EU: Nói không với điều hòa; Vấn đề giá điện âm; Hội nghị ở Moldova; Thượng đỉnh với Trung Á; Vòng xoáy lương-giá ở Anh

Vì sao người châu Âu nói không với 'điều hòa' dù trời nắng nóng

(Ảnh minh họa).

Bất chấp nhiệt độ mùa hè tăng cao, có khi lên đến 40 độ C, nhưng chỉ có 1/10 hộ gia đình ở EU, khu vực thịnh vượng bậc nhất thế giới, lắp máy điều hòa không khí.

Ba giờ chiều, 37 độ C, và điều hòa không khí bị hỏng ở Les Argentiers, quán bia mà ông Ivan Rizzi mở trên một con phố ở Quận 12, Paris. Cần một động cơ mới - người thợ sửa chữa nói. Rizzi lưu ý về điều đó, nhưng quyết định không sửa nó. Ông không bận tâm rằng hơi nước đang ngưng tụ trên ly rượu của khách hàng, hay tuần này ngày nào trời cũng sẽ nóng như thế này hoặc tệ hơn nữa.

Đó là một lựa chọn chứa đựng bí mật kỳ lạ về việc châu Âu xa lánh điều hòa không khí, một sự pha trộn giữa văn hóa, khí hậu, kiến ​​trúc, các quy định và chính sách đối ngoại khiến một bộ phận người dân giàu có nhất hành tinh phải toát mồ hôi trong vài tuần vào mỗi mùa hè.

Rizzi khẳng định ông ủng hộ điều hòa nhiệt độ. Ông nói, hệ thống điều hòa lỗi thời của ông đơn giản là tốn quá nhiều tiền để sửa chữa. Đấu tranh với những người hàng xóm để lắp một cái máy bơm không khí nóng ra đường? Ông chưa muốn chấp nhận rủi ro với điều đó.

Chỉ 1/10 hộ gia đình ở châu Âu có máy lạnh, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ ở Trung Quốc, Nhật Bản hoặc Mỹ, nơi 90% hộ gia đình có hệ thống làm mát. Tại sao một số quốc gia giàu có nhất thế giới lại chậm chạp trong việc áp dụng biện pháp kiểm soát thời tiết nóng? Một lần nữa, đó là câu hỏi được đặt ra khi thời tiết nắng nóng đang tràn khắp Bắc bán cầu.

Thay vì sử dụng thời điểm này khuyến khích máy điều hòa, các nhà lãnh đạo châu Âu hầu hết đã xa lánh công nghệ này hoặc chuyển sang hạn chế sử dụng nó. Ví dụ, ở Tây Ban Nha, chính phủ đã yêu cầu điều hòa không khí ở những nơi công cộng không được đặt thấp hơn 27 độ C. Ở Italy và Hy Lạp cũng có quy định tương tự.

Trong một cuộc thăm dò ý kiến ​​​​năm 2021 với 1.045 người Pháp trưởng thành, gần 2/3 số người được hỏi cho biết họ không có kế hoạch mua máy điều hòa nhiệt độ. Hai lý do hàng đầu được đưa ra là chi phí năng lượng và tác động tới môi trường.

Một phụ nữ Pháp nói: “Nó ô nhiễm, thường quá lạnh, không khí giả tạo. Nó khiến bạn phát ốm, khiến bạn đau đầu. Nó khiến tôi cảm thấy mình như một cây mận già".

Hầu hết những điều đó có thể được gọi là lập luận văn hóa chống lại điều hòa không khí. Mọi người châu Âu từng đến Mỹ đều có một câu chuyện kể lại về việc bị "chết cóng" trong một cửa hàng hoặc văn phòng có điều hòa nhiệt độ.

Vì thế không phải ai cũng mua máy điều hòa. “Khi người Pháp không thể trả tiền cho một thứ gì đó, họ sẽ tìm ra 10.000 lý do bào chữa", Gilles Bourquin, người điều hành một công ty điều hòa không khí phản bác. “Họ có điều hòa trong xe hơi, trong văn phòng, nhưng điều hòa vẫn được coi là một sản phẩm xa xỉ" (ám chỉ mức thuế 20% với máy điều hòa nhiệt độ ở Pháp, so với 5% cho hệ thống sưởi)

Có một số lý do khiến việc sử dụng máy điều hòa ở châu Âu vẫn chủ yếu ở trong các văn phòng công ty, rạp chiếu phim và cửa hàng sang trọng.

Trước hết là giá điện đắt đỏ. Từ rất lâu trước khi cuộc xung đột ở Ukraine đẩy châu Âu rơi vào một cuộc khủng hoảng năng lượng trong năm 2022, giá điện ở EU đã cao hơn gấp đôi so với mức trung bình của Mỹ, trong khi thu nhập thấp hơn. Ví dụ, vào năm 2016, giá điện bán lẻ ở Đức cao hơn khoảng ba lần so với ở Texas. Điều đó một phần là do lục địa này đang đầu tư mạnh vào năng lượng sạch, với chi phí cao hơn.

Thứ hai là hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, vốn nghiêm trọng hơn ở các thành phố đông đúc của châu Âu so với ở các đô thị ngoại ô thoáng hơn của Mỹ. Ngay cả khi chạy bằng năng lượng sạch, máy điều hòa nhiệt độ sẽ làm nóng không khí bên ngoài khi làm mát bên trong. Điều đó có nghĩa là sự thoải mái của những người ngồi điều hòa sẽ đồng nghĩa với sự khó chịu của những người không có.

Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Thời tiết Quốc gia Pháp đã kết luận rằng nếu Paris tăng gấp đôi mức sử dụng điều hòa không khí vào năm 2030, thì nhiệt độ ngoài trời trong thành phố có thể tăng từ 3 đến 4 độ F. Do đó, các nhà hoạch định chính sách không khuyến khích sử dụng điều hòa nhiệt độ trừ những nơi dễ bị tổn thương như viện dưỡng lão.

Thứ ba là sự khác biệt giữa văn phòng và nhà ở. Nơi làm việc ở châu Âu, bao gồm một số nhà máy, trung tâm thương mại, cửa hàng và văn phòng, có nhiều khả năng kiểm soát khí hậu hơn so với nhà ở. Tất nhiên, các tòa nhà văn phòng hiện đại không mở cửa sổ đều có máy lạnh. Nhiều người lao động sẽ làm việc trong các văn phòng vào những ngày nắng nóng. Điều đó có nghĩa là sẽ có ít người ở trong nhà không có điều hòa hơn vào những thời điểm nóng nhất trong ngày.

Thứ tư là những kỳ nghỉ hè. Nhiều người châu Âu có kỳ nghỉ hè dài đáng kể. Gần 3/4 người châu Âu cho biết họ dự định đi du lịch vào mùa hè. Những người ở nhà thì có truyền thống tới những không gian công cộng, chẳng hạn như vườn bia, cà phê sân thượng và công viên. Hoặc đơn giản là họ ngủ trưa trong khoảng thời gian nóng nhất trong ngày.

Thứ năm là kiến ​​trúc. Các tòa nhà ở châu Âu hầu hết đã cũ. Ở hầu hết các nước EU, hơn một nửa số tòa nhà dân cư được xây dựng trước năm 1970. Kết quả là, rất ít ngôi nhà được xây dựng với hệ thống máy điều hòa nhiệt độ. Người thuê nhà có thể không muốn đầu tư vào một căn hộ không thuộc sở hữu của mình; chủ sở hữu thì không muốn trả tiền cho việc lắp đặt phức tạp, tốn thời gian, có khi phải xin phép quản lý tòa nhà hoặc chính quyền địa phương.

Nhưng di sản đó cũng là một may mắn, vì nhiều ngôi nhà ở châu Âu được thiết kế thân thiện với khí hậu. Hiếm khi thấy một tòa nhà nào ở Madrid hay Athens không có cửa chớp bên ngoài để ngăn ánh nắng mùa hè chiếu vào cửa sổ. Ban công thì hầu như ở khắp nơi, và không giống như điều hòa nhiệt độ, chúng không được coi là xa xỉ. Các kiến​​ trúc sư đoạt giải Pritzker Lacaton và Vassal đã thêm chúng vào cả các khu nhà ở xã hội cũ ở Bordeaux. Hầu hết các căn hộ cũng có hệ thống thông gió chéo, được thiết kế rất khéo.

Ngày nay, những ngôi nhà mới ở những vùng nóng hơn của lục địa thường đi kèm với máy bơm nhiệt hỗ trợ điều hòa không khí như một điều tất nhiên. Tuy nhiên, bạn có thể thấy sự tập trung vào kiến ​​trúc trước khi công nghệ được ứng dung trong quy định xây dựng mới của Anh. Trong tiêu chuẩn mới, một căn hộ phải được thông gió chéo. Có các giới hạn về bề mặt cửa sổ và hướng dẫn về mái văng che nắng cho chúng khi mặt trời lên cao. Điều thú vị nhất, là các nhà xây dựng phải chứng minh rằng “tất cả các phương tiện thực tế để hạn chế mức tăng năng lượng mặt trời không mong muốn đã được sử dụng trước khi áp dụng phương pháp làm mát bằng máy móc". Rõ ràng, điều hòa không khí là một công cụ cuối cùng.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

Vấn đề từ giá điện âm ở châu Âu

Châu Âu đang đối mặt một vấn đề trái ngược với khủng hoảng năng lượng hồi năm ngoái. Với mức giá âm, các nhà máy điện đang phải gánh chịu chi phí để giảm tải lượng điện dư thừa.

Phần Lan và một số nước châu Âu đang đứng trước một tình huống hiếm gặp. Tuần này, The Guardian đưa tin nguồn cung dư thừa đã đẩy giá điện giao ngay xuống dưới 0 ở một số thời điểm vào ban ngày.

Nguyên nhân chủ yếu là tình trạng dư thừa cung từ các nguồn năng lượng tái tạo. Thêm vào đó, thời tiết dễ chịu khiến người dân không có nhu cầu sưởi ấm hay làm mát.

Trên thực tế, dường như không có bất cứ người dân Phần Lan nào được trả tiền để dùng điện. Thay vì giá giao ngay, mọi người thường thanh toán tiền điện với mức giá đã thỏa thuận với các công ty bán lẻ.

"Sản xuất bắt buộc"

Dù vậy, giá điện âm và tình trạng dư thừa nguồn cung vẫn là một bước ngoặt với Phần Lan, vốn phải hạn chế tiêu thụ điện cách đây chỉ vài tháng. Nước này đã rơi vào cuộc khủng hoảng năng lượng sau khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine.

Nhưng tháng 4 năm nay, một lò phản ứng hạt nhân đã được đưa vào hoạt động với nguồn cung năng lượng tăng lên đáng kể.

Theo The National, Olkiluoto 3 - lò phản ứng hạt nhân mới đầu tiên được khánh thành ở châu Âu trong vòng hơn 15 năm - đã giúp giá điện tại Phần Lan giảm 75% từ 245,98 euro/MWh vào tháng 12 xuống 60,55 euro/MWh trong tháng 4.

"Mùa đông năm ngoái, điều duy nhất mà người ta lo lắng là cần lấy thêm điện ở đâu. Giờ đây, chúng ta đang tìm cách hạn chế sản xuất", ông Jukka Ruusunen - Giám đốc điều hành của công ty vận hành lưới điện Phần Lan Fingrid - nói với đài Yle.

"Chúng ta đã đi từ thái cực này sang thái cực khác", ông nói thêm. Thật vậy, giá điện âm đang trở thành vấn đề mới đối với các nhà máy điện.

Giá điện thường âm khi nguồn cung dư thừa. Điều này có thể xảy ra do các nguồn năng lượng tái tạo như gió, mặt trời hoặc thủy điện sản xuất ra một lượng điện lớn vượt quá nhu cầu và không thể lưu trữ.

Trong những trường hợp này, các nhà sản xuất có thể để giá điện bán buôn rơi xuống mức âm để đẩy lượng điện dư thừa ra khỏi lưới điện và tránh tình trạng quá tải hệ thống.

Tại Phần Lan, băng tuyết tan nhanh vào mùa xuân đã đẩy các nhà máy thủy điện vào tình trạng chạy quá tốc độ và tạo ra lượng điện dồi dào.

"Vào mùa xuân, lũ lụt có thể tạo ra tình trạng 'sản xuất bắt buộc', bởi các nhà máy không thể kìm hãm năng suất. Do lượng nước rất lớn, thủy điện thường rất khó để điều tiết trong giai đoạn này của năm", ông Ruusunen giải thích.

Do đó, các nhà máy điện của Phần Lan không thể hoạt động một cách bình thường, nếu giá điện thấp hơn chi phí sản xuất.

"Việc sản xuất không mang lại lợi nhuận sẽ thường rời bỏ thị trường", ông Ruusunen bình luận.

Điện dư thừa trên khắp châu Âu

Đó không phải câu chuyện của riêng mình Phần Lan. Theo chuyên gia phân tích năng lượng Gerard Reid, xu hướng giá điện giảm xuống dưới 0 không chỉ bắt nguồn từ việc gia tăng nguồn cung năng lượng tái tạo và điều kiện thời tiết thuận lợi, mà còn bị coi là trở ngại đối với sự ổn định trong việc phát điện.

Chẳng hạn, Đan Mạch đáp ứng 85% nhu cầu năng lượng hàng tuần từ năng lượng tái tạo. Nhưng trong những ngày trời nhiều gió, nước này có thể xuất khẩu tới 50% lượng điện dư thừa sang các nước láng giềng.

"Điều này cho thấy lợi ích của sự kết nối, nhưng nó cũng bộc lộ những hạn chế. Bởi khắp châu Âu đang thừa điện", vị chuyên gia nhận định.

"Các nước như Tây Ban Nha, Hà Lan, Đức, Đan Mạch và Thụy Điển đều đã ghi nhận giá điện bằng 0 hoặc rơi xuống âm. Tình trạng sản xuất dư thừa khiến họ đạt đến giới hạn những gì có thể tiêu thụ, thậm chí xuất khẩu", ông giải thích.

Theo ông, không chỉ Phần Lan, băng tuyết tan nhanh ở Na Uy và Thụy Điển cũng cung cấp nhiên liệu cho các tuabin thủy điện và tạo ra lượng điện dư thừa.

Hơn nữa, theo nhà khí tượng học MetDesk Theo Gkousarov, khu vực áp suất cao chiếm ưu thế ở phần lớn Trung và Tây Bắc Âu đã dẫn tới "một lượng lớn năng lượng mặt trời trên toàn khu vực".

Thêm vào đó, khu vực này còn gấp rút bổ sung công suất phát điện vào năm ngoái. Ngoài lò phản ứng hạt nhân mới ở Phần Lớn với công suất 1,6 GW, các quốc gia này còn có thêm tổng cộng 5 GW năng lượng gió.

"Cùng với đó là nhu cầu về điện yếu ớt ở Bắc Âu, chủ yếu do môi trường kinh tế yếu kém của Thụy Điển. Điều đó càng làm trầm trọng hơn nữa vấn đề cung vượt quá cầu", ông Gkousarov bình luận.

Do đó, theo vị chuyên gia, các nhà máy điện đang phải gánh chịu chi phí để giảm tải lượng điện dư thừa, nhất là những nhà máy hoạt động kém linh hoạt như nhà máy thủy điện và hạt nhân.

Tìm cách lưu trữ

"Điều đó thật điên rồ", chuyên gia Reid bình luận về việc giá điện rơi xuống mức âm. Và đối với các nhà máy điện, vấn đề của họ nằm ở tính thiếu linh hoạt của hệ thống.

Ông Reid đưa ra một số giải pháp dài hạn như xây thêm hồ thủy điện tích năng, đóng vai trò như những bình ắc quy bằng nước quy mô khổng lồ; nâng cấp các cơ sở thủy điện hiện có; thúc đẩy nhu cầu linh hoạt và xây dựng cơ sở hạ tầng lưới điện.

Nhưng ông Reid cho rằng giải pháp trước mắt là pin ngắn hạn.

"Pin sẽ trở thành thành phần không thể thiếu trong hệ thống điện tương lai. Câu hỏi đặt ra là liệu các nhà máy điện truyền thống có thể hành động đủ nhanh, để tránh thiệt hại từ việc sản xuất và bán điện dưới chi phí vận hành hay không", ông đặt câu hỏi.

Nhìn sang Mỹ, các công ty từ BlackRock (Mỹ), SK (Hàn Quốc) đến UBS (Thụy Sĩ) đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các nhà máy lưu trữ pin tại bang Texas (Mỹ). Đó là cách giải quyết các vấn đề về lưới điện của bang này bằng cách lưu trữ năng lượng ở quy mô lớn.

Lỗ hổng của năng lượng gió và năng lượng mặt trời là sự không liên tục. Điều này thúc đẩy các nhà máy pin lưu trữ điện ở thời điểm điện rẻ và dồi dào, rồi bán giá khi nguồn cung thắt chặt và giá cả tăng cao.

Theo Merccom Capital Group, các công ty lưu trữ năng lượng của Mỹ đã thu hút được 5,5 tỷ USD đầu tư vào năm ngoái.

(Nguồn: Zing News)

Thông điệp quan trọng từ hội nghị của các lãnh đạo châu Âu tại Moldova

(Ảnh minh họa).

Lãnh đạo 47 quốc gia châu Âu thuộc Cộng đồng Chính trị châu Âu (EPC) đã họp thượng đỉnh tại Moldova vào ngày 1/6 để thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có chiến sự Ukraine.

ECP là một khuôn khổ hợp tác không chính thức giữa các nước châu Âu, theo sáng kiến của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron được đưa ra vào ngày 9/5/2022, hơn 2 tháng sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Sáng kiến này từng bị coi là một giải pháp tình thế nhằm hỗ trợ Ukraine, quốc gia mong muốn được kết nạp khẩn cấp vào Liên minh châu Âu (EU) nhưng chưa thể đáp ứng. Sáng kiến từng gây nhiều hoài nghi, nhất là trong bối cảnh chiến sự Ukraine vẫn diễn ra khốc liệt.

Vì vậy, những người đứng đầu của 47 quốc gia châu Âu quyết định tập trung về tại lâu đài Mimi ở Bulboaca, gần thủ đô Chisinau của Moldova để đặt nền móng cho EPC và thể hiện tình đoàn kết về tài chính và chính trị với quốc gia Đông Âu nhỏ bé vốn đang tìm cách trở thành thành viên của EU.

Với vị trí nằm giữa Ukraine và EU, đất nước Đông Âu Moldova hiện nay đang được nhắc đến tên trên chính trường quốc tế khi trở thành nước chủ nhà EPC. Đây là lần thứ hai EPC nhóm họp, 8 tháng sau cuộc họp đầu tiên khai mạc ở thủ đô Praha của Cộng hòa Séc.

Thông điệp chính trị quan trọng

Quyết định tổ chức cuộc họp của 47 nguyên thủ quốc gia và chính phủ tại Moldova là một tín hiệu quan trọng cho thấy đất nước nhỏ bé đang tiến tới hội nhập châu Âu và bước ra vũ đài quốc tế, một mục tiêu càng trở nên cấp bách hơn khi cuộc chiến Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Theo các chuyên gia, việc lựa chọn tổ chức hội nghị thượng đỉnh EPC ở Moldova, một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ với khoảng 2,6 triệu dân, được coi là một thông điệp mà EU và cả chính phủ Moldova thân phương Tây, gửi tới Nga.

Khi phát biểu trước các nhà lãnh đạo có mặt tại lễ khai mạc, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte lưu ý tầm quan trọng của địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh, chỉ cách biên giới Ukraine khoảng 20 km. "Cuộc gặp của chúng ta hôm nay ở Moldova đã nói lên rất nhiều điều. Đất nước này giáp Ukraine và ở đây, mối đe dọa từ Nga có thể thấy rõ", ông Rutte nói.

Moldova, quốc gia nghèo nhất châu Âu, đã liên tục thể hiện sự ủng hộ đối với Ukraine và tiếp nhận những người tị nạn chạy khỏi chiến tranh.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh. Ngay khi đến Moldova, ông Zelensky kêu gọi cộng đồng quốc tế đưa ra "những đảm bảo an ninh" cụ thể tại Ukraine và nước láng giềng Moldova.

Tổng thống Zelensky cũng cho biết, ông sẽ phát biểu trước "các nước đối tác" về việc thiết lập một "liên minh máy bay phản lực" và một liên minh cung cấp tên lửa Patriot cho Ukraine. "Đó là sáng kiến mới của chúng tôi và chúng tôi thực sự cần nó", ông nói.

Đối với bản thân Moldova, với hội nghị lần này, vấn đề đơn giản hơn là một cuộc tranh luận về cán cân quyền lực nằm ở đâu trong giới lãnh đạo phương Tây. "Chưa bao giờ có một sự kiện lớn như vậy trong lịch sử của Moldova", ông Felix Hett, một chuyên gia về Ukraine và Moldova tại Quỹ Friedrich Ebert của Đức, cho biết.

"Nếu mọi việc suôn sẻ, hội nghị này sẽ là một sự kiện quảng cáo cho Moldova, một bằng chứng về những gì mà quốc gia nhỏ bé này có thể đạt được", ông Ebert nói thêm.

Ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự sẽ là an ninh và nguồn cung năng lượng, vốn đã được Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) tài trợ một phần. Trong những năm qua, EBRD đã hỗ trợ tổng cộng 2 tỷ euro vào nền kinh tế Moldova và giúp quốc gia nghèo nhất châu Âu đảm bảo nguồn cung khí đốt.

Chiến sự Nga - Ukraine trở thành chủ đề nóng

Nhưng tình hình chiến sự Ukraine được xem sẽ là chủ đề nóng nhất được đưa ra thảo luận. Ngoài ra, các vấn đề khác được chú trọng là sự mở rộng của EU và tăng cường hợp tác giữa các nước châu Âu.

Kể từ hội nghị thượng đỉnh ở Praha vào tháng 10/2022, các thành viên tham gia đã cho biết kiểu hợp tác mới này rất hữu ích.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz coi đây là một "sự đổi mới" và tại hội nghị thượng đỉnh của Hội đồng châu Âu (EC) ở Iceland vào tháng 5, ông đã ca ngợi đây là một diễn đàn được xây dựng tốt, cho phép trao đổi mà không bị áp lực phải đưa ra bất kỳ quyết định chính thức nào.

Phát biểu tại Praha khi đó, Tổng thống Macron thậm chí còn đi xa đến mức dự đoán rằng nó có thể là một công cụ để ngăn chặn nội chiến, mà ông mô tả là "căn bệnh thời thơ ấu của châu Âu".

Trong khi đó, Thủ tướng Albania Edi Rama cảnh báo, EPC không thể trở thành "phòng chờ" khác cho các nước đăng ký gia nhập EU và nhấn mạnh rằng các cuộc đàm phán tư cách thành viên cần phải tiếp tục theo quy định.

Hiện các quốc gia Albania, Serbia, Montenegro và Bắc Macedonia đang trong các cuộc đàm phán tư cách thành viên EU trong khi Bosnia-Herzegovina là một ứng viên cho các cuộc đàm phán gia nhập. Kosovo và Georgia chỉ là những ứng viên tiềm năng.

Trong bài phát biểu quan trọng trước Nghị viện châu Âu (EP) vào đầu tháng 5, Thủ tướng Scholz nói ông muốn đẩy nhanh quá trình gia nhập EU nhưng để điều này có thể thực hiện được thì bản thân khối này cần phải có những cải cách khẩn cấp.

Năm 2022, Ukraine và Moldova đã nhận được tư cách ứng cử viên chính thức để gia nhập EU cùng với Gruzia, nhưng quá trình gia nhập có thể mất nhiều năm để hoàn thành.

Thổ Nhĩ Kỳ, Armenia và Azerbaijan cũng đã được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh ở Moldova và được dự đoán "sẽ mang đến những căng thẳng của riêng họ".

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, người vừa tái đắc cử trong cuộc bầu cử hôm 29/5, dự kiến sẽ lên tiếng chỉ trích EU, trong khi vẫn yêu cầu Ankara trở thành ứng viên thành viên liên minh này. Trong khi đó, Serbia và Kosovo đang đứng bên bờ vực chiến tranh. Và Anh, cựu thành viên duy nhất của EU, vẫn đang cố gắng tìm chỗ đứng "hậu Brexit".

Câu hỏi khó

Chỉ vài giờ gặp gỡ tại lâu đài Mimi sẽ không đủ để các nhà lãnh đạo đưa ra các giải pháp thực sự cho nhiều vấn đề mà châu Âu đang phải đối mặt. Nhưng họ có thể đủ thời gian để thu thập một số ý tưởng mới.

"Hội tranh luận" mới, như cách những người chỉ trích gọi là EPC, liệu sẽ giải quyết hiệu quả vấn đề gì khác? Xét cho cùng, các nhà lãnh đạo châu Âu vừa gặp nhau 2 tuần trước tại hội nghị thượng đỉnh của Hội đồng châu Âu ở Iceland, nơi họ bàn nhiều về cuộc chiến Nga - Ukraine. Vậy điều gì có thể xảy ra? EPC sẽ làm tốt hơn không?

"Tôi nghĩ đó là câu hỏi đáng giá triệu USD", bà Amanda Paul, nhà phân tích chính sách cấp cao tại Trung tâm Chính sách châu Âu có trụ sở tại Brussels, nói. "Nếu các bạn hỏi các nước tham gia, họ vẫn đang vò đầu bứt tai", bà nói

Theo chuyên gia trên, đối với những người đứng đầu các quốc gia và chính phủ ngoài EU, diễn đàn này là một cơ hội tốt để gặp gỡ trực tiếp và thảo luận các vấn đề. "Cần phải có một cái gì đó thực tế hơn so với cuộc gặp ở Praha, chẳng hạn như một mục tiêu hoặc lộ trình rõ ràng về những gì EPC", bà nói.

(Nguồn: Dân Trí)

Thượng đỉnh EU-Trung Á : Liên Âu nỗ lực lấn sâu vào sân sau của Nga

Hôm nay, 02/06/2023, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel đến Kirghizstan dự hội nghị thượng đỉnh giữa Liên Hiệp Châu Âu với 5 nước Cộng hòa Trung Á thuộc Liên Xô cũ với mục tiêu tăng cường sự hiện diện và ảnh hưởng của Liên Âu tại khu vực. Nơi đây ngày càng được các cường quốc săn đón trong bối cảnh Nga đang tập trung vào cuộc chiến tranh ở Ukraina.

Tổng thống năm nước Kazakhstan, Kirghizstan, Uzbekistan, Tadjikistan và một phái đoàn của Turkmenistan cùng chủ tịch Hội Đồng Châu Âu tham dự hội nghị được tổ chức ở thành phố Cholpon-Ata của Kirghizstan. Đây là thượng đỉnh thứ 2 giữa EU và 5 nước Trung Á trong vòng chưa đầy một năm và chỉ hai tuần sau cuộc gặp giữa chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống của các nước nói trên tại Tây An, Trung Quốc.

Tại khu vực vốn được coi là vùng ảnh hưởng của Nga, Liên Hiệp Châu Âu vẫn dẫn đầu về viện trợ phát triển với 1,1 tỷ euro trong giai đoạn từ 2014 đến 2020. Liên Âu hiện là đối tác đầu tư chính tại Trung Á, đứng đầu, chiếm 42%, vượt trên Hoa Kỳ 14,2%, Nga 6% và Trung Quốc 3,7%.

Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraina đã tạo ra một động lực mới cho mối quan tâm của Liên Hiệp Châu Âu đối với vùng Trung Á. Do Nga ngày càng bị suy cạn nguồn lực vì chiến tranh, các trừng phạt, các nước Cộng hòa Trung Á buộc phải tìm cách đa dạng hóa các đối tác, sẵn sàng tìm đến các nước như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ hay Iran. Ngược lại, các cường quốc cũng nhìn thấy ở các quốc gia Trung Á những tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa chính trị ngày càng quan trọng.

Bruxelles cố gắng giảm thiểu tác động của các biện pháp trừng phạt Nga hiện nay để các nước Trung Á đỡ bị ảnh hưởng gián tiếp, đồng thời cũng tìm cách ngăn chận Nga sử dụng các nước Trung Á để lách trừng phạt của phương Tây.

Mặc dù khẳng định đường lối ngoại giao đa phương, các nước Cộng hòa Trung Á vẫn gắn kết với Nga bằng mối liên minh quân sự, kinh tế và văn hóa đã tồn tại từ sau khi Liên Xô tan rã.

Đối thủ cạnh tranh mới của châu Âu, Trung Quốc, láng giềng lớn của các quốc gia Trung Á, cũng đang tìm cách lôi kéo các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ qua việc cung cấp tài chính, đầu tư ồ ạt vào những dự án lớn, đặc biệt là các công trình hạ tầng cơ sở phục vụ cho dự án Con đường tơ lụa mới của Bắc Kinh.

Có một điểm tế nhị cho Liên Hiệp Châu Âu, đó là các chế độ ở Trung Á vẫn bị các tổ chức phi chính phủ lên án là độc tài, tuy ở mỗi nước mức độ có khác nhau. Tình hình an ninh trong khu vực vẫn bất ổn do các hiềm khích lịch sử để lại trong quan hệ giữa các nước Trung Á.

(Nguồn: RFI)

Vòng xoáy lương-giá leo thang tại Anh

(Ảnh minh họa).

Tình hình lạm phát của Anh năm 2023 có vẻ đang trở nên giống với thực trạng của những năm 1970 khi người ta nói về một “căn bệnh Anh” khiến nước này được ví như “bệnh nhân” của châu Âu.

Báo The Financial Times (Anh) có bài viết nhận định rằng tình hình lạm phát của Anh năm 2023 có vẻ đang trở nên giống với thực trạng của những năm 1970 khi người ta nói về một “căn bệnh Anh” khiến nước này được ví như “bệnh nhân” của châu Âu.
Lạm phát cao kéo dài làm lu mờ vấn đề lãi suất ở các quốc gia khác. Các hợp đồng tương lai gắn với chỉ số chứng khoán càng làm gia tăng áp lực về giá. Các cơ quan chức năng đang chật vật kiểm soát chi tiêu hộ gia đình trong khi vòng xoáy lương-giá leo thang cao hơn.
Số liệu công bố ngày 24/5 cho thấy tỷ lệ lạm phát tháng Tư là 8,7%, cao hơn so với mức 8,4% mà Ngân hàng trung ương Anh (BoE) dự báo, cho thấy nước Anh dường như gặp phải một vấn đề riêng. Nước này không những chịu tác động của việc chi tiêu mạnh tay của chính phủ vào thời điểm thị trường lao động bị cắt giảm, điều mà Mỹ cũng đang phải đối mặt, mà còn cả những tác động còn lại của việc giá khí đốt bán buôn ở châu Âu tăng mạnh vào năm ngoái.
Tuy nhiên, với việc lạm phát ở Anh cao hơn đáng kể so với hầu hết các quốc gia khác ở Tây Âu và BoE liên tục đưa ra những dự đoán lạc quan quá mức, thì những lời bào chữa ngày càng ít đi.
Stephen King, cố vấn kinh tế cấp cao của ngân hàng HSBC và là tác giả của cuốn “We Need to Talk About Inflation” (tạm dịch: Chúng ta cần bàn về lạm phát), đã tỏ ra gay gắt sau khi Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS) công bố số liệu hôm 24/5. Ông cho rằng số liệu do BoE công bố nêu đậm một loạt thực trạng đáng lo ngại, đó là tăng trưởng suy giảm, lực cản tiền lương thực tế, lạm phát cơ bản cao nhất trong nhiều thập kỷ. BoE thừa nhận rằng họ đã sử dụng một mô hình không hoạt động tốt trong thời gian gần đây. Lãi suất chính sách vẫn rất thấp so với mức lạm phát cơ bản 6,8%.
Lạm phát của Anh hiện cao hơn nhiều so với mức trung bình 7% của khu vực sử dụng đồng tiền chung euro. Hai quốc gia Tây Âu duy nhất khác có tỷ lệ lạm phát trên 8% là Italy - nơi lạm phát ngang bằng với Anh - và Áo. Giá thực phẩm vẫn tăng vọt với tỷ lệ 19,1% trong tháng 4/2023.
Anh có vẻ như đang gặp khó khăn lớn hơn khi Đại học London School of Economics and Political Science (LSE) ngày 24/5 công bố nghiên cứu mới cho thấy các rào cản thương mại của Brexit đã đóng góp 8 điểm phần trăm vào mức tăng 25% của giá thực phẩm từ năm 2019 đến tháng 3/2023.
Trong ba tháng liên tiếp, BoE cũng đã thất bại khi không hiểu được các động lực ngắn hạn của giá cả. Vào tháng Hai, BoE dự báo lạm phát sẽ giảm xuống 9,2% vào tháng Ba nhưng trên thực tế vẫn ở mức 10,1%. Khi BoE điều chỉnh các dự báo của mình trong tháng này, ngân hàng trung ương đã thiết kế các biên độ sai số mới để cải thiện độ chính xác. Các quan chức cho biết ngân hàng trung ương đã thử mọi cách để đảm bảo các dự báo không quá lạc quan một lần nữa.
Thống đốc BoE, ông Andrew Bailey, ngày 23/4 thừa nhận rằng ngân hàng đã có “những bài học rất lớn” về kiểm soát lạm phát và dự báo lạm phát. Ông cho biết việc không hiểu được áp lực giá ngay lập tức đối với thực phẩm một phần là do thời tiết bất lợi ở Morocco mà BoE không thể dự đoán được và đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng các mặt hàng dễ hỏng như dưa chuột và cà chua.
Tuy nhiên, ông Bailey cũng thừa nhận BoE đã không nhận ra rằng các nhà sản xuất thực phẩm đã chốt các hợp đồng bán buôn dài hạn về giá hàng hóa thực phẩm toàn cầu, sát với mức đỉnh của năm ngoái.
Rõ ràng là vị Thống đốc này cũng không nhận ra giá cả tại Anh đã tăng 1,2% trong tháng gần nhất. Ông cũng không cho rằng việc tăng giá sẽ lan rộng như vậy, do giá ô tô cũ tăng và phí điện thoại di động tăng mạnh, rồi đến sách, thiết bị thể thao và đồ làm vườn cũng như các sản phẩm dành cho thú cưng. Phí điện thoại di động tăng một phần là do các hợp đồng tương lai gắn với chỉ số chứng khoán, một nét đặc trưng của những năm 1970 và vẫn là lý do khiến lạm phát kéo dài cho đến ngày nay.
Ngay cả trước khi phạm phải những lỗi dự báo mới nhất, các quan chức của BoE đã chịu sức ép khi trực tiếp giải trình với các nghị sĩ tại Ủy ban Tài chính của Hạ viện vào ngày 23/5. Mặc dù ông Bailey cho biết BoE đã dựa trên đánh giá của mình để đẩy dự báo của mình lên mức cao hơn, nhưng ông đã bị Chủ tịch Ủy ban Tài chính Hạ viện - nghị sỹ Harriett Baldwin chỉ trích vì sử dụng một mô hình chỉ dựa trên dữ liệu phản ánh 30 năm ổn định giá tương đối.
Huw Pill, nhà kinh tế trưởng của BoE, cho biết ngân hàng này đang nghiên cứu dữ liệu lịch sử một cách cẩn thận để có cái nhìn toàn diện về cách kiểm soát lạm phát. Ông nói: “Chúng tôi đang cân nhắc liệu có tiếp tục sử dụng các mô hình hiện có hay sẽ xây dựng lại các khuôn khổ đã được áp dụng cho dữ liệu của những năm 1970 và 1980 hay không”.
Tuy nhiên, ông Huw Pill cũng nói thêm rằng trên thực tế cũng có thể những sự kiện vừa qua không liên quan trực tiếp đến nhau. Theo ông, lạm phát vẫn dai dẳng trong những thập kỷ trước bởi vì các công ty và nhân viên lúc đó mặc định rằng lạm phát sẽ vẫn ở mức cao, đồng thời định giá và yêu cầu tăng lương tương ứng.
Mặc dù Thống đốc Bailey đã chấp nhận rằng vòng xoáy giá-lương đang khuếch đại lạm phát, nhà kinh tế trưởng của ông cho biết, tình hình hiện tại khác với những năm 1970. Ông Pill cho hay: “Cấu trúc của thị trường lao động rất khác biệt và đặc biệt là chế độ thực thi chính sách tiền tệ rất khác nhau”. BoE đã nhấn mạnh phần lớn lạm phát đến từ việc giá xăng và thực phẩm tăng mạnh, những mặt hàng mà Anh nhập khẩu và ngân hàng trung ương không kiểm soát được.
Như các nhà kinh tế đã chỉ ra, việc BoE đổ lỗi tình trạng lạm phát cho giá năng lượng và lương thực nhập khẩu ngày càng trở nên không phù hợp với dữ liệu.
Lạm phát cơ bản đã tăng từ 6,2% trong tháng Ba lên 6,8% trong tháng Tư khi mức trung bình mà các nhà kinh tế dự đoán vẫn y nguyên. Các số liệu chính thức cũng cho thấy hàng hóa và dịch vụ ít liên quan nhập khẩu đang ngày càng gia tăng đóng góp vào tỷ lệ lạm phát chung.
ONS cho biết, trong tháng Tư, các hạng mục có tỷ lệ nhập khẩu dưới 10%, chẳng hạn như tiền thuê nhà ở, đã đóng góp 1,76 điểm phần trăm vào tỷ lệ lạm phát 8,7%. Con số này tăng từ 1,38 điểm phần trăm vào tháng Ba và là mức cao nhất kể từ khi hệ thống số liệu được công bố lần đầu tiên vào năm 2006.
Allan Monks, chuyên gia kinh tế Anh tại ngân hàng JP Morgan Chase Bank, cho biết, đây là điều đáng báo động và sẽ khiến BoE tăng lãi suất thêm nữa. Ông Monks nói rằng: “Dữ liệu không thể được nhìn nhận là sản phẩm một lần hoặc đơn giản là một sản phẩm phụ gián tiếp của việc tăng giá năng lượng và thực phẩm, như BoE và những người ủng hộ có xu hướng đề cập gần đây.”
Dư âm của quá khứ đã gây hoảng sợ trên thị trường tài chính, làm tăng kỳ vọng về việc tăng lãi suất trong tương lai. Thị trường tài chính dự đoán lãi suất sẽ tăng lên 5,3% vào cuối năm nay.
Theo Sandra Horsfield, chuyên gia về kinh tế Anh tại công ty dịch vụ tài chính Investec, đây có thể là vấn đề rất nghiêm trọng và lãi suất có thể tăng thêm 0,25 điểm phần trăm lên 4,75% vào tháng Sáu. Theo bà Horsfield, trong thời kỳ lạm phát đình trệ theo kiểu những năm 1970, với tăng trưởng thấp và lạm phát cao, cần tự hỏi liệu việc "hãm phanh" đà tăng lạm phát mạnh hơn nữa có cần thiết hay không./.

(Nguồn: Bnews)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang