Châu Âu đối mặt mùa hè khốc liệt

(Ảnh minh họa).
Biến đổi khí hậu khiến khu vực phía nam châu Âu đối mặt hạn hán nghiêm trọng trong mùa hè, gây tình trạng thiếu nước và mất mùa.
Khí hậu khu vực Nam Âu ngày càng nóng và khô hơn do biến đổi khí hậu, trong khi nguồn nước ngầm cạn kiệt sau nhiều năm hạn hán liên tục. Đất đai trở nên khô cằn ở Tây Ban Nha và miền nam nước Pháp, mực nước sông và hồ chứa thấp đe dọa sản lượng thủy điện mùa hè năm nay.
Sau một mùa đông ấm hơn bình thường giúp châu Âu vượt qua khủng hoảng năng lượng, các nhà khoa học cảnh báo khu vực này đang đối mặt một mùa hè khắc nghiệt. Mùa hè năm ngoái là giai đoạn nóng nhất lịch sử ở châu Âu, gây hạn hán nghiêm trọng nhất trong vòng 500 năm, theo các nhà nghiên cứu của Liên minh châu Âu.
Năm nay, Tây Ban Nha sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề do thời tiết khô hạn trong mùa hè.
"Hạn hán sẽ tồi tệ hơn", Jorge Olcina, giáo sư địa lý tại Đại học Alicante, Tây Ban Nha, nói. "Thời điểm này trong năm, nguồn cung cấp nước duy nhất là những cơn bão cục bộ theo mùa, nhưng chúng không thể giải quyết tình trạng khô hạn".
Không chỉ Nam Âu đang thiếu nước nghiêm trọng. Vùng Sừng châu Phi cũng đang đối mặt tình trạng hạn hán nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ, trong khi hạn hán lịch sử ở Argentina gây thiệt hại nặng nề cho sản lượng đỗ tương và ngô.
Nhiệt độ trung bình ở Địa Trung Hải đang cao hơn 1,5 độ C so với 150 năm trước. "Các dấu hiệu biến đổi khí hậu ở khu vực này phù hợp với những gì chúng tôi đã dự đoán", Hayley Fowler, giáo sư về Tác động Biến đổi Khí hậu tại Đại học Newcastle, Anh, nói.
Dù những dự báo đó đã được giới khoa học đưa ra từ lâu, các nước vẫn chậm trễ trong ứng phó biến đổi khí hậu. Nhiều vùng canh tác chưa áp dụng các phương pháp tiết kiệm nước như tưới nhỏ giọt hay chuyển sang các loại cây trồng chịu hạn tốt hơn như hoa hướng dương.
"Chính phủ và các công ty đều chậm trễ", Robert Vautard, nhà khoa học khí hậu kiêm giám đốc Viện Pierre-Simon Laplace của Pháp, nói. "Một số công ty thậm chí không nghĩ tới việc thay đổi cách thức tiêu thụ nước, mà chỉ cố tìm ra công nghệ thần kỳ nào đó có thể đem lại nhiều nước hơn".
Pháp đã phải phát cảnh báo "khủng hoảng" hạn hán ở 4 khu vực, hạn chế bơm hút nước ở các lĩnh vực không ưu tiên, kể cả nông nghiệp, khi nước này trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất kể từ năm 1959.
Hạn hán cũng đang đến sớm ở Bồ Đào Nha. Khoảng 90% diện tích nước này đang trải qua tình trạng khô hạn, trong đó 20% hứng chịu hạn hán nghiêm trọng, gần gấp 5 lần quy mô một năm trước.
Ở Tây Ban Nha, nơi lượng mưa trung bình tính đến tháng 4 chưa bằng một nửa năm ngoài, hàng nghìn người đang phụ thuộc vào xe bồn để có nước sinh hoạt, trong khi nhiều khu vực áp lệnh hạn chế sử dụng nước. Một số nông dân cho hay mùa màng của họ thiệt hại tới 80%, đặc biệt là ngũ cốc và các loại cây ép lấy dầu.
"Đây là vụ mùa thất thu nhất trong nhiều thập kỷ. Tình hình còn tệ hơn năm ngoái", Pekka Pesonen, người đứng đầu tổ chức bảo trợ nông nghiệp châu Âu Copa-Cogeca, nói về những gì đang diễn ra ở Tây Ban Nha.
Ủy ban châu Âu (EC) cho hay Tây Ban Nha là quốc gia cung cấp một nửa sản lượng oliu và một phần ba trái cây cho châu Âu. Tuần trước, Tây Ban Nha tuyên bố gói ứng phó khẩn cấp 2,2 tỷ USD để giải quyết khủng hoảng nước, trong bối cảnh các hồ chứa ở mức trung bình 50% công suất.
Bộ trưởng Nông nghiệp Tây Ban Nha Luis Planas ngày 24/4 gửi thư tới EC, đề nghị hỗ trợ khẩn cấp 450 triệu euro từ ngân sách trợ cấp nông nghiệp của liên minh. "Tác động của hạn hán nghiêm trọng tới mức không thể giải quyết hậu quả bằng nguồn ngân sách quốc gia", ông viết.
"Hạn hán nghiêm trọng ở Nam Âu đặc biệt đáng lo ngại, không chỉ với nông dân. Nếu sản lượng mùa màng của châu Âu sụt giảm đáng kể, giá tiêu dùng vốn đã rất cao có thể còn tăng thêm", Miriam Garcia Ferrer, phát ngôn viên của EC, nói.
Tình hình tương tự có thể cũng xuất hiện ở Italy, nơi 80% nguồn nước được sử dụng cho nông nghiệp. Với lượng tuyết trên núi và độ ẩm của đất năm nay đều thấp, nông dân Italy đang lên kế hoạch giảm 6% diện tích gieo trồng vụ hè.
Sau hai năm thiếu nước, một số vùng ở miền bắc Italy bước vào tháng 5 với nguồn nước dự trữ từ tuyết trên các đỉnh núi giảm 70%, trong khi độ ẩm của đất cũng thấp hơn đáng kể, theo Luca Brocca, giám đốc nghiên cứu Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Italy.
Mặt đất quá khô cằn có thể khiến nước không thể ngấm vào đất khi mùa mưa tới, gây lũ quét tàn khốc. Giới chức Italy cho hay trận lũ do mưa lớn ở vùng Emilia Romagna đã khiến ít nhất 13 người thiệt mạng và 13.000 người phải đi sơ tán.
(Nguồn: Vnexpress)
EU thông qua luật thương mại có tính đến yếu tố bền vững
Theo hrw.org, Liên minh Châu Âu vừa thông qua một luật mới yêu cầu các công ty có trụ sở tại EU đảm bảo trong chuỗi sản xuất các hàng hóa nhập khẩu và xuất khẩu của họ phải tính đến yếu tố môi trường và không vi phạm nhân quyền.
Quy định về sản phẩm bền vững của Liên minh châu Âu đặt trách nhiệm cho các công ty đã đăng ký tại các quốc gia thành viên EU phải đảm bảo 7 mặt hàng nông nghiệp bao gồm: gia súc, ca cao, cà phê, cọ dầu, cao su, đậu nành và gỗ - mà họ nhập khẩu hoặc xuất khẩu không được sản xuất trên đất bị phá rừng sau ngày 31.12.2020. Một số sản phẩm khác cũng được bảo hiểm, chẳng hạn như sô cô la và da thuộc. Luật yêu cầu các công ty truy xuất nguồn gốc hàng hóa đến nơi chúng được sản xuất.
Quy định cũng yêu cầu các công ty đảm bảo những mặt hàng này được sản xuất trong điều kiện tuân thủ “các luật liên quan” tại quốc gia xuất xứ của họ. Chúng bao gồm các luật về quyền sử dụng đất, quyền lao động, quyền con người được bảo vệ theo luật pháp quốc tế và quyền được đồng ý tự do, trước và được cung cấp thông tin như được nêu trong Tuyên bố của Liên Hợp Quốc về Quyền của Người bản địa và luật chống tham nhũng.
EU nhập khẩu gỗ và các mặt hàng nông sản trị giá hàng tỷ euro hàng năm từ khắp nơi trên thế giới. Những mặt hàng này có thể là sản phẩm trong chuỗi sản xuất ở các nước kém phát triển có sử dụng lao động em hay các chu trình sản xuất không bảo đảm các quy định về môi trường. Luật mới yêu cầu các công ty loại bỏ các hành vi vi phạm lao động và nhân quyền cũng như phá hủy môi trường khỏi chuỗi cung ứng của họ, nếu không sẽ có nguy cơ phải chịu trách nhiệm trước tòa án EU.
Trong vòng 18 tháng sau khi quy định có hiệu lực, Ủy ban Châu Âu, cơ quan điều hành của EU, sẽ chỉ định các quốc gia sản xuất có rủi ro thấp, trung bình hoặc cao dựa trên tỷ lệ phá rừng và sự tuân thủ và thực thi hiệu quả luật bảo vệ rừng của họ. quyền con người, quyền của người bản địa, cộng đồng địa phương và những người nắm giữ quyền sở hữu theo thông lệ khác, trong số các tiêu chí khác.
Các sản phẩm từ các quốc gia được coi là “rủi ro cao” sẽ phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn của cơ quan hải quan EU và các công ty châu Âu sẽ được yêu cầu tiến hành thẩm định nghiêm ngặt hơn khi tìm nguồn cung ứng từ các địa điểm đó.
Quy định về sản phẩm không phá rừng của Liên minh châu Âu hứa hẹn rất nhiều nhưng hiệu quả của nó sẽ phụ thuộc vào việc thực hiện nghiêm ngặt của mọi quốc gia thành viên EU - bao gồm cả việc tạo ra các con đường hiệu quả để bồi thường cho các nạn nhân bị lạm dụng quyền - và sự hỗ trợ của EU đối với các đối tác thương mại trong quá trình áp dụng. Ủy ban châu Âu sẽ cần chống lại áp lực chính trị từ các đối tác thương mại và các thành viên của chính họ để đảm bảo việc so sánh phản ánh chính xác các điều kiện thực tế và góp phần thực thi hiệu quả quy định.
(Nguồn: Đại Biểu Nhân Dân)
Lũ lụt tại Italy: Số người thiệt mạng tiếp tục tăng

(Ảnh minh họa).
Thống đốc vùng Emilia-Romagna, miền Bắc Italy, cho biết, lũ lụt đã giết chết ít nhất 13 người ở vùng này, gây thiệt hại hàng tỷ Euro và ảnh hưởng nặng nề đến nông nghiệp.
Theo thông báo chiều 18/5 của Bộ Bảo vệ Dân sự Italy, phần lớn vùng Emilia-Romagna vẫn là khu vực "báo động đỏ”, với một phần của nhiều khu vực khác - từ Lombardy ở miền Bắc đến Basilicata ở miền Nam - nằm trong khu vực cảnh báo "màu cam" hoặc "màu vàng" (hai cấp độ khẩn cấp thấp hơn). Có 280 vụ lở đất được ghi nhận, 23 con sông nước tràn bờ, 400 con đường bị hư hỏng hoặc phá hủy và 42 thành phố bị ngập lụt.
Theo Hiệp hội Nông nghiệp Coldiretti, hơn 5.000 trang trại bị ngập nước trong khu vực, bao gồm "Thung lũng trái cây", cũng như các cánh đồng ngô và ngũ cốc.
"Chúng tôi ước tính, thiệt hại lên tới gần 1 tỷ Euro (do những trận lũ lụt trước đó), vì vậy hãy tưởng tượng con số này sẽ tăng lên bao nhiêu" với thảm họa mới này, Thống đốc Bonaccini nói và nhận định, còn quá sớm để đưa ra con số thiệt hại chính xác.
Theo truyền thông địa phương, hơn 10.000 người trong khu vực đã phải rời bỏ nhà cửa và hàng chục nghìn người không có điện. Trong một tuyên bố, công ty điện lực Enel cho biết khoảng 700 kỹ thuật viên đã được cử đến vùng này để giúp khôi phục nguồn điện.
Cùng ngày, ông Stefano Bonaccini, Chủ tịch vùng Emilia-Romagna, ước tính thiệt hại của vùng này lên tới "vài tỷ euro". Trong khi đó, Bộ trưởng Môi trường và An ninh năng lượng Italy Gilberto Pichetto Fratin cho biết chính phủ nước này sẽ yêu cầu Ủy ban châu Âu (EC) cấp quyền tiếp cận Quỹ Đoàn kết Liên minh châu Âu để hỗ trợ các nỗ lực cứu trợ và tái thiết trong vùng.
Chính phủ của Thủ tướng Giorgia Meloni cũng triệu tập một cuộc họp nội các khẩn cấp vào ngày 23/5 tới và dự kiến sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở vùng Emilia-Romagna để cho phép chính phủ sử dụng các khoản ngân sách và trao thêm thẩm quyền cho các quan chức địa phương trong việc thực hiện biện pháp khẩn cấp.
Chính phủ Italy cam kết sẽ viện trợ khẩn cấp thêm 20 triệu Euro (22 triệu USD), ngoài khoản 10 triệu Euro được phân bổ để ứng phó với trận lũ lụt vào hai tuần trước đó, khiến ít nhất hai người thiệt mạng.
Nhà sản xuất xe thể thao hạng sang Ferrari có trụ sở tại vùng Emilia-Romagna đã công bố khoản quyên góp trị giá 1 triệu Euro.
Lũ lụt là sự kiện mới nhất trong một loạt các thảm họa thời tiết khắc nghiệt đã tàn phá Italy trong năm qua.
Đây là lần thứ 2 trong tháng này vùng Emilia-Romagna hứng chịu thiên tai. Hồi đầu tháng, mưa bão tại đây cũng đã cướp đi sinh mạng của 2 người. Các nhà khí tượng học cho biết đất đai khô cằn sau nhiều tháng hạn hán đã làm giảm khả năng hấp thụ nước, qua đó khiến tình trạng lũ lụt trầm trọng hơn.
Khu vực miền Bắc và miền Trung Italy, bao gồm các thành phố Bologna và Modena, đã hứng chịu các trận mưa lớn trong hai ngày 16-17/5, gây ra lũ quét và lở đất. Lực lượng cứu hộ đã giúp sơ tán người dân khỏi các mái nhà và tầng trên của những tòa nhà cao hơn.
(Nguồn: Môi trường & Đô thị)
Anh áp một loạt biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga
Anh thông báo cấm nhập khẩu kim cương và một số mặt hàng kim loại từ Nga, đồng thời áp thêm trừng phạt với 86 cá nhân và công ty có liên quan đến ngành công nghiệp quân sự của xứ sở bạch dương.
Theo đài RT, Thủ tướng Anh Rishi Sunak hôm 18/5 đã công bố gói trừng phạt mới nhằm vào Nga. Ông Sunak bày tỏ hy vọng, những biện pháp này sẽ hạn chế hoạt động xuất khẩu kim cương và nhiều mặt hàng khác như đồng, nhôm và niken, trị giá hàng tỷ đôla của Nga cũng như trừng phạt những cá nhân và doanh nghiệp bị London cáo buộc thuộc “tổ hợp công nghiệp quân sự hoặc liên quan đến các lĩnh vực đem lại nguồn thu then chốt cho Nga như năng lượng, vận tải…”.
Động thái mới dựa trên các biện pháp trừng phạt hiện có của London, vốn đã đưa công ty khai thác mỏ quốc doanh Alrosa và các mặt hàng kim loại thuộc thế mạnh xuất khẩu của Nga như sắt và thép vào “danh sách đen”. Nhà chức trách xứ sở sương mù trước đây cũng đã tăng thuế nhập khẩu kim cương xuất xứ từ Nga lên 35%.
Gói trừng phạt mới nhất được công bố trước cuộc họp của ông Sunak với các nhà lãnh đạo nhóm G7 tại Hiroshima, Nhật Bản hôm nay (19/5). Các chủ đề nóng tại hội nghị thượng đỉnh G7 lần này dự kiến sẽ là các nỗ lực của phương Tây nhằm trợ giúp Kiev trong cuộc xung đột với Moscow, tình hình ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và vấn đề phổ biến vũ khí hạt nhân.
Theo người đứng đầu London, gói trừng phạt mới nhằm cho thấy G7 "vẫn đoàn kết và kiên định ủng hộ Ukraine”. London đã triển khai một số biện pháp trừng phạt kinh tế khắc nghiệt nhất chống Moscow, bao gồm đưa hơn 1.500 cá nhân và tổ chức vào “danh sách đen”, đóng băng số tài sản trị giá hơn 22 tỷ USD thuộc sở hữu của Nga và hạn chế các hoạt động thương mại ước tính hơn 24 tỷ USD.
(Nguồn: Vietnamnet)
Thủ tướng Sunak đảo ngược quyết định cấm Viện Khổng Tử tại Anh

(Ảnh minh họa).
Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã rút lại cam kết đóng cửa 30 Viện Khổng Tử do nhà nước Trung Quốc tài trợ trên khắp Vương quốc Anh.
Ông đã cam kết sẽ đóng cửa các trường văn hóa, nơi bị cáo buộc tuyên truyền và theo dõi học sinh, trong thời gian ông tranh cử giành vị trí lãnh đạo Đảng Bảo thủ hồi năm ngoái.
Vào hôm thứ Tư, chính phủ tuyên bố việc cấm các viện nghiên cứu sẽ là "không tương xứng".
Dân biểu cấp cao của đảng Bảo thủ, Sir Iain Duncan Smith gọi quyết định này là "lố bịch".
Các Viện Khổng Tử, nơi dạy ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc, đã bị chỉ trích sau khi các nhà phê bình và tổ chức từ thiện cáo buộc những trung tâm này bị chính phủ Trung Quốc dùng để phục vụ công tác tuyên huấn và can thiệp vào quyền tới tự do ngôn luận trong khuôn viên trường.
Sir Iain, cựu lãnh đạo đảng Bảo thủ, cho biết các trường này "không liên quan gì đến ngôn ngữ".
"Họ ở đó để ngầm theo dõi, đặc biệt là sinh viên Trung Quốc, mà đặc biệt là sinh viên Hong Kong," ông nói.
Việc đổi ý này, đầu tiên do TalkTV đưa tin, đã bị một số dân biểu cấp dưới của phe Bảo thủ chỉ trích mạnh mẽ; bà cựu thủ tướng Liz Truss thúc giục ông hãy dùng lời lẽ mà ông đã sử dụng trong cuộc tranh cử vị trí lãnh đạo đảng hồi mùa hè năm ngoái.
Trong chiến dịch tranh cử không thành công của mình, ông Sunak đã hứa hẹn sẽ đóng cửa tất cả 30 viện nghiên cứu đặt ở Anh, tuyên bố Trung Quốc là "mối đe dọa lâu dài lớn nhất đối với Anh".
Nhưng kể từ khi trở thành thủ tướng, ông đã dùng những ngôn từ ít cứng rắn hơn. Vào tháng Ba, bản đánh giá cập nhật của Vương quốc Anh về chính sách đối ngoại và quốc phòng đã miêu tả Trung Quốc là đại diện cho một "thách thức mang tính hệ thống và mang tính thời đại" thay vì là một "mối đe dọa".
Bà Truss trong chuyến thăm mới đây tới Đài Loan đã kêu gọi người kế nhiệm hãy lại coi Trung Quốc là "mối đe dọa" đối với an ninh Anh.
Bà Truss đã có bài phát biểu tại thành phố Đài Bắc hôm thứ Tư. Bà là cựu thủ tướng Anh đầu tiên đến thăm Đài Loan kể từ thời bà Margaret Thatcher.
Trong bài phát biểu, bà nói cách tiếp cận của ông Sunak đối với Trung Quốc là "đúng đắn" trong thời kỳ ông lãnh đạo, và Vương quốc Anh "cần thấy những chính sách đó được ban hành khẩn cấp".
Bà kêu gọi chính phủ Anh ủng hộ Đài Loan tham gia Hiệp định Thương mại Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - và để nước này ngăn cản Trung Quốc tham gia.
Một phát ngôn viên của Phố Downing cho biết: "Chúng tôi nhận thấy có những lo ngại về sự can thiệp của nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục đại học của chúng tôi, trong đó bao gồm cả việc thông qua các Viện Khổng Tử, và thường xuyên đánh giá các rủi ro mà giới học thuật phải đối mặt.
"Chúng tôi đang hành động để loại bỏ bất kỳ khoản tài trợ nào của chính phủ đối với các Viện Khổng Tử ở Anh, nhưng hiện tại đánh giá rằng việc cấm các viện này là không tương xứng.
"Giống như bất kỳ tổ chức quốc tế nào hoạt động tại Vương quốc Anh, các Viện Khổng Tử cần hoạt động minh bạch và tuân thủ luật pháp, đồng thời cam kết tuân thủ đầy đủ các giá trị cởi mở và tự do ngôn luận của chúng ta."
Ông Sunak cho biết ông chưa "xem chi tiết" bài phát biểu của bà Truss, nhưng nói cách tiếp cận của Anh đối với Đài Loan là "lâu đời và không thay đổi".
Anh quốc, giống như hầu hết các quốc gia khác, không công nhận Đài Loan, cũng như không duy trì quan hệ ngoại giao chính thức với hòn đảo này. Anh ủng hộ Đài Loan tham gia các tổ chức quốc tế với tư cách quan sát viên.
Quan điểm chính thức của chính phủ là tranh chấp giữa Đài Loan và Trung Quốc nên được giải quyết "thông qua đối thoại, phù hợp với quan điểm của người dân ở cả hai bên Eo biển Đài Loan".
(Nguồn: BBC)
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá