EU: Oằn mình với biến động; Vấn đề Bắc Ireland; Quan hệ Pháp-Phi; Đức: Biểu tình ở Berlin, Phản ứng bình luận của Mỹ

Châu Âu vẫn đang "oằn mình" với nhiều biến động

(Ảnh minh họa).

Sau khủng hoảng năng lượng là tăng trưởng thấp và lạm phát dai dẳng.

Sau 3 năm đóng cửa vì đại dịch, bùng nổ số ca nhiễm hậu mở cửa, chiến tranh, chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn và lạm phát mới hình thành, các nhà hoạch định chính sách châu Âu cho rằng 2023 sẽ là năm lục địa già này trở lại trạng thái bình thường mới với mức tăng trưởng khá và lạm phát dưới 2%. Thực tế thì nền kinh tế châu Âu đang bình ổn trở lại. Nhưng thật không may, trạng thái bình thường mới có thể tệ hơn những gì mà các nhà kinh tế dự đoán.

Nói về mặt tích cực, khu vực đồng euro đã chứng tỏ khả năng phục hồi đáng kể sau cú sốc chiến tranh Nga - Ukraine và cuộc khủng hoảng năng lượng. Khí đốt giờ đây đã rẻ hơn so với trước khi xảy ra xung đột, sau khi giá tăng vọt vào mùa hè năm ngoái. Các chính phủ không bị ép buộc phải phân bổ năng lượng nữa, một phần nhờ thời tiết ấm áp bất thường. Lạm phát toàn phần, đạt mức kỷ lục 10,6% trong tháng 10, đang theo đà giảm.

Không như một số dự đoán cực đoan trước đó rằng ngành công nghiệp sẽ sụp đổ vì chi phí năng lượng. Tại Đức, các nhà máy sử dụng nhiều năng lượng đã chứng kiến ​​sản lượng giảm 1/5 kể từ khi chiến tranh bắt đầu, do hàng nhập khẩu bắt đầu thay thế sản xuất trong nước. Nhưng tổng sản lượng chỉ giảm 3% vào cuối năm, tương đương với xu hướng trước đại dịch. Cuộc khảo sát mới nhất của Viện Nghiên cứu Kinh tế IFO cho thấy các nhà sản xuất vẫn lạc quan như trước COVID-19.

Mặc dù nền kinh tế Đức suy giảm nhẹ trong quý IV/2022, nhưng khu vực đồng euro đã thách thức những kỳ vọng về suy thoái kinh tế. Theo dự báo mới nhất của Ủy ban châu Âu, tăng trưởng của khối trong quý này sẽ không thụt lùi. Các cuộc khảo sát tâm lý thị trường gần đây cũng củng cố cho báo cáo này. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đã tăng lên trong những tháng gần đây, cho thấy một bức tranh tươi sáng hơn trong lĩnh vực sản xuất và đặc biệt là dịch vụ.

Sự ổn định kinh tế giúp mọi người có việc làm. Số lượng việc làm trên toàn khối đã tăng trở lại vào quý IV/2022. Tỉ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất kể từ khi đồng euro ra đời vào năm 1999; trong các cuộc khảo sát, các công ty cho thấy sự “thèm muốn” đối với lao động mới. Và việc làm sẽ tác động đến mức chi tiêu. Theo nhà kinh tế Jens Eisenschmidt của Ngân hàng Morgan Stanley, mặc dù giá năng lượng cao nhưng mức tiêu thụ vẫn đóng góp 0,5 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng hàng quý trong quý II và quý III/2022. Ở nhiều quốc gia, “cú sốc năng lượng" cần có thời gian để ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Nhưng trong thời gian đó thì các gói hỗ trợ tài chính từ chính phủ đã giúp các hộ gia đình chi tiêu.

Câu hỏi đặt ra hiện tại là các chính phủ sẽ hỗ trợ trong bao lâu. Các hộ gia đình bắt đầu thắt chặt hầu bao vào quý IV/2022. Tại Áo và Tây Ban Nha, nơi có số liệu GDP chi tiết, mức tiêu dùng đã kéo tăng trưởng hàng quý xuống 1 điểm phần trăm. Thương mại bán lẻ trong khu vực đồng euro đã giảm 2,7% trong tháng 12 so với tháng trước đó. Tiểu bang sẽ ngưng tài trợ và xóa bỏ mức giá trần trong năm nay. Khiến lượng tiêu thụ năng lượng trở thành một câu hỏi lớn.

Trong khi đó, lạm phát đang có dấu hiệu “ngoan cố”. “Ở EU, người tiêu dùng sẽ phải chịu áp lực giá bán buôn năng lượng theo 27 cách khác nhau, đó là một cơn ác mộng”, một quan chức Ủy ban EU quan ngại. Một số áp lực về giá vẫn có thể xảy ra - như trường hợp ở Đức, nơi giá năng lượng trong tháng 1 tăng 8,3% so với tháng 12. Ngay cả khi giá bán buôn ổn định ở mức thấp hơn hiện tại, giá hộ gia đình có thể thất thường.

Thị trường việc làm tăng trưởng mạnh của châu Âu có thể làm tăng lạm phát. Giá cả cao và tình trạng thiếu lao động, có khả năng trở nên tồi tệ hơn khi người già nghỉ hưu và ít thanh niên tham gia lực lượng lao động hơn, điều đẩy mức lương lên cao. Ở Hà Lan, tiền lương đã tăng 4,8% trong tháng 1 so với 1 năm trước đó, sau khi chỉ tăng 3,3% vào năm 2022 và 2,1% vào năm 2021.

Dữ liệu từ Indeed, một trang web tuyển dụng, cho thấy tiền lương ở khu vực đồng euro có xu hướng nối đuôi lạm phát. Điều này cho thấy không có dấu hiệu của việc "hạ cánh mềm”. Chỉ số giá tiêu dùng, không bao gồm thực phẩm và năng lượng, đã tăng 7% trong năm tính đến tháng 1. Đặc biệt, các dịch vụ phải đối mặt với chi phí tăng mạnh, theo khảo sát của PMI, dẫn đến lạm phát cao hơn nữa.

Điều này khiến Ngân hàng Trung ương châu Âu không còn lựa chọn nào khác ngoài việc giữ lãi suất cao. Thị trường kỳ vọng lãi suất sẽ tăng từ 2,5-3,7% vào mùa hè. Do đó, dòng tiền chảy vào các doanh nghiệp và hộ gia đình sẽ hạn chế hơn, ảnh hưởng đến đầu tư. Theo khảo sát cho vay của Ngân hàng, các tiêu chuẩn tín dụng đã được thắt chặt. Ông Eisenschmidt lập luận rằng hầu hết tác động của việc thắt chặt tiền tệ vẫn chưa được cảm nhận.

Khu vực đồng euro có thể đã thoát khỏi suy thoái cho đến hiện tại, nhưng triển vọng của khối - nơi lạm phát cơ bản vẫn tiếp diễn, lãi suất cao và nền kinh tế đuối sức - hầu như không mấy dễ chịu. IMF dự đoán mức tăng trưởng của EU đạt 0,7% vào năm 2023. Trong khi đó, Mỹ cũng phải đối mặt với tình trạng lạm phát nghiêm trọng không kém, và việc mở cửa trở lại của Trung Quốc đã không mang lại nhiều động lực cho khối. Một bình thường mới đầy nghiệt ngã với EU.

(Nguồn: Nhịp Cầu Đầu Tư)

Anh, EU đạt được thỏa thuận mới thay thế cho Nghị định thư Bắc Ireland

Vấn đề Bắc Ireland là một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất liên quan đến việc Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit) vào năm 2020.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak hôm 27/2 đã ký một thỏa thuận với Liên minh châu Âu (EU) về các quy tắc thương mại hậu Brexit đối với Bắc Ireland, tuyên bố rằng thỏa thuận này sẽ mở đường cho một chương mới trong mối quan hệ của London với khối này.

Phát biểu tại một cuộc họp báo bên cạnh Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen ở Windsor, ngay bên ngoài London, Thủ tướng Rishi Sunak nói rằng thỏa thuận mới, được gọi là “Khuôn khổ Windsor”, sẽ mang lại “thương mại trôi chảy” trong Vương quốc Anh, “bảo vệ vị trí của Bắc Ireland” ở Vương quốc Anh và “bảo vệ” chủ quyền đối với Bắc Ireland.

Ông Sunak ngay lập tức giành được sự khen ngợi từ các nhóm kinh doanh, những người hoan nghênh việc nới lỏng các quy tắc thương mại và lời hứa của EU rằng họ sẽ sẵn sàng cho phép các nhà khoa học Anh tham gia chương trình nghiên cứu rộng lớn của mình nếu đảng của ông Sunak chấp nhận thỏa thuận.

Thỏa thuận đánh dấu một chiến lược rủi ro cao cho ông Sunak chỉ 4 tháng sau khi ông nhậm chức. Vị Thủ tướng da màu đầu tiên của nước Anh đang tìm cách duy trì mối quan hệ được cải thiện với EU – và Mỹ – mà không chọc giận phe trung thành với Brexit trong chính đảng của mình.

Thỏa thuận này tìm cách giải quyết những căng thẳng do Nghị định thư Bắc Ireland gây ra, một thỏa thuận phức tạp đặt ra các quy tắc giao dịch cho khu vực do Anh quản lý mà London đã đồng ý trước khi rời EU nhưng giờ đây cho biết là không thể thực hiện được.

Thành công của “Khuôn khổ Windsor” có thể phụ thuộc vào việc liệu nó có thuyết phục được Đảng Dân chủ hợp nhất Bắc Ireland (DUP) chấm dứt tẩy chay các thỏa thuận chia sẻ quyền lực ở Bắc Ireland hay không. Đây là trọng tâm của thỏa thuận hòa bình năm 1998 được gọi là Thỏa thuận Thứ Sáu Tuần Thánh, phần lớn đã chấm dứt 3 thập kỷ bạo lực giáo phái và chính trị ở Bắc Ireland.

“Tôi vui mừng thông báo rằng chúng ta hiện đã đạt được một bước đột phá mang tính quyết định”, ông Sunak nói về “Khuôn khổ Windsor”. “Đây là sự khởi đầu của một chương mới trong mối quan hệ của chúng ta”.

Vấn đề Bắc Ireland là một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất liên quan đến việc Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit) vào năm 2020. Việc quay trở lại biên giới cứng giữa Bắc Ireland và Ireland, một thành viên EU, có thể gây nguy hiểm cho thỏa thuận hòa bình.

Nhưng vẫn còn phải xem liệu các điều khoản mới có đi đủ xa để chấm dứt bế tắc chính trị ở Bắc Ireland hay không, nơi nhận thức rằng Nghị định thư nới lỏng quan hệ với Anh đã khiến nhiều thành viên có tư tưởng hợp nhất Bắc Ireland tức giận.

Ông Sunak cũng ca ngợi việc bảo đảm thực hiện “phanh Stormont” – công cụ cho phép Stormont (hội đồng khu vực) ngăn chặn bất kỳ “sự thay đổi nào đối với các quy tắc hàng hóa của EU mà có tác động đáng kể và lâu dài đến cuộc sống hàng ngày” của người dân và doanh nghiệp trong khu vực. Ông Sunak cũng cho biết rằng điều đó sẽ trao cho London quyền phủ quyết đối với các quy tắc mới.

Bà Von der Leyen cho biết bà hy vọng có thể tránh được “phanh Stormont” nếu hai bên tham khảo ý kiến của nhau một cách rộng rãi khi đưa ra luật mới và những thay đổi về quy định

(Nguồn: Người Đưa Tin)

Pháp giảm hiện diện quân sự, định hình lại quan hệ với châu Phi

(Ảnh minh họa).

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng châu Phi không nên trở thành “sân sau” hoặc là khu vực cạnh tranh giữa các nước lớn.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày mai (1/3) sẽ lần thứ ba đến châu Phi, thăm 4 quốc gia thuộc khu vực Trung Phi gồm Gabon, Angola, Congo và Cộng hòa Dân chủ Congo. Trước thềm chuyến thăm, ông Macron hôm qua (27/2) đã có bài phát biểu xác định mối quan hệ đối tác với châu Phi, trong đó nhấn mạnh đối quan hệ cân bằng Pháp - Phi, thay đổi vai trò và giảm dần sự hiện diện quân sự của Pháp tại châu Phi.

Trong bài diễn văn có ý nghĩa định hình lại mối quan hệ đối tác giữa Pháp với các nước châu Phi tại điện Élysée hôm qua (27/2), Tổng thống Pháp Macron nhấn mạnh châu Phi đang phải đối mặt với những tình huống chưa từng xảy ra trong lịch sử với hàng loạt thách thức to lớn về an ninh, khí hậu cho đến dân số, đặc biệt là tương lai của tầng lớp thanh niên.

Người đứng đầu nước Pháp kêu gọi các quốc gia, công ty và tổ chức quốc tế đầu tư mạnh mẽ vào châu Phi để giúp củng cố chính quyền và các cơ quan quản lý, nhất là trong các lĩnh vực như giáo dục, y tế, việc làm, đào tạo hay chuyển đổi năng lượng.

Tổng thống Pháp Macron cũng cho rằng châu Phi không nên trở thành “sân sau” hoặc là khu vực cạnh tranh giữa các nước lớn. Pháp chủ trương xây dựng mối quan hệ cân bằng dưới hình thức đầu tư hơn là viện trợ và chuyển đổi mô hình hợp tác với các đối tác châu Phi theo xu hướng khuyến khích sự tham gia nhiều hơn của người bản địa vào các thực thể của Pháp tại châu Phi.

Tổng thống Pháp Macron nhấn mạnh nước Pháp đang kết thúc một chu kỳ có xu hướng đặt mình ở tuyến đầu và đang lui dần về phía sau, đồng thời cho rằng ảnh hưởng của Pháp sẽ không còn được đo bằng các hoạt động quân sự và quân đội Pháp sẽ giảm sự hiện diện tại châu Phi.

“Sự chuyển đổi sẽ bắt đầu trong những tháng tới với việc giảm rõ rệt quân số của chúng tôi và tăng thêm quyền lực cho các đối tác châu Phi tại các căn cứ này. Tiếp đến, chúng tôi sẽ tăng cường vấn đề đào tạo, kèm cặp và hỗ trợ thiết bị ở mức độ tốt hơn”.

Pháp hiện vẫn duy trì khoảng 3.000 quân tại khu vực Trung Phi, giảm gần một nửa so với con số 5.500 binh sĩ trước đây.

Sau khi tái cử Tổng thống Pháp tháng 4/2022, ông Emmanuel Macron đã nhiều lần kêu gọi các nước châu Âu và Mỹ tăng cường quan hệ với châu Phi sau thời gian lãng quên. Trong mùa Hè năm 2022, người đứng đầu nước Pháp đã thực hiện hai chuyến thăm liên tiếp đến 7 quốc gia châu Phi bao gồm Guinée-Bissau, Cameroon, Bénin, Gabon, Angola, Congo và Cộng hoà dân chủ Congo.

Tuy vậy, quan hệ giữa Pháp với một số đối tác châu Phi thời gian qua vẫn ghi nhận nhiều sóng gió như căng thẳng ngoại giao với các quốc gia Bắc Phi như Morocco, Algéria, Tunisia liên quan đến chính sách cấp visa nhập cảnh hay đặc biệt là việc quân đội Pháp phải rời khỏi Mali và Burkina Faso sau những bất đồng không thể hoá giải với chính quyền quân sự tại các quốc gia này.

Cũng trong bài phát biểu hôm qua, Tổng thống Pháp Macron cho biết chính phủ Pháp đang soạn thảo một dự luật xác định các tiêu chí cần thiết cho phép hoàn trả lại các hiện vật lịch sử cho các nước châu Phi.

(Nguồn: VOV)

13.000 người Đức biểu tình phản đối chuyển vũ khí cho Ukraine

13.000 người tham gia cuộc biểu tình tại Berlin để phản đối việc chính quyền Thủ tướng Olaf Scholz cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Biểu tình mang tên "Đứng lên vì hòa bình" diễn ra cuối tuần trước, với đám đông tập trung quanh Cổng Brandenburg ở trung tâm Berlin, kêu gọi Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngừng chuyển giao thêm vũ khí cho Ukraine.

"Ngay bây giờ, bởi mỗi ngày lại thêm 1.000 sinh mạng mất đi và đưa chúng ta tiến gần hơn đến Thế chiến III", nhóm tổ chức biểu tình cho biết trên trang web của họ. Những người biểu tình mang theo biểu ngữ "Đàm phán, không leo thang" và "Không phải cuộc chiến của chúng ta".

Người biểu tình cũng kêu gọi đàm phán hòa bình để giải quyết xung đột Nga - Ukraine. Một số cuộc biểu tình nhỏ hơn diễn ra gần đó để bày tỏ ủng hộ Ukraine.

Người phát ngôn cảnh sát Berlin cho biết 13.000 người đã tham gia cuộc biểu tình phản đối chuyển vũ khí cho Ukraine, trong khi ban tổ chức tuyên bố có tới 50.000 người tham dự.

Khoảng 1.400 cảnh sát đã được chính quyền Berlin triển khai để duy trì trật tự. Người phát ngôn cảnh sát nói rằng không có dấu hiệu cho thấy các nhóm cánh hữu xuất hiện và cuộc biểu tình diễn ra ôn hòa.

Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner phản đối cuộc biểu tình này. "Bất cứ ai không đứng về phía Ukraine là đi ngược lại lịch sử", ông Lindner viết trên Twitter.

Tuy nhiên, chính trị gia đảng Cánh tả Sahra Wagenknecht tuyên bố cuộc biểu tình này sẽ là khởi đầu cho một phong trào đấu tranh vì hòa bình mới ở Đức, báo hiệu những cuộc tuần hành tương tự có thể được tổ chức thời gian tới.

Trong ngày chiến sự tròn một năm, phương Tây cam kết sẽ cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine, đồng thời áp đặt các biện pháp trừng phạt mới với Nga. Đức, cùng với Mỹ, là những bên cung cấp vũ khí lớn nhất cho Ukraine.

(Nguồn: Vnexpress)

Đức phản ứng với bình luận của Mỹ về gửi xe tăng Abrams cho Ukraine

(Ảnh minh họa).

Berlin đã bác bỏ bình luận của Nhà Trắng rằng Tổng thống Biden chỉ gửi xe tăng Abrams cho Ukraine theo yêu cầu của Đức.

Chính phủ Đức ngày 27/2 đã bác bỏ tuyên bố của Nhà Trắng rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ đồng ý chuyển giao xe tăng chiến đấu Abrams cho Ukraine khi Berlin trì hoãn việc xem xét khuyến nghị của các quan chức quân sự của nước này.

Phó phát ngôn viên chính phủ Đức Wolfgang Büchner cho biết trong một cuộc họp báo rằng quyết định cùng cung cấp xe tăng chiến đấu là sự đồng thuận từ quan điểm của Đức. Ông Büchner nói: “Đây là những cuộc đàm phán tốt, mang tính xây dựng, trong đó cả hai bên luôn quan tâm đến việc đi đến một cách tiếp cận chung".

Trước đó ngày 26/2, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói: “Ban đầu, Tổng thống (Biden) quyết định không gửi xe tăng Abrams vì Lầu Năm Góc cho biết chúng sẽ không hữu ích trên chiến trường trong cuộc xung đột này”.

Thay vào đó, ông Sullivan cho rằng xe tăng Leopard của Đức được coi là hữu ích nhất.

“Nhưng phía Đức đã nói với Tổng thống Biden rằng họ sẽ không sẵn sàng gửi xe tăng Leopard để tham gia cuộc xung đột cho đến khi Mỹ cũng đồng ý chuyển giao xe tăng Abrams”, ông Sullivan thông báo.

Ông Sullivan giải thích vì lợi ích của "sự thống nhất trong liên minh" và "để đảm bảo Ukraine có được thứ họ muốn", Tổng thống Biden đã đồng ý giao xe tăng Abrams mặc dù chúng không phải là thứ Ukraine cần nhất.

Tuy nhiên, ông Büchner nhắc lại một tuyên bố trước đó của người phát ngôn chính phủ Đức Steffen Hebestreit rằng Thủ tướng Olaf Scholz chưa bao giờ nói với Tổng thống Biden rằng việc giao xe tăng Leopard của Đức đi kèm với điều kiện chuyển giao xe tăng Abrams.

Thủ tướng Đức Scholz từ lâu đã do dự trong việc đơn phương gửi xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard của Đức. Ông Scholz, người dự kiến ​​sẽ đến thăm Nhà Trắng vào cuối tuần này, thường nhấn mạnh sự phối hợp chặt chẽ với Washington.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang