây và biến họ thành những con bài thương lượng trong các cuộc đàm phán cấp Nhà nước.
Có rất ít thông tin về điều kiện giam giữ, nhưng nhiều khả năng họ bị giam trong khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt nhất của nhà tù Evin ở Teheran. Cũng không ai biết Paris đã có những biện pháp gì để giải cứu những con tin này. Các cuộc đàm phán có tiến triển tốt ? Hay chính phủ Pháp đang tỏ ra cứng rắn ? Các tù nhân và gia đình đang chờ đợi trong nỗi thống khổ khôn lường, sau khi trở thành nạn nhân của chiến lược “ngoại giao con tin”.
Nhật báo Công Giáo cho rằng tất cả mọi người đều có khả năng giúp đỡ những con tin này, qua việc luôn nhớ về họ, không để ký ức của họ bị chôn vùi bởi sự im lặng trôi theo thời gian. Bởi vậy, Cécile Kohler, Jacques Paris và Olivier sẽ là tâm điểm của sự chú ý vào cuối tuần này tại Paimpol, nơi tổ chức một cuộc tuần hành quy tụ các thành viên trong gia đình họ và một số cựu con tin để kêu gọi Iran trả tự do cho ba tù nhân nói trên. Đây cũng là cơ hội để tưởng nhớ những công dân châu Âu khác (Thụy Điển, Đức, Anh Quốc và Áo) bị chế độ Teheran giam giữ một cách tùy tiện, trong bối cảnh hàng trăm người Iran bị bắt và đôi khi bị xử tử mà không qua xét xử vì đã tham gia phong trao ủng hộ phụ nữ hay tự do. Cầu mong cho tất cả những người này, từ chốn ngục tù, có thể lắng nghe rằng họ không bị lãng quên.
Ngày 22-8, ông Gergely Gulyas - Chánh Văn phòng Thủ tướng Hungary đã bày tỏ phản đối việc Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) yêu cầu nước này nộp phạt vì không tuân thủ các quy định của Liên minh châu Âu (EU) liên quan vấn đề người tị nạn. Quan chức này cũng cảnh báo Hungary sẽ đưa người di cư đến Brussels nếu EU tiếp tục yêu cầu nước này tiếp nhận thêm những người xin tị nạn.
Tháng 6 vừa qua, ECJ đã ra phán quyết Hungary phải nộp phạt 200 triệu euro, cùng mức phạt 1 triệu euro/ngày cho đến khi nước này đưa ra quyết định chính sách phù hợp với luật của EU. Theo ECJ, khoản phạt trên là do Budapest cố tình trốn tránh việc tuân thủ luật của EU, bất chấp phán quyết của tòa năm 2020 yêu cầu quốc gia thành viên này phải duy trì các thủ tục quốc tế đối với người xin tị nạn.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, phát biểu tại cuộc họp báo ở Budapest, ông Gulyas cảnh báo Hungary “sẵn sàng cung cấp vé 1 chiều tới Brussels cho người di cư nếu EU khiến cho việc ngăn chặn được tình trạng di cư ở bên ngoài biên giới không thể thực hiện được”.
Chánh Văn phòng Thủ tướng Hungary cũng nhắc lại lập trường của Budapest kiên quyết phản đối Hiệp ước châu Âu về di cư và tị nạn, trong đó có việc áp hạn ngạch tiếp nhận người di cư đối với các quốc gia thành viên. Ông nhấn mạnh Budapest vẫn cam kết duy trì chủ quyền và kiểm soát các chính sách của nước này, trong đó có lĩnh vực di cư.
Trong một tuyên bố, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho rằng phán quyết trên của ECJ là “thái quá và không thể chấp nhận được”. Trước đó, ông cũng chỉ trích EU “cưỡng ép” Hungary và Ba Lan thông qua việc áp đặt Hiệp ước châu Âu về di cư và tị nạn đối với hai nước này. Thủ tướng Hungary tuyên bố Budapest không có ý định đàm phán bất cứ điều gì với EU về vấn đề di cư trong những năm tới. Thay vào đó, nước này sẽ tập trung vào việc bảo vệ biên giới ngăn chặn làn sóng người di cư.
Hungary áp dụng chính sách cứng rắn, kiểm soát người di cư vào nước này kể từ khi diễn ra làn sóng người di cư ồ ạt đến châu Âu năm 2015. Theo đó, nước này dựng hàng rào biên giới và tìm cách chặn người di cư. Sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát năm 2020, Chính phủ Hungary đã thông qua luật quy định những người di cư tìm kiếm sự bảo vệ quốc tế phải đến Belgrade (Serbia) hoặc Kiev (Ukraine) xin giấy phép du lịch tại các đại sứ quán ở đó để vào Hungary.
EU đã phản đối quy định trên, đề nghị ECJ phạt Hungary vì không thực hiện nghĩa vụ theo quy định của khối yêu cầu tất cả các nước thành viên áp dụng thủ tục chung về cấp quyền tị nạn.
Nguồn: BBC; Thanh Niên; VTV; RFI; Báo Cần Thơ
EU: Vì sao lũ lụt; Doanh số bán ô tô mới giảm; NK dầu phá kỷ lục; Chính phủ mới ở Pháp gặp áp lực; Áo chia rẽ vì khí đốt Nga
EU: Nguy cơ thiếu khí đốt; Học mô hình kinh tế của Mỹ; Ống ngầm xuyên liên minh; Ác mộng với các công ty; Nợ công Pháp tiếp tục tăng
EU: Nỗ lực chặn người di cư; Khả năng ECB giảm lãi suất; DN phụ thuộc hàng TQ; Siết quy định các dự án hydro; Họp bất thường vì Liban
EU: Thành tựu chống lũ; Chia rẽ vì thuế xe điện TQ; Bài toán chuỗi cung ứng; Hoãn luật chống phá rừng; Anh nhượng chủ quyền đảo Chagos
EU: Chi tiêu tiết kiệm; Quân sự hóa kinh tế; Biểu tình phản đối xung đột ở Gaza; Tiếp tục ủng hộ Ukraine; Macron ‘sát muối’ vào Israel
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá