EU: Nhập dầu Nga mà không biết; Đức vận hành trạm nổi; Romania-Áo căng thẳng; Quan hệ với ASEAN; Anh-Ý-Nhật hợp tác

ÁP GIÁ TRẦN DẦU THÔ, CHÂU ÂU ĐANG BỊ 'CHƠI CHIÊU' NHẬP KHẨU DẦU NGA MÀ KHÔNG HỀ HAY BIẾT

(Ảnh minh hoạ).

Bất chấp áp giá trần hay lệnh cấm vận có hiệu lực, khách hàng tại châu Âu đang sử dụng dầu diesel đến từ Nga mà không hề hay biết.

Kể từ ngày 5/12 vừa qua, Liên minh châu Âu đã cấm nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm từ dầu mỏ của Nga trong nỗ lực tước đi nguồn thu từ dầu mỏ của Moscow. Vương quốc Anh cũng đã ngừng nhập khẩu dầu và sản phẩm từ dầu Nga trong cùng ngày.

Tuy nhiên khi lệnh cấm dầu thô có hiệu lực, những thách thức trong việc theo dõi dầu thô sau khi được tinh chế và dầu diesel sau khi được pha trộn đã trở nên khó khăn hơn khi dầu thô của Nga được chuyển đến các nước như Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó lại được tái xuất vào châu Âu.

Theo Eugene Lindell, nhà phân tích thị trường sản phẩm dầu và lọc dầu tại công ty tư vấn FGE, châu Âu đang phải vật lộn để thay thế nguồn cung 600.000 thùng mỗi ngày của Nga.

Hải quan Hà Lan - Cơ quan giám sát trung tâm lưu trữ và thương mại lớn Amsterdam-Rotterdam-Antwerp, các cơ quan thực thi của Vương quốc Anh và Sàn giao dịch liên lục địa (ICE) sẽ kiểm tra giấy chứng nhận xuất xứ chính thức cho các tàu nhập khẩu. Trong trường hợp có nghi ngờ về nguồn gốc, hải quan Vương quốc Anh và Hà Lan có thể yêu cầu các tài liệu bổ sung để giúp xác định xuất xứ, chẳng hạn như thỏa thuận hợp đồng, hóa đơn hoặc vận đơn.

ICE cũng sẽ xem xét giấy chứng nhận xuất xưởng và bằng chứng từ các nhà máy lọc dầu rằng nguồn cung được tinh chế tại địa phương.

Để dầu diesel được chấp thuận lưu thông, họ phải chứng minh được rằng đó không phải có nguồn gốc từ Nga. EU và sàn ICE yêu cầu về nguồn gốc rằng phải được xử lý chủ yếu bên ngoài nước Nga. Tuy nhiên việc pha trộn dầu diesel của Nga với 1 loại dầu khác – sẽ không làm thay đổi nguồn gốc và sẽ không thể chứng minh được rằng đây là dầu có nguồn gốc từ Nga.

Vương quốc Anh cho biết bất kỳ quá trình xử lý nào để thay đổi xuất xứ sản phẩm phải được thực hiện vì mục đích thương mại, chẳng hạn như tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh để đáp ứng các thông số kỹ thuật mới của Vương quốc Anh, chứ không phải để tránh lệnh trừng phạt.

Khó để có thể truy xuất

Việc truy xuất nguồn gốc của dầu diesel pha trộn hoặc tinh chế gần như bằng 0 khi việc chuyển giao từ tàu sang tàu (Ship to ship – STS) được diễn ra. Công ty phân tích hàng hải Windward cho biết, lượng các hoạt động STS giữa các tàu chở dầu có liên kết với Nga đã tăng đáng kể từ tháng 2 – thời điểm bắt đầu xảy ra cuộc xung đột.

Một nguồn tin trong ngành đã bình luận về vấn đề này rằng: "Nếu bạn đưa dầu diesel đến một cảng linh hoạt hơn, bạn có thể pha trộn và cấp cho nó một mã vận đơn và gán với nguồn gốc từ nơi khác không phải Nga."

Các nguồn tin thị trường cho biết, dầu diesel của Nga có thể sẽ được chuyển đến và tái xuất khẩu từ các nước như Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Nga có thể sử dụng đội tàu của mình để vận chuyển dầu diesel vào Thổ Nhĩ Kỳ - nơi thực hiện các chuyến tàu trung chuyển.

Nhà phân tích hàng đầu tại Kpler Kevin Wright cho biết: "Tôi đã nghĩ rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang tái xuất khẩu các thùng dầu và xuất khẩu nhiều hơn sản lượng nội địa của họ."

Anh, EU và ICE coi dầu diesel được tinh chế từ bên ngoài Nga là sản phẩm không phải của Nga, điều này có khả năng dẫn đến sự thay đổi hơn nữa trong dòng chảy thương mại.

Châu Âu đã bắt đầu thay thế nhập khẩu dầu diesel của Nga bằng sản phẩm tinh chế từ Trung Đông, nhưng các nhà phân tích cũng cho rằng họ không bất ngờ khi Ấn Độ sẽ tinh chế nhiều dầu hơn và tăng xuất khẩu dầu diesel sang châu Âu.

Giới hạn giá của EU, có hiệu lực vào ngày 5 tháng 12 cấm các công ty vận chuyển, bảo hiểm và tái bảo hiểm xử lý các lô hàng dầu thô của Nga, trừ khi nó được bán với giá thấp hơn 60 USD/thùng.

Công ty môi giới tàu biển BRS của Pháp cho biết, việc Nga quyết tâm ngừng bán dầu cho các quốc gia hoặc công ty tuân thủ giá trần cùng với những khó khăn về bảo hiểm đồng nghĩa với việc các chủ tàu sẽ không thể mua dầu thô của Nga.

Tuy nhiên các công ty đã lách luật bằng cách sử dụng đội tàu chở dầu ngầm và thu xếp bảo hiểm với các công ty Ấn Độ. BRS cho biết 111 tàu chở dầu cũ đã được bán cho các công ty vận chuyển tư nhân kể từ tháng 2 để vận chuyển dầu của Nga.

(Nguồn: Soha)

ĐỨC SẮP VẬN HÀNH TRẠM NỔI ĐẦU TIÊN TIẾP NHẬN KHÍ ĐỐT HOÁ LỎNG

Công ty năng lượng Uniper thông báo sắp đưa vào vận hành trạm tiếp nhận khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) nổi đầu tiên của Đức tại cảng Wilhelmshaven, để bơm vào mạng lưới đường ống khí đốt quốc gia.

Phóng viên TTXVN cho biết, vào ngày 22/12 tới, lần đầu tiên khí đốt tự nhiên sẽ được nhập vào mạng lưới khí đốt của Đức từ một trạm LNG nổi ở Wilhelmshaven.

Trạm tiếp nhận và vận hành nổi có tên "Hoegh Esperanza" này là một con tàu đặc biệt, vừa chuyển khí hoá lỏng thành khí đốt và bơm vào bờ, vừa có thể vận chuyển một lượng lớn LNG trên tàu. Do vậy, tàu có tên gọi “Phương tiện nổi Lưu trữ và Tái hoá lỏng khí” (FSRU).

Theo kế hoạch, vào giữa tháng 12 này, tàu "Hoegh Esperanza" sẽ cập cảng Wilhelmshaven với khoảng 170.000 m3 LNG trên tàu. Lượng LNG này tương đương với khoảng 1.040 GWh, gần bằng 41% mức tiêu thụ khí đốt mỗi ngày ở Đức trong tháng 11 vừa qua.
Một phát ngôn viên Chính phủ Đức cho biết tàu "Hoegh Esperanza" sẽ chở đủ lượng LNG từ Nigeria để cung cấp cho nhu cầu sử dụng của 50.000 hộ gia đình ở Đức trong vòng một năm.
Hiện tàu đang ở khu vực ngoài khơi vùng Brittany của Pháp. Trong giai đoạn khởi động, tàu sẽ bơm từ 15-155 GWh/ngày vào mạng lưới đường ống khí đốt quốc gia của Đức và từ giữa tháng 1/2023 sẽ đi vào vận hành thương mại với công suất tối đa khoảng 155 GWh/ngày, khi có thêm các tàu bồn chở LNG cập cảng.
Dự kiến, lễ khai trương trạm nổi tiếp nhận LNG "Hoegh Esperanza" sẽ diễn ra vào ngày 17/12, với sự tham dự của Thủ tưởng Đức Olaf Scholz và Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck.
Trước đó, cảng Wilhelmshaven đã hoàn tất mạng lưới đường ống dẫn khí đốt vào hệ thống đường ống quốc gia trên đất liền sau 200 ngày thi công, bắt đầu từ tháng 5/2022. Cụm cảng tiếp nhận khí đốt ở Wilhelmshaven có công suất 10 tỷ m3/năm, đáp ứng 1/9 tổng mức tiêu thụ khí đốt của cả nước.

Ngoài Wilhelmshaven, Chính phủ Đức cũng đang lập kế hoạch và xây dựng thêm 3 cảng tiếp nhận LNG nổi ở Stade, Brunsbüttel (bang Schleswig-Holstein) và Lubmin (bang Mecklenburg-Vorpommern).
Không giống nhiều nước châu Âu khác, Đức chưa có sẵn các cảng tiếp nhận LNG vì trước nay chủ yếu nhập khí đốt từ Nga qua các đường ống dưới biển hoặc trên đất liền. Sau khi cuộc xung đột tại Ukraine nổ ra, nguồn cung khí đốt từ Nga sang Đức đã bị giảm dần và cắt bỏ hoàn toàn kể từ tháng 9 vừa qua.

Để đảm bảo nguồn cung năng lượng, Berlin đã rót hàng tỷ euro xây dựng các cảng nhập LNG. Tuy nhiên, do chưa thể có ngay các hợp đồng lớn nên Đức vẫn phải đối mặt với giá thị trường LNG không ổn định, làm ảnh hưởng trực tiếp tới người tiêu dùng.

(Nguồn: Bnews)

QUAN HỆ ROMANIA - ÁO CĂNG THẲNG SAU PHIÊN BỎ PHIẾU VÀO SCHENGEN

(Ảnh minh hoạ).

Tại cuộc họp ngày 8/12 của các Bộ trưởng Nội vụ các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu, đại diện của Áo đã từ chối ủng hộ việc Romania gia nhập Schengen với lý do Romania vẫn còn vấn đề về người di cư đến Liên minh châu Âu (EU) và Áo.

Quyết định này đang khiến mối quan hệ hai nước có nguy cơ rạn nứt nghiêm trọng. Hôm qua (9/12), Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Romania tại Cộng hòa Áo Emil Hurezeanu đã được triệu hồi về nước để tham vấn. Dù thời gian triệu hồi không được thông báo thời gian cụ thể nhưng vị trí công việc tạm thời của ông đã được bàn giao cho một cá nhân khác. Trước đó, vào tối 8/12, Bộ Ngoại giao Romania cũng đã triệu tập Đại sứ Áo tại Bucharest tới trụ sở để chuyển lời phản đối của Romania về quyết định không thân thiện của Áo tại cuộc họp mở rộng Schengen vừa qua.

Trong ngoại giao, việc triệu hồi một Đại sứ để tham vấn được coi là một động thái thể hiện mức độ căng thẳng trong quan hệ ngoại giao. Điều này có thể dẫn tới những bước đi cứng rắn hơn từ Romania trong mối quan hệ ngoại giao tương lai của hai bên. Cụ thể, trong một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Romania đề cập đến việc triệu hồi này đã nhấn mạnh, việc hạ thấp cấp độ quan hệ ngoại giao là một cử chỉ chính trị nhấn mạnh sự phản đối quyết liệt đối với các hành động của Áo. Trước đó, Bộ Ngoại giao Romania cũng lên tiếng cho rằng kết quả này hoàn toàn không công bằng và khách quan.

Như vậy, nếu điều này xảy ra thì có thể sẽ tạo ra một làn sóng tẩy chay hàng loạt tại Romania để chống lại Áo. Phản ứng trước việc Áo không ủng hộ Romania vào Schengen, Bộ trưởng Du lịch Romania Daniel Cadariu đã khuyến khích người dân tẩy chay các khu trượt tuyết của Áo. Câu lạc bộ bóng đá Universitatea Craiova cũng đã tuyên bố tẩy chay hoàn toàn các công ty đối tác Áo của câu lạc bộ. Đại diện của câu lạc bộ thông báo rằng, kể từ tháng này, câu lạc bộ sẽ chuyển tài khoản của mình khỏi ngân hàng cổ phần Raiffeisen của Áo, đồng thời việc giao nhiên liệu và vật tư tiêu hao sẽ không còn được thực hiện từ các trạm OMV-Petrom.

Lo ngại về một tương lai không tốt đẹp trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước, Tổng thống Áo Van de Bellen bày tỏ lấy làm tiếc về quyết định của chính phủ Áo ngăn cản Romania vào khối Schengen. Ông thừa nhận Áo đang ở trong tình thế vô cùng khó khăn về tình trạng nhập cư trái phép nhưng việc ngăn chặn Romania vào Schengen cũng không giải quyết được tình hình, thậm chí Áo có thể sẽ phải đối mặt với nhiều sự chỉ trích ở châu Âu và nền kinh tế Áo chắc chắn sẽ phải trả giá cho động thái này. Ông bày tỏ mong muốn hai bên sẽ sớm giải quyết được vấn đề này thông qua đối thoại.

(Nguồn: VOV)

BƯỚC TIẾN KHÔNG NGỪNG CỦA QUAN HỆ ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC ASEAN - EU

Năm 2022 đánh dấu 45 năm thiết lập quan hệ đối tác đối thoại giữa Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Liên minh châu Âu (EU).

ASEAN và EU thiết lập quan hệ đối thoại từ năm 1977, sau đó nâng cấp quan hệ lên đối tác tăng cường năm 2007 và tháng 12/2020 nhất trí chính thức thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Hai bên đang phối hợp thực hiện Kế hoạch Hành động triển khai quan hệ đối tác chiến lược giai đoạn 2023 - 2027.

Giới quan sát đánh giá, sau gần nửa thập kỷ, quan hệ ASEAN - EU đã phát triển năng động, mở rộng bao trùm các lĩnh vực chính trị - an ninh, kinh tế - thương mại, văn hóa - xã hội và hợp tác phát triển.

Về chính trị - an ninh, EU nhấn mạnh ASEAN giữ vị trí trung tâm trong chiến lược hợp tác của liên minh tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và mong muốn thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn.

EU đã tham gia các cơ chế do ASEAN khởi xướng và dẫn dắt như Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao (PMC) ASEAN - EU thường niên, Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) và các cơ chế liên quan khác như Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - EU (AEMM), Cuộc họp Quan chức Cao cấp (SOM) ASEAN - EU.

EU là tổ chức khu vực đầu tiên tham gia Hiệp ước Thân thiện và hợp tác (TAC) năm 2012, đồng thời cử đại sứ chuyên trách và lập phái đoàn thường trực tại ASEAN từ năm 2016. Đến nay, đã có 25 nước thành viên EU cử đại sứ tại ASEAN.

Hai bên cũng chú trọng thúc đẩy hợp tác phòng chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia cũng như đối thoại cấp cao về hợp tác an ninh biển.

Về kinh tế - thương mại, năm 2021, EU là đối tác thương mại lớn thứ 3 (sau Trung Quốc và Mỹ) của ASEAN với tổng giá trị thương mại hai chiều đạt 268,9 tỷ USD, đồng thời là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ 2 (sau Mỹ) với tổng vốn đầu tư đạt 26,5 tỷ USD. Ngược lại, ASEAN là đối tác thương mại ngoài châu Âu lớn thứ 3 (sau Trung Quốc và Mỹ) của EU năm 2021.

Trong hợp tác kinh tế, EU đang hỗ trợ ASEAN thông qua 2 chương trình chủ đạo là Chương trình hỗ trợ ASEAN hội nhập khu vực tăng cường (ARISE Plus) và Đối thoại chính sách khu vực EU - ASEAN nâng cao (E-READI).

Từ nhiều năm qua, hai bên đã thảo luận về khả năng thiết lập FTA song phương, nhất trí thúc đẩy trao đổi về các lĩnh vực cùng quan tâm hợp tác như phát triển chuỗi cung ứng, thương mại điện tử, kinh tế số, công nghệ xanh, dịch vụ xanh… và các hình thức triển khai phù hợp.

ASEAN và EU cũng chú trọng ưu tiên thúc đẩy hợp tác về kết nối. Ngày 17/10/2022, hai bên đã ký kết Hiệp định Vận tải hàng không toàn diện ASEAN - EU (ASEAN-EU CATA), mở ra nhiều cơ hội cho các hãng hàng không khai thác dịch vụ hành khách và vận tải hàng hóa, góp phần thúc đẩy kết nối người dân và các nền kinh tế hai bên, tích cực đóng góp vào các nỗ lực phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Về văn hóa - xã hội, EU hỗ trợ ASEAN thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho nữ giới, bảo hộ lao động nhập cư, nâng cao chất lượng giáo dục thông qua các chương trình học bổng và hỗ trợ giáo dục sau đại học như SHARE, hợp tác khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, quản lý thiên tai…

EU cũng là một trong những đối tác đầu tiên, tích cực thúc đẩy hợp tác với ASEAN trong phòng chống và giảm thiểu các tác động của Covid-19 ngay từ khi dịch bệnh mới bùng phát, thông qua gói hỗ trợ “Team Europe” trị giá 800 triệu Euro, “Chương trình hỗ trợ Đông Nam Á sẵn sàng ứng phó đại dịch” trị giá 20 triệu Euro…

Hiện nay, trong bối cảnh thế giới đối mặt với nhiều thách thức, cả ASEAN và EU đều hướng tới việc tăng cường trách nhiệm gìn giữ và kiến tạo môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển và thịnh vượng ở châu Á - Thái Bình Dương và khắp toàn cầu.

(Nguồn: Vietnamnet)

ANH, Ý, NHẬT HỢP TÁC PHÁT TRIỂN PHI CƠ CHIẾN ĐẤU MỚI

Thủ tướng Anh Rishi Sunak vừa tuyên bố một kế hoạch hợp tác giữa Anh, Ý và Nhật để phát triển một loại máy bay chiến đấu mới sử dụng trí tuệ nhân tạo.

Ông Sunak nói dự án này nhằm tạo ra hàng ngàn việc làm ở Anh và tăng cường hợp tác an ninh. Ba quốc gia sẽ cùng phát triển chiến đấu cơ thế hệ mới - dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động từ giữa những năm 2030 - và sẽ dần thay thế phi cơ Typhoon.

Loại phi cơ mới, mang tên Tempest, được trông đợi sẽ trang bị các loại vũ khí tối tân nhất.

Ông Sunak nói chương trình hợp tác này sẽ "giữ cho nước Anh an toàn khỏi các mối đe dọa mà chúng ta phải đối mặt" khi ông tới thăm Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh ở Coningsby, hạt Lincolnshire hôm thứ Sáu.

Ông nói: "Chúng ta là một trong ít quốc gia trên thế giới có khả năng phát triển phi cơ chiến đấu có công nghệ tiên tiến".

Việc phát triển phi cơ mới đã bắt đầu - với mục tiêu tạo ra một phi cơ chiến đấu có khả năng tàng hình nhanh, sử dụng các bộ cảm biến tối tân và cả trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ phi công khi họ bị quá tải, hoặc trong điều kiện họ chịu áp lực quá cao.

Phi cơ này cũng có thể bay mà không cần phi công khi cần thiết và có thể bắn tên lửa siêu thanh.

Nhưng phát triển một loại phi cơ phức tạp như vậy là hết sức tốn kém - chẳng hạn phát triển phi cơ F35 là chương trình tốn kém nhất mà Lầu Năm Góc từng thực hiện. Vì thế Anh đã tìm kiếm các đối tác. Ý đã đồng ý tham gia, và giờ đây thêm Nhật, một động thái đáng kể - trong thời điểm mà Anh đang xây dựng quan hệ mật thiết hơn với các đồng minh ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và lo ngại hơn về một nước Trung Quốc ngày càng cứng rắn.

Các quốc gia khác vẫn có thể cùng tham gia dự án này.

Pháp, Đức và Tây Ban Nha đang cùng nhau phát triển một dự án tương tự với thiết kế riêng, và Hoa Kỳ cũng vậy.

Các hãng BAE Systems và Samlesbury của Anh sẽ đóng vai trò chủ chốt trong việc thiết kế chiếc Tempest ở Anh.

Mitsubishi Heavy Industries của Nhật và Leonardo của Ý là các hãng khác cùng tham gia.

Với Anh, thỏa thuận này không chỉ là về an ninh mà còn về kinh tế. Anh hy vọng rằng việc phát triển loại chiến đấu cơ mới có thể tạo ra hàng ngàn công ăn việc làm ở Anh và mở cửa cho việc xuất khẩu thêm vũ khí.

(Nguồn: BBC)

(Xem thêm:

=> EU: 6 nước vạch 'giới hạn đỏ'; Anh mở mỏ than mới; Đức: Xông vào sân bay, 'hoàng tử' gây chính biến, 'lá chắn phòng thủ tên lửa' ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang