EU: Ô nhiễm từ LNG; Cảnh báo bong bóng cổ phiếu AI; Tích cực thay thế LNG Mỹ; ‘Ủng hộ’ trái phiếu quốc phòng; Khó ‘gồng gánh’ Kiev

KHÍ HÓA LỎNG GÂY Ô NHIỄM VƯỢT MỨC NGƯỠNG

Khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), từng được coi là giải pháp thay thế thân thiện với môi trường cho các tàu biển, thực tế lại gây ra lượng khí thải CO2 cao hơn đáng kể so với kỳ vọng.

Phóng viên TTXVN tại Brussels dẫn nghiên cứu mới đây của tổ chức Transport & Environment (T&E) cho biết việc nhập khẩu LNG vào Liên minh châu Âu (EU) tạo ra lượng khí thải nhiều hơn 30% so với dự đoán trước đây.

LNG ngày càng trở thành nguồn năng lượng được ưa chuộng tại châu Âu, được xem là một lựa chọn "sạch" và "linh hoạt". Năm 2023, hơn 120 tỷ m3 LNG đã được vận chuyển vào EU, đưa khối này thành nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới. Bỉ nằm trong số 5 quốc gia tiêu thụ nhiều LNG nhất châu Âu.

Nhằm thúc đẩy việc giảm khí thải nhà kính trong vận tải biển, tháng 7/2023, EU đã thông qua quy định FuelEU, khuyến khích sử dụng các loại nhiên liệu tái tạo với mục tiêu đạt trung hòa carbon vào năm 2050.

Tuy nhiên, nghiên cứu của T&E đã đặt câu hỏi về tính bền vững của LNG khi chỉ ra rằng khí đốt này, dù ít phát thải CO2 hơn trong quá trình đốt, nhưng lại tiềm ẩn những rủi ro môi trường nghiêm trọng trong các giai đoạn khác của vòng đời.

LNG chủ yếu được nhập khẩu từ Mỹ, Nga, Qatar và Algeria. Trong đó, nguồn LNG từ Mỹ, vốn chiếm ưu thế trên thị trường EU, được khai thác chủ yếu từ khí đá phiến thông qua kỹ thuật phá hủy thủy lực.

Theo ông Francesco Contino, giảng viên tại Đại học UCLouvain (Bỉ), kỹ thuật này đòi hỏi phá vỡ các lớp đá dưới lòng đất để giải phóng khí, đồng thời tiêu tốn lượng lớn nước và hóa chất. Quá trình này không chỉ làm rò rỉ methane – khí nhà kính có sức ảnh hưởng lớn hơn CO2 – vào không khí mà còn gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước ngầm.

Sau khi được khai thác, LNG phải được làm lạnh tới -160°C để hóa lỏng và vận chuyển trên các tàu chuyên dụng. Tuy nhiên, nhiệt độ chênh lệch lớn giữa LNG và môi trường bên ngoài làm một phần khí dễ bị bay hơi trong quá trình vận chuyển, đặc biệt khi di chuyển trên những quãng đường dài.

T&E cho rằng quy định FuelEU có thể đã đánh giá thấp tác động của lượng LNG nhập khẩu đối với khí hậu. Nghiên cứu cho thấy lượng khí thải thực tế từ LNG là 24,4 gCO₂e/MJ, cao hơn 30% so với mức 18,5 gCO₂e/MJ mà EU sử dụng trong tính toán. Một tàu container lớn chạy bằng LNG có thể thải ra thêm 2.731 tấn CO2 mỗi năm so với dự tính.

Dự kiến, trong 5 năm tới, 25% tàu thuyền trên thế giới sẽ sử dụng LNG làm nhiên liệu. Dù vậy, T&E cảnh báo EU cần nhanh chóng điều chỉnh các giá trị trong quy định FuelEU để phản ánh chính xác hơn tác động thực tế của LNG lên môi trường.

Bà Inesa Ulichina, thành viên của T&E, nhấn mạnh dù quy định hiện tại giúp LNG trở nên hấp dẫn, nhưng đây không phải là giải pháp lâu dài. Bà nhấn mạnh: "Khí tự nhiên hóa lỏng không bao giờ là một giải pháp bền vững. Chúng ta cần tìm ra những phương án thực sự cho tương lai".

Nếu không thay đổi chiến lược, mục tiêu giảm phát thải carbon trong vận tải biển của EU có nguy cơ thất bại, gây ảnh hưởng lớn đến tham vọng xây dựng một châu Âu xanh và bền vững.

 

 

CẢNH BÁO BONG BÓNG CỔ PHIẾU AI

Ngày 20/11, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cảnh báo rằng bong bóng cổ phiếu liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) có thể phát nổ bất ngờ nếu kỳ vọng lạc quan của nhà đầu tư không được đáp ứng.

Cảnh báo này nằm trong báo cáo Đánh giá Ổn định Tài chính của ECB, liệt kê hàng loạt rủi ro từ chiến tranh, thuế quan đến những lỗ hổng trong hệ thống ngân hàng.

ECB - ngân hàng trung ương của 20 quốc gia sử dụng đồng euro - lưu ý rằng thị trường chứng khoán, đặc biệt là ở Mỹ, đang ngày càng phụ thuộc vào một số ít công ty đang hưởng lợi từ xu hướng bùng nổ của AI.

ECB cho biết: "Sự tập trung vào một vài công ty lớn làm dấy lên lo ngại về khả năng hình thành bong bóng giá tài sản liên quan đến AI". Ngoài ra, theo ngân hàng này, trong bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu hội nhập sâu rộng, sẽ xuất hiện nguy cơ lan tỏa tiêu cực trên toàn cầu nếu kỳ vọng lợi nhuận của các công ty này không đạt được.

Trong số các rủi ro khác, ECB cảnh báo Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) dễ bị tổn thương trước sự phân mảnh thương mại ngày càng sâu sắc - mối lo ngại chính đối với các nhà hoạch định chính sách và nhà đầu tư kể từ khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ hồi đầu tháng này.

Ông Donald Trump đã đưa thuế quan trở thành một yếu tố then chốt trong chiến dịch tranh cử của mình và một số nhà hoạch định chính sách của ECB cho biết các biện pháp này, nếu được thực hiện, sẽ gây tổn hại cho tăng trưởng ở Eurozone.

ECB cũng lưu ý rằng các chính phủ ở Eurozone - đặc biệt là Italy và Pháp - sẽ phải đi vay với lãi suất cao hơn nhiều trong thập kỷ tới, làm tăng thêm sự cần thiết của các chính sách tài khóa thận trọng.

 

 

EU TÍCH CỰC TÌM NGUỒN CUNG THAY THẾ LNG MỸ

Không dễ để châu Âu đoạn tuyệt với nguồn cung khí đốt từ Nga, nhất là khi Mỹ chưa thể thay thế hoàn toàn.

Thế giới phương Tây gần đây đã bị sốc trước thông tin nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Nga vào Pháp đã đạt mức kỷ lục, cao nhất trong 6 năm kể từ khi nguồn cung bắt đầu vào năm 2018.

Thực trạng này được tạo điều kiện thuận lợi nhờ nguồn cung từ công ty năng lượng nhà nước Đức. Theo hãng tin Bloomberg, những gì đang đến thực ra không có gì đáng ngạc nhiên.

Sự gia tăng tổng thể về xuất khẩu cho thấy châu Âu vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với hàng hóa từ nhà máy Yamal LNG khổng lồ của Nga ở Bắc Cực. Điều này là do các hợp đồng dài hạn với những công ty như TotalEnergies SE, Naturge Energy Group SA và German Securing Energy for Europe GmbH.

Dựa trên thực tế này, có thể hiểu rõ tại sao nguồn cung lại tăng mạnh mẽ như vậy. Châu Âu đang đối diện tình trạng khan hiếm khí đốt, đặc biệt là vào đầu mùa đông, đơn giản là EU không thể chấp nhận rủi ro, bởi hệ thống năng lượng cần nguồn cung cấp ổn định và rẻ tiền.

Rõ ràng khối lượng còn thiếu sẽ đến từ nguồn cung duy nhất là Liên bang Nga, trong khi các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ đang lôi kéo châu Á và kiếm lợi nhuận tốt ở đó, dẫn tới việc ít chú ý đến EU đang thắt chặt chi tiêu.

Như vậy, con đường dẫn đến sự hợp tác năng lượng giữa Moskva và nhiều thành viên Liên minh Châu Âu nằm ở việc vượt qua những nghi ngờ về địa chính trị, cũng như thông qua bản kế hoạch đơn giản để vượt qua những hạn chế của chính họ.

Vì vậy, các gã khổng lồ như Pháp và Đức bắt đầu tích cực thay thế khí đốt của Mỹ bằng LNG của Nga. Nhà phân tích Stephen Stapzynski của tờ Bloomberg viết rằng kế hoạch này thực sự rất đơn giản.

Không rõ lượng LNG của Nga đến Pháp và thực sự được tiêu thụ ở đó là bao nhiêu. Sau khi nhiên liệu hóa lỏng được tái hóa khí tại cơ sở hạ tầng đầu - cuối và đi vào mạng lưới chung, chúng sẽ được trộn với các nguyên liệu thô nguồn gốc khác và tự do chảy sang nhiều quốc gia thuộc khu vực đồng euro, bao gồm cả Đức.

Nói cách khác, hiện tại Pháp đã đảm nhận vai trò “trạm quá cảnh” nhiên liệu từ Liên bang Nga và cung cấp cho EU “bằng chứng ngoại phạm” về việc tiêu thụ nguyên liệu thô, điều mà nhiều nước thành viên tránh nói tới vì "lý do đạo đức".

 

 

NHÓM 5 NƯỚC LỚN NHẤT LIÊN MINH "ỦNG HỘ" TRÁI PHIẾU QUỐC PHÒNG

Trước viễn cảnh Donald Trump quay lại Nhà Trắng, các nước châu Âu đang nỗ lực tăng cường lĩnh vực quốc phòng. Ngày 19/11/2024, bốn nước lớn nhất Liên Hiệp Châu Âu và Anh đã họp tại Vacxava, Ba Lan, và tuyên bố ủng hộ phát hành trái phiếu quốc phòng châu Âu.

Sau cuộc họp với bốn đồng nhiệm Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Anh, ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski khẳng định ý tưởng « phát hành trái phiếu quốc phòng » là « điều gì đó nghiêm túc ». Còn theo ngoại trưởng Ý Antonio Tajani, « chiến lược được soạn thảo » là nhằm « hỗ trợ quốc phòng của châu Âu ». Trước đó, vào tháng 06, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen thông báo Liên Hiệp Châu Âu cần đầu tư 500 tỉ euro trong thập niên tới để tăng cường quốc phòng.

Thông tín viên RFI Adrien Sarlat tại Vacxava cho biết thêm thông tin :

« Bối cảnh đặc biệt thì phải có một cuộc họp đặc biệt. Cuộc họp cấp cao sáng 19/11 là sự kiện chưa từng có, được Vacxava coi là phản ứng trước việc ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng. Vào lúc tổng thống đắc cử Mỹ thông báo ý định giảm viện trợ cho NATO, cuộc gặp lần này có mục đích chuẩn bị cho các cường quốc thành viên NATO một thế cân bằng mới.

Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski phát biểu : « Chúng tôi nhất trí về việc châu Âu phải gánh trọng trách lớn hơn cho chính an ninh của mình và điều này được thực hiện thông qua việc phân bổ trách nhiệm tài chính giữa các nước thành viên NATO. Nhưng việc tăng cường chi tiêu an ninh của Liên Hiệp Châu Âu phải đi đôi với việc Mỹ duy trì cam kết đối với an ninh của chúng ta ».

Ba Lan là quốc gia đứng đầu châu Âu về đầu tư quân sự, dành 2,4% GDP cho quốc phòng, trong khi NATO khuyến nghị tối thiểu là 2%.

Ngoại trưởng Sikorski cho biết : « Tôi nhận thấy rằng các quốc gia lớn ở châu Âu ngày càng sẵn sàng đảm nhận một phần gánh nặng hỗ trợ quân sự trong trường hợp Mỹ hạn chế các cam kết hơn ».

Theo các ngoại trưởng, một cam kết tài chính sẽ giúp tránh được nguy cơ Putin hóa châu Âu và bảo vệ sự toàn vẹn của các quốc gia thành viên ».

 

 

CHÂU ÂU KHÓ “GỒNG GÁNH” ĐƯỢC UKRAINE NẾU THIẾU MỸ?

Các quan chức châu Âu thừa nhận rằng khu vực này phải đối mặt với thách thức chính trị từ việc duy trì sự ủng hộ dành cho Ukraine trong bối cảnh kinh tế trì trệ, lạm phát cao và hạn chế về ngân sách.

Vai trò của Ba Lan

Việc Ba Lan tham gia tuyên bố chung về quyết tâm ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột hiện nay là điều có thể dự đoán được. Bởi quyết định này sẽ khẳng định vai trò của nước này trong khối đối với cuộc xung đột hiện tại đặc biệt trong việc ủng hộ cho Ukraine trong bối cảnh các thành viên EU vẫn bất đồng trong quan điểm về cuộc chiến.

Kể từ khi cuộc xung đột xảy ra, Ba Lan là quốc gia Đông Âu đầu tiên thể hiện cam kết và duy trì sự hỗ trợ mạnh mẽ cho Kiev. Theo báo cáo vừa công bố, nước này dẫn đầu trong số các quốc gia viện trợ cho Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra (tính theo GDP) - lên tới 4,91% GDP. Ba Lan cũng nằm trong số những quốc gia đã tiếp nhận nhiều người tị nạn Ukraine nhất. Nước này đã cung cấp 44 gói viện trợ quân sự cho Ukraine với trị giá 4 tỷ euro và cam kết sẽ cung cấp thêm nhiều gói nữa trong năm nay và trong thập kỷ tới.

Việc Ngoại trưởng Ba Lan đưa ra tuyên bố sau khi trao đổi với những người đồng cấp từ Anh, Pháp, Đức, Italy và Tây Ban Nha cũng cho thấy sự quyết tâm của nước này trong vai trò thúc đẩy một tiếng nói chung của Khối đối với vấn đề của Ukraine, kêu gọi các quốc gia châu Âu nên chịu trách nhiệm nhiều hơn cho an ninh của chính mình, bao gồm cả việc chia sẻ gánh nặng về an ninh trong NATO.

Ba Lan cũng nêu rõ quan điểm việc áp đặt các giải pháp hòa bình cho Ukraine trái với lợi ích của nước này hoặc không được công chúng công nhận sẽ có tác động tiêu cực đến sự ổn định của Ukraine. Điều đó đồng nghĩa với việc các kịch bản để giải quyết xung đột cần được xây dựng thông qua sự hợp tác chặt chẽ với chính quyền Ukraine, mà trong đó chắc chắn sẽ có sự tham gia của Ba Lan với vai trò là một trong những hạt nhân kết nối, đặc biệt khi nước này đang chuẩn bị làm chủ tịch luân phiên EU vào năm 2025.

Một điểm đáng chú ý, Ba Lan này sẽ đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên EU trong 6 tháng đầu năm 2025. Trong đó, chủ đề chính của nhiệm kỳ chủ tịch của Ba Lan là vấn đề an ninh, được xây dựng xung quanh bảy trụ cột chính: đối ngoại, năng lượng, kinh tế, lương thực, khí hậu, y tế và thông tin.

Cách tiếp cận toàn diện này nhằm giải quyết những thách thức cấp bách nhất của châu Âu trong bối cảnh địa chính trị phức tạp hiện tại, mà nổi bật trong đó là việc tìm kiếm quan điểm chung trong giải quyết các thách thức an ninh của khu vực. Việc duy trì sự ủng hộ Ukraine cũng thể hiện lập trường nhất quán của nước này trong việc bảo vệ các giá trị và quan điểm của EU trong thời gian qua, kể cả trong trường hợp Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump quyết định ngừng giúp đỡ Kiev.

Năng lực của châu Âu trong hỗ trợ Ukraine

Trên thực tế, các nhà lãnh đạo châu Âu phải đối mặt với một câu hỏi mà họ không mong muốn phải tìm lời giải đó là: Nếu Mỹ rút khỏi vai trò dẫn đầu sự hỗ trợ của phương Tây cho Ukraine, liệu EU có thể lấp đầy khoảng trống?

Tuy nhiên, trước kết quả sau cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ, những phát ngôn của ông Trump đã khiến châu Âu phải có những toan tính khác cho riêng mình. Các quan chức châu Âu thừa nhận rằng khu vực này phải đối mặt với thách thức chính trị từ việc duy trì sự ủng hộ dành cho Ukraine trong bối cảnh kinh tế trì trệ, lạm phát cao và hạn chế về ngân sách. Chưa kể tới các quyết định chung của Liên minh châu Âu được đưa ra dựa trên nguyên tắc đồng thuận tuy nhiên hiện tại lại đang bất đồng về cách giải quyết cuộc xung đột.

Một vấn đề đặt ra với năng lực hỗ trợ cho Ukraine đó là vấn đề công nghiệp quốc phòng châu Âu. Có thể nói, hạn chế lớn nhất của châu Âu nếu phải tạm thời thay thế Mỹ viện trợ quân sự cho Ukraine là ngành công nghiệp quốc phòng không đủ mạnh. Theo báo cáo, việc sản xuất trang thiết bị quân sự đã giảm đáng kể sau Chiến tranh Lạnh do các chính phủ châu Âu chi tiêu hạn chế trong nhiều năm.

Các loại vũ khí chính như xe tăng, máy bay và tàu ngầm mất nhiều thời gian để chế tạo, do đó đã thúc đẩy một số quân đội châu Âu tìm đến nhà cung cấp bên ngoài khi mua sắm trang thiết bị quốc phòng. Một ví dụ cho vấn đề này là, EU cam kết cung cấp 1 triệu quả đạn pháo cho Ukraine, tuy nhiên đã qua một nửa chặng đường của kế hoạch 12 tháng, nhưng EU mới chỉ cung cấp được 1/4 số lượng đã cam kết và số đạn dược này cũng lấy từ kho dự trữ của các nước thành viên. Vậy với nhu cầu hiện tại của Ukraine, liệu EU có thể đáp ứng tới khi nào nếu cuộc chiến tiếp tục kéo dài?

Tiếp đó, EU và các quốc gia thành viên đã cam kết hỗ trợ nhân đạo, tài chính và quân sự 80,3 tỷ USD cho Ukraine kể từ khi xung đột bắt đầu. Trong khi một số báo cáo cho biết, hỗ trợ quân sự, ngân sách và nhân đạo của Mỹ cho Ukraine là khoảng 74 tỷ USD. Con số này bao gồm khoảng 44 tỷ USD hỗ trợ quân sự, gấp hơn 5 lần số tiền cam kết của các nước đóng góp tiếp theo là Đức và Anh.

Như vậy có thể thấy, nếu Mỹ rút khỏi “cuộc chơi” này, EU sẽ khó có thể duy trì viện trợ cho Kiev trong thời gian dài bởi các quốc gia châu Âu hiện nay cũng đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế sau các ảnh hưởng nghiêm trọng từ dịch bệnh và chiến tranh. Nếu tiếp tục lún sâu vào cuộc xung đột, nhiều quốc gia trong EU sẽ khó có khả năng phục hồi và các bất đồng đối với việc hỗ trợ Ukraine sẽ không thể giải quyết.

Cách tiếp cận của châu Âu

Sự kiện cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa do Mỹ cung cấp để tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga diễn ra khi chỉ còn gần 2 tháng nữa là Tổng thống Biden hết nhiệm kỳ. Ông Biden đã thực hiện một thay đổi chính sách lớn đối với cuộc chiến tại Ukraine. Điều này được đánh giá là phù hợp với những động thái gần đây của ông khi cam kết sẽ đẩy nhanh viện trợ quân sự cho Ukraine tuy nhiên cũng đặt EU vào một tình thế “tiến thoái lưỡng nan”.

Các nước phương Tây dường như bị chia thành 2 nhóm giữa bên ủng hộ quyết định của phía Mỹ và bên còn lại lo ngại việc cung cấp tên lửa tầm xa cho phía Ukraine, sẽ khiến căng thẳng leo thang toàn khu vực.

Phía ủng hộ, đơn cử như các nhà lãnh đạo của Anh, Pháp, Ba Lan đã bày tỏ sự đồng tình và hoan nghênh quyết định của chính quyền ông Biden. Thậm chí, Pháp và Anh được cho là đã đồng ý để Ukraine sử dụng tên lửa của họ với mục đích tương tự.

Trong khi đó, nhóm còn lại đứng đầu là Đức, Thủ tướng nước này cho biết không có kế hoạch cung cấp tên lửa hành trình cho Ukraine. Ông cũng nêu rõ lập trường của mình về vấn đề này và sẽ không thay đổi quan điểm. Một số nhà lãnh đạo các quốc gia châu Âu khác cũng cho rằng động thái này có thể dẫn tới leo thang xung đột, trong khi các bên đang cần tìm kiếm một giải pháp hòa bình.

Rõ ràng, quyết định này khiến cho các nhà lãnh đạo EU buộc phải đặt lên bàn cân cách giải quyết vấn đề hiện tại, việc hỗ trợ sẽ được thực hiện như thế nào và mức độ ra sao chắc chắn cần phải có sự thống nhất trong toàn khối. Do đó, việc các ngoại trưởng châu Âu thể hiện động thái kiên định ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột hiện tại cũng là một biện pháp định hướng và tìm kiếm các giải pháp trong giai đoạn tới.

Tuy nhiên, để có một mặt trận thống nhất thì chắc chắn sẽ cần có các cuộc bàn luận diễn ra, bởi tất cả quyết định ủng hộ cần có sự đồng thuận trong toàn EU, đặc biệt khi Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ công bố các biện pháp của mình sau khi ông chính thức nắm quyền, điều đó có thể là bước ngoặt lớn cho cuộc xung đột hiện nay.

 

Nguồn: Bnews; Báo Mới; Giáo dục & Thời đại; RFI; VOV

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang