EU: Nỗ lực chặn người di cư; Khả năng ECB giảm lãi suất; DN phụ thuộc hàng TQ; Siết quy định các dự án hydro; Họp bất thường vì Liban

CHÂU ÂU NỖ LỰC NGĂN CHẶN NGƯỜI DI CƯ

Việc mới đây Hải quân Senegal trục vớt được 30 thi thể từ một chiếc thuyền trôi dạt cách bờ biển thủ đô Dakar khoảng 70km, một lần nữa báo động về tình trạng vô cùng nguy hiểm đối với người nhập cư vào châu Âu bằng đường biển.

Trong đêm tối, đội tuần tra hải quân Senegal đã phát hiện một chiếc thuyền đánh cá bằng gỗ đang trôi dạt đến cảng Dakar. 30 thi thể trên thuyền đều trong tình trạng phân hủy nặng. Những người xấu số được cho là nạn nhân của những băng nhóm buôn người hoạt động rất mạnh ở một số quốc gia châu Phi.

Bờ biển Senegal là một trong những điểm khởi hành chính của nhiều người di cư hy vọng đến được châu Âu, đồng thời là khu vực thường xuyên chứng kiến các thảm kịch di cư bằng thuyền. Nhiều người trong số này đã chấp nhận hành trình vượt Đại Tây Dương đầy nguy hiểm để hướng đến Quần đảo Canary của Tây Ban Nha.

Trước đó, ngày 24/9, truyền thông Hy Lạp đưa tin, lực lượng bảo vệ bờ biển nước này đã giải cứu được 5 người di cư từ tay nhóm buôn người, tại vùng biển ngoài khơi thành phố Agios Isidoros. 3 thi thể của người vượt biển cũng đã được tìm thấy. Hy Lạp là một cửa ngõ được người di cư và người tị nạn từ Trung Đông, châu Phi và Nam Á tìm đến để từ đó đi vào Liên minh châu Âu (EU). Họ vượt biển chủ yếu bằng những chiếc xuồng cao su rất không an toàn.

Cùng thời điểm, các nhân viên di trú thuộc Bộ Nội vụ Anh đã bắt giữ 31 đối tượng buôn người định lợi dụng các biện pháp kiểm soát biên giới mềm mỏng hơn với Ireland để đưa người di cư bất hợp pháp vào nước này; thu giữ 400.000 bảng Anh (532.350 USD) tiền mặt và nhiều giấy tờ tùy thân giả. Ông Jonathan Evans, Thanh tra di trú của Bộ Nội vụ Anh nhấn mạnh cuộc truy quét vừa qua là một “thành công lớn” và gửi đi thông điệp rõ ràng rằng các băng nhóm buôn người sẽ bị trừng trị nghiêm khắc.

Còn theo bà Angela Eagle - Quốc vụ khanh phụ trách An ninh biên giới và tị nạn, chính phủ sẽ đấu tranh chống buôn người trên mọi mặt trận và sẽ mở rộng chiến dịch trấn áp để xóa sổ các tuyến đường đưa người trái phép vào Anh. Kể từ đầu năm đến cuối tháng 9/2024, số người di cư đến Anh bằng cách vượt eo biển Manche trên những chiếc thuyền nhỏ đã lên tới 25.052 người. Thủ tướng Keir Starmer cũng cam kết "đập tan các băng nhóm" buôn người chuyên tổ chức các cuộc vượt biển nguy hiểm và kiếm lời hàng nghìn euro từ mỗi người di cư.

Nhiều năm qua, EU đã phải áp dụng nhiều biện pháp ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp, nhưng bất thành. Tới nay, sau 3 năm đàm phán giữa các quốc gia thành viên EU, chính sách nhập cư chung đã có những chuyển biến rõ ràng hơn. Hiệp ước Di cư và tị nạn đã được ký kết nhằm cố gắng thu hẹp sự khác biệt giữa các quốc gia thành viên EU, nhấn mạnh sự đoàn kết và phân bổ gánh nặng nhập cư một cách công bằng hơn.

Việc Nghị viện châu Âu (EP) hồi giữa tháng 4 năm nay phê chuẩn hiệp ước mới về chính sách di cư và tị nạn đã quy định rõ về sàng lọc trước khi nhập cảnh, bao gồm nhận dạng, thu thập dữ liệu sinh trắc học cũng như kiểm tra sức khỏe và an toàn trong thời gian tối đa là 7 ngày.

Các quy định mới sẽ bắt đầu được áp dụng từ năm 2026 và 27 nước thành viên EU sẽ có 2 năm để đưa ra những thay đổi tương ứng trong luật pháp quốc gia của mình.

Bà Ursula von der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) ca ngợi kết quả ký kết và cho rằng điều đó sẽ "bảo đảm biên giới châu Âu, đồng thời bảo đảm các quyền cơ bản" của người di cư. Tuy nhiên, Chủ tịch EC không quên nhấn mạnh: "Chúng ta phải là người quyết định ai sẽ đến EU và trong hoàn cảnh nào, chứ không phải những kẻ buôn lậu và buôn người".

Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Bộ trưởng Di cư của Hy Lạp, Dimitris Kairidis, cũng đã gọi đây là "sự kiện lịch sử" với hy vọng ngăn được làn sóng người di cư bất hợp pháp vào EU, cũng như kéo giảm những vụ chết người tập thể thảm thương trên biển.

Tuy nhiên, hiệp ước mới về chính sách di cư và tị nạn do Nghị viện châu Âu thông qua không phải đã được sự ủng hộ của tất cả các thành viên EU. Vì rằng, một số quốc gia được cho là “tiền tuyến” đối đầu với làn sóng người di cư như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Italy, Malta cho rằng họ thiệt thòi vì phải gánh nhiều gánh nặng hơn những thành viên khác còn lại trong EU.

 

 

LIỆU NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG CHÂU ÂU CÓ CẮT GIẢM LÃI SUẤT?

Những diễn biến gần đây về giá cả ở khu vực đồng euro đã củng cố niềm tin của ECB về việc lạm phát sẽ sớm đạt mục tiêu đề ra - yếu tố làm cơ sở quan trọng để quyết định mức lãi suất mới.

Ngày 30/9, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde bày tỏ niềm tin lạm phát sẽ sớm quay về mức 2%, mở ra khả năng cắt giảm lãi suất vào tháng 10 tới.

Trang tin Euractiv cho biết bà Lagarde nhận định những diễn biến gần đây về giá cả ở khu vực đồng euro đã củng cố niềm tin của ECB về việc lạm phát sẽ sớm đạt mục tiêu đề ra.

Bà cho biết ECB sẽ cân nhắc yếu tố này trong cuộc họp chính sách tiền tệ vào tháng 10, làm cơ sở quan trọng để quyết định mức lãi suất mới.

Trước đó, ECB dự báo lạm phát ở khu vực đồng euro sẽ trở lại mức 2% vào cuối năm 2025. Tuy nhiên, phát biểu mới nhất của bà Lagarde cho thấy điều này có thể xảy ra sớm hơn dự kiến, củng cố kỳ vọng của các nhà quan sát về khả năng tiếp tục giảm lãi suất.

Nếu diễn ra, đây sẽ là lần cắt giảm lãi suất thứ ba của ECB sau hai đợt vào tháng 6 và tháng 9 vừa qua.

Một tháng trước, các chuyên gia còn kỳ vọng đợt nới lỏng tiền tệ tiếp theo sẽ diễn ra vào tháng 12, trong cuộc họp cuối cùng của năm.

Xu hướng giảm phát đang diễn ra nhanh chóng ở nhiều nước châu Âu. Tháng 9, tỷ lệ lạm phát hàng năm ở Đức đạt 1,6%, Pháp 1,2%, Italy 0,7% và Tây Ban Nha 1,5%. Dự kiến con số của toàn khu vực đồng euro sẽ được công bố vào ngày 1/10, với các nhà phân tích dự đoán sẽ giảm xuống 1,8%, thấp hơn mức 2,2% của tháng 8.

Bà Lagarde nhận định "có khả năng" con số lạm phát tháng 9 sẽ gần mức 2% và thấp hơn kịch bản cơ sở mà ECB đưa ra trong các dự báo kinh tế trước đó.

Theo người đứng đầu ECB, điều này cho thấy "cuộc chiến chống lạm phát đang tiến triển tốt và quá trình giảm phát đang diễn ra đúng hướng".

 

 

DOANH NGHIỆP EU VẪN PHỤ THUỘC VÀO HÀNG TRUNG QUỐC: CÁC NHÀ SẢN XUẤT SƠN ĐỒNG LOẠT KÊU CỨU

Ngành công nghiệp sơn châu Âu kiến nghị EU xem xét lại các biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc.

Các nhà sản xuất sơn tại châu Âu đang kêu gọi EU xem xét lại các biện pháp chống bán phá giá đối với sơn xuất khẩu của Trung Quốc, tờ Financial Times đưa tin.

Các công ty sơn trong khối lo ngại rằng mức thuế lên tới 39,7% đối với sản phẩm titan dioxide (TiO2) từ Trung Quốc sẽ khiến các hãng sản xuất nhỏ phá sản và khiến các doanh nghiệp lớn chuyển sản xuất ra khỏi khối. TiO2 là thành phần quan trọng để sản xuất sơn.

“Đây là vấn đề sống còn của những ngành công nghiệp này,” Nicolas Dujardin, CEO công ty sản xuất sơn Océinde (Pháp) nói. “Nếu tất cả những cuộc điều tra chống bán phá giá dẫn đến mức thuế cao như vậy ở châu Âu, thì nhiều công ty trong ngành sẽ phá sản”, ông Dujardin cảnh báo.

Sau cuộc điều tra chống bán phá giá được khởi xướng vào năm ngoái, EU đã đưa ra các biện pháp tạm thời, bao gồm cả thuế hồi tố, có thể được điều chỉnh hoặc kết luận vào tháng 1 năm sau.

Cuộc tranh luận tập trung vào tình thế tiến thoái lưỡng nan mà EU phải đối mặt trong việc bảo vệ các ngành công nghiệp của mình khỏi cạnh tranh từ Trung Quốc mà không gây ra lạm phát và làm tăng chi phí cho các nhà sản xuất trong khối.

Paula Salastie, chủ hãng sơn Teknos (Phần Lan), cho biết ngành sơn sẽ phải đối mặt với suy thoái kéo dài nếu người tiêu dùng chịu giá cao. Ngoài ra, nếu nguồn cung từ Trung Quốc bị chuyển hướng sang nơi khác, tình trạng thiếu nguyên liệu thô sẽ gây gián đoạn sản xuất.

“Nếu doanh số không cao, chúng tôi cần cắt giảm nhân công. Chúng tôi đang cân xem xét vấn đề kỹ lưỡng”, bà Salastie nói, đồng thời cho biết công ty có thể đầu tư bên ngoài khối.

Ủy ban Châu Âu (EC) từ chối bình luận và cho biết các nhà sản xuất sơn được phép nộp kiến nghị đến ngày 21/10 trước khi các quốc gia thành viên bỏ phiếu về mức thuế trên.

Các hãng sản xuất sơn lớn cũng chỉ trích các mức thuế này. Pedro Serret Salvat, chủ tịch khu vực Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi tại công ty sơn lớn thứ 2 thế giới PPG, cho biết chúng sẽ “ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng cạnh tranh” của các công ty sản xuất trong khối.

Ông nói thêm rằng mức thuế này là “không cân xứng” và việc áp dụng thuế hồi tố là “không thể chấp nhận được”.

Các nhà sản xuất sơn cho biết mức thuế này có thể chấp nhận được nếu được áp dụng có lộ trình và tăng trợ cấp cho sản xuất titan dioxit tại địa phương.

Tuy nhiên, các nhà sản xuất TiO2 ở phương Tây đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cạnh tranh từ Trung Quốc.

Theo TZMI, đơn vị cung cấp thông tin công nghiệp, công suất sản xuất TiO2 tại Trung Quốc đã tăng vọt từ 1,4 triệu tấn vào năm 2008 lên ước tính 6,1 triệu tấn trong năm nay, nâng thị phần tiêu thụ toàn cầu từ 29% lên 83%.

Theo ước tính của Liên minh TiO2 Châu Âu, khoảng 1,1 triệu tấn sản phẩm không phải của Trung Quốc đã không được sản xuất kể từ năm 2007, bao gồm 5 nhà máy ở EU.

Công ty sản xuất TiO2 Tronox, cho biết giá sơn có thể tăng tới 5% nếu mức thuế trên được áp dụng. Việc bảo vệ ngành công nghiệp TiO2 cũng có ý nghĩa quan trọng đối với ngành hàng không vũ trụ châu Âu vì nó đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất kim loại titan dùng trong máy bay, công ty chia sẻ.

"Chúng tôi không thể hoạt động với công suất ở mức 60%”, Jeffrey Neuman, cố vấn của Tronox cho biết. Ông nói thêm rằng biện pháp bảo vệ ngành công nghiệp thông qua thuế quan làm dấy lên nghi vấn về khả năng phục hồi của ngành.

Một số nhà sản xuất sơn cho biết họ kỳ vọng mức thuế này sẽ mang lại lợi ích cho Vương quốc Anh sau Brexit và các đối thủ từ Thổ Nhĩ Kỳ, vì cả 2 quốc gia này vẫn có thể tiếp cận nguồn TiO2 giá rẻ từ Trung Quốc.

Nhưng Tom Bowtell, giám đốc điều hành của Liên đoàn Sơn phủ Anh, cho biết lợi thế cạnh tranh nhờ giá đầu vào thấp hơn có thể sẽ không phát huy bởi chi phí thương mại phát sinh khi rời khỏi EU.

Tronox cho biết họ lo ngại rằng Anh có thể tràn ngập nguyên liệu từ Trung Quốc khi các nhà xuất khẩu tìm kiếm thị trường thay thế bên ngoài EU, đặc biệt là khi Brazil và Ấn Độ đã tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với các lô hàng TiO2 từ nền kinh tế lớn nhất châu Á.

 

 

EU ÁP ĐẶT HẠN CHẾ MỚI VỚI CÁC DỰ ÁN HYDRO ĐỂ GIẢM PHỤ THUỘC VÀO TRUNG QUỐC

EU đang áp đặt các hạn chế mới đối với các công nghệ có nguồn gốc từ Trung Quốc trong các dự án hydro của họ, hạn chế sử dụng chúng ở mức 25% tổng công suất. Quyết định này nhằm bảo vệ an ninh nguồn cung năng lượng và thúc đẩy ngành công nghiệp địa phương.

Liên minh châu Âu đang xem xét lại chiến lược đối với các dự án hydro nhằm giảm sự phụ thuộc vào các công nghệ của Trung Quốc. Thị trường công nghệ hydro ngày càng mang tính chiến lược như một phần trong tham vọng khử carbon của châu Âu.

Tuy nhiên, sự hiện diện mạnh mẽ của các công nghệ Trung Quốc, đặc biệt là máy điện phân, tạo ra rủi ro về an ninh chuỗi cung ứng. Các quy định mới do Ngân hàng Hydro Châu Âu áp đặt hiện giới hạn tỷ lệ các linh kiện đến từ Trung Quốc ở mức 25% tổng công suất của các dự án được hỗ trợ, một ngưỡng nghiêm ngặt nhằm khuyến khích sản xuất tại châu Âu.

Những yêu cầu mới này một phần được thúc đẩy bởi các cuộc đấu giá trước đây của EU, trong đó một số dự án thắng thầu sử dụng nhiều công nghệ giá rẻ từ Trung Quốc. Tình trạng này đã làm dấy lên mối lo ngại của các nhà sản xuất châu Âu, những người lo sợ mất quyền kiểm soát công nghệ, tương tự như những gì đã xảy ra trong lĩnh vực pin mặt trời, nơi Trung Quốc hiện đang thống trị thị trường toàn cầu.

Khuôn khổ của Đạo luật Công nghiệp Net-Zero

Các hạn chế đối với công nghệ này là một phần của Đạo luật Công nghiệp Net-Zero, một tập hợp các biện pháp nhằm tăng cường chủ quyền công nghiệp của EU và đảm bảo nguồn cung cấp công nghệ sạch của EU. Mục tiêu là hỗ trợ sản xuất máy điện phân tại địa phương, đồng thời thúc đẩy đầu tư vào năng lực sản xuất mới trên lục địa này.

Các biện pháp này được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đã chiếm hơn 50% sản lượng máy điện phân toàn cầu, một lợi thế cạnh tranh có thể đe dọa quyền tự chủ của châu Âu trong tham vọng chuyển đổi năng lượng của khu vực.

Các quy định mới cũng bao gồm các tiêu chí phi tài chính cho các dự án, chẳng hạn như yêu cầu về an ninh mạng và khí thải, nhằm ưu tiên các công ty châu Âu. Khung pháp lý này phù hợp với các sáng kiến bảo vệ ngành khác, chẳng hạn như các cuộc điều tra gần đây về xe điện của Trung Quốc và các mức thuế sắp tới dự kiến để bảo vệ thị trường địa phương.

Rủi ro đối với khả năng cạnh tranh của dự án

Nếu EU hy vọng tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, những quy định mới này cũng có thể làm phức tạp thêm việc phát triển một số dự án nhất định. Các linh kiện của Trung Quốc, thường rẻ hơn so với các đối tác châu Âu, hiện đang giúp duy trì khả năng sinh lời của nhiều cơ sở lắp đặt. Những hạn chế mới có thể dẫn đến chi phí cao hơn, điều này có thể khiến một số dự án trở nên kém hấp dẫn hơn trên thị trường toàn cầu và làm chậm việc áp dụng hydro làm giải pháp năng lượng chính cho quá trình khử carbon.

Jorgo Chatzimarkakis, Giám đốc điều hành của Hydrogen Europe, bày tỏ lo ngại về sự phức tạp hành chính có thể đi kèm với các biện pháp mới này. Đơn giản hóa thủ tục được coi là cần thiết để tránh làm nản lòng các nhà đầu tư, chủ đầu tư dự án. Ủy ban Châu Âu, dưới sự lãnh đạo của Ursula von der Leyen, cam kết giảm bớt các thủ tục hành chính này để tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các công nghệ như một phần của Thỏa thuận Xanh.

Một vấn đề địa chính trị lớn

Việc xem xét các quy tắc đấu giá diễn ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa EU và Trung Quốc ngày càng gia tăng. Để đáp trả các hạn chế của châu Âu, Bắc Kinh có thể áp dụng các biện pháp trả đũa, làm phức tạp thêm quan hệ song phương trong các lĩnh vực chiến lược khác.

Đồng thời, Mỹ đang đi theo quỹ đạo tương tự với Đạo luật Giảm lạm phát, đạo luật này cũng thúc đẩy sản xuất công nghệ sạch trong nước để giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài. Động lực này tạo ra môi trường cạnh tranh toàn cầu để thu hút đầu tư vào chuỗi cung ứng địa phương.

Đối với EU, câu hỏi trọng tâm là liệu những quy định mới này có thành công trong việc kích thích sản xuất máy điện phân ở châu Âu, đồng thời tránh làm chậm lại các dự án khử cacbon của khu vực này hay không.

Vòng đấu giá tiếp theo, dự kiến diễn ra vào ngày 3/12/2024, sẽ là thời điểm quan trọng để đánh giá tính hiệu quả của chiến lược này và xác định liệu EU có thể duy trì tham vọng dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ hydro trong khi giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc hay không.

 

 

EU HỌP BẤT THƯỜNG, THỂ HIỆN RÕ LẬP TRƯỜNG KHÔNG CAN THIỆP VÀO TÌNH HÌNH LEBANON

Sự chia rẽ sâu sắc giữa các quốc gia thành viên về lập trường đối với cuộc xung đột đang ngày càng leo thang ở Trung Đông đã làm suy yếu ảnh hưởng ngoại giao của EU trong khu vực.

Các Bộ trưởng Ngoại giao của Liên minh châu Âu (EU) hôm 30/9 đã kêu gọi "ngừng bắn ngay lập tức" giữa Hezbollah - Israel trong bối cảnh tình hình Trung Đông ngày càng tăng nhiệt và có thông tin quân đội Israel (IDF) đã tiến hành các cuộc đột kích hạn chế vào Lebanon.

Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell đã kêu gọi tránh can thiệp quân sự thêm nữa vào Lebanon, cảnh báo rằng leo thang hơn nữa sẽ làm trầm trọng thêm tình hình trong khu vực.

"Bất kỳ sự can thiệp quân sự nào thêm nữa cũng sẽ làm trầm trọng thêm tình hình và phải tránh", ông Borrell cho biết. "Chúng tôi rất lo ngại về nguy cơ của tình hình xung đột này… và kêu gọi tất cả các bên trong khu vực thể hiện sự kiềm chế vì lợi ích của việc giảm leo thang".

"Bây giờ vũ khí phải im lặng, tiếng nói của ngoại giao phải được lên tiếng và được tất cả mọi người lắng nghe", nhà ngoại giao hàng đầu EU nói thêm.

Các bình luận của ông Borrell được đưa ra sau cuộc họp bất thường của các Ngoại trưởng EU thông qua liên kết video để thảo luận về tình hình leo thang hiện tại ở Lebanon, nơi nhiều báo cáo cho thấy một cuộc tấn công trên bộ của Israel sắp xảy ra.

Cuộc họp cấp Bộ trưởng EU, diễn ra qua liên kết video, là không chính thức, nghĩa là không có quyết định nào được đưa ra liên quan đến phản ứng của khối này đối với sự leo thang của các hành động quân sự.

Sự chia rẽ sâu sắc giữa các quốc gia thành viên về lập trường đối với cuộc xung đột – đang ngày càng leo thang ở Trung Đông kể từ khi cuộc chiến ở Gaza nổ ra vào tháng 10 năm ngoái – đã làm suy yếu ảnh hưởng ngoại giao của EU trong khu vực.

Trước đó, vào đầu ngày 30/9, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Noël Barrot đã thúc giục Israel "kiềm chế mọi cuộc xâm nhập trên bộ và ngừng bắn", đồng thời kêu gọi Hezbollah cũng làm như vậy. Ông Barrot đã đến thủ đô Beirut để khẳng định sự ủng hộ của Pháp dành cho Lebanon.

Lời cảnh báo của EU được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cho biết "giai đoạn tiếp theo" của cuộc chiến chống lại Hezbollah của Israel sẽ "sớm bắt đầu" và thông báo cho quân đội đồn trú gần biên giới Lebanon ở miền Bắc Israel.

Kể từ ngày 23/9, Israel đã tiến hành các cuộc không kích lớn vào những gì họ gọi là các mục tiêu của Hezbollah trên khắp Lebanon, khiến hơn 960 người thiệt mạng và hơn 2.770 người khác bị thương, theo Bộ Y tế Lebanon.

Một số nhà lãnh đạo Hezbollah đã thiệt mạng trong cuộc tấn công, bao gồm cả thủ lĩnh của nhóm là ông Hassan Nasrallah.

Đêm 29/9, các cuộc không kích của Israel đã nhắm vào trung tâm thủ đô Beirut của Lebanon lần đầu tiên kể từ ngày 7/10 năm ngoái, khiến cộng đồng quốc tế phải chạy đua để ngăn chặn cuộc xung đột lan rộng hơn nữa.

Hezbollah và Israel đã tham gia vào cuộc chiến xuyên biên giới không lâu sau khi Israel bắt đầu cuộc chiến với Hamas ở Dải Gaza, khiến gần 41.600 người thiệt mạng.

Xung đột tái bùng phát ở dải đất ven biển Địa Trung Hải sau một cuộc tấn công xuyên biên giới của phong trào Hamas của Palestine vào Israel vào tháng 10 năm ngoái.

Cộng đồng quốc tế đã cảnh báo rằng các cuộc tấn công của Israel vào Lebanon có thể khiến xung đột ở Gaza leo thang thành một cuộc chiến khu vực rộng lớn hơn.

 

Nguồn: Đại Đoàn Kết; VietnamPlus; CafeF; Năng Lượng Quốc Tế; Người Đưa Tin

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang