- Thời sự
- EU
Hãng tin AFP dẫn báo cáo mới đây của Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) cho biết, hơn 60% lượng nước mặt của châu Âu ở tình trạng xấu do ô nhiễm, suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu và việc khai thác quá mức các nguồn nước ngọt.
EEA đã phân tích 120.000 nguồn nước mặt và 3,8 triệu km2 nguồn nước ngầm ở 19 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) và Na Uy. Kết quả cho thấy chỉ có 37% các nguồn nước mặt của châu Âu đạt tiêu chuẩn về chất lượng sinh thái ở mức “tốt” hoặc “cao”. Nước mặt đang bị đe dọa bởi ô nhiễm không khí từ việc đốt than và khí thải ô tô, cũng như ngành nông nghiệp khi chất thải đổ ra làm ô nhiễm đất.
Theo dữ liệu do các quốc gia thành viên EU cung cấp, trong giai đoạn 2015-2021, chỉ có 29% vùng nước mặt đạt tiêu chuẩn về tình trạng hóa học ở mức “tốt”. Trong khi đó, nước ngầm có kết quả tốt hơn với 77% các nguồn nước ngầm có tình trạng hóa học “tốt’. Tình trạng này có nghĩa là không bị ô nhiễm quá mức từ các chất dinh dưỡng và các chất độc hại như “hóa chất vĩnh cửu” PFAS và vi nhựa.
EEA cho biết, những tác động của biến đổi khí hậu, bao gồm hạn hán và lũ lụt khắc nghiệt và việc khai thác quá mức các nguồn nước ngọt đang gây sức ép lên các hồ, sông, vùng nước ven biển của châu Âu ở mức “chưa từng có”. Trong một tuyên bố, Giám đốc điều hành EEA Leena Yla-Mononen nhấn mạnh: “Chất lượng của các nguồn nước mặt ở châu Âu không tốt. Các nguồn nước đang phải đối mặt với một loạt thách thức chưa từng có đe dọa đến an ninh nguồn nước của châu Âu.
Chúng ta cần tăng gấp đôi nỗ lực để khôi phục sức khỏe của những con sông, hồ, vùng nước ven biển và các vùng nước khác có giá trị của chúng ta để bảo đảm nguồn tài nguyên quan trọng này có khả năng phục hồi và an toàn cho thế hệ mai sau”. EEA đề nghị ngành nông nghiệp châu Âu cần tăng cường sử dụng các biện pháp canh tác hữu cơ và thúc đẩy nông nghiệp sinh thái bền vững cũng như khuyến khích thay đổi thói quen ăn uống của người dân. Ngoài ra, EEA cũng kêu gọi các quốc gia châu Âu giảm một nửa lượng thuốc trừ sâu sử dụng vào năm 2030, đồng thời ưu tiên giảm lượng nước tiêu thụ và khôi phục các hệ sinh thái.
Temu đã đẩy giá xuống mức “không tưởng”, khiến không chỉ các nhà bán lẻ châu Âu mà cả "gã khổng lồ" AliExpress của Trung Quốc cũng phải dè chừng.
Temu không chỉ phá vỡ mọi quy chuẩn mà còn thu hút hàng triệu người tiêu dùng nhờ những sản phẩm giá rẻ chưa từng thấy.
Thế nhưng, đằng sau cơn sốt mua sắm này là một loạt vấn đề đáng lo ngại về chi phí ẩn cũng như mối đe dọa đối với nền kinh tế châu Âu.
Báo Le Soir (Bỉ) đã phân tích cụ thể vấn đề này.
Mức giá không tưởng
Chỉ trong vòng chưa đầy hai năm, từ một cái tên hoàn toàn xa lạ, Temu đã nhanh chóng lan rộng trên toàn cầu, bao phủ cả các thị trường châu Âu.
Được biết đến với hàng nghìn sản phẩm phi thực phẩm có giá chỉ từ vài euro, Temu đã đẩy giá xuống mức “không tưởng”, khiến không chỉ các nhà bán lẻ châu Âu mà cả "gã khổng lồ" AliExpress của Trung Quốc cũng phải dè chừng.
Lời cam kết luôn nhất quán: trên Temu, người dùng có thể mua sắm mọi thứ với giá vô cùng rẻ. Đây là một chiến lược định vị thu hút hiệu quả. Theo khảo sát gần đây của Liên đoàn Thương mại điện tử Bỉ (BECOM), giá cả hợp lý và kỳ vọng vào các giao dịch giá hời vẫn là yếu tố hàng đầu thúc đẩy người tiêu dùng Bỉ khi mua sắm trực tuyến.
Để khuyến khích người tiêu dùng mua sắm và thuyết phục những ai còn phân vân, Temu triển khai hàng loạt chiến lược tiếp thị tinh vi. Ngoài việc chú trọng marketing và cải thiện giao diện trang web, Temu còn tích hợp một yếu tố trò chơi vào trải nghiệm của khách hàng. Ngay khi truy cập vào ứng dụng, người dùng được mời tham gia quay bánh xe với lời hứa nhận mã giảm giá.
“Theo tôi, Temu là thương hiệu lớn đầu tiên đưa yếu tố giải trí này vào”, nhà tâm lý học tiêu dùng Alexandra Balikdjian từ Đại học Tự do Brussels (ULB) phân tích.
Chiến lược của Temu đã đưa công ty đến thành công trong thời gian kỷ lục. Về số lượng người dùng tại Bỉ, Temu không công bố thông tin cụ thể. Tuy nhiên, chỉ sau một năm gia nhập thị trường châu Âu, nền tảng này đã xây dựng được một hình ảnh thương hiệu mạnh mẽ, nhanh chóng chiếm lĩnh tâm trí của nhiều nhóm người tiêu dùng khi họ quyết định mua sắm.
Làm thế nào một công ty có thể đạt được lợi nhuận khi bán các sản phẩm như áo phông, camera hay nồi với giá chỉ vài euro trong khi vẫn cung cấp dịch vụ giao hàng miễn phí từ Trung Quốc?
Hiện nay, theo nhiều quan sát viên, lợi nhuận không phải là ưu tiên hàng đầu của Temu. Nền tảng thương mại điện tử này chủ yếu tập trung vào việc nâng cao độ phổ biến và thị phần của mình.Bằng cách kết nối trực tiếp các nhà phân phối lớn của Trung Quốc với phần còn lại của thế giới, nền tảng này có thể giảm giá bằng cách loại bỏ nhiều trung gian không cần thiết.
Tuy nhiên, những yếu tố này không phải là lý do duy nhất cho chiến lược kinh doanh của họ."Khi miễn phí, chính bạn là sản phẩm." Câu nói nổi tiếng này hoàn toàn phù hợp với mô hình kinh doanh của Temu.
Theo nhà nghiên cứu về an ninh mạng tại Trường Bách khoa UCLouvain Axel Legay, vấn đề về việc sử dụng và khả năng bán lại thông tin cá nhân của người dùng vẫn đang là điều gây lo ngại.Một khía cạnh khác liên quan đến những mức giá thấp này là chất lượng sản phẩm, thường được đánh giá là kém.
Đầu năm nay, Hiệp hội người tiêu dùng Bỉ (Testachats) đã chấm điểm không đạt cho nền tảng này sau khi phân tích hàng chục sản phẩm. Testachats đã chỉ ra nhiều vấn đề, bao gồm việc thiếu nhãn CE (điều kiện bắt buộc để tiếp thị sản phẩm tại châu Âu, đảm bảo sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn), sự xuất hiện của hàng giả, và các vi phạm khác liên quan đến yêu cầu an toàn.
Mối lo của châu Âu
Thương mại điện tử Trung Quốc, đã bùng nổ trong thời kỳ COVID-19, đang tạo ra tác động mạnh mẽ đến các đối thủ trong ngành. Điều này càng trở nên rõ ràng khi cuộc cạnh tranh không diễn ra trên cùng một mặt bằng.
Giám đốc điều hành của tập đoàn Gondola Pierre-Alexandre Billiet nhận định: "Châu Âu không thực hiện đúng vai trò của mình. Chúng ta áp đặt các quy tắc trong thị trường nội bộ của Liên minh, nhưng những quy tắc này lại không được tuân thủ ở các thị trường bên ngoài vì chúng không được thực thi."
Kẽ hở này đang được các "ông lớn" công nghệ số Trung Quốc tận dụng triệt để, gây ra gián đoạn lớn trên thị trường châu Âu. Sản xuất nội địa đang gặp khó khăn, trong khi người tiêu dùng có xu hướng chuyển hướng một phần mua sắm sang các nhà cung cấp không phải châu Âu.
Tại Liên đoàn Thương mại Bỉ (COMEOS) và Công đoàn Độc lập (SNI), nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại về sự khác biệt trong cách đối xử giữa các doanh nghiệp nội địa và nền tảng thương mại điện tử nước ngoài.
Trong năm nay, COMEOS đã mời Giáo sư Roel Gevaers từ Đại học Antwerp thực hiện một nghiên cứu về bối cảnh thương mại điện tử tại Bỉ.
Ông chỉ ra rằng vai trò của các nhà điều hành Trung Quốc đang ngày càng gia tăng, đặc biệt là trong lĩnh vực thời trang, với các tên tuổi như Shein và AliExpress lọt top 5 nhà cung cấp lớn nhất hiện nay.
Nhận thức rõ rằng không thể thắng trong cuộc chiến giá cả với các nhà cung cấp Trung Quốc, Công đoàn SNI đang tập trung vào giá trị gia tăng của các thương nhân địa phương để tạo sự khác biệt.
Họ hướng tới một mô hình "ngách" mà về lý thuyết, không cạnh tranh trực tiếp với các nền tảng thương mại lớn của Trung Quốc. Tuy nhiên, ảnh hưởng của những nền tảng này vẫn lan tỏa đến tận quầy thanh toán của các cửa hàng.
Cái giá thật sự của những sản phẩm giá rẻ không chỉ là sự phi công nghiệp hóa, mà còn là các độc quyền trong thương mại điện tử và tình trạng tiêu thụ không kiểm soát,” ông Pierre-Alexandre Billiet phân tích, nhấn mạnh việc ngành dệt may châu Âu đang dần mai một.
Trong khi người tiêu dùng tích trữ “hàng hóa nhựa không có giá trị thực tế” khiến vòng tuần hoàn kinh tế khó tiếp tục, sự trỗi dậy của Temu thực sự là một hồi chuông báo động. “Mô hình của họ cực kỳ mạnh mẽ.
Đây là một cơn ‘sóng thần’ về kinh tế - xã hội,” nhà kinh tế nhấn mạnh. “Thiệt hại là mất mát trong việc làm và toàn bộ mạng lưới sản xuất, phân phối địa phương-tất cả bị lấn át bởi các sàn thương mại lớn không thể cạnh tranh và chấp nhận bán với giá gần như dưới giá vốn”. Sự phá sản của hàng loạt thương hiệu thời trang, từ sản xuất đến phân phối, trong vài năm qua chính là dấu hiệu cảnh báo đầu tiên cho xu hướng này.
Ông Pierre-Alexandre Billiet nhận định: “Ở châu Âu, chi phí ô nhiễm và lao động ngày càng được tính trực tiếp vào chi phí sản xuất, đẩy giá thành sản phẩm lên cao. Trong khi đó tại châu Á, điều diễn ra hoàn toàn ngược lại. Chúng ta vừa đối mặt với tình trạng mất dần ngành công nghiệp nội địa vừa chứng kiến tình trạng tiêu thụ quá mức, tạo ra hai hiện tượng tác động lẫn nhau”
Chỉ trích từ nhiều phía
Ủy ban châu Âu (EC) đang điều tra Temu vì nghi ngờ nền tảng thương mại điện tử này không tuân thủ các quy định trong Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA). Sau khi nhanh chóng mở rộng hoạt động tại châu Âu, Temu hiện đang đối mặt với chỉ trích từ nhiều phía, mặc dù vẫn giữ được sự ưa chuộng trong lòng người tiêu dùng.
EC mở cuộc điều tra nhằm xác định xem liệu Temu có vi phạm các điều khoản trong Đạo luật DSA hay không. Đạo luật DSA là một khung pháp lý mới của châu Âu nhằm ngăn chặn các hành vi mờ ám và nội dung bất hợp pháp trên các nền tảng số lớn.
Các công ty có hơn 45 triệu người dùng hoạt động hàng tháng tại Liên minh châu Âu (EU) đều phải tuân thủ luật này. Kể từ ngày 31/5/2024, Temu (được báo cáo có 92 triệu người dùng vào tháng 9/2024) đã được xếp loại là một nền tảng số lớn và do đó, bắt buộc phải tuân theo các quy định này.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu Temu có thực sự tuân thủ hay không và châu Âu đang nghi ngờ về điều này, dẫn đến việc mở cuộc điều tra.
Trong thông cáo báo chí, EU cảnh báo về “những rủi ro liên quan đến thiết kế có khả năng gây nghiện của dịch vụ, có thể gây ra hậu quả tiêu cực cho sức khỏe thể chất và tinh thần của người dùng.”
Không dừng ở đó, trong vài tháng qua, các hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng đã liên tục cảnh báo về sự không tuân thủ và thậm chí nguy hiểm của một số sản phẩm được bán trên nền tảng này. EC cũng sẽ điều tra các biện pháp mà Temu đã áp dụng để “hạn chế việc bán các sản phẩm không đáp ứng tiêu chuẩn trong EU.”
Một cuộc phân tích về cách công ty Trung Quốc này ngăn chặn sự trở lại của những người bán hàng đã bị đình chỉ cũng sẽ được thực hiện.EC đang xem xét cách Temu đề xuất nội dung và dịch vụ cho người dùng để đảm bảo rằng các kỹ thuật sử dụng tuân thủ Đạo luật DSA.
Cơ quan này cũng sẽ kiểm tra xem Temu có thực hiện nghĩa vụ cung cấp quyền truy cập cho các nhà nghiên cứu vào dữ liệu của nền tảng hay không.
Cần nhấn mạnh rằng hiện tại chỉ mới có những nghi ngờ. Cuộc điều tra này sẽ giúp xác minh hoặc bác bỏ các nghi ngờ đó. Trong những tháng tới, EC sẽ yêu cầu Temu cung cấp thêm thông tin và tiếp tục thu thập bằng chứng trước khi quyết định hướng xử lý tiếp theo.
Nếu các nghi ngờ được xác nhận, Temu có thể phải đối mặt với nhiều hình phạt, trong đó có mức phạt lên tới 6% doanh thu hàng năm.
Cuộc điều tra đối với Temu diễn ra trong bối cảnh gia tăng nghi ngờ về nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc.
Cuối tháng Chín, sáu quốc gia thành viên EU, trong đó có Pháp và Đức, đã chính thức yêu cầu EC thực hiện các biện pháp đối phó với Temu.
Tại Bỉ, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại cũng đã bày tỏ lo ngại về các thực hành được cho là "không công bằng" của "gã khổng lồ" này.Vấn đề này đã được đưa ra thảo luận tại Nghị viện châu Âu (EP) trong tháng 10, với một cuộc tranh luận sôi nổi.
Nhiều nghị sỹ đã kêu gọi thiết lập một khung quy định nghiêm ngặt hơn, đặc biệt liên quan đến các khoản thuế hải quan, trong bối cảnh hiện tại có miễn thuế cho các sản phẩm có giá trị dưới 150 euro.
Những nỗ lực này đều hướng tới việc hạn chế nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc và tạo ra một "sân chơi" công bằng hơn cho các doanh nghiệp châu Âu cũng như những doanh nghiệp không thuộc khu vực này.
Trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang tới gần, các nhà đầu tư Châu Âu thận trọng đưa ra dự đoán về phản ứng của thị trường khi một trong hai ứng cử viên đắc cử. Họ đặc biệt chú ý đến các chính sách của ông Donald Trump và tác động của chúng đối với nền kinh tế toàn cầu…
Khi chỉ còn chưa đầy 3 ngày nữa là đến kỳ bầu cử tổng thống Mỹ, các nhà đầu tư Châu Âu đang hướng tới một kịch bản tiềm năng về chiến thắng của của ứng cử viên Đảng Cộng hoà Donald Trump.
Khái niệm “Trump Trade” đã thu hút sự chú ý của giới đầu tư, đặc biệt là khi các chính sách đề xuất của ông – bao gồm thuế quan, nhập cư, viện trợ Ukraine và quy định về tiền điện tử – được đánh giá là sẽ có tác động tới toàn bộ các danh mục tài sản. Nhiều người dự đoán rằng đồng USD, vàng, bạc và Bitcoin sẽ tăng giá, trong khi thị trường chứng khoán có thể chịu áp lực lớn.
Tuy nhiên, phản ứng của thị trường nói chung có thể bắt nguồn từ sự không chắc chắn và động thái phòng vệ rủi ro hơn là từ bất kỳ chính sách cụ thể nào. Và ngay cả khi bà Harris đắc cử, thì khả năng đảo chiều của thị trường cũng sẽ chỉ ở mức giới hạn, do các thách thức kinh tế hiện tại vẫn đang là yếu tố chủ đạo ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.
Theo phân tích từ tờ Euro News, các nhà kinh tế cho rằng đề xuất của ông Trump về thuế quan 60% lên hàng hóa Trung Quốc, cùng mức thuế 10% đối với hàng nhập khẩu từ các quốc gia khác, có thể khiến giá cả tại Mỹ tăng cao, buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải nâng lãi suất, qua đó gây áp lực lên thị trường chứng khoán và các đồng tiền khác.
Ngoài ra, căng thẳng thương mại giữa EU và Mỹ có thể khiến tỷ giá tiền tệ biến động và có khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ phải đẩy nhanh việc giảm lãi suất, khiến đồng Euro suy yếu thêm.
Nhiều nhà phân tích cảnh báo, việc ông Trump tái đắc cử có thể đẩy đồng Euro về mức ngang giá với đồng USD. “Với vị thế kinh tế đang có nhiều bất ổn ở Đức - nền kinh tế lớn nhất Châu Âu, điều này có thể làm trầm trọng thêm tình hình, gia tăng nguy cơ suy thoái và/hoặc đẩy nhanh tiến độ bình thường hóa lãi suất của ECB”, chiến lược gia Dilin Wu tại Pepperstone Australia nhận định.
Đồng Euro đã bắt đầu giảm so với USD kể từ đầu tháng 10 khi kinh tế Mỹ tiếp tục cho thấy sự vượt trội hơn so với khu vực EU. Mỹ đã công bố các số liệu kinh tế ổn định, từ đó hạ bớt khả năng Fed sẽ tiếp tục giảm lãi suất một cách quyết liệt trong thời gian tới.
Tăng trưởng GDP của Mỹ trong quý 3 đạt 2,8%, một lần nữa củng cố thêm cho kịch bản “hạ cánh mềm” của nền kinh tế.
Ở bất kỳ kịch bản nào, nếu ông Trump thắng cử, đồng Euro có khả năng giảm mạnh so với USD; trong khi nếu bà Harris chiến thắng, đồng Euro có thể tăng nhẹ trong ngắn hạn nhưng vẫn sẽ bị chi phối bởi các yếu tố kinh tế rộng lớn hơn về dài hạn.
Giới phân tích đều cho rằng nếu ông Donald Trump chiến thắng, hầu hết các nền kinh tế Châu Âu sẽ chịu tác động tiêu cực, đặc biệt là vì từ chính sách về biến đổi khí hậu, “Nước Mỹ trên hết” và thuế quan thương mại của ông.
Ông Trump có thể sẽ bãi bỏ các miễn trừ thuế thép và nhôm, gây ảnh hưởng tiêu cực đến các ngành khai khoáng và công nghiệp.
Thuế quan bổ sung cũng sẽ ảnh hưởng đến các nhà sản xuất ô tô châu Âu vốn đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, bà Kamala Harris nếu chiến thắng cũng không mang lại nhiều thay đổi, bởi bà sẽ tiếp tục Đạo luật Giảm Lạm phát (IRA) của chính quyền Joe Biden, gây bất lợi cho các đối thủ Châu Âu. Đạo luật IRA bao gồm hàng trăm tỷ USD đầu tư cho chính sách khí hậu và năng lượng, với vô số ưu đãi thuế cho các nhà sản xuất xe điện tại Mỹ.
Ở khía cạnh khác, mặc dù còn phải nhiều rào cản, nhưng các lĩnh vực như dầu khí có thể hưởng lợi dưới thời chính quyền Donald Trump, khi ông nới lỏng các quy định về khí thải, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch như Shell và BP. Tuy nhiên, sản lượng dầu của Mỹ tăng cao sẽ gây áp lực lên giá năng lượng toàn cầu, làm giảm biên lợi nhuận của các nhà sản xuất dầu nước ngoài.
Ngoài ra, các cổ phiếu ngân hàng cũng sẽ hưởng lợi từ chính sách của ông Trump. Lạm phát cao có thể dẫn đến lãi suất tăng, từ đó nâng cao thu nhập lãi thuần của các ngân hàng. Còn chiến thắng của bà Harris cũng sẽ không mang lại thay đổi lớn cho lĩnh vực tài chính, vì bà được dự đoán sẽ duy trì các khung quy định hiện hành.
Theo Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề mở rộng Liên minh châu Âu (EU) Oliver Varhelyi, mọi quốc gia ứng cử viên của EU, bao gồm cả Ukraine, đều có thể gia nhập khối này vào năm 2029 nếu họ đáp ứng mọi tiêu chí thành viên.
Theo đài RT, phát biểu tại một cuộc họp báo mới đây, ông Varhelyi đã được đề nghị đưa ra mốc thời gian để các quốc gia ứng cử viên có thể gia nhập EU, trong đó có Albania, Moldova, Montenegro, Bắc Macedonia, Serbia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine…
Trả lời về vấn đề này, ông Varhelyi không đưa ra thời hạn chính xác cho bất kỳ quốc gia nào, nhưng cho biết Brussels đã cung cấp cho các nước này “tất cả các công cụ họ cần để chuẩn bị sẵn sàng vào cuối nhiệm kỳ tiếp theo”.
Nhiệm kỳ tiếp theo của Ủy ban châu Âu bắt đầu vào tháng 12 này và kết thúc vào năm 2029. Ông Varhelyi cũng nói thêm rằng EU đã chuẩn bị các kế hoạch cụ thể cho từng ứng cử viên để giúp họ thực hiện các cải cách cần thiết.
“Tôi nghĩ rằng đây là khung thời gian đủ cho bất kỳ nước nào thực sự muốn gia nhập Liên minh châu Âu có thể bắt tay vào làm việc và thực hiện”, ông Varhelyi.
Đồng thời, ông này cũng cho rằng việc gia nhập EU là một “quy trình dựa trên năng lực”, có nghĩa là rất khó để thiết lập thời hạn cứng.
Bình luận của ông Varhelyi được đưa ra trong bối cảnh Ủy ban châu Âu vừa công bố Gói mở rộng hàng năm, cung cấp đánh giá chi tiết về tiến độ của các ứng cử viên trên con đường gia nhập khối.
Báo cáo về Ukraine ghi nhận tiến độ cải cách, tư pháp và cuộc chiến chống tội phạm có tổ chức của quốc gia này, nhưng cho biết tham nhũng vẫn là mối quan tâm.
Năm 2019, Ukraine đặt mục tiêu gia nhập EU và NATO làm mục tiêu quốc gia của nước này. Năm 2022, Kiev chính thức nộp đơn xin gia nhập EU và được cấp tư cách ứng cử viên vào cùng năm đó.
Vào tháng 6 cùng năm, EU đã mở các cuộc đàm phán gia nhập với Ukraine, mặc dù nhiều quan chức phương Tây cho rằng sẽ mất hàng thập kỷ để quốc gia này gia nhập Liên minh.
Đơn vị thi công sửa chữa nhà thờ Đức Bà Paris (Pháp) đăng tải hình ảnh mới nhất của công trình, sẵn sàng mở cửa đón khách trở lại vào 8/12.
Ngày 27/10, trang Instagram chính thức của đơn vị chịu trách nhiệm phục hồi nhà thờ Đức Bà Paris - Rebâtir Notre-Dame de Paris - đăng tải hình ảnh phần mái của công trình cho thấy mức độ hoàn thành hơn 90%.
Việc lắp đặt tấm lớp màu xám bắt đầu vào cuối tháng 3, dài 170 cm, rộng 65 cm. Theo đơn vị, phần mái của điểm đến được phục dựng tương tự hình ảnh trước khi bị lửa thiêu rụi vào năm 2019.
Tờ Aleteia (trụ sở tại Italy) cho biết biểu tượng trăm tuổi của Pháp sẽ mở cửa đón du khách tham quan trở lại vào ngày 8/12 sắp tới.
Giám đốc và là Cha sở của nhà thờ, Đức ông Olivier Ribadeau Dumas, thông tin buổi thánh lễ sẽ diễn ra liên tục trong vòng 8 ngày do Tổng Giám mục Paris Laurent Ulrich cử hành, trong đó có một buổi lễ dành riêng cho những đơn vị tham gia sửa chữa công trình bao gồm lính cứu hỏa, tình nguyện viên, nghệ nhân và nhân viên..., theo La Croix.
Ngọn lửa bùng phát ngày 15/4/2019 đã làm sụp đổ phần tháp nhọn, mái cùng nhiều bảo vật khác của công trình kiến trúc Gothic 860 năm tuổi ở Pháp. Sự kiện gây chấn động đối với những người đam mê kiến trúc và văn hóa toàn cầu.
Hơn 840 triệu USD tiền tài trợ từ 150 quốc gia khác nhau nhằm phục hồi nhà thờ trong đó có sự đóng góp to lớn từ tỷ phú ngành bán lẻ Francois Henri Pinault và tỷ phủ sở hữu công ty hàng xa xỉ lớn nhất thế giới - gia đình Arnault.
Philippe Jost, một quan chức cấp cao của Pháp, đồng thời đảm nhiệm việc sửa chửa công trình, phát biểu tại một phiên điều trần của Thượng viện rằng cơ quan nhận rất nhiều tiền quyên góp để trùng tu công trình, thậm chí vẫn còn dư để trang hoàn thêm sau khi nhà thờ hoàn thành.
Mặc dù công trình không sẵn sàng cho Olympic Paris như dự tính ban đầu, du khách đến thủ đô nước Pháp dịp cuối năm sẽ một lần nữa có thể nhìn thấy ngọn tháp cao chót vót của nhà thờ Đức Bà sau khi dỡ bỏ giàn giáo xung quanh.
Theo DW, phần chóp nhọn cũng đang được lắp đặt. Khoảng 2.000 cây sồi bị đốn hạ để tái thiết phần mái theo đúng kiến trúc thời trung cổ.
Đến thời điểm hiện tại, tức 5 năm kể từ sau vụ cháy, chính phủ Pháp vẫn chưa rõ chính xác nguyên nhân gây ra vụ hỏa hoạn, theo Reuters.
Nhà thờ Đức Bà Paris là một trong số công trình biểu tượng của nước Pháp mang kiến trúc Gothic. Đây cũng là nhà thờ chính tòa của Tổng giáo phận Paris. Nằm bên dòng sông Seine, nhà thờ được xây dựng từ năm 1163 và hoàn thành năm 1345. Trước khi hỏa hoạn xảy ra, di sản được UNESCO công nhận này thu hút hàng triệu lượt khách tham quan mỗi năm.
Nguồn: Quân Đội Nhân Dân; VietnamPlus; 24h Money; Soha; Zing News
EU: Giao thông hỗn loạn vì tuyết sớm; Khủng hoảng khí đốt mới; Bước lùi tham vọng xe điện; ‘Chảy máu’ chất xám; Bất an ở Biển Baltic
EU: Vụ gian lận thuế VAT; Dân quay lưng với Mỹ; Thách thức chờ Von der Leyen; Pháp gặp cú sốc ở Phi; Nhà thờ Đức Bà Paris mở cửa
EU: Giá khí đốt tăng; Tăng cường an ninh mạng; Mua sắm cuối năm gặp khó; ‘Né’ chiến tranh thương mại; Chính phủ Pháp bên bờ sụp đổ
EU: Mong muốn tự bảo vệ; Các thách thức kinh tế; Ngành pin xe điện lâm nguy; Ủng hộ thắt lưng buộc bụng; ‘Át chủ bài’ cuối cùng ở Kiev
EU: Ô nhiễm từ LNG; Cảnh báo bong bóng cổ phiếu AI; Tích cực thay thế LNG Mỹ; ‘Ủng hộ’ trái phiếu quốc phòng; Khó ‘gồng gánh’ Kiev
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá