EU: Mùa đông ‘rét run’; Tăng ngân sách quốc phòng; Giục Trump ủng hộ Kiev; Lời hứa 1 triệu quả đạn pháo cho Kiev; Người TBN phẫn nộ

CHÂU ÂU ĐỐI MẶT VỚI MÙA ĐÔNG "RÉT RUN"

Do chậm trễ trong việc khởi động các cơ sở xuất khẩu mới, tăng trưởng nguồn cung LNG sẽ vẫn hạn chế trong mùa đông này, tác động trực tiếp đến EU.

Châu Âu đã "sống sót" qua hai mùa đông liên tiếp kể từ khi Nga tấn công Ukraine và kiểm soát nguồn cung cấp khí đốt. Tuy nhiên, khi EU chuẩn bị bước vào những tháng lạnh hơn, các nhà giao dịch và nhà phân tích lo ngại rằng khu vực này sẽ chật vật đi qua mùa đông.

Cơ bản vì thị trường khí đốt châu Âu hiện nay phụ thuộc vào thị trường năng lượng toàn cầu đầy biến động hơn bao giờ hết, đặc biệt kể từ khi khu vực này phải đa dạng nguồn cung khí đốt qua đường ống của Nga sang khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG).

LNG là một mặt hàng toàn cầu, thường được vận chuyển đến những người mua trả giá cao nhất. Nguồn cung toàn cầu đang eo hẹp, nghĩa là châu Âu cần phải cạnh tranh với châu Á khi nhu cầu cao, dẫn đến chi phí sẽ cao hơn để các chuyến tàu LNG cập bờ biển châu Âu.

Cuộc chiến giành nhiên liệu trên biển giữa châu Âu và châu Á diễn ra căng thẳng nhất vào những tháng lạnh, khi nhu cầu sưởi ấm tăng cao. Tuy nhiên, hai mùa đông vừa qua khá ôn hòa, cho phép châu Âu giảm nhu cầu về khí đốt và LNG. Nhiệt độ ôn hòa cũng cho phép khu vực này kết thúc mùa đông với lượng khí đốt dự trữ kỷ lục.

Nhưng thị trường đang "tính đến việc mùa đông năm nay sẽ diễn ra bình thường", ông Sindre Knutsson, đối tác tại Rystad Energy cho biết. Chỉ riêng điều đó thôi cũng đủ làm tăng nhu cầu khí đốt so với những mùa đông trước.

Tuy nhiên biến số trong năm này là hợp đồng vận chuyển khí đốt giữa Ukraine và Nga sắp hết hạn, một trong hai đường truyền khí đốt thuộc hợp đồng này vẫn đang chảy về châu Âu. Hợp đồng tạo điều kiện cho dòng chảy, chiếm khoảng 5% lượng khí đốt nhập khẩu hàng năm của EU, sẽ kết thúc vào ngày 31/12/2024, thời điểm nhu cầu sưởi ấm gần đạt đỉnh điểm, mặc dù các cuộc đàm phán để duy trì dòng khí đốt chảy qua Ukraine vẫn đang diễn ra.

Các nước châu Âu cũng có thể cần xuất khẩu khí đốt để hỗ trợ Ukraine trong mùa đông, vì một số cơ sở hạ tầng năng lượng của nước này nằm trong vùng chiến sự với Nga.

Do sự chậm trễ trong việc khởi động các cơ sở xuất khẩu mới, tăng trưởng nguồn cung LNG sẽ vẫn hạn chế trong mùa đông này, hạn chế nguồn LNG mà châu Âu có thể sử dụng. Công ty dữ liệu hàng hóa Kpler ước tính rằng chỉ có 2,5 triệu tấn LNG sẽ được bổ sung vào thị trường trong mùa đông này, khoảng một phần tư lượng bổ sung mới trong mùa đông năm ngoái.

Ngoài ra còn có những lo ngại về căng thẳng ở Trung Đông; nếu bất kỳ sự leo thang nào dẫn đến việc đóng cửa eo biển Hormuz, điều này sẽ gây nguy hiểm cho 20% nguồn cung LNG toàn cầu.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế đã cảnh báo rằng cán cân khí đốt toàn cầu "vẫn mong manh vì sự tăng trưởng hạn chế trong sản xuất LNG đang khiến nguồn cung bị thắt chặt" và "thị trường vẫn nhạy cảm với những biến động bất ngờ về phía cung hoặc cầu".

Trong kịch bản cơ bản khi nhiệt độ bình thường, giới chuyên gia cho rằng châu Âu sẽ kết thúc mùa đông với lượng khí đốt dự trữ khoảng 45-55%, thấp hơn so với hai mùa đông ôn hoà trước đó khi lượng dự trữ cuối kỳ đạt khoảng 60%. Tuy nhiên, nếu mùa đông lạnh hơn,  mức dự trữ có thể giảm xuống còn khoảng 35%. Mức dự trữ càng thấp vào cuối mùa đông thì lượng LNG cần nhập khẩu càng nhiều, điều này có khả năng dẫn đến giá khí đốt cao hơn ngay cả trong những tháng mùa hè khi nhu cầu giảm.

Acer, cơ quan giám sát năng lượng của EU, đã cảnh báo trong một báo cáo gần đây: “Nếu lượng khí đốt rút ra trong mùa đông năm nay vượt xa hai năm qua, người mua EU có thể cần phải tăng sức cạnh tranh trên thị trường LNG để bổ sung nguồn dự trữ vào năm 2025, có khả năng đẩy giá khí đốt bán buôn lên cao”.

Vào thời điểm đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng khí đốt năng lượng năm 2022, giá khí đốt ở châu Âu tăng vọt, lần đầu tiên có thời điểm tăng lên trên 300 euro cho mỗi megawatt giờ. Khi đó lục địa này đã có thể thu về một lượng lớn LNG, nhưng các quốc gia đang phát triển cũng cần nó lại bị thua trong cuộc đua về giá này.

 

 

SỢ TRUMP, EU TĂNG NGÂN SÁCH QUỐC PHÒNG

EU đang thay đổi chính sách để có thể chi hàng chục tỷ euro cho lĩnh vực quốc phòng và an ninh, khi cuộc xung đột Nga - Ukraine và việc ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng đang tạo áp lực buộc EU phải tăng cường đầu tư.

Theo các quan chức EU, thay đổi chính sách này sẽ áp dụng cho khoảng 1/3 ngân sách chung của khối, tương đương 392 tỷ euro từ năm 2021 đến 2027, khoản tiền vốn nhằm giảm bất bình đẳng kinh tế giữa các nước thành viên.

Cho đến nay, mới chỉ có khoảng 5% quỹ này được sử dụng, trong đó các nước hưởng lợi lớn nhất là Ba Lan, Italy và Tây Ban Nha.

Theo quy định hiện hành, khoản tiền này không được phép dùng để mua sắm thiết bị quốc phòng hay trực tiếp tài trợ cho quân đội, nhưng được phép đầu tư vào các sản phẩm "lưỡng dụng" như máy bay không người lái (UAV).

Trong những tuần tới, các nước thành viên sẽ nhận thông báo rằng họ sẽ được linh hoạt hơn trong việc phân bổ quỹ để hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng và các dự án cơ động quân sự, như tăng cường đường sá và cầu cống để đảm bảo xe tăng di chuyển an toàn. Điều này bao gồm cả việc cho phép tài trợ để tăng sản xuất vũ khí và đạn dược, dù lệnh cấm sử dụng quỹ EU để mua vũ khí vẫn được duy trì.

Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) cho biết quỹ có thể được sử dụng cho ngành công nghiệp quốc phòng miễn là đóng góp vào sứ mệnh tổng thể là thúc đẩy phát triển khu vực, bao gồm cả khả năng cơ động quân sự.

Đức đóng vai trò then chốt trong khả năng cơ động quân sự của châu Âu do vị trí địa lý, nhưng cơ sở hạ tầng giao thông của nước này đang trong tình trạng kém. Bộ Kinh tế Đức ước tính nước này cần chi gấp 165 tỷ euro cho đường bộ, đường sắt và cầu cống. Đức dự kiến sẽ nhận 39 tỷ euro quỹ từ nay đến năm 2027.

Động thái này cũng được chào đón bởi các quốc gia ở biên giới phía Đông EU, nơi đã tăng chi tiêu quân sự kể từ khi nổ ra xung đột Nga - Ukraine, trong khi một số nước chứng kiến sụt giảm đầu tư nước ngoài.

Đầu năm nay, ông Trump đã cảnh báo các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rằng nếu trở thành tổng thống, ông sẽ khuyến khích Nga "muốn làm gì thì làm" nếu các thành viên liên minh không đạt mục tiêu chi tiêu quốc phòng.

Ba Lan đặc biệt gây áp lực lên EC để tăng chi tiêu quốc phòng. Nước này đã chi 4,1% GDP cho quân đội trong năm nay, gấp đôi mục tiêu NATO, và dự định đạt 4,7% vào năm 2025.

Nhìn chung, các nước EU cho đến nay đã chi tiêu tương đối ít từ quỹ này vì ưu tiên sử dụng hàng tỷ euro từ quỹ phục hồi được cung cấp sau đại dịch COVID-19. Quỹ này sẽ hết hạn vào năm 2026.

Việc chuyển hướng chính sách để tăng cường chi tiêu liên quan đến quốc phòng cũng sẽ được các nước đóng góp ròng vào ngân sách EU như Đức, Hà Lan và Thụy Điển hoan nghênh. Các nước này xem việc sử dụng quỹ hiện có là tốt hơn so với phát hành nợ chung hoặc cung cấp thêm tài trợ từ EU.

Thay đổi trong chính sách của EU là khởi đầu cho việc liên minh sẽ tập trung đầu tư mạnh mẽ hơn vào ngân sách quốc phòng cho những năm tới.

 

 

CHÂU ÂU TĂNG SỨC ÉP ĐỂ BUỘC TRUMP ỦNG HỘ UKRAINE

Các lãnh đạo châu Âu mới đây đã họp sau chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump.

Trong cuộc họp, các lãnh đạo châu Âu cho biết họ nhất trí về nhu cầu phải chịu trách nhiệm nhiều hơn cho an ninh của chính mình và ít phụ thuộc hơn vào Mỹ.

Việc tái đắc cử của ông Trump là một thách thức lớn đối với châu Âu, mở ra một thời kỳ bất ổn hơn vào thời điểm châu lục này đang phải vật lộn để tìm kiếm sự thống nhất, trong khi hai cường quốc lớn nhất của châu Âu là Đức vừa mới sụp đổ và Pháp đang suy yếu.

Mối quan hệ của ông Trump với nhiều đồng cấp châu Âu của ông đã không ổn định trong phần lớn nhiệm kỳ đầu tiên của ông. Kể từ đó, ông Trump đã tuyên bố sẽ không bảo vệ các đồng minh châu Âu trừ khi họ đáp ứng các mục tiêu của NATO về chi tiêu quốc phòng, bày tỏ sự hoài nghi về quy mô hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine và đề xuất thuế quan đối với hàng nhập khẩu sẽ gây tổn hại cho các nhà sản xuất châu Âu.

"Đã có sự nhất trí rằng châu Âu nên chịu trách nhiệm nhiều hơn cho hòa bình và an ninh của mình. Nói thẳng ra, chúng ta không thể chờ đợi Mỹ bảo vệ chúng ta" - Thủ tướng Hungary Viktor Orban phát biểu sau khi hơn 40 nhà lãnh đạo châu Âu họp tại Budapest tại hội nghị thượng đỉnh của Cộng đồng Chính trị châu Âu (EPC).

EPC được thành lập sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine vào năm 2022 nhằm liên kết EU và các nước láng giềng như Anh, Thổ Nhĩ Kỳ và chính Ukraine.

Thủ tướng Orban là một trong số ít đồng minh thân cận của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump trong số các nhà lãnh đạo châu Âu và đã hoan nghênh việc ông Trump tái đắc cử.

Các nhà lãnh đạo khác cũng có thông điệp tương tự về việc tăng cường quốc phòng châu Âu.

Trong một dấu hiệu cho thấy những thách thức lớn mà châu Âu phải đối mặt sau chiến thắng của ông Trump, các nhà lãnh đạo châu Âu khác không đồng tình với Thủ tướng Orban về việc hỗ trợ Ukraine. Nhà lãnh đạo Hungary đã nói rằng châu Âu phải xem xét lại sự hỗ trợ đó, trong khi những người khác muốn duy trì điều này.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen là một trong số nhiều người nhấn mạnh tầm quan trọng của việc châu Âu và Mỹ tiếp tục ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến với Nga.

Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết vẫn còn quá sớm để dự đoán ông Trump sẽ thực hiện chính sách như thế nào, nhưng một nước Mỹ mạnh mẽ sẽ tốt cho châu Âu và ngược lại.

Những lãnh đạo khác đã thẳng thắn bày tỏ mối quan ngại của họ về ông Trump. Thủ tướng Phần Lan Petteri Orpo cho biết ông quan ngại về viễn cảnh chiến tranh thương mại: "Điều đó không được phép xảy ra. Bây giờ chúng ta hãy cố gắng tác động đến chính sách tương lai của Mỹ và ông Trump để ông ấy hiểu được những rủi ro liên quan".

Thêm vào sự bất ổn bao trùm cuộc họp ở Budapest, Chính phủ ba đảng của Đức đã tan rã vào tối 6/11 khi Thủ tướng Olaf Scholz sa thải Bộ trưởng Bộ Tài chính Liên bang Đức và mở đường cho một cuộc tổng tuyển cử.

"Một điều chắc chắn là châu Âu không mạnh nếu không có một nước Đức mạnh" - Chủ tịch Nghị viện châu Âu Roberta Metsola tuyên bố.

 

 

EU & LỜI HỨA 1 TRIỆU QUẢ ĐẠN PHÁO CHO UKRAINE

Thông qua cam kết của EU và các thỏa thuận song phương, tổng cộng số quả đạn pháo sẽ được cung cấp cho Ukraine thậm chí còn vượt xa con số 1 triệu.

Liên minh châu Âu (EU) đã chuyển giao 980.000 quả đạn pháo cho Ukraine, trong số 1 triệu quả đạn đã hứa vào tháng 3 năm ngoái.

Thông tin trên được Đại diện cấp cao của EU về Chính sách đối ngoại và An ninh Josep Borrell công bố trong một cuộc phỏng vấn với European Pravda hôm 11/11.

"Chúng tôi đã gần hoàn thành rồi. Chúng tôi đã chuyển giao hơn 980.000 quả đạn pháo và chúng tôi sẽ sớm chuyển giao đủ 1 triệu quả. Tôi biết rằng chúng tôi đã cam kết đạt được mục tiêu này vào mùa xuân và chúng tôi đã thất bại. Nhưng đến cuối năm, chúng tôi sẽ có thể làm được. Và chúng tôi đã đẩy nhanh nỗ lực của mình vì mục đích này", ông Borrell nói.

Ngoài ra, theo nhà ngoại giao hàng đầu EU, rất nhiều đạn pháo đã được cung cấp cho Ukraine theo các thỏa thuận song phương giữa các quốc gia thành viên của khối và Ukraine, cũng như theo sáng kiến của Cộng hòa Séc, được gọi là "Kế hoạch Séc".

Tổng cộng, đến cuối năm, các nước EU sẽ cung cấp hơn 1,5 triệu quả đạn pháo cho Ukraine. Các lực lượng Nga có tỉ lệ hỏa lực mạnh hơn các lực lượng Ukraine là 5-1 trên chiến trường.

Vấn đề với việc chuyển giao đạn pháo chủ yếu nằm ở việc đánh giá quá cao năng lực sản xuất của EU.

Theo ông Borrell, nếu EU có thể "giữ nguyên phong độ" vào năm 2025, họ sẽ có thể tiếp tục cung cấp cho Ukraine cùng một lượng đạn dược như năm nay.

"Khi chúng tôi hứa sẽ đạt mức 1 triệu quả đạn pháo mỗi năm vào mùa xuân, chúng tôi không biết năng lực sản xuất thực tế là bao nhiêu và nó không cao như chúng tôi nghĩ. Nhưng bây giờ chúng tôi đã có năng lực sản xuất này", ông Borrell giải thích.

Một cuộc điều tra của một nhóm các nhà báo Ukraine và châu Âu tiết lộ rằng EU đã ước tính quá cao năng lực sản xuất đạn pháo 155 mm của mình, tăng gấp đôi sản lượng dự kiến. Điều này đã gây nguy hiểm cho thỏa thuận cung cấp đạn pháo cho Ukraine.

Mặc dù Ủy ban châu Âu (EC) – cơ quan điều hành EU – tuyên bố hồi tháng 3 rằng họ đã làm việc để đưa năng lực sản xuất đạn pháo 155 mm của châu Âu lên 1 triệu quả/năm vào đầu năm, nhưng năng lực sản xuất thực tế, theo ước tính của gã khổng lồ công nghiệp quốc phòng Đức Rheinmetall tính đến tháng 1/2024, là 550.000 viên đạn mỗi năm.

Thông tin này trùng khớp với báo cáo công khai của Bộ Quốc phòng Estonia được đưa ra vào tháng 12 năm ngoái. Báo cáo ước tính năng lực sản xuất của EU vào khoảng 600.000 quả đạn pháo mỗi năm.

Theo đại diện của các công ty vũ khí, vấn đề nằm ở tình trạng thiếu thuốc súng và thuốc nổ trên toàn cầu. Ngoài ra còn do thiếu vốn để tài trợ cho ngành công nghiệp này, vì các chính phủ phương Tây không muốn ký hợp đồng dài hạn với ngành công nghiệp này.

 

 

NGƯỜI TÂY BAN NHA PHẪN NỘ SAU TRẬN LŨ LỊCH SỬ

Hàng chục nghìn người Tây Ban Nha xuống đường bày tỏ nỗi phẫn nộ, yêu cầu lãnh đạo vùng Valencia từ chức vì cách ứng phó với trận lũ thảm khốc khiến hơn 200 người chết.

Hàng chục nghìn người biểu tình ngày 9/11 tập trung trước tòa thị chính Valencia, miền đông Tây Ban Nha, mang theo lá cờ màu vàng 4 sọc đỏ của vùng này cùng những bức ảnh có chữ "DANA 2024", tên hiện tượng thời tiết "áp thấp biệt lập ở độ cao lớn" hình thành ở Địa Trung Hải và gây mưa lớn tại Tây Ban Nha.

Cơ quan khí tượng Tây Ban Nha (AEMET) hôm 25/10 đã phát cảnh báo về DANA. Đến ngày 29/10, họ nâng cảnh báo lên mức đỏ, cấp cao nhất, khi DANA lơ lửng ở đông nam Tây Ban Nha trong nhiều giờ và gây mưa lớn. Đây là lần DANA nghiêm trọng nhất được ghi nhận trong thế kỷ 21.

Đám đông kéo về quảng trường trước tòa thị chính Valencia bày tỏ nỗi tức giận với phản ứng chậm chạp của chính quyền khi lũ lụt xảy ra.

DANA khiến một số khu vực ở miền đông Tây Ban Nha hứng lượng mưa bằng cả năm chỉ trong vài giờ ngày 29/11. Mưa to gây lũ lụt nghiêm trọng phá hủy hàng loạt thị trấn, hàng nghìn người mắc kẹt. Ở vài nơi, lượng mưa đạt mức 50,8 cm (500 lít/m2).

Trận lũ khiến ít nhất 220 người thiệt mạng, trong đó 212 người ở vùng Valencia. Nhiều thành phố, thị trấn trong khu vực vẫn ngập trong bùn đất. Nỗ lực tìm kiếm thi thể nạn nhân vẫn chưa kết thúc, khi nhiều người còn mắc kẹt trong tầng hầm hoặc ôtô bị vùi lấp.

Nhiều người dân ở Valencia cho hay họ chỉ nhận được cảnh báo lũ lụt từ chính quyền khi xe của họ bắt đầu bị cuốn trôi. Nước lũ dâng lên quá nhanh cũng khiến nhiều người không kịp sơ tán, mắc kẹt trong nhiều ngày.

Cuộc biểu tình do các tổ chức xã hội và dân sự tổ chức. Họ hô vang khẩu hiệu yêu cầu lãnh đạo vùng Valencia Carlos Mazon, 50 tuổi, từ chức và chịu trách nhiệm trước trận lũ thảm khốc.

Một số người cầm biểu ngữ "Các người đã giết chúng tôi", ném bùn đất lên mặt tiền trụ sở chính quyền vùng.

AEMET đã ban hành cảnh báo đỏ về nguy cơ thiên tai từ 7h30 ngày 29/10, trước khi xảy ra thảm họa lũ quét. Một số khu dân cư bắt đầu bị ngập lụt lúc 18h cùng ngày, nhưng phải đến 20h, chính quyền vùng Valencia mới gửi cảnh báo tới điện thoại di động của người dân.

Người biểu tình chạm trán lực lượng cảnh sát chống bạo động. Đám đông hô khẩu hiệu cáo buộc cảnh sát "bảo vệ kẻ sát nhân" và "đáng xấu hổ".

Cảnh sát sau đó ào lên, tìm cách giải tán những người tụ tập tại quảng trường. Theo giới chức vùng, hơn 130.000 người đã tham gia cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử Valencia. Đám đông lớn tới mức khi những người đầu tiên đi đến cuối phố, hàng nghìn người vẫn đang có mặt ở điểm xuất phát tại quảng trường.

Bà Sara Sanchez Gurillo tham gia biểu tình vì anh rể Candido Molina Pulgarin, 62 tuổi, thiệt mạng trong trận lũ. Thi thể ông nằm trên trang trại trồng cam bị nước lũ bủa vây ở thị trấn Cheste, phía tây Valencia.

Bà muốn ông Mazon từ chức, đồng thời bày tỏ thái độ gay gắt đối với các lãnh đạo Tây Ban Nha. "Những gì xảy ra thật đáng xấu hổ", Sanchez nói. "Họ thừa biết trời sắp mưa to nhưng không thèm cảnh báo ai, không tổ chức sơ tán. Chúng tôi yêu cầu họ từ chức".

"Chính quyền trung ương cũng phải chịu trách nhiệm. Họ nên điều quân đội tới hỗ trợ sớm hơn. Quốc vương nên ban bố lệnh điều quân. Tại sao chúng tôi muốn Tây Ban Nha vẫn có vua? Nhưng ông ấy không làm gì hết. Người dân đơn độc. Họ đã bỏ mặc chúng tôi".

Người dân hô khẩu hiệu phản đối ông Mazon, lãnh đạo thuộc đảng Nhân dân bảo thủ, vì phản ứng chậm chạp trước thiên tai.

Sau trận lũ, hàng nghìn tình nguyện viên đã có mặt tại khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở vùng ngoại ô phía nam Valencia. Nhiều ngày sau, giới chức mới huy động cảnh sát và binh sĩ tới hỗ trợ, sau khi chính quyền khu vực yêu cầu chính quyền trung ương điều quân.

Ông Mazon cho rằng quy mô cuộc khủng hoảng không thể lường trước và chính quyền địa phương đã không được chính phủ trung ương cảnh báo toàn diện. Ông cùng Vua Felipe VI và Thủ tướng Pedro Sanchez đã bị người dân la ó, ném bùn khi đến thăm khu vực chịu thiệt hại nặng hôm 3/11.

Những người tổ chức biểu tình cũng ra tuyên bố lên án chính phủ của Thủ tướng Sanchez, cho rằng họ "cần lập tức gây sức ép mạnh với chính quyền vùng Valencia để triển khai mọi nguồn nhân lực sẵn có, giúp đỡ người dân tái thiết sau thảm họa".

Tại Tây Ban Nha, chính quyền các vùng có trách nhiệm tiến hành các hoạt động bảo vệ người dân trong thiên tai, lũ lụt và có thể yêu cầu chính quyền trung ương cung cấp nguồn lực hỗ trợ.

Ông Mazon bày tỏ tôn trọng cuộc biểu tình, cho rằng "sẽ tới lúc giới chức phải chịu trách nhiệm", nhưng bây giờ "là thời điểm tiếp tục dọn dẹp đường phố, giúp đỡ mọi người và tái thiết cuộc sống".

 

Nguồn: Nhịp Cầu Đầu Tư; Báo Tin Tức; VTV; Người Đưa Tin; Vnexpress

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang