EU: Mong muốn tự bảo vệ; Các thách thức kinh tế; Ngành pin xe điện lâm nguy; Ủng hộ thắt lưng buộc bụng; ‘Át chủ bài’ cuối cùng ở Kiev

EU MUỐN XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG CÓ THỂ TỰ BẢO VỆ

Các quốc gia thành viên Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cần tăng chi tiêu quốc phòng lên tương đương 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), bởi đây là mức có thể giúp châu Âu triển khai các kế hoạch an ninh tốt hơn.

Nhận định này của giới chức NATO cho thấy, việc xây dựng một châu Âu có thể tự bảo vệ mình và phản ứng nhanh chóng với các cuộc khủng hoảng trong tương lai đang được đặt ra một cách cấp thiết.

Đô đốc Rob Bauer, Chủ tịch Ủy ban Quân sự của NATO kêu gọi các quốc gia thành viên chi tiêu cho quốc phòng nhiều hơn mức 2% GDP đã cam kết; đồng thời cảnh báo kế hoạch phòng thủ của liên minh sẽ không thể hoàn thành nếu các quốc gia thành viên không đầu tư nhiều hơn cho quân đội. Ông Rob Bauer khẳng định, để thực hiện các kế hoạch mới, tỷ lệ chi cho quốc phòng trong GDP phải đạt gần 3%, thay vì 2% như đã thỏa thuận năm 2014.

Theo Đô đốc Rob Bauer, sau khi ông Donald Trump quay lại Nhà Trắng sẽ có những cuộc thảo luận "căng thẳng hơn" về việc châu Âu và Canada sẽ phải chi bao nhiêu cho quốc phòng. Đặc biệt, trong bối cảnh những bước tiến của quân đội Nga ở Ukraine đang mang lại ưu thế cho Tổng thống Vladimir Putin và mâu thuẫn giữa Nga với các nước châu Âu ngày càng gia tăng, việc tăng chi tiêu quốc phòng phải được giải quyết nhanh chóng.

Ông Donald Trump muốn nâng cao tiêu chuẩn cho NATO khi cam kết, nếu quay trở lại Nhà Trắng sẽ thúc đẩy các thành viên liên minh tăng ngân sách quốc phòng từ 2% đến 3% GDP. Năm 2014, các thành viên NATO đã nhất trí về mục tiêu 2% GDP để duy trì khả năng sẵn sàng tác chiến của liên minh. Sau 10 năm thực hiện, năm 2024, có 23/32 quốc gia thành viên đạt hoặc vượt mức chi tiêu quốc phòng 2% GDP, trong đó, Ba Lan, Estonia, Mỹ, Latvia và Hy Lạp vượt ngưỡng 3% GDP. Nhiều quốc gia châu Âu đang phải gánh những khoản nợ khổng lồ cho việc hiện đại hóa quân đội, như Cộng hòa Séc, đang có khoản nợ lên tới 600 tỷ CZK (khoảng 25 tỷ USD).

Sau hơn 2 năm Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, mức độ sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh quy mô lớn của NATO vẫn ở mức thấp. Cam kết về mục tiêu 2% GDP được đưa ra để ứng phó với việc Nga sáp nhập Crimea cách đây một thập kỷ, nhưng hiện tại châu Âu phải đối mặt với cuộc xung đột trực tiếp từ Nga. Điều này có nghĩa là các nước châu Âu phải làm nhiều hơn so với những năm Chiến tranh Lạnh để nhanh chóng xây dựng năng lực phòng thủ.

Trong cuộc xung đột với Ukraine, Nga đã chuyển đổi phần lớn nền kinh tế của mình sang kinh tế thời chiến và tăng chi tiêu quân sự thêm khoảng 6% vào năm 2023 và 2024. Một số chuyên gia cảnh báo, nếu Mátxcơva tiếp tục những nỗ lực quân sự, quân đội của nước này có thể thử thách các nước liên minh châu Âu và Điều 5 của Hiệp ước NATO. Nếu các chính phủ châu Âu muốn đối phó với một kịch bản như vậy, họ phải hành động nhanh chóng và ưu tiên ngân sách phù hợp.

Cuộc chiến ở Ukraine đã nhắc nhở các nước phương Tây phải chi nhiều hơn cho quốc phòng để bảo đảm an ninh và khả năng răn đe của chính mình. Mỹ luôn chuẩn bị cho nguy cơ chiến tranh, đã quen với việc chi hơn 10% ngân sách để duy trì năng lực quốc phòng. Nga cũng đã dành hơn 10% ngân sách cho chi tiêu quân sự trong 20 năm qua và đã tăng tỷ lệ này lên gần 16% vào năm 2023 cho cuộc chiến ở Ukraine.

Tuy nhiên, tại châu Âu, các chính phủ cho thấy sự khác nhau trong việc điều chỉnh ngân sách để ứng phó với mối đe dọa mới ở sườn phía Đông. Một số nước đã ưu tiên ngân sách cho quốc phòng như Ba Lan ở mức 4,12% GDP trong năm 2024 và dự kiến lên tới 4,5% GDP trong năm 2025. Nhưng cũng có những nước Tây Âu ít thay đổi trong ngân sách quốc phòng. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Bồ Đào Nha Ana Isabel Xavier cũng thừa nhận: “Thực tế là Bồ Đào Nha, vào thời điểm này, vẫn chưa đạt được 2% GDP. Chúng tôi đang cố gắng thực hiện điều đó vào năm 2029”.

Châu Âu có tự chủ hơn hay không sẽ phụ thuộc vào việc các nước có ưu tiên ngân sách quốc phòng hay không? Nhà phân tích của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), ông Franz-Stefan Gady nhận định, sau chiến thắng của ông Donald Trump, các thành viên NATO ở châu Âu sẽ tăng tốc chi tiêu quốc phòng để chứng minh họ đang thực sự làm gì đó để bảo vệ mình. Các cuộc thảo luận đang dần hướng tới ngưỡng chi tiêu quốc phòng mới, với tỷ lệ 3% GDP. Đây có thể sẽ là một trong những chủ đề chính của hội nghị thượng đỉnh NATO vào năm tới tại La Haye, Hà Lan.

 

 

KINH TẾ ĐỐI MẶT THÁCH THỨC

Lạm phát của châu Âu vẫn ở mức cao, chịu ảnh hưởng bởi sự gián đoạn chuỗi cung ứng và giá năng lượng tăng vọt. Bên cạnh đó, bất ổn địa chính trị cũng góp phần cản đà phục hồi tăng trưởng của khu vực.

Nền kinh tế châu Âu đang phải đối mặt với những thách thức gia tăng, do cú sốc năng lượng tái diễn từ những căng thẳng địa chính trị đáng chú ý, như xung đột Nga-Ukraine, sự gián đoạn liên tục của chuỗi cung ứng toàn cầu và áp lực lạm phát. Vậy châu Âu cần làm gì để giảm thiểu các rào cản kinh tế và đảm bảo tăng trưởng dài hạn. Trang mạng moderndiplomacy.eu vừa đăng bài phân tích của nhà nghiên cứu Sekarsari Sugihartono thuộc Đại học Gadjah Mada bình luận về vấn đề này như sau:

Cú sốc năng lượng và hậu quả kinh tế

Sự phụ thuộc lớn của châu Âu vào khí đốt và dầu mỏ của Nga đã khiến lục địa này phải chịu sự biến động giá năng lượng nghiêm trọng, kể từ khi cuộc xung đột Nga – Ukraine nổ ra. Chỉ tính riêng năm 2022, lạm phát ở Khu vực đồng euro (Eurozone) đã tăng vọt, chủ yếu do chi phí năng lượng leo thang. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng các cú sốc năng lượng, đặc biệt là giá khí đốt tăng vọt, là một trong những nguyên nhân chính góp phần đáng kể vào chỉ số lạm phát cơ bản ở châu Âu.

Trong năm 2022, lạm phát của Eurozone đã tăng lên ngưỡng kỷ lục, khoảng 7,8% và bắt đầu giảm nhẹ vào năm 2023. Áp lực lạm phát gây căng thẳng cho thu nhập của các hộ gia đình và làm gián đoạn các ngành công nghiệp, đặc biệt là những ngành tiêu thụ nhiều năng lượng, chẳng hạn như sản xuất.

Cú sốc năng lượng do bất ổn địa chính trị gây ra đã dẫn đến chi phí năng lượng cao kỷ lục, ảnh hưởng đến các quốc gia có mức tiêu thụ năng lượng cao và nguồn tài nguyên tái tạo hạn chế. Các nền kinh tế đầu tàu như Đức, với ngành sản xuất chiếm tỷ trọng đáng kể trong Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), đã bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) lưu ý, các cú sốc từ phía cung, liên quan đến năng lượng, chiếm gần 25% mức tăng lạm phát lõi, đánh dấu khoản biến thiên về giá chưa từng có so với các đợt lạm phát trước đây.

Gián đoạn chuỗi cung ứng và sự chậm lại của ngành công nghiệp

Chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng dễ bị tổn thương trước những tác động gây gián đoạn, từ đại dịch COVID-19 đến nhân tố địa chính trị, làm gia tăng căng thẳng kinh tế ở châu Âu. Những gián đoạn này ảnh hưởng đến đầu vào và đầu ra của sản xuất, dẫn đến hiệu quả sản xuất giảm và thời gian giao hàng dài hơn. Ví dụ, các ngành như sản xuất ô tô, đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế châu Âu, đã phải đối mặt với hạn chế về sản lượng do thiếu hụt các thành phần thiết yếu như chất bán dẫn (chip) và nguyên liệu thô. Theo báo cáo của Accenture, sự gián đoạn chuỗi cung ứng ước tính khiến GDP của châu Âu mất tới 920 tỷ euro (964,81 tỷ USD) vào năm 2023.

Ngoài ra, bản chất phức tạp, phụ thuộc lẫn nhau của chuỗi cung ứng cũng đã làm trầm trọng thêm những thách thức này. Chuỗi cung ứng của châu Âu phụ thuộc vào sự hội nhập xuyên biên giới, điều này làm tăng tính dễ bị tổn thương trước tình trạng tắc nghẽn toàn cầu và đòi hỏi phải thay đổi về mặt cấu trúc. Các quốc gia phụ thuộc nhiều vào hàng nhập khẩu, chẳng hạn như Italy và Đức, đang tích cực đánh giá lại các chiến lược chuỗi cung ứng của mình, kết hợp các biện pháp phục hồi và đa dạng hóa các nhà cung cấp để giảm thiểu sự gián đoạn trong tương lai.

Lạm phát dai dẳng

Lạm phát của châu Âu vẫn ở mức cao, chịu ảnh hưởng bởi tác động kép từ sự gián đoạn chuỗi cung ứng và giá năng lượng tăng vọt. Lạm phát lõi, không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm, cũng tăng do áp lực chi phí rộng khắp đối với hàng hóa và dịch vụ. Các nhà phân tích cho rằng xu hướng này là do sự kết hợp phức tạp giữa nhu cầu cao sau khi các hạn chế do đại dịch COVID-19 được nới lỏng, giá hàng hóa tăng và hạn chế về nguồn cung kéo dài.

Để ứng phó, ECB đã duy trì lập trường tiền tệ thắt chặt. Động thái này giúp hạ nhiệt lạm phát, nhưng làm hạn chế đà phục hồi kinh tế. Các nhà hoạch định chính sách phải cân bằng giữa việc kích thích tăng trưởng và kiểm soát lạm phát, vì lạm phát không được kiểm soát có nguy cơ làm xói mòn sức mua của người tiêu dùng và có thể làm giảm hoạt động kinh tế.

Phản ứng chiến lược và triển vọng tương lai

Để vượt qua những thách thức, châu Âu đang tập trung vào nhiều chiến lược chính. Thứ nhất, đó là độc lập năng lượng và chuyển đổi xanh. Với chiến lược này, châu Âu đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh để giảm sự phụ thuộc vào thị trường năng lượng biến động. Tăng đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo, chẳng hạn như gió và Mặt trời, là điều cần thiết để giảm bớt tác động kinh tế của các cú sốc năng lượng trong tương lai. Bằng cách củng cố an ninh năng lượng, châu Âu đặt mục tiêu giảm thiểu áp lực lạm phát bắt nguồn từ giá năng lượng tăng đột biến.

Thứ hai đó là nâng cao khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng. Theo đó, việc giải quyết các lỗ hổng của chuỗi cung ứng thông qua đa dạng hóa và tìm nguồn cung ứng tại địa phương hiện là ưu tiên hàng đầu. Các ngành công nghiệp trong khu vực đang áp dụng phương pháp tiếp cận "phòng ngừa", bao gồm phát triển các kênh phân phối linh hoạt và tăng cường giám sát chuỗi cung ứng kỹ thuật số. Phương pháp tiếp cận này nhằm mục đích giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp duy nhất và giảm thiểu sự gián đoạn từ các sự kiện địa chính trị quốc tế.

Thứ ba đó là điều chỉnh tài chính và quy định. Các nhà hoạch định chính sách đang sử dụng các biện pháp tài chính để nhắm trực tiếp vào các nút thắt và hỗ trợ những ngành bị ảnh hưởng bởi giá năng lượng cao và hạn chế nguồn cung. Ví dụ, các điều chỉnh quy định hợp lý hóa quy trình hải quan và hậu cần và thúc đẩy sự tham gia của thị trường lao động đang được xem xét, từ đó giảm bớt áp lực lạm phát và hỗ trợ ổn định kinh tế dài hạn.

Cuối cùng đó là điều chỉnh lại chính sách tiền tệ. Việc ổn định kỳ vọng lạm phát trung hạn là rất quan trọng, vì lạm phát kéo dài có thể làm mất ổn định quá trình phục hồi kinh tế và ngăn cản đầu tư trên khắp châu Âu.

Sự tương tác giữa các cú sốc năng lượng, gián đoạn chuỗi cung ứng và áp lực lạm phát tạo nên một môi trường đầy thách thức cho châu Âu. Trong khi các điều chỉnh về mặt cấu trúc trong chính sách năng lượng và khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng là then chốt, thì sự phối hợp chính sách và khả năng thích ứng bền vững là cần thiết để thúc đẩy ổn định kinh tế.

Sự nhấn mạnh chiến lược của châu Âu vào năng lượng tái tạo, chuỗi cung ứng đa dạng và chính sách tiền tệ thận trọng có thể cung cấp một con đường để giảm thiểu các rào cản kinh tế và đảm bảo tăng trưởng dài hạn.

 

 

MỐI NGUY VỚI NGÀNH CÔNG NGHIỆP PIN XE: BỊ TRUNG QUỐC VƯỢT MẶT 10 NĂM

Kế hoạch tạo ra một ngành công nghiệp pin hùng mạnh của châu Âu đang đứng trước rào cản lớn.

Mới đây, Công ty Northvolt (Thụy Điển) đã nộp đơn xin phá sản theo Chương 11 của Mỹ vào ngày 21/11 sau khi các cuộc đàm phán với các nhà đầu tư và chủ nợ gồm Volkswagen và Goldman Sachs không thành công.

Công ty là niềm hy vọng lớn nhất của châu Âu trong ngành công nghiệp pin nhằm cung cấp năng lượng cho ô tô điện tại lục địa này. Công ty Thụy Điển đã nhận được hơn 10 tỷ USD vốn cổ phần, nợ và tài chính công kể từ khi thành lập vào năm 2016. Volkswagen và Goldman Sachs mỗi bên sở hữu khoảng 1/5 cổ phần.

Northvolt cho biết vào ngày 22/11 rằng họ cần nguồn vốn mới từ 1 - 1,2 tỷ USD cho quá trình tái cơ cấu và hy vọng quá trình này sẽ kết thúc vào cuối tháng 3.

Trong những tháng gần đây, công ty đã thu hẹp hoạt động kinh doanh và cắt giảm việc làm nhằm củng cố tài chính. Tuy nhiên, hãng đã gặp khó khăn trong việc sản xuất đủ số lượng pin chất lượng cao và mất hợp đồng trị giá 2 tỷ euro (tương đương 2,1 tỷ USD) từ BMW vào tháng 6. Điều đó khiến tham vọng xây dựng ngành công nghiệp pin của riêng châu Âu trở thành một giấc mơ xa vời.

Những năm gần đây, Northvolt dẫn đầu làn sóng startup châu Âu đầu tư hàng chục tỷ USD để phục vụ các nhà sản xuất ô tô châu lục này khi họ chuyển từ động cơ đốt trong sang xe điện. Tuy nhiên sự tăng trưởng về nhu cầu xe điện đang diễn ra với tốc độ chậm hơn so với dự đoán và Trung Quốc đã dẫn đầu trong việc cung cấp năng lượng cho xe điện - với 85% sản lượng pin toàn cầu.

Sản xuất pin và tế bào, các thiết bị lưu trữ là một quá trình phức tạp và thực hiện quy trình đó ở quy mô lớn là một thách thức đối với bất kỳ nhà sản xuất pin nào.

Andy Palmer, người sáng lập công ty tư vấn Palmer Automotive cho biết: “Vấn đề lớn nhất là pin không dễ sản xuất và Northvolt chưa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng – đó là vấn đề về quản lý. Người Trung Quốc đi trước phương Tây 10 năm về mặt công nghệ về pin, đó là sự thật", ông nói.

Theo Reuters, có ít nhất 8 công ty đã hoãn hoặc từ bỏ các dự án pin xe điện ở châu Âu trong năm nay, bao gồm Svolt của Trung Quốc và liên doanh ACC thuộc Stellantis và Mercedes-Benz.

Theo công ty dữ liệu Benchmark Minerals, vào năm 2024, công suất đường ống pin của châu Âu tính đến năm 2030 đã giảm 176 GWh. Các kế hoạch sản xuất pin xe điện ở châu Âu đã bị sa lầy bởi những rào cản thuế quan, các vấn đề về sản xuất và nhu cầu xe điện chậm hơn dự kiến.

Một số giám đốc điều hành cho rằng châu Âu nên làm nhiều hơn để thu hút và hỗ trợ các dự án "cây nhà lá vườn" để họ có thể cạnh tranh với các đối thủ Trung Quốc như CATL và BYD.

James Frith, Giám đốc khu vực Châu Âu của Volta Energy Technologies cho biết: “Châu Âu cần suy nghĩ lại về cách hỗ trợ một lĩnh vực non trẻ trước khi Trung Quốc nuốt chửng toàn bộ chuỗi giá trị nhờ vào kế hoạch thông minh”.

Trong số khoản nợ 5,8 tỷ USD, Northvolt nợ Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB) khoảng 313 triệu USD. Phó chủ tịch EIB Thomas Östros cho biết họ là đối tác mang tính xây dựng với Northvolt, nhưng họ cần bảo vệ lợi ích của EIB và EU.

Chính phủ Thụy Điển đã nhiều lần cho biết họ không có kế hoạch mua cổ phần tại Northvolt. Cũng trong ngày 22/11, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập của Northvolt, Peter Carlsson, cho biết ông lo lắng về việc châu Âu đang từ bỏ giấc mơ cạnh tranh với Trung Quốc.

Ông cho biết châu Âu sẽ hối tiếc sau 20 năm nữa nếu rút lui.

 

 

EU ỦNG HỘ DỰ THẢO NGÂN SÁCH THẮT LƯNG BUỘC BỤNG

EC đánh giá việc cam kết giảm thâm hụt ngân sách từ 6,2% GDP trong năm 2024 xuống còn 5% vào năm 2025, trước khi quay lại mức 2,8% vào năm 2029, cho thấy lộ trình tài chính đáng tin cậy của Pháp.

Ngày 26/11, Liên minh châu Âu (EU) đã ủng hộ dự thảo ngân sách “thắt lưng buộc bụng” của Pháp cho năm 2025, trong bối cảnh nước này đang lâm vào bế tắc chính trị có khả năng khiến chính phủ sụp đổ.

Theo báo cáo đánh giá thường kỳ về kế hoạch ngân sách của các quốc gia thành viên, Ủy ban châu Âu (EC) đánh giá việc cam kết giảm thâm hụt ngân sách từ 6,2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2024 xuống còn 5% vào năm 2025, trước khi quay lại mức 2,8% vào năm 2029, cho thấy lộ trình tài chính đáng tin cậy của Pháp. Ngân sách năm 2025 của Pháp cũng được cho là phù hợp với các khuyến nghị của EU.

Sự ủng hộ của EU sẽ là động lực đối với Thủ tướng Pháp Michel Barnier để đưa kế hoạch kinh tế của mình vượt qua sự phản đối từ các đảng phái chính trị khác.

Tháng 7 vừa qua, EU đã cảnh báo Pháp vi phạm mức thâm hụt ngân sách 3% mà các thành viên khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) phải tuân thủ, đồng thời đưa nước này vào nhóm các quốc gia cần xem xét thủ tục thâm hụt quá mức, gồm Bỉ, Hungary, Italy, Malta, Ba Lan, Romania và Slovakia.

Ngày 26/11, EC cũng đã cảnh báo Áo - nước có mức thâm hụt dự kiến 3,6% trong năm 2024, có thể bị liệt vào danh sách này.

Sau các cuộc đàm phán với EU, Chính phủ Pháp đã đưa ra dự thảo ngân sách “thắt lưng buộc bụng” với các biện pháp cắt giảm chi tiêu và tăng thuế trị giá 60 tỷ euro (63 tỷ USD). Động thái này vấp phải sự chỉ trích từ thủ lĩnh phe cực hữu, bà Marine Le Pen, người từng đe dọa sẽ xúc tiến một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm nếu kế hoạch trên của chính phủ được thông qua.

Thủ tục thâm hụt quá mức là quy trình do EU áp dụng nhằm đảm bảo các quốc gia thành viên tuân thủ những quy tắc về kỷ luật tài chính. Quy trình này được kích hoạt khi một quốc gia có thâm hụt ngân sách vượt quá 3% GDP hoặc có tỷ lệ nợ trên GDP cao hơn 60%. Các nước thuộc diện này sẽ có thời gian điều chỉnh chính sách tài chính để tránh các biện pháp trừng phạt.

Trong trường hợp các quốc gia không đạt được mục tiêu giảm thâm hụt hoặc các cam kết giảm không đủ, khoản phạt 0,05% GDP quốc gia có thể được áp dụng 6 tháng một lần, với tổng số tiền phạt cuối cùng có thể lên tới 0,1% GDP mỗi năm (thay vì khoản ký quỹ không tính lãi lên tới 0,5% GDP theo quy định trước đây).

 

 

ÁT CHỦ BÀI TRONG “NƯỚC CỜ CUỐI CÙNG” CỦA LIÊN MINH Ở UKRAINE

Hiện tại, không chỉ Ukraine lo ngại ông Trump sẽ đàm phán một thỏa thuận ngừng bắn có lợi cho phía Nga. Các nước châu Âu cũng lo ngại điều này bởi một hiệp ước với các điều khoản bất lợi cho Ukraine cũng sẽ không tốt cho an ninh của họ.

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Donald Trump nhiều lần cam kết sẽ nhanh chóng chấm dứt xung đột ở Ukraine. Lý do là vì ông không muốn Mỹ phải trả tiền để bảo vệ một quốc gia châu Âu xa xôi.

Nếu châu Âu tìm ra nguồn tiền để viện trợ cho Ukraine, có thể từ 300 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Nga mà phương Tây đã đóng băng khi xung đột bắt đầu, thì Tổng thống sắp tới của Mỹ có thể sẽ tìm kiếm một thỏa thuận với Tổng thống Nga Vladimir Putin với các điều khoản có lợi cho Kiev.

Hiện tại, không chỉ Ukraine lo ngại ông Trump sẽ đàm phán một thỏa thuận ngừng bắn có lợi cho phía Nga. EU, Vương quốc Anh và các quốc gia châu Âu khác cũng lo ngại điều này bởi một hiệp ước với các điều khoản bất lợi cho Ukraine cũng sẽ không tốt cho an ninh của họ. Đó là động lực để châu Âu thuyết phục ông Trump tìm kiếm một thỏa thuận tốt cho Kiev.

Nếu châu Âu chứng minh cho “bậc thầy đàm phán” thấy rằng họ có thể tìm được nguồn tiền hỗ trợ Ukraine trong trường hợp xung đột kéo dài, thì ông Trump sẽ có lý do để tìm ra một thỏa thuận như vậy.

Có một cách để ông Trump gây áp lực lên Nga. Ông có thể nói với Tổng thống Putin rằng phương Tây sẵn sàng rót thêm rất nhiều nguồn lực tài chính, quân sự để Ukraine có thể giữ vững tiền tuyến, rằng cuối cùng Nga sẽ hết cả người lẫn tiền và việc chấp nhận thỏa thuận ngay bây giờ cũng là vì lợi ích của Nga.

Đây gần như là cách tiếp cận mà ông Trump nói là ông sẽ thực hiện để chấm dứt xung đột trong 24 giờ. Đây cũng sẽ là cơ hội để chứng minh cách tiếp cận “hòa bình thông qua sức mạnh” mà ông đã cam kết trong phát biểu chiến thắng bầu cử đầu tháng 11.

Châu Âu sẽ tìm đâu ra 300 tỷ USD cho Ukraine?

Để kế hoạch này có hiệu quả, châu Âu sẽ cần phải cam kết một khoản tiền lớn ngay từ đầu, khoảng 300 tỷ USD. Con số này đủ để hỗ trợ Ukraine trong 3 năm.

Một khoản tiền như vậy không chỉ chứng minh với ông Trump rằng châu Âu cuối cùng cũng đã gánh vác trọng trách của họ ngay trên sân nhà. Nó cũng có thể khiến Tổng thống Nga Putin nhận thấy rằng Ukraine có thể chống chịu được một cuộc chiến tiêu hao.

Một cam kết kéo dài 3 năm cũng sẽ tạo động lực cho các nhà sản xuất vũ khí phương Tây mở rộng quy mô sản xuất, từ đó đem lại lợi ích kinh tế cho chính họ.

Về lý thuyết, các nước châu Âu có thể chỉ cần đảm bảo có thể cung cấp cho Ukraine khoản tiền viện trợ lớn, phần việc còn lại sẽ là của Mỹ. Con số 300 tỷ USD cũng chỉ tương đương 0,4% tổng sản lượng kinh tế của EU và Vương quốc Anh cộng lại. Nhưng vào thời điểm ngân sách eo hẹp và vẫn còn nhiều ưu tiên khác, các nước châu Âu sẽ đối mặt với nhiều khó khăn khi tìm ra một khoản tiền như vậy.

Một trong các giải pháp là huy động tài sản của ngân hàng trung ương Nga mà các nước phương Tây đã đóng băng từ năm 2022. Phần lớn trong số này (khoảng 220 tỷ USD) nằm ở các nước EU.

Tuy nhiên quan chức, đặc biệt là ở Đức và Ngân hàng Trung ương châu Âu, lâu nay vẫn miễn cưỡng tịch thu các khoản dự trữ đó. Họ lo ngại rằng điều này sẽ vi phạm luật pháp quốc tế và khiến các quốc gia khác tránh xa đồng euro.

Một giải pháp khác hợp lý hơn việc tịch thu sẽ là khoản vay bồi thường. Theo kế hoạch này, nhóm G7 sẽ cho Ukraine vay 300 tỷ USD. Đổi lại, Kiev sẽ cam kết yêu cầu Moscow bồi thường cho hậu quả của xung đột. Nếu Điện Kremlin từ chối trả tiền, các nước G7 sẽ thừa hưởng yêu cầu bồi thường đối với Nga và trừ vào số tài sản bị đóng băng, khoản tiền này sau đó sẽ là của G7.

Nếu kế hoạch này được thực hiện, cũng cần phải điều chỉnh để tính đến thực tế là G7 đã đồng ý cho Ukraine vay 50 tỷ USD từ tiễn lãi thu được trên các tài sản bị đóng băng của Nga.

EU sẽ cung cấp phần lớn khoản vay vì các thành viên của EU đang nắm giữ hầu hết số tài sản bị đóng băng của Nga. Mỹ sẽ chỉ góp một phần vào khoản vay đó, khoảng 5 tỷ USD hoặc tương đương số tài sản của Nga mà Washington đang nắm giữ để thể hiện sự đoàn kết và giảm thiểu mối đe dọa đối với đồng euro.

Nước cờ chốt hạ tất tay

Với việc ông Trump sắp trở lại Nhà Trắng và Ukraine đang ở thế bất lợi trên chiến trường, giờ là lúc cần phải đưa ra quyết định. Nếu châu Âu không tìm được tiền cho Ukraine, họ sẽ ở trong tình thế tệ hơn cả về mặt chiến lược và tài chính.

Cuộc bầu cử ở Đức vào tháng 2/2025 cũng là một yếu tố mà châu Âu phải cân nhắc. Nhà lãnh đạo trung hữu Friedrich Merz, người được cho là ứng cử viên sáng giá nhất cho vị trí thủ tướng tiếp theo, có cách tiếp cận cứng rắn hơn so với Thủ tướng đương nhiệm Olaf Scholz trong việc ủng hộ Ukraine.

Nếu châu Âu cam kết chi tiền, phần còn lại sẽ phụ thuộc vào việc ông Trump có thể đạt được một thỏa thuận tốt với ông Putin hay không.

Tiền tuyến ở Ukraine có lẽ sẽ không thay đổi nhiều. Vấn đề chính trong bất kỳ cuộc đàm phán tiềm năng nào cũng sẽ là Ukraine được đảm bảo an ninh ra sao sau lệnh ngừng bắn.

Một lệnh ngừng bắn với các đảm bảo an ninh đáng tin cậy sẽ phép khoảng 80% lãnh thổ Ukraine hiện không bị Nga kiểm soát vẫn được tự do và có chủ quyền. Cuối cùng, Ukraine có thể gia nhập EU và xây dựng lại nền kinh tế.

Ngược lại, một thỏa thuận có lợi cho Nga sẽ khiến Ukraine rơi vào thế yếu mọi bề và đó cũng là kịch bản mà các nước châu Âu không bao giờ mong muốn.

 

Nguồn: Hà Nội Mới; Bnews; CafeF; VietnamPlus; Soha

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang