- Thời sự
- EU
Các nhà phân tích cảnh báo châu Âu đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt khí đốt tự nhiên trầm trọng trong mùa Đông này do lịch trình bảo trì những giàn khoan và đường ống khí đốt của Na Uy bị gián đoạn.
Theo ước tính của công ty dịch vụ dầu khí Rystad Energy, mức thiếu hụt khí đốt của châu Âu ước lên tới 66 triệu m3/ngày, tương đương khoảng 1/3 lượng khí đốt tiêu thụ hàng ngày của Vương quốc Anh.
Cảnh báo trên được đưa ra vào thời điểm khó khăn khi đợt không khí lạnh mới dự kiến sẽ tràn vào Vương quốc Anh và châu Âu trong hai tuần tới, dẫn đến nhu cầu khí đốt tăng cao và mùa sưởi ấm bắt đầu sớm.
Nếu tình trạng thiếu hụt nguồn cung khí đốt vẫn tiếp diễn thì giá khí đốt sẽ tăng cao, dồn gánh nặng chi phí lên vai của người tiêu dùng trước khi mức trần giá khí đốt mới ở Anh được xác định.
Rystad Energy cho biết nhà điều hành đường ống dẫn khí đốt thuộc sở hữu nhà nước Na Uy Gassco đã báo cáo sự chậm trễ trong lịch trình bảo trì do một số mỏ khai thác và nhà máy cung cấp khí đốt tuyên bố ngừng bảo trì theo lịch trình hoặc báo cáo ngừng hoạt động ngoài kế hoạch.
Trong khi đó, châu Âu cũng tiếp tục chứng kiến lưu lượng dầu cung cấp từ Algeria sụt giảm, phần lớn là do đường ống Medgaz được bảo trì theo lịch trình cho đến ngày 27/9. Những vấn đề như vậy có thể trở nên phức tạp hơn bởi cuộc xung đột ở Ukraine.
Rystad Energy cho biết: “Xung đột Nga - Ukraine ở khu vực Kursk đã lan rộng trong phạm vi 10 km tính từ trạm nén khí Sudzha (nơi bơm khí đốt từ Nga vào châu Âu), làm tăng thêm nguy cơ thiệt hại và gián đoạn nguồn cung”.
Rystad Energy cho biết, các cơn bão ở Vịnh Mexico cũng đang ảnh hưởng đến nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Trong khi đó, thị trường khí đốt ở Mỹ vẫn đang gặp khó khăn do Bão Helene.
Các nhà dự báo thời tiết cho biết nhiệt độ thấp dưới mức trung bình dài hạn theo mùa sẽ diễn ra tại Bắc và Trung Âu từ cuối tuần này. Tại các bang đông dân của liên bang Đức như Nordrhein-Westfalen và Hessen, nhiệt độ được dự báo thấp hơn 4 độ so với mức trung bình dài hạn vào khoảng ngày 29/9.
Rystad dự đoán nhu cầu khí đốt ở Đức sẽ tăng lên mức 60,5 triệu m3/ngày chỉ trong cuối tuần này.
Vì sao năng suất lao động ở Mỹ cao hơn ở châu Âu là một câu hỏi đã tồn tại từ lâu...
Các nhà hoạch định kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) muốn theo đuổi mô hình tăng trưởng kinh tế mới của Mỹ. Tuy nhiên, theo Wall Street Journal, điều này sẽ đòi hỏi sự can thiệp lớn hơn của nhà nước vào nền kinh tế.
Tờ báo trên cho biết giới chính trị ở châu Âu đã xôn xao trong thời gian gần đây sau khi ông Mario Draghi - cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), người được coi là có công cứu Khu vực đồng Euro (Eurozone) khỏi cuộc khủng hoảng nợ công năm 2012 - công bố một bản báo cáo dài và được mong đợi về cách thức xử lý tình trạng kinh tế trì trệ đang trở nên trầm trọng hơn do làn sóng hàng hóa từ Trung Quốc và không còn nguồn năng lượng giá rẻ từ Nga.
Câu hỏi về khác biệt năng suất
Ông Draghi đề xuất EU vay thêm những khoản nợ chung để phát triển kinh tế - một giải pháp vốn dĩ vấp phải sự phản đối của Đức, bất đồng này không phải là câu chuyện mới trong nội bộ EU.
Tuy nhiên, đây chỉ là một quả bóng chính trị gây phân tâm. Điểm mấu chốt của báo cáo mà ông Draghi đưa ra là “EU nên rút ngắn khoảng cách với Mỹ về tăng trưởng năng suất và sáng tạo”. Báo cáo nhấn mạnh rằng không có công ty niêm yết nào của châu Âu được định giá hơn 100 tỷ Euro (111 tỷ USD) ra đời trong 50 năm qua. Trong khi ở Mỹ, loạt tên tuổi như Apple, Microsoft, Nvdiai, Amazon, Alphabet, Meta đều đã vượt mốc vốn hóa 1.000 tỷ USD.
Vậy rút ngắn khoảng cách với Mỹ ở đây nghĩa là gì? Ông Draghi nhấn mạnh tầm quan trọng của lĩnh vực công nghệ, nói rằng công nghệ đóng góp gần như tất cả sự vượt trội năng suất của Mỹ trong 20 năm qua. Ông lập luận rằng “châu Âu không thể mắc kẹt mãi” trong những ngành công nghiệp cũ kỹ.
Sự nhấn mạnh “theo chiều dọc” này vào một lĩnh vực cụ thể là một bước ngoặt lớn khỏi nguyên trạng đã duy trì ở châu Âu từ sau thập niên 1980. Nguyên trạng đó cổ vũ thị trường tự do, tinh thần khởi nghiệp kinh doanh và các chính sách “theo chiều ngang” nhằm thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế châu Âu, chẳng hạn như đào tạo lực lượng lao động và xây dựng cơ sở hạ tầng. Quan điểm này được thể hiện rõ trong Hiệp ước Maastricht 1992, nền tảng cốt lõi của EU.
Vì sao năng suất lao động ở Mỹ cao hơn ở châu Âu là một câu hỏi đã tồn tại từ lâu. Câu hỏi này được đặt ra vào năm 1928 bởi ông Allyn Young, vị Chủ tịch người Mỹ của Trường Kinh tế London.
Trong một bài phát biểu, ông Young phủ nhận quan điểm cho rằng khoảng cách năng suất giữa Mỹ và châu Âu đến từ việc các công ty Mỹ được vận hành tốt hơn. Ông lập luận rằng việc Mỹ có “thị trường nội địa lớn nhất trên thế giới” đồng nghĩa rằng “các phương pháp năng suất mang lại hiệu quả kinh tế và lợi nhuận ở Mỹ sẽ không có tác dụng tương tự ở những nơi khác”. Theo thời gian, thực tế này dẫn việc những ngành công nghiệp phức tạp nhất phát triển nở rộ ở Mỹ.
Có một điều được rút ra ở đây là các công ty sẽ chỉ đầu tư lớn cho việc tăng năng suất nếu họ hoạt động trong các lĩnh vực tăng trưởng, nơi họ có lý do để đầu tư như vậy. Đó là nguyên nhân khiến châu Âu bị tụt lại so với Mỹ về tốc độ đầu tư trong những ngành không phải là xây dựng.
Top 3 công ty đầu tư nhiều nhất vào nghiên cứu ở châu Âu trong thời gian gần đây thường là các hãng sản xuất ô tô chạy bằng xăng. Ngược lại, ở Mỹ, các công ty đầu tư lớn cho nghiên cứu và phát triển (R&D) là các công ty ô tô và dược phẩm vào thập niên 2000, tiếp đến là các công ty phần mềm và phần cứng trong thập niên 2010, gần đây hơn là các doanh nghiệp trong lĩnh vực ứng dụng kỹ thuật số.
Tuy nhiên, các quốc gia không thể dễ dàng nhảy vào những lĩnh vực có độ phức tạp cao hơn này, bởi việc tăng lợi nhuận theo quy mô tạo ra một rào cản tự nhiên chống lại bất kỳ doanh nhân có ý tưởng mới nào.
Sự thay đổi quan điểm của mỹ và bài học cho châu Âu
Thực ra, thế giới của “những doanh nghiệp chiến thắng giành được tất cả” của ngày hôm nay, những mất cân đối thương mại ăn sâu và sự tập trung của các công ty thành công vào một số ít những vực đô thị là những điều không thể lý giải hoàn toàn bởi lợi thế so sánh, hoặc thậm chí là ảnh hưởng của yếu tố tỷ giá và dòng vốn.
Yếu tố lịch sử của bất kỳ quốc gia nào đã từng cố gắng đuổi kịp các quốc gia khác về kinh tế cũng không thể giải thích được những điều đó. Dù đi tiên phong về tự do kinh tế, trong giai đoạn tăng tốc nhằm đuổi kịp nước Anh trong thế kỷ 19, Mỹ đã tích cực sử dụng chủ nghĩa bảo hộ công nghiệp. Những ví dụ thành công gần đây hơn, như Nhật Bản và Hàn Quốc, đều có sự phụ thuộc lớn vào những lĩnh vực được nhà nước ưu ái và thị trường xuất khẩu.
Mỹ đã đi tiên phong về tự do thương mại đa phương trong nửa sau của thế kỷ 20 và có nhiều động lực để duy trì việc đó cho tới tận gần đây. Các công ty ở Thung lũng Silicon - những doanh nghiệp ra đời một phần dựa vào các khoản đầu tư quân sự trước đó - đã dựa vào các nền kinh tế trong mạng lưới để vươn mình thành những công ty dẫn đầu thế giới.
Tuy nhiên, nước Mỹ đã bắt đầu thay đổi tư duy khi Trung Quốc trở thành một đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Trợ cấp công nghiệp và một thị trường nội địa rộng lớn giờ đây đang giúp Trung Quốc làm “ngập lụt” thị trường toàn cầu bằng những sản phẩm do nước này sản xuất như ô tô điện, tấm pin năng lượng mặt trời và các sản phẩm công nghệ cao khác. Những mặt hàng đó của Trung Quốc được sản xuất ở mức chi phí thấp mà các doanh nghiệp phương Tây có quy mô sản xuất nhỏ hơn không thể nào đạt được.
Phản ứng đầu tiên từ phía Mỹ là những đòn thuế quan của cựu Tổng thống Donald Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông, tiếp đến là đạo luật Chips và Khoa học và đạo luật Giảm lạm phát của Tổng thống Joe Biden. Hai đạo luật này đổ tiền của Chính phủ liên bang vào các ngành công nghiệp bán dẫn, ô tô điện và năng lượng sạch của Mỹ. Dù gặp phải không ít trở ngại, các chính sách này đã dẫn tới sự bùng nổ của hoạt động xây dựng các nhà máy mới ở Mỹ.
Tuy nhiên, EU lại không phản ứng được như Mỹ, do thách thức đến từ sự quản trị phân tán, lợi ích của doanh nghiệp Đức ở Trung Quốc và Nga, cũng như niềm tin vào chương trình tuyên truyền về thị trường mở mà chính EU đã theo đuổi.
Hình ảnh của ông Draghi với tư cách là nhà kỹ trị cuối cùng đã mang tới cho ông động lực để thay đổi điều này, dù ông muốn tránh một bước ngoặt sang chủ nghĩa bảo hộ có thể gây nhiều tổn hại. Để làm được điều đó, báo cáo dài 400 trang của ông Draghi đề xuất một chính sách thương mại dựa trên “phân tích theo từng trường hợp” về những gì sẽ cải thiện năng suất lao động và một chiến lược công nghiệp dựa trên lựa chọn từng lĩnh vực ngành nghề, thay vì lựa chọn những đối tượng hưởng lợi cụ thể.
Trong trường hợp ngành bán dẫn, báo cáo nhận định các sản phẩm tập trung vào sức mạnh của châu Âu, chẳng hạn con chip dùng cho ô tô và thiết bị kết nối mạng, là những lĩnh vực cần được hưởng trợ cấp. Trong nền kinh tế vũ trụ, báo cáo thúc đẩy các ưu tiên có trọng điểm để khuyến khích các công ty nội khối. Trong lĩnh vực điện mặt trời, báo cáo đề xuất chống lại các hành vi thương mại bất bình đẳng và sự dư thừa công suất của Trung Quốc, nhưng cũng cảnh báo rằng sự trả đũa quá mạnh tay có thể phá hỏng thặng dư thương mại mà châu Âu đang có trong lĩnh vực công nghệ điện gió.
Đã có một tiền lệ trước đây, đó là vào đầu những năm 1990, hãng sản xuất máy bay Airbus là một liên doanh làm ăn thua lỗ giữa các nước châu Âu. Nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ và một chiến lược thương mại có trọng điểm phù hợp, Airbus hiện là hãng sản xuất máy bay hàng đầu thế giới.
Cuối thế kỷ 20, Mỹ đã ra sức tuyên truyền về tự do thương mại và tự do kinh tế. Ngày nay, chủ trương của nước này là bảo hộ có trọng điểm và trợ cấp mạnh mẽ cho lĩnh vực công nghệ cao.
Tuyến ống ngầm xuyên quốc gia vận chuyển hàng triệu tấn hydro cho châu Âu có ý nghĩa rất lớn trong mục tiêu trung hòa carbon ròng trong hai thập kỷ tới.
Châu Âu có mục tiêu đầy tham vọng đạt được mức trung hòa carbon ròng trong hai thập kỷ tới. Để đạt được điều này, nhiều quốc gia sẽ phải hợp tác, đầu tư chung cơ sở hạ tầng và công nghệ mới.
Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha có thể tiếp cận nguồn hydro được vận chuyển từ châu Mỹ, nhưng vẫn chưa có tuyến vận chuyển hiệu quả nào giữa Tây Âu và Trung Âu. Một kế hoạch được đưa ra là đường ống HM2ed vận chuyển hydro xanh từ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đến Trung Âu qua Pháp.
Công trình xây dựng đường ống HM2ed bắt đầu vào năm 2022. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ mất thời gian, vì vậy đường ống có thể không hoạt động hoàn toàn cho đến năm 2030.
Tuyến đường mới sẽ giúp các công ty và chính phủ châu Âu tiếp cận được 2 triệu tấn hydro xanh. Dự án này có thể tốn khoảng 2,5 tỷ euro.
Việc xây dựng đường ống thay vì khai thác mỏ giúp châu Âu tiếp cận tốt hơn với nguồn năng lượng thân thiện với môi trường quan trọng này.
Các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng như sản xuất và vận tải không thể dựa vào năng lượng mặt trời và gió nếu muốn duy trì mức tăng trưởng hiện nay. Hydro là một nhiên liệu thay thế.
Hydro là một nguyên tố trong bảng tuần hoàn, chỉ chứa 1 electron, nên rất nhẹ và không ổn định. Trên trái đất, hydro liên kết với oxy để tạo ra nước. Ở trạng thái tinh khiết, hydro có thể cháy khi kết hợp với các nguyên tố khác và phản ứng đó tạo ra năng lượng.
Hydro xanh sẽ ngày càng trở nên quan trọng khi các ngành công nghiệp lớn cố gắng giảm lượng khí thải carbon.
Nhiều công ty đã khai thác hydro từ khí tự nhiên, nhưng điều đó tạo ra nhiều carbon dioxide hơn và gây ô nhiễm bầu khí quyển. Đó là lý do tại sao các nước châu Âu tập trung vào việc chỉ vận chuyển hydro xanh.
Để có được lượng hydro cần thiết vào năm 2030, các công ty trung Âu cần tiếp cận hàng triệu tấn hydro. Đường ống HM2ed đáp ứng nhu cầu hydro ngày càng tăng của châu Âu, mục tiêu cung cấp 10% nhu cầu hydro của khu vực này. Dự án sẽ cải thiện an ninh năng lượng ở châu Âu và thúc đẩy phát triển bền vững.
Mặc dù chi phí cho dự án này cao và thách thức khi phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt của châu Âu, các nước Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Pháp vẫn đang tiến hành dự án.
Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu đang cảnh báo rằng một loạt luật sắp tới của Liên minh châu Âu (EU) sẽ khiến các công ty phải xung đột trực tiếp với luật pháp ở Trung Quốc, điều này có thể dẫn đến việc "tách rời" một phần của một số chuỗi cung ứng.
Một trong những luật cấm các sản phẩm được sản xuất bằng lao động cưỡng bức và một luật khác yêu cầu các công ty lớn phải rà soát vấn đề nhân quyền và môi trường đối với các nhà cung cấp ở nước ngoài của họ. Cả hai đều đã được EU thông qua nhưng sẽ có hiệu lực vào năm 2027 sau thời gian gia hạn ba năm.
Các doanh nghiệp sẽ được yêu cầu chứng minh rằng các nhà cung cấp của họ tuân thủ các tiêu chuẩn xã hội và môi trường của EU, và cũng không có lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng của họ. Các công ty lo ngại các quy định mới sẽ khiến họ nằm trong tầm ngắm của chính quyền Trung Quốc.
Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc đã lấy ví dụ về tập đoàn thời trang khổng lồ của Mỹ PVH Group, tuần này đã bị Bộ Thương mại Trung Quốc điều tra vì "tẩy chay bông Tân Cương và các sản phẩm khác một cách vô lý mà không có cơ sở thực tế".
Mặc dù bộ này không nêu rõ PVH bị cáo buộc đã làm gì, nhưng người ta cho rằng cáo buộc này có liên quan đến việc công ty này tuân thủ các quy định của Mỹ về việc cấm bán bông từ Tân Cương vì lo ngại về lao động cưỡng bức.
"Do đó, cuộc điều tra được công bố đã làm dấy lên mối lo ngại trong số các công ty nước ngoài đang hoạt động hoặc kinh doanh tại Trung Quốc, vì nhiều công ty trong số họ phải chịu những thách thức về tuân thủ tương tự", một tuyên bố của Phòng Thương mại EU cho biết.
Bắc Kinh đã nhiều lần và kiên quyết phủ nhận các cáo buộc vi phạm nhân quyền đối với các nhóm thiểu số ở Tân Cương và lập luận rằng các chính sách của nước này trong khu vực này được áp dụng nhằm xóa bỏ chủ nghĩa cực đoan và khủng bố.
Các nhóm doanh nghiệp lo ngại rằng những nỗ lực tuân thủ luật pháp, bao gồm cả việc thu thập thông tin từ các nhà cung cấp Trung Quốc, có thể vi phạm luật chống gián điệp và chuyển giao dữ liệu toàn diện của Trung Quốc, mà họ cho là mơ hồ và khó hiểu.
Bà Luisa Santos, phó tổng giám đốc Liên đoàn Doanh nghiệp châu Âu (BusinessEurope), cho biết: "Sẽ có những lựa chọn khó khăn phải đưa ra... trong trường hợp xấu nhất, bạn sẽ phải đưa ra những quyết định khó khăn với hoạt động kinh doanh của mình".
Bà Santos chỉ ra tình thế khó xử mà các nhà cung cấp Trung Quốc sẽ phải đối mặt nếu họ được yêu cầu cung cấp thông tin có thể bị coi là vi phạm luật pháp không rõ ràng ở Bắc Kinh.
"Cả hai bên đều có lý do, đôi khi họ sẽ rơi vào tình huống không thể. Họ phải đối mặt với câu hỏi: Tôi sẽ tôn trọng những gì anh yêu cầu, hoặc tôi sẽ tôn trọng luật pháp của đất nước tôi. Và tất nhiên, tôi nghĩ khi bạn sống ở một quốc gia, bạn phải tôn trọng luật pháp của quốc gia đó", bà Luisa nhấn mạnh thêm.
Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc đã kêu gọi Bắc Kinh "tạo điều kiện" để tiến hành kiểm toán độc lập, với lý do các công ty châu Âu thấy mình "ngày càng bị kẹt giữa hai bờ vực thẳm".
"Nếu họ ngừng hoạt động hoặc ngừng cung ứng từ các khu vực như Tân Cương, họ có thể phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ cả chính phủ và người tiêu dùng Trung Quốc; nếu họ tiếp tục, họ có nguy cơ chịu hậu quả tiêu cực từ thị trường trong nước và các thị trường quốc tế khác, bao gồm cả tổn hại về danh tiếng và hình phạt theo luật pháp châu Âu và/hoặc Mỹ", Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc nêu rõ.
Đây không phải là lần đầu tiên những lo ngại như vậy ám ảnh ngành công nghiệp châu Âu. Năm 2021, nhà bán lẻ thời trang Thụy Điển H&M đã trở thành đối tượng bị người tiêu dùng Trung Quốc tẩy chay sau khi nêu lên mối lo ngại về cáo buộc vi phạm nhân quyền đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Mặc dù lệnh cấm lao động cưỡng bức của EU không nêu tên khu vực phía tây Trung Quốc, nhưng nó được viết ra với mục đích hướng đến Tân Cương. Ủy ban châu Âu muốn cắt giảm các sản phẩm được sản xuất tại đó khỏi chuỗi cung ứng của EU trong khi vẫn tuân thủ các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới.
Bất chấp sự phản đối của cơ quan quản lý, xuất khẩu từ Tân Cương sang 27 quốc gia thành viên EU vẫn tăng 141,2% vào tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái, theo tính toán dựa trên dữ liệu hải quan Trung Quốc.
Các công ty Trung Quốc cũng phàn nàn về các yêu cầu tuân thủ đang diễn ra song song ở châu Âu và Trung Quốc.
Quy định trợ cấp nước ngoài mới của EU (FSR) - nhằm mục đích loại bỏ các khoản trợ cấp nhà nước bất hợp pháp trong sổ sách của các công ty ngoài châu Âu hoạt động trên thị trường chung, có thể buộc các công ty Trung Quốc phải cung cấp thông tin chi tiết, bao gồm cả thông tin về công ty mẹ của họ tại Trung Quốc.
Công ty máy quét sân bay nhà nước Trung Quốc Nuctech đã kiện EU sau khi bị đột kích theo FSR, lập luận rằng việc tuân thủ cuộc điều tra sẽ buộc công ty này phải vi phạm luật hình sự của Trung Quốc. Tòa án chung tại Luxembourg đã phán quyết rằng các cuộc đột kích của ủy ban là hợp pháp.
Michel Struys, đối tác quản lý tại công ty luật Hogan Lovells có trụ sở tại Brussels, cho biết các cuộc đụng độ là "triệu chứng của một căn bệnh sâu xa hơn nhiều", liên quan đến hố sâu ngày càng lớn trong hệ thống thương mại toàn cầu.
"Đối với các công ty đang thực hiện điều này, đây sẽ là một cơn ác mộng", ông nói.
Vài ngày trước khi chính phủ mới trình dự án ngân sách 2025, thông tin về nợ công của nước Pháp gây nhiều lo ngại. Đến cuối quý 2 năm 2024, tổng nợ công của Pháp lên tới hơn 3.200 tỷ euro. Tin xấu này được Viện Thống Kê Quốc Gia Pháp (INSEE) thông báo hôm nay, 27/09/2024, trong khi cơn bão có vẻ lắng xuống trên mặt trận lạm phát, hiện đang ở mức thấp nhất từ đầu năm trở lại đây.
Nợ công của Pháp trong quý hai đã tăng 68,9 tỷ euros. Tổng nợ công của Pháp lên tới 3.228,4 tỷ euro, tương đương 112% tổng thu nhập quốc gia GDP. Tỷ lệ này của quý 1 là 110,5%.
Trong vòng một năm, nợ công của Pháp tăng thêm 175,2 tỷ euro. Trước khủng hoảng đại dịch, nợ công được duy trì ở mức dưới 100% GDP, nhưng vẫn luôn vượt xa mức tối đa 60% GDP theo quy định về ngân sách của Liên Hiệp Châu Âu đối với các nước thành viên.
Nước Đức, nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng euro, cũng vượt mức nợ công theo quy định một chút. Hiện trong Liên Âu, chỉ có Hy Lạp và Ý có tỷ lệ nợ công cao hơn Pháp.
Bên cạnh đó, thâm hụt ngân sách của Pháp có thể cũng vượt quá con số 6% GDP trong năm 2024, trong khi quy định của Liên Hiệp Châu Âu là không vượt quá 3%.
Năm 2023, mức thâm hụt ngân sách 5,5% GDP đã buộc nước Pháp phải vay nhiều hơn trên thị trường tài chính với lãi suất cao để bù vào tình trạng chi nhiều hơn thu của Nhà nước cũng như chính quyền địa phương và của Quỹ bảo hiểm xã hội.
Theo một đánh giá ngân sách của chính phủ trước, số tiền trả lãi vay của nước Pháp sẽ phải tăng từ 46 tỷ euro năm 2022 lên đến 72 tỷ vào năm 2027.
Chính phủ mới của thủ tướng Michel Barnier, ra đời trong khủng hoảng chính trị trầm trọng của nước Pháp, đang bị đặt trước thách thức rất lớn là làm thế nào để lập được dự chi ngân sách 2025 trình Quốc Hội vào đầu tháng 10 tới. Cắt giảm chi tiêu công, tăng thuế nhắm vào các công ty lớn và người giàu, những giải pháp không chắc gì thuyết phục được Hạ Viện trong bối cảnh chính phủ không có đa số, các đảng luôn luôn đe dọa bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Nguồn: Báo Tin Tức; VnEconomy; Vietnamnet; VietnamFinance; RFI
EU: Vì sao lũ lụt; Doanh số bán ô tô mới giảm; NK dầu phá kỷ lục; Chính phủ mới ở Pháp gặp áp lực; Áo chia rẽ vì khí đốt Nga
EU: Lũ 'trăm năm có 1'; Học mô hình kinh tế của Mỹ; Tham vọng chip gặp khó; Thách thức với lãnh đạo mới; Vụ án chấn động nước Pháp
EU: Lũ lụt gây thiệt hại lớn; Kinh tế tụt hậu; Nhiều công ty vẫn làm ăn với Nga; Mối đe dọa kép từ TQ; Thách thức với tân nội các Pháp
EU: Nỗ lực chặn người di cư; Khả năng ECB giảm lãi suất; DN phụ thuộc hàng TQ; Siết quy định các dự án hydro; Họp bất thường vì Liban
Hỏa hoạn lớn bùng phát tại trung tâm mua sắm Marywilska tại thủ đô Warsaw vào rạng sáng 12.05.2024 thiêu rụi hàng trăm gian hàng. Bao người Việt kinh doanh ở đây bất lực nhìn tài sản bỗng chốc tan thành mây khói.
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá